Tải bản đầy đủ (.doc) (36 trang)

tóm tắt luận án tiến sĩ đạo đức phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ phật giáo tt huế hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (221.08 KB, 36 trang )

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGÔ VĂN TRÂN
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC
THANH THIẾU NIÊN TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO
THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY
Chuyên ngành: Chủ nghĩa Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử
Mã số: 60 22 80 05
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS.Hoàng Thị Thơ
2. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng

HÀ NỘI - 2013
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS.Hoàng Thị Thơ
2. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại Học viện Khoa học
Xã hội
Vào hồi … giờ… phút, ngày … tháng… năm…
Có thể tìm luận án tại:
- Thư viện Học viện Khoa học Xã hội
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Gia đình Phật tử và công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo Thừa Thiên Huế hiện
nay. Tạp chí Công tác Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ số 11(63)/2011.


2. Đạo đức Phật giáo với đạo đức cá nhân và xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Giáo dục lý luận
Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực I, số 10/2012.
3. Đạo đức Phật giáo với bảo vệ môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Công tác Tôn giáo, Ban
Tôn giáo Chính phủ số 11(75)/2012
4. Đạo đức Phật giáo với đạo đức gia đình và xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Giáo dục lý luận, Học
viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực I, số 12(189)/2012.
5. Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng và bảo tồn những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tạp chí Quản lý nhà nước, Học Viện Hành chính, số 12(203)/2012.
6. Nâng cao hiệu quả Quản lý Nhà nước về các hoạt động Tôn giáo ở Thừa Thiên Huế - thực trạng và giải
pháp, Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính, số 7/2013

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Chọn vấn đề “Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế hiện
nay” làm đề tài nghiên cứu Luận án Tiến sĩ Triết học, tác giả xuất phát từ những căn cứ sau đây:
Trước hết, từ thực tiễn đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay đang phát triển theo cơ chế thị trường định
hướng XHCN trong bối cảnh toàn cầu hoá, bên cạnh những thành tựu cơ bản, mặt trái của nó cũng là những
nhân tố làm suy thoái đạo đức xã hội. Trong đó thanh niên là bộ phận bị tác động và nhạy cảm nhất. Vì vậy,
giáo dục đạo đức thanh thiếu niên đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Thứ hai, Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Việt Nam. Phật giáo chi phối mạnh mẽ đời
sống tâm linh, văn hoá, của nhân dân TT Huế. Nghiên cứu giá trị đạo đức Phật giáo từ góc nhìn triết học, đạo
đức học, giáo dục học là cách để nhận thức, phát huy một cách khoa học vai trò của đạo đức Phật giáo đối
với đạo đức xã hội nói chung và đối với giáo dục đạo đức thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế nói riêng.
Đó chính là cơ sở khoa học để kết hợp bảo tồn, phát huy được văn hóa, đạo đức truyền thống đối với Huế
Thứ ba, Gia đình Phật tử - một mô hình phát huy được giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu
niên tín đồ Phật giáo, đã được thử nghiệm ở TT Huế và cho thấy nó có khả năng phối hợp với các chủ thể
giáo dục khác trong xã hội (hệ thống giáo dục nhà trường, các tổ chức Thanh vận và các tổ chức chính trị-xã
hội khác) nhưng chưa được đánh giá, nhìn nhận một cách toàn diện cho công tác giáo dục đạo đức cho thanh
thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo nói riêng.
Thứ tư, bản thân tác giả Luận án là người Huế, nguyên là một cán bộ Thanh vận, nay đang nghiên cứu,

giảng dạy Triết học, Quản lý nhà nước về tôn giáo mong muốn hoàn thiện kiến thức nhằm phục vụ cho
công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý của mình, cụ thể là: Tiếp tục hoàn thiện lý luận chung về đạo đức
Phật giáo và giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo ở TT Huế; Đóng góp lý luận cho công
1
tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế; Góp phần tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả
giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên Huế nói chung và thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo nói riêng; Góp
phần bổ sung cho các giải pháp quản lý tôn giáo, đoàn thể tôn giáo, trong đó có GĐPT ở TT Huế.
Từ những lý do nêu trên, tác giả chọn “Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín
đồ Phật giáo TT Huế hiện nay” làm đề tài nghiên cứu Luận án Tiến sĩ.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích
Luận án nghiên cứu công tác giáo dục đạo đức thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo ở TT Huế, trên cơ sở
làm rõ đạo đức Phật giáo và những giá trị cơ bản của nó cần được kế thừa và phát huy trong sự kết hợp với
các tổ chức xã hội nhằm hoàn thiện hơn nữa việc giáo dục đạo đức thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế
hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ
Thứ nhất: Khái quát nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và vai trò của những giá trị tích cực của
chúng đối với cá nhân (tín đồ) và xã hội qua công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ và thực tiễn xây dựng
và phát triển GĐPT;
Thứ hai: Khái quát về Phật giáo Huế và làm rõ vai trò giáo dục đạo đức của nó trong công tác giáo dục
thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế qua GĐPT;
Thứ ba: Đề xuất một số giải pháp về nhận thức và thực tiễn đối với các chủ thể giáo dục nhằm nâng
cao hiệu quả của việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo ở TT Huế cũng như các địa
phương có Phật giáo trong cả nước qua mô hình GĐPT.
2
3. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của Luận án tập trung vào thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo trên địa bàn TT Huế
và chủ yếu là đoàn sinh trong GĐPT.
Về mặt không gian, Luận án giới hạn trong phạm vi tỉnh TT Huế.
Về thời gian, Luận án tập trung nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay.

