Dòng chảy văn hóa ẩm thực Thăng Long trên
đất Nam bộ xưa và nay
Vào những thập niên cuối thế kỉ XVII, lưu dân người Việt theo đường
biển, ngược sông Tiền, qua cửa sông Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu tiến vào
khai thác vùng Mỹ Tho ngày nay. Một bộ phận khác đi xa hơn đã đến tận
Hà Tiên để sinh sống. Trong lớp dân cư mới đến vùng Đồng Nai - Gia
Định. Hà Tiên vào thế kỉ XVII có một số đông người Hoa đến từ Quảng
Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Đến thế kỉ XVIII lại có thêm một số
đông người Chăm gia nhập vào số cư dân ở đây. Đồng thời với những
bước khai hoang của nhân dân lao động, chính quyền nhà Nguyễn đã giúp
cho giai cấp địa chủ phát triển ở Nam bộ. Chính vì địa chủ là chỗ dựa cho
chính quyền phong kiến nhà Nguyễn nên các vua nhà Nguyễn trong suốt
nửa đầu thế kỉ XIX càng chú tâm phát triển giai cấp này. Triều đình nhà
Nguyễn ra lệnh cho quan lại địa phương khuyến khích khai phá đất hoang.
Người nông dân, nhất là người nông dân phiêu bạt đã khai hoang trồng
trọt để sinh sống cho dù có sự khuyến khích của chính quyền hay không.
Cũng như ở giai đoạn trước, người dân tự đi tìm đất khai phá gồm rất
nhiều thành phần: những người dân phiêu bạt vì nghèo khổ, vì chiến
tranh từ các tỉnh Trung Bộ đi vào Nam tiếp tục làn sóng di dân đã diễn
ra từ thế kỷ trước. Trong thành phần này còn có nhiều nông dân nghèo
khổ đã sinh sống từ lâu ở Nam bộ. Ngoài những nông dân lưu tán còn có
những người trốn tránh việc cấm đạo hay nghi kỵ tôn giáo của chính
quyền nhà Nguyễn. Trong các lưu dân khai phá còn có những cư dân định
cư trong thôn ấp cũng góp phần vào việc khai hoang đất đai. Họ tiếp tục
lấn dần vào vùng đất hoang vốn còn nhiều trong khu vực cư trú, nới rộng
thêm diện tích cày cấy trồng trọt. Lúc này những người đi khai hoang đã
được phép của chính quyền thành lập làng mới. Làng lúc đầu chiếm một
diện tích rất rộng nhưng phần lớn còn hoang vu, dần dần đất đai trồng
trọt được mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc hơn, đến một lúc nào đó
một phần đất đai và cư dân sẽ tách ra hình thành làng mới.
Do điều kiện lịch sử như trên, cư dân Nam bộ gồm nhiều vùng miền, dân tộc
khác nhau, qua đó phần nào tạo nên bản sắc ẩm thực cho vùng đất này. Các
lưu dân khi rời xa quê hương để lập nghiệp, họ mang theo cả những món ăn,
cách nấu của nhiều món ăn từ quê hương mình vào. Ẩm thực Nam bộ vì vậy
được hình thành, có những món ăn mang hương vị rất riêng biệt, độc đáo
của từng địa phương. Mỗi món ăn ở từng địa phương đều có nét riêng biệt,
nhưng khi vào đến Nam bộ, tất cả đều mang phong cách của vùng sông nước
phương Nam vốn rất hoang dã, hào phóng. Chỉ có những nguyên liệu rất
đơn sơ, bình dị cũng tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn ở đây.
Ngày nay, có rất nhiều món ăn miền Nam là kết quả được tổng hợp và biến
hoá từ nhiều nền văn hoá cũng như vùng miền khác nhau, trải qua chiều dài
lịch sử kéo dài hàng mấy trăm năm. Món ăn Nam bộ ngày nay đã biến dạng
vô cùng, từ món ăn thường ngày đến các món đãi tiệc. Khi đất nước ta phát
triển, giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới, cũng chính là bắt nguồn
cho sự biến hoá tiếp theo của các món ăn. Tuy nhiên, các món ăn này vẫn
giữ được bản chất của nó dù rằng nguyên liệu và cách chế biến đã có phần
thay đổi.
