Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

biểu tượng trong thức tỉnh của kate chopin

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (771.32 KB, 12 trang )

Biểu tượng trong thức tỉnh của Kate Chopin


Lý Hồng Điệp


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Văn học: 60 22 30
Người hướng dẫn : PGS.TS. Đặng Anh Đào
Năm bảo vệ: 2014
116 tr .

Abstract. Được xem là một nghiên cứu trường hợp cho lý thuyết nữ quyền trong văn
chương thế giới, Thức tỉnh của Kate Chopin thực sự là cuốn tiểu thuyết độc đáo về
một phụ nữ trẻ dám sống cho chính mình, vượt ra khỏi những rào cản khắc nghiệt của
xã hội và gia đình. Chopin sử dụng các biểu tượng như một công cụ tuyệt vời để kết
nối ý tưởng của mình với độc giả. Qua việc khảo sát các biểu tượng, chúng tôi muốn
mang đến cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về tác phẩm, cũng như cái nhìn đa chiều,
bao dung hơn về sự nổi loạn của nhân vật nữ chính Edna Pontellier.
Keywords.Văn học Mỹ; Văn học; Phê bình văn học
Content.
1. Lý do lựa chọn đề tài
Trong đời sống xã hội thế kỷ XX trở đi, ở các nước phát triển, phê bình văn học
có địa vị rất cao. Hàng loạt trường phái phê bình văn học ra đời, phát triển và rồi lại
nhường chỗ cho những trào lưu phê bình mới. Sự phát triển thậm phồn (hyper) của các
trào lưu văn học như thế khiến cho đời sống phê bình văn học trở nên đặc biệt sôi nổi.
Bởi vậy, mục tiêu của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học là làm sao có được cái
nhìn thật ít mâu thuẫn về các trường phái phê bình văn học hiện đại, tránh cái nhìn cực
đoan, thiên kiến và sẵn cái nhìn bao dung văn hóa. Trong dòng chảy chung của nghiên
cứu khoa học xã hội và nhân văn, phê bình văn học đã và đang dung chứa những cách
thức phê bình đa dạng. Không còn đơn thuần là một lý thuyết đơn nhất, riêng lẻ. Ngày


nay, đó là thời đại của nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Mọi tri thức khoa học đều có
thể được vận dụng và liên đới với nhau trong những học thuyết phê bình lý luận văn
chương. Sự nhìn nhận tác phẩm văn học cũng vì thế trở nên đa sắc, đa diện và đem lại
nhiều điều mới mẻ trước giờ ít phát triển. Đã có người băn khoăn hoặc gạt bỏ những
hình thức phê bình văn học ứng dụng lý thuyết thuộc các ngành chính trị, xã hội, v.v…
Họ cho rằng thực chất, nó không tạo ra được những hệ thống cấu trúc khoa học đủ bền
vững để nghiên cứu một tác phẩm văn chương. Cách nghĩ ấy, nếu có, cũng không phải
là điều hoàn toàn sai lầm. Nhưng với nhịp điệu và xu hướng chung trong một quá trình
“liên kết tri thức” (chữ dùng của Edgar Murin) đặc biệt cần thiết trong sự phát triển tri
thức chung của nhân loại, thì sự chối bỏ những phương pháp tiếp cận như thế là một
thiếu hụt lớn lao, mà thiết nghĩ, nếu không chấp nhận và thử nghiệm chúng, thì bản
thân nhà nghiên cứu đã tự giới hạn sự phát triển của chính mình.
Chúng tôi lựa chọn tác phẩm Thức tỉnh (The Awakening) của Kate Chopin với đề tài
“Biểu tượng trong Thức tỉnh của Kate Chopin" làm đề tài nghiên cứu của luận văn này,
vì những lý do sau đây:
Xuất hiện lần đầu tiên năm 1899, cho tới nay, trong hơn 100 năm, tiểu thuyết
Thức tỉnh của Kate Chopin đã có một vị trí vững vàng trong lịch sử văn học Mỹ và thế
giới. Các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận Thức tỉnh như một nghiên cứu trường hợp
(case study) cho lý thuyết phê bình nữ quyền với rất nhiều dáng vẻ của nó.
Hình thức thể hiện chủ yếu của tư tưởng mang tính nữ quyền trong tác phẩm là
sử dụng biểu tượng. Thức tỉnh là cuốn tiểu thuyết tràn ngập các biểu tượng. Trong mỗi
chương, mỗi phân đoạn kể đều có một số biểu tượng trung tâm phục vụ cho ý nghĩa
toàn văn bản. Để hiểu đầy đủ về tác phẩm, nhất thiết phải hiểu rõ ý nghĩa của các biểu
tượng trong tác phẩm này.
Được xuất bản cùng thời điểm với tiểu thuyết “Anna Karenina” của Lev Tolstoi
và cũng thường được xem là “Bà Bovary” của nước Mỹ, nhưng rõ ràng Thức tỉnh của
Kate Chopin có vị trí rất khác trong lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học ở Việt
Nam so với hai tác phẩm kia. Cả Anna Karenina và Bà Bovary đều đã được biết đến từ
lâu, được giảng dạy trong nhà trường và được nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Tuy vậy, dù
có giá trị trong lịch sử văn chương Mỹ và thế giới nhưng tại Việt Nam, Thức tỉnh vẫn

