Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Đề tài: " VAI TRÒ CỦA TƯ DUY BIỆN CHỨNG DUY VẬT ĐỐI VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC NƯỚC TA " ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (241.87 KB, 11 trang )














Nghiên cứu triết học

Đề tài: " VAI TRÒ CỦA TƯ DUY BIỆN
CHỨNG DUY VẬT ĐỐI VỚI SINH VIÊN
ĐẠI HỌC NƯỚC TA "
VAI TRÒ CỦA TƯ DUY BIỆN CHỨNG DUY VẬT ĐỐI VỚI SINH VIÊN
ĐẠI HỌC NƯỚC TA
Hoàng Thúc Lân
(*)

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, sự ra đời và phát triển của kinh tế tri thức,
cùng với sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị
trường đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói
riêng phải đào tạo được đội ngũ những công chức, những nhà khoa học,
những kĩ sư, bác sĩ… giỏi về chuyên môn, có khả năng vận dụng tri thức
khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Để
nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cụ thể là không chỉ trang bị cho sinh
viên tri thức khoa học, mà cả năng lực kết hợp lý luận với thực tiễn, gắn học


với hành, cần phải có nhiều biện pháp tích cực và đồng bộ, đặc biệt là việc
bồi dưỡng cho họ năng lực tư duy biện chứng duy vật. Đây là một yêu cầu
bức xúc; giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngay từ
khi bước vào bậc đại học, sinh viên phải được rèn luyện và nâng cao năng lực
tư duy biện chứng để việc học tập, tiếp thu và tích lũy tri thức có hiệu quả;
đồng thời có khả năng nhận thức, phân tích và giải quyết các vấn đề lý luận
và thực tiễn đặt ra.
Tư duy biện chứng duy vật đòi hỏi chủ thể không chỉ phản ánh đúng những
mối liên hệ, sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới
khách quan, mà còn phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn những
phương pháp, nguyên tắc của phép biện chứng duy vật vào nhận thức và hoạt
động thực tiễn. Nó có những đặc trưng cơ bản, như tính khách quan, tính
toàn diện, tính lịch sử - cụ thể, tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn;
không chỉ phản ánh trạng thái hiện tồn, mà còn dự báo xu hướng phát triển
của sự vật, hiện tượng. Tư duy biện chứng duy vật có vai trò to lớn trong
nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người nói chung và sinh viên nói
riêng. Cụ thể là:
Thứ nhất, tư duy biện chứng duy vật giúp sinh viên, một mặt, khắc phục
được lối tư duy siêu hình, phiến diện, chiết trung, nguỵ biện; mặt khác, xem
xét đánh giá vấn đề một cách toàn diện, đúng đắn. Quan điểm duy vật biện
chứng khẳng định rằng, mọi sự vật và hiện tượng đa dạng, phong phú trong
thế giới khách quan luôn có mối liên hệ biện chứng, có ảnh hưởng, tác động
qua lại và nằm trong một chỉnh thể thống nhất; nhận thức chỉ đạt đến chân lý
khi nó phản ánh đúng đắn bản chất của thế giới khách quan. Bản thân các sự
vật, hiện tượng rất phức tạp, chúng là kết quả do nhiều nguyên nhân gây ra và
vận động, biến đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau mà người ta thường chỉ
quan sát được kết quả cuối cùng của nó. Chính vì vậy, khi chưa được trang bị
tri thức triết học Mác - Lênin thì khả năng tư duy trong quá trình học tập và
nhận thức khoa học của sinh viên còn nhiều hạn chế. Họ thường gặp nhiều

