HÁT TRỐNG QUÂN
Hát trống quân là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có lịch sử lâu đời, với
hình thức hát đối đáp giao duyên kèm theo gõ trống, khá phổ biến ở nhiều địa phương
thuộc vùng trung du và châu thổ sông Hồng. Không chỉ người Kinh mà người Mường
ở Phú Thọ cũng có hát trống quân.
1. Nguồn gốc lịch sử hát trống quân
Xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là xã vùng cao, dân cư chủ
yếu là người Mường. "Trước đây trong những ngày lễ hội trống đất được
kết hợp với đàn Tòng tửng , khèn pỉ đâm đuống, cồng chiêng để đệm cho
hát giang hát ví Mường"(1).Truyền thuyết dân gian ở Tân Lập kể rằng, trống
đất có từ thời các vua Hùng. Nội dung truyền thuyết nói về việc vua Hùng cùng
quân sĩ, sau một trận đánh thắng giặc, trên đường về kinh đô có cho quân dừng
lại Tân Lập. Vua truyền cho quân sĩ hạ trại, khao quân mừng thắng lợi. Trong
lúc quân sĩ đóng cọc dựng trại, có người áp tai xuống đất và nghe thấy tiếng
đóng cọc như những tiếng trống thình thùng thình vang lên. Từ đó, người ta
sáng tạo ra trống đất và lan truyền trong dân gian. Vào ngày hội làng, trống đất
cùng với một số nhạc khí khác được dùng đệm cho những câu hát đối đáp giao
duyên giữa trai và gái.
Chúng tôi về Tân Lập gặp nghệ nhân Đinh Văn Nhặt (Nhật), được biết,
ông từng làm và chơi trống đất từ hồi còn trẻ. Ngày trước ông bà, bố mẹ của
ông đều đi hát đối đáp giao duyên có đánh trống đất, điểm nhịp cho những câu
hát. Ông được cụ thân sinh truyền cho cách làm trống đất. Chúng tôi được xem
ông trổ tài làm một chiếc trống đất, ở một bãi cỏ rộng. Đầu tiên, ông sắp lễ tế
thần linh thổ địa, chọn một khoảnh đất nhỏ mịn, bằng phẳng rồi dùng thuổng
khoét một hố tròn, đường kính mặt trên 25 cm, đáy rộng khoảng 35 cm, sâu 45
cm. Hố hình chum, giữa thân khoét hàm ếch rộng chừng 45 cm. Ông chọn vài
bẹ mo cau khô, xếp tráo đầu đuôi đặt lên miệng hố, dùi một lỗ tròn nhỏ ở giữa,
lấy một sợi dây rừng gọi là cây rọ rọ (theo ông Nhặt chỉ có loại dây này căng
vào trống, tiếng mới vang mà ấm) thắt nút một đầu, lồng lỗ nhỏ phía dưới bẹ
cau, đặt bốn nẹp nứa hình vuông ở bốn góc hố, lấy lạt và đinh tre gim chặt
những bẹ cau, lấy bốn cái đinh tre đóng xuống đất gim chặt 4 cái nẹp nứa, ông
bảo đây là mặt trống. Tiếp theo, ông đóng hai cọc tre cách tâm trống khoảng
1m, căng một sợi dây rọ rọ trên hai cọc tre rồi nối với sợi dây mặt trống. Ông
Nhặt cười rồi nói trống đất này cổ hơn cả trống đồng đấy. Chúng tôi gõ vào sợi
dây căng trên hai cọc tre, tiếng trống trầm, ấm âm vang một vùng không gian
rộng. Về cơ bản, trống đất của người Mường Tân Lập giống với trống đất của
người Việt. Tuy người Mường không gọi lối hát đối đáp giữa trai và gái có gõ
trống là hát trống quân, song tính chất của lối hát này hoàn toàn giống với lối
hát trống quân ở vùng châu thổ sông Hồng.
