Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Pérouges – làng Trung cổ đẹp nhất nước Pháp docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (510.4 KB, 9 trang )

Pérouges – làng Trung cổ đẹp nhất
nước Pháp

Tôi đã đến những thành phố Trung cổ ở châu âu, cũng từng đến những ngôi
làng thuộc loại đẹp nhất nước Pháp. Nhưng khi đến Pérouges, ngôi làng nhỏ
chỉ mất vài giờ là đã đi hết các ngõ hẹp, tôi vẫn thấy vẻ đẹp đơn giản nơi đây
sẽ khó lòng nào quên được.

Tôi đến Lyon vào một ngày mùa đông trước lễ Giáng sinh vì gia đình một người
bạn Việt kiều nhiệt tình mời nhóm bạn tụ họp tại đó. Tôi từ Bỉ sang, còn mấy
người bạn khác từ Thụy Sĩ, từ miền Bắc hoặc từ miền Nam nước Pháp, tận
Marseille. Đã lâu rồi chúng tôi không gặp nên đây là dịp để cùng làm những
chuyến chu du ngắn.

Chủ nhà đề nghị tự tay lái xe đưa anh em đến làng Pérouges. Trước sự nhiệt tình
đó, chúng tôi khoác những chiếc áo to sụ lao vào trời đông, mặc cho anh chở đi
đâu thì chở. Cũng may hôm ấy tuy mùa đông lạnh lẽo nhưng mặt trời chiếu rất
“khí thế”, những tia nắng chói chang của miền Trung nước Pháp giúp chúng tôi
lên tinh thần.

Khu vườn Trung cổ
Từ Lyon chúng tôi ngồi xe hơi một lúc thì đến Pérouges. Người hướng dẫn reo lên
theo điệu nhạc kích động “Ngôi làng Trung cổ đẹp nhất nước Pháp đây!”. Chỉ vài
bước chân từ bãi đậu xe nằm bên ngoài làng, chúng tôi rảo bộ vào trong. Pérouges
đang hiện ra!
Vòm Cổng Cao và quảng trường Tilleul
Làng Pérouges nằm trên một ngọn đồi nên nhà cửa được xây theo triền dốc thoai
thoải rất lãng mạn. Đây là ngôi làng có từ thế kỷ XV. Dù là vùng nông thôn nhưng
người dân không trồng trọt hay chăn nuôi mà chuyên làm những ngành nghề thủ
công của thời Trung cổ. Họ là những thợ mộc, thợ hàn, thợ nề, thợ sắt, thợ đẽo
đá… Chính những người thợ ấy qua bao thế hệ đã xây nên ngôi làng Pérouges


bằng những kỹ năng của mình.
Ngôi làng tuy không có chiến sự binh đao nhưng không hiểu sao người dân lại cho
bao bọc bằng bức tường thành khá kiên cố bằng đá xám. Làng cũng không có dấu
ấn cai trị của một vị vương gia hay chủ đất nào… Các nhà khảo cổ đã kết luận dân
làng luôn sống trong bình an cùng những ngành nghề thủ công đã chọn.

Vòm Cổng Cao
Để bước vào Pérouges, mọi người đi dưới Vòm Cổng Cao. Cửa ngõ này được xây
bằng những viên đá mài giũa công phu. Bên trên Vòm Cổng Cao là một nhà thờ.
Chúng tôi lại nhìn nhau tự hỏi: Vì sao sống trong cảnh thanh bình, dân làng
Pérouges lại đặt chỗ thờ phụng của mình bên trong những bức tường thành bằng
đá quá kiên cố như vậy?
Cây tilleul (tiếng La-tinh gốc là tilia) là một loại cây rất phổ biến ở nước Pháp.
Cây trồng mau lớn, hoa năm cánh có màu trắng hồng. Người Pháp hay lấy hoa
phơi khô, nấu nước uống để chữa bệnh mất ngủ. Uống tilleul ở Pháp giống như
uống rễ tranh mía lau ở Việt Nam và vì ai cũng uống, ai cũng thích nên cây tilleul
rất thân thương với người Pháp.

Quảng trường Tilleul
Quảng trường Tilleul ở làng Pérouges đương nhiên là có trồng cây tilleul, dù chỉ
có một cây duy nhất! Tôi không mấy ấn tượng với cây, mà thích mê ngôi nhà bằng
đá viền gỗ đẹp choáng ngợp nằm ngay trên quảng trường. Căn nhà độc đáo này
hiện nay được sở du lịch địa phương dùng làm nhà trọ với giá khá đắt. Khách du
lịch phương Tây thường thích ở một đêm trong ngôi nhà Trung cổ, buổi sáng mở
cửa sổ nhìn bao quát khắp quảng trường được lót đá cầu kỳ.
Cây tilleul được dùng đặt tên cho quảng trường vì người dân Pérouges cho rằng nó
tượng trưng cho tinh thần tự do vào thế kỷ XV. Từ quảng trường Tilleul tỏa ra
những con đường chính nên đứng từ đây, chúng tôi tha hồ thả tầm mắt nhìn khắp
làng. Quả thật Pérouges còn giữ được hồn Trung cổ, chẳng trách các nhà làm phim
đến đây quay ngoại cảnh liên tục. Giới văn nghệ sĩ cũng thích lui tới và cả cựu

Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân cũng đã từng viếng thăm nơi đây.
Phố Vòng Tròn

