30 Lời Tâm Sự - Ngô Thụy Miên
Trong nền tân nhạc Việt nam, đặc biệt là tình ca, dòng nhạc Ngô Thụy Miên
là một nét đẹp đài cát, mang một phong cách rất riêng. Người ta thường
cho rằng không có gì trong cuộc đời là vĩnh cữu. Nhưng Ngô Thụy Miên đã
đóng góp cho âm nhạc Việt nam những bản tình ca mà tôi tin rằng sẽ bất
tử.
Tôi đã hân hạnh được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho phép làm một bài phỏng
vấn sau đây. Hy vọng rằng qua bài phỏng vấn này, chúng ta sẽ cảm thấy
gần gũi hơn với tác giả của những bài tình ca tuyệt vời.
Hoàng Vi Kha
1. Trong các chủ đề sáng tác, thông thường là: Tình Yêu (đôi lứa), Thân
Phận, và Quê Hương, phần lớn các nhạc sĩ đều viết cho cả ba chủ đề này,
riêng chú, tất cả cho tình yêu (đôi lứa), vì hễ nói đến nhạc của chú, là nghĩ
ngay đến “tình ca”, vậy chú có thể cho biết tại sao chú lại chỉ chọn một chủ
đề mà thôi?
Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người,
với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn
thưở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê
Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao
nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi
lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi.
2. Chú viết rất nhiều cho tình yêu. Vậy theo chú, định nghĩa của chú về
tình yêu ra sao?
Cho, Chấp Nhận, và Tha Thứ.
Cho người, Chấp Nhận tình, và Tha Thứ cho mình, như một lần tôi đã
nói: Tình ơi! Dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.
3. Trải theo thời gian, cái nhìn (hay quan niệm) về tình yêu của một người
sẽ có ít nhiều thay đổi, vậy ở chú thì sao? Có hay không sự đổi thay quan
niệm về tình yêu từ những tình khúc đầu tay của chú và những tình khúc
mới nhất? Sự thay đổi (nếu có) là nguyên do nào và thay đổi ra sao?
Dĩ nhiên, tình yêu cũng như đời sống, đều luôn biến đổi theo thời gian, và
không gian. Lấy 1975 làm dấu mốc quan trọng trong tình ca Ngô Thụy
Miên. Trước Em Còn Nhớ Mùa Xuân là một thời của tuổi trẻ, mộng mơ, lãng
mạn. Sau Em Còn Nhớ Mùa Xuân là hạnh phúc, khổ đau, là những mất
mát, hiện thực của đời sống. Ở tuổi 20, tình yêu nồng nàn, say đắm, miệt
mài… và khi cuộc tình đã chết thì là nỗi buồn đau, xót xa nhẹ nhàng của
Bản Tình Cuối, là tiếc nuối chất ngất của Niệm Khúc Cuối. Tuổi 30, tình yêu
thổi qua đời như cơn gió lạ đầu mùa, là bát ngát mộng mơ, rồi bỗng thành
chia lìa, tan tác. Đó là thời kỳ của Em Còn Nhớ Mùa Xuân, của Dốc Mơ. Còn
ở tuổi 40, tình sâu lắng cùng những tiếc nhớ khôn nguôi của một thời đã
qua với Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Riêng Một Góc Trời. Tuổi 50, nhìn lại
mình, những sợi tóc xanh xưa đã bỏ đi như những kỷ niệm cũ, nhưng trái
tim hồng ngày nào vẫn rung động cùng Mưa Trên Cuộc Tình Tôi, Nỗi Đau
Muộn Màng
4. Tình yêu đi liền với tính lãng mạn. Trong giòng nhạc của chú, bàng bạc
vẻ trữ tình, lãng mạn. Nhưng tính lãng mạn của Ngô Thụy Miên khác với
những nghệ sĩ khác. Chú có thể nào nói về sự lãng mạn đó?
Tính lãng mạn trong giòng nhạc Ngô Thụy Miên? Có thể nói từ những ngày
còn trẻ, tôi đã nghe và yêu thích những giòng nhạc tình tự, trong sáng của
các tác giả thời tiền chiến, và cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhạc cổ
điển tây phương, nhất là nhạc classique của thế kỷ 19, mà tôi đã theo học
tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trong thập niên 60. Cho nên có lẽ vì
thế mà sự lãng mạn trong giòng nhạc NTM có một chút trang nghiêm cổ
kính, và pha một chút “thơ” của những Lamartine, Chopin, George Sand…
cùng Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn…
5. Thông thường, ở tuổi mới lớn, đó là tuổi của hoa mộng, ngọt ngào men
say của những rung động trinh nguyên, ban đầu và vì vậy, đó cũng là tuổi
mà đưa đến sự xuất hiện của hầu hết những văn sĩ, thi sĩ, hay nhạc sĩ. Với
chú điều này đúng không? Và tại sao chú lại chọn âm nhạc mà không chọn
thơ, hay văn?