khó khăn và dễ mắc sai lầm trong việc phân tích để tìm ra đâu là nguyên nhân
cơ bản trong vô số những nguyên nhân tác động tới một sự vật, hiện tượng,
hoặc tỏ ra lúng túng không xác định được mối quan hệ chủ yếu, bản chất của
vấn đề đang nghiên cứu để tập trung giải quyết. Nói cách khác, do ít được rèn
luyện năng lực tư duy biện chứng, hầu hết sinh viên thường rơi vào thế thụ
động; tư duy của họ chưa đi sâu vào bản chất, cũng như các mối quan hệ của
vấn đề. Trên thực tế, họ ít có khả năng nhìn nhận, đánh giá các vấn đề cả
trong học tập lẫn thực tiễn cuộc sống một cách đúng đắn, khoa học; trái lại, tư
duy của họ còn siêu hình, cứng nhắc, thường quá đề cao hoặc tuyệt đối hoá
lĩnh vực này, xem nhẹ lĩnh vực khác. Có một số sinh viên chỉ chú ý tới việc
học, không tham gia vào các hoạt động thực tiễn của đoàn thể, nhà trường
Tình trạng này dẫn đến chỗ kết quả giáo dục không toàn diện, năng lực nhận
thức và hoạt động thực tiễn mang tính sách vở, giáo điều, chỉ giỏi về lý thuyết
mà chưa biết vận dụng tri thức khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh
đó, nhiều sinh viên còn nhận thức sai lệch về vai trò của các môn học, cộng
thêm tư tưởng thực dụng; chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không có chiến lược
phát triển cho tương lai, chỉ tập trung vào các môn học chuyên ngành, không
chú ý tới các môn hỗ trợ và các lĩnh vực khác nên xảy ra hiện tượng mù chữ
chức năng (nhất là tin học và ngoại ngữ) - một hiện tượng khá phổ biến hiện
nay; không ít sinh viên thờ ơ với các vấn đề chính trị, thậm chí bị kẻ xấu lợi
dụng, hoặc mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là do sinh viên chưa nghiêm túc
học tập, rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật của triết học Mác -
Lênin. Kết quả điều tra từ 954 sinh viên của 4 trường đại học ở Hà Nội cho
thấy: khi chưa được trang bị tư duy biện chứng, có 50,62% số sinh viên cho
rằng, tư duy của họ lệ thuộc hoàn toàn vào các khoa học cụ thể; 35,53% sinh
viên thừa nhận còn nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách thụ động, máy móc
và theo cảm tính; 59,74% thừa nhận tư duy của họ mới chỉ dừng lại ở trình độ
mô tả, liệt kê, thiếu tính hệ thống và khái quát
[i]

. Điều đó ảnh hưởng không
nhỏ tới nhận thức và họạt động thực tiễn của sinh viên.
Trong điều kiện kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá đang tác động đến
các quốc gia, các mặt của đời sống xã hội, nhiều sinh viên không biết chọn
lọc, tiếp thu những giá trị tích cực, đích thực từ các luồng văn hoá bên ngoài
nên đã bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, sống buông thả, đua đòi, ăn
mặc lai căng; quan niệm một cách đơn giản về nhiều vấn đề hệ trọng, chẳng
hạn như tình yêu, hôn nhân, việc làm, lối sống Mặt trái của nền kinh tế thị
trường, của văn hoá ngoại lai đã làm cho một bộ phận sinh viên bị tha hoá.
Họ không biết quý trọng những thành quả cách mạng mà cha ông ta phải trải
qua bao khó khăn, gian khổ mới giành được, không quan tâm tới lịch sử,
truyền thống dân tộc; thiếu ý thức giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá
của dân tộc
Trước đây, V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Muốn thực sự hiểu được sự vật,
cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và
“ quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một
cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng sự cần thiết phải xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng
cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm và sự cứng nhắc”
[ii]
. Vì vậy, theo chúng
tôi, quán triệt nguyên tắc toàn diện của tư duy biện chứng duy vật là giải pháp
cơ bản nhất để khắc phục những hạn chế trong tư duy của sinh viên ở nước ta
hiện nay. Nguyên tắc này giúp cho sinh viên trong quá trình nhận thức,
nghiên cứu biết đi thẳng vào vấn đề, xem xét và phân tích đối tượng một cách
chính xác, đầy đủ, toàn vẹn; khắc phục được cách đánh giá đơn giản, một
chiều.
Nếu nắm vững phương pháp tư duy biện chứng duy vật, sinh viên sẽ có được
sự nhận thức một cách khoa học, cụ thể là xem xét sự vật, hiện tượng trong sự
tương tác giữa các mặt, đặt chúng trong các mối liên hệ biện chứng, chi phối
lẫn nhau trong một thể thống nhất. Thông qua nguyên tắc này, sinh viên biết