chưa được dịch và xuất bản thành sách, cũng như chưa có một công trình nghiên cứu
chính thức nào được phổ biến. Bản thân tôi đã có thời gian tiếp xúc với văn bản gốc,
dịch tác phẩm (dù chưa trọn vẹn), và vì vậy có điều kiện đào sâu tác phẩm hơn. Chính
vì vậy, chúng tôi lựa chọn tác phẩm này một phần muốn giới thiệu nó rộng rãi hơn tới
mọi người.
2. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, do khả năng tìm kiếm nguồn tư liệu còn hạn chế, chỉ dừng lại ở vài
thư viện điện tử như questia.com, jstor…, chúng tôi vẫn chưa tìm được một công trình
khoa học chính thức nào được xuất bản thành sách hay tạp chí trên thế giới nghiên cứu
về vấn đề biểu tượng trong tiểu thuyết Thức tỉnh. Trên mạng Internet có những bài viết
lẻ tẻ và không chính thức về vấn đề này. Vì vậy, luận văn của chúng tôi phải mở rộng
phạm vi tìm hiểu về lịch sử nghiên cứu tác phẩm.
Về cơ bản, theo quan sát của chúng tôi, lịch sử phê bình và nghiên cứu tác phẩm
có thể chia thành những chặng đường với các nội dung chính sau đây:
2.1. 50 năm đầu từ khi tác phẩm được công bố (1899 – 1950).
Giai đoạn này Thức tỉnh của Chopin chỉ được biết đến trong phạm vi nước Mỹ.
Các bài phê bình hầu như chỉ tập trung vào nội dung phản ánh của tác phẩm (đề tài
một thiếu phụ trẻ ngoại tình).
Khi mới xuất bản, Thức tỉnh trở thành hiện tượng gây sốc cho độc giả vì cách phản ánh
táo bạo trước những khát khao dục tình và sự “nổi loạn” của nhân vật chính Edna
Pontellier. Nó đã gây nên những tranh cãi kịch liệt đặc biệt vượt lên trên một tác phẩm
thông thường. Cộng hòa St. Louis đã giận dữ cho rằng cuốn sách phạm phải một tội ác
khó diễn tả chống lại cả một xã hội khuôn phép. Các nhà phê bình cảnh báo các bà mẹ
không cho con cái họ đọc tác phẩm, trong khi bà Chopin đáp lời có phần mỉa mai: “Tôi
không bao giờ mơ rằng bà Pontellier lại tạo ra một thông điệp về những thứ thế này và
thực hiện sự chê trách như bà ta đã làm. Nếu tôi xem thường điều này, tôi sẽ đuổi bà ta
ra khỏi cộng đồng. Nhưng khi tôi tìm ra cái mà bà ta hướng tới, vở kịch đã diễn ra quá
nửa và đã quá muộn để sửa đổi” (trích trong bài báo Thức tỉnh của Robert Cantwell).
Phải từ những năm 1950 trở đi, sau 50 năm xuất bản, Thức tỉnh của Chopin mới bắt
đầu được nhìn nhận và đánh giá lại vị trí cũng như giá trị tác phẩm trong nền văn học