Đúng đấy chứ, tôi hoàn tất tình khúc đầu tiên Chiều Nay Không Có Em năm
17 tuổi. Tuổi trẻ tôi cũng viết văn, làm thơ…nhưng chỉ được biết đến trong
giới bạn bè thân cận. Còn âm nhạc, thì nhờ được học hành trường lớp đàng
hoàng về nhạc lý, nhạc sử, hòa âm, vĩ cầm…và còn chơi đàn trong ban
nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng, nên phương tiện sáng tác, cũng như phổ biến
có phần dễ dàng hơn.
6. Khi viết một tình ca, thông thường cảm xúc dẫn dắt chú đến điều nào
trước: giai điệu hay ngôn ngữ (ca từ)?
Tiết tấu và ca từ, cả 2 điều này đều rất quan trọng trong việc sáng tác một
tình khúc. Như VK đã nói, tôi thường để cảm xúc tự nhiên dẫn dắt trong
việc sáng tác, không gò bó theo một khuôn khổ, qui luật nhất định nào.
Tuy nhiên nhìn lại quá trình sáng tác thì có thể thấy ngoài những ca khúc
phổ thơ, và 4 bài tôi đã hoàn tất giai điệu trước (Mắt Biếc, Từ Giọng Hát
Em, Dốc Mơ, Miên Khúc), phần còn lại là kết hợp của cả hai, ý nhạc và lời
ca.
7. Hầu hết các tình ca đầu tay của chú đều được diễn đạt qua thể điệu
chậm, thướt tha của Boston, chú có chủ đích chọn thể điệu này như một
hướng sáng tác riêng? (cũng như hễ nói đến thơ lục bát thì nghĩ ngay đến
Nguyễn Du hoặc thơ năm chữ thì Nguyễn Tất Nhiên, hoặc thể điệu Bolero
thì nhạc Lam Phương)
Giản dị thôi, như đã nói tiết tấu và ca từ của một tình khúc đều rất quan
trọng, tôi vẫn quan niệm là khi nghe một bài tình ca, nếu ta yêu được ý
nhạc thì hạnh phúc một, mà nếu thấu được lời ca nữa thì hạnh phúc gấp
đôi. Do đó rất nhiều sáng tác của tôi đã được viết theo thể điệu chậm của
Boston để ca sĩ có thể trình bầy, diễn tả hết được cái nồng nàn, tha thiết
của lời ca ý nhạc. Tôi nghĩ rằng khi bản nhạc được làm mới thêm với phần
hòa âm viết lại từ những thể điệu chậm thành Tango, Samba, ChaChaCha…
đều đã làm mất đi cái đẹp nguyên thủy của nó.
8. Nghe những tình khúc của chú, có thể nói, đối tượng thính giả là những
người ở thành thị hơn là ở nông thôn. Hơn thế, không chỉ âm hưởng mà
ngay cả ngôn ngữ của những tình ca của chú cũng đòi hỏi người nghe ở
một trình độ cảm nhận (hoặc kinh nghiệm sống) nào đó chứ không là
quảng đại, bình dân. Chú nghĩ sao về nhận xét này? Phải chăng nhạc của
chú cần có đối tượng thích hợp?
Thật ra những sáng tác của tôi viết ra không hẳn cho một đối tượng thính
giả nào, mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm
tư riêng với mình mà thôi. Nhưng có lẽ đây là một sự tình cờ của định
mệnh. Tôi sinh trưởng tại 2 thành phố lớn Hải Phòng, và Sài Gòn. Chịu ảnh
hưởng của nền âm nhạc, cũng như sách báo, phim ảnh tây phương. Đọc
nhiều thơ văn viết về Sài Gòn, Hà Nội, Paris…Chỉ một dịp duy nhất được
bước chân về miền quê yêu dấu của mình trong lần đi vượt biên dưới Cà
Mâu! Cho nên dù muốn cũng không thể dối mình để viết những bài tình ca
Quê Hương. May mắn là trong bao năm qua, đã có nhiều nhạc sĩ để lại cho
chúng ta những ca khúc với chủ đề Quê Hương thật tuyệt vời.
9. Khi mang tình yêu vào âm nhạc, đơn thuần chỉ là bày tỏ cảm xúc của
chính mình hay chú còn nhắn gởi thông điệp nào khác về tình yêu?
