Khám phá cung đường Nha Trang
– Đà Lạt
"Tiếng chim kêu vang vọng khắp nơi, những con suối nhỏ róc rách chảy ra từ
lòng núi cho tới những ngọn thác hùng vĩ từ trên đỉnh núi chảy dài như một
tấm lụa trắng vắt lên trên sườn núi xanh rì toàn cây cổ thụ", bạn Nguyễn Sĩ
Toàn viết.
Đi từ Nha Trang lên Đà Lạt hay ngược lại thì chỉ có một con đường duy nhất là đi
ngược 100 km xuống thị xã Phan Rang – Tháp Chàm rẽ vào quốc lộ 27 vượt đèo
Sông Pha (hay đèo Ngoạn Mục) đến huyện Đơn Dương. Nếu đi xe lớn trên 30 chỗ
ngồi thì phải đi hướng ngã ba Fi Nôm qua đèo Prenn lên Đà Lạt. Nếu đi xe nhỏ thì
có thể đi qua đèo Dran về hướng Trại Mát với khung cảnh đẹp hơn rất nhiều. Đoạn
đường này dài khoản 228 km cho hành trình Nha Trang – Đà Lạt.
Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường mới từ Nha Trang lên Đà Lạt theo hướng Diên
Khánh – Khánh Lê – Khánh Vĩnh sang Đạ Sar huyện Lạc Dương đã được thông
xe với chiều dài khoảng 145 km, rút ngắn được so với đường cũ khoảng 80 km,
băng qua Vườn quốc gia Bi Doup nên khung cảnh phải nói là cực kỳ hoang sơ và
tuyệt đẹp. Đã là dân phượt, mê khám phá những cung đường mới thì không thể bỏ
qua đoạn đường này. Thế là tôi có một giấc mơ nho nhỏ được ấp ủ chờ có dịp thực
hiện.
Dịp ra Nha Trang vào một ngày cuối tháng 5, tôi đã lên một kế hoạch thăm cung
đường độc đáo này. Với lịch trình từ Nha Trang lúc 10h30 sáng, đến Đà Lạt lúc 2h
chiều, ăn cơm trưa tại Đà Lạt và đi chụp hình Hồ Xuân Hương trơ đáy đến khoảng
3h15 thì trở về Nha Trang, đến Nha Trang là 6h30 tối. Mọi người khi nghe nói tôi
đi như vậy đều có cảm giác chung là thằng này nó bị "khùng!". Nhưng mà đã đam
mê rồi thì rất khó mà cưỡng lại được và tìm lời giải thích cho hợp lý.
Xuất phát từ Nha Trang lúc 10h30 sáng, đến ngã tư gần nhất hỏi chú xe ôm đường
mới lên Đà Lạt, được chú chỉ đi về huyện Diên Khánh, qua di tích cây Dầu Đôi,
đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì rẽ phải đi ngang qua cổng thành cổ Diên Khánh.
Kể ra thì cũng rất lâu rồi mới được rong ruổi một mình trên chiếc xe máy vì vậy
cảm giác rất là thoải mái giống như tìm lại được chính mình!
Cung đường mới mở vắng người qua lại. Ảnh: Nguyễn Sĩ Toàn.
Quốc lộ 1A vẫn như ngày nào! Vẫn những chiếc xe đò Phương Trang, Minh
Dũng, Hoàng Long ngày ngày miệt mài ngược xuôi chở khách trên con đường
thiên lý, vẫn là những chiếc xe tải chạy bạt mạng bóp kèn inh ỏi và vẫn còn đó
những chú cảnh sát giao thông cũng miệt mài thổi còi dừng xe “kiểm tra giấy tờ”.
Đến huyện Diên Khánh rẽ phải vào một con đường, chạy khoảng 2 km là đến cổng
thành cổ Diên Khánh. Cổng thành rất nhỏ, màu đỏ, có treo một cái bảng “Di tích
lịch sử văn hóa, cấm xâm phạm”. Muốn đi qua cổng thành thì phải chờ tời lượt
mình thông qua tín hiệu đèn giao thông. Chợt thắc mắc là đường lên Đà Lạt đã
thông xe, nhưng với cái cổng nhỏ xíu này thì làm sao xe khách chui lọt?
