Đề tài triết học
CHÚ TRỌNG DÂN SINH VĂN HOÁ,
THÚC ĐẨY XÃ HỘI HÀI HOÀ
CHÚ TRỌNG DÂN SINH VĂN HOÁ, THÚC ĐẨY XÃ HỘI HÀI HOÀ
Dân sinh văn hoá là một phạm trù chứa đựng nội dung với nhiều tầng mức
khác nhau như cuộc sống hàng ngày, quyền lợi văn hoá, cơ chế thực hiện, mục
đích cuối cùng, v.v Chú trọng dân sinh văn hoá là một vấn đề không thể thiếu
trong xây dựng xã hội hài hoà; thể hiện tính tự giác văn hoá mới trong tiến
trình xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc hiện nay. Theo tác giả, chú
trọng dân sinh văn hoá tất yếu phải tôn trọng quyền lợi văn hoá của người dân,
trong đó cốt lõi là công bằng văn hoá. Hạt nhân của xây dựng dân sinh văn
hoá chính là xây dựng tinh thần gia đình, tạo sự bình yên về tinh thần, làm cho
cuộc sống ngày càng hạnh phúc, vui vẻ.
1. Chú trọng dân sinh văn hoá là vấn đề không thể thiếu trong xây dựng xã
hội hài hoà
Những năm qua, trong điều kiện nhấn mạnh quan điểm lấy dân làm gốc, phát
triển khoa học, xây dựng xã hội hài hoà, dân sinh đã trở thành một nội hàm
quan trọng trong phát triển xã hội Trung Quốc. Chú trọng dân sinh ngày càng
nhận được sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội và trở thành nội dung quan
trọng trong tư duy quản lý mới. Nhưng xét một cách tổng thể, bất luận trong
nghiên cứu lý luận về dân sinh hay trong việc đưa ra những giải pháp đối với
các vấn đề dân sinh cụ thể, về cơ bản đều phải tiến hành xem xét từ góc độ xây
dựng xã hội. Chẳng hạn, trong giai đoạn giữa hai kỳ đại hội toàn quốc, có người
từng đưa ra yêu cầu giải quyết 12 vấn nạn dân sinh, bao gồm: lao động việc
làm, đảm bảo xã hội, vệ sinh y tế, an toàn thực phẩm, học phí giáo dục, luật
pháp nghiêm minh, an toàn sinh sản, phân phối thu nhập, cơ chế doanh nghiệp,
trưng dụng đất đai, quá trình đô thị hoá và ô nhiễm môi trường. Từ đó, nảy sinh
các vấn đề, như vấn đề dân sinh có bao gồm nội dung xây dựng văn hoá hay
không? Dân sinh và văn hoá có quan hệ với nhau hay không? Quyền lợi dân
sinh có bao gồm quyền lợi văn hoá? Dân sinh có đòi hỏi nội dung văn hoá và
công bằng văn hoá? v.v
Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy một số hiện tượng đáng chú ý gắn liền với
vấn đề dân sinh văn hoá.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc. ngày 13 - 9 - 2006, “Đề cương phát triển văn hoá
thời kỳ “thập nhất ngũ” của đất nước” được ban hành; trong đó, đưa ra nguyên
tắc phát triển văn hoá cần phải kiên trì lấy dân làm gốc, đảm bảo và thực hiện
quyền lợi văn hoá cơ bản của quần chúng nhân dân, làm cho quảng đại quần
chúng nhân dân được hưởng những thành quả của phát triển văn hoá; đề ra
trọng điểm phát triển văn hoá chung, thực hiện tốt việc xây dựng văn hoá cơ sở,
dốc hết sức để nhanh chóng cải thiện các điều kiện văn hoá cộng đồng ở khu
vực miền Trung và miền Tây cũng như khu vực nông thôn, hoàn thiện hệ thống
phục vụ văn hoá cộng đồng, đảm bảo quyền lợi văn hoá cơ bản cho nông dân
và tầng lớp có thu nhập thấp ở thành thị.