Ở cái tuổi bắt đầu sáng tác, cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là tất cả những
hận thù, đố kỵ, bon chen, lừa lọc đều sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu là sẽ ở lại
mãi với chúng ta. Tình yêu giữa người và người, giữa người và cuộc sống,
cũng như thiên nhiên. Đối với tôi âm nhạc cũng chính là tình yêu. Xin hãy
để âm nhạc ngự trị trên khắp quả địa cầu khô khan, nơi chúng ta đang tạm
trú đây.
10. Tình yêu có lúc làm cho trái tim con người đi qua, hoặc cưu mang khổ
hạnh. Trong tình ca của chú nỗi khổ hạnh của tình yêu được chú trình bày
có nét riêng biệt – không sến – không quy lụy. Xin chú cho biết thêm về
điều này?
Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng
liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận
cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc
cho người yêu. Yêu cũng là tha thứ cho những vấp ngã của người và của
chính mình. Đó chính là cái nét riêng biệt của tình ca NTM.
11. Có phải chăng càng đau khổ, càng ma sát với đời, người sáng tác càng
có nhiều tác phẩm hơn và tác phẩm càng sâu sắc hơn? Hay nói cách khác,
khi trọn vẹn hạnh phúc, dường như sáng tác ít đi ? Chú có bị trường hợp
này không? Chú nghĩ gì về điều này từ kinh nghiệm sáng tác của chính
chú?
Có lẽ đây là một nhận định, một quan điểm chung của mọi người, là càng
đau khổ, càng hận sầu thì viết văn, làm thơ, họa tranh, hay sáng tác nhạc
càng hay hơn? Người nghệ sĩ càng sống bệ rạc, phóng túng thì sáng tác
càng sâu sắc hơn? Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Bằng chứng là vào thế
kỷ 19, nhạc sĩ Mendelssohn là một người sung sướng từ đầu đến cuối,
không bị một đau khổ nào trong cuộc sống, ngoại trừ lúc ông ra đi vào cái
tuổi rất trẻ, nhưng ông đã viết, đã để lại rất nhiều tác phẩm bất hủ cho đời.
Riêng tôi có lẽ được may mắn sinh trưởng trong một gia đình tương đối ổn
định về cả 2 mặt vật chất cũng như tinh thần, nên những sáng tác của tôi
từ trước cho đến nay vẫn là một đời nhạc NTM, chỉ có khác biệt là những
tình khúc viết trước 75 là của tuổi trẻ mộng mơ, tươi mát, tràn đầy hy
vọng, còn sau 75 thì mang nỗi khổ đau, xót xa, mất mát của cuộc sống
tạm dung nơi đây. Những đau khổ, mất mát này đã xẩy ra hàng ngày
quanh tôi từ những kinh nghiệm sống của chính mình, của bạn bè, gia đình
và những người thân của một thời.
12. Khi tạo ra một tác phẩm, thường so sánh như một đứa con tinh thần
vừa chào đời, chú có mong muốn gì ở nó và mong muốn gì từ những người
chung quanh?
Nói chung, những người làm công việc sáng tạo, khi cho ra đời một đứa con
tinh thần thì điều đầu tiên là họ mong muốn tác phẩm của mình được phổ
biến rộng rãi, và được người thưởng ngoạn yêu thích (dĩ nhiên điều này
không đúng với những người chỉ viết cho riêng mình). Với những người
sáng tác có tinh thần trách nhiệm thì ngoài điều mong muốn trên, còn hy
vọng là tác phẩm của mình đã nói lên được những điều mình muốn nói.
13. Có thể nói rằng tất cả các sáng tác của chú đều rất giá trị vì không phải
chỉ qua ngôn ngữ, âm điệu mà còn vì chú viết từ rung động chân thật (điều
này người nghe có thể cảm nhận được). Chú không chạy theo thị hiếu và
thời đại. Vậy chú có nghĩ sẽ gặp khó khăn từ phía thính giả trẻ không? Chú
nghĩ thế nào về việc sáng tác cần hoặc nên thích hợp với thời đại khác
nhau?
Cám ơn VK. Một lần nào đó tôi cũng đã có nói là “Tôi không viết nhạc để
sống, mà sống để viết nhạc”. Tôi yêu âm nhạc từ bao nhiêu năm nay, và
vẫn tiếp tục sáng tác cho mình, cho bạn bè, cho người thân, và cho tất cả
những ai đã có thể chia sẻ những tâm tình của tôi thể hiện qua tình ca
NTM.
