Bagan Nơi ấy lòng ta chợt hóa thành quách cũ
Bagan, bầu trời màu cam huyền ảo và ấm áp. Các ngôi tháp cổ thức dậy cùng với bình
minh, đốt cháy mình trong ánh nắng chói chang và thiếp ngủ khi hoàng hôn buông
xuống.
Những hình ảnh đó từng thấp thoáng hiện ra trong các giấc mơ của tôi, từ trước khi tôi
đặt chân đến Miến Điện, xứ sở của những ngôi đền.
Lối xưa xe ngựa
Miến Điện (Myanmar), khi còn nhỏ, tôi cứ ngỡ đó là một xứ nào xa xôi lắm. Nhưng
ngày nay, chỉ mất vài giờ bay là bạn có thể đến được đất nước còn khá khép kín với
thế giới này. Và, chỉ thêm hơn một giờ nữa trên chiếc máy bay nội địa cũ mèm, tôi đã
có thể nhìn thấy Bagan, vùng đất trong những giấc mơ của mình.
Vốn ít vận động nên chúng tôi quyết định chọn xe ngựa thay vì xe đạp như nhiều khách
Tây balô khi đi thăm các ngôi đền trong bình nguyên rộng tới hơn 40km2 này. Chủ nhà
trọ nơi chúng tôi ở giới thiệu chúng tôi với Moe Thu, người đánh xe ngựa có nước da
ngăm đen và khuôn mặt trầm lặng. Sau tiếng hô ngắn của Moe Thu, chú ngựa hung
giật mình cất bước, chiếc xe lắc lư đưa chúng tôi rời thị trấn Nyaung U.
Nằm bên rìa khu Bagan cổ, Nyaung U đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của đa số
du khách đến Bagan. Thị trấn nhỏ này hầu như chưa bị tác động nhiều bởi du lịch, trừ
vài nhà hàng, quán trọ đơn sơ vắng khách. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua một
xưởng sản xuất parasol, một loại dù bằng giấy căng trên khung tre đặc trưng của người
địa phương. Trong ánh nắng buổi sớm, các chàng trai quấn váy longyi miệng nhai trầu
đỏ tươi, phơi parasol ra trước cửa. Những cánh parasol đủ màu sáng bừng trong nắng
như một đàn bươm bướm đang sà xuống sân.
Những con đường quê Bagan sao mà bình yên, trong trẻo! Hai bên đường rất nhiều
cây cổ thụ, mấy người ôm không xuể. Mùa khô cây rụng lá, cả thảm lá vàng trải ra như
mời gọi ta dừng vó ngựa. Nắng thì vàng rịm như mật ong nhưng không khí lại thanh
mát, chẳng chút oi nồng.
Đến khúc quanh đầu tiên, chúng tôi rời đường nhựa, rẽ vào con đường đất hẹp. Khung
cảnh Bagan mùa khô thật ngoạn mục, có chút gì đó hoang dã phảng phất hơi hướm
châu Phi. Hai bên đường là vô số đền tháp với đủ hình dáng và niên đại. Chiếc xe
ngựa chở chúng tôi lướt qua khung cảnh ấy như đi ngược thời gian trở về quá khứ,
hiện tại giờ chỉ còn như làn bụi mỏng rớt lại phía sau.
Lòng ta là những thành quách cũ
Không ai biết được chính xác có bao nhiêu ngôi đền cổ ở Bagan, chỉ biết trong hơn 200
năm trị vì từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, các vị vua Bagan đã cho xây trung bình 20 ngôi
đền mỗi năm. Sau nhiều thế kỷ bị cướp bóc và thiên nhiên tàn phá, hơn 4.000 ngôi đền
cổ đã bị hủy hoại hơn một nửa, chỉ còn khoảng 2.000 đền tồn tại đến ngày nay.
Những ngôi đền tháp đủ hình dáng, niên đại làm nên vẻ đẹp của Bagan
Tuy không đồ sộ và tinh xảo nhưng các ngôi đền Bagan quyến rũ nhờ vẻ đẹp mộc mạc
và thuần khiết. Trừ một số ít đền bằng sa thạch, đa số đều được xây bằng gạch nung,
thứ vật liệu gần gũi từ đất và như đất. Do vậy, mỗi ngôi đền ở Bagan cũng giống như
một bông hoa của đất, sinh ra và lớn lên trên đất.
Phần lớn đền chùa ở đây có kiến trúc khá đơn giản, không có nhiều chi tiết trang trí bên
ngoài. Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi nhìn ngắm quần thể này là những tháp nhọn
trên các nóc đền. Trong các tài liệu đọc được, tôi không tìm thấy lời giải thích về nguồn
gốc hình dạng búp tròn và thon dài của tháp ở đây. Vì thế, trong trí tưởng tượng của
tôi, những ngọn tháp này tượng trưng cho các búp sen hay ngọn nến thờ mà những
Phật tử thành kính dâng lên đức Phật như mô tả trong tranh tường ở các ngôi đền.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những bức tranh tường và thiết kế bên
trong đền ở Bagan. Mỗi lần bước vào một ngôi đền, tôi lại thích mê cách xử lý ánh sáng
theo nguyên tắc “không gian không có ánh sáng mà ánh sáng ở bên trong không gian”
đầy tính tâm linh của các kiến trúc sư cổ. Theo cách đó, mỗi ngôi đền thường có bốn
hành lang chạy dọc theo các cạnh và bốn căn phòng nhỏ thờ Phật ở các góc.