nước Mỹ cũng như dòng văn chương của phụ nữ. Mặc dù vậy, nói như Robert
Cantwell, thì sự phản ứng dữ dội từ phía độc giả, xã hội và các nhà phê bình thời bấy
giờ đã làm tổn thương trái tim tác giả, thậm chí “giết chết ước muốn viết văn của bà”.
Tuy vậy, bên cạnh sự phản ứng dữ dội từ phía người đọc và các nhà phê bình
đối với một chủ đề gây shock của tác phẩm, dẫn đến sự hủy hoại thanh danh và sự
nghiệp của tác giả, vẫn có, dù hiếm hoi, những bài phê bình mà ở đó, thành kiến xã hội
ít thấy hơn. Trong cuốn Sách nguồn về tác phẩm Thức tỉnh của Kate Chopin do Janet
Beer và Elizabeth Nolan biên soạn, các tác giả này lựa chọn 6 bài phê bình xuất hiện
trên các tờ báo, thời điểm in gói gọn từ 13 – 5 đến 8 - 7- 1899 (bài đăng sớm nhất và
muộn nhất trong số 6 bài). Đây không phải là 6 bài báo đánh giá cao tác phẩm hoàn
toàn, nó được tuyển chọn, theo ý chúng tôi, là để người đọc thấy được sự nhìn nhận đa
chiều từ phía các nhà phê bình thời bấy giờ. Trong khi những bài báo khác cho rằng
tác phẩm không có gì đáng giá, hoặc “nó không phải là cuốn sách khỏe khoắn”, thì
C.L. Deyo, tác giả bài báo in trên tờ St Louis Post-Dispatch ngày 20-5-1899 cho rằng
“có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tác phẩm Thức tỉnh của bà Chopin, nhưng tất
cả phải thừa nhận thứ nghệ thuật hoàn mĩ của nó” [6, pg. 164]. Tác giả giới hạn phạm
vi độc giả của cuốn sách, bởi nó không phải dành cho những người trẻ tuổi, người trẻ
sẽ không hiểu được nó, và sẽ ngại ngần trong việc tôn trọng tác phẩm; tác phẩm cũng
không dành cho những người già không nếm trải những sự thực chẳng mấy dễ chịu.
Đây là bài báo hiếm hoi nâng giá trị tác phẩm của Chopin lên hàng đỉnh cao, khi người
viết không đánh giá nó dưới góc độ nội dung, mà là nghệ thuật biểu hiện: “Câu chuyện
buồn, điên khùng và tồi tệ, nhưng nó là tất cả nghệ thuật hoàn mĩ. Chủ đề tác phẩm rất
khó, nhưng nó được xử lý khéo léo…” [6, pg. 164].
Ngoài những bài báo mang tính điểm sách đó ra, không có bài báo nào nghiên
cứu sâu tác phẩm cả. Về phần sách, năm 1932, Cha Daniel S.Rankin – nhà tiểu sử học
Chopin đầu tiên, đã xuất bản cuốn sách Kate Chopin và những truyện về người Creole
(Kate Chopin and her Creoles Stories). Trong công trình này, ông nhìn tác phẩm một
cách hời hợt, chỉ xem Chopin như một nhà văn địa phương (viết về bang Luisiana).
Nói tóm lại, cả sách và báo thời kì này đều ít chú trọng vào Kate Chopin và tác phẩm
của bà, nên chúng tôi cũng không hy vọng tìm được những công trình nghiên cứu