1. Các món ăn đặc trưng của Nam bộ
Món ăn Nam bộ đa dạng, phong phú về nguyên liệu sử dụng và cách chế
biến. Nét nổi bật của các món ăn trên vùng đất Nam bộ với nguồn thủy sản
phong phú thể hiện sự hào phóng và hoang dã. Phong cách ẩm thực vùng
sông nước Nam bộ đơn giản nhưng lại có sức hấp dẫn và thu hút người
thưởng thức. Các món ăn của Nam bộ chính là sự thể hiện phong cách sống
của người dân nơi đây từ khi tìm ra vùng đất mới khai hoang và lập nghiệp -
một cuộc sống gần gũi gắn liền với thiên nhiên, sông nước và cũng chính
thiên nhiên, sông nước ấy đã nuôi sống họ. Từ các nguyên liệu, người Nam
bộ chế biến nhiều món ăn đậm chất miền Nam như món cá chiên xù, cua
rang me, cua rang muối. Độc đáo mà bình dị như món bánh cóng Sóc Trăng,
bánh giá Gò Công, lươn um lá cách hoặc món chả giò với vô vàn biến thể
của nó. Bên cạnh đó là các món gỏi bồn bồn, gỏi ngó sen , rất lạ miệng như
món canh súng Phước Hải, gỏi da cá, gỏi sầu đâu Các món lạ của miền
Nam cũng nói lên tính chất phóng khoáng của con người ở đây, không theo
một khuôn phép, mực thước nào cả. Cái lạ của món ăn miền Nam thể hiện
qua sự phong phú của nguyên liệu và cách chế biến. Cá, tôm, cua, lươn, ếch
hàng trăm loại, được chế biến từ mặn, ngọt, chua, cay, sống, chín đa dạng.
Thật ra cái lạ ấy chỉ nổi bật trên cái nền hoang dã là vì trong quá trình đi
khẩn hoang tìm vùng đất mới, người dân miền Nam đã phải trải qua nhiều
khó khăn, thiếu thốn. Từ mọi thứ lá rừng, cây hoang khi nếm thử không thấy
độc thì họ đều coi là rau ăn. Mọi con vật từ trên rừng xuống dưới sông, từ
đồng ruộng cho đến biển tất cả đều có thể là thức ăn.
Gỏi bồn bồn tôm
Các món ăn miền Nam gắn liền với cuộc sống lao động, điều kiện địa lí, gắn
liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, do đó không cầu kì, tỉ mỉ, sang
trọng như các món ăn Huế, không mực thước, thanh tao như món miền Bắc.
Tất cả thể hiện sự thật thà và lối sống chân lấm tay bùn của người dân ở đây.
Các món miền Nam như món canh chua thể hiện sự trù phú về sản vật của
miền đất mới: nước canh thì chua, ngọt, mặn hòa hợp với nhau, cá thì để
nguyên con hoặc cắt khúc lớn, và còn kèm nhiều món gia vị: rau thơm, cà
chua, đậu bắp vừa thơm lại vừa thật cay. Món lẩu mắm cũng vậy, nó thể
hiện khá đầy đủ các chủng loại thực phẩm và nhiều mùi vị
Trong thực đơn phong phú, đa dạng của các món thủy sản Nam bộ ngày nay,
nét đặc sắc của những món ăn từ thời khẩn hoang có phần nào giảm đi do
nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên dần dần được thay thế bằng các nguyên
liệu nuôi, thả; điều kiện thực hiện theo kiểu công nghiệp cũng không cho
phép. Tuy vậy, các món thủy sản miền Nam vẫn là những món ăn mang đặc
tính chung của miền Nam là tính tổng hợp và biến hoá, phối hợp từ ý tưởng
của các vùng miền, địa phương và của các dân tộc khác. Các món ăn đa
dạng này thường tập trung ở các trung tâm đô thị lớn, trong đó Sài Gòn là
trung tâm kinh tế và du lịch của miền Nam. Đây cũng là nơi hội tụ sản vật
“tứ xứ” với đủ loại thực phẩm và các món ăn của mọi miền đất nước, trong
đó các món ăn Nam bộ chiếm đa số và được hầu hết khách ưa chuộng. Các