sâu chuỗi vấn đề, phát hiện sự liên hệ giữa chúng chứ không đánh giá sự vật,
hiện tượng một cách rời rạc, lẻ tẻ và biệt lập khỏi các mối quan hệ đa dạng
vốn có; từ đó, tìm ra được cốt lõi, bản chất và những mối liên hệ cơ bản nhất
để tập trung giải quyết một cách có hiệu quả. Kết quả của cuộc điều tra (đã
nói ở trên) cho thấy: sau khi được trang bị tư duy biện chứng duy vật, trong
số 954 sinh viên của 4 trường đại học được hỏi, có 41,29% sinh viên cho
rằng, họ đã khắc phục được những hạn chế và có tư duy tốt hơn, đúng đắn
hơn; 53,77% sinh viên cho rằng, họ đã có thể bước đầu vận dụng phương
pháp tư duy biện chứng duy vật vào việc nhận thức và giải quyết những vấn
đề trong thực tiễn; chỉ có 4,06% sinh viên cho rằng, tư duy của họ không có
gì thay đổi
[iii]
.
Thứ hai, tư duy biện chứng duy vật giúp cho sinh viên khắc phục được tư
tưởng bảo thủ, trì trệ và thái độ định kiến với cái mới. Thiếu nguyên tắc phát
triển của tư duy biện chứng duy vật, sinh viên dễ mắc phải sai lầm khi nhận
thức các vấn đề, thường rơi vào duy tâm, siêu hình, không thấy rằng động lực
nội tại của sự phát triển chính là sự giải quyết mâu thuẫn bên trong của sự vật
và hiện tượng. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên còn tin vào số phận, bói
toán, mê tín dị đoan; chưa có năng lực làm chủ nhận thức và hành động nên
khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, trong nghiên cứu khoa học, họ
thường rơi vào tình trạng bi quan, chán nản và đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc thụ
động chấp nhận hoàn cảnh. Điều này biểu hiện qua suy nghĩ và hành động
của một số sinh viên, như lười học tập, không kiên trì tích luỹ kiến thức, học
chỉ mang tính đối phó; họ không làm chủ được kiến thức nên hoang mang, lo
sợ, thậm chí có người đi lễ bái cầu mong sự che chở để vượt qua những khó
khăn đang phải đối mặt. Có những sinh viên chưa phát huy hết năng lực của
bản thân, còn có thái độ dựa dẫm, ỷ lại; suy nghĩ và hành động không thống
nhất. Kết quả điều tra 500 sinh viên năm thứ hai các khoa Sinh, Sử, Toán,
Văn, Lý của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy: có 45,37 % sinh viên

còn tin vào số phận; 59,22% sinh viên thừa nhận đôi khi không làm chủ được
cuộc sống và cầu mong thần thánh, chúa trời che chở. Nhiều người trong số
họ tỏ ra bị động, thiếu niềm tin vào tương lai để vươn tới các giá trị chân -
thiện - mỹ
[iv]
.
V.I.Lênin đã từng khẳng định: “ lôgíc biện chứng đòi hỏi phải xét sự vật
trong sự phát triển, trong "sự tự vận động",… trong sự biến đổi của nó”
[v]
.
Thật vậy, chỉ khi nắm được nguyên tắc phát triển của tư duy biện chứng duy
vật, sinh viên mới có thể xem xét và hiểu đúng bản chất của vấn đề, mới có
thể tìm và phân tích các mâu thuẫn bên trong của nó để có cách giải quyết
phù hợp, đúng đắn. Có như vậy, họ mới có phương pháp luận, cơ sở khoa
học để hiểu rằng sự phát triển của các sự vật, hiện tượng không diễn ra theo
đường thẳng tắp mà theo xu hướng quanh co, phức tạp, đôi lúc có bước thụt
lùi tạm thời; rằng, chúng phải có sự tích luỹ dần về lượng để dẫn đến thay đổi
về chất. Tư duy biện chứng duy vật giúp sinh viên chống tư tưởng nóng vội,
chủ quan duy ý chí, hoặc tư tưởng hữu khuynh, bảo thủ, không mạnh dạn từ
bỏ cái cũ, lỗi thời để đón nhận cái mới, tốt đẹp.
Thứ ba, tư duy biện chứng giúp sinh viên tránh những sự sai lầm, mò mẫm,
phỏng đoán thiếu cơ sở khoa học và nguy cơ rơi vào ảo tưởng. Khi chưa
được trang bị tư duy biện chứng duy vật, nhất là nguyên tắc lịch sử cụ thể,
sinh viên thường nhìn nhận và đánh giá sự vật một cách chung chung, hoặc
tuyệt đối hoá những kết luận nào đó mà không gắn với những điều kiện, hoàn
cảnh thực tiễn xã hội cụ thể; họ dễ rơi vào tình trạng thụ động, thiếu sáng tạo
trong học tập và hoạt động thực tiễn.
Những sai lầm mà sinh viên thường mắc phải là quá đề cao, lý tưởng hoá
những kết quả học tập đã đạt được dẫn tới chủ quan, kiêu ngạo, thiếu khiêm
tốn, không có thái độ học hỏi và cầu thị. Điều này ảnh hưởng xấu đến nhận