nghiêm túc và khoa học.
2.2. Phê bình hiện đại (từ 1950 đến nay)
1

Năm 1953, với việc Cyrille Arnavon chuyển ngữ Thức tỉnh sang Pháp ngữ, cuốn sách
đã được xuất bản và được người Pháp thưởng thức cũng như đánh giá giá trị của nó.
Chopin nhận được sự yêu mến từ phía độc giả Pháp với sự đồng cảm sâu sắc. Người ta
cũng so sánh truyện của Chopin với Bà Bovary của văn hào Pháp Gustave Flaubert. Có
cả ý kiến khen và chê. Người chê (như Willa Cather, trong phần điểm sách) thì cho
rằng Chopin bắt chước Flaubert một cách mờ nhạt. Người khen, như Stephen Health
thì cho rằng tác phẩm của Chopin thể hiện tinh vi hơn nhiều so với Bà Bovary.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, có mấy hướng nghiên cứu sau đây:
2.2.1. Hướng phê bình tiểu sử
Hướng nghiên cứu này tập trung vào việc tìm hiểu cuộc đời tác giả Kate Chopin.
Trước năm 1950, cuốn sách phê bình tiểu sử đầu tiên về Kate Chopin của
Daniel Rankin đã được xuất bản (năm 1932). Từ năm 1950 đến nay, có thêm hai công
trình nghiên cứu tiểu sử đã được in thành sách: Phê bình tiểu sử Kate Chopin (Kate
Chopin: A Critical Biography) của Per Seyersted năm 1969 và Kate Chopin: cuộc đời
tác giả Thức tỉnh (Kate Chopin: A Life of the Author of The Awakening) của Emily
Toth (năm 1990).
Trong khi cuốn sách của Daniel Rankin không có gì nổi bật, nhưng là cuốn sách
đầu tiên giới thiệu về Kate Chopin và tác phẩm của bà ở Mỹ, thì cuốn sách của Per
Seyersted đánh dấu sự phổ biến rộng rãi của tiểu thuyết Thức tỉnh. Còn trong cuốn

1
Phần nghiên cứu này của chúng tôi giới hạn trong phạm vi những bài báo được in trên các
tạp chí hoặc tuyển tập trong các sách đã được xuất bản. Chúng tôi không tổng hợp nguồn từ
các luận văn từ thạc sĩ trở lên do thời gian có hạn.
sách của Emily Toth, bà đã nghiên cứu cuộc đời tác giả Kate Chopin kỹ lưỡng, với sự
khảo sát thời thơ ấu của Chopin, khảo sát các mối quan hệ gia đình, những sự kiện có ý