vị chua, ngọt, béo đậm đặc trưng của miền Nam cũng dần dần được điều
chỉnh cho phù hợp với các vùng miền khác nhau, mang tính đại chúng và dễ
chấp nhận hơn. Điều đó cho thấy sự phát triển của các món ăn Nam bộ trong
tổng thể văn hoá ẩm thực của cả nước, tạo sự dung hòa và phong phú cho
văn hoá ẩm thực Việt Nam. Món cá lóc nướng trui, có từ thời khẩn hoang
lập đất, có được chính từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến nay trở thành
món ăn của mọi nơi, mọi nhà. Cá lóc nướng trui có lẽ là món ăn phổ biến mà
cư dân miền Nam ở thôn quê rất thích do dễ chế biến, nguyên liệu đơn giản
mà hấp dẫn, nhậu thì rất “bắt” Ở thôn quê khi nướng trui không bao giờ
người ta dùng vỉ nướng và than hồng như nướng các thức ăn khác, mà là
nướng trên lửa ngọn, lửa rơm. Chẻ một que tre tươi vót nhọn một đầu, xiên
suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng xuống đất, phủ rơm khô lên đốt. Khi
rơm tàn cũng là lúc cá chín, mùi thơm bốc lên là ăn được. Điểm quan trọng
của món ăn là cá phải tươi, sống Ở thành phố hay trong các nhà hàng,
không có điều kiện để thực hiện như cách trên do thiếu rơm và cũng không
có chỗ để cắm cá. Hơn nữa thực hiện cách này phải bắt thực khách chờ đợi
khá lâu, vì vậy món cá nướng được chế biến bằng cách gói giấy bạc, bọc loại
đất sét nhân tạo, nướng chín sau đó cho vào ống tre nhằm mục đích tạo ấn
tượng cho người ăn mà thôi. Tuy nhiên dù theo cách chế biến nào, điều quan
trọng trong món cá nướng trui là cá phải còn sống, lửa vừa độ để cá chín mà
không bị khô và quan trọng hơn hết là muối ớt chấm kèm với món ăn phải
dùng loại muối hột, hay như cách gọi trong dân dã là muối “cục” thì mới
ngon. Hoặc từ món mắm kho dân dã khi vào đến thành phố đã biến hoá trở
thành món lẩu mắm nổi tiếng và là món đặc trưng Nam bộ được đem ra giới
thiệu cùng du khách các nơi. Xuất phát từ món mắm và rau hay món mắm
kho, ảnh hưởng món bún nước lèo nấu cá với ngãi bún của người
Campuchia, lại được thêm thắt nguyên liệu thịt quay theo khẩu vị của người
Trung Hoa. Khi xuất hiện ở các nhà hàng lớn, nó lại có thêm các nguyên liệu
hải sản như tôm, mực cho thêm phần phong phú và trở thành món ăn nổi
tiếng của miền Nam.
2. Những món ăn Nam bộ chịu ảnh hưởng ẩm thực Thăng Long – Hà
Nội
Chịu ảnh hưởng ẩm thực Thăng Long, trước tiên phải nhắc đến món phở của
Sài Gòn. Nói phở Sài Gòn chứ không nói phở Nam bộ, vì không đâu ở miền
Nam, phở nhiều như ở Sài Gòn. Đi dần về miền Tây, người ta ít thấy phở
hơn. Mặc dù món phở cũng có xuất phát từ miền Bắc, nhưng có lẽ người Sài
Gòn ăn phở cũng nhiều không kém người dân Thăng Long. Từ rất lâu, Sài
Gòn đã nổi tiếng với các tiệm Phở Hòa, Phở tàu bay. Gần đây, thương hiệu
Phở 24 đưa món phở Việt Nam nhân rộng khắp các tỉnh thành trong nước và
nhiều nước khác nữa, mà xuất xứ của Phở 24 thì lại là từ Sài Gòn, từ một
chủ doanh nghiệp người Sài Gòn. Ăn phở Sài Gòn khác nhiều so với phở
Bắc, tuy rằng cách nấu đều từ xương bò ninh kỹ với củ hành nướng, gừng
nướng nhằm làm mất mùi gây gây của xương bò, cũng các loại gia vị như
hoa hồi, quế, đinh hương thành phần và tỷ lệ có thay đổi khác nhau tùy
công thức nấu của mỗi hàng quán. Dù vậy, trước hết là sự khác nhau về vị.
