Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (192.17 KB, 12 trang )

Tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử VN và cả lịch sử thế giới: vừa thấu hiểu
sâu sắc văn hóa phương Đông, vừa lịch duyệt văn hóa phương Tây, nhưng cả hai đều trên cơ sở
nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa VN.
Lại cũng vì nhuần nhuyễn bản sắc VN và thấu hiểu sâu sắc văn hóa phương Tây, đã từng lăn lộn
nhiều năm tháng trong nhiều nước phương Tây, ông hiểu nó tận tường, nên ông đối diện với nó
một cách rất tự tin, ung dung, không chút mặc cảm. Cũng như vậy, Hồ Chí Minh tiếp thu học
thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa cộng sản từ lập trường một nhà ái quốc để tiếp thu và chắt lọc
những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Từ Cách mạng Tháng Tám cho tới kháng chiến thắng lợi
Hồ Chí Minh là linh hồn của những tư tưởng kinh tế kháng chiến. Có thể kể đến những tư tưởng
kinh tế chính của Hồ Chí Minh trong thời kỳ này:

Cán bộ xã viên hợp tác xã Hồng Tháivà đại biểu nhân dân
huyện Ninh Giang phấn khởi chào đón chủ tịch HCM về thăm, 15-2-1965
1- Vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Chính tư tưởng này về sau, trong thời kỳ đánh Mỹ, đã được
tiếp tục thực hiện dưới khẩu hiệu “vừa chiến đấu vừa sản xuất”.
2- Tư tưởng tự lực cánh sinh. VN bước vào cuộc kháng chiến trong tình trạng “tứ cố vô thân”.
Do đó, tự lực cánh sinh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Kết quả của tư tưởng đó, như chính Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết:
“Ta phải làm tự cấp tự túc, dù nó phong tỏa 10 năm, 15 năm ta cũng không sợ”. (1)
“Đương đầu trong một cuộc chiến tranh với một nước mạnh như Pháp mà không phải vay mượn,
trong lúc chính Pháp lại nợ chồng chất…”. (2)
3- Tư tưởng lấy dân làm gốc. Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng dân làm gốc được hiểu theo cả hai mặt:
phải dựa vào dân để phát triển kinh tế và phát triển kinh tế là để phục vụ dân. Chính Hồ Chí
Minh đã giải thích mối quan hệ này:
“Dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân…”. (3)
“Muốn tăng gia sản xuất phải làm thế nào? Không phải Chính phủ bỏ 10 -15 triệu để mở nhà
máy, làm thế này thế khác; phải đem hết sức dân, tài dân, của dân… làm cho dân”. (4)
4- Tư tưởng nhiều thành phần kinh tế. Chữ dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là dân
tộc. Dân tộc là một khối cộng đồng, gồm nhiều thành phần giai cấp, nhiều thành phần kinh tế.


Chủ trương nhiều thành phần kinh tế chính là biểu hiện của tư tưởng đại đoàn kết trong lĩnh vực
kinh tế. Hồ Chí Minh thường ít nói tới khía cạnh giai cấp mà thường nhấn mạnh khía cạnh dân
tộc, quốc gia.
Khi đụng chạm tới vấn đề giai cấp, ông cũng rất ít nói tới mặt mâu thuẫn, căm thù, mà thường
nhấn mạnh vào khía cạnh hỗ tương, nhân ái. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập Chính phủ VN
dân chủ cộng hòa, ông đã gửi thư cho giới công thương gia: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận
tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi
đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công
nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng ”. (5)
Hồ Chí Minh căn dặn: “Chủ và thợ đều phải nhớ rằng: tăng gia sản xuất chẳng những có lợi
riêng cho chủ và thợ, mà còn có lợi chung cho nền kinh tế của Tổ quốc, lợi chung cho toàn thể
đồng bào”. (6)
Hồ Chí Minh không kích thích sự kỳ thị của người nghèo với người giàu, cũng không nhìn sự
giàu nghèo theo khía cạnh căm thù giai cấp. Ông đã từng tuyên bố về chính sách của Chính phủ
là: phải làm cho “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”. (7)
5- Về vấn đề bóc lột giai cấp: Là một người Mácxít, đương nhiên Hồ Chí Minh hiểu được rằng
thuê nhân công là bóc lột. Nhưng ông không nhìn sự bóc lột đó với thái độ phủ định một cách
đơn giản và máy móc, mà có cân nhắc sự lợi hại đối với sự phát triển kinh tế và đời sống nhân
dân.
Một thí dụ điển hình là trong trận lụt năm 1945, vấn đề khẩn cấp là phải đắp lại những con đê đã
vỡ, nếu lụt thì lút cả làng. Nhưng đắp đê là một vấn đề kỹ thuật phức tạp phải có các nhà thầu
khoán. Lúc đó cũng đã xuất hiện những ý tưởng tả khuynh cho rằng dùng thầu khoán là bóc lột.
Hồ Chí Minh đã giải tỏa tư tưởng này: “Thầu khoán tất nhiên là có bóc lột, nhưng thầu khoán
đắp đê lúc này là yêu nước”. (8)
6- Tư tưởng kinh tế mở. Hồ Chí Minh là hiện tượng hiếm có ở những nước làm cách mạng vô
sản mà lại có một cách nhìn bao dung, thân thiện với toàn bộ thế giới không cộng sản. Không ai
kiên cường đánh Pháp như Hồ Chí Minh, nhưng cũng không có mấy ai ở VN lại có nhiều người
bạn lớn của nước Pháp và các nước khác như Hồ Chí Minh. Đối với tất cả các nước phương Tây,
Hồ Chí Minh đều tìm nhiều cách khác nhau để mở quan hệ hữu hảo. Đối với các nước Thế giới
thứ ba, ông cũng đặt quan hệ thân thiện, bầu bạn, anh em.

