Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Bộ máy hành chính Hoá Châu thời Lê sơ (1428 - 1527) - 3 potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.28 KB, 6 trang )

Bộ máy hành chính Hoá Châu thời Lê sơ (1428 - 1527)
3
Sau khi nối ngôi, vào tháng 6 năm Bính Tuất (1446) vua Lê Thánh Tông đặt
13 đạo thừa tuyên trong cả nước, trong dó có thừa tuyên Thuận Hoá. “Tháng
2 năm thứ 7 niên hiệu Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông đặt ty “Tuyên
chánh sứ” tại các đạo và cử Nguyễn Đặc Đạt là “tuyên chánh sứ” Hoá Châu”
(15). Vua cũng đã đổi lộ thành phủ, đổi trấn thành châu, rồi chức chuyện vận
thành tri huyện, xã quan thành thành xã trưởng. Cuối năm ấy, Tham nghị
Thừa Tuyên sứ ty châu Hoá là Đặng Thiếp đã dâng sớ tâu bày 5 việc nên
làm là:
1. Dựng đồn luỹ ở gần cửa biển Tư Dung.
2. Lấp cửa Eo.
3. Đào kênh Sen.
4. Bãi bỏ chức thuế sử ở đầu nguồn.
5. Chiêu mộ lưu dân khai khẩn đất hoang ở châu Bố Chính
Đó là đề nghị rất sáng suốt của một quan chức có trách nhiệm như Đặng
Thiếp. Dưới sự cai trị của Đặng Thiết tình hình Hoá Châu đã sáng sủa hơn,
xã hội trở nên ổn định, kinh tế có phần phát triển, đặc biệt là kinh tế nông
nghiệp.
Ngoài những quan chức được triều đình cử vào trấn giữ, dưới triều Lê Sơ
với chính sách “phủ dụ dân chúng nơi biên viễn”, triều đình đã trực tiếp
phong quan chức cho các thổ tù và quan lại địa phương. Tuy Hoá Châu thời
Lê Sơ chưa hoàn toàn ổn định, nhưng với những quan chức đầy trách nhiệm,
vùng đất này đã phần nào được phát triển.
Thành Hoá Châu thời Lê Sơ
Nhắc đến bộ máy cai trị Hoá Châu thời Lê Sơ người ta không thể quên vai
trò của thành Hoá Châu. Thành Hoá Châu là ly sở của Châu Hoá, một thành
luỹ quan trọng ở vùng biên viễn phía nam của nước Đại Việt từ thời vua
Trần, là một thành cổ đánh dấu bước đô thị hoá đầu tiên ở xứ Huế.
Thành Hoá Châu được xây dựng trên một mảnh đất cao, thoáng, nay thuộc
xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố


Huế khoảng 9 km về phía đông bắc. Thành Hoá Châu được xây dựng án ngữ
ngay giữa ngã ba sông, gọi là Ngã ba Sình. Đó là sự hợp lưu của sông
Hương chảy từ phía nam, sông Bồ từ phía tây bắc, tạo thành sông Linh
Giang sâu và rộng rồi đổ ra phá Tam Giang.
Nhìn tổng thể Hoá thành có quy mô lớn, cấu trúc hoàn chỉnh với tường cao,
hào sâu, địa thế hiểm trở, đáp ứng được nhu cầu quân sự, chủ động công thủ.
Thế liên hoàn thuỷ bộ, đặc biệt là đường thuỷ thông ra biển qua phá tam
Giang đã gắn kết toà thành với hậu phương, đảm bảo là vị trí tiền tiêu, là
phên dậu phía nam của đất nước.
Thành được xây dựng khá quy chỉnh, kết hợp hài hoà với yếu tố tự nhiên,
tạo nên toà thành kiên cố trấn giữ vùng đất trọng yếu Hoá Châu. Thành có
cấu trúc gần với hình chữ nhật, nằm dọc theo hướng Tây Nam - Đông Bắc,
song song với khúc sông Hương, từ Ngã ba Sình đến cồn Quy Lai. Tường
thành đắp đất dày cao, đầm lèn vững chắc, xung quanh thành là hệ thống
đầm phá, sông bao bọc tạo nên hệ thống giao thông thuỷ thuận tiện giữa
trong và ngoài thành. Thành Hoá Châu có hai vòng thành: thành Nội và
thành Ngoại.
Vòng thành ngoại gần với hình chữ nhật, bị uốn cong ở hướng Tây Bắc, nằm
trãi theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Hai cạnh ngắn nằm ở hướng Tây -
Bắc, Đông - Nam, tạo thành các lũy thành.
Toà thành nội nằm gọn về hướng Bắc của sông Thành Trung - tức nằm trên
cửa hướng Bắc của toà thành Hoá Châu. Thành nội cách bờ sông Thành
Trung khoảng 150 m, cách thành ngoại hướng Tây Bắc khoảng 80 m đến
100 m. Toà thành nội bị phá huỷ nhiều, đến nay chỉ còn luỹ thành ngang
hướng tây Nam và lũy thành ngang hướng Đông Nam. Hai lũy thành này bắt
góc khá vuông vức ở hướng Nam.
Thành nội ngày nay là dải đất cao hình chữ L, mà cạnh dài của chữ L này
nằm dọc theo sông Thành Trung. Lũy thành này vuông góc với luỹ thành
hướng Tây - Nam, chạy dọc theo sông Thành Trung, đến chùa Thành Trung
thì chấm dứt, do đó dân địa phương còn gọi là thành cụt.