Ngày 16 - 6 - 2007, Bộ Chính trị đã họp Hội nghị để tập trung nghiên cứu làm
rõ vấn đề xây dựng hệ thống phục vụ văn hoá cộng đồng. Hội nghị chỉ rõ rằng,
tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ văn hoá là yêu cầu tất yếu của việc xây
dựng xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa và của việc phát triển phồn vinh nền văn
hoá tiên tiến xã hội chủ nghĩa; đồng thời, việc đảm bảo, duy trì và phát triển tốt
các quyền lợi văn hoá cơ bản của quần chúng nhân dân có ý nghĩa hết sức quan
trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, nâng cao nhân
tố văn hoá khoa học và đạo đức tư tưởng toàn dân tộc, cũng như việc xây dựng
đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, thực hiện hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa.
Đầu năm 2007, thành phố Thâm Quyến đề ra “Hệ thống chỉ số phúc lợi dân
sinh”, trong đó đã bổ sung quyền lợi văn hoá và phúc lợi văn hoá của người
dân thành phố vào chỉ số về “trình độ phát triển toàn diện của con người”.
Ngày 2 - 3 - 2008, Bảo tàng quân sự cách mạng nhân dân Trung Quốc đã mở
cửa miễn phí, số người đến tham quan hôm đó trở thành một hiện tượng. Kể
từ năm nay trở đi, trên toàn quốc, các Viện bảo tàng văn hoá văn vật, nhà
tưởng niệm, những nơi biểu dương và có giá trị giáo dục lòng yêu nước sẽ tiến
hành mở cửa miễn phí.
Theo “Nhân dân nhật báo” ngày 9 - 4 - 2008, tại Tỉnh Cam Túc, “Huyện Vĩnh
Tịnh đã đầu tư 3000 vạn tệ xây dựng Hoàng Hà tam hiệp Khổng Tử đại điện”,
“Huyện Hoa Đình đã đầu tư hơn 3000 vạn tệ xây dựng công trình quảng trường
văn hoá Tần Thuỷ Hoàng tế trời”, “Huyện Lâm Đào đầu tư 8000 vạn tệ xây
dựng vườn văn hoá Lão Tử”. Ba huyện trên không tiếc tiền bạc công sức để xây
dựng “văn hoá cổ”, do đó đã gây được sự quan tâm của toàn xã hội.
Những ví dụ nêu trên đã chứng minh một điều rằng, Đảng Cộng sản và Nhà
nước Trung Quốc hết sức quan tâm và coi trọng vấn đề “dân sinh văn hoá”; mặt
khác, cũng thể hiện trong vấn đề dân sinh và dân sinh văn hoá vẫn đang tồn tại
một số vấn đề cần giải quyết. Ví dụ, ở một số địa phương lấy những người nổi
tiếng, quan chức chính phủ, diễn viên điện ảnh, các doanh nhân thành đạt, v.v.
làm nhân vật chính trong các hoạt động văn hoá; do đó, bộ mặt văn hoá biến
thành bộ mặt quý tộc, còn sự truy cầu văn hoá của quần chúng nhân dân bị lãng
quên, dẫn đến sự phai nhạt của bản sắc dân sinh và sắc thái văn hoá vốn không
thể thiếu trong các hoạt động văn hoá. Vì vậy, đối với dân sinh văn hoá, việc
quan tâm chú trọng và làm rõ một số vấn đề mang tính cơ sở sẽ giúp ích cho
việc xây dựng xã hội hài hoà và xây dựng dân sinh.
