Tải bản đầy đủ (.pdf) (171 trang)

Văn hóa Thái với hoạt động du lịch ở Mường Lò ( Nghĩa Lộ ), Yên Bái

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.61 MB, 171 trang )

1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
_______***______



NGUYỄN KIM LÊ





VĂN HOÁ THÁI VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Ở MƯỜNG LÒ (NGHĨA LỘ), YÊN BÁI




LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ













HÀ NỘI - 2012
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
_______***______




NGUYỄN KIM LÊ





VĂN HOÁ THÁI VỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
Ở MƯỜNG LÒ (NGHĨA LỘ), YÊN BÁI


Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Dân tộc học
Mã số: 602270





Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS Lê Sỹ Giáo









HÀ NỘI – 2012

5
MỤC LỤC
Trang
Mục lục
Bảng danh mục các chữ viết tắt
Danh mục bảng biểu
Mở đầu 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 4
3.1 Cơ sở lý thuyết 4
3.2 Phương pháp nghiên cứu 5
4. Mục đích nghiên cứu 6
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 7
5.1 Đối tượng nghiên cứu 7
5.2 Phạm vi nghiên cứu 7
6. Nguồn tài liệu sử dụng trong luận văn 8
7. Đóng góp của luận văn 8
8. Kết cấu của luận văn 8
Chương 1. Tổng quan về văn hoá tộc người với hoạt động du lịch ở Yên Bái 10
1.1. Phân vùng văn hoá tộc người với hoạt động du lịch ở Yên Bái 10

1.1.1 Vùng văn hoá sông Hồng 11
1.1.2 Vùng văn hoá sông Chảy 12
1.1.3 Vùng văn hoá miền Tây 15
1.2. Địa danh Mường Lò và văn hoá tộc người Thái 25
1.2.1 Mường Lò xưa và nay 25
1.2.1.1 Mường Lò trong quá trình lịch sử 25
1.2.1.2 Mường Lò hiện nay 28
1.2.2 Văn hoá tộc người Thái ở Mường Lò 29
Tiểu kết chương 1 32
Chương 2. Các dạng thức văn hoá vật chất với hoạt động du lịch 33
2.1. Nhà cửa 33
2.2. Các nghề thủ công truyền thống 39
6
2.2.1 Các sản phẩm của nghề dệt 39
2.2.2 Các sản phẩm đan lát 44
2.3. Ẩm thực 45
2.3.1 Đồ ăn 45
2.3.1.1 Các món ăn chế biến từ gạo 46
2.3.1.2 Các món ăn chế biến từ các loại động vật 49
2.3.1.3 Các món ăn chế biến từ rau quả 58
2.3.1.4 Các loại gia vị và nước chấm 65
2.3.2 Đồ uống 69
2.3.2.1 Các loại rượu 69
2.3.2.2 Các loại nước được chế biến từ búp, lá, củ và rễ cây 70
2.4 Các dạng thức khác 71
2.4.1 Các di tích, danh lam thắng cảnh 71
2.4.2 Suối nước nóng 73
2.4.3 Chợ văn hoá Mường Lò 74
Tiểu kết chương 2 74
Chương 3. Các yếu tố văn hoá tinh thần với hoạt động du lịch 76

3.1 Ngôn ngữ, chữ viết 76
3.2 Lễ tết 77
3.2.1 Tết nguyên đán 77
3.2.2 Lễ hội “xên mường” (cúng mường) 79
3.2.3 Lễ hội “xên bản” (cúng bản) 81
3.2.4 Sàn diễn “hạn khuống” 82
3.2.5 Lễ hội “lồng tồng” (xuống đồng) 85
3.2.6 Lễ hội hoa ban 86
3.2.7 Lễ “xên đông” (cúng rừng) 88
3.2.8 Tết “xíp xí” (14/7 âm lịch) 89
3.3 Tôn giáo – tín ngưỡng 91
3.4 Dân ca, dân vũ, dân nhạc 95
3.4.1 Dân ca 96
3.4.2 Dân vũ 97
3.4.3 Nhạc cụ dân gian 102
7
3.5 Các trò chơi dân gian 105
3.5.1 Ném còn 105
3.5.2 “Tó mắc lẹ” (chọi quả lẹ) 108
3.5.3 Chơi đu 110
3.6 Văn học dân gian 111
3.7 Y học dân gian 112
Tiểu kết chương 3 115
Chương 4. Tác động của hoạt động du lịch đối với các giá trị
văn hoá Thái ở Mường Lò 116
4.1 Những tác động tích cực 117
4.2 Những tác động tiêu cực 123
4.3 Một số giải pháp khắc phục 130
Tiểu kết chương 4 133
Kết luận 134

Tài liệu tham khảo
Phụ lục









8
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

CNH – HĐH: Công nghiệp hoá - hiện đại hoá
CTQG: Chính trị quốc gia
DLTC: Danh lam thắng cảnh
DLST: Du lịch sinh thái
DLST – VH: Du lịch sinh thái – văn hoá
DLVH – ST: Du lịch văn hoá – sinh thái
DTLSCM: Di tích lịch sử cách mạng
DTLSVH: Di tích lịch sử văn hoá
DTKCH: Di tích khảo cổ học

ĐHQG: Đại học quốc gia
GD: Giáo dục
GTVT: Giao thông vận tải
KHKT: Khoa học kỹ thuật
KHXH: Khoa học xã hội
LĐ: Lao động

LĐ - XH: Lao động xã hội
NXB: Nhà xuất bản
UBND: Uỷ ban nhân dân
VH: Văn hoá
VHDT: Văn hoá dân tộc
VHTT: Văn hoá thông tin
VHTT & DL: Văn hoá, thể thao và du lịch







9
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU

Bảng 1: Số lượng khách du lịch và doanh thu qua các năm của tỉnh Yên Bái
(trang 24).
Bảng 2: Bảng thống kê thu nhập từ một số ngành nghề kinh doanh phục vụ du
lịch ở Mường Lò, năm 2009 (trang 119).
Bảng 3: Bảng thống kê đối tượng nghiên hút, trộm cắp tài sản ở thị xã Nghĩa
Lộ (Từ năm 2004 đến năm 2010), (trang 124).