Nước dùng phở của Nam bộ dứt khoát phải thật đậm đà, là cái ngọt từ xương
bò thật đầy và hầm đủ thời gian để nước ngọt đậm. Gia vị ngoài vị mặn, ngọt
của xương còn là vị ngọt của đường. Người Nam bộ có thói quen ăn ngọt,
món canh, món xúp, món bún và tất nhiên cả món phở đều có đường. Tuy
nhiên, độ ngọt của món ăn ở từng địa phương có khác nhau. Người Sài Gòn
biết gia giảm vị mặn, vị ngọt sao cho cân bằng, để người thưởng thức chỉ
cảm nhận vị ngon trong tô phở chứ không có cảm giác khó chịu vì vị ngọt
của đường. Tô phở miền Nam, ngoài tương đen và tương đỏ, còn phải được
dọn chung với chanh tươi, ớt sừng tươi xắt lát và các loại rau húng cây, húng
quế, ngò gai. Nhiều tiệm phở miền Nam còn dọn chung với cả rau om. Giá
trụng hoặc giá sống và hành chần được thực khách gọi thêm, nhưng cũng là
những thành phần hầu như không thể thiếu trong món phở. Tô phở ở miền
Nam có nhiều phụ liệu như vậy, thế mà khi dùng, thực khách khi thì còn gọi
thêm chén tái, chén nước tiết, chén bò viên hay chén trứng nữa!
Bên cạnh phở, người Nam bộ từ lâu đã rất quen với các món bún. Bún miền
Nam rất đa đạng ngoài món bún mắm, bún nước lèo chịu ảnh hưởng ẩm thực
người Chăm vùng tây Nam bộ, còn có các món bún giò heo, bún riêu, bún
ốc, bún thịt nướng, bún nem, bún bì Món bún riêu từ lâu đã rất quen với
người dân Nam bộ, với phần váng cua và màu đỏ cam của cà chua xào thơm
với củ hành tím phi vàng. Tô bún riêu của người Nam bộ tuy có xuất phát
đầu tiên từ món bún riêu của miền Bắc, nhưng vào đến miền Nam, nó đã
thay đổi rất nhiều. Món ăn Thăng Long - Hà Nội thì luôn có đặc tính thanh
cảnh, thuần túy nổi bật vị của nguyên liệu chính trong đó. Vị là vị ngọt
thanh, không đường, ít mặn, vì vậy món bún riêu truyền thống của miền Bắc
chỉ là nước và riêu cua đồng, ăn với bún, rau và mắm tôm. Còn món bún
riêu miền Nam thì ngoài vị ngọt của cua đồng, nước dùng còn được nấu với
sườn non để tăng độ ngọt đậm đà cho món ăn. Màu sắc tô bún miền Nam
tăng phần hấp dẫn nhờ cà chua xào lấy màu, thêm một ít màu lấy từ loại hạt
điều chuyên dùng tạo màu cho các món ăn. Nguyên liệu trong tô bún riêu
miền Nam thì vô cùng đa dạng, không chỉ là phần váng riêu trong tô bún mà
còn thêm vài miếng đậu chiên, miếng huyết heo. Rau các loại và mắm tôm
thì dầu là tô bún riêu miền Bắc hay ở miền Nam cũng đều gần như bắt buộc
phải có. Cách chế biến món ăn của miền Nam đa dạng, phong phú nhưng
vẫn giữ được hương vị truyền thống của món ăn. Cách chế biến này gần đây
cũng được nhiều người dân Thăng Long - Hà Nội ưa chuộng, và có thể thấy
qua món bún riêu của Hà Nội giờ cũng có thêm đậu, thêm huyết, có nơi còn
thêm cả thịt bò tái, tôm tươi nữa.
Tương tự như món bún riêu, món bún ốc của Nam bộ cũng có xuất xứ từ
món bún ốc truyền thống của miền Bắc, nhưng cách nấu của người miền
Nam thì rất khác. Món bún ốc của miền Bắc cũng là vị ngọt và chua nhẹ của
giấm bỗng, không có chất béo vì ốc được luộc chín và khêu lấy thịt cho vào
bát bún. Nhưng món bún ốc vào miền Nam thì được chế biến khác đi ít
nhiều. Người miền Nam không có thói quen dùng giấm bỗng trong chế biến.