Phía Tây bờ thành cụt là dải đất cao mang tên gọi Kho Hạ, Kho Thượng,
Kho Trung. Hoá thành thời Lê Sơ bên trong thành nội chắc hẳn tồn tại nhiều
kho lương thực tương đối lớn, mà di tích còn lại chỉ là những vạt kho. Thành
Hoá Châu trở thành hậu cứ quan trọng trong nhiều lần nam chinh của nhà
Lê.
Nhìn tổng thể, thành Hoá Châu có quy mô lớn, cấu trúc hoàn chỉnh với
tường cao hào sâu, địa thế hiểm trở, đáp ứng được nhu cầu quân sự trong
đáp ứng phòng thủ cũng như tấn công. Thế liên hoàn thủy bộ, đặc biệt là
dường thuỷ thông ra biển đã gắn kết chặt chẽ giữa toà thành với hậu phương,
đảm bảo tốt là vị trí tiền tiêu, phên dậu phía nam của vùng biên viễn Đại
Việt. Dưới thời Lê Sơ, Hoá thành từ một nơi trọng trấn, nơi đồn trú quân
binh vùng biên viễn dần phát triển thành một trung tâm chính trị, kinh tế của
vùng phía nam quốc gia Đại Việt.
Đối với Đại Việt, vùng đất Thành Hoá nói chung và Hoá thành nói riêng là
trọng trấn phương nam. Hoá thành là ly sở châu Hoá thuộc lộ Thuận Hoá
vào cuối thời Trần, đầu thời Lê. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh
(1407 - 1427), châu Hoá là căn cứ địa với vai trò trung tâm là Hoá thành, là
hậu phương vững chắc của cả nước, để sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi,
Lê Thái Tổ coi đó là “phên dậu thứ tư” của Tổ quốc, “là lòng dạ của ta”.
Sau trận chiến thắng năm 1471, biên giới quốc gia Đại Việt được mở rộng
đến vùng Phú Yên. Toà thành Hoá Châu không còn là nơi trực tiếp đứng đầu
sóng ngọn gió, vai trò quân sự được đưa xuống hàng thứ yếu, thay vào đó là
sự phát triển về chính trị, kinh tế, văn hoá… Tại dây, dần hình thành nên
một khu đô thị mà hạt nhân chính là thành Hoá Châu, hội tụ xung quanh nó
là những làng, những khu dân cư mới đặt nền móng cho đô thị sau này.

Chú thích:

(1) Ngô Sĩ Liên (168), Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2). Cao Huy Giu, Đào
Duy Anh dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 246.

(2) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Nxb
KHXH, Hà Nội, tr. 56.
(3) (6) Ngô Sĩ Liên, Sđd (tập 3), tr 46, 67.
(4) (9) (11) Quốc sử quán triều Ngyễn (1998), Khâm định Việt sử thông
giám cuơng mục (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 835, 844, 860.
(5) (8) (13) (14) (15) Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục, bản dịch Đỗ
Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân và Nguyễn Ngọc Tĩnh, Nxb KHXH, Hà
Nội, tr. 46, 60, 46, 41, 53.
(7) Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), Viện Sử
học phiên dịch và chú giải, Nxb KHXH Hà Nội, tr 38.
(10) Dẫn theo Nguyễn Hữu Thông, “Bức tranh dân cư vùng Thuận Hoá thế
kỷ XV qua bản Thỉ thiên tự”, tạp chí Khoa học và công nghệ Thừa Thiên
Huế (số 1 - 1997), tr 124, 125.
(12) Lê Quý Đôn (1996), Đại Việt thông sử, bản dịch Túc Viên Lê, Mạnh
Liêu và Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Đồng Tháp, tr 87.

×