Tôi không có nhu cầu chạy theo thị hiếu của thời đại. Giòng nhạc thính
phòng nói chung, giòng nhạc NTM nói riêng, hiện nay vẫn được rất nhiều
bạn trẻ chú ý, theo dõi và ủng hộ. Qua những lần tham dự các chương trình
nhạc chủ đề tại nhiều nơi, tôi đã có dịp gặp gỡ những người trẻ này, và tôi
vẫn nhận được khá nhiều email của các bạn trẻ yêu nhạc khắp nơi từ
những làng xóm, thành phố ở Việt Nam, cho đến những tỉnh thành khắp nơi
trên thế giới. Email từ các em, các cháu sinh ra, và lớn lên tại hải ngoại thì
cũng có, nhưng không nhiều lắm. Tôi vẫn nghĩ nền tân nhạc Việt Nam dù
mới có mặt trên dưới 70 năm, nhưng đã trải qua rất nhiều giai đoạn, thời
kỳ, mà mỗi một giai đoạn, thời kỳ, chúng ta đều có những giòng nhạc đáp
ứng được những bước đi thăng trầm của lịch sử quê hương dân tộc. Hiện
nay ở hải ngoại, dù vẫn có nhiều người sáng tác, nhưng nếu muốn tiếp tục
duy trì nền tân nhạc (đây chỉ nói đến nhạc phổ thông) các tác giả phải viết
nhiều hơn nữa những ca khúc nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của lớp
trẻ ngày hôm nay. Tuy cần những tiết điệu mới, nhưng vẫn phải không mất
đi cái đặc thù của nhạc Việt chúng ta.
14. Những ca khúc sau này của chú (từ thập niên 80 trở đi) giòng giai điệu
thay đổi hẳn so với thập niên 70. Thưa chú, nhận xét này có đúng không?
Và nếu đúng thì có nguyên do nào không? Không những vậy, nét trau
chuốc trong ngôn ngữ cũng thay đổi. Chú nghĩ sao?
Tôi vẫn nghĩ thời gian ở quê hương (trước 75) với những thân yêu quanh
mình, với những lụa là, mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, con đường
quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều…đã cho tôi những
cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng,
những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở đây, người ta thật vội
vàng, xa lạ, bận rộn…Những thành phố, nhà cửa thật huy hoàng, thật to
lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo, cô đơn. Ngày tháng bên này đã để lại trong
tôi những nét nhạc muộn phiền, ghi lại những lời ca mệt mỏi, buồn bã của
cuộc sống tạm dung, của một phần đời tỵ nạn.
15. Chú có những ca khúc viết cho Sài Gòn (Hát Cho Người Ra Đi, Nắng
Paris – Nắng Sài Gòn, Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn, Thu Sài Gòn) Qua những
lời chú viết cho thấy nỗi gắn bó giữa chú và Sài gòn rất tha thiết. Xin chú
có thể cho biết cảm xúc của chú khi rời Sài Gòn và khi viết những bài nhạc
trên.
Tôi sinh ra ở Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, nhưng đã lớn lên tại Sàigòn, đã
được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền
Nam, đã có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu
đời, khát khao…
Hỏi nếu vì lý do nào đó phải rời xa nơi chốn ấy thì làm sao không khỏi đau
lòng, không khỏi xót xa cho được. Trong nỗi nhớ thương tận cùng, tôi đã
viết một số ca khúc cho Sàigòn, và sáng tác gần đây nhất có tựa đề Biết
Bao Giờ Trở Lại, đã được nữ danh ca Khánh Ly trình bầy lần đầu tiên trong
2 đêm nhạc NTM tại Sydney, và Melbourne, Australia. Một bài hát đã một
lần nữa nói lên nỗi gắn bó của tôi với Sàigòn sẽ là mãi mãi.
16. Xưa nay, “thi-ca” thường đi chung với nhau và chú là một nhạc sĩ có rất
nhiều tác phẩm phổ thơ rất thành công. Nhưng phổ nhạc một bài thơ là
một việc không dễ, vì nó không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật mà còn cả ở sự cảm
nhận. Chú có thể chia xẻ một vài kinh nghiệm về việc phổ thơ thành nhạc
không? Đối với chú, đâu là điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ
nhạc (vì không phải bài thơ nào cũng có thể phổ nhạc được).
Thực ra thì tôi phổ thơ đâu có nhiều, chỉ trên dưới 10 bài thôi, thì kinh
nghiệm làm gì mà có chứ! Tôi chỉ biết phổ thơ là một việc không khó,
nhưng phổ để có được một bài nhạc hay, tồn tại được với thử thách của
thời gian thì không phải là chuyện dễ. Tôi vẫn nghĩ bản nhạc với những
niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao giờ có thể nói lên hết được ý thơ
của tác giả (đó là cảm nghĩ của tôi khi phổ thơ Nguyên Sa).
Điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ nhạc, không nằm ở bài thơ,
mà nằm trong lòng người muốn phổ bài thơ đó, có cảm xúc khi đọc bài thơ?
có chia sẻ, cảm nhận được những gì nhà thơ muốn nói? có đặt được mình
vào cương vị của nhà thơ khi sáng tác bài thơ? có đủ khả năng dùng nốt
nhạc để trình bầy ý thơ của tác giả… Khó như vậy, nên tôi không còn phổ
thơ nhiều như trước nữa.
17. Thơ ngay tự nó cũng đã có vần điệu. Có những bài thơ mà khi đọc lên
đã nghe như một nhạc khúc. Thưa chú, vậy đối với kinh nghiệm sáng tác
của chú, khi một bài thơ được phổ nhạc, có nên không tạo ra sự khác biệt
giữa vần điệu của thơ và âm giai của nhạc?
Người ta vẫn thường nói trong thơ đã có nhạc. Tôi nghĩ là không những
nhạc, thơ còn chất chứa cả hội họa, và vượt thoát được những gò bó, giới
hạn của quy luật, văn phạm trong ngôn ngữ thông thường nữa. Tuy nhiên
vần điệu của thơ dễ bị lập đi lập lại (tùy theo thể loại), và như vậy dễ trở
nên nhàm chán, nhạt nhẽo…Người phổ nên đem những âm giai của nhạc
vào thơ, sáng tạo những thang âm khác lạ, làm mới câu thơ hơn, và hy
vọng người nghe sẽ có thể chia sẻ những cảm nhận chung với mình.
18. Thơ có nhiều thể loại khác nhau như lục bát, đường luật, tự do . và số
chữ, cũng như cách gieo vần tùy vào thể lọai thơ mà khác nhau. Khi đem
thơ phổ nhạc, chú có gặp sự hạn chế trong sáng tác về những luật thơ, và
vần thơ không? Đối với kinh nghiệm của chú, thể thơ nào là dễ phổ nhạc
nhất (nhận thấy lọai 5 chữ là được đi vào nhạc nhiều nhất có phải chăng vì
nó dễ dàng hơn các lọai khác?)
Như đã nói bản nhạc với những niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao
giờ có thể nói lên hết được ý thơ. Dĩ nhiên thơ cũng có những niêm luật,
những cách gieo vần riêng…Như vậy khi phổ thơ thì phải biết dung hoà 2
vấn đề này, nghĩa là có khi phải du di, thay đổi nốt nhạc để họa vần thơ,
hay đôi khi phải thay đổi lời thơ để nhập với ý nhạc. Tôi thường phổ thơ 5
chữ, hay 7, 8 chữ… cũng có 1, 2 bài theo thể tự do. Thể thơ nào dễ phổ
nhất? Thì tùy người phổ thôi. Thông thường những bài thơ có vần điệu dễ
phổ hơn thơ tự do.
19. Khi một người ca sĩ trình bày ca khúc của chú, những điều gì chú mong
mỏi ở ca sĩ đó? Có những ca khúc được hát qua nhiều giọng ca khác nhau,
qua nhiều thời đại khác nhau. Mỗi cái khác nhau đó là một diễn đạt khác
(kỹ thuật cũng như cảm xúc) Đối với một nhạc sĩ như chú, chú có thể chia
sẻ một nhạc phẩm nào đó mà khi nghe qua nhiều cách trình bày, đã tạo
cho chú sự thích thú, khám phá khác cho chính tác phẩm của mình, hoặc
một cảm xúc mới?
Dĩ nhiên mong người ca sĩ đó có thể diễn tả được lời ca ý nhạc, chuyên chở
được nhưng tình cảm tâm tư mà mình muốn gửi đến người nghe… Điều này
không phải là dễ! Lý tưởng nhất là có điều kiện tập cho ca sĩ như khi tôi
thực hiện cuốn băng tình ca NTM đầu tiên tại Sàigòn năm 1974.
Một ca khúc muốn được tồn tại với thời gian thì phải được trình bầy bởi
những giọng ca của nhiều thế hệ khác nhau, qua nhiều thời đại khác nhau.
