Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Lá thư gửi vua Minh Mạng của tổng thống Mỹ Andrew Jackson ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.26 KB, 8 trang )

Lá thư gửi vua Minh Mạng của tổng thống Mỹ
Andrew Jackson

Ngay từ năm 1832, phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ do Edmund Roberts đã trình
quốc thư của tổng thống Mỹ Andrew Jackson lên vua Minh Mạng. Bốn năm sau,
Roberts quay lại Việt Nam nhằm ký một hiệp ước thương mại. Dù có được thiện
chí của vua Minh Mạng, song do Roberts bị bệnh đột ngột nên việc ký hiệp ước
thời đó đã không thành.

Cần nhắc lại chuyện người Mỹ đã tiếp xúc với Việt Nam tự bao giờ. Qua thư
tịch, từ tháng 7-1787, ông Thomas Jefferson trong thời gian làm Công sứ Hoa Kỳ
ở Paris đã chú ý đến sáu giống lúa ở Việt Nam (Đàng Trong) vì nó trắng đẹp, ăn
ngon và năng suất cao (1). Một năm sau, gặp phái bộ Pigneau de Béhaine ở điện
Versailles, Thomas Jefferson được Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gửi những mẫu lúa ấy
cho Hoa Kỳ. Có thể xem đây là cuộc tiếp xúc Việt - Mỹ đầu tiên. Về sau, vì bận
chiến tranh với phong trào Tây Sơn, Hoàng tử Cảnh không thực hiện được lời hứa
ấy. Ba mươi năm sau (1817), một người Mỹ tên là John White (2) (theo tiếng Hán
Việt là Hôn Viết) tiếp tục thực hiện ý muốn của Thomas Jefferson đến Sài Gòn
trong ba tháng, tiếp xúc nhiều lần với quan lại và dân chúng Việt Nam. Ngày rời
Sài Gòn, John White đã mua một ít lụa, đường và một thuyền gạo nhưng trên
đường về chẳng may gạo bị mọt và các loạt sâu bọ ngũ cốc ăn hỏng cả (3). John
White đã ghi lại cuộc hành trình đến Việt Nam trong cuốn A Voyage to Cochin-
China (Hành trình qua Nam Việt) - cuốn bút ký được các nhà sử học Việt - Mỹ rất
quan tâm.

Cuộc tiếp xúc Thomas Jefferson và Hoàng tử Cảnh tuy có nhiều thuận lợi
nhưng chưa chính thức. Cuộc tiếp xúc Mỹ - Việt chính thức đầu tiên diễn ra vào
năm Minh Mạng thứ 13. Phái bộ ngoại giao của Mỹ lúc ấy do ông Edmund
Roberts cầm đầu với quốc thư của Tổng thống Jackson. Phái bộ đi tàu Peacock,
đến đậu tại Vũng Lấm, vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên vào cuối năm 1832. Edmund
Roberts gặp được Tuần Vũ tỉnh Phú Yên và trình bày ý muốn của nước Mỹ muốn


giao hảo với nước Việt. Tuần Vũ tâu lên vua Minh Mạng và được nhà vua đồng ý
đón tiếp.

Ý kiến của vua Minh Mạng được ghi rõ trong Minh Mạng chính yếu (quyển thứ
25, tr.27a và 27b) như sau: Bản dịch: Quốc gia Nhã-Di-Lý sai sứ thần tới dâng
quốc thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam. Thuyền của sứ bộ bị sóng dạt ghé vào
vùng duyên hải tỉnh Phú Yên.

Nhà vua hay tin, liền sai quan viên ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi cật vấn.
Sứ bộ trả lời là nước họ chỉ muốn giao hiếu thông thương mà thôi.

Về việc này, nhà vua dụ các quan Nội các rằng:

- Người ta từ xa tìm tới, bản ý là cung thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm
dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên,
họ mới tới lần đầu các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu, chưa được am
tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết, nếu
muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải
tuân theo những hiến định đã có từ trước tới nay.

Từ nay nếu có thương thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà-
Sơn-úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bộ. Đó là ý cảnh giác phòng gian
nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậý (4).

Thái độ của Minh Mạng thể hiện rõ chủ trương cởi mở, cụ thể, chặt chẽ của một
nước.

Về sự kiện này, bộ sử biên niên của triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên,
Đệ nhị kỷ, quyển 86, ghi vào tháng 11 năm Nhân Thìn (1832) rằng:


"Quốc trưởng nước Nhã-Di-Lý (nước này ở Tây dương, hoặc gọi là Hoa Kỳ,
hoặc gọi là Ma-Ly-Căn, hoặc gọi là Anh-cát-lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) Sai
bọn bề tôi là Nghĩa-Đức-Môn La Bách Đại, Uý-Đức-Giai-Tâm-Gia (tên hai người)
(5) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa Vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua
sai viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, tự vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh,
lên trên thuyền thết tiệc, và hỏi lý do đến đây làm gì. Họ nói: "Chỉ đến vì muốn
giao hiếu và thông thương". Nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều
chỗ không hợp thể thức.

Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc
làm tờ trả lời. Đại lược nói: "Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta
không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn
bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt
quá kỷ luật rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi". (Bản dịch của Viện Sử học, Sđd, tập
XI, tr.231).

Nội dung lá thư "có nhiều chỗ không hợp thể thức" như thế nào, xin trích
nguyên văn: Andrew Jackson, Tổng thống Hợp chủng quốc Mỹ.

Trích:

Thư của tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng.

Kính gửi Đại quý hữu

Thư này sẽ dâng lên Hoàng thượng do Edmund Roberts, một công dân danh
vọng của Hợp chủng quốc. Ông này đã được bổ nhiệm chức Đặc ủy viên của
Chính phủ chúng tôi để thương thuyết với Hoàng thượng những vấn đề quan yếu.

Tôi trân trọng xin Hoàng thượng che chở đương sự trong khi thừa hành nhiệm

vụ đã được giao phó và xin cho đương sự được đối đãi tử tế. Tôi tin cậy hoàn toàn
những điều mà đương sự sẽ đề đạt lên Hoàng thượng nhất là tình thân hữu hoàn
toàn với tất cả thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng.

Tôi cầu xin Đức Chúa Trời luôn luôn phò hộ Đại quý hữu.

Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho kiềm quốc ấn của Hợp chủng quốc
trên bản tài liệu này. Lập với bản ấn tại thành Hoa Thịnh Đốn, ngày ba mươi mốt
(31) tháng Giêng dương lịch 1832 và là năm thứ năm mươi sáu của nền độc lập
Hợp chủng quốc.

Andrew Jackson
Thừa lệnh Tổng thống:
edw, livingston
Quốc Vụ Khanh. (6)

Lý do vua Minh Mạng không tiếp phái bộ Hoa Kỳ chỉ vì lá thư của Tổng thống
Mỹ " có nhiều chỗ không hợp thể thức". Những chỗ không hợp thể thức đó có lẽ
là trong bức thư có một khoảng trống chưa điền rõ tên Hoàng đế (Minh Mạng) và
tên nước Việt Nam (7). Một ông vua uy nghiêm, tự trọng, nguyên tắc như vua
Minh Mạng không thể nhận một cái quốc thư không đề tên nước được nhận như
thế. Sự thiếu sót này một phần do phái bộ Edmund Roberts và một phần do hai
nhà ngoại giao Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức không giúp đỡ cho họ trước
khi họ đệ trình lên vua Minh Mạng (8). Như vậy việc quan hệ ngoại giao Mỹ -
Việt đầu tiên không thành chính vì những người thừa hành của hai nước chứ
không phải vì vua Minh Mạng hẹp hòi, cự tuyệt mọi quan hệ với người Tây
phương.

Rời Việt Nam, tàu Peacock qua neo tại cửa sông Ménam vào ngày 18-2-1833 và
được triều đình Thái-lan đón tiếp rất linh đình. Bốn năm sau (1836), Edmund

Roberts lại được chính phủ Hoa Kỳ giao nhiệm vụ đi tàu Peacock trở lại Việt Nam
để ký một hiệp ước thương mại (9). Người trưởng tàu Peacock là đại úy Hải quân
ẸP.Kennedy.

Sự kiện Edmund Roberts trở lại Việt Nam lần thứ hai được Đại Nam thực lục
chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 168, trang 3 chép như sau:

Tháng 4 năm Bính Dần niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Ma-Ly-Căn.

Tỉnh thần Quảng Nam tâu: Có sứ thuyền nước Ma-Ly-Căn đậu ở vũng Trà Sơn
thuộc Đà Nẵng Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu. Quan
tỉnh đem việc tâu lên. Vua hỏi thị lang Bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: - Xem tình ý lời
lẽ của họ tỏ ra cung thuận, vậy có nên nhận hay không? Trí Phú thưa: - Họ là
người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ
vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò ý họ
đến.

Thị lang Nội các Hoàng Quýnh tâu nói: Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự
tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau. Người xưa đóng cửa ải Ngọc quan
tạ tuyệt Tây vực, thực là chước hay chống cự Nhung địch.

Vua nói:

- Họ xa cách trùng dương trên 4 vạn dặm, sao lại cự tuyệt, chẳng hóa ra tỏ cho
người ta thấy mình không rộng rãi ư?