10
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài.
Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nhu cầu
hưởng thụ của con người cũng không ngừng được nâng cao, trong đó nhu cầu về du

lịch ngày càng lớn và đa dạng. Hoạt động du lịch đã chuyển từ chỗ đơn giản là kinh tế
du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người trở thành hoạt động trong đời
sống tinh thần. Trong du lịch, có nhiều hình thức khác nhau như du lịch sinh thái, du
lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch hành
hương, … trong đó, du lịch văn hóa tộc người là một nhu cầu thiết yếu. Đây được xem
là một hình thức du lịch tổng hợp, vừa mang các yếu tố của du lịch văn hóa, du lịch
sinh thái và du lịch mạo hiểm. Có thể nói, loại hình du lịch này hiện đang có tiềm năng
và tương lai hứa hẹn nhất.
Đối với các tộc người, đặc biệt là các tộc người thiểu số ở đâu cũng có nền văn
hoá dân gian vô cùng phong phú. Vì thế, ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp thì
văn hóa tộc người là cơ sở quan trọng để hình thành nên sức hấp dẫn của những
chương trình du lịch. Ở Việt Nam, dẫu vậy, loại hình du lịch này mới chỉ được hình
thành từ những năm cuối của thế kỷ XX và đến nay cũng phát triển chưa đồng đều. Du
lịch văn hoá tộc người giúp cho bạn bè thế giới hiểu về văn hóa Việt Nam nói chung
cũng như giúp cho đồng bào mình trong đại gia đình dân tộc Việt Nam hiểu về nhau
hơn.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, hoạt động du lịch mới chỉ bắt đầu khởi động
trong những năm gần đây. Ngoài du lịch tâm linh, du lịch sinh thái thì du lịch văn hóa
là một lĩnh vực khá mới mẻ. Các nhà nghiên cứu đã chia Yên Bái làm ba vùng văn hóa
với các đặc điểm khác nhau là: Vùng văn hóa sông Hồng (gồm thành phố Yên Bái, các
huyện Trấn Yên và Văn Yên) với đặc thù văn hóa vật thể; vùng văn hóa Thu Vật (gồm
các huyện Yên Bình và Lục Yên) với đặc thù của văn hóa phi vật thể và vùng văn hóa
Miền Tây (gồm thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải)
với các đặc trưng phi vật thể đặc sắc của nhiều tộc người thiểu số. Trong số đó, tiểu
vùng văn hóa Mường Lò được đặc biệt chú ý. Mường Lò hiện nay bao gồm toàn bộ thị
xã Nghĩa Lộ với 4 phường là: Tân An, Trung Tâm, Pú Chạng và Cầu Thia cùng 3 xã là
Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc và 6 xã vùng thấp của huyện Văn Chấn là: Sơn A,
11
Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Phù Nham. Diện tích vùng lòng
chảo này là 2.300ha với số dân là hơn 60.000 người, trong đó hơn 50% là người Thái

(chủ yếu là nhóm Thái Đen); ngoài ra là các tộc Kinh, Tày, Mường, …Nơi đây, được
biết đến là một vùng văn hóa dân gian đặc sắc của nhiều tộc người, đặc biệt là văn hóa
Thái. Có lẽ, ít có nơi nào văn hóa Thái còn giữ được nhiều nét truyền thống như
Mường Lò, từ nếp nhà sàn với biểu tượng “khau cút” đến nghề dệt thổ cẩm cùng trang
phục, phong cách ẩm thực, các lễ hội độc đáo; những điệu “khắp” trữ tình, những điệu
khèn, pí da diết; những vòng xòe cùng nhiều thiên truyện thơ nổi tiếng. Tất cả những
viên ngọc quý đó đã và đang được bảo tồn, phục vụ hoạt động du lịch bằng chính bản sắc
văn hóa tộc người.
Với ý nghĩa như vậy, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Văn hóa Thái với hoạt
động du lịch ở Mường Lò (Nghĩa Lộ), Yên Bái” làm luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Văn hóa Thái ở Mường Lò đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để
tâm từ lâu nhưng đó chỉ là cái nhìn chung trong tổng thể văn hóa Thái ở Tây Bắc và ở
Việt Nam. Có lẽ, những tác phẩm đầu tiên nhắc đến người Thái ở vùng Văn Chấn,
Nghĩa Lộ sớm nhất và khái quát nhất có thể kể đến như: “Kiến văn tiểu lục” của Lê
Quý Đôn (viết năm 1777); “Hưng hóa ký lược” của Phạm Thật Duật (viết năm 1856);
“Hưng Hóa xứ phong thổ lục” của Hoàng Bình Chính (viết năm 1778) hay “Hưng
Hóa dư địa chí” của một sử gia thời Nguyễn. Trong những tác phẩm này, các tác giả
viết về nhiều vùng, nhiều tộc người khác nhau trên đất Hưng Hoá (trong đó có vùng
Mường Lò, Yên Bái hiện nay). Các tác giả có đề cập đến việc ở vùng này có tộc người
Thái (với hai ngành Thái đen và Thái trắng) và điểm sơ qua một số phong tục tập quán
mà họ nhận thấy trong quá trình điền dã chứ chưa đi vào nghiên cứu một vấn đề cụ thể
nào trong xã hội tộc người đó.
Vào những năm cuối của thế kỷ XX, một số nhà dân tộc Việt Nam tập trung
nghiên cứu về người Thái vùng Tây Bắc nói chung, trong đó có người Thái vùng lòng
chảo Mường Lò. Một số tác phẩm có thể đến là: cuốn “Tư liệu về lịch sử và xã hội dân
tộc Thái” do Đặng Nghiêm Vạn (cb) của NXB KHXH, H, 1977 hay tác giả Cầm
Trọng với những cuốn “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam”, NXB KHXH, H, 1978
hoặc “Mấy vấn đề về lịch sử kinh tế - xã hội cổ đại của người Thái Tây Bắc Việt Nam”,
NXB KHXH, H, 1987; “Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam”, NXB CTQG, H.

12
1995; và cuốn “Văn hóa Thái Việt Nam”, NXB VHDT, H, 1995, tác giả viết chung với
Phan Hữu Dật. Các tác giả Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn có tác phẩm “Sơ lược giới
thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, NXB KHXH, H, 1968. Trong
những công trình này, các tác giả tập trung nghiên cứu một số vấn đề cơ bản của xã
hội tộc người như nguồn gốc của người Thái ở Việt Nam (trong đó có nhắc đến ngành
Thái Đen di cư đầu tiên vào vùng Mường Lò và đến nay vẫn coi đây là quê tổ của
mình); các hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa như: ăn uống, mặc, ở, đi lại, một số
nét cơ bản về tín ngưỡng, tôn giáo, các nghi lễ tộc người, các loại hình văn học nghệ
thuật; các vấn đề về gia đình và xã hội như sự xuất hiện của những hình thái hôn nhân
đầu tiên, hệ thống thân tộc và các hình thái xã hội sơ khai, sự phát triển của kinh tế -
xã hội cổ truyền, … Trong những tác phẩm này, văn hoá Thái Mường Lò cũng được
nhắc đến trong bức tranh chung của văn hoá Thái Việt Nam. Việc nghiên cứu văn hóa
Thái trong các loại hình văn hóa thung lũng, văn hóa kỹ thuật tiền công nghiệp với các
thiết chế xã hội và hệ thống tư tưởng đặc trưng cũng đã được xem xét đến song nó
cũng chỉ là những nghiên cứu trong cái tổng thể như đã nói.
Ngoài ra, một số tác phẩm chuyên khảo về một vấn đề cụ thể của văn hóa Thái
cũng đã được nghiên cứu và xuất bản như: “Nhà sàn Thái” của các tác giả Hoàng Nam
và Lê Ngọc Thắng, NXBVH, H; Lâm Tô Lộc với “Xòe Thái”, NXBVH, H, 1985;
“Nghệ thuật trang phục Thái” của tác giả Lê Ngọc Thắng, NXB VHDT, H, 1990; hay
Đỗ Thúy Bình với “Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”,
NXBKHXH, H, 1994, … Các công trình này cũng đều nói đến văn hóa Thái ở Mường
Lò (chủ yếu là nhóm Thái Đen) nhưng đó cũng chỉ là những nét văn hóa chung trong
văn hóa Thái ở Tây Bắc, văn hóa Thái ở Việt Nam mà Mường Lò là một bộ phận
không thể thiếu.
Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái cũng đã có những ấn phẩm nghiên cứu
về văn hóa Thái vùng Mường Lò như: “Tìm hiểu một số tục cúng vía của người Thái
Đen ở Mường Lò” của các tác giả Hoàng Thị Hạnh, Lò Văn Biến, Nguyễn Mạnh
Hùng, NXBVHTT, H, 2005 hay các tác phẩm của Hà Lâm Kỳ như “Mỗi nét hoa văn”;
“Từng vuông thổ cẩm” giới thiệu về văn hóa các tộc người ở Yên Bái, trong đó đặc