Sau khi ra khỏi thành cổ Diên Khánh thì bắt đầu vào đoạn đường tráng nhựa nhỏ,
khá mát mẻ và xinh đẹp với hàng cây phượng nở bông đỏ rực hai bên đường. Đi
được vài cây số thì bắt đầu vào đoạn đường nông thôn với hai hàng cây bạch đàn
hai bên và những ruộng lúa nho nhỏ dưới chân núi xa xa. Đoạn đường này cũng
không lớn lắm, lại xấu, ổ gà lung tung, làm dấy lên nghi ngờ đây có phải là con
đường lên Đà Lạt hay không? Đi thêm khoảng 10 phút thì thấy một chiếc xe đò
màu cam của Phương Trang chạy ngược lại, thế là yên tâm mình đã đi đúng
đường.
Suốt một tiếng đồng hồ sau đó là toàn chạy trên những con đường gồ ghề sỏi đá,
băng ngang những ngọn đồi trọc lóc, những “Đại công trường” bạt đồi xẻ núi làm
đường nham nhở với ngổn ngang cột điện và đủ các loại xe cơ giới hạng nặng liên
lục gầm rú để hoàn tất đoạn đường này. Thì ra là đoạn từ Diên Khánh đến Khánh
Vĩnh chạy dọc Sông Cái vẫn làm chưa xong.
Nhìn những ngọn đồi bị “xẻ thịt” làm đường giống như những vết cắt vào thiên
nhiên thật sâu và thô bạo, đó cũng là cái giá của sự phát triển, được cái này thì mất
cái kia!
Qua cầu Sông Cầu là vào địa phận huyện Khánh Vĩnh, trời nắng chang chang,
mây núi trập trùng phía trước và đâu đó trong dãy núi trước mặt là vườn quốc gia
Bi Doup, là cao nguyên Lâm Viên nơi có thành phố Đà Lạt thơ mộng. Thế là cứ
thẳng tiến mặc dù đường xấu, tuy nhiên, cũng lâu lắm rồi không đi những con
đường kiểu này nên cũng là một cách để lấy lại cảm giác xưa.
Chạy một lúc thì đến một cây xăng và quán ăn với bảng quảng cáo là “Dừng chân
để lên đèo”, thấy có một chiếc xe Phương Trang đậu trong đó. Đi được một đoạn
là đến chân đèo – không tên, chỉ có cái bảng báo là “Đường đèo dốc quanh co dài
29 km”.
Thật may là đoạn đường từ chân đèo trở đi rất đẹp, đường trải nhựa phẳng lì. Dãy
sơn phân cách dưới đường trắng tinh. Thế là yên tâm leo đèo sau khi có một số
pha thử phanh bánh xe trước và sau để bảo đảm là chúng vẫn hoạt động tốt!
Đường đèo lúc nào cũng đẹp, đây lại là con đèo dài tới 29 km, có nhiều cảnh đẹp
để dừng chân chụp ảnh. Đường đèo quanh co uốn lượn, hai bên đường cỏ lau mọc
rất dày buông mình đong đưa theo gió rất đẹp và hoang sơ. Những khúc cua nguy
hiểm thì có hàng rào chắn bằng thép nhìn rất mới, chứng tỏ là con đường này đúng
là mới hoàn thành, trên hàng rào có đôi chổ bị “sứt mẻ” chắc là do tay lái nào đó
thấy đường đẹp và vắng vẻ nên hào hứng quá chạy hơi nhanh nên lao vào đây!
Dọc đường thấy người vài dân tộc chân không lầm lũi đi dọc đường, nhìn xung
quanh chỉ thấy toàn là rừng già và núi, tuyệt đối không có một nóc nhà hay nương
rẫy nào, vì vậy không biết những người này đi lang thang ở đây làm gì? Tuy
nhiên, giữa khung cảnh vắng vẻ và tĩnh mịt này mà gặp được người thì cũng thấy
vui. Thi thoảng mới thấy một chiếc xe chở khách chạy qua.
Đang thong thả leo đèo với vận tốc khoảng 40 km/h để tận hưởng cảnh đẹp thì
thấy một nhóm người nước ngoài đổ đèo bằng xe đạp, lập tức nhe răng cười với họ
và làm dấu hiệu “number one”, họ cũng đáp lại y chang, thật là vui. Những người
như thế quả thật là rất đáng nể, qua một đất nước xa lạ mà lại dám đi con đường
đèo lạ hoắc ngay cả với người Việt Nam, mà lại đi bằng xe đạp, bởi vậy mới thấy
được máu phiêu lưu của họ nhiều hơn mình gấp mấy chục lần.