Trung Quốc tiến hành cải cách đã 30 năm, trong 30 năm đó đã giành được
những thành tựu to lớn trong xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh
thần, được thế giới thừa nhận. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nước có nền
kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Trong thời kỳ “Thập nhất ngũ”, thu nhập bình
quân đầu người đã đạt khoảng 2000 - 3000 USD, số lượng hộ đói nghèo ở
thành thị và nông thôn giảm đáng kể, Trung Quốc đã “bước vào giai đoạn mới
trong phát triển toàn diện xã hội hài hoà”. Có thể nói, Trung Quốc đã giải quyết
được những vấn đề cơ bản của đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là giai
đoạn bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người không
ngừng tăng trưởng, số hộ đói nghèo không ngừng giảm xuống, thì mức độ hài
hoà xã hội lại có chiều hướng đi xuống. Những yếu tố liên quan đến chỉ số hạnh
phúc của người dân, như đời sống tinh thần, gia đình hạnh phúc, v.v. có chiều
hướng chậm lại; số lượng, chủng loại các yếu tố, như tính xã hội, tính quần thể
có xu thế gia tăng. Những vấn đề nêu trên hoàn toàn không thể chỉ dựa vào các
biện pháp kinh tế, xã hội hay chính trị là có thể giải quyết được, mà đòi hỏi phải
kiên trì quan điểm phát triển khoa học lấy dân làm gốc. Xã hội hài hoà đòi hỏi
giá trị nội tại. Như nhiều học giả nhận định, trong xã hội tồn tại rất nhiều vấn đề,
thái độ bất mãn bộc lộ và lan rộng, ngoài vấn đề phân phối ra, vấn đề công ăn
việc làm, ổn định cuộc sống của các tầng lớp nhân dân chưa được giải quyết
tốt(1).
2. Dân sinh văn hoá là một phạm trù có nội dung đa tầng
Thuật ngữ “Dân sinh” xuất hiện lần đầu tiên trong “Tả truyện - Tuyên Công
năm thứ 12”, trong mệnh đề “Dân sinh tại cần, cần tắc bất quỹ” (tạm dịch: Dân
sinh ở chỗ cần cù, cần cù thì không thiếu thốn - ND.). Hiện nay, “dân sinh”
được giải thích là “sinh kế của nhân dân”, cách giải thích này chứa đựng tư
tưởng nhân bản và ý nghĩa nhân văn. Thông thường “dân sinh” được giải thích
là đời sống nhân dân, nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến những nhu cầu thiết yếu
của người dân. Những nhu cầu đó đương nhiên bao gồm những nhu cầu vật
chất và nhu cầu tinh thần. Tuy vậy, khi đề cập đến “dân sinh”, đa số đều chú
trọng đến phương diện vật chất, mà ít chú trọng đến phương diện tinh thần của
dân sinh.
Trên thực tế, dân sinh là một phạm trù lịch sử. Trong điều kiện người dân chưa
được thoả mãn các nhu cầu tối thiểu: ăn, mặc, ở, đi lại, v.v. hay nói cách khác,
khi quyền sinh tồn cơ bản chưa thể giải quyết, dân sinh chủ yếu nhấn mạnh đến
những sinh kế cơ bản ở phương diện vật chất, còn những nhu cầu văn hoá đối
với người dân lúc đó dường như là thứ hàng xa xỉ. Cùng với sự phát triển của
kinh tế, sự phồn vinh của xã hội, những nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng
trở nên bức thiết, yếu tố văn hoá dần dần thẩm thấu vào cuộc sống của người
dân, dân sinh ngày càng trở về với ý nghĩa đầy đủ của nó.
Trong bối cảnh “dân sinh” trở thành tâm điểm như hiện nay, yêu cầu bắt buộc đầu
tiên đối với xây dựng văn hoá là phát triển “dân sinh văn hoá”. Vấn đề “dân sinh văn
hoá” chính là những sinh kế cơ bản trên phương diện văn hoá, cũng có thể xem đó
như những nhu cầu văn hoá của người dân. Dân sinh văn hoá là một phạm trù có nội
dung phong phú với nhiều tầng bậc khác nhau.