biệt chú ý đến văn hóa Thái ở Mường Lò. Ngành VHTT và DL tỉnh Yên Bái cũng đã
có nhiều chương trình nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thái như việc khôi
phục 6 điệu xòe cổ, mở các lớp học chữ Thái, khôi phục sàn diễn dân gian “hạn
13
khuống”, tổ chức “xên mường”, “xên bản”, các trò chơi dân gian như “tó măk lẹ”, chơi
đu, … tiến hành quay phim, chụp ảnh nhằm bảo tồn các lễ hội truyền thống, các phong
tục tập quán tốt đẹp của đồng bào.
Trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương cũng có những bài viết, giới
thiệu về văn hóa Thái vùng Mường Lò. Những năm gần đây, việc xuất bản những ấn
phẩm quảng bá về văn hóa Thái vùng Mường Lò đã bắt đầu được chú ý nhằm phục vụ
cho hoạt động du lịch như: Tuần văn hoá Mường Lò, chương trình “Du lịch về cội
nguồn”, …
Tuy là thế, nhưng văn hóa Thái Mường Lò cần một cái nhìn toàn diện hơn, hệ
thống hơn. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi du lịch văn hóa đã và đang trở thành
một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều du khách không chỉ ở Việt Nam mà cả
quốc tế các giá trị văn hóa nơi đây càng phải được xem xét cụ thể, đúng đắn để có kế
hoạch khai thác phục vụ phát triển du lịch một cách khoa học và bền vững. Làm sao để
vừa khai thác được các giá trị văn hóa phục vụ du lịch, nâng cao đời sống kinh tế tộc
người vừa lấy du lịch làm hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
truyền thống của tộc người một cách hữu hiệu nhất.
3. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu.
3.1. Cơ sở lý thuyết.
Du lịch là một ngành kinh tế còn mới đối với Việt Nam, du lịch văn hóa lại là
một yếu tố mới hơn nữa, nó mới chỉ được khai thác trong những năm gần đây. Văn
hóa và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tác động chi phối lẫn nhau, đó là việc bảo
tồn các giá trị văn hóa nói chung và đưa các giá trị văn hóa vào khai thác phục vụ phát
triển du lịch như thế nào để đạt hiệu quả nhất? Đồng thời, du lịch đã tác động trở lại
với văn hóa ra sao? Đó là các vấn đề đặt ra mà các nhà nghiên cứu văn hóa phục vụ du
lịch đang quan tâm. Trong đề tài luận văn của mình, chúng tôi đã sử dụng một số lý
thuyết để nhìn nhận và lý giải một số vấn đề xuất hiện trong quá trình nghiên cứu, có

thể kể đến như:
Dựa trên thuyết lựa chọn duy lý của Fredik Barth, chúng tôi có thể giải thích
các vấn đề như sự phát triển mạnh mẽ của các nghề thủ công truyền thống (dệt thổ
cẩm, đan lát); các sản phẩm dệt theo phương thức thủ công ngày càng hiếm mà thay
vào đó là các sản phẩm dệt máy là phổ biến; nhà cửa hiện nay không còn xây cất theo
lối truyền thống là nhà sàn kiểu “bê tông”; hay vấn đề mâu thuẫn giữa các gia đình
14
trong kinh doanh dịch vụ du lịch; … Theo chúng tôi, ta có thể giải thích hiện tượng
này bằng tư duy duy lý của tộc người, để phát triển được du lịch, họ đã lựa chọn
những hình thức có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của mình nhằm thu lợi nhuận
cao nhất.
Thuyết sinh thái văn hóa của Julian Steward có thể áp dụng để giải thích những
điều thú vị trong văn hóa ẩm thực của tộc người Thái vùng Mường Lò. Những món ăn,
đồ uống của đồng bào gắn với môi trường sinh sống của tộc người, họ là những cư dân
nông nghiệp ruộng nước vùng thung lũng, sống men theo những con suối, phía sau là
những cánh rừng thấp. Vậy nên, những món ăn gắn với những dòng suối, những khu
rừng là điều dễ nhận thấy.
Chữ Thái được khôi phục qua các lớp học trong những năm gần đây. Có thể
giải thích theo thuyết tương đối ngôn ngữ của Benjamin Whorf về vai trò của việc giáo
dục ngôn ngữ trong việc duy trì hay tái sản sinh văn hóa. Dưới sự tác động của ngôn
ngữ đến các cá thể hay là sự truyền tải giá trị và mô thức văn hóa, qua đó văn hóa
được tái sản sinh.
Thuyết tương đối văn hóa có thể sử dụng để giải thích những vấn đề nảy sinh
trong quá trình phát triển du lịch ở đây. Ví như hiện tượng mời rượu khách của người
Thái, ta có thể chấp nhận tính đa dạng của hệ thống văn hóa.
Lý thuyết khu vực lịch sử - văn hoá hay khu vực lịch sử - dân tộc học có thể
giúp giải thích các hiện tượng giống nhau và khác nhau của văn hoá các tộc người
cùng sinh sống trên một vùng sinh thái nhất định. Lý thuyết này cũng có thể áp dụng
để so sánh và giải thích những hiện tượng giống và khác nhau của văn hoá Thái với
văn hoá các tộc người trong vùng.

