Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Cuộc hành trình khám phá những loài tắc kè hoa mới ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (665.58 KB, 14 trang )

Cuộc hành trình khám phá những loài tắc
kè hoa mới
Năm nay, tiến sĩ Raxworthy đến Công viên quốc gia Marojejy, tây bắc
Madagascar tiếp tục tìm kiếm những loài tắc kè hoa mới.
Từ năm 1985 đến nay, nhà nghiên cứu bò sát Christopher J. Raxworthy cùng
các đồng nghiệp tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ đã có hơn 30 lần thực
hiện cuộc hành trình đến đảo quốc Madagascar để khám phá các loài bò sát
và lưỡng cư.
Dưới đây là chùm ảnh những loài tắc kè hoa mới độc đáo được Raxworthy
chụp trong cuộc thám hiểm núi Marojejy, mô tả cho những bức ảnh là các
đoạn văn được trích từ blog của anh.

Nhiều trục trặc có thể xảy ra trong cuộc hành trình đến núi Marojejy,
Madagascar. Chẳng hạn như ô tô bị hư hỏng và bị mắc kẹt giữa những con
đường hoang vắng, hoàn toàn không có chiếc xe kéo nào đến cứu trợ, nếu
may mắn thì có thể gặp một vài người dân ở làng bên cạnh dùng bò Zebu có
bướu trên lưng đến kéo ô tô.
Nhằm lường trước những khó khăn trên, anh Raxworthy và các đồng nghiệp
đã chuẩn bị thật tốt cho cuộc hành trình với chiếc xe Land Rover - dòng xe có
vóc dáng nhỏ nhưng bền, có thể di chuyển tốt trên các địa hình gập ghềnh. Xe
Land Rover được kiểm tra kỹ máy móc lần cuối trước khi đưa họ đi khoảng
2.000km qua những con đường mòn để đến núi Marojejy.

Đoàn thám hiểm rời thủ đô Antananarivo, Madagascar vào ngày 2/5, đã nạp
đầy đủ nhiên liệu, chuẩn bị các thiết bị và thực phẩm dự trữ cần thiết. Thời
điểm lúc này là cuối mùa mưa. Xe Land Rover chuyển động thật êm, họ vượt
sông Betsiboka thuộc miền trung-bắc Madagascar vào giữa trưa và say mê
ngắm nhìn những dòng thác ghềnh cuốn theo nhiều phù sa màu đỏ nâu.
Các nhà nghiên cứu bò sát rất thích mưa, mong chờ mùa mưa kéo dài bởi
mưa sẽ giúp ếch và các loài bò sát hoạt động tích cực hơn, nhưng trong thời
điểm hiện tại họ lại khá e ngại mưa bởi những con đường ngập tràn những


vũng bùn lầy lội thật khó đi.


Trong khi xe Land Rover dừng lại nghỉ xả hơi trên con đường đất sét có màu
nâu nhạt, anh Raxworthy đã bắt được một con rắn mũi lợn Madagascar
Leioheterodon madagascariensis (ảnh trên) trong lúc nó băng ngang đường.
Ngoài ra, vào ban đêm, anh còn bắt được được con tắc kè hoa báo màu đỏ
giống đực Furcifer pardalis (ảnh dưới) đang ngủ trên những nhánh cây.

Tất cả mọi thứ ở thị trấn Andapa thuộc bắc Madagascar thật tuyệt vời. Cạn
kiệt sức lực sau hai ngày đi xe, cuối cùng đoàn thám hiểm đã đến được khách
sạn nhỏ Crystal vào lúc 8 giờ sáng (ngày 4/5), và họ thưởng thức bữa ăn sáng
là trứng chiên và bánh mì Pháp. Sau đó, họ xuất trình những giấy phép
nghiên cứu cần thiết đến Văn phòng Công viên quốc gia Marojejy tại
Andapa.
Họ dành thời gian nghỉ ngơi trong khoảng thời gian còn lại của ngày và tiếp
tục chuẩn bị những thứ thiết yếu cho ngày kế tiếp. Đúng 8 giờ 30 phút sáng
hôm sau (ngày 5/5), sau khi dỡ các vật dụng xuống xe Land Rover, họ bắt đầu
tiến lên núi Marojejy, phía xa xa là những đỉnh núi cao khác hiện lên với vẻ
đẹp mờ ảo trong những cơn mưa phùn.