Trong 4 thập niên vừa qua tôi đã được nghe Áo Lụa Hà Đông qua rất nhiều
tiếng hát như Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Hoàng Nam… Mỗi
giọng hát đều có một lối diễn tả khác, một kỹ thuật trình bầy riêng, từ
mượt mà, sâu lắng, đến ngọt ngào, trầm ấm, từ tiếng hát trẻ trung, mới
mẻ, cho đến nồng nàn, sống động của các ca sĩ, đã cho tôi nhiều nỗi xúc
động khi nghe một sáng tác của mình được trình bầy bởi nhiều tiếng hát,
mà tiếng hát nào cũng để lại trong tôi một nỗi thích thú, một nỗi sung
sướng nhẹ nhàng,dù không bao giờ có thể tìm lại được cái cảm giác hôm
nào khi nghe anh Duy Trác hát bài này lần đầu tiên.
20. Nếu có thể điều khiển (thay đổi) được thời gian và không gian, chú sẽ
làm gì?
À, nếu có thể thay đổi được thời gian, thì tôi muốn trở lại cái thưở tuổi trẻ,
mộng mơ ngày nào, để sẽ viết nhiều hơn, và yêu nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên
muốn là mình sẽ được ở mãi trên đất nước thân yêu, và sẽ dành thật nhiều
thì giờ để đi thăm khắp nẻo đường quê hương.
21. Giai đọan sáng tác (hay cũng là cuộc đời) nào tạo cho chú nhiều gắn bó
nhất?
Trước 75, là vì giai đoạn này là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi.
Vẫn là một thanh niên trẻ tuổi, sống giữa lòng quê hương với đầy nhiệt
tình,hy vọng, và lạc quan trước tương lai, nhưng không còn quá trẻ để ngu
ngơ trước cuộc đời, cũng như chưa già hẳn để học được, để nhìn thấy
những lọc lừa, những xấu xa, hiện thực đầy chua xót của đời sống. Và đó
cũng chính là giai đoạn sáng tác gắn bó nhất trong đời tôi.
22. Chú có theo dõi các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ tại hải ngọai và tại Việt
nam không? Nếu có, xin chú cho vài nhận xét về giòng nhạc trẻ tại hải
ngọai cũng như tại Việt nam.
Trong những năm tháng vừa qua, tại hải ngoại, cũng như trong nước đều
có những tác giả trẻ với những tác phẩm có giá trị. Nhưng chủ yếu các tác
phẩm được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vẫn chỉ là những ca khúc. Chúng
ta không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của ca khúc phổ thông vào
vườn hoa âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi vẫn kỳ vọng nhiều hơn nơi các nhạc
sĩ trẻ bây giờ, vì tôi nghĩ rằng họ đã có một cơ hội thật đầy đủ, thật tốt đẹp
để nghiên cứu, trau dồi, cũng như học hỏi những giòng nhạc mới lạ trên
khắp thế giới qua những phương tiện như CDs, Internet, concerts, books…
mà những người viết nhạc chúng tôi 30, 40 năm trước không thể có. Họ là
những người có thể làm mới lạ hơn cho âm nhạc Việt của chúng ta với
những kiến thức tổng hợp của cả 2 nền âm nhạc Đông Tây. Dĩ nhiên khi
viết những tác phẩm này, họ cần phải có một cơ hội để phổ biến. Tôi hy
vọng các trung tâm video sẽ dành ít nhất một tiết mục trong chương trình
để giới thiệu, cũng như đưa giới thưởng ngoạn đến một cuộc hành trình mới
vào âm nhạc Việt Nam của chúng ta ở thể kỷ thứ 21 này.
23. Chú nhận thấy ra sao về ngôn ngữ trong âm nhạc Việt nam hiện nay?
Có nhiều ý kiến cho rằng đã không còn sự đậm đà, sâu sắc, giàu hình ảnh
tượng hình như xưa mà hầu hết là đơn giản, không trau chuốt. Theo chú thì
điều này đúng không và sự quan trọng (cần thiết) của ngôn ngữ trong âm
nhạc như thế nào?
Hiện nay chúng ta đang ở một thời kỳ mà nền âm nhạc Việt Nam đang cố
gắng tìm cho mình một vị trí, tìm cho mình một lối đi riêng để thoát khỏi
những ảnh hưởng của các luồng nhạc thổi đến từ các nước bạn. Cho đến
khi chúng ta có được một định nghĩa chính đáng của nhạc Việt bây giờ, thì
khó có thể tránh được ảnh hưởng từ những điệu nhạc vay mượn, ảnh
hưởng từ những phương cách trang phục, và lối trình diễn của nước ngoài!
cũng như ca từ của chúng ta sẽ không thể sâu sắc, giầu tượng hình như
trước kia được nữa! Nhưng điều đó có quan trọng không khi hiện nay người
ta đi xem nhạc nhiều hơn là nghe nhạc, khi ca sĩ không chỉ còn là người
hát, mà còn phải là người trình diễn nữa?