Hoặc có thể vận dụng thuyết khuếch tán văn hóa của Ruth Benedict để giải
thích những vấn đề như: ảnh hưởng của văn học các tộc người Mường, Khơ Mú đến
văn học tộc người Thái ở Mường Lò.
Hay theo lý thuyết hậu hiện đại luận, có thể nhìn nhận khá nhiều vấn đề trong
việc thay đổi dần các yếu tố truyền thống không còn phù hợp để phục vụ cho hoạt
động du lịch trong điều kiện mới như: việc chuyển hệ thống chuồng trại ra khỏi gầm
nhà sàn, thay đổi kết kết cấu mái lợp nhà sàn, các lễ hội được mở rộng mang tính chất
quảng bá nhiều hơn.
15
Tất cả những lý thuyết này đều được vận dụng để giải thích cho các trường hợp
cụ thể xuất hiện trong luận văn.
3.2. Phương pháp nghiên cứu.
Để hoàn thành được luận văn này, chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp
nghiên cứu, trong đó điển hình là:
Kết hợp giữa thu thập tài liệu định lượng và phân tích định tính. Chúng tôi áp
dụng các phương pháp này trong việc: thiết lập công cụ điều tra để thu thập về các giá
trị văn hóa Thái ở Mường Lò và việc sử dụng các giá trị văn hóa này hiện nay như thế
nào để phục vụ du lịch? Tình hình khai thác các dịch vụ phát triển du lịch tác động đến
kinh tế, văn hóa như thế nào ở vùng Mường Lò trong vài năm gần đây, kết hợp với
việc tìm kiếm các số liệu thống kê và báo cáo điều tra từ các nguồn có sẵn; quan sát
trực tiếp, phỏng vấn sâu, đặc biệt là các cuộc phỏng vấn mở trên địa bàn nghiên cứu,
coi trọng tiếng nói của người trong cuộc.
Phương pháp nghiên cứu điền dã và quan sát tham gia được đặc biệt chú ý để
hiểu về vai trò của các giá trị văn hóa đối với tộc người, họ ứng xử với văn hóa đó như
thế nào? Những tri thức văn hóa và hiện vật văn hóa của họ là gì? Ý nghĩa của nó ra
sao? Họ muốn khai thác để phục vụ du lịch dưới góc độ và mức độ nào?, …Tất cả
những vấn đề trên phải có thực địa, phải quan sát và phỏng vấn cư dân bản địa để có
câu trả lời thiết thực.
Phương pháp lịch sử - so sánh cũng được chúng tôi chú trọng khi nghiên cứu về
sự vận động của tộc người trong cái chung của các tộc người khác ở vùng Mường Lò,

đặc biệt trong việc kết hợp các giá trị văn hóa phục vụ nhu cầu đa dạng của du lịch.
Ngoài ra, các phương pháp như thống kê dữ liệu, so sánh, bảng biểu, … cũng
được sử dụng trong việc thu thập và xử lý thông tin của luận văn.
4. Mục đích nghiên cứu.
1. Thông qua việc mô tả, phân tích những giá trị văn hóa tộc người Thái phục
vụ du lịch và sự tác động của hoạt động du lịch tới các giá trị văn hoá đó.
2. Làm sáng tỏ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của tộc người cũng
như những thay đổi của nó trong đời sống xã hội mới.
3. Nhận diện và đánh giá đúng mức việc khai thác các giá trị văn hóa Thái trong
việc phát triển du lịch hiện nay ở Mường Lò.

16
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn.
5.1. Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tất cả các giá trị văn hóa của tộc người
Thái (chủ yếu là nhóm Thái Đen) ở vùng lòng chảo Mường Lò đã, đang và sẽ được
khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch của địa phương.
5.2. Phạm vi nghiên cứu.
Văn hóa là một khái niệm rất rộng và thường được hiểu là bao gồm “tất cả
những gì con người tạo nên trong quá trình lao động chân tay và lao động trí óc để
thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của mình”
1
. Trong phạm vi đề tài nghiên
cứu này, chúng tôi chỉ nghiên cứu các giá trị văn hóa của tộc người đã, đang và sẽ
phục vụ cho lĩnh vực du lịch của địa phương mà thôi. Cụ thể là một số dạng thức của
văn hóa vật chất như: nhà cửa; các nghề thủ công truyền thống; văn hóa ẩm thực; ….
và một số yếu tố của văn hóa tinh thần như lễ hội; các hoạt động dân ca, dân vũ, dân
nhạc; các trò chơi dân gian; các loại hình văn học dân gian; các hoạt động tôn giáo, tín
ngưỡng; ….
Địa bàn nghiên cứu được tập trung ở vùng lòng chảo Mường Lò (theo địa giới

hành chính) hiện nay và mở rộng ra toàn vùng văn hoá Mường Lò trước kia
2
. Đây là
địa bàn tập trung số lượng tộc người Thái đông nhất trong tỉnh, đồng thời đồng bào
cũng giữ được các giá trị văn hóa tộc người đậm nét nhất. Tỉnh Yên Bái cũng chọn đây
là địa bàn trọng tâm để phát triển loại hình du lịch văn hóa tộc người, mà điển hình là
tộc người Thái. Khi xem xét các giá trị văn hóa nói chung để phục vụ cho du lịch
chúng tôi nhìn nhận trên địa bàn toàn vùng song với một số phân tích cụ thể chúng tôi
chọn những địa bàn nhỏ, điển hình ở các phường, xã để phân tích.
Ngoài ra, trong luận văn còn mở rộng địa bàn nghiên cứu tới các xã khác của
huyện Văn Chấn và các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu để tham khảo và so sánh.



1
N.N. Trêbôcxarôp và I.N. Trêbôxarôva, “Văn hóa là gì?”, TC Dân tộc học, số 3/1975
2
Theo Cầm Trọng trong tác phẩm “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam” thì Mường Lò xưa gồm ba mường trung
tâm là: Mường Lò Luông, Mường Lò Cha, Mường Lò Da và các mường nhỏ xung quanh như: Mường Hồng,
Mường Hằng (nay là huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái); Mường Nặm, Mường Piu (nay là xã Thượng Bằng La,
huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái); Mường Pục, Mường Mẻng (nay là xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Cũng có ý kiến là Mường Pục, Mường Mẻng thuộc vùng Sơn Bục, Sơn Thịnh, Đồng Khê – huyện

Văn Chấn

ngày nay; Mường Min (nay là xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái); Mường Lùng (nay là xã Tú Lệ,
huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
17
6. Nguồn tài liệu sử dụng trong luận văn.
Trong quá trình nghiên cứu về các giá trị văn hóa Thái ở Mường Lò và việc sử

