Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Kiến trúc và điêu khắc quay lưng vào nhau ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.06 KB, 5 trang )

Kiến trúc và điêu khắc quay lưng vào nhau
Không có nền kiến trúc hiện đại nào trên thế giới lại khước từ nghệ thuật tạo hình.
Tại VN, kiến trúc đô thị và điêu khắc ngoài trời đang trong tình trạng mỗi ngành
một ngã, nếu không muốn nói là đang quay lưng vào nhau!
Kiến trúc không điêu khắc, điêu khắc không kiến trúc
Thật ra, nếu nhìn vào bộ mặt của các đô thị Việt Nam vẫn thấy có sự hiện diện của
cả kiến trúc lẫn điêu khắc. Sự hiện diện ấy có thể còn nhiều hơn cần thiết ở những
điểm lẽ ra không cần thiết là đằng khác. Ví dụ về kiến trúc là sự tồn tại của đủ các
trường phái cổ kim Đông Tây trong một qui hoạch không có qui hoạch gì cả.
Và trong sự thiếu qui hoạch đó, thường là trống vắng hoặc không đến nỗi trống
vắng hoàn toàn nhưng tùy tiện và chắp vá (để rồi sẽ được bổ khuyết một cách
ngẫu hứng) một thành phần quan trọng cấu thành cảnh quan kiến trúc, đó là tượng
và tượng đài. Nếu chỉ xét riêng về điêu khắc, sự xuất hiện của tượng đài lại khá
thừa thãi, không ăn nhập gì vào qui mô và cảnh quan kiến trúc, mặc dù nếu không
có cảnh quan kiến trúc thì các tác phẩm điêu khắc ngoài trời sẽ không có chỗ
đứng.
Các nhà quản lý đô thị, kiến trúc sư (KTS) lẫn điêu khắc gia đều rất có ý thức
cống hiến cho cộng đồng những gì có thể tạo nên một tổng quan thẩm mỹ đô thị,
nhưng sự phối hợp giữa các thành phần của tổng quan đó lại chẳng ăn nhập gì với
nhau.
Về qui hoạch kiến trúc, KTS Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Nếu không lầm thì
dường như chưa có một bản qui hoạch chi tiết như thế có mặt cùng với qui hoạch
thủ đô đến năm 2020 chẳng hạn. Dĩ nhiên là có những câu, những ý lẻ tẻ nói: “Hà
Nội sẽ làm những công trình tượng đài ở các cửa ô, các quảng trường, các ngã tư
lớn ”. Nhưng ai sẽ làm và sẽ đặt chúng ở đâu, chúng kết hợp với nhau, tương ứng
thế nào thì hình như người làm qui hoạch và những điêu khắc gia không hề một
lần ngồi với nhau mà bàn thảo ra một cái khung.
Ví dụ cụ thể là phương án các cửa ô mới hay phương án biểu tượng TP Hà Nội,
TP.HCM đang bị thả nổi, cái thì bị phát hiện sao chép của người khác, cái thì vẫn
chưa đủ thủ tục hành chính để cắm mốc
Có một ví dụ mà các nhà thiết kế có thể suy ngẫm: khu đô thị mới Ciputra - Nam


Thăng Long. Chắc không mất nhiều thời gian để “chấm điểm” cho những điêu
khắc bằng composite giả đồng, nhưng Hà Nội có chỗ nào có hệ thống tượng điêu
khắc nhất quán và bài bản như ở đây chưa? Từ cổng chào cho đến những tượng
đội đèn, từ nhóm tượng quanh quảng trường cho đến những cụm tượng lẻ rải rác
cho thấy những nhà thiết kế khu đô thị này đã nghiên cứu cẩn thận. Ít nhất thì khu
đô thị mới này cũng cho một ví dụ về sự kiên trì có thể gọi là gan lì của họ khi
theo đuổi ý tưởng “thần tiên hóa” và “phú quí hóa” không gian đô thị".
Còn đây là ý kiến của họa sĩ Trịnh Cung về “phối cảnh” điêu khắc tượng đài và
kiến trúc đô thị tại TP.HCM: “Vì nhu cầu lớn về tượng đài mang ý nghĩa chính trị,
điêu khắc bỗng trở nên một cuộc làm ăn béo bở. Mỗi tượng đài ngốn cả tỉ đồng
không những đã thu hút các nhà tạc tượng mà một số người ngoại đạo cũng được
chính quyền duyệt dự án. Thậm chí các KTS TP.HCM đã tự tổ chức một cuộc thi
sáng tác biểu tượng cho thành phố và tự cho giải thưởng mà không đếm xỉa gì tới
Hội Mỹ thuật TP. Đấy là một biểu hiện của tình trạng thiếu tôn trọng giữa hai
ngành kiến trúc và mỹ thuật mà đáng lý ra hai ngành này luôn cần đến nhau trong
bất cứ dự án nào”.
Vài ví dụ “trông thấy mà đau đớn lòng”
Biết là sẽ phản cảm và sẽ tạo ra những hậu quả dài lâu đối với bộ mặt đô thị và sự
thật đã minh chứng điều đó, nhưng các dự án về kiến trúc hay điêu khắc ngoài trời
hiện nay vẫn được tiến hành mà không có sự tư vấn, kết hợp hai ngành kiến trúc
đô thị và điêu khắc Tiêu chí kích thước hợp lý, có tỉ lệ tương ứng với kiến trúc
cảnh quan và một tỉ lệ tương ứng với con người của tác phẩm điêu khắc ngoài trời
bị “đội mũ phớt” bởi chính các điêu khắc gia. Và các điêu khắc gia, vốn không am
hiểu lắm về xử lý tổng quan không gian, vẫn tiếp tục thực hiện tác phẩm của mình
mà không cần đến kiến trúc sư.
Ví dụ điển hình nhất là tác phẩm kỷ lục về tiền đầu tư lẫn qui mô: tượng đài kỷ
niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của điêu khắc gia Nguyễn Hải. Từ một bức tượng
nhỏ, khi trở thành công trình quốc gia, nó đã được phóng lớn với một qui mô bất
hợp lý. Hiện tượng sụt lún bệ đỡ công trình và nứt tượng chắc hẳn không khiến
các KTS ngạc nhiên, bởi tác phẩm điêu khắc ngoài trời này đã không được dựng

