MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIỆC DẠY TỐT
CÁC MÔN HỌC CHUYÊN NGÀNH KỸ THUẬT ĐIỆN
PGS.TS Võ Quang Lạp
Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
Theo tôi để giảng dạy tốt các môn chuyên môn về ngành kỹ thuật điện người cán
bộ giảng dạy cần có một số yếu tố sau:
Hiểu rõ đặc thù của ngành học
Có trình độ chuyên môn tốt về môn học, ngành học mà mình dạy.
Có phướng pháp giảng dạy tốt
Quan tâm đúng mức tới người học
1. Ngành kỹ thuật điện so với các ngành kỹ thuật khác có một số đặc thù sau
Các môn học trong ngành kỹ thuật điện liên quan chặt chẽ với nhau: Các môn học
cơ sở cung cấp kiến thức cho môn học cơ sở chuyên ngành, các môn học cơ sở chuyên
ngành cung cấp kiến thức cho các môn học chuyên ngành. Hiểu đặc điểm này giúp cho
người lập kế hoạch giảng dạy sắp xếp các môn học theo trình tự thích hợp: Môn cho dạy
trước, môn nhận dạy sau. Đặc điểm này còn giúp người dạy nắm được kiến thức môn
mình dạy còn hiểu được các kiến thức liên quan để làm cho nội dung bài giảng thêm
phong phú và sâu sắc hơn.
Các môn học trong ngành kỹ thuật điện đều có đặc điểm tư duy trừu tượng. Với đặc
điểm này đòi hỏi người dạy khi giảng dạy một vấn đề kỹ thuật nào đó cần phải xây dựng mô
hình mạch đúng, dùng kiến thức toán để mô tả, kiến thức vật lý để giải thích từ đó rút ý
nghĩa về kỹ thuật và tính ứng dụng của nó.
Ngành học kỹ thuật điện luôn tiếp nhận nhanh chóng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật
ngành khác để phát triển, đồng thời sự tiến bộ và phát triển khoa học ngành khác nhờ sự
ứng dụng của ngành kỹ thuật điện. Với đặc điểm này đòi hỏi người dạy phải đọc, phải tìm
hiểu nghiên cứu thêm để bổ xung bài giảng.
Các môn học trong ngành kỹ thuật điện có tính ứng dụng cao, tùy theo môn học cơ
sở hay môn học chuyên môn mà mức độ ứng dụng khác nhau. Các môn học chuyên môn
thường ứng dụng cho hệ thống, còn kiến thức môn học cơ
sở chỉ ứng dụng cho từng khâu trong hệ thống.
2. Người cán bộ giảng dạy tốt phải có trình độ chuyên môn tốt
Trình độ chuyên môn tốt phải có hiểu là người có trình độ lý thuyết cũng như trình
độ thực hành tốt.
Trình độ lý thuyết tốt là người cán bộ giảng dạy nắm vững lý thuyết môn mình dạy,
biết vận dụng kiến thức các môn chuyên môn khác bổ sung cho bài dạy.
Có trình độ thực hành tốt nghĩa là biết vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế,
và lấy kiến thức từ thực tế đưa vào nội dung của bài giảng.
Người cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn tốt được thể hiện qua: soạn một
bài giảng, xây dựng một đề cương môn học, viết được một giáo trình có chất lượng tốt.
Bên cạnh giảng dạy người cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn tốt còn thể hiện lòng
hăng say nghiên cứu khoa học và có một số thành quả trong công tác nghiên cứu khoa học
của mình. Chính những thành quả về nghiên cứu khoa học tạo cho người cán bộ giảng dạy
có lòng tự tin khi giảng dạy lý thuyết, bài giảng dễ hấp dẫn cho người học.
3. Phương pháp giảng dạy tốt
Người cán bộ có phương pháp giảng dạy tốt sẽ là người giảng dạy dễ học, dễ hiểu,
hấp dẫn và lôi cuốn người học làm cho người học ham mê môn học, ngành học đồng thời
tạo cho người học lòng tự tin vào bài giảng vào kiến thức của người dậy. Muốn có được
những điều đó thì bài giảng phải được truyền tải cho người học đúng và chính xác. Những
vấn đề kỹ thuật phức tạp, trừu tượng cần được lí giải rõ dàng thông qua mô phỏng, đo
lường, thí nghiệm, tham quan, thực tập hoặc nêu những gợi ý để so sánh, để minh họa.
Cũng có thể nêu những tài liệu, sách để người học tìm hiểu và tự nghiên cứu.
Người có phương pháp giảng dạy tốt còn thể hiện ở khả năng trình bày, diễn giải
tốt. Một vấn đề kỹ thuật khó sẽ làm cho nó thành dễ mà tính khoa học vẫn đảm bảo, hoặc
nguyên lý làm việc của một hệ thống điều khiển về kỹ thuật điện phức tạp người dạy trình
bày ngắn gọn mà người học vẫn hiểu được nguyên lý làm việc. Với cách trình bày diễn đạt
như vậy sẽ tạo được năng suất giảng dạy rất cao. Để thực hiện dạy tốt người cán bộ giảng
dạy phải biết sử dụng công nghệ dạy học thích hợp. Theo tôi công nghệ thích hợp và tốt
nhất là dùng phấn và bảng để dạy học. Việc dùng đèn chiếu, máy quay phim trong trường
hợp những vấn đề kỹ thuật phức tạp mà quá trình giảng dạy không thể hiện trên bảng
được. Ví dụ: thiết bị máy móc cần dạy, sơ đồ mạch điện hoặc các công thức quá dài …Rất
lưu ý không được lợi dụng việc dùng đèn chiếu, máy quay phim để thực hiện quá trình
giảng dạy. Việc làm này chẳng khác gì thầy giáo là người chiếu phim, còn người học sẽ là
người xem phim.
Tùy theo điều kiện cụ thể mà ta phấn đấu, nếu chúng ta làm được những
điều trên chắc chắn chúng ta có được phương pháp dạy tốt, người học sẽ quý trọng và yêu
mến chúng ta.
4. Quan tâm đúng mức tới người học
Sản phẩm của dạy tốt sẽ có những người học tốt. Các thầy cô giáo giảng dạy các
môn chuyên ngành kỹ thuật điện tốt sẽ đào tạo được các kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật điện
có chất lượng cao. Vì vậy quá trình giảng dạy phải quan tâm đúng mức tới người học điều
này cần thể hiện trong quá trình giảng dạy.
Tạo cho người học sự hưng phấn và lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để
giành kết quả học tập cao.
Phải yêu cầu hay bắt buộc người học ngoài học bài giảng trên lớp phải đọc sách tìm
hiểu tài liệu để hiểu sâu sắc nội dung bài. Làm tốt điều này sẽ thực hiện tốt “quá trình đào
tạo sẽ tự đào tạo”
Quá trình giảng dạy phải kiểm soát được người học xem họ tiếp thu bài giảng ra
sao? Kết quả học tập của họ như thế nào? Họ có phản biện gì khi học với mình dạy…để từ
đó điều chỉnh phương pháp dạy, kiến thức truyền đạt để cho kết quả giảng dạy tốt hơn.
Tập dần cho người học nghiên cứu khoa học, từ những nội dung môn học áp dụng
vào thực tế, tiến đến nghiên cứu những đề tài phục vụ cho sản xuất.
Là cán bộ giảng dạy ngành điện lâu năm, tôi có một số suy nghĩ về công việc giảng
dạy của mình để các thầy cô tham khảo.
Chúc buổi hội thảo thành công!