dụng các giá trị văn hóa đó vào hoạt động du lịch của địa phương, chúng tôi đã tham
khảo và thu thập nhiều công trình khoa học, nhiều bài nghiên cứu của các tác giả trong
và ngoài nước ở nhiều mức độ khác nhau có liên quan tới vấn đề để nhìn nhận và so
sánh với các khu vực khác. Đây là những nguồn tài liệu quý giá giúp chúng tôi có
được những kiến thức khá toàn diện về đối tượng mà mình nghiên cứu.
Tuy nhiên, nguồn tài liệu chủ yếu mà chúng tôi sử dụng trong luận văn là
những tư liệu điền dã, thu thập trên thực địa, trong quá trình tiếp xúc với những cá
nhân am hiểu văn hóa Thái vùng Mường Lò, cũng như một số nhà quản lý văn hóa và
phát triển du lịch ở địa phương.
7. Đóng góp của luận văn.
- Luận văn này có thể coi là một công trình tổng quát về các giá trị văn hóa của
tộc người Thái ở Mường Lò. Đặc biệt, là việc xem xét cả những giá trị truyền thống
cũng như những thay đổi đang diễn ra trong quá trình đẩy mạnh và phát triển du lịch
văn hóa tộc người ở địa phương hiện nay.
- Luận văn góp phần cung cấp tư liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu, nhất là
các nhà dân tộc học tìm hiểu, so sánh văn hoá của tộc người Thái với những tộc người
khác ở Việt Nam.
- Ngoài ra, luận văn còn cung cấp những thông tin về mặt khoa học, giúp các
nhà hoạch định chính sách xem xét và đưa ra những quyết sách phù hợp với những đặc
điểm của cộng đồng cư dân trong vùng, giúp Mường Lò phát huy được những tiềm
năng vốn có của mình, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá tộc người.
8- Kết cấu của luận văn.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung luận văn được bố cục thành 4 chương:
Chương 1: Tổng quan về văn hóa tộc người với hoạt động du lịch ở tỉnh Yên
Bái ( 22 trang)
Chương 2: Các dạng thức văn hóa vật chất với hoạt động du lịch ( 42 trang)
Chương 3: Các yếu tố văn hóa tinh thần với hoạt động du lịch ( 40 trang)
Chương 4: Tác động của hoạt động du lịch với các giá trị văn hóa Thái ở
Mường Lò ( 17 trang)


18
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA TỘC NGƯỜI VỚI
HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở YÊN BÁI
1.1. Phân vùng văn hóa với hoạt động du lịch ở Yên Bái.
Văn hóa tộc người được hiểu là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc
trưng và đặc thù của tộc người, nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt
tộc người này với tộc người khác với các yếu tố như: ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, các
tín ngưỡng và nghi lễ, văn hóa dân gian truyền miệng, tri thức nói chung, khẩu vị ăn
uống, tâm lý tộc người, ….
Với tỉnh Yên Bái, hoạt động du lịch chỉ mới được khởi động trong những năm
gần đây. Qua khảo sát, nghiên cứu, cho thấy Yên Bái có thể đẩy mạnh các loại hình
như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch
sinh thái, du lịch tham quan, nghiên cứu, du lịch thể thao dưới nước. Với đặc thù của
một tỉnh miền núi nhiều tộc người thì du lịch văn hóa được xác định là thế mạnh của
địa phương.
Theo đó, toàn tỉnh có 12 tộc người có số dân tương đối đông và lưu giữ được
nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng là: Kinh, Tày, Thái, Nùng, Mường, Hmông, Dao,
Khơ Mú, Cao Lan, Phù Lá (Xá Phó), Hoa. Trong số này, chỉ trừ người Hoa có số
lượng ít nhất và sống không tập trung nên việc khai thác văn hóa để phục vụ du lịch
không hiệu quả, còn lại 11 tộc người đều có những yếu tố văn hóa mang đặc trưng
riêng, rất phong phú và đa dạng. Hiện nay, tỉnh Yên Bái, đang tập trung khai thác và
phổ biến các giá trị văn hóa này.
Tỉnh Yên Bái đã tiến hành phân chia các vùng văn hoá và hiện đang phát triển
theo hướng khai thác các vùng văn hoá này để xác định các tour, tuyến du lịch như
Miền Tây hoa ban trắng, du xuân đất ngọc, mênh mang hồ Thác, sức sống thành phố
trẻ, hương sắc vùng cao, … Với 9 huyện, thị, thành phố, tỉnh Yên Bái được chia thành
3 vùng văn hoá, gồm: vùng văn hóa Sông Hồng, vùng văn hóa Sông Chảy và vùng văn
hóa Miền Tây. Nếu như vùng văn hóa sông Hồng (gồm thành phố Yên Bái, các huyện
Trấn Yên, Văn Yên) với văn hóa các tộc người Kinh, Dao, Phù Lá (Xá Phó) thì vùng
văn hóa sông Chảy (gồm hai huyện Yên Bình và Lục Yên) lại là nơi tụ cư của đồng

bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan còn vùng văn hoá Miền Tây lại mang đậm dấu ấn văn
hóa dân gian của các tộc người: Thái, Tày, Mường, Hmông, Dao, Khơ Mú,
19
Giáy, …trong đó, vùng văn hoá Miền Tây được xác định là trọng điểm phát triển du
lịch văn hóa tộc người của tỉnh.
Mỗi vùng, mỗi bản làng đều mang những sắc thái văn hóa đặc sắc, phong phú.
Từ những hoạt động kinh tế truyền thống đến những nếp nhà, cách ăn, mặc, ở, đi lại
đến hệ thống ngôn ngữ, tín ngưỡng – tôn giáo, các phong tục tập quán, các lễ hội
truyền thống, các loại hình sinh hoạt văn hoá – văn nghệ, hệ thống tri thức dân
gian, … Tất cả đã tạo nên sự phong phú trong bức tranh nhiều màu sắc của văn hoá
các tộc người ở Yên Bái. Chúng ta cùng xem xét các giá trị văn hóa độc đáo này ở các
vùng hiện đang được khai thác phục vụ du lịch như thế nào và định hướng trong tương
lai ra sao?
1.1.1. Vùng văn hóa Sông Hồng.
Vùng văn hóa Sông Hồng được giới hạn không gian tại thành phố Yên Bái, các
huyện Trấn Yên và Văn Yên. Trong vùng, tộc người Kinh chiếm đa số và sống chủ
yếu ở thành phố và trung tâm của các huyện, một số xã vùng thấp của huyện Trấn Yên;
tộc người Tày sống ở các xã Việt Hồng, Việt Cường của huyện Trấn Yên; tộc người
Dao (nhóm Dao Đỏ và Dao Quần Trắng) sống ở các xã của huyện Văn Yên; người
Phù Lá (Xá Phó) sống tập trung ở thôn Lẫu, thôn Nhầy thuộc xã Châu Quế Thượng,
huyện Văn Yên. Ngoài ra, vùng văn hóa này còn một bộ phận nhỏ nhóm Cao Lan sống
ở hai thôn Đá Chồng, Đá Cháy thuộc xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên; một bộ phận
người Mường sống ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên; người Hmông ở xã Nà Hẩu
(huyện Văn Yên) và xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên).
Vùng này được xác định với thế mạnh là văn hoá vật thể bên cạnh một số đặc
trưng phi vật thể điển hình. Ngược từ thành phố Yên Bái lên, ta thấy, trong vùng có rất
nhiều các di tích lịch sử, các trung tâm tôn giáo – tín ngưỡng, các khu du lịch sinh thái,
khu bảo tồn thiên nhiên hiện đang được khai thác tốt phục vụ nhu cầu tìm về cội
nguồn của du khách như: khu di tích Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi
nghĩa Yên Bái (năm 1930), Lễ đài sân Căng – nơi Bác Hồ nói chuyện cùng nhân dân