Ở xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có lối hát giao duyên
được gọi là trống quân Đức Bác. Hát trống quân Đức Bác được hình thành do
tục kết nghĩa đã có từ lâu đời giữa phường xoan làng Phù Đức (xã Kim Đức
nay thuộc thành phố Việt Trì) và xã Đức Bác. Hát trống quân Đức Bác có âm
điệu, làn điệu riêng. Còn lối hát giao duyên ở một số làng xã thuộc tỉnh Phú
Thọ như Hữu Bổ (Phong Châu), Phùng Nguyên (Lâm Thao), Hưng Hóa (Tâm
Nông) cũng được gọi là trống quân, vì khi hát đối đáp giữa trai và gái có gõ
trống làm hiệu lệnh, cũng là để lấy nhịp.
Ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà
Nội đều có hát trống quân. Ngoài lối hát ở Đức Bác ra, các lối trống quân ở
vùng trung du, châu thổ sông Hồng về đại thể là giống nhau.
Cho tới nay, chưa có công trình khoa học nào khẳng định chính xác hát
trống quân có từ bao giờ. Ở vùng Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) người ta
vẫn truyền nhau một câu chuyện: Vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên
Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có cuộc tình duyên
kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Mặc dù bị ngăn trở, nhưng Tiên
Dung vẫn quyết cùng Chử Đồng Tử nên vợ nên chồng. Vợ chồng Tiên Dung -
Chử Đồng Tử đã cùng người dân Dạ Trạch khai phá cả một vùng lau sậy bạt
ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung
đã dạy dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và đặc biệt còn dạy cả điệu hát trống
quân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn thấy có một số giả thuyết về nguồn gốc và
thời điểm ra đời, của hát trống quân như sau:
Hát trống quân xuất hiện từ thời nhà Trần. Thời kỳ chống quân Nguyên
xâm lược, binh sĩ ta khi nghỉ ngơi đã ngồi thành hai hàng đối nhau mỗi bên có
một cái trống, mỗi câu hát đối đáp nhau đều gõ trống làm nhịp. Lối hát này sau
đó lan truyền trong dân gian.
Hát trống quân xuất hiện từ khi vua Quang Trung dẫn quân thần tốc ra
Bắc đánh đuổi giặc Thanh. Để binh lính đỡ mệt mỏi, vua bày một trò chơi: cho
một bên quân lính giả làm gái ra những câu hát đối, một bên là các chàng lính
hát đáp. Mỗi câu hát có tiếng trống đánh điểm nhịp, lúc nghỉ cũng như lúc hành
quân. Trống quân là đọc trệch từ trung quân. Trung quân là điệu hát giải trí của
đội trung quân, được tuyển chọn ở Nghệ Tĩnh, trong cuộc hành quân ra Bắc
diệt Thanh của vua Quang Trung.
Theo chúng tôi, trống đất là một nhạc khí thuộc loại cổ nhất ở nước ta.
Có thể, lối hát đối đáp gõ trống làm nhịp có từ thời các vua Hùng, theo như
truyền thuyết. Tuy nhiên, tên gọi hát trống quân xuất hiện sớm nhất có thể là
vào thời Trần. Đây là lối hát có gõ trống vui chơi của quân sĩ. Nếu duy danh thì
tên gọi trống quân xuất hiện muộn vào thời Tây Sơn, với việc đọc chệch từ
trung quân thành trống quân.
2. Tập quán, lề lối hát trống quân
Làng Đức Bác còn gọi là Kẻ Lép nằm ven bờ sông Lô. Hàng năm vào
ngày mồng 1-2 âm lịch, làng mở hội đầu xuân, gọi là tiệc khai cầu đình. Sau
khi rước vật linh làm bằng mo cau và gỗ cây vông, tượng trưng cho sinh thực
khí của nam và nữ, từ đền về đình làm hèm (hai vật linh giao nhau 3 lần) thì tổ
chức hát xoan thờ thần. Phường xoan làng Phù Đức có tục giữ cửa đình ở làng
Đức Bác từ lâu đời để hát xoan. Làng Phù Đức và làng Đức Bác cách nhau bởi
sông Lô, nên mỗi khi sang Đức Bác, phường xoan Phù Đức phải đi thuyền.