Những ca khúc Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ một phần rất lớn
vào ca từ. Nhạc hay, cấu trúc đẹp, thì rất khó bàn, nhưng khi hát lên một
câu, thì chỉ vài lời ca đơn giản thôi cũng đã có thể đem lại sự xúc động tột
cùng cho người nghe, cũng có thể gợi nhớ lại cả một cuộc hành trình trong
đời người. Ca từ trong nhạc Việt Nam quan trọng là như thế đó.
24. Cũng có nhiều bạn trẻ cho rằng họ không được sự lưu ý đúng mức của
thế hệ đi trước. Không có sự dìu dắt, nâng đỡ hoặc tận tình chỉ bảo, san sẻ
kinh nghiệm. Đặc biệt là trong âm nhạc. Những nhạc sĩ sáng tác trẻ hầu
như bị bế tắt trong vấn đề phổ biến sáng tác. Chú nghĩ sao về điều này?
Chú có những điều gì san sẻ cho những nhạc sĩ trẻ không?
Thực sự tôi không nghĩ là những bạn trẻ bây giờ cần có sự dìu dắt, nâng
đỡ, hay tận tình chỉ bảo của những người đi trước. Họ có đầy đủ khả năng,
điều kiện để viết những tác phẩm có giá trị. Cái mà họ cần là được giúp đỡ
phổ biến những sáng tác mới của họ, và đây đúng như VK đã nói là một
vấn đề bế tắc từ căn bản. Trong nước thì tôi không rõ lắm về những
phương tiện truyền thông, điều kiện phổ biến, cũng như phát hành sáng tác
của những người viết mới? Ở hải ngoại, chúng ta chỉ có 2, 3 trung tâm
video đang hoạt động mạnh, các trung tâm băng nhạc nhỏ thì cũng có khá
nhiều, nhưng hoạt động rời rạc, hạn hẹp! Như vậy thì lấy đâu ra chỗ cho
các người viết mới chen chân vào thị trường âm nhạc? Chưa kể đất nước
người quá rộng lớn, vấn đề phát hành cũng là một trở ngại không nhỏ. Hiện
nay trên mạng lưới Internet đã có khá nhiều diễn đàn văn học, nghệ thuật.
Ở đây các bạn có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cùng nhau để có
thể tiến bộ hơn trong lãnh vực sáng tác. Nhưng dù sao tất cả vẫn còn trong
một hoàn cảnh, một môi trường hạn hẹp.
Nếu có lời gì muốn nói với những bạn trẻ muốn lập sự nghiệp âm nhạc?
một điều rất quan trọng, đó là cho dù gặp bao nhiêu khó khăn trước mặt
thì các bạn đừng nản lòng, phải tiếp tục sáng tác, tiếp tục cố gắng học hỏi
trau dồi để những sáng tác của mình mỗi ngày một đặc sắc hơn. Có những
chuyện các bạn có thể làm thử: Trước hết gửi một vài bài mà bạn vừa ý
nhất đến một vài trung tâm. Nếu họ không trả lời! thì bạn phải tự thực hiện
CD với những tiếng hát và hòa âm thích hợp với giòng nhạc của mình, rồi
gửi đến các trung tâm video, băng nhạc, nhờ họ phổ biến hay phát hành
dùm. Nếu các trung tâm không thể giúp đỡ, thì phải tìm cách giới thiệu trên
internet, và nhờ đến bạn bè, anh em, để tổ chức những đêm hát, những
chương trình ra mắt những sáng tác mới của mình Nhiều khi phải hy
sinh, và chấp nhận nhiều thiệt thòi, mới có cơ hội tạo dựng tên tuổi.
25. Có nhiều nhạc sĩ vẫn chạy theo thị hiếu hoặc danh vọng mà có những
sáng tác “vay mượn” từ người khác. Xưa nay, chữ đức vẫn luôn quan trọng
trong mọi ngành nghề nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Thưa chú, xin chú nói
vài lời (quan điểm) về “đức” của người nghệ sĩ được không?
Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ người nghệ sĩ phải thẳng với mình, và thật với
người. Một lần nào đó tôi đã có nói “Là một người viết nhạc, có 2 điều mà
tôi không thích là giả dối và vay mượn”. Người nghệ sĩ nói chung, người
nhạc sĩ nói riêng cần phải có một tấm lòng độ lượng, chân thành yêu đời,
một trái tim chan chứa, nồng nàn yêu người, và nên tìm cho mình một
hướng đi riêng, một con đường mới để phục vụ nhân sinh.