Con đường mòn mà họ leo lên núi Marojejy ngày càng dốc và trơn trượt hơn.
Đoàn thám hiểm chỉ bắt gặp những cánh rừng thứ sinh - rừng mọc lại sau khi
rừng nguyên sinh đã bị con người tàn phá. Họ còn ngửi được mùi của đám lá
rụng rừng mưa đang phân hủy ở khắp mọi nơi.
Một con tắc kè hoa lùn nâu Brookesia griveaudi có thể ngụy trang y hệt một
chiếc lá rụng được các nhà khoa học “chộp” được ở rìa đường mòn. Đây là
một tín hiệu vui cho thấy tắc kè hoa vẫn còn đang hoạt động mặc dù thời
điểm hiện tại là cuối mùa mưa.


Đoàn thám hiểm tiếp tục leo Camp 3 - một trong những dốc đứng của núi
Marojejy, tốc độ di chuyển của đoàn đã chậm lại do phải bò trườn, nhưng
cuối cùng họ đã vượt được Camp 3, lúc này đồng hồ chỉ 4 giờ chiều. Quả thật,
việc leo núi đã trở thành một cơn ác mộng đối với đoàn thám hiểm, họ tiếp
tục băng ngang 2 con sông trước khi tới một khu rừng ẩm ướt có nhiều đám
rêu dày phủ đầy cây.
Màn đêm nhanh chóng bao trùm không gian. Họ dựng 2 chiếc lều. Trời bắt
đầu trút mưa. Họ ăn bữa tối với món thịt bò hầm. Sau đó, họ nhanh chóng
sưởi ấm và tranh thủ thời gian tìm kiếm các loài tắc kè hoa mới trong đêm
đầu tiên. Đến 11 giờ tối, họ đã bắt được tổng cộng 10 con tắc kè hoa đang
nằm im trên cây (chủ yếu là loài Calumma malthe và Calumma guillaumeti -
ảnh) và một bộ sưu tập ếch thú vị bắt được từ bờ sông và trong khu rừng.


Sáng hôm sau (ngày 6/5), đoàn thám hiểm tiếp tục cuộc hành trình khám phá
những loài tắc kè hoa mới, họ vượt được dốc Camp 4 - địa điểm cao nhất (gần
2.000m) của núi Marojejy. Họ rất vui khi tìm thấy 2 loài tắc kè hoa Calumma
jejy (ảnh trên) và Calumma peyrierasi (ảnh dưới). Cả 2 loài chỉ sống ở những
vùng núi cao nên con người khó phát hiện ra chúng. Đặc biệt nhất là loài
Calumma peyrierasi, hầu như không có những thông tin về loài này kể từ khi
nó được mô tả vào năm 1970.

Một điều thú vị nhất trong buổi tối ngày 6/5 là phát hiện loài tắc kè hoa lùn
Brookesia betschi đang ẩn mình trên những đám địa y bám vào thân cây.
Loài tắc kè hoa này có những đặc điểm khá nổi bật là có nhiều gai mọc trên
cơ thể và những chiếc sừng kỳ lạ trên đôi mắt của nó. Đoàn thám hiểm đã có
một đêm ngủ thật ngon!

Ở độ cao từ 1.500 m trở lên của núi Marojejy có nhiều rừng cây bụi cằn cõi,
chủ yếu là tre, cọ lùn và một loại cỏ mà có lá sắc như lưỡi dao, có thể khứa

đứt tay nếu vô tình chạm vào nó. Trong ngày 7/5, họ lang thang tìm thêm
những loài tắc kè hoa mới không thành công, nhưng bù lại họ có một ngày
tuyệt vời khi chụp nhiều ảnh và khám phá môi trường sống tự nhiên trên
vùng rừng cao nhất của núi Marojejy.
Sau khi uống 3 tách cà phê đen Malagasy khá đậm, anh Raxworthy bắt đầu
một ngày mới (ngày 8/5) thật sảng khoái, mục tiêu chính vẫn là chụp ảnh tắc
kè hoa. Trong môi trường núi rừng hoang dã này, đèn flash (đèn nháy) máy
ảnh phải được chuẩn bị sẵn sàng, như thế họ mới có thể kịp thời “chộp” được
màu sắc và đặc điểm hình thái của mỗi loài mà họ bắt gặp trên đường đi. Họ
phải chăm chú quan sát các loài thật kỹ và chụp ảnh phải thật nhanh, chẳng
hạn như một con ếch hiếm sẽ đột ngột nhảy biến mất trong nháy mắt hay một
con tắc kè hoa sẽ nhanh chóng nghiêng mình, biến mất sau những cành cây
nếu chúng phát hiện ra họ.