Chiều ngày mùng 1-2 âm lịch, trai làng Đức Bác đón phường xoan Phù Đức ở
bến sông. Sau khi gặp gỡ chào hỏi, trai làng Đức Bác mang theo những chiếc
trống nhỏ, khoác vào cổ các cô đào phường xoan, mỗi cô một chiếc. Trên
đường về đình hát thờ, các cô đào phường xoan và trai làng hát những câu đối
đáp giao duyên. Trai làng đi tiến, đối mặt với các cô đào, tay cầm đôi dùi trống,
mỗi câu hát lại gõ vào trống để làm nhịp. Các cô đào dùng hai tay giữ trống,
vừa đi lùi vừa hát. Cuộc hát đối đáp này diễn ra từ bờ sông đến sân đình thì kết
thúc.
Hát trống quân Đức Bác có phong tục, lề lối riêng, còn hát trống quân ở
Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội về
cơ bản phong tục, lề lối giống nhau. Thời điểm của hát trống quân ở các địa
phương này, thường vào dịp Trung thu hay những đêm trăng rằm, sáng sủa. Là
lối hát đối đáp giao duyên nên trai gái tham gia rất đông, trong khi hát có sự thi
thố với nhau. Nơi diễn xướng thường là sân đình, bãi cỏ của làng. Nhưng ở một
số làng của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam lại có điểm diễn xướng rất
độc đáo. Chúng tôi về làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, Ân Thi, Hưng Yên gặp cụ
Nguyễn Thị Hường, (năm 2009) gần 90 tuổi, là nghệ nhân hát trống quân nổi
tiếng một thời. Cụ cho biết: từ năm 1945 trở về trước, trai gái làng Đào Quạt và
làng Tào Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương), vào những ngày trăng
mùa thu thường rủ nhau đi hát trống quân. Làng Đào Quạt và làng Tào Khê tuy
là hai làng thuộc hai huyện, hai tỉnh nhưng chỉ cách nhau một con sông nhỏ,
rộng khoảng hơn 20m. Để chuẩn bị cho cuộc hát, trai gái hai làng ra mép sông,
mỗi bên đào một cái hố đường kính rộng chừng 50cm, sâu chừng 50cm, dưới
đáy hố rải một lớp vỏ ốc dày chừng 15cm, mặt hố được che kín bằng một tấm
ván gỗ mỏng, gọi là mặt trống. Sau đó, người ta cắm lên mặt trống một đoạn tre
to bằng cổ tay trẻ con (đường kính khoảng 2cm), dài hơn 1m, đóng ba cọc tre ở
ba góc hố, chằng dây thừng nối các cọc với nhau, giữ vững đoạn tre trên mặt
trống. Khâu cuối của việc làm một cái trống đất là giăng một sợi chão nhỏ thật
săn, nối hai đầu của hai đoạn tre trên mặt trống. Khi hát mỗi câu, bên nam hoặc
bên nữ đều gõ vào sợi dây chão, trống vang lên những tiếng thình thùng thình
rất trầm, ấm.
Trước năm 1945, ở vùng ngã ba sông Móng, các thôn Gừa, thôn Sông,
thôn Chảy (xã Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam), cuộc hát trống quân lại
diễn ra trên mặt nước. Vào những đêm trăng thu, trai gái ở vùng này thường rủ
nhau đi thuyền ra giữa sông, gõ trống hát đối đáp giao duyên. Cuộc hát diễn ra
suốt những đêm trăng sáng tháng 7, tháng 8 âm lịch. Nam ở thuyền này đối đáp
với nữ ở thuyền kia và ngược lại. Thuyền này lượn quanh thuyền kia, tiếng hát
dập dềnh trên sóng nước dưới ánh trăng tỏa sáng. Không gian cuộc hát vô cùng
ngoạn mục.
Các cuộc hát trống quân thường gồm 3 phần: phần một là những câu hát
chào hỏi, mời trầu; phần hai là hát giao duyên tỏ tình; phần ba là hát tiễn, hát
dặn. Hát trống quân làn điệu mộc mạc, giản dị, lấy đối ý, đối lời là chính.