trên các giải pháp, tầm nhìn kiến trúc.
Quay lưng với nhau thay vì bắt tay nhau để đạt đến hiệu quả tốt nhất của mỗi
ngành còn có nguyên nhân xuất phát từ “hành lang” của những người xây dựng dự
án. Chẳng hạn, dự án dựng tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức ở quận 3, TP.HCM
năm qua, để “chạy kịp” tốc độ mấy tháng mà dự án đề ra, ban tổ chức mời các
điêu khắc gia tham gia phác thảo mô hình, đồng thời mời các KTS đấu thầu phác
thảo cảnh quan.
Kết quả là cảnh quan của khu tượng đài được “vẽ ra” không cần biết tượng đài sẽ
như thế nào, có kích thước và chất liệu ra sao. Ngược lại, bản thân điêu khắc gia
Võ Công Thắng, cho đến phút chót được chọn phác thảo làm mô hình dựng tượng,
cũng không hình dung nổi tác phẩm tượng lẫn phù điêu của mình sẽ được dựng
lên trong khung cảnh ra sao!
Quay lưng hoàn toàn với cảnh quan xung quanh, bị báo chí và cư dân đô thị, du
khách nước ngoài phản ứng nhiều nhất là tượng đài Lý Thái Tổ ở khu vực Hồ
Gươm, Hà Nội, một địa điểm được xem là bộ mặt trung tâm của thủ đô.
Thế nhưng lại có những vườn tượng (tượng nghệ thuật là chính) được dồn xếp dày
đặc trong góc nhỏ một đô thị có không gian trưng bày rất rộng như vườn tượng
bên bờ sông Hương của TP Huế, hoặc vườn Tao Đàn (TP.HCM) vốn rất nhỏ hẹp,
càng trở nên chật chội bởi hơn 40 tác phẩm điêu khắc - kết quả của những trại
sáng tác điêu khắc quốc tế mà địa phương đứng ra tổ chức rồi “không biết bỏ đi
đâu cho hết”!
Chúng ta đã có một Bảo tàng Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, nhưng vẫn chưa làm
được điều mà nước Pháp đã làm: sử dụng tượng của Điềm Phùng Thị như một
điểm nhấn mỹ thuật của không gian đô thị. Cứ như thế này thì chúng ta sẽ không
bao giờ có những tác phẩm tạo dấu ấn lịch sử, là sự kết hợp tuyệt vời giữa điêu
khắc và kiến trúc như tượng Nữ thần Tự do ở New York.
Nói riêng về tượng đài, “vấn nạn” của cả ngành điêu khắc lẫn kiến trúc đô thị ở
nước ta hiện nay, tiêu chí thành công của tượng đài: 50% ở cái mênh mang bao
quanh, 25% ở khối hình tượng đài, 25% ở chất liệu điêu khắc mà KTS Hoàng Đạo
Cung đưa ra cho đến nay vẫn chỉ là một tiếng nói yếu ớt không chút vọng âm

trong “bản giao hưởng” tùy tiện của kiến trúc, điêu khắc, trang trí và qui hoạch tại
các đô thị VN.
Giá như bên cạnh những qui hoạch chuyên ngành như qui hoạch giao thông trên
cao, qui hoạch công trình dưới mặt đất, qui hoạch chợ, qui hoạch cấp nước sạch,
qui hoạch thoát nước bẩn chúng ta có thêm một qui hoạch nghệ thuật thị giác,
nhất là qui hoạch tượng đài, tượng vườn bao gồm cả “qui hoạch ý thức” của các
nhà kiến trúc, điêu khắc đã và đang trực tiếp làm nên diện mạo các đô thị!
Tiếc thay, việc thiếu qui hoạch văn hóa cũng là cái thiếu không chỉ ở lĩnh vực kiến
trúc đô thị tại VN!
Theo LÊ MỸ - Tạp chí Người Đô Thị


×