Tinh hoa ẩm thực Pháp - Ý
Món ăn được xem là linh hồn của Ý gồm pizza và pasta. Trong khi đó,
phô mai và rượu vang là hai thương hiệu mang danh tiếng về cho ẩm
thực Pháp.
Xuất hiện vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, ẩm thực Ý chính là khởi
nguồn của các loại nguyên liệu, gia vị không thể thiếu trong nghệ thuật nấu
ăn hiện nay như khoai tây, cà chua, tiêu, ngô…
Ẩm thực Ý khác nhau một cách thú vị, trải dài từ ngọn núi Alps đến các bờ
biển vùng cận nhiệt đới của đảo Sicily. Công thức nấu ăn không chỉ khác
nhau ở miền Nam và Bắc mà ngay cả trong một vùng cũng không giống
nhau. Do đó, bạn đừng ngạc nhiên nếu nhận được hai câu trả lời khác nhau ở
hai nơi chỉ cách nhau vài dặm cho việc chế biến nước sốt cá mòi của món mì
maccheroni. Trong khi đó, vào thế kỷ XXI, ẩm thực Pháp có tên gọi “haute
cuisine”, thể hiện sự cao cấp và tinh túy trong từng chi tiết. Người Pháp so
sánh ẩm thực như một loại hình nghệ thuật quan trọng, sánh bằng hội họa
hay thời trang.
Tương tự Ý, ẩm thực Pháp cũng khác nhau theo từng vùng. Ở Tây Bắc nước
Pháp, món đặc trưng là bánh crêpe dùng với rượu táo. Tại miền Đông nước
Pháp, la choucroute, món ăn làm từ cải bắp và xúc xích, lại vô cùng phổ
biến.
Người có công trong việc truyền bá ẩm thực Ý đến nước Pháp và sau đó là
khắp vùng Tây Âu chính là Catherine de Medici, con gái của công tước
Florence. Bà cũng là người đã cải tiến cách trang trí bữa ăn của người Pháp.
Khó ai có thể phác họa được diện mạo nền ẩm thực Pháp ngày hôm nay nếu
vắng bóng sự ảnh hưởng của ẩm thực Ý vào thế kỷ XVI. Một phóng viên
người Ý tên Luigi Barzini hùng hồn tuyên bố: “Chính người Ý đã dạy người
Pháp cách nấu ăn”.
Đặc trưng riêng của từng phong cách ẩm thực
*Người Ý chuộng sử dụng dầu olive nhất, kế đến là tỏi và cà chua. Còn các
món ăn Pháp được chế biến chủ yếu với bơ. Khá thú vị là người Ý cảm thấy
món ăn Pháp hơi béo do có nhiều bơ và kem, trong khi người Pháp xếp món
Ý vào hàng thực phẩm khó tiêu vì dùng nhiều dầu olive.
*Kỹ thuật nấu ăn là điểm khác biệt chính giữa ẩm thực Ý và Pháp. Kỹ thuật
nấu của Ý thường đơn giản, thời gian chuẩn bị ngắn hơn của Pháp, ngoại trừ
các món thịt om như ossobuco và risotto. Ẩm thực Ý thường dùng phương
pháp brasare – rán nhanh thịt trong một chảo dầu. Ngược lại, người Pháp
thường mất thời gian lâu hơn để chế biến một món ăn. Món ăn truyền thống
của Pháp thường là các món hầm, trong khi điều này ít gặp ở Ý.
*Các món ăn phổ biến của hai nước cũng khác nhau. Trong khi người Ý
xem pasta và pizza là “quốc hồn quốc túy” thì hai thương hiệu mang danh
tiếng về cho ẩm thực Pháp lại là phô-mai và rượu vang.
Nét tương đồng giữa hai nền ẩm thực
Dù mỗi quốc gia sở hữu những đặc điểm riêng trong phong cách ẩm thực,
nhưng sự ảnh hưởng từ Ý khiến các món ăn Pháp và Ý có nhiều nét tương
đồng. Một ví dụ điển hình là cả hai đều chuộng sử dụng các nguyên liệu
giống nhau như phô-mai, rượu vang và cà chua.
Bên cạnh đó, quan niệm và văn hóa ăn uống của người Pháp và Ý rất giống
nhau. Cả hai đều có tình yêu kỳ lạ đối với ẩm thực và cảm thấy tự hào khi
thết đãi bạn bè, người thân một bữa ăn thịnh soạn. Bữa ăn gồm nhiều món
chính, được chuẩn bị một cách chu đáo trong nhiều giờ liền. Người Pháp và
Ý đều cho rằng một bữa ăn truyền thống không thể thiếu không khí trò
chuyện thân mật, vui vẻ và xem đây như cách thức giao tiếp xã hội. Do đó,
mọi người sẽ vừa nói chuyện vừa thưởng thức các món ăn một cách chậm
rãi, thư thái.
Song song, người Pháp và Ý đều xem trọng chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn.
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp người Pháp luôn khỏe mạnh. Dù
vậy, sử dụng bơ và kem trong quá trình chế biến khiến các món ăn Pháp
chứa nhiều chất béo bão hòa. Tuy thế, người Pháp lại ít mắc các bệnh về tim
mạch hơn các nước phương Tây khác. Đó là do họ uống nhiều rượu vang đỏ,
loại rượu được cho là có tác dụng làm giảm cholesterol.
Còn Ý thì sao? Với chế độ ăn toàn pasta và những món nhiều dầu mỡ, tại
sao bệnh tim mạch ở đất nước này vẫn ở tỷ lệ thấp? Câu trả lời là: mặc dù
thực đơn cung cấp khá nhiều chất béo cho cơ thể, nhưng chất béo chủ yếu lại
là dầu olive có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tim.
Hơn thế, ở cả Pháp và Ý, người dân còn phản đối sự xuất hiện của những
nhà hàng thức ăn nhanh nhằm duy trì chất lượng bữa ăn cũng như lối sống
truyền thống cho dân tộc mình. Có thể đây là một trong những nguyên nhân
giúp nghệ thuật ẩm thực của Pháp và Ý đều được UNESCO công nhận là Di
sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010.