Lên đèo chầm chậm, cố hít thật nhiều không khí trong lành của núi rừng cứ như là
sợ sẽ không hít thì nó sẽ bay mất. Chỉ có đi chậm mới cảm nhận được hết vẻ đẹp
và không khí của núi rừng nơi đây với tiếng chim kêu vang vọng khắp nơi, những
con suối nhỏ róc rách chảy ra từ lòng núi cho tới những ngọn thác hùng vĩ từ trên
đỉnh núi chảy dài như một tấm lụa trắng vắt lên trên sườn núi xanh rì toàn cây cổ
thụ. Định dừng lại lấy máy ảnh ra chụp nhưng thấy trước mặt mây đen kịt đầy đe
dọa nên thay vì lấy máy ảnh thì lấy áo mưa mặc vào để chuẩn bị đón cơn mưa của
núi rừng.
Thành cổ Diên Khánh.
Những ngọn
đồi bị xẻ làm đường.
Người dân tộc chân không lầm lũi đi dọc đường.
Mây đen kéo về trên đỉnh đèo.
Để mở một con đường thì phải hy sinh rất nhiều rừng già như thế này .
Những nông trại trồng rau.
Những cung đường uốn lượn trong lòng Vườn quốc gia Bi Doup.
Những dòng chảy trên núi.
Sắp đến Đà
Lạt.
Trời bắt đầu mưa lất phất, đến gần độ cao 1.000 m thì trời mưa lớn, mưa xối xả
kèm theo gió thổi đến từ mọi hướng nên mặc dù mặc áo mưa nhưng vẫn ướt từ
trên xuống dưới, ướt cả ba lô máy chụp hình. Tầm nhìn rất hạn chế, lại phải đeo
kính mát nên tối thui, không dám bỏ kính ra vì nước mưa tạt vào mắt không thấy
đường chạy, phải lấy khẩu trang ra đeo vì nước mưa quất rát cả mặt. Mưa quá lớn
lâu lâu lại có sấm chớp đùng đùng nên muốn dừng lại kiếm chỗ trú mưa nhưng
hoàn toàn không có chỗ trú vì vậy phải tiếp tục chạy trong cơn mưa. Vượt những
đoạn dốc cao mờ trong mưa, quanh co ác liệt, suối và thác chảy ầm ầm hai bên
đường tràn ra cả mặt đường.
Đến độ cao 1.500 m thì trời vẫn còn mưa nhưng cường độ đã giảm rất nhiều, tuy
nhiên trời lại lạnh, người thì ướt nên chạy xe mà run lập cập. Cảm giác lạnh run
nhưng mà vẫn phải chịu đựng mà không biết làm sao như trong tình huống này là
đã gặp trong lần đi Fanxifan nên không có gì mới! Đến đoạn gần đỉnh đèo thấy hai
thác nước chảy vắt ngang con đường đẹp quá, trời thì mưa nhẹ nên bèn mạo hiểm
dừng lại lấy máy ra chụp, tranh thủ vận động cho đỡ lạnh.
Đỉnh đèo cũng là ranh giới giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Khánh Hòa. Qua địa phận
huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng, thấy rất nhiều bảng yêu cầu bảo vệ rừng vì
khu vực này là thuộc Vườn quốc gia Bi Doup. Huyện Lạc Dương nổi tiếng rất
nhiều thông nhưng vẫn còn rừng già dày đặc.
Tiếp tục vòng vèo theo những cung đường uốn lượn trong lòng Vườn quốc gia Bi
Doup thật đẹp trong cái không khí lạnh trong lành mát mẻ và cơn mưa lất phất thật
là lãng mạn. Tuy nhiên, tôi đã bị ướt từ đầu tới chân nên không còn cảm giác lãng
mạn mà vẫn còn đó cảm giác lạnh run. Vừa chạy vừa dang chân ra hóng gió cho
quần áo mau khô mặc dù rất lạnh.
Qua cầu bắc qua sông Đa Nhim là thấy thủy điện Đa Nhim 2, rất nhỏ so với thủy
điện Đa Nhim trên đèo Ngoạn Mục, và đã nghe được cái mùi rất được chờ đợi đó
là mùi thơm ngai ngái của những cánh rừng thông bạt ngàn. Để tận hưởng tôi phải
dừng chân lại bên đường để cho bớt lạnh, để mà có thời gian hít thở bầu không khí
trông lành này.