nghĩa trong thời thiếu nữ, như cái chết của người cha, tác động văn hóa xã hội có thể
góp phần vào thái độ tác giả, v.v… Những công trình phê bình này đã góp phần vào
việc truyền bá tác phẩm, tác giả đến công chúng, và muốn công chúng thừa nhận giá trị
các tác phẩm của Chopin, nhất là tiểu thuyết Thức tỉnh.
2.2.2. Hướng phê bình xã hội học văn học
Hướng này tập trung nghiên cứu tác phẩm dưới góc độ bối cảnh văn hóa xã hội
nước Mỹ thế kỉ XIX, hòng đi đến giải thích và ở khía cạnh nào đó, cấp nghĩa cho sự
thức tỉnh của Edna Pontellier dẫn đến sự tự khẳng định quyền tự do cá nhân của nhân
vật. Các nhà nghiên cứu theo hướng này không công nhận giá trị rộng rãi và phổ quát
của tác phẩm. Họ cho rằng sự khẳng định cái tôi của Edna mang tính chất riêng tư và
tâm lý, chứ Chopin không tính đến ý nghĩa xã hội của nó, kể cả phản ánh quyền của
phụ nữ (như nhận định của Elizabeth Fox-Genovese trong bài viết Tác phẩm Thức tỉnh
trong bối cảnh của kinh nghiệm, văn hóa và giá trị của phụ nữ miền Nam nước Mỹ
(The Awakening in the Context of Experience, Culture and Values of Southern
Women) năm 1988).
Cũng có những bài viết giải thích hành trình đi tìm cái tôi của Edna như một
trường hợp bắt nguồn từ sự khác biệt về mặt tôn giáo, chính trị, xã hội giữa xã hội Mỹ
(bản địa) với xã hội người Creole như Nancy Walker trong bài viết Bối cảnh lịch sử và
văn hóa (The Historical and Cultural Setting) đăng năm 1988.
2.2.3. Hướng phê bình liên ngành.
Về tổng thể, đây là hướng có số lượng bài nghiên cứu nhiều nhất, sự thực hành lý
thuyết thể hiện rõ rệt. Các nhà nghiên cứu đã kết hợp những hệ thống lý luận của các
ngành khác nhau trong việc phân tích nhân vật chính Edna Pontellier.
Hướng kết hợp với khoa học tự nhiên: sử dụng thuyết tiến hóa luận của Darwin
để nhìn nhận Thức tỉnh như một ví dụ của văn chương tự nhiên chủ nghĩa, ví dụ Bert
Bender trong bài viết “Sức mạnh của khát vọng: tác phẩm Thức tỉnh và Nguồn gốc loài
người (The Teeth of Desire: The Awakening and The Descent of Man – 1991) hay
Donald Pizer, trong bài viết “Tác phẩm Thức tỉnh của Kate Chopin như một tiểu thuyết
tự nhiên chủ nghĩa” (Kate Chopin’s The Awakening as Naturalistic Fiction – 2001).
Các tác giả dựa vào thuyết chọn lọc giới tính của Charles Darwin để giải thích cho

hành động ngoại tình của Edna Pontellier. Hướng này theo chúng tôi không thực sự
thuyết phục, vì nó mang tính áp đặt và có phần “thô thiển”, chỉ lấy vấn đề đam mê bản
năng của loài (loài người hay loài nào cũng có những đặc tính tương tự nhau trong lý
thuyết của Darwin) để giải thích một hành động chứa đựng không chỉ yếu tố đam mê
bản năng.
Hướng nghiên cứu tác phẩm dưới góc độ văn hóa, như Michelle A. Birnbaum
nhìn nhận Thức tỉnh của Kate Chopin trong mối liên hệ với lý thuyết hậu thực dân
(post-colonianism) trong bài viết Alien Hands: Kate Chopin and the Colonization of
Race (1994). Tác giả đã xem xét vai trò của những phụ nữ vô danh, thường là các phụ
nữ da đen, da màu, người da trắng lai da đen trong tác phẩm. Tác giả không chỉ tìm
hiểu những việc Edna làm để thỏa mãn bản thân, mà còn tìm hiểu chức năng của
chúng như cách thức giải phóng tình dục. Birnbaum cho rằng, với hành động từ chối
vai trò của mình, nhân vật đã phủ nhận bản thân như một phụ nữ vô danh, vô ngữ và
chỉ là cái bóng.
Hướng nghiên cứu nữ quyền: Kể từ thập niên 70 thế kỉ XX, trong các công trình
phê bình nữ quyền nổi tiếng, giá trị tác phẩm của Kate Chopin đều được ghi nhận.
Riêng ở Việt Nam, do thời gian tìm kiếm tư liệu còn hạn chế nên chúng tôi chỉ
tìm thấy một bài giới thiệu duy nhất về Kate Chopin và các tác phẩm của bà, đó là bài
viết của Nguyễn Thị Hải Hà, Kate Chopin – khát vọng sống của người phụ nữ ở thế kỷ
mười chín, đăng trên Tạp chí Da màu ( Bài viết giới
thiệu khái quát về Kate Chopin và phân tích một số tác phẩm mà người viết cho là có
giá trị nhất của nữ tác giả này để khẳng định giá trị tư tưởng của lòng yêu tự do và khát
vọng sống cho chính mình của các nhân vật nữ chính trong truyện của Kate Chopin.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Chúng tôi sử dụng nguyên gốc tiểu thuyết Thức tỉnh (The Awakening) trong
cuốn sách The Awakening and Other Stories do Pamela Knights biên tập, Oxford
University Press, USA (July 27, 2000), từ trang 3 đến trang 128 do chúng tôi tự dịch.
Những phần cần trích dẫn trong bản dịch, chúng tôi theo nguyên tắc trích bản