Ông đã viết rất nhiều thư cho tổng thống Mỹ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, các chính khách Mỹ,
các chính khách Anh, các tổng thống của các nước Ân Độ, Pakistan, Myanmar, Indonesia để tỏ
tình đoàn kết. Như vậy, tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh không chỉ hướng nội mà còn
hướng ngoại. Từng bôn ba khắp các nước phương Tây, ông hiểu thế nào là phương Tây. Ông
không nhìn phương Tây bằng con mắt cừu thù và đố kỵ một cách thiển cận. Ông hiểu chỗ nào
đáng đề phòng, chỗ nào có thể bắt tay hợp tác.
Ngày 9-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 48, trong đó điều 1 qui định: “Các
hãng kỹ nghệ hoặc thương mại ngoại quốc hiện có ở VN vẫn được phép tiếp tục kinh doanh như
cũ”. (9)
Ngay trong khi kháng chiến diễn ra dữ dội, ông vẫn tuyên bố: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản
Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại VN sau lúc
bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hòa với kinh tế thế giới và giữ gìn hòa bình”. (10)
Từ sau khi hòa bình lập lại
Có thể nêu một số tư duy kinh tế tiêu biểu của ông trong thời kỳ này:
- Về chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung
sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục
tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng
tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. (11)
“Hiện nay, chúng ta đang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, một cuộc cách mạng nhằm đánh
thắng lạc hậu và bần cùng, để xây dựng hạnh phúc muôn đời cho nhân dân ta, cho con cháu
ta…”. (12)
“Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động
thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời
hạnh phúc”. (13)
- Về làm chủ tập thể: Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên ở VN có những định nghĩa ngắn gọn
nhưng đầy đủ, mộc mạc nhưng sâu sắc về làm chủ tập thể:
“Ngày nay tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận
thật rõ: mình là người chủ nước nhà.
… Đã có quyền hạn làm chủ thì phải làm tròn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm
xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống

vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động…
“… Một số khá đông cán bộ và công nhân chưa làm tròn nghĩa vụ của người chủ xí nghiệp,
người chủ nước nhà. Do đó mà tổ chức thiếu khoa học, kỷ luật lao động lỏng lẻo, kém ý thức bảo
vệ an toàn lao động và bảo vệ của công, thiếu tinh thần trách nhiệm…”. (14)
“Nhà nước ta ngày nay là của tất cả người lao động. Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự
tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là những người chủ
tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Bởi
vậy, mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình…
“… Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Mỗi
người phải ra sức góp công, góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước đi
sau”.
“… Cán bộ và đảng viên càng phải hết sức phục vụ nhân dân, phải yêu kính nhân dân, phải thật
sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra
sức học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng Phải thật thà, ngay thẳng, không được
giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo,
không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải chí công vô tư
và có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
“… Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ, tuyệt đối không được độc đoán cá
nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Càng có công lao, càng
phải khiêm tốn. Chớ vì có ít nhiều công lao mà sinh bệnh công thần”. (15)
“Trách nhiệm cá nhân chính là một hình thức để thực hiện chế độ làm chủ tập thể. Phải tránh tình
trạng “cha chung không ai khóc”, ai cũng phụ trách mà không ai phụ trách”. (16)
“Bất kỳ ai, dù quá khứ của họ thế nào, miễn là ngày nay họ thật lòng ủng hộ công cuộc xây dựng
miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà thì chúng ta đoàn kết với họ. Chủ nghĩa Mác - Lênin
dạy chúng ta rằng muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù.
Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”. (17)
“Có đồng chí nói: Có những thành phần không tốt, khi trước nó phản cộng sản, nay nó được đề
bạt, mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý. Không đúng. Bất kỳ ai có khả năng,
đủ tiêu chuẩn, cần cho yêu cầu của cách mạng là phải dùng. Ví dụ, giữa hai đứa con của người
trong Đảng và người ngoài Đảng, con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài

Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn.
Vậy thì ta nên đưa ai đi (đây là nói về tuyển người đi học nước ngoài - Đ.P.)? Con của người
ngoài Đảng hay con của người trong Đảng? Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của
dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc
cho cả nước”.
“Làm cách mạng thắng lợi đã giành lại ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ, đường sắt, bến tàu. Nhưng
ruộng đất, máy móc tự nó không đẻ ra của cải. Điều quan trọng là sau khi đã làm chủ được nó,
chúng ta phải biết bắt nó đẻ ra của cải ngày càng nhanh, càng nhiều, đời sống chúng ta ngày càng
dồi dào, nếu không thì chúng ta thực hiện chủ nghĩa xã hội mà mức sống của chúng ta vẫn hết
sức tồi tàn”. (18)
“Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực
làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới Bởi vậy ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở
tinh thần hăng hái, mà phải say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của
mình”.(19)
- Về kế hoạch hóa: “Tiến nhanh tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi
từng bước, phải tính toán những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Chớ đem chủ quan
của mình thay cho điều kiện thực tế…”. (20)
“Mỗi vấn đề phải có một kế hoạch cụ thể, phải đi thật sâu để giải quyết cho kỳ được… Đừng để
kế hoạch phình ra, nếu để kế hoạch phình ra thì liệu có khả năng làm được không? Đừng để cho
tình trạng mình lại tự lừa mình ”. (21)
- Về hợp tác hóa: “Qui mô hợp tác xã không nên quá to, quá to thì khó quản lý. Cũng không nên
quá nhỏ, quá nhỏ thì sức người ít, khó phát triển. Nên tùy theo điều kiện của mỗi địa phương ”.
(22)
“Hiện nay các tỉnh đang mở rộng phong trào hợp tác hóa. Việc xây dựng hợp tác xã cần chú
trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Nếu xã, huyện nào cũng có hợp tác xã, mà
hợp tác xã không hơn gì các tổ đổi công và gia đình làm ăn riêng lẻ, thì có tốn công tuyên truyền
bao nhiêu cũng ít người muốn vào hợp tác xã”.
“Làm sao mà biết được hợp tác xã làm ăn phát triển? Phải căn cứ vào đời sống của nông dân, thu
nhập của xã viên càng ngày càng tiến lên”. (23)
- Về dân chủ: “Các chú diễn giảng hai tiếng dân chủ sao mà rắc rối, dài dòng thế? Dân chủ thật

ra có nghĩa là: để cho dân “được mở miệng”. Liệu có làm được không, có dám làm thế không?”.
(24)
- Về thái độ đối với những sai lầm: Đảng ta có khuyết điểm không? Có. Vì thay đổi xã hội cũ
thành xã hội mới đâu phải là dễ. Nhưng lúc nào có sai lầm Đảng ta cũng can đảm nhận sai lầm
và quyết tâm sửa chữa”. (25)
“Nhưng sai lầm của Đảng và của chúng ta khác hẳn sai lầm của những bọn khác. Đảng thấy sai
thì quyết tâm sửa chữa. Thời đế quốc tư bản có bao giờ nó nói là có sai lầm và xin sửa chữa đâu!
Đảng là người nên có sai lầm, nhưng vì có chủ nghĩa Mác-Lênin, với mục đích phục vụ nhân
dân, lại có phê bình và tự phê bình, cho nên kiên quyết sửa chữa”. (26)
- Về các phong trào thi đua, các lá cờ: Ở VN đối với những phong trào như: “Mo cơm, mo cà, đi
xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “Nghiêng đồng đổ nước ra
sông”…, “Dám nghĩ, dám làm” , “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất”… Hồ Chí Minh
đã có những lời căn dặn và nhắc nhở thật sáng suốt và chí lý:
“Phong trào ở đây đương phát triển tốt, đương thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật…
Nhưng không nên chỉ bốc lên từng lúc, mà phải bền bỉ, liên tục”. (27)
“Phải tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, khi biểu diễn kỹ thuật thì rất khá, nhưng khi sản
xuất thì lại không đạt kế hoạch”. (28)
Những lời chỉ bảo đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng với tư tưởng của Lênin: “Nếu
có thể dùng cách xung phong mà chiếm lĩnh được trận địa của chủ nghĩa tư bản thì dễ chịu hơn
nhiều. Sai lầm hiện nay chính là ở chỗ chúng ta không muốn hiểu rằng nhất thiết phải hành động
một cách khác”. (29)
Kết luận: Qua một số đoạn trích kể trên, cũng có thể thấy rằng có một thời gian khá dài nhiều tư
tưởng kinh tế rất quan trọng của Hồ Chí Minh đã không được thực hiện đầy đủ. Chỉ từ ngày đổi
mới, đất nước ta mới từng bước khôi phục và thực thi những tư tưởng lớn đó của Hồ Chí Minh.
Trong đó mỗi bước thực thi là một bước thành công, mỗi bước ngập ngừng là một lần chậm
trễ…
(1): Bài nói chuyện với các thân sĩ trí thức phú hào tỉnh Thanh Hóa ngày 20-2-1947.
(2): Kết luận trong phiên họp Hội đồng Chính phủ mở rộng ngày 20-12-1948. Biên bản họp Hội
đồng Chính phủ tháng 12-1948, tr.5.
(3): Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948. Báo Cứu Quốc số 968, ngày 24-6-1948.