thức và hoạt động thực tiễn tiếp theo. Đa số sinh viên còn chậm đổi mới
phương pháp, thói quen cũ trong học tập ở bậc phổ thông - những phương
pháp không phù hợp với cách học và nghiên cứu ở cấp đại học. Đây cũng là
một lý do khiến nhiều sinh viên phải thi lại, thậm chí phải học lại môn học.
Nguyên tắc lịch sử cụ thể đòi hỏi chủ thể trong quá trình nhận thức và nghiên
cứu phải đi tìm nguồn gốc, nguyên nhân của quá trình vận động và phát triển
của sự vật trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể; phân tích và nắm bắt
được những đặc tính vốn có, cũng như sự thay đổi của từng thuộc tính trong
những tình huống nhất định để nhận thức xu hướng vận động, biến đổi, phát
triển của sự vật một cách chính xác. Nguyên tắc này còn giúp cho sinh viên
thấy được tính lịch sử của tri thức khoa học để từ đó, có thái độ học tập,
nghiên cứu một cách khoa học, đúng đắn và nghiêm túc, tránh tuyệt đối hoá
tri thức khoa học đã có trong mọi hoàn cảnh; ngược lại, luôn bổ sung những
tri thức mới phù hợp với sự vận động của thực tiễn cuộc sống.
Thứ tư, tư duy biện chứng duy vật giúp cho sinh viên nhìn nhận sự vật, hiện
tượng một cách khách quan và khoa học, khắc phục sai lầm chủ quan. Thiếu
nguyên tắc khách quan của tư duy biện chứng duy vật, việc nhận thức trong
học tập và nghiên cứu của sinh viên sẽ gặp nhiều hạn chế. Trong học tập và
nghiên cứu, có những sinh viên mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, tuyệt đối hoá
nhận thức của bản thân, xa rời thực tiễn, lấy lòng nhiệt tình thay cho sự yếu
kém về tri thức khoa học, việc học tập còn mang nặng tính kinh viện, sách vở,
học thuộc lòng câu chữ, chưa chú trọng chất lượng. Tư duy biện chứng duy
vật đòi hỏi sinh viên khi phản ánh, nhận thức đối tượng phải bảo đảm nguyên
tắc khách quan, nắm được quy luật vận động, biến đổi, phát triển của nó; phải
tôn trọng và dựa vào quy luật khách quan để rút ra những kết luận khoa học
đúng đắn, nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu khoa học của mình. Khi
nắm vững nguyên tắc này, sinh viên có thể đạt được sự nhận thức khoa học:
nghiên cứu và giải quyết vấn đề phải xuất phát từ bản thân sự vật, quan sát tỉ
mỉ chính xác để nắm bắt các thuộc tính của sự vật và đi sâu phân tích, khảo
sát, khái quát hoá rút ra những kết luận khoa học; đồng thời bổ sung và kiểm

nghiệm kết quả của quá trình nhận thức qua thực tiễn.
Thứ năm, phương pháp tư duy biện chứng duy vật giúp sinh viên có điều kiện
học tập và nghiên cứu các môn khoa học khác một cách hiệu quả hơn. Thiếu
tư duy biện chứng duy vật, việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên
không đạt được hiệu quả cao, dễ rơi vào tình trạng mò mẫm, thiếu định hướng
khoa học; tư duy thiển cận, vụn vặt, khả năng khái quát, trừu tượng khoa học
thấp kém. Tri thức triết học nói chung và phương pháp tư duy biện chứng duy
vật nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc học tập các môn khoa học
khác. Mỗi nguyên lý, quy luật, phạm trù của nó là kết quả của quá trình nhận
thức khoa học, được khái quát hoá, trừu tượng hoá từ các thành tựu của khoa
học tự nhiên và khoa học xã hội. Vì vậy, việc rèn luyện, bồi dưỡng tư duy
biện chứng duy vật sẽ giúp sinh viên nắm được cách thức phân tích, khái quát
hoá, trừu tượng hoá đối tượng; biết khai thác, nắm bắt linh hồn của vấn đề, đi
sâu vào bản chất của đối tượng nghiên cứu; biết sử dụng và kết hợp linh hoạt
các phương pháp nghiên cứu khoa học, đặt đối tượng nghiên cứu trong các
mối liên hệ phong phú và trong trạng thái vận động, biến đổi không ngừng;
đồng thời, khắc phục lối tư duy sai lầm, dàn trải, thiếu trọng tâm, hoặc chỉ
dừng lại ở trình độ liệt kê, mô tả.
Thứ sáu, tư duy biện chứng duy vật giúp cho sinh viên có khả năng gắn kết lý
luận với thực tiễn, gắn học với hành. Thực tế cho thấy, sinh viên nói chung,
nhất là sinh viên năm thứ nhất còn nhiều hạn chế và lúng túng trong nhận
thức khoa học và hoạt động thực tiễn, chưa biết khái quát và vận dụng sáng
tạo tri thức khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Không ít sinh
viên còn chưa thấy vai trò, mối liên hệ giữa các môn học; hiểu không đúng về
giá trị của các môn học trang bị tư duy biện chứng duy vật, coi triết học là
môn phụ và không liên quan tới chuyên môn sau này. Qua thống kê kết quả
thi hết môn triết học của 20.949 sinh viên năm thứ nhất cho thấy, tỷ lệ sinh
viên đạt điểm thi xuất sắc là 0,46%; khá: 24,21%; trung bình: 49,63%; thi lại,
học lại: 20,91%
[vi]