dịch Việt văn có chú thích nguyên bản Anh ngữ ở dưới.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Từ “biểu tượng” (symbol – Tiếng Anh) bắt nguồn từ động từ “symballein”
trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “kết hợp với nhau và có liên quan đến nhau”, danh từ
“symbolon” có nghĩa là “đánh dấu”, “tượng trưng”. Hiểu theo nghĩa phổ quát, biểu
tượng là cách dùng một đối tượng cụ thể để biểu trưng cho ý niệm trừu tượng nào đó
vượt thoát khỏi ý nghĩa trực tiếp trong văn bản, nhằm làm cho ý nghĩa câu chuyện
thêm sâu sắc. Các tác giả trong cuốn sách Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới cho
rằng “Lịch sử của biểu tượng xác nhận rằng mọi vật đều có thể mang giá trị biểu
tượng, dù là vật tự nhiên […] hay là trừu tượng (hình học, con số, nhịp điệu, ý tưởng
v.v…) [1, tr. XXIV]
Từ điển Webster cho rằng biểu tượng đại diện hoặc ám chỉ điều gì đó vì mối
quan hệ, sự liên tưởng, quy ước hay tính ngẫu nhiên giữa chúng chứ không phải sự
tương đồng cố ý; đặc biệt, biểu tượng là dấu hiệu hiện hữu về thứ gì đó vô hình, chẳng
hạn như ý tưởng, chất lượng hay cái toàn thể.
Thuật ngữ “biểu tượng” dùng trong văn chương thường là hình thái ngôn ngữ
mà ở đó con người, đồ vật hay tình thế biểu đạt điều gì đó thêm vào nghĩa đen của nó.
Các biểu tượng văn chương theo quy ước hoặc truyền thống tác động nhiều cách, và
bởi chúng phù hợp với nghĩa trước đó, chúng có thể được dùng để ám chỉ những ý
niệm phổ quát hơn là khía cạnh (vật lý).
Biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm văn học theo những cách thức rất khác nhau,
nhằm gợi ra những điều khác nhau. Biểu tượng thường biểu đạt trong dạng 1) Từ, 2)
cách nói, 3) sự kiện, 4) toàn bộ hành động, 5) tính cách nhân vật.
Biểu tượng trong văn học có thể mù mờ hoặc hiển hiện, dùng sơ sài hoặc vụng
về. Tác giả có thể dùng lặp lại một vật thể để truyền tải ý nghĩa sâu xa hơn hoặc dùng
nhiều vật thể tương đồng để sáng tạo cảm xúc và tâm trạng bao quát. Biểu tượng
thường được dùng để hỗ trợ chủ đề văn học theo cách thức tinh tế.
Trong luận văn này, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu là vấn đề biểu
tượng trong tác phẩm Thức tỉnh có liên quan đến nữ quyền. Còn những biểu tượng
khác không có liên đới với hệ thống triển khai vấn đề của chúng tôi, chúng tôi sẽ