Những khuôn mặt Phật và người phúc hậu, viên mãn
Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên đứng trong hành lang dài và tối của một
ngôi đền. Và, khi mắt tôi đã quen dần với bóng tối, những bức tranh vẽ trên tường như
cũng dần sáng rõ lên. Không cầu kỳ tinh xảo như tranh tường ở các nhà thờ châu Âu,
cũng không phức tạp, khó hiểu như ở Ai Cập, tranh tường ở Bagan có vẻ đẹp dịu dàng
và mềm mại như được vẽ trên lụa. Từ trong bóng tối, những khuôn mặt Phật, mặt
người phúc hậu và tròn đầy trong tranh như tỏa ra một thứ ánh sáng riêng - ánh sáng
của sự bình yên và hy vọng.
Đi tìm ánh mặt trời
Dân đi du lịch thường có thói quen so sánh những nơi mình đã đi qua, nên mới có
những “Paris phương Đông” hay “Venice phương Bắc”. Nhưng, tôi thật không thể hiểu
vì sao Bagan lại được so sánh với Angkor của Campuchia. Trong mắt tôi, Bagan và
Angkor đối lập với nhau như mặt trời và mặt trăng, như lửa và nước. Ấn tượng về
Angkor trong tôi là những ngôi đền đá xanh lạnh lẽo, cô liêu ẩn mình dưới những cánh
rừng già trong một ngày mưa. Trong khi đó, Bagan lại là những chùa tháp bằng gạch
đỏ hồn nhiên và bình dị, rực rỡ trong nắng vàng và hoa cỏ mùa khô. Vẻ đẹp của Bagan
không nhấn vào chi tiết, cũng không nằm ở từng ngôi đền riêng lẻ mà được tạo nên bởi
tầng tầng lớp lớp ngọn tháp đủ hình đủ dạng, vừa xa vừa gần, có cao có thấp, như một
bức tranh đa chiều kỳ ảo.
Ở mỗi góc độ, vào mỗi thời điểm, Bagan đều có vẻ đẹp riêng, nhưng có hai khoảnh
khắc trong ngày mà mọi du khách đến Bagan đều không thể bỏ qua. Nếu như trong
suốt một ngày lang thang ở khu di sản rộng lớn này, bạn có cảm giác cả “rừng” tháp kỳ
vĩ ở đây chỉ là bí mật của riêng mình, thì hoàng hôn và bình minh lại là thời điểm để
những người “đi” gặp gỡ và giao lưu với nhau. Lúc đó, các du khách dù đang ở đâu
cũng tìm đường đến một số ít các ngọn tháp cao và có góc nhìn đẹp để “săn” ánh mặt
trời.
Không chỉ là săn ánh mặt trời, từ trên đỉnh tháp, bạn còn được nhìn ngắm và lắng nghe
những âm thanh rộn rã của cuộc sống bên ngoài các ngôi đền cổ. Tôi nhớ những buổi
chiều ngồi chờ hoàng hôn trên đỉnh tháp, ngắm các cậu học sinh mặc đồng phục longyi
xanh, sơmi trắng tan trường, ríu rít đạp xe giữa đồng cỏ như bầy chim sẻ hồn nhiên.
Tôi cũng nhớ các bé gái bán tranh cát trên đỉnh tháp không được đến trường nhưng
biết đếm từ 1 đến 10 bằng đủ thứ tiếng. Những khuôn mặt xinh xắn bôi phấn thanaka
trắng xóa của các em luôn nở nụ cười tươi dù chẳng có mấy du khách mua tranh. Cuộc
sống ở Bagan là thế, dù có chật vật mưu sinh nhưng vẫn luôn lạc quan và tràn đầy sức
sống.
Các thiếu nữ bán hàng với vệt phấn thannaka nhẹ vương trên má
Buổi hoàng hôn cuối cùng ở Bagan, chúng tôi cứ nấn ná mãi trên đỉnh tháp chờ trăng
lên. Hóa ra, trăng chỉ là cái cớ để chúng tôi được ở thêm chút nữa với thành cổ đã trở
nên quá thân thương này. Chỉ hai ngày ngắn ngủi, Bagan đã trao tặng cho tôi biết bao
điều tốt đẹp không thể lưu lại hết trong các khung hình. Trên những đỉnh tháp cổ, tôi đã
nhìn thấy mặt trời trong các giấc mơ của mình.