Sương mù dày đặc và độ ẩm cao trên núi có thể làm hư hỏng các bộ phận của
bất kỳ máy ảnh kỹ thuật số hiện đại nào. Tuy nhiên hôm nay, máy ảnh của
anh Raxworthy hoạt động tốt và anh còn chụp được các loài tắc kè hoa được
cho rất nhút nhát, chúng luôn nằm im và ẩn mình trên các nhánh cây như
loài Calumma malthe (ảnh trên) và loài Calumma nasuta (ảnh giữa) có chiếc
mõm dạng thùy, ngoài ra họ còn tìm thấy loài cóc có chiếc miệng khá hẹp
Plethodontohyla sp. (ảnh dưới cùng).

Lại một ngày nữa trôi qua thật nhanh, đồng hồ chỉ 8 giờ tối, đoàn thám hiểm
quây quần bên bữa ăn tối, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những điều
thú vị và cả những khó khăn mà họ đã trải qua trong cuộc hành trình. Họ kể
về loài tắc kè hoa Calumma crypticum - ảnh, thường ngủ vào ban đêm và nó
dễ bị tấn công từ những những động vật có vú sống về đêm như chuột, vượn
cáo và rắn. Họ cho biết mối đe dọa lớn nhất đối với những con tắc kè hoa là

chim, nó tìm kiếm con mồi từ trên vòm rừng với tầm nhìn tuyệt vời. Đã nhiều
lần, anh Raxworthy kể, nhìn thấy diều hâu và các loài chim khác săn tắc kè
hoa. Vào cuối mùa mưa cộng với độ ẩm cao, muỗi hoành hành khi màn đêm
buông xuống, nhưng rất may mắn là không có ai trong đoàn thám hiểm mắc
bệnh sốt rét. Ngày mai (9/5), họ sẽ rời xa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ trên
núi Marojejy, bắt đầu thực hiện cuộc hành trình xuống núi!
Đoàn thám hiểm không có thời gian “ngủ nướng” vào sáng ngày 9/5, họ
nhanh chóng thu dọn hành lý, đó là lúc 8 giờ 30 phút sáng, họ xuống tới
Camp 3 khoảng 10 giờ và tới Camp 2 là giữa trưa. Tại gần địa điểm Camp 3,
họ bắt gặp một con tắc kè đuôi lá Madagascar Uroplatus sikorae (ảnh trên)
ngụy trang khéo léo bám chặt trên thân cây, màu sắc của nó giả vỏ cây đến
tài tình.


Đến 2 giờ chiều, những đôi chân của họ bắt đầu mỏi và cứng dần. Họ vẫn tiếp
tục bước đi. Gần địa điểm Camp 1 họ chụp được một con tắc kè hoa báo quý
hiếm Furcifer pardalis (ảnh dưới) đang nằm đẻ trứng vào chiếc tổ nằm cạnh
con đường mòn xuống núi. Điều kỳ lạ là nàng tắc kè hoa Furcifer pardalis đã
dùng cái đầu tạo hốc đất làm tổ đấy! Sau khi đẻ trứng xong, nàng ta lôi kéo
những chiếc lá rụng đậy tổ của nó lại. Một cảnh tượng thật tuyệt đáng để họ
quan sát!

Cuối cùng, đoàn thám hiểm đã trở về! Đồng hồ chỉ 4 giờ chiều! Tạm biệt núi
Marojejy, trong tâm hồn của họ, đặc biệt là anh Raxworthy vẫn còn xen lẫn
những cảm xúc vui buồn khó tả về cuộc hành trình vất vả này. Mọi thứ thật
tốt đẹp. Nhiều loài bò sát và lưỡng cư mới đã được thu thập trong chuyến đi
dài 7 ngày. Đoàn thám hiểm và chiếc xe địa hình Land Rover tiếp tục thong
dong trên con đường làng trở về thị trấn Andapa và sau đó báo cáo kết quả
sơ bộ đến Văn phòng Công viên quốc gia Marojejy.


Chân dung tiến sĩ nghiên cứu bò sát Christopher J. Raxworthy.

×