Từ góc độ cuộc sống hàng ngày, chú trọng dân sinh văn hoá chính là đưa ra
những thiết chế, những hình thức và những sản phẩm văn hoá có tính chất lành
mạnh, bổ ích nhằm thoả mãn nhu cầu thưởng thức, giải trí của quần chúng nhân
dân. Chẳng hạn, các hoạt động mang tính quần chúng, phục vụ lợi ích quần
chúng; quảng trường văn hoá, khu văn hoá, tháng đọc sách, các buổi diễn
giảng, nói chuyện về văn hoá, v.v Những hoạt động này là những hoạt động
không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của quần chúng. Thông qua những hoạt
động đó, có thể mang lại cho quần chúng nhân dân sự thụ hưởng những thành
quả của phát triển văn hoá, giúp cho người dân được sống trong môi trường văn
hoá lành mạnh, cảm thụ được sự hoan hỷ của các hoạt động văn hoá, từ đó mà
cảm nhận được sự hài hoà của xã hội cũng như nét đẹp của cuộc sống.
Xem xét từ góc độ quyền lợi chủ thể, chú trọng dân sinh văn hoá tất yếu phải
tôn trọng quyền lợi văn hoá của quần chúng nhân dân. Quyền lợi văn hoá là
một trong những quyền lợi căn bản nhất của con người, có vị trí quan trọng
ngang bằng với các quyền chính trị và quyền kinh tế. Quyền lợi văn hoá của
người dân bao gồm: quyền được lựa chọn và tham gia vào các hoạt động văn
hoá; quyền sáng tạo văn hoá và quyền giữ gìn, bảo tồn các thành quả văn hoá;
quyền truyền bá văn hoá, hưởng thụ các thành quả và giá trị văn hoá, quyền phê
bình đối với các hiện tượng văn hoá, v.v Hạt nhân của quyền lợi văn hoá là
công bằng văn hoá, nghĩa là mọi người đều có quyền lợi và cơ hội hưởng thụ
các giá trị văn hoá một cách công bằng, nhu cầu văn hoá của mọi người đều có
thể được thoả mãn. Chú trọng dân sinh văn hoá tất yếu phải tôn trọng quyền lợi
văn hoá của người dân, thúc đẩy công bằng văn hoá.
Xem xét từ góc độ cơ chế thực hiện, mấu chốt của chú trọng dân sinh văn hoá
là ở việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống phục vụ văn hoá chung (hay văn hoá
cộng đồng). Vấn đề hệ thống phục vụ văn hoá chung lấy việc thực hiện quyền
lợi văn hoá của người dân làm lôgíc xuất phát, cũng là thoả mãn nhu cầu văn
hoá của toàn xã hội, hướng đến công chúng để đưa ra các sản phẩm văn hoá
cộng đồng và sự phục vụ cùng các hệ thống cơ chế liên quan, nó là bộ phận hợp
thành của hệ thống phục vụ cộng đồng quốc gia(2). Xuất phát điểm chủ yếu của
nó chính là đảm bảo lợi ích văn hoá cho quần chúng nhân dân, duy trì quyền lợi
văn hoá cho người dân; nội dung chủ yếu gắn liền với bốn phương diện cơ bản:
lý luận văn hoá và sáng tạo cơ chế mới đối với hệ thống giá trị văn hoá, các
thiết chế văn hoá chung và môi trường sinh thái văn hoá, chủ thể vi mô hỗn hợp
của sự nghiệp phục vụ văn hoá chung, thể chế quản lý giám sát và hệ thống
chính sách pháp luật(3). Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phục vụ văn hoá
cộng đồng cũng chính là con đường chủ yếu để thực hiện, duy trì và phát triển
tốt quyền và lợi ích văn hoá cơ bản của người dân. Ngoài ra, cũng cần phải coi
trọng việc xây dựng hệ thống phục vụ thị trường văn hoá. Việc xây dựng đó