4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của
triết học Mác Lê-nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, đạo đức tôn giáo và
giáo dục thế hệ trẻ. Đồng thời, Luận án vận dụng kết hợp các phương pháp logic và lịch sử, so sánh và đối
chiếu, phân tích và tổng hợp, hệ thống hoá và khái quát hoá. Luận án còn kết hợp thêm các phương pháp liên
ngành khoa học xã hội như: đạo đức học, giáo dục học, tôn giáo học, nhân học tôn giáo, xã hội học (khảo sát,
điều tra, chọn mẫu, xử lý số liệu ) đề khảo cứu đối tượng nghiên cứu của đề tài .
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
5.1. Về lý luận
Thứ nhất, Luận án khái quát những giá trị, nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và phát huy chúng
trong công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT Huế phù hợp với nhu cầu phát triển
đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, Luận án đánh giá công tác giáo dục đạo đức Phật giáo đối thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo qua
mô hình GĐPT ở TT Huế và làm rõ khả năng kết hợp với các chủ thể giáo dục khác trong xã hội.
5.2. Về thực tiễn
3
Thứ nhất, Luận án bước đầu khẳng định những giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo đối với công tác
giáo dục đạo đức, xác định vai trò tích cực của GĐPT trong công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên
tín đồ Phật giáo.
Thứ hai, Luận án góp phần đánh giá một cách có hệ thống mục đích, tôn chỉ, nội dung và phương thức
hoạt động của GĐPT trong công tác giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo tại TT
Huế hiện nay.
Thứ ba, Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu, giảng dạy tôn giáo nói chung, Phật
giáo nói riêng và cho hoạt động quản lý các Hội đoàn tôn giáo cũng như công tác giáo dục thanh thiêu niên
tín đồ Phật giáo ở Việt Nam hiện nay.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận án có kết cấu 4 chương,
13 tiết.
4
Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Đây là một luận án triết học nghiên cứu về triết học-đạo đức Phật giáo trên quan điểm DVBC và
DVLS của triết học Mác Lênin nhằm làm rõ giá trị của chúng và đáp ứng nhu cầu giáo dục đạo đức của xã
hội Việt Nam hiện nay cho thanh thiếu niên nói chung và cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo nói riêng. Vì
vậy, dựa trên mục đích, nhiệm vụ và cấu trúc vấn đề của Luận án, các tư liệu cần tổng quan được phân theo
một số nhóm vấn đề sau:
1. Về nghiên cứu triết học - tôn giáo, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước về tôn giáo
Nhóm tư liệu này làm cơ sở phương pháp luận cho Luận án, giúp tác giả xây dựng khung lý thuyết cho
toàn bộ Luận án liên quan đến nhận thức về tôn giáo, đạo đức tôn giáo trong quan hệ với đạo đức xã hội và
giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo; lập trường để đề xuất một số giải pháp định hướng phát
triển và quản lý công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên qua mô hình GĐPT.
2. Về đạo đức, đạo đức Phật giáo, đạo đức xã hội và giáo dục đạo đức
Nhóm tư liệu này thể hiện trên hai khuynh hướng chính đó là đạo đức học, đạo đức Phật giáo. Đặc biệt
nhóm đạo đức Phật giáo làm cơ sở lý luận chung cho Luận án khái quát các giá trị đạo đức của Phật giáo từ
góc độ Triết học, Đạo đức học, Giáo dục học để xây dựng một định hình về công tác giáo dục đạo đức cho
thanh thiếu niên tín đồ tôn giáo nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng. Chúng có thể chia nhỏ hơn thành ba
hướng tư liệu:
* Nghiên cứu về đạo đức Phật giáo từ góc độ Nhân học tôn giáo.
* Nghiên cứu về đạo đức Phật giáo từ góc độ Triết học.
* Nghiên cứu về đạo đức Phật giáo từ góc độ văn hoá.
5
3. Về lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử Phật giáo Đàng trong
Nhóm công trình này giúp cho tác giả có cái nhìn khái quát về Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Huế và
những đóng góp của nó đối với sự phát triển đời sống tinh thần, xã hội TT Huế, đặc biệt phong trào Chấn
hưng Phật giáo và ảnh hưởng của Phật giáo đến công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo ở TT
Huế, thể hiện trên hai mảng tư liệu chính:
* Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo
* Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Đàng Trong và Phật giáo TT Huế.
4. Về giáo dục đạo đức Phật giáo cho tín đồ trẻ tuổi và mô hình GĐPT