(Vua) liền sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên
Thương bạc, đến tận nơi ủy lạo thăm hỏi. Khi đến nơi, viên thuyền trưởng nói là bị
ốm, không tiếp kiến được. Ta sai thông ngôn đến thăm: họ cũng sai người đáp lễ.
Rồi ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi. Bọn Trí Phú đem việc tâu lên và nói:


- Chợt đến chợt đi thật không có lễ nghĩa.

Vua phê bảo rằng:

- Họ đến, ta không ngăn. Họ đi, ta không đuổi theo. Lễ phép văn minh có trách
gì man di cõi ngoài (10).

Đoạn sử này một lần nữa thể hiện rõ ý kiến sáng suốt của vua Minh Mạng. Nhà
vua đã gạt bỏ ý kiến bảo thủ "bế quan tỏa cảng" của quan Thị lang Nội các Hoàng
Quýnh và sai Đào Trí Phú và Lê Bá Tú thực hiện chính sách giao hiếu với Hoa Kỳ
của ông. Không may khi đoàn ngoại giao ta đến gặp thì trưởng phái bộ Hoa Kỳ
Edmund Roberts bệnh nặng không tiếp được. Đoàn ta cử thông ngôn đến thăm và
phái bộ Mỹ đáp lại bằng cách cử người đến gặp đoàn Việt Nam để cảm ơn. Ngay
sau đó thì phái đoàn Mỹ rời Việt Nam một cách vội vã. Việc ngoại giao không
thành, những quan lại bảo thủ được một phen lên mặt mỉa mai.

Việc quan hệ Việt - Mỹ lần thứ hai không thành vì trưởng phái bộ Hoa Kỳ
Edmund Roberts bệnh và phải rời Đà Nẵng gấp chứ không phải vì bất cứ một lý
do nào về phía vua Minh Mạng. Nhà vua đã không biết được tin trưởng phái bộ
Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh nặng và đã mất sau đó (ngày 12-6-1836). Việc tàu
Peacock phải đưa phái bộ Edmund Roberts rời Đà Nẵng ngay đã được đại úy
trưởng tàu ẸP.Kennedy nói rõ trong một cáo trình gởi cho Bộ trưởng Hải quân
Pháp sau đây:

Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng, nhưng vì chứng bệnh quá nặng
của ông Roberts, chúng tôi không làm gì được ở đây cả, và chúng tôi phải rời hải
cảng ấy vào ngày 21-5.

Quan hệ Việt - Mỹ là một công tác hoàn toàn mới. Về chủ trương chung không

có điều gì có thể chê trách được vua Minh Mạng. Sở dĩ việc ấy không thành là vì
cấp thực hiện. Cuộc tiếp xúc lần đầu (1832), do khả năng ngoại giao hạn chế của
Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức. Lần gặp gỡ thứ hai (1836) gặp phải sự "bàn
lui" của Hoàng Quýnh nhưng vua Minh Mạng đã vượt qua bằng cách sai Đào Trí
Phú và Lê Bá Tú thay thế. Việc không thành chính vì bệnh tình đột ngột của người
cầm đầu phái bộ Hoa Kỳ. Nếu Edmund Roberts không ngã bệnh thì Hiệp ước
thương mại Mỹ - Việt đã có thể ra đời cách đây 164 (1836-2000) năm.

Chú thích:

1. The Paper of Tomas Jefferson, Princeton, N.C: Princeton University Press,
1958, vol 12-13-14, trích lại của Ph.Q.

2. John White sinh năm 1782 ở Marblehead (Massachusetts), mất tại Boston
vào năm 1840

3. Robert Hopkins Miller, The United States an Vietnam 1787-1941, National
Defense, University Press, Washington DC, 1990, trích lại của Ph.Q.

4. Bản dịch của Hoàng Văn Hòe và Nguyễn Quang Tô.

5. Tức Edmund Roberts và Georges Thompson.

6. Bản dịch của Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam.

7. Năm 1832 vẫn còn giữ tên Việt Nam có từ năm 1804, mãi đến năm 1838 mới
có tên nước Đại Nam.

8. Theo Giáo sư Thái Văn Kiểm, bức Quốc thư này còn lưu trữ tại Văn khố của
Chính phủ Mỹ, dưới danh từ "Chochinchina" Communications to the Sovereigns

and Foreign States 1829-1846, Vol I,p,69.

9. Bản thảo gồm 8 điều dài 2 trang viết tay, ngắn hơn Hiệp định thương mại
Việt - Mỹ ngày nay 150 trang. Tài liệu lấy từ internet.

10. Đại Nam thực lục chính biên XVIII, Nxb KHXH, tr.109-110.

×