đương nhiên cần tuân theo quy luật thị trường, nhưng vẫn phải thể hiện ý thức
dân sinh, từ đó mà hình thành hai nhân tố tác động hữu cơ với nhau trong hệ
thống phục vụ văn hoá. (Xem tiếp >>>)
CHÚ TRỌNG DÂN SINH VĂN HOÁ, THÚC ĐẨY XÃ HỘI HÀI HOÀ
(tiếp)
TRƯƠNG VŨ ĐÔNG(*)
Xem xét từ góc độ mục đích cuối cùng, chú trọng dân sinh văn hoá là nhằm
giải quyết vấn đề tinh thần gia đình, thực hiện quyền lợi và nhu cầu tinh thần
đa tầng của người dân. Con người là tồn tại văn hoá, văn hoá là biểu hiện
người của con người, cũng là huyết mạch và linh hồn cho sự phát triển và
sinh tồn của một dân tộc, tinh thần gia đình và ký ức tinh thần dân tộc thể
hiện sự đồng cảm của dân tộc, phản ánh sức sống của dân tộc, sức kết dính
của dân tộc. Văn hoá của một dân tộc là sự kết dính của cảm thụ hiện thực
và nhận thức lịch sử của dân tộc đó đối với thế giới và đối với bản thân, tích
tụ và nhuần nhuyễn các chuẩn tắc hành vi, truy cầu tinh thần, bao gồm các
thói quen sinh hoạt chung, phương thức tư duy, phương thức hoạt động, tình
cảm đạo đức, thị hiếu thẩm mỹ, tôn giáo tín ngưỡng, tiêu chuẩn giá trị, v.v
Do vậy, con người không thể chỉ dừng lại ở chỗ truy cầu và thụ hưởng trên
phương diện vật chất, không cần tinh thần gia đình, nếu tinh thần không có
nơi nương tựa, tâm hồn sẽ trở nên trống rỗng. Xã hội hiện đại đang trong
giai đoạn chuyển đổi, đi liền với nó là các hiện tượng tâm lý, như ảo tưởng,
trống rỗng, lo âu, lạnh nhạt, khiếp sợ, bất an, v.v Do vậy, cần phải thông
qua những quan tâm mang tính nhân văn, những tư vấn tâm lý để giải quyết
các vấn đề đó. Mục đích cuối cùng của việc xây dựng dân sinh văn hoá
chính là xây dựng tinh thần gia đình, giải quyết sự bình yên tinh thần, làm
cho cuộc sống của quần chúng nhân dân càng thêm hạnh phúc, vui vẻ.
Đương nhiên, ở đây cần phải chú ý nhiều tầng bậc khác nhau của sự truy cầu
tinh thần, không chỉ phải chú trọng việc xây dựng tinh thần gia đình chung
của toàn thể dân tộc, mà còn phải chú ý đến sự truy cầu tinh thần của các
cộng đồng khác nhau, giai tầng khác nhau, các cá nhân khác nhau.
3. Chú trọng văn hoá dân sinh thể hiện tính tự giác văn hoá mới
Phí Hiếu Thông đã từng cho rằng, “tự giác văn hoá là chỉ con người trong
một nền văn hoá nhất định, tự hiểu về nền văn hoá của mình, hiểu lịch sử
của nó, quá trình hình thành của nó, cũng như đặc sắc và xu thế phát triển
của nó. Ở đây không chứa đựng bất kỳ ý nghĩa nào của “trở về văn hoá”,
không phải là “phục cổ”, đồng thời cũng không chủ trương “tây hoá hoàn
toàn” hoặc “tha hoá hoàn toàn””. Tự giác văn hoá chính là chỉ sự tự giác ngộ,
tự phản tỉnh, tự sáng tạo của văn hoá. Do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và
khách quan, tự giác văn hoá của chúng ta trì trệ hơn so với tự giác đối với lực
lượng sản xuất, xây dựng văn hoá cũng khá chậm chạp. Việc chú trọng dân
sinh văn hoá thể hiện một cách đầy đủ tự giác văn hoá mới trong tiến trình xây
dựng xã hội hài hoà ở Trung Quốc hiện nay.