Vì vậy, vị chua của giấm bỗng được thay bằng vị của cà chua. Nếu muốn
chua hơn thì dùng thêm với nước me. Ốc thì lấy thịt và xào thật thơm rồi
mới cho vào tô bún. Người miền Nam không bao giờ dùng nước luộc ốc để
làm nước dùng. Nước dùng của bún ốc thì sử dụng nước ngọt nấu từ cua và
sườn heo của món bún riêu. Do đó, món bún ốc của Nam bộ bao giờ cũng đi
liền với bún riêu. Tô bún ốc miền Nam vì vậy nhìn béo ngậy. Người dân
Thăng Long - Hà Nội vào Nam, ăn tô bún ốc và cho rằng nấu thế là không
đúng, không có mùi giấm bỗng, không thanh tao. Ngược lại, người Nam bộ
ra Bắc ăn bát bún ốc thanh cảnh đúng kiểu Thăng Long - Hà Nội thì lại cho
là nhạt nhẽo, thiếu vị, thiếu béo. Thực ra trong ẩm thực không thể nói nấu
thế nào là đúng hay sai. Dù món ăn có xuất xứ từ Thăng Long, nhưng trải
qua quãng thời gian dài du nhập vào Nam, đã có biến đổi cho phù hợp khẩu
vị, sở thích của người dân ở đây. Chỉ có thể nói là ngon hay không ngon,
thích hay không thích chứ không phân tích đúng hay sai. Vị của món ăn đã
khác nhau tùy theo thói quen ăn uống của từng địa phương, từng gia đình và
vì vậy cả trong cách chế biến cũng sẽ có sự khác biệt. Sự khác biệt này ngoài
nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen ăn uống, còn do điều kiện thiên
nhiên, xã hội. Tính chất của các nguyên liệu thực phẩm ở mỗi địa phương
cũng có sự khác biệt. Tất cả các yếu tố đó tạo nên nét đặc trưng cho từng
món ăn của các vùng miền.
Tô bún ốc miền Nam
Ngoài các loại bún nóng, ăn với nước dùng nóng, Nam bộ còn nhiều món
bún dùng chung với nước mắm, như món bún thịt nướng, bún chả giò, bún
nem, bún chạo tôm, bún bì, bún thịt bò xào Trong đó món bún thịt nướng
là món ăn có nhiều điểm tương đồng với món bún chả của người Hà Nội.
Nói tương đồng vì chưa hẳn món bún thịt nướng là biến tấu từ món bún chả
Hà Nội, vì thực tế, cách dùng bún tươi với các loại thịt, nem, chạo, bì với
nước mắm pha và rau sống rất phổ biến đối với người Nam bộ. Cách ăn các
món bún này cũng khác xa với món bún chả. Bún chả Hà Nội nguyên liệu
chính là chả, tức thịt băm nhuyễn, viên thành viên tròn, dẹp và nướng vàng
thả vào bát nước chấm. Nước chấm được pha thật nhạt, nhạt đến mức hầu
như không cảm giác vị mặn trong đó. Bún và rau, chủ yếu là các loại rau
mùi được dọn riêng. Tất cả cho lên mâm nhỏ. Khi thưởng thức, người ta gắp
một ít bún và rau mùi, nhúng vào bát nước chấm có thả mấy miếng su hào
ngâm chua. Món bún chả của Hà Nội ngoài chả còn là thịt nướng, vì vậy
trông có vẻ rất giống món bún thịt nướng của Nam bộ. Tuy nhiên, cách đây
khoảng mười năm, nhiều người dân Nam bộ có dịp đến Hà nội thưởng thức
món bún chả Hàng Mành, hầu như không thể cảm nhận được cái ngon của
món ăn. Lý do duy nhất chỉ vì loại nước chấm rất nhạt này. Có dịp dùng
món bún thịt nướng Nam bộ mới thấy sự khác biệt với món bún chả và sự
độc đáo trong món ăn này. Thịt nướng trong món ăn được ướp gia vị thật
đậm đà, cân đối giữa các vị ngọt, mặn, thơm. Có nơi người ta còn cho thêm
ít mè hoặc sả vào để khi nướng, thịt sẽ thơm ngon hơn. Rau thì đủ loại, nào
là salad và các loại rau thơm xắt nhỏ, một ít giá sống bẻ gãy đôi, và đặc biệt
không thể thiếu dưa leo bằm nhuyễn. Các loại rau này được xếp một bên,
bún một bên. Trên là những miếng thịt nướng thơm phức. Như vậy cũng còn
chưa đủ, trên cùng người ta còn cho thêm ít mỡ hành xanh biếc, và một
nhúm đậu phộng rang vàng nữa. Món bún thịt nướng của Nam bộ chưa ăn
chỉ nhìn thấy cách bài trí, màu sắc và mùi thơm cũng đã khiến người ta có
cảm giác ngon miệng rồi. Cuối cùng là phần nước chấm. Người dân Nam bộ
rất coi trọng phần nước chấm trong các món ăn. Nước mắm ăn bún thịt
nướng phải đầy đủ vị ngọt, mặn vừa, chua nhẹ của chanh. Đặc biệt, bên trên
phải phủ đầy màu đỏ tươi của ớt băm nhuyễn và những tép chanh mọng
nước. Chén nước mắm cho món bún thịt nướng còn được làm phong phú
hơn nhờ những sợi đồ chua là cà rốt, củ cải trắng ngâm giấm đường thả vào,
tạo nên vị chua, ngọt và độ giòn tan khi thưởng thức.