26. Đối với chú, trong sáng tác âm nhạc, kỹ thuật và nội dung điều nào
quan trọng hơn? Có những tác giả chú trọng khai thác kỹ thuật viết nhưng
lại thiếu cân bằng trong ngôn ngữ hay nội dung bài nhạc.
Mặc dù trong việc sáng tác ca khúc, cả 2 phương diện kỹ thuật, và nội dung
đều rất quan trọng, nhưng căn bản của ca khúc là những bài hát ngắn gọn,
dễ nghe, dễ hát, và bản chất của người Việt chúng ta hiền hòa, giản dị,
thích nghe những điệu nhạc êm tai, những câu hát dễ nhớ. Do đó nếu quá
chú ý đến kỹ thuật thì bản nhạc sẽ trở nên cầu kỳ, khô khan khó hát. Vì
vậy nói tới ca khúc (tấu khúc là một đề tài khác) nội dung, ngôn ngữ trở
thành quan trọng hơn.
27. Thông thường, tính đa cảm, lãng mạn, giàu mơ mộng là những yếu tố
chính đối với một nghệ sĩ. Nhưng ngòai đời, họ có thể lại là một con người
khác. Vậy, Thưa chú, giữa một Ngô Thụy Miên trong âm nhạc và một Ngô
Thụy Miên ngoài đời có điều gì khác nhau không?
Khi còn trẻ, còn độc thân thì chẳng khác gì đâu. Bây giờ đã có gia đình, thì
ở ngoài đời tôi xử sự cân nhắc hơn với trái tim đầy tình cảm, cũng như tính
lãng mạn, mơ mộng của mình. Sống trong đời, mình có nhiều trách nhiệm
với những người xung quanh, cần phải làm sao dung hòa được cả 2 phần,
trái tim và lý trí.
28. Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật như một phương tiện để nói về
cuộc sống và con người, cũng như về chân thiện mỹ. Chú là một nhạc sĩ có
tài, xin chú cho biết quan niệm của chú về thế nào là “chân thiện mỹ”?
Là một người viết nhạc, thì đối với tôi, âm nhạc là một phương tiện biểu
hiện được tất cả những tình cảm giao hòa giữa con người và con người,
giữa con người và cuộc sống, giữa con người và thiên nhiên. Nghe nhạc,
hòa mình trong nhạc vẫn là nỗi sung sướng, niềm hạnh phúc nhất sau tình
yêu. Như vậy có thể nói âm nhạc chính là tình yêu vậy.
29. Đối với chú thế nào là một sáng tác thành công? Được số đông khán
thính giả yêu thích? Đạt được kỹ thuật viết nhạc cao? Hay chuyển đạt, bộc
bạch được những điều mà mình muốn gởi gắm (cho dù có thể không cần kỹ
thuật hoặc số đông người yêu mộ)?
Tất cả những gì VK đề cập tới đều có thể coi như là những câu trả lời đúng.
Tuy nhiên giản dị mà nói, với tôi thì sự thành công của một ca khúc chính
là sự tồn tại của ca khúc đó sau những tháng năm, những thử thách của
thời gian và không gian. Hiện nay những tác phẩm của 2 thập niên 40, 50,
và vẫn đang còn được trình bầy, được yêu thích bởi mọi từng lớp khán
thính giả là những tác phẩm được coi là thực sự thành công.
30. Trải qua một thời gian dài miệt mài với âm nhạc và có nhiều đóng góp
giá trị cho nền âm nhạc Việt nam, nếu chính chú là người nhìn lại tất cả
những sáng tác của mình, chú có suy nghĩ gì hay nhận xét gì về chính các
tác phẩm của chú?
Cám ơn VK. Tôi đóng góp không được bao nhiêu, nhưng rất hãnh diện về
những gì mình đã viết, những gì mình đã chia sẻ được với người, với đời.
Đôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi; đời đã nghe, người đã hiểu, nhưng
khi ý nhạc tới thì lại ngồi xuống phím đàn, để mong tiếp tục gửi tới khách
tri âm những tình ca của một đời nhạc NTM.
Thành thật cảm ơn chú Ngô Thụy Miên đã dành thời gian quý báu để trả lời
những câu hỏi của VK. Mến chúc chú luôn bình an và tiếp tục đem lại cho
đời những sáng tác tuyệt vời. VK tin rằng, trên bầu trời âm nhạc Việt nam
mãi mãi lóng lánh một ngôi sao đẹp mang tên - nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.