Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Viên ngọc bích trên đảo Sumatra doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (414.8 KB, 9 trang )

Viên ngọc bích trên đảo
Sumatra
Từ Medan, thành phố lớn nhất đảo Sumatra của đất nước Indonesia, chúng
tôi mua tour hai ngày tham quan Toba – hồ lớn nhất Đông Nam Á, được
mệnh danh là viên ngọc bích trên đảo Sumatra. Đây là điểm du lịch nổi tiếng
ở đất nước Vạn đảo, không chỉ vì phong cảnh tuyệt đẹp mà còn nhờ có những
ngôi làng giữ được nét cổ xưa rất độc đáo.
Tiên cảnh giữa miền xích đạo

Một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Medan
Sau bữa sáng, chúng tôi lên xe vượt quãng đường 170 cây số để đến Toba. Xe
chạy qua một số con đường chính của Medan, mọi người trong đoàn cảm nhận
được ngay sự náo nhiệt đến mức xô bồ ở nơi đây. Đường sá rộng hơn đường phố
TP.HCM và luôn xảy ra nạn kẹt xe, nhưng là kẹt xe hơi chứ không phải xe gắn
máy. Đi ngang qua nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Medan và ngôi chùa của người Hoa
có kiến trúc lạ mắt, bác tài cho dừng xe vài phút để mọi người chụp ảnh rồi phải
nhanh chóng lên xe cho kịp lịch trình.
Ra khỏi thành phố, màu xanh tươi càng lúc càng ngút ngàn, ánh nắng chói chang
của miền xích đạo nhảy múa trên những cánh rừng cao su, rừng cọ và những cánh
đồng đang mơn mởn mạ non. Thỉnh thoảng, hai bên đường lại hiện ra những thị
trấn nhỏ cùng với các mái tròn nhà thờ Hồi giáo trông thật tôn nghiêm.

Giữa núi và hồ

Một góc hồ
Chúng tôi ăn trưa tại thị trấn Pararat nằm bên hồ. Hồ Toba nằm ở độ cao 905m,
trong xanh, mênh mông như biển. Hồ rộng đến 1.707km2, còn đảo Samosir ở giữa
có diện tích tương đương Singapore. Các dấu vết khảo cổ học cho biết Toba là một
miệng núi lửa rất lớn. Nắng ban trưa tuy gay gắt nhưng nhờ những làn gió mang
hơi nước, lại nằm giữa cánh rừng nhiệt đới chập chùng nên ai cũng cảm thấy mát
rượi, dễ chịu vô cùng.


Cách khai thác du lịch ở Toba khá hài hòa với thiên nhiên, dành cho những du
khách muốn tìm nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh, thưởng thức văn hóa địa phương. Từ
những resost cao cấp cho đến các nhà nghỉ bình dân giá chỉ 3 USD một đêm đều
yên tĩnh, sạch sẽ với những người phục vụ bản xứ hiền hòa, chân chất. Trước đây,
hồ Toba từng là điểm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á nhưng từ khi Phuket
(Thái Lan) phát triển mạnh, Toba mất đi một lượng khách lớn. Quanh hồ có khá
nhiều nhà nghỉ, resort xuống cấp do vắng khách.

Hồ trong nắng sớm
Xế chiều, chúng tôi đi phà ra đảo Samosir để thăm các ngôi làng cổ của người
Batak. Trong số hơn 250 dân tộc ở Indonesia, người Batak nổi tiếng tài hoa về
kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc. Đi từ xa đã thấy hình ảnh thôn xóm còn nguyên
vẻ đẹp cổ truyền: những mái nhà hình chiếc thuyền thấp thoáng sau hàng dừa xanh
mướt, mái nhà thờ cao vút với phù điêu, họa tiết đặc trưng trên đảo, màu gỗ nâu
thẫm in giữa nền trời xanh vời vợi.
Nhà cửa ở đây hầu hết bằng gỗ, giản dị nhưng xinh xắn và có kiến trúc đặc biệt là
hai mái đầu hồi cong lên như con thuyền như để thể hiện ước mơ vươn tới những
gì rộng lớn, khoáng đạt của người Batak. Bức tranh thiên nhiên trên đảo Samosir
đa dạng về màu sắc, cảnh quan khiến cả đoàn hăm hở đi bộ men theo những con
đường làng quanh co vàng rực hoa dã quỳ. Những phong cảnh đẹp nối tiếp nhau
hiện ra, những ruộng lúa bậc thang vàng ươm ven đồi, những bãi cỏ thênh thang
rợp màu tím, đỏ, vàng của hoa dại, những vườn cây nhiệt đới xanh mát đầy sức
sống…
Chiều xuống, ở một góc hồ, nơi có bãi cát trắng phau bỗng rộn tiếng nô đùa. Thì
ra đã đến giờ trẻ em trong làng tụ tập bơi lội. Gần đó là nơi các thiếu nữ mang
quần áo ra giặt và trò chuyện tâm tình. Các cô còn té nước vào nhau, cười nói rộn
rã. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, mặt hồ phía tây in hình những áng mây chiều
đỏ rực.
Sóng ven hồ lăn tăn từng làn nước màu xanh thủy tinh. Xa hơn một chút, nước hồ
chuyển thành màu tím đá thạch anh, xa nữa là một vùng màu đỏ hồng như mã não.