Đây là một vấn đề mới, khá nhạy cảm về chính trị - tôn giáo nên chưa được nghiên cứu rộng. Tuy
nhiên cũng đã có những nghiên cứu bước đầu về giá trị của đạo đức Phật giáo trong đạo đức truyền thống
Việt Nam và khả năng phát huy đạo đức Phật giáo qua mô hình GĐPT đối với công tác giáo dục thanh thiếu
niên tín đồ Phật giáo.
Ngoài ra, qua một số tài liệu về chương trình tu học, huấn luyện của GĐPT đã được thử nghiệm ở
nhiều địa phương trên toàn quốc là cơ sở để làm rõ tính khả thi của việc giáo dục đạo đức Phật giáo đối với
tín đồ Phật giáo trẻ tuổi ở TT Huế qua mô hình GĐPT. Luận án, mong sẽ góp phần bổ sung, đáp ứng nhu cầu
cả về lý luận và thực tiễn trong công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo tại TT Huế và có thể mở
rộng sang các địa phương khác trong điều kiện hiện nay.
5. Những vấn đề Luận án có thể kế thừa hoặc tiếp tục giải quyết qua khảo cứu các công trình liên
quan đã được tổng quan.
Trên cơ sở tổng quan những thành tựu đã đạt được cho thấy Luận án có thể kế thừa và tiếp thu các
công trình đi trước, cũng như tiếp tục bàn một số vấn đề còn cần được tiếp tục nghiên cứu từ giác độ của đề
tài Luận án này như sau:
6
Thứ nhất, kế thừa các công trình nghiên cứu về Phật giáo và đạo đức Phật giáo, mối quan hệ và sự
đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc, về công tác giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo Viêt Nam nói chung
và ở TT Huế nói riêng trong thời gian qua và hiện nay có thể thấy chưa có công trình nào đề cập trực tiếp
đến nội dung chính của Luận án: Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo
TT Huế hiện nay. Do đó Luận án có thể tiếp tục kế thừa và triển khai các ý mới như sau:
- Trên cơ sở những vấn đề lý luận chung về đạo đức, đạo đức xã hội, đạo đức tôn giáo (Phật giáo), nền
tảng triết học và giá trị của đạo đức Phật giáo, Luận án góp phần làm sáng tỏ vai trò thế giới quan, nhân sinh
quan Phật giáo đối với đạo đức Phật giáo.
- Từ thực tiễn đạo đức xã hội cho thấy đối tượng thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo - họ vừa là công
dân, vừa là tín đồ, nên nội dung, môi trường giáo dục, chủ thể giáo dục đạo đức cho họ phải là sự kết hợp
giữa hệ thống giáo dục xã hội: Nhà trường, gia đình, các đoàn thể xã hội khác với giáo dục của Phật giáo.
Thứ hai, một số công trình nghiên cứu liên quan tới vấn đề GĐPT, một mô hình giáo dục đạo đức Phật
giáo cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo với những thành tựu và vấn đề còn bỏ ngỏ như sau:
- Nghiên cứu về GĐPT như một hình thức tu học nhằm giáo dục đạo đức thanh thiếu niên tín đồ Phật
giáo, nhưng chủ yếu nghiên cứu dưới giác độ một đoàn thể của tôn giáo;

- Nghiên cứu GĐPT ở giác độ lịch sử ra đời và phát triển với vai trò thực hiện tinh thần “nhập thế” của
Phật giáo Huế nhằm tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo phụng đạo, nhưng chưa chú trọng nghiên
cứu dưới giác độ giáo dục học và đạo đức học nhằm kết hợp thêm vai trò các chủ thể giáo dục tích cực khác.
- Một số công trình nghiên cứu sâu về công tác đoàn kết tập hợp thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo
thông qua GĐPT để thực hiện chức năng là mô hình tu học, song cũng chỉ mới dừng lại ở giác độ công tác
thanh vận.
Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng thanh thiếu niên tín đồ TT Huế, Luận án xác định rõ đối
tượng, phạm vi tác động; làm rõ ưu thế và hạn chế cơ bản của GĐPT trong công tác giáo dục đạo đức thanh
7
thiếu niên tín đồ Phật giáo ở Huế, để từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm của đạo
đức Phật giáo, nâng cao hiệu quả giáo dục, hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo.
Với cách tiếp cận triết học-đạo đức tôn giáo, Luận án sẽ phân tích được một cách có căn cứ khoa học
về vai trò và ảnh hưởng của công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo qua mô hình
GĐPT ở TT Huế nói riêng, Việt Nam nói chung. Qua đó sẽ có đánh giá khách quan, đúng mức hơn về công
tác giáo dục đạo đức cho tín đồ Phật giáo trẻ tuổi ngày nay.
Như vậy, nghiên cứu “Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo TT
Huế hiện nay” có thể là một đóng góp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cho công tác giáo dục đạo đức trong bối
cảnh kinh tế thị trường và hội nhập ở nước ta hiện nay.
8
Chương 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
VỀ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
2.1. Một số vấn đề lý luận chung về đạo đức và giáo dục đạo đức tôn giáo
2.1.1. Mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và đạo đức tôn giáo
Trên cơ sở kế thừa kết qủa những công trình đi trước, từ cách tiếp cận Mác-xít, tác giả đưa ra những
khái niệm về đạo đức, đạo đức Phật giáo và mối quan hệ giữa đạo đức xã hội với đạo đức tôn giáo để làm
sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về đạo đức và giáo dục đạo đức tôn giáo
Đạo đức tôn giáo không tồn tại độc lập và bất biến, nó là một sản phẩm xã hội đặc thù và chịu tác
động qua lại với các hệ tư tưởng ngoài nó cũng như bởi các điều kiện tồn tại kinh tế-xã hội cụ thể. Xét từ
trong mỗi tôn giáo, đạo đức tôn giáo là bộ phận cấu thành quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi

tôn giáo.
Trong quan hệ với xã hội thì đạo đức tôn giáo luôn có quan hệ tương tác đối với đạo đức xã hội. Quan
hệ đó tạo nền tảng cho quá trình lựa chọn và hình thành đạo đức truyền thống qua lịch sử mỗi cộng đồng và
dân tộc. Đây là phương diện tích cực mà công tác giáo dục đạo đức, đặc biệt giáo dục đạo đức cho lứa tuổi
thanh thiếu niên tín đồ (Phật giáo) không thể bỏ qua.
Một cách tích cực có thể khẳng định, đạo đức tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đều hướng con
người đến nhiều giá trị nhân văn cao cả, góp phần hoàn thiện nhân cách con người và duy trì đạo đức truyền
thống của xã hội và hướng loài người đến một mô hình xã hội lý tưởng của tự do, công bằng.
Thanh thiếu niên tín đồ tôn giáo (Phật giáo) luôn có ít nhất hai tư cách: Vừa là lực lượng công dân trẻ,
tương lai của đất nước, vừa là lực lượng tín đồ kế cận của tôn giáo (Phật giáo) trong cộng đồng tín ngưỡng
đặc thù. Bởi vậy, việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên tín đồ (Phật giáo) không thể tách biệt khỏi giáo
dục đạo đức tôn giáo (đạo đức Phật giáo) với đạo đức xã hội mà phải có sự kết hợp một cách thích hợp để
9
phát huy được những giá trị tích cực của đạo đức tôn giáo đang phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu
tiến bộ của đạo đức xã hội.
10
2.1.2. Khái lược về đạo đức Phật giáo Ấn Độ
Đạo đức Phật giáo là đạo đức tôn giáo có tính vô thần, hướng nội, bình đẳng. Đức Phật trên tinh thần
Trung đạo đã tiếp thu có chọn lọc và phê phán từ các quan điểm đạo đức truyền thống Ấn Độ cổ đại (sáu
dòng tư tưởng bàn về đạo đức), thoát khỏi hai thái cực Khổ hạnh và Khoái lạc và một mặt công khai chống
lại chế độ thần quyền tuyệt đối của Bà La Môn, mặt khác xây dựng niềm tin giải thoát có tính vô thần vào
chính sự tu dưỡng đạo đức của con người. Phật giáo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu tinh thần, giải tỏa bất bình
đẳng về niềm tin tôn giáo của xã hội Ấn Độ cổ. Do vậy, đạo đức Phật giáo chứa đựng nhiều yếu tố nhân văn
mang tính phổ biến phù hợp với nhu cầu tiến bộ của đạo đức xã hội hiện đại.
2.2. Nền tảng triết học của đạo đức Phật giáo
2.2.1. Thế giới quan có tính vô thần của Phật giáo
Trong quá trình phát triển, du nhập vào Việt Nam, bị chi phối bởi các nền văn hóa và tôn giáo bản địa
khác nhau, Phật giáo có nhiều biến đổi, nhất là ngày càng thần thánh hóa Đức Phật, coi Phật là thánh, xem
mối quan hệ giữa tín đồ với Đức Phật là mối quan hệ “Thần và người”, nên ít nhiều Phật giáo ngày nay được
xem là một tôn giáo hữu thần.