không dẫn vào đây.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp tiếp cận từ góc độ
văn hóa lịch sử. Chúng tôi đặt các biểu tượng trong bối cảnh văn hóa – xã hội lịch sử
chứ không đơn thuần khai thác tính văn chương thuần túy của chúng.
Từ đó, chúng tôi sử dụng một số thao tác như: phân tích, hệ thống, so sánh
5. Đóng góp của luận văn
Với luận văn này, chúng tôi hướng tới những mục tiêu sau:
Một là, giới thiệu một tác phẩm gần như rất ít được biết đến tại Việt Nam.
Hai là, phân tích và cắt nghĩa được những kỹ thuật viết văn độc đáo của Kate Chopin,
đồng thời kết hợp với việc liên hệ tới những tri thức khác về lịch sử xã hội nước Mỹ
nằm ở ngoại biên của văn chương.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn của chúng tôi được chia thành ba chương,
gồm:
 Chương 1: Biểu tượng về sự thống trị của nam giới.
 Chương 2: Biểu tượng về sự tự do.
 Chương 3: Biểu tượng của sự thất bại.
Ở Phụ lục, chúng tôi đăng tải những dữ liệu mà chúng tôi tổng hợp được về tác giả,
tác phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Việt văn:
1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB
Đà Nẵng.
2. Mark Kishlansky, Patrick Geary, Patricia O’Brien (2005), Nền tảng văn minh
phương tây, Lê Thành dịch, NXB Văn Hóa Thông Tin.
3. Pierre Bourdieu, Sự thống trị của nam giới, Lê Hồng Sâm dịch (2011), NXB Tri
thức.
Anh văn:
4. Akeel Bilgrami (2006), Notes toward the Definition of 'Identity', American Academy

of Arts and Science, Volume: 135. Issue: 4.
5. Anna Shannon Elfenbein (1987), Kate Chopin's The Awakening: An Assault on
American Racial and Sexual Mythology, Southern Studies, p. 304-312.
6. C.L. Deyo, St Louis Post-Dispatch (1899), The Awakening, St Louis Post-Dispatch,
p. 164
7. Deborah L.Madsen (2000), Feminist Theory and Literary Practice, Pluto Press,
London.
8. Donald Dingledine (1993), Woman can walk on water: island, myth, and
community in Kate Chopin's The Awakening and Paule Marshall's Praisesong for the
Widow, Women's Studies, p. 197
9. Ellen Cantarow (1978), Sex, Race, and Criticism: Thoughts of a White Feminist on
Kate Chopin and Zora, Neale Hurston Radical Teacher, p. 30-33.
10. Francesco Pontuale (1996), The Awakening: Struggles Toward L'écriture féminine,
Mississippi Quarterly, p35-49.
11. Harold Bloom (1999) (Edited and with an Introduction), Kate Chopin's The
Awakening A Contemporary Literary Views Book, Chelsea House Publishers.
12. Henry Harris (2002), Identity Essays Based on Herbert Spencer Lectures Given in
the University of Oxford, Oxford University Press.
13. JanetBeer and Elizabeth Nolan (2004), Kate Chopin’s The Awakening A
Sourcebook, Routledge, 2004
14. Jennifer B. Gray (2004), The escape of the "sea": ideology and the awakening, The
Southern Literary Journal, p. 53
15. Lorraine Code (2000), Ecyclopedia of Feminist Theories, Routledge.
16. M. H. Abrams (1999), A Glossary of Literary Terms (Seventh Edition), Thomson
Learning.
17. Manfred Malzahn (1991), The Strange Demise of Edna Pontellier, Southern
Literary Journal 23.2, p. 31-39.
18. Marina Benjamin (1993), A Question of Identity Women, Science and Literature,
Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey.
19. Martha J. Cutter (1999), Unruly Tongue Identity and Voice in American Women's

Writing, 1850-1930, University Press of Mississippi.
20. Michael Ferber (1999), A Dictionary of Literary Symbols, Cambridge University
Press.
21. Pamela Knights (2000), Kate Chopin The Awakening and Other Stories, Oxford
University Press.
22. Robert Cantwell (1956), The Awakening, The Georgia Review .4, p. 489 - 494.
23. Robert Treu (2000), Surviving Edna: A Reading of the Ending of The Awakening,
College Literature. 27.2, p. 21.
24. Sandra Kemp và Judith Squires (1997), Feminisms, Oxford University Press.

×