Khu vườn nhỏ
Từ quảng trường, vài con đường rẽ nhánh dẫn đến con phố chính: phố Vòng Tròn.
Gọi là phố cho sang chứ thực chất ở làng Pérouge chỉ có những con hẻm hẹp và
rất hẹp. Bề ngang con phố Vòng Tròn chỉ khoảng một mét hai. Phố được lót đá
đẽo hình bầu dục, ở giữa có con rãnh thấp giúp cho nước mưa từ mái nhà hai bên
rơi xuống thoát vào cống.
Dù được xây từ thời Trung cổ, con phố lót đá này vẫn bền, giúp cho làng được
sạch sẽ, khô ráo. Tuy nhiên, nếu ai mang giày cao gót mà rảo bước trên những
viên đá tròn bóng thì dễ gặp rắc rối. Vào thế kỷ thứ XV, dân Pháp hay đi guốc gỗ
nên đi trên những viên đá đẽo trơn trợt cũng không việc gì cho lắm. Thời đó, dân
nhà giàu mang giày da đi vào sát vỉa hè khô ráo, còn dân nghèo đi guốc gỗ phải đi
vào rãnh thoát nước. Vì thế, ở rãnh này có vẻ bằng phẳng hơn.
Ở cuối con đường, chúng tôi gặp một cái giếng, nơi được đặt tên là “quảng trường
Giếng”. Giếng cổ có dây leo xanh rì, ngày nay không dùng nữa, dù giếng sâu đến
33 mét. Đây là địa điểm chụp ảnh lý tưởng của các cặp cô dâu chú rể trong ngày
cưới. Đứng bên nhau ở cái giếng cổ này, họ tin rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ
tồn tại lâu như… giếng!
Phố Các Hoàng Tử và Vòm Cổng Thấp

Phố Các Hoàng Tử

Vòm Cổng Thấp
Con phố độc đáo ấy mang cái tên gần giống với tên sân vận động nổi tiếng ở Paris
– Công viên Các Hoàng Tử. Con phố cũng hẹp như những con phố khác, nằm
cong cong theo hình chữ S rất gợi cảm. Phố chạy dài từ Nhà thờ ở Vòm Cổng Cao,
đi ngang qua phố Cái Trống và kết thúc ở Vòm Cổng Thấp.
Đây là con phố chính nhộn nhịp mua bán với những cửa hàng không hề để bảng.

Các cửa hàng đóng cửa chính, cửa sổ cũng đóng, nhưng mở rèm cho người đi
đường nhìn vào xem hàng hóa. Nếu ưng thì cứ tự động mở cửa bước vào. Có
những cửa hàng trưng hàng hóa ra ngoài bằng những cái giá sắt xinh xắn, bên trên
đặt vài chậu hoa đỏ.

Cửa sổ cổ kính
Không biết thời Trung cổ nơi đây bán gì, còn hiện tại chúng tôi thấy phố Các
Hoàng Tử buôn đủ thứ: quần áo thời trang, đồ chơi gỗ, vật dụng trang trí nội thất,
sách, nữ trang, đồ cổ… Tất cả đều rất sang trọng và cao giá.
Ở phố này chúng tôi cũng bắt gặp vài nhà trọ treo bảng rất dễ thương với những
cái tên ngộ nghĩnh như Con Gà Trống, Con Mèo Đen, Hoa Màu Đỏ, Con Vẹt Già.
Nhìn nhỏ bé và mang tiếng là “nhà trọ” nhưng giá tiền thuê một đêm không thua
gì khách sạn năm sao! Cái giá phải trả cho khung cảnh Trung cổ có khác.

Quán trọ Con Gà Trống
Đi loanh quanh khắp làng Pérouges chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chúng tôi đã qua
mọi ngóc ngách. Ngôi làng bé nhỏ thật, nhưng công sức để giữ gìn làng sao cho cổ
kính hoàn toàn không dễ dàng. Đặc biệt, chúng tôi gặp khá nhiều cặp cô dâu chú
rể đến đây chụp ảnh kỷ niệm đám cưới.
Đến Pérouges, chúng tôi hơi thắc mắc là sao đường phố quá im lìm, vắng vẻ, hiếm
gặp khách du lịch. Không khí vẫn còn rất cổ và chưa bị du khách làm hỏng cái hồn
phố xưa. Phần vì Pérouges rất hạn chế quảng bá rầm rộ ngôi làng Trung cổ của họ.
Họ muốn khách đến phải là những người yêu làng, hiểu và trân trọng thành quả
của tổ tiên họ.
Cũng vì ít khách nên ai đến đều bị “chém đẹp” – giá ở đây cao hơn rất nhiều
những nơi đông du khách khác. Đó cũng là lý do chúng tôi ra khỏi làng mà không
tốn tiền ngồi uống một ly cà phê!

Những dòng thơ ca ngợi làng Pérouges
Đứng nhìn Vòm Cổng Thấp, nói lời tạm biệt với Pérouges, tôi biết rằng mình đang

có cùng tâm trạng với Robert Bréban. Ông là ai tôi chưa rõ, nhưng trên con phố
Các Hoàng Tử tôi đã thấy một bài thơ ký tên ông. Bài thơ khắc sâu vào đá với
những dòng mộc mạc ca ngợi ngôi làng này:
Pérouges cổ kính tuyệt vời
Những bức tường xám và hàng đá đen
Vẻ đẹp đơn giản của người
Mãi theo tôi đến những ngày mai sau.

×