Tuy nhiên, nguyên thủy, Phật giáo trong triết lý của mình đã không thừa nhận một vị thần sáng tạo ra
vũ trụ và điều chỉnh nó. Vạn vật tự nhiên mà có, con người tồn tại không nhờ và không bị chi phối bởi sức
mạnh của một đấng siêu nhiên, thần thánh nào mà ngược lại con người phải tự giác, tự tâm phản tỉnh để
“thành Phật”.
Phật giáo cho rằng vũ trụ và vạn vật không phải do một đấng thiêng liêng nào tạo tác ra, mà do nhân duyên
hòa hợp mà thành (Duyên khởi). Thế giới không ngừng vận động, là một dòng biến hoá liên tục sinh sinh - diệt
diệt (vô thường), nhân duyên nối tiếp nhau (nhân-quả) vô thuỷ, vô chung. Bản chất của thế giới là Không - tức
không có cái gì cố định, bất biến. Theo đó bản chất đích thực của con người là Vô ngã.
Theo luật Vô thường, vạn vật đều vận động theo chu kỳ: “Sinh - Trụ - Dị - Diệt” hoặc “Thành - Trụ -
Hoại - Không” mà cụ thể ở con người là “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”.
11
Thế giới quan có tính vô thần, biện chứng của Phật giáo là lập trường tư tưởng chống lại thần quyền
Bà La Môn giáo thời Ấn Độ cổ. Đây chính là nền tảng cơ bản quy định toàn bộ nhận thức luận và nhân sinh
quan cũng như đạo đức của Phật giáo.
2.2.2. Nhân sinh quan tiến bộ và độc đáo của Phật giáo
Nhân sinh quan tiến bộ của Phật giáo:
Vũ trụ quan biện chứng, vô thần là nền tảng cơ bản cho nhân sinh quan vô thần, bình đẳng, khoan dung tiến
bộ của Phật giáo. Xét cho cùng đó chính là khát vọng mà loài người hướng tới nhưng đồng thời đó cũng là điều
kiện tinh thần cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho con người nơi trần gian, vì vậy chúng luôn đại diện cho tính tiến
bộ và nhân văn.
Thuyết Vô ngã chiếm vị trí đặc biệt trong nhân sinh quan Phật giáo. Đây là cơ sở để lập luận và phân
tích nguồn cội vô minh của mọi khổ đau: Chính là do chấp Hữu ngã mà nảy sinh tham, sân, si, ái, dục , do
chấp Hữu ngã mà tạo nghiệp và còn trong vòng luân hồi Khổ. Khi nhận thức được Vô ngã và không chấp
ngã thì con người tự chủ dứt nghiệp ác, tạo nghiệp thiện. Bởi vậy, Phật giáo chủ trương khổ là do chính
nghiệp mà mỗi người đã tự tạo tác và bị quy định vào đó. Giải thoát là sự nghiệp của chính mỗi người bằng
việc tích luỹ các nghiệp thiện và dứt bỏ hết các nghiệp ác. Mọi người đều bình đẳng với nhau trước nghiệp
và đều có thể tự giải thoát cho chính mình, không dựa vào sự cứu vớt của Phật hay bất kỳ thần thánh nào trên
con đường tới giải thoát.
Nhờ tư tưởng bình đẳng, khoan dung mà Phật giáo đã hòa nhập một cách thân thiện, hòa bình vào văn
hóa, đạo đức Việt Nam và những giá trị tiến bộ, độc đáo của Phật giáo vẫn còn vai trò tích cực góp phần

hoàn thiện đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay.
Nhân sinh quan độc đáo của Phật giáo
Phật giáo cho rằng mọi người đều bình đẳng với nhau về “Khổ” và do vậy đều có khả năng đạt tới
“Niết Bàn”. Song con đường tới Giải thoát cũng là giác ngộ được Vô ngã. Định hướng con đường giải thoát
là hướng nội: Giác ngộ các nguyên nhân (Thập nhị nhân duyên) tâm lý, sinh lý, tự nhiên, xã hội của nỗi khổ
ở con người. Khi đã nhận thức được nguyên nhân sâu xa của Khổ thì mỗi người có thể tự giác, hướng nội tu
12
dưỡng theo Bát Chính Đạo (tám con đường tu dưỡng) bằng cách kết hợp hài hòa Giới-Định-Tuệ (tức kết hợp
thực hành tu luyện đạo đức với tu luyện tâm thức (nội tâm) và định hướng tới Giác ngộ.
Đạo đức Phật giáo là đạo đức - tôn giáo xuất thế, thiên về nội tâm và có khuynh hướng vô thần nên
độc đáo hơn so với các tôn giáo hữu thần, nó phát huy tối đa tính tự giác, vô chấp, khoan dung của cá nhân
trong quá trình tu dưỡng.
2.2.3. Sự thống nhất giữa đạo đức với nhận thức luận và giải thoát luận trong đạo đức Phật giáo
Đạo đức không tách rời bản thể luận và nhận thức luận
Mục đích của Phật giáo là muốn giải thoát con người khỏi Khổ. Khổ là một sự thật, một thực trạng
trong kiếp sống nhân sinh. Nguồn gốc của Khổ là vô minh, ái dục, tham, sân, si nơi chính mình. Để diệt
được khổ, phải tu dưỡng đạo đức để diệt ái dục, tham, sân, si nơi chính hành vi (thân), lời nói (khẩu), ý nghĩ
(ý) của mình. Phật giáo chỉ ra con đường Trung đạo tránh cả hai thái cực khoái lạc và khổ hạnh một cách có
hiểu biết và tự giác.
Đạo đức Phật giáo đòi hỏi nhận thức đúng đắn về khổ như một bản chất của cuộc sống con người, và
từ đó cho con người niềm tin về khả năng tự thân thoát khổ. Trở lại, đạo đức (thiện) với các chuẩn mực ( từ,
bi, hỉ, xả) là cơ sở cho thực hành rèn luyện tâm thức một cách tự giác, hướng nội có trí tuệ đúng đắn hơn.
Đạo đức không tách rời giải thoát luận
Phật giáo là một tôn giáo có tính vô thần. Phật giáo luôn đề cao vai trò của đạo đức với định hướng
nhân thức đúng đắn (chính đạo) của chủ thể để phát huy tinh thần giải thoát vô thần.
Ở Phật giáo, con người giác ngộ không phải là hiểu điều người khác làm hay người khác nói mà hiểu
khổ nghiệp và thoát nghiệp tự nơi bản thân mình. Giác ngộ không chỉ là kết quả mà còn là động lực thúc đẩy
con người rèn luyện, tu dưỡng đạo đức hướng thiện, tránh ác. Nói cách khác, đạo đức vừa là phương tiện tự
thân vừa là tiêu chuẩn của giải thoát vô thần ở Phật giáo. Sự kết hợp này có thể minh họa qua một số cặp
phạm trù đặc trưng như: Đau khổ - Niết Bàn, Nhân - Quả và Nghiệp báo - luân hồi.