Từ trên bờ nhìn xuống thấy mặt hồ như tấm thảm đá quý khổng lồ muôn màu lóng
lánh, bao quanh là những dải núi tím phủ sương chiều mờ ảo.
Những câu chuyện về ngàn xưa
Buổi sáng, trời se lạnh. Nắng lên, sương tan dần, nhìn ra hồ thấy một vùng hoa
súng tím hồng dập dềnh trên làn nước trong… Theo lịch trình, chúng tôi đi thăm
bảo tàng về đời sống ngày xưa của người Batak ở làng Simanindo. Đường đi nằm
giữa một bên rừng, một bên hồ. Ở phía có rừng, trên đồi thỉnh thoảng xuất hiện rải
rác vài cụm thông trên lớp cỏ xanh mượt mà, có khi lại là một hàng cổ thụ rợp
bóng mát.
Bảo tàng là khu nhà của các vị tù trưởng tại Simanindo ngày xưa, tuy không rộng
nhưng ấm cúng và được tổ chức tốt. Có thể thấy nếp sống cổ truyền của người dân
Batak còn khá nguyên vẹn. Khung cảnh nơi đây hầu như không thay đổi trong
nhiều thế kỷ qua, từ những ngôi nhà mái tranh phủ rêu nằm dưới bóng cây cổ thụ
cho đến những ngôi nhà mồ được trang trí cầu kỳ. Trong nhà còn đầy đủ các vật
dụng hằng ngày như khay, ché, chiêng, trống và cả vũ khí như cung, nỏ…

Những ngôi nhà có mái hình thuyền, kiến trúc đặc trưng của người
Batak
Người Batak không chỉ khéo léo trong việc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí
nhà cửa, mà còn nổi tiếng là những chiến binh dũng cảm. Nhờ có đủ lượng du
khách cần thiết nên cả đoàn may mắn được thưởng thức buổi trình diễn các điệu
múa Batak cổ truyền diễn ra vào gần trưa. Những điệu múa theo tiếng cồng,
chiêng cùng trang phục thổ cẩm của vũ công làm nhiều người nhớ đến Tây
Nguyên. Nhạc nổi lên, người dân địa phương lập tức nhảy múa say mê, như không
phải đang phục vụ khách mà là trong buổi hội làng thật sự.
Đến với làng Tomok nổi tiếng bởi những ngôi mộ đá của các vị tù trưởng Batak
đời xưa, một lần nữa chúng tôi lại ngẩn người trước những cảnh lạ mắt hai bên
đường. Có khi, nhìn từ xa thấy những ngôi nhà đẹp đang tắm mình dưới ánh nắng
chói chang, đến gần mới biết hóa ra đó là những ngôi nhà mồ.
Quan niệm rằng thế giới bên kia cũng giống như đời sống này, người dân Batak

xây và trang trí mộ hệt như ngôi nhà, nhưng trang trí có khi còn tỉ mỉ hơn. Ấn
tượng nhất là một ngôi nhà thờ theo kiểu nhà rông Batak cao vút giữa trời xanh
bằng gỗ, trang trí rất cầu kỳ. Kiến trúc phía trước đều mang nét đặc trưng Batak
với mái hình thuyền cao vút, còn các phù điêu, điêu khắc trong nhà thờ được chạm
trổ rất tinh xảo.
Cách đây hơn bốn thế kỷ, không ít những nhà truyền giáo phương Tây đã phải đổ
máu, thậm chí bỏ cả tính mạng để những tháp chuông và dấu thánh giá có ngày
được hiên ngang in giữa bầu trời cao xanh lồng lộng của đất nước miền xích đạo
này.

Nhà thờ có kiến trúc địa phương
Đến tham quan khu mộ đá, chúng tôi bị quyến rũ bởi những câu chuyện về các vị
tù trưởng đã an nghỉ tại đây. Theo phong tục, các vị tù trưởng sau khi qua đời sẽ
không chôn hay hỏa táng, mà an táng trong các ngôi mộ bằng đá đã chuẩn bị sẵn.
Tùy theo công trạng của từng người, bên mộ đá có tượng hay tác phẩm điêu khắc
để tỏ lòng trân trọng họ.
Đáng nhớ nhất có lẽ là câu chuyện về vị tù trưởng cao tuổi đính hôn với một cô
gái. Muốn nàng chung thủy với mình, ông bắt người đẹp luôn phải đội trên đầu
một bình nước để nàng không thể đi đâu xa. Cô gái không làm theo lời nên bị ông
ta nguyền rủa đến nỗi trở nên mất trí. Trước khi chết, để răn đe phụ nữ đời sau, vị
tù trưởng này cho tạc tượng của mình với gương mặt nghiêm khắc, còn vị hôn thê
thì đứng nép phía sau với gương mặt vừa ăn năn, vừa sợ hãi.
Đã đến giờ lên phà về lại thị trấn Pararat, đảo Samosir tiễn chúng tôi bằng tiếng
gió xào xạc, phảng phất mùi hương đồng nội, còn hồ Toba thì bằng muôn ngàn
gợn sóng lóng lánh dưới nắng hè. Sau một ngày được ngắm cảnh và nghe kể
chuyện xưa của hồ Toba, chắc chắn du khách nào cũng cảm thấy đây là vùng đất
không dễ quên.

Tượng đá cổ


Nhà thờ giữa đồng xanh

×