Thứ nhất, biểu hiện định hướng giá trị lấy dân làm gốc.
Quyền và lợi ích văn hoá cũng như nhu cầu văn hoá của quần chúng nhân
dân mang tính đa dạng và có nhiều cấp độ; các khu vực khác nhau, các giai
tầng khác nhau, các cộng đồng khác nhau đều có những nhu cầu văn hoá
khác nhau. Từ sau cải cách mở cửa, vấn đề tôn trọng quyền lợi văn hoá của
người dân, nỗ lực thúc đẩy phương diện công bằng văn hoá đã giành được
những tiến triển nhất định. Nhưng, tốc độ thực hiện quyền lợi văn hoá vẫn
còn khá thấp, chủ yếu thể hiện ở chỗ: một là, những chi tiêu cho văn hoá và
giải trí có tỷ trọng tương đối thấp trong tổng chi phí của người dân; hai là,
trong sự phát triển của văn hoá, có sự mất cân bằng trong phát triển giữa các
khu vực, giữa thành thị và nông thôn, giữa các giai tầng khác nhau, cụ thể sự
phát triển văn hoá khu vực tây trung bộ rõ ràng chậm chạp hơn khu vực
đông bắc, nông thôn chậm chạp hơn thành thị; ba là, thiếu sự tôn trọng
quyền biểu đạt đối với các nhu cầu văn hoá của quần chúng, quyền tham gia
vào các quyết sách văn hoá chung; bốn là, phương diện thực thi cơ sở của
văn hoá cộng đồng còn thiếu. Điều này làm cho việc thực hiện bình đẳng
trong thụ hưởng văn hoá của người dân không thể đảm bảo. Chú trọng dân
sinh văn hoá cần phải lấy việc tôn trọng quyền lợi văn hoá của người dân,
thoả mãn nhu cầu văn hoá của nhân dân làm xuất phát điểm, cần phải kiên trì
tính công ích, tính công bằng và hiệu quả xã hội, coi đó là những nguyên tắc
đầu tiên, đem lại cho người dân những sự ưu đãi, miễn phí, phục vụ văn hoá
một cách hiệu quả, nhanh chóng, giúp cho người dân có thể được hưởng
những thành quả của sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội.
Thứ hai, nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của văn hoá đối với việc nâng cao
quyền lực mềm của đất nước.
Sức mạnh của một đất nước bao gồm quyền lực cứng và quyền lực mềm,
quyền lực cứng biểu hiện ở thực lực trên các phương diện chủ yếu, như quân
sự, kỹ thuật, kinh tế. Quyền lực mềm biểu hiện ở sức lôi cuốn của văn hoá,
năng lực thuyết phục trên lĩnh vực ngoại giao, sức thu hút của chế độ chính
trị, trong đó sức ảnh hưởng, độ kết dính và lôi cuốn của văn hoá đóng vai trò
hạt nhân của quyền lực mềm. Trong thời đại ngày nay, quyền lực mềm của
văn hoá đóng vai trò ngày càng quan trọng trong năng lực cạnh tranh của
một đất nước. Quốc gia nào chiếm vị trí đỉnh cao trong phát triển văn hoá,
quốc gia đó sẽ nắm quyền chủ động trong cạnh tranh quốc tế. Như trên đã
trình bày, xây dựng dân sinh văn hoá bao gồm nội dung ở nhiều cấp độ khác
nhau, bất luận sự sáng tạo và sản sinh các sản phẩm văn hoá hay các thiết
chế văn hoá, thực hiện và tôn trọng các quyền lợi văn hoá của nhân dân, đều
là xây dựng hệ thống phục vụ văn hoá cũng như xây dựng tinh thần gia đình
của quần chúng nhân dân, đều là nhằm nâng cao quyền lực mềm văn hoá.