13
Nghiệp trong Giải thoát của Phật giáo hiểu đúng thì không phải là định mệnh bất di bất dịch. Mỗi
người tạo ra nghiệp cho chính mình, nhưng cũng chính mình giải thoát được nghiệp của chính mình. Vì vậy,
đạo đức Phật giáo luôn nhấn mạnh yếu tố tự giác tu dưỡng, tích thiện cho giải thoát.
2.3. Vai trò của đạo đức Phật giáo trong giáo dục đạo đức ngày nay
2.3.1. Đạo đức Phật giáo đề cao việc hoàn thiện đạo đức cá nhân
Đạo đức Phật giáo đặt trọng tâm vào con người cá nhân. Con người ở đây là chủ thể chịu trách nhiệm
về những hành vi (thân, khẩu, ý) thiện ác của chính mình, mà không qui tránh nhiệm cho thần thánh hay
đấng siêu nhiên nào.
Giáo lý “nhân quả”, “nghiệp báo” xác định rõ con người cá nhân là chủ nhân tác thành ra nghiệp, là kẻ
thừa hưởng các nghiệp của chính mình. Con người tu dưỡng đạo đức cá nhân và từ đó có thể làm thay đổi
cuộc sống cá nhân thừa hưởng thiện quả đó và theo đó thay đổi xã hội.
Đáng chú ý là đạo đức Phật giáo không áp đặt, trừng phạt mà chỉ hướng con người về với hệ quả của
“chính nó”, tự chịu trách nhiệm về nhận thức và hành động của cá nhân mình. Ý nghĩa này mang tính nhân bản,
trí tuệ và tích cực hơn hẳn các đạo đức tôn giáo thần quyền.
2.3.2. Phật giáo đề cao đạo đức gia đình và góp phần hoàn thiện đạo đức xã hội
Phật giáo là một tôn giáo xuất thế song đức Phật rất chú trọng tới đạo đức của tín đồ tại gia và coi gia
đình là cái khởi đầu cho các mối quan hệ đạo đức xã hội. Đức Phật đã dạy, trong gia đình con cái phải có bổn
phận với cha mẹ và chuẩn mực là đức hiếu hạnh, yêu thương, kính trọng; Ngược lại, cha mẹ phải có trách
nhiệm yêu thương, nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Các nguyên tắc ứng xử trong quan hệ vợ-chồng, cha
mẹ-con cái được xem là quan hệ đạo đức không thể thiếu của mỗi người dù là xuất gia hay tại gia.
Cùng với đạo đức cá nhân, gia đình đức Phật còn chú ý tới các chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ
cộng đồng, xã hội, quốc gia như: quan hệ vua tôi, thầy trò, bạn bè, chủ tớ, thân quyến và coi đó là điều kiện
quan hệ đạo đức để bồi dưỡng, hoàn thiện đạo đức cá nhân.
14
Phật giáo thực sự có quan niệm tiến bộ về mối quan hệ giữa người và người và những tiêu chí ấy phù hợp với
đạo đức xã hội hiện nay. Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với phát triển tâm lý về tình cảm của
dân tộc Việt: Từ gần đến xa, từ trong gia đình đến bạn bè, thầy cô, trường học; từ làng xã lan rộng ra đến đất nước và
mở rộng ra cuộc sống mọi người ngoài xã hội và rộng lớn hơn là toàn nhân loại.
2.3.3. Đạo đức Phật giáo góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Phật giáo cho rằng con người phải đối xử với giới tự nhiên theo nguyên tắc Trung đạo, tức là biết sống
đủ (tri túc) dựa vào tự nhiên nhưng đồng thời biết bảo tồn tự nhiên như mạch nguồn để tồn tại. Giáo lý nhà
Phật cũng khuyên con người dưỡng nghiệp thiện không chỉ với con người mà còn với mọi sinh linh, sống hài
hòa với môi trường. Thái độ đó của Phật giáo về ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên có ý nghĩa
chuẩn mực về “đạo đức môi trường”, đáp ứng tinh thần bảo vệ môi trường của thời đại.
Phật giáo cho rằng cuộc khủng hoảng “sinh thái” và “môi trường” hiện nay thực chất là sự phản ánh sự
khủng hoảng “văn hóa và tâm linh”, phát ra từ tham, sân, si của con người. Có thể nói, suy thoái môi trường
chính là vấn nạn từ hậu quả của tư duy và hành động thực dụng của con người đối với thế giới tự nhiên. Triết lý
sống của Phật giáo góp phần nâng cao nhận thức tự giác của mỗi người về sự cân bằng sinh thái và bảo vệ môi
trường cho sự phát triển bền vững.
2.3.4. Đạo đức Phật giáo nhấn mạnh sự thực hành
Phật giáo luôn gắn liền mục tiêu giải thoát với thực hành đạo đức và tu luyện nội tâm. Đó là thực hành
giữ Giới (Ngũ giới, Thập thiện), tu tập (Thiền định) để đạt tới giải thoát.
Phật giáo khuyên tín đồ biết tự tin, biết dựa vào năng lực bản thân và chủ động trong định hướng giá
trị cuộc sống. Bởi vì nếu con người giác ngộ và hiểu luật nhân quả, nghiệp báo, thì ngoài việc thực hiện Đạo
Đế (tuân thủ theo Bát chính đạo) còn phải thực hiện Giới luật (đó là Ngũ giới, Thập thiện, Tứ ân, Lục độ,
Lục hòa…). Phật giáo đề cao sự tự giác, ý chí bản thân, với niệm lực, định lực, tuệ lực… Qua hành vi đạo
đức con người có thể vượt qua khổ hạnh để vươn đến sự an lạc ngay trong cuộc sống này một cách khả thi.
15
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm có thể đóng góp cho đạo đức xã hội, đạo đức Phật giáo cũng có những
hạn chế nhất định như sau:
Lập trường tôn giáo của đạo đức Phật giáo có tính bi quan. Thể hiện trong triết lý Phật giáo cho rằng
cuộc đời là “bể khổ”. Do vậy, con đường diệt khổ là “diệt trừ tham ái”, “thiểu dục, tri túc”, hướng con người
vượt qua khỏi những ham muốn vật chất, vươn tới cuộc sống thanh cao. Quan điểm này có phần thủ tiêu sức
sống, ham muốn phấn đấu và khát vọng chính đáng mong muốn hoàn thiện đời sống vật chất của con người.
Quan niệm đời là “bể khổ” nghiêng về tinh thần cá nhân nên cho rằng chỉ có tự thân con người vận
động, diệt tham, sân, si mới diệt được khổ. Do vậy, Phật giáo không đặt con người trong tổng hòa các mối
quan hệ xã hội. Về bản chất, Phật giáo đề cao cái khổ tinh thần cá nhân nên ít chú ý đến việc giải phóng con
người về mặt xã hội, kinh tế, chính trị.
Phật giáo nhìn cuộc đời hiện tại là ảo trên cơ sở triết lý Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường do vậy mà