3. Về nghệ thuật hát trống quân
Lời ca
Nội dung lời ca hát trống quân là những câu ví, mượn trăng gió, mây
mưa, hoa lá bày tỏ tình cảm lứa đôi, thi tài đố - giảng. Mở đầu cuộc hát là
những lời chào, mời trầu, ướm hỏi:
Nam hát:
Gặp đây mở hội trống quân
Anh vào anh có lời chào
Ba bốn cô ấy cô nào cũng xinh
Nữ hát:
Ngỏ lời chào cả đông tây
Nào em có hát ở đây bao giờ
Nam hát:
Anh vào thì có lời rao
Không chồng thì vào, có chồng thì ra
Nữ hát:
Không chồng em mới tớí đây
Có chồng chiếu trải màn quây ở nhà (2)
Những câu ví thổ lộ tình cảm:
Mong cho bướm được gần hoa
Cùng nhau xum họp một nhà trúc mai(3)
Thi tài đố - giảng giữa trai và gái:
Nam hát:
Thấy em hay hát hay hò
Hỏi rằng con bò là mấy trăm lông
Nữ hát:
Anh về đếm cá dưới sông
Thì anh sẽ thấy được lông con bò (4)
Thơ trong lời hát trống quân giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình. Thể thơ
chủ yếu là lục bát và lục bát biến thể.
Âm nhạc
Thang âm: trống quân Đức Bác tuy có tên gọi giống với các hình thức
hát trống quân ở các nơi, nhưng âm điệu, bài bản, thang âm, tiết tấu lại riêng
biệt. Thang âm trống quân Đức Bác có 2 loại: thang 3 âm và thang 4 âm. Các
bài bản hát trống quân ở vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ như trống quân
Hiền Quan, Hữu Bổ (Phú Thọ), Đào Quạt, Bối Khê, Dạ Trạch (Hưng Yên), Tào
Khê (Hải Dương), ngã ba sông Móng (Hà Nam) phần nhiều là thang 5 âm.
Điệu: các bài trống quân thang 5 âm, có bài điệu giống với điệu chủy, có
bài điệu giống với điệu vũ.
Loại nhịp: hát trống quân gắn liền với tiếng gõ nhịp của trống, nên nhịp
phách khá rõ ràng, chủ yếu là nhịp 2/4, tiết tấu mạch lạc, khúc triết.
Cấu trúc: từ một câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, người ta hát lên
những bài trống quân, vì thế hầu hết các bài thường có cấu trúc khổ nhạc đơn.
Trên cơ sở của khổ nhạc đơn (một câu thơ lục bát), người ta hát nối tiếp một
câu lục bát khác, hình thành nên một bài có hai khổ nhạc đơn.
Giai điệu: dựa theo một khung làn điệu, người ta phổ những câu thơ lục
bát, lục bát biến thể để hát lên thành những bài bản. Vì thanh điệu của ca từ
khác nhau, nên có những nốt nhạc ở bài này khác với bài kia. Tuy nhiên, khi
vang lên không cảm thấy khác biệt. Trừ trống quân Đức Bác có khung làn điệu
riêng, còn khung làn điệu lối hát trống quân của người Việt ở trung du và châu
thổ sông Hồng về cơ bản là giống nhau. Giai điệu hát trống quân vừa trong
sáng, tươi vui, vừa mềm mại, uyển chuyển. Lối tiến hành giai điệu thường nhắc
lại câu nhạc, đoạn nhạc có thay đổi và không thay đổi. Giai điệu không có các
quãng nhảy rộng (quãng 6 trở lên), quãng 4 đúng, 5 đúng được dùng nhiều.
Kỹ năng hát : hát trống quân là lối hát của mọi người, nên không đòi hỏi
phải tập luyện công phu. Nhưng trong các cuộc hát ngày xưa, trai gái đi hát
thường là những người nhanh nhẹn, tháo vát, sôi nổi, thông minh, có giọng hát
hay. Không gian diễn xướng rộng rãi, khoáng đạt, nơi sân đình, bãi cỏ, bến
sông nên người hát phải có giọng vang, khỏe, hát phải tròn vành, rõ chữ.
Hát trống quân là một sinh hoạt văn hóa âm nhạc rất sinh động, vui tươi,
trong sáng, một di sản quý báu của dân tộc ta.