3. Ẩm thực Nam bộ, ẩm thực Thăng Long – Hà Nội trong sự phát triển
chung của xã hội
Ẩm thực là phần quan trọng tạo nên bộ mặt văn hóa của một địa phương nói
riêng và của đất nước nói chung. Muốn theo kịp trào lưu phát triển kinh tế
của các nước, cần tiếp nhận các nền văn hoá khác nhau của thế giới. Điều
này góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế nước nhà, đồng thời là
một yếu tố quan trọng thể hiện bộ mặt văn hoá của đất nước, thể hiện bản
sắc Việt Nam. Ngày nay, ngành dịch vụ du lịch phát triển, càng có nhiều nhà
hàng, quán xá mọc lên với đủ loại hình: sang trọng, lịch sự, bình dân với
rất nhiều loại món ăn đặc sản của các quốc gia, vùng miền khác nhau. Việc
kinh doanh ăn uống không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là cơ hội
nhằm giới thiệu, giao lưu về văn hoá ẩm thực đến với mọi người dân trong
nước cũng như bè bạn khắp năm châu bốn bể. Món ăn miền Nam bản thân
nó đã mang tính tổng hợp, nay càng cần có sự biến hoá cho phù hợp với yêu
cầu này. Sài Gòn là nơi quy tụ nhiều nét văn hoá ẩm thực trong nước (Bắc -
Trung - Nam), ẩm thực nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn
Quốc, Anh, Pháp, Mỹ ) nhưng nổi bật trong đó vẫn là ẩm thực Nam bộ.
Nguồn nguyên liệu khác nhau tạo ra những món ăn đặc trưng ở từng địa
phương nhưng vẫn đảm bảo được những tinh hoa cũng như hương vị nguyên
thủy của món ăn. Để thích nghi với hoàn cảnh chế biến, vừa đảm bảo tính
chuyên nghiệp trong phục vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong ăn
uống, cách chế biến các món ăn ở từng vùng miền đã khác đi so với cách
làm xa xưa nhưng vẫn phải đảm bảo được nét riêng của món ăn đó.
Từng địa phương, có sự khác biệt về đặc điểm địa lí, khí hậu, thời tiết tạo
nên sự khan hiếm một số loại thực phẩm, đặc biệt khi vùng miền này muốn
thực hiện các món ăn ở vùng miền khác. Vì vậy, trong lĩnh vực ẩm thực cần
có sự biến hóa, thay đổi trong chế biến cũng như năng động trong việc sử
dụng nguồn thực phẩm. Khi muốn giới thiệu với thực khách một món ăn
truyền thống của địa phương nào đó, ví dụ món phở Hà Nội, món bún ốc,
bún chả của miền Bắc, tốt nhất vẫn phải tìm đúng nguồn nguyên liệu của địa
phương đó. Ăn bún chả Hà Nội mà dùng với rau quế, húng cây của Sài Gòn
thì không thể cảm nhận được cái ngon của món ăn. Đó phải là lá tía tô,
nhánh húng Láng miền Bắc, ăn bún đậu thì phải là miếng đậu non của Hà
Nội, sợi bún của Hà Nội. Còn khi chế biến các món ăn đó theo cách của
miền Nam, phải cảm nhận được cái hồn trong con người Nam bộ, có hiểu
biết về bản sắc văn hóa Nam bộ. Các món ăn đa dạng của cả nước thường tập
trung ở các trung tâm đô thị lớn, trong đó Hà Nội và Sài Gòn là nơi tiếp thu khá
nhanh với các món ăn mới. Đây cũng là nơi hội tụ đủ loại thực phẩm và các
món ăn của mọi miền đất nước, thu hút được sự chú ý của thực khách các nơi
cũng như mọi người ở đây, nó cũng là nguồn cảm hứng cho những đầu bếp
sáng tạo ra những món ăn độc đáo từ nguồn những món ăn truyền thống của
mọi vùng miền đất nước.