các dân tộc tỉnh Yên Bái (năm 1958), bến Âu Lâu, đền Tuần Quán, chùa Ngọc Am, …
(thành phố Yên Bái); chiến khu Vần, đình làng Dọc, khu du lịch sinh thái đầm Hậu, …
(huyện Trấn Yên); di tích chiến thắng sông Thao (năm 1949), đền Đông Cuông, đền
Nhược Sơn, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, …(huyện Văn Yên).
20
Các giá trị văn hoá truyền thống của các tộc người ở vùng này cũng đã được
quy hoạch, khai thác trong những năm gần đây. Người Kinh trong vùng nổi tiếng với
các làng nghề truyền thống như làng miến dong (xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái),
làng nghề tơ tằm (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên). Văn hoá tộc người Tày ở Trấn
Yên thu hút đông đảo sự chú ý của du khách trong những dịp đầu xuân, trong hội đình
làng Dọc với những điệu xoè then, hội chơi đu, ném còn, hội yến, hội hát đối, chọi gà,
chứng kiến lễ cúng thần thành hoàng và ông tổ của 6 dòng họ khai sinh ra vùng đất
này từ thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, văn hóa Tày nơi này không được đậm nét bằng một số
vùng khác trong tỉnh.
Lên tới huyện Văn Yên, văn hóa tộc người Dao được bảo lưu đậm đặc. Từ
những làng nghề chuyên sản xuất và chế biến quế đến những bộ trang phục, nhà cửa
truyền thống, rồi đến các nghi lễ, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, hệ
thống tri thức dân gian được đồng bào duy trì và phát huy như lễ cấp sắc, tết nhảy, tục
cưới xin, tang ma,… Nhiều làng văn hóa của tộc người Dao đã được ra mắt như làng
văn hóa Khe Ván, Khe Cam, … đều là những nơi lưu giữ những giá trị văn hoá tộc
người độc đáo. Lên cao hơn nữa, tới xã Châu Quế Thượng, du khách sẽ được tìm hiểu
những nét văn hóa đặc trưng của người Phù Lá (Xá Phó). Những thiếu nữ Phù Lá
trong những bộ trang phục truyền thống không lẫn với bất cứ tộc người nào khác.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham dự lễ cưới, lễ tang, lễ lên nhà mới, lễ mừng cơm
mới, các cuộc thi hát đối đáp, thổi sáo Cúc Kẹ, khèn Ma Nhí và những điệu xoè “Xình
xi bá” vui nhộn.
Văn hóa các tộc người Tày, Dao và Phù Lá (Xá Phó) ở vùng văn hoá sông
Hồng đã và đang được khai thác phục vụ du lịch song vùng này chưa thu hút được
đông đảo khách du lịch đến tham quan và tham gia trực tiếp vào cuộc sống cộng đồng
như các vùng văn hóa khác trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chính là do đặc trưng văn

hoá vùng, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển và chiến lược quảng bá cho du lịch vùng
này chưa được mở rộng.
1.1.2. Vùng văn hóa Sông Chảy.
Vùng văn hóa Sông Chảy bao gồm hai huyện ở phía đông của tỉnh là Yên Bình
và Lục Yên. Nơi đây là địa bàn sinh sống của các tộc người: Tày, Nùng, Dao (Dao
21
Quần Trắng, Dao Đỏ), Cao Lan (Sán Chay). Cùng với khu du lịch hồ Thác Bà
1
, văn
hóa các tộc người nơi đây đã được khai thác khá tốt phục vụ các chương trình du lịch.
Đây là một trong những vùng trọng điểm du lịch của tỉnh trong tương lai.
Du lịch trên hồ Thác Bà có tên “Điểm hẹn xanh và nhịp sống cộng đồng” sẽ đưa
du khách đến với mênh mang hồ Thác với 23.000 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn
nhỏ trên mặt hồ cùng thảm động thực vật và cảnh quan sinh thái đa dạng, nơi đây được
mệnh danh là “Hạ Long trên núi” - một trong ba hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt
Nam. Tới đây, du khách sẽ được hóng gió hồ Thác Bà trên các du thuyền, tham quan
động Thủy Tiên, chiêm ngưỡng động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi cao Biền, núi
Chàng Rể, núi Hoàng Thi, đền Thác Ông, đền mẫu Thác Bà, nhà máy thuỷ điện Thác
Bà, đền Đại Cại, khu di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại , bình nguyên xanh Khai
Trung, khám phá hang Hùm, hang Diêm, hang São, động chùa Hương Thảo, chợ đá
quý, … tham gia cuộc sống cộng đồng các tộc người với những nghi lễ, phong tục tập
quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, các làng nghề đá quý Lục Yên, nghe kể các sự tích,
truyền thuyết về những người khai phá vùng đất và quá trình lịch sử lâu đời của các
điểm đến trên khu vực Thác Bà – Sông Chảy.
Đến với Thác Bà – sông Chảy là đến với văn hoá của các tộc người: Dao (Dao
Quần Trắng, Dao Đỏ), Cao Lan, Tày, Nùng. Các cộng đồng vẫn giữ được những
phong tục truyền thống với những nét văn hóa độc đáo, rất được du khách chú ý. Đến
với vùng văn hoá này, du khách còn được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo
vùng hồ do chính những bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Dao, Cao Lan, Tày chế biến
ngay tại cộng đồng như: cá mè hoa, mè trắng nặng tới 30 – 40kg; cá bỗng tới vài chục

kg dùng nướng, rán vàng hay nấu canh chua; cá chiên, cá trắm, cá chép, cá chạch, cá
rưng rán; cá trê kho với lá gừng; cá nheo, cá bò kho với chuối xanh; cá ngạnh nấu với
dưa chua; cá mương, cá thiểu, cá thầu dầu kho khô hoặc đem nấu canh hoa chuối, tra
mẻ ngấu; cá chép hấp bia, cá trắm om trám, cá quả ám rau cần; cá tép riu kho với quả
khế chua, giã với muối và thịt lợn băm nhỏ ăn cùng xôi nếp, hay tép kho ăn với cơm
trắng hay mọc vịt, gà trống thiến, rau dớn, khoai tím Lục Yên, hồng không hạt, cam
sành, …
Trong vùng văn hoá này, làng văn hoá thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên
Bình được xác định là trọng điểm du lịch cộng đồng trên vùng hồ Thác Bà. Đây là nơi