xây dựng niềm tin hư ảo ở Niết Bàn. Đây là chỗ mâu thuẫn với tinh thần giải thần quyền, có tính vô thần của
Phật giáo. Đó là cơ sở để Phật giáo đưa ra phương châm xây dựng xã hội lý tưởng bằng đạo đức từ bi, bác ái
trong xã hội bất bình đẳng, có đối kháng giai cấp một cách ảo tưởng. Quan niệm này có thể làm nảy sinh tâm
trạng buông xuôi, lánh đời, làm ngơ trước bất công xã hội, bàng quan với cuộc sống thực tại.
Mặt trái của quan niệm nhân quả“ai làm nấy chịu” dễ dẫn tới thái độ không đấu tranh với cái ác, cái xấu
thậm chí để mất quyền bảo vệ thân thể, tính mạng, danh dự mình, mà ở một góc độ nhất định lại là sự tiếp tay,
đồng lõa với cái ác. Quan niệm này có lúc đề cao hạnh phúc ở kiếp tương lai và dễ rơi vào tiêu cực “nhẫn nhục”,
an phận, thủ thường trước mọi nghịch cảnh. Do tin vào “nhân quả”, “nghiệp” nên tín đồ Phật giáo dễ bằng lòng
với những gì đang có, mà hệ quả thứ nhất là thủ tiêu ý thức đấu tranh đối với sai trái, tiêu cực của xã hội; hệ quả
thứ hai là hình thành thói an phận, thủ thường và triệt tiêu ý thức, nhu cầu, khát vọng vươn lên trong cuộc sống
cho bản thân và xã hội.
Giới “bất sát” có ý nghĩa giáo dục lòng nhân ái, bảo vệ sự sống muôn loài nhưng cần phải điều chỉnh vì từ
góc độ khoa học dinh dưỡng, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên lại cần nhiều dinh dưỡng (có thịt) để tăng trưởng
16
thể xác và tinh thần. “Bất sát” còn có ý nghĩa “bất bạo động” song khuynh hướng cực đoan đã thậm chí dẫn đến
tự thiêu!
“Vô chấp”,“nhẫn nhục” của Phật giáo dễ dẫn tới thiếu nhạy cảm trước môi trường cạnh tranh cao, đòi
hỏi sự năng động và thích ứng nhanh của cơ chế thị trường.
Cách sống bao dung nhưng tĩnh tại, ít thay đổi có mặt trái là chậm thích nghi với cuộc sống hiện đại
đang đòi hỏi tính chủ động và năng động cao.
Mặt trái của phương thức giải thoát có tính cá nhân là thiên về nỗi khổ tinh thần cá nhân, ít quan tâm
đến nhu cầu về số lượng và chất lượng cuộc sống vật chất, nhưng do vậy mà thiếu động lực phát triển. Vì
vậy có lúc, có nơi, hoài bão giải phóng con người chỉ là giải pháp về mặt tinh thần, dễ rơi vào duy tâm, phiến
diện, không nhìn sự vật hiện tượng một cách khách quan. Thực sự nỗi khổ của con người không chỉ có
nguồn gốc chủ quan (tham, sân, si) mà còn các nguồn gốc xã hội khác (kinh tế, chính trị, văn hóa), nên muốn
thoát khổ con người phải cải tạo tự nhiên xã hội, chống lại áp bức, bất công xã hội. Do vậy, nếu bỏ qua hay
không chú ý nhiều đến cái khổ về mặt vật chất, cái khổ do khách quan bên ngoài đưa lại cũng đồng nghĩa là
ít quan tâm đến việc làm thế nào cho của cải vật chất ngày càng phong phú để phục vụ cuộc sống con người.
17
Chương 3