(4): Như trên.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, HN 2002, tr. 49.
(6): Bài viết Đời sống mới, lấy tên là Tân Sinh.
(7): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, đ d, tr. 61-62.
(8): Nguyễn Xiển - nguyên chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ. Hồi ký về sự nghiệp đắp đê sau
cách mạng. Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 5-1995, tr. 131.
(9): Công báo, 1945, số 1, tr.12.
(10): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, đ d, tr. 169.
(11): Bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17-8-
1962. Tạp chí Nghiên Cứu Giáo Dục số 37, tháng 5-1975. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 591.
(12): Bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, ngày 27-2-1961. Báo Nhân Dân
ngày 28-2-1961. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 292.
(13): Hồ Chí Minh. 30 năm hoạt động của Đảng. Bài viết cho tạp chí Những vấn đề hòa bình và
chủ nghĩa xã hội, số 2, 1960. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 17.
(14): Bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II ngày 27-2-1961, Hồ Chí Minh
toàn tập, tập 10, đ d., tr. 290.
(15): Hồ Chí Minh. Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội. Tr. 310- 311.
(16): Nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh.
Nghệ Tĩnh, 1977, tr. 78. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 444.
(17): Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận tháng 8-1962. Báo Nhân Dân
ngày 31-8-1962. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 605.
(18): Báo Nhân Dân, ngày 16-1-1960.
(19): Báo Nhân Dân, 14-3-1960.
(20): Hồ Chí Minh. Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội. Bài viết cho báo Nhân Dân
số ra ngày 27-3-1961. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr. 315.
(21): Phát biểu của Hồ Chí Minh tại cuộc họp Ban Bí thư ngày 20-3-1964. Biên bản cuộc họp
Ban Bí thư ngày 20-3-1964. Lưu trữ tại phòng tư liệu Viện Hồ Chí Minh, ĐVBQ 139, tr. 92.
(22): Báo Nhân Dân, 2-9-1962.
(23): Nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, đ.d, tr. 441.
(24): Tố Hữu: Nhớ lại một thời (Hồi ký), đ d, tr. 280.

(25): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, đ d, tr. 556.
(26): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, đ d, tr. 491.
(27): Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng. NXB Hải Phòng, 1985, tr. 116
-117.
(28): Hồ Chí Minh (với bí danh TL). Vài ý kiến về phong trào Duyên Hải. Báo Nhân Dân số
2611, ngày 15-5-1961. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, đ d, tr.358 - 359.
(29): Diễn văn đọc tại Hội nghị lần thứ VII Đảng bộ Matxcơva ngày 29-10-1921. Lênin toàn tập,
tập 44, đ d, tr. 269.
(30): Hồ Chí Minh (ký bí danh là CK). Quĩ đen, quĩ trắng Báo Nhân Dân ngày 8-2-1960.
(31): Hồ Chí Minh. Nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội ngày 1-2-1961. Báo Nhân Dân ngày
2-2-1961. Hồ Chí Minh toàn tập, tập10, đ.d, tr. 270.
(32): Hồ Chí Minh. Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, đ.d, tr. 312.
(33): Bài nói tại Hội nghị “Rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn miền
Bắc”. Báo Nhân Dân, ngày 2-11-1959.

×