Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Phát hiện mới về Thái sư Trần Thủ Độ pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.15 KB, 5 trang )

Phát hiện mới về Thái sư Trần Thủ Độ

Người dân Bắc Ninh lâu nay cho rằng, trong đền Lim (thuộc chùa Lim) có ban
thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, các nhà sử học vừa đưa ra luận giải để
khẳng định nơi đây thờ Thái sư Trần Thủ Độ.
Phát hiện trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “750 năm chiến thắng Đông Bộ
Đầu và những thành tự xây dựng, bảo vệ kinh đô của nhà Trần” do Hội khoa học
lịch sử Việt Nam vừa tổ chức tại Bắc Ninh.
Giải mã chữ “Thượng phụ”
Chùa Lim, tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Vân, thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du,
tỉnh Bắc Ninh. Nằm ngay sát cạnh bên trái chùa là đền Lim. Trong đền có ban
chính giữa với bức hoành phi Trần triều Thượng phụ, mà nhân dân và cả sư Thầy
Hội (trụ trì chùa Lim) cho rằng để chỉ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, theo các nhà sử học, do Trần Thủ Độ có công mở nghiệp nhà Trần,
nên ngay sau khi lên ngôi vua, Trần Thái Tông đã phong cho ông làm “Quốc
thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước”. Khi ông mất vào tháng giêng
năm Giáp Tý (1264), được truy tặng “Thượng phụ”. “Trong giới sử học nhắc đến
"Thượng phụ" là để chỉ Thái sư Trần Thủ Độ”, ông Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử
học cho biết.
Ở ban thờ Đức Thánh Trần có đôi câu đối được dịch nghĩa: Công đức của ông
để mãi đến ngày nay, chẳng những chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần/
Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam.
Với hai câu đối trên, các nhà sử học cho rằng chỉ có thể viết về Trần Thủ Độ với
các lý do: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông”.
Theo nhà sử học Hoa Bằng, câu "Sau nghìn đời, công luận đã định ” là một
minh chứng thêm để nói về Trần Thủ Độ. Bởi lẽ, với Trần Hưng Đạo, cuộc đời và
công trạng của ông đã quá rõ ràng, các sử gia phong kiến cũng như hiện đại đều
khẳng định, công nhận và ca ngợi, chẳng phải đợi đến "sau nghìn đời".
Có công với Phật giáo Việt Nam
Với Trần Thủ Độ, hầu hết các nhà sử học (cả phong kiến và hiện đại) luôn nhận
xét hai mặt con người ông: vừa khen lại vừa phê phán. Khen vì những công trạng,


những việc ông làm cho nhà Trần, nhưng lại phê phán vì những việc ông làm với
nhà Lý. Nhưng chẳng phải đợi đến một nghìn năm, (mà chỉ hơn 600 năm sau),
năm 1905, tại thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, chính tại nơi mà sử
chép Trần Thủ Độ đặt bẫy giết hại họ Lý, nhân dân đã dựng một ngôi đình Thái
Bình để thờ Lý Chiêu Hoàng ngồi giữa, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ ngồi hai bên.
Ông Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học, cho rằng: “Dưới con mắt của nhân dân,
Trần Thủ Độ hoàn toàn khác với những nhận định của các sử quan phong kiến.
Nhân dân biết ơn ông đã cứu đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc, và nhờ có tài thao
lược, khí phách hiên ngang, tinh thần kiên quyết của ông mà Đại Việt mới thoát
khỏi cảnh nô lệ ở nửa sau thế kỷ 13”.
Phát hiện mới đây của PGS.TS Nguyễn Minh Tường còn cho biết: Những năm
cuối đời, Trần Thủ Độ đi tu tại chùa Cù Tu (thuộc xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi,
tỉnh Hưng Yên). Đây là một gợi ý cho việc lý giải việc Trần Thủ Độ được thờ tại
chùa Lim. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, "Việc các ngôi chùa, vốn là nơi
thờ Phật, nay lại thờ cả Thái sư Trần Thủ Độ, nói lên rằng: Ông từng có thời gian
tu hành và có những công tích trực tiếp đối với Phật giáo Việt Nam.
Trao đổi với Đất Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đồng tình với những
luận giải của các nhà sử học rằng ban chính giữa tại đền Lim, thuộc chùa Lim là
để thờ Trần Thủ Độ. Vì thế, người dân Thị trấn Lim và chùa Lim cũng nên cải
chính để hướng dẫn du khách.
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn
người (tr.478)". Tài năng nhìn người của ông được thể hiện ở việc "khi vua Trần
Thái Tông muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng, Thủ Độ nói:
"An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ, nếu cho là thần hiền
hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc" vua bèn thôi". Phải chăng, Trần Thủ
Độ đã sớm nhìn ra tính cách hai mặt của anh trai mình? Sự cố sau này là An Quốc
đã cùng với vợ (tương truyền là một công chúa nhà Lý) nổi loạn chống lại nhà
Trần ở Quắc Hưng, Vụ Bản, Nam Định. Cuộc nổi loạn đã bị chính Trần Thủ Độ
dẹp tan. Phải khẳng định rằng ông là người có bản lĩnh chính trị và cá tính đặc biệt
trong lịch sử Việt Nam. Ông làm việc gì cũng dứt khoát, xử lý quyết đoán theo ý

chí của mình, ít để cho người khác sai khiến. Ông là người đa mưu túc trí, khi
đánh dẹp các thế lực chống đối, ông thấy thắng thì đánh, thấy cần hòa hoãn để đợi
thời cơ thì tiến hành đàm phán. Khi giặc Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất,
ông là linh hồn của cuộc kháng chiến với câu nói bất hủ "Đầu thần chưa rơi xuống
đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả". Ông ngồi trong màn trướng mà định việc
thiên hạ; chỉ đạo các tướng Lê Tần, Trần Khánh Dư, Trần Phó Duyệt và kể cả
Trần Hưng Đạo (lúc đó còn trẻ) ra trận. Ngay chính cả vua Trần Thái Tông, Thái
tử Trần Hoảng cũng đều ra trận đánh giặc.
Trần Thủ Độ là nhà chính trị, kinh tế, quân sự toàn tài. Sử chép: "Giáp Tý năm thứ
7 (1264), Tống Cảnh Định năm thứ 5, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 1, mùa xuân,
tháng Giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (tuổi 71), truy tặng Thượng phụ Thái sư
Trung Vũ Đại Vương". Ông quả là một công thần hiếm có của vương triều Trần
và là một người anh hùng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XIII. Đánh giá về ông
xưa nay vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau nhưng không thể phủ nhận được
công lao to lớn của ông với nhà nước Đại Việt.

×