. Sinh viên ít tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, nếu
có thì chất lượng công trình cũng không cao, chủ yếu là mô tả, “tầm chương
trích cú”. Để cải thiện và nâng cao năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn
cho sinh viên, không có cách nào khác là phải bồi dưỡng cho họ phương pháp
tư duy biện chứng duy vật. Nó mang lại cho sinh viên phương pháp nhận thức
khoa học, cho phép tiếp cận và nắm bắt các tri thức một cách tinh tế, sâu sắc
và linh hoạt hơn. Qua đó, sinh viên còn được rèn luyện năng lực vận dụng
sáng tạo những tri thức khoa học để luận giải những vấn đề thực tiễn một
cách có hiệu quả, kích thích khả năng gắn lý luận với thực tiễn, hiểu sâu sắc
hơn các vấn đề đã được học tập, khắc phục tình trạng học máy móc, chỉ thuộc
lòng câu chữ.
Được học tập và trang bị phương pháp tư duy biện chứng duy vật, sinh viên
không chỉ hình thành cho mình bản lĩnh khoa học, nguyên tắc, phương pháp
nhận thức khoa học, mà còn có khả năng vận dụng tri thức chuyên môn vào
cuộc sống, biết tu dưỡng và rèn luyện bản thân để phát triển toàn diện. Đồng
thời, tư duy biện chứng duy vật còn giúp cho sinh viên chống lại quan điểm
duy tâm, siêu hình, mê tín dị đoan; có lăng kính khoa học đúng đắn để nhận
thức và giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Người xưa đã từng nói rằng, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí
mạnh thì đất nước thịnh, nguyên khí yếu thì đất nước suy. Nhận thức được
tầm quan trọng này, ngành giáo dục đào tạo nước ta, đặc biệt là giáo dục ở
bậc đại học, phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để đào tạo ra
những nhà khoa học giỏi về chuyên môn, có năng lực tư duy biện chứng phát
triển ở trình độ cao. Cụ thể, chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề
quan trọng: 1) Đẩy mạnh việc giảng dạy các môn khoa học trang bị tư duy
biện chứng, như Triết học Mác - Lênin, Lôgíc học, Toán học…; 2) Thường
xuyên đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, gắn các trường đại học
với các viện nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp; 3) Đẩy mạnh hoạt
động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đó là con đường để nâng cao chất
lượng giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và xây

dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.

(*) Thạc sĩ triết học, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sự phạm Hà
Nội.
[i]Tác giả điều tra 4 trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất,
Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 2004.
[ii] V.I.Lênin. Toàn tập, t.42. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 364.
[iii] Tác giả điều tra 4 trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất,
Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà
Nội trong quá trình nghiên cứu năm 2004.
[iv] Tác giả điều tra 5 khoa Sinh, Sử, Văn, Vật Lý, Địa - Sinh viên năm thứ 2,
sau khi học triết học Mác - Lênin của trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong
quá trình nghiên cứu năm 2004.
[v] V.I Lênin. Sđd., t. 42 tr.364.
[vi] Nguyễn Duy Bắc (chủ nhiệm đề tài). Vấn đề dạy và học các môn khoa
học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học ở Hà Nội.
Thực trạng và giải pháp. Hà Nội. 2003, tr.234 – 239.


×