Tới đoạn đường này thì cũng bắt đầu thấy có dân cư sinh sống mà điển hình là
những nông trại trồng rau trong nhà kín, đủ các loại hoa màu, rau củ quả, phải len
lén nhìn vào mới biết bên trong đó họ trồng chính xác là loại gì. Lúc này trời đã
hết mưa và không khí mang hơi lạnh đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Viên,
tôi cởi áo mưa, làm ngụm nước và tiếp tục lên xe đi về Đà Lạt.
Đoạn đường từ đây trở đi cũng quanh co uốn lượn giữa những cánh rừng thông
xanh mướt, bên phải thông, bên trái thông, trước mặt cũng thông, hai bên đường
thì hoa dại tự do khoe sắc với nhiều màu rực rỡ thật là quá đẹp, đẹp ngây ngất, chỉ
muốn dừng chân lại mà không muốn đi. Chạy được khoảng 30 phút thì rừng thông
bắt đầu ít dần và thay thế vào đó là những vườn rau, những ngôi nhà bằng gỗ hay
bê tông với hàng rào là những loài hoa “quý phái” như hoa Lys, hoa hồng… và cả
những khu mộ hoành tráng. Thế là bắt đầu vào địa phận thành phố Đà Lạt, thấy
ghi là đường Chu Mạnh Trinh, phường 12, cách hồ Than Thở 4 km.
Thế là tôi lại được lên Đà Lạt sau rất nhiều năm không ghé. Đà Lạt đã để lại trong
tôi rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên, cái không khí mát lạnh đặc trưng,
những con đường dốc quanh co, những gánh sữa đậu nành, bắp nóng hổi ngay chợ
Đà Lạt, những ngôi biệt thự nằm dưới tán những cây thông, tiếng thông reo và mùi
lá thông mục…
Tuy nhiên, Đà Lạt hôm nay có vẻ chật chội, cũng những con đường đó, những khu
phố đó, nhưng người thì đông đúc, những chiếc xe bus to đùng chiếm cả con
đường, hàng quán mọc san sát làm mất đi cái vẻ thơ mộng khi xưa. Thêm vào đó
là Hồ Xuân Hương bị rút cạn nước để nạo vét cỏ mọc um tùm, với những lô cốt
được dựng lên y như Sài Gòn làm mất hẳn hình ảnh của Đà Lạt với những phố nhỏ
bình yên. Tôi hơi thất vọng và buồn về những gì đã xảy ra cho Đà Lạt, thôi thì hy
vọng trong thời gian tới những người có trách nhiệm sẽ biết cách trả lại một Đà
Lạt như từng có.
Ăn cơm xong đến 3h chiều thì quyết định trở về Nha Trang vì cũng không có gì để
tham quan chụp ảnh tại đây. Có một điều an ủi là tôi sẽ được đi trên con đường
tuyệt vời Đà Lạt – Nha Trang một lần nữa, trong cùng một ngày! Hy vọng lần này
không bị mắc mưa.
Đổ hết con đèo dài 29 km thì đến đoạn đường xấu lúc 5h chiều, trời lại mưa lất
phất. Đường xấu nhưng mà rộng do đó buổi chiều bà con hai bên đường không có
gì làm kéo nhau ra hết ngoài đường, con nít thì rượt nhau chạy, người lớn thì ngồi
tán dóc, mấy anh công nhân thi công đường thì ngồi nhậu hay đong đưa trên
những chiếc võng mắc trên những chiếc xe cơ giới hạng nặng, thấy mình chạy
ngang tất cả các hành động đều ngừng lại và các cặp mắt thì hướng theo nhìn.
Đường xấu nên chạy chậm, các xe chạy ngược chiều hay ló đầu ra hỏi câu hỏi
quen thuộc: “Đường này về Đà Lạt phải không anh?” và mình cũng trả lời: “Dạ,
đường này về Đà Lạt, đoạn sau đường đẹp lắm không xấu như thế này đâu!” thế là
các anh cười toe toét.
Chạy một hồi thì cũng đến đoạn dọc Sông Cái, trước khi vào thành cổ Diên Khánh
có đường rẽ ra quốc lộ 1A, xe máy hay xe nhỏ dưới 12 chỗ thì có thể đi vào thành
cổ sẽ nhanh hơn. Đến 6h30 chiều thì cũng về đến thành phố Nha Trang, kết thúc
chuyến đi một mình thăm đường mới Nha Trang – Đà Lạt trong 8 tiếng cho đoạn
đường 290 km cả đi lẫn về.