Quyền lực mềm văn hoá, ở cấp độ cao nhất, biểu hiện trạng thái tinh thần
quốc gia, sức kết dính nội tại và phẩm cách ý chí, tất cả những cái đó đến từ
sự đồng thuận đối với các giá trị nòng cốt trong xã hội của mọi người. Theo
đó, trọng tâm của việc xây dựng quyền lực mềm là xây dựng dân sinh văn
hoá, hạt nhân của xây dựng dân sinh văn hoá là xây dựng tinh thần gia đình.
Thứ ba, thể hiện lựa chọn lý tính đối với sự phát triển và sáng tạo văn hoá
mới của Trung Quốc đương đại.
Văn hoá Trung Quốc đương đại thể hiện tính phong phú, đa dạng, sáng tạo
và phát triển văn hoá mới. Chú trọng văn hoá dân sinh cần phải tiếp thu và
học hỏi những thành tựu văn hoá cổ kim và trên thế giới. Sự tồn tại và phát
triển của một nền văn hoá của bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào cũng đều phải
được kế thừa, phát triển, sáng tạo trên nền tảng văn hoá truyền thống. Nếu xa
rời truyền thống, đứt đoạn, thì sẽ tự đánh mất mình, đánh mất gốc. Đối với
văn hoá Trung Hoa, cần nỗ lực duy trì tính dân tộc, thể hiện tính thời đại
nhằm làm cho văn hoá phù hợp với xã hội và văn minh hiện đại; đối với văn
hoá của các dân tộc, cần tăng cường khai thác và giữ gìn; đối với đặc sắc văn
hoá truyền thống của các khu vực, vùng miền, cần khuyến khích và tạo điều
kiện phát triển. Như vậy, tinh thần gia đình của dân sinh văn hoá mới có thể
gắn kết với thực tiễn, với cuộc sống, với quần chúng, mới có thêm sức và lực
mới. Cùng với sự tăng tốc của quá trình toàn cầu hoá kinh tế, nhân loại đang
bước vào giai đoạn có những xung đột lớn về các giá trị văn hoá. Xây dựng
dân sinh văn hoá còn phải đối diện với sự tồn tại khách quan của tính đa
dạng văn hoá thế giới. Tính đa dạng, một mặt, mang lại tính phong phú của
văn hoá; mặt khác, cũng mang đến những thách thức đối với văn hoá truyền
thống dân tộc và nguy cơ xung đột văn hoá. Trong quá trình ngày càng phức
tạp của sự giao lưu văn hoá quốc tế, sự tăng tốc của các sản phẩm văn hoá
trong và ngoài nước đã mở rộng tầm mắt văn hoá cho người dân, kích thích
những nhu cầu văn hoá chung, tăng cường sự phục vụ và các sản phẩm văn
hoá mang sắc thái thời đại, cũng là mở rộng sức ảnh hưởng của văn hoá
Trung Hoa trên phạm vi thế giới; đồng thời, cũng mang đến những thách
thức và xung đột đối với văn hoá truyền thống Trung Quốc, chẳng hạn, một
số hình thức văn hoá truyền thống địa phương, như hý kịch, các ngày lễ truyền
thống, v.v. dần dần mai một. Mặc dù vậy, Trung Quốc hiện vẫn luôn tràn đầy
tự tin, hội nhập với thế giới thông qua việc đối diện với chỉnh thể văn hoá của
quá trình toàn cầu hoá, đối diện với hoàn cảnh lịch sử thế giới của quá trình
toàn cầu hoá để từ đó khảo nghiệm vấn đề dân sinh văn hoá.r
Người dịch: TS.CHU VĂN TUẤN (Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
(*) Giáo sư, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Kiều, Trung Quốc.