PHẬT GIÁO THỪA THIÊN HUẾ VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC
THANH THIẾU NIÊN
TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO
3.1. Khái lược sự hình thành, phát triển và đặc trưng của Phật giáo Huế
3.1.1. Khái lược các giai đoạn phát triển của Phật giáo TT Huế
Phật giáo TT Huế là kết quả của quá trình lịch sử di dân (khoảng thế kỷ 15-16) của người Việt Kinh từ
miền Bắc vào và tích hợp văn hóa, chính trị, kinh tế với người Chăm ở Thuận Hóa – nay là TT Huế. Phật giáo là
tín ngưỡng của tầng lớp qúy tộc, vua chúa nhà Nguyễn đem theo và được người Huế tiếp thu và phát triển thành
văn hóa của Huế. Phật giáo TT Huế đã cùng người Huế trải qua nhiều thăng trầm lịch sử: Thời vua Lê chúa Trịnh
ở Đàng ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng trong, thời Tây Sơn, Nhà Nguyễn, rồi đến chống Pháp, chống Mỹ-Ngụy, giải
phóng miến Nam thống nhất đất nước, thời kỳ Đổi mới… đến nay, Phật giáo vẫn tiếp tục là một tôn giáo đại diện
cho bản sắc riêng của TT Huế.
3.1.2. Một số đặc trưng nổi trội của Phật giáo TT Huế
Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đa phần là các phái Thiền. Trong quá trình phát triển, Phật giáo đã
biến đổi, thích nghi với văn hóa, tín ngưỡng bản địa và tâm lý, lối sống người Việt, tiếp biến thành dòng Thiền
mang đậm sắc thái Việt Nam như Trúc Lâm Yên tử, Liễu Quán… Với đặc trưng riêng biệt của vùng giao thoa
văn hóa, tín ngưỡng của hai miền Bắc, Nam; vùng pha trộn lối sống của cư dân bản địa và di dân mới định
cư… Phật giáo TT Huế mang đậm bản sắc pha trộn giửa ba yếu tố Thiền, Tịnh, Mật nhưng đậm nét hơn là
Thiền, Tịnh. Điều đó tạo ra nét đặc trưng riêng biệt của Phật giáo TT Huế.
Trên cơ sở triết lý Thiền và Tịnh độ, Phật giáo TT Huế đã dung hòa với những tư tưởng của Nho và
Lão, đề cao lối sống tâm linh, với giá trị hướng nội, hình thành tư tưởng “nhập thế”, quan niệm sống: “Phật
tại tâm”, “Phật có trong mỗi con người”… như là tôn chỉ về phẩm chất làm người và “đạo” làm người,
không thủ tiêu đấu tranh mà hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh…
18

×