1
Khu du lịch này với quy hoạch 260ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
22
sinh sống của 5 tộc người: Kinh, Tày, Nùng, Dao và Cao Lan. Trong đó, nhóm Dao
Quần Trắng và tộc người Cao Lan chiếm ưu thế. Nhận thấy du lịch là thế mạnh để
phát triển kinh tế của địa phương, nơi đây văn hóa truyền thống các tộc người được
bảo tồn và phát huy rất tốt và hiện đang là một điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế,
tham quan và tìm hiểu văn hóa truyền thống của tộc người.
Tại đây, dưới những làn cây xanh, gió mát, nghỉ ngơi trên những ngôi nhà sàn
đặc trưng của các tộc người, thưởng thức thứ rượu ngô ủ với men lá, các món ăn độc
đáo, nghe những làn điệu then truyền thống của tộc người Tày, tham dự các nghi lễ
theo chu kỳ đời người theo phương thức truyền thống hay tìm hiểu cuộc sống cộng
đồng người Dao qua: lễ cấp sắc, tết nhảy, các nghi lễ tang ma, cưới xin, thơ ca dân
gian, nghệ thuật múa truyền thống, … Tất cả đều thu hút được sự chú ý của những du
khách ham khám phá văn hoá tộc người. Nét nổi bật nhất của văn hoá tộc người Cao
Lan vùng sông Chảy này là kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian vô cùng phong phú,
đa dạng. Chỉ riêng nghệ thuật hát ví (tiếng Cao Lan gọi là “Xình ca”) đã có hơn chục
tập sách ghi lại bằng tiếng Nôm Cao Lan, người ta cùng nhau hát suốt 36 đêm liên tục.
Một số điệu múa của đồng bào được du khách rất chú ý như: múa xúc tép, múa trống
tang sành, múa chày, múa mừng cơm mới, … Ngoài ra, các nghi lễ như: cưới xin, tang

ma, vào nhà mới, tục thờ cúng, … cũng là một phần không thể thiếu của du lịch tìm
hiểu văn hoá tộc người ở vùng này.
Bà Maria – một du khách đến từ Canada, sau khi tham gia tuyến du lịch Miền
Tây và thăm làng văn hóa Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đã nói: “Mảnh đất và
con người của các bạn rất đẹp. Cảnh quan tự nhiên dường như chưa bị con người chi
phối, văn hóa các tộc người thiểu số còn giữ được nhiều nét độc đáo và đó là lý do để
những người ngoại quốc như chúng tôi ưa thích. Tuy nhiên, các bạn cần đẩy mạnh
quảng bá ra bên ngoài để thu hút du khách”. Tất cả những giá trị văn hoá còn mang vẻ
nguyên sơ, thuần phác này đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách và đó cũng là
thế mạng của du lịch văn hoá cộng đồng nơi đây. Duy trì được những yếu tố này là cơ
sở cho vùng sông Chảy phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Từ đó, phát huy
thế mạnh của du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu văn hoá các tộc người
thiểu số vùng ven hồ. Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, toàn
vùng sẽ được đầu tư 1936 tỷ đồng nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng bộ các
23
khu, điểm du lịch, các làng văn hoá, các làng nghề thủ công truyền thống, các danh
lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hoá tộc người.
1.1.3. Vùng văn hóa Miền Tây.
Ngoài hai vùng văn hóa trên, Yên Bái còn có vùng văn hóa Miền Tây. Nơi đây,
cùng với sự ban tặng của tạo hóa, bàn tay lao động cần cù của con người và truyền
thống văn hoá đậm đặc đã tạo nên sức quyến rũ kỳ lạ cho du khách. Vùng văn hóa
Miền Tây Yên Bái bao gồm thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù
Cang Chải. Nơi đây, có thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều cộng
đồng tộc người cùng chung sống từ lâu đời. Bởi vậy, nó là nơi hội tụ những tinh hoa
văn hoá mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người: Thái, Tày, Hmông, Dao, Mường,
Khơ Mú, Giáy, … Để khai thác tiềm năng du lịch vùng đất này, ngành du lịch Yên Bái
đã chú ý nhiều đến việc bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống của các
tộc người nơi đây. Trong những chương trình du lịch về cội nguồn, nhiều hoạt động đã
được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh của các tộc người với du khách như: Tuần văn
hóa Mường Lò, hội thi trang phục, ẩm thực, ngày hội văn hóa Hmông, tuần văn hoá du

lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải, … Các món ăn đặc sản của địa phương, các nghi
lễ, phong tục tập quán truyền thống, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, … của mỗi
tộc người là những yếu tố tạo nên phần hồn cho hoạt động du lịch nơi đây. Ngành du
lịch Yên Bái đã xây dựng các đề tài nghiên cứu nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị
văn hóa truyền thống của các tộc người, từ đó đẩy mạnh du lịch cộng đồng, du lịch bản
làng như: “Thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể ở Yên Bái gắn với phát
triển kinh tế - xã hội và du lịch”, “Bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người Hmông ở
bản Pang Cáng, xã Suối Giàng”, “Bảo tồn làng văn hoá truyền thống nhóm Thái Đen
ở bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn”, Từ đó, các giá trị văn hóa tộc người
được gìn giữ nhằm đẩy mạnh du lịch.
Đến với vùng văn hóa Thái (chủ yếu quanh khu vực lòng chảo Mường Lò), du
khách sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi tham quan những bản Thái vẫn mang vẻ
nguyên sơ, thăm những làng nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống, đan lát (ớp, thúng,
bung, …); những khu rừng sinh thái, những làng văn hóa Xà Rèn (xã Nghĩa Lợi), Nậm
Đông (Nghĩa An) bên dòng Nậm Thia, thăm “Nặm tốc tát” (Thác nước rơi) và “Đông
quái hà” (Rừng trâu chết) – nơi linh hồn người Thái lên mường trời; đến với di tích
lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thành
24
cổ Viềng Công. Đặc biệt đến với văn hóa Thái là đến với những sinh hoạt lễ hội độc
đáo như: “Xên bản xên mường”; “xên đông” - tưởng nhớ những bậc tổ tiên có công
khai phá bản mường; sinh hoạt hạn khuống - một hình thức diễn xướng sân khấu sơ
khai, nơi trai gái hát đố, hát giao duyên; những điệu “khắp” (hát, ngân) trữ tình; những
điệu khèn, pí da diết hay những vòng xòe nồng say; hòa mình trong tục gõ sạp của
đồng bào Thái. Dự hội “Lồng tồng”; tết “Xíp xí” (14/7 âm lịch). Đắm mình thư giãn
trong những suối khoáng nóng, những khu rừng nguyên sinh, những hang động nổi
tiếng; thưởng thức phong cách ẩm thức Thái như: cốm Mường Lò, xôi ngũ sắc, thịt
trâu sấy, gà nướng, cá suối, rêu suối, rau rừng, thưởng thức những chén rượu thơm
trong tiếng “khắp mơi lẩu” (hát mời rượu) của những thiếu nữ Thái, bên những chum
rượu cần mà thưởng thức phải qua một sừng rót, một sừng đổ. Đến Mường Lò còn
được ngồi trên nhà sàn, nghe người già kể chuyện: sự tích Mường Lò, sự tích “khau

cút”,“Cầm Hánh tạp sấc cơ lương” (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng), những thiên
chuyện thơ nổi tiếng như: “Xống chụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu), “Khun Lú nang
Ủa” (chàng Lú nàng Ủa), “Í ưới Í noọng” (Cô chị cô em), chuyện tình hoa ban, … hòa
mình vào cuộc sống dân dã nơi vùng cao khi thăm chợ Mường Lò với đủ sắc màu văn
hóa các tộc người Miền Tây.
Cùng nằm ở vùng thấp nhưng không tập trung đông ở vùng lòng chảo Mường
Lò như đồng bào Thái là tộc người Tày. Người Tày Văn Chấn có nhiều nét văn hóa
đặc trưng khác với người Tày ở Lục Yên. Trong vùng văn hóa Miền Tây, người Tày
sống tập trung ở các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn như: Đồng Khê, Thượng
Bằng La, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Đại Lịch, Chấn Thịnh.
Đây là xứ sở của những điệu “dậm thuông” nhẹ nhàng, quyến rũ, những điệu
múa khoan thai, uyển chuyển, những câu then ngọt ngào, say đắm bên cây đàn tính tẩu.
Dưới những nếp nhà sàn với 9 bậc cầu thang là những yếu tố văn hóa truyền thống
mang đậm đặc trưng tộc người như: lễ hội “Lồng tồng” (xuống đồng), cầu mùa vào
đầu năm mới (xã Thượng Bằng La); hội “Tăm khảu mảu” (giã cốm) với tục “Quéng
loỏng” (6 điệu đâm đuống) ở xã Đồng Khê; tham dự, tìm hiểu những nghi thức trong
lễ cưới, tang ma, trong các nghi lễ thờ cúng, trong ngày tết nguyên đán, tết đoan ngọ,
tết “xíp xí”, …
Đến với văn hoá tộc người Tày, du khách còn được thưởng thức những món ăn
đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực như: canh gà nấu măng chua héo, cá nướng tẩm
25
gia vị chấm với nước chấm được chế từ lá mắc mật, hạt dổi, hạt sẻn hay nhâm nhi ly
rượu với món nem chua.
Trên địa bàn cư trú của tộc người, còn nhiều di tích lịch sử ghi dấu sự chiến đấu
anh dũng của quân và dân các tộc người như: đèo Din (xã Đại Lịch), đèo Lũng Lô (xã
Thượng Bằng La), đồn Đồng Bồ, đồn Ba Khe hay hang Thẩm Thoóng – một di tích
khảo cổ học với nhiều hiện vật của văn hóa Hòa Bình, thăm núi Tè, núi Tày, núi Thắm,
núi Hán, … tất cả đều là những địa danh đã đi vào lịch sử và ghi đậm dấu ấn văn hóa
tộc người Tày.
Cũng giống như người Thái, người Mường cư trú ở vùng thung lũng lòng chảo,

ven cánh đồng, ven các dòng suối. Người Mường ở Văn Chấn di cư từ Thanh Sơn
( tỉnh Phú Thọ) lên đã nhiều đời nay, đồng bào còn giữ được nhiều đặc trưng văn hóa
truyền thống mà Yên Bái hiện đang khai thác phục vụ cho du lịch. Người Mường sống
chủ yếu ở các xã Sơn A, Thanh Lương, Phúc Sơn của huyện Văn Chấn. Kho tàng văn
hóa của người Mường nơi đây khá phong phú và đa dạng với các giá trị tinh thần độc
đáo đã được khai thác như: hội đu xuân, hội xuống đồng, hội “séc bùa”, hội cơm mới,
múa Mơi hay múa “mỡi” (nghĩa là múa mời), múa “trống đu” (troống tu), múa nàng
tiên, múa “cuổi” (là múa Cuội hay múa thần tiên xuống chơi), múa sạp, múa ống. Đến
với những bản văn hoá Mường, thăm hang “thẳm Han” – một di tích khảo cổ học độc
đáo ở xã Sơn A, ngồi trên những ngôi nhà sàn thoáng đãng, hàng đêm nghe người già
kể sự tích “nàng Han” – một nữ tướng tài ba của tộc người rồi về ngâm mình trong
dòng suối nóng bản Bon, thưởng thức những món ăn truyền thống của tộc người.
Vùng thấp và thung lũng lòng chảo Mường Lò của vùng văn hóa Miền Tây tỉnh Yên
Bái là vậy. Còn vùng rẻo giữa và rẻo cao lại là nơi phổ biến của văn hóa các tộc người
Khơ Mú, Giáy, Dao và Hmông. Tất cả đã làm nên cái độc đáo, đa dạng, hấp dẫn để nơi
đây trở thành vùng du lịch văn hóa tộc người số một của địa phương.
Từ thị xã Nghĩa Lộ đi lên chừng 3, 4 km, vượt qua lòng chảo Mường Lò là tới
xã Nghĩa Sơn, nơi sinh sống tập trung của đồng bào Khơ Mú ở Yên Bái (chiếm 97%
dân số xã). Tuy số dân hiện nay không nhiều (trên 2.000 người) song tộc người Khơ
Mú còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, đặc sắc, rất được du khách ưa
thích và tìm đến.
Người Khơ Mú nổi tiếng hiếu khách, đến bản Khơ Mú bao giờ bạn cũng sẽ
được ăn thịt gà với xôi dẻo cùng rượu nếp cẩm. Nơi đây, các già làng luôn có ý thức
26
kể cho con cháu nghe về những truyền thuyết giải thích nguồn gốc của muôn loài, về
sự hình thành tộc người, cũng như các dòng họ của tộc người như Truyền thuyết “Quả
bầu”, “Tiếng nói”, “Cây thuốc trên cung trăng”, “Rvai”, “Tvạ”, “Tmoong”, “Ôm”,
“Ríc”, … Tới đây, thăm cách thức bài trí trong ngôi nhà, dự những dịp lễ đặc biệt như
lên nhà mới, sửa lại nhà, lễ hỏi cưới, trong tang ma, tục đón tết cổ truyền, … để hiểu
hơn về các yếu tố văn hoá truyền thống của tộc người.

Sau tết, Nghĩa Sơn mở hội “Rước mẹ lúa”(Ma ha gọ), “Mừng măng mọc”,
“Mưa rơi” (“phôn tốc” hay “om đi om đang”), mang đậm bản sắc văn hóa lúa nước
thủa sơ khai của người Khơ Mú với những điệu dân ca, dân vũ truyền thống như “tăng
bu”, “tăng bẳng”, “hươn mạy”, “xe cắp”, “phôn tốc”, “Tẹ cạ grang” (múa cá lượn), …
thể hiện tình yêu và ước vọng sống của tộc người. Tới Nghĩa Sơn, còn để tận mắt
chứng kiến sự tài hoa của những đôi bàn tay tài hoa đan lát. Các sản phẩm đan lát nơi
đây là niềm tự hào của cả tộc người. Tới nay, nghề này vẫn không bị lai tạp hay mai
một. Hàng loạt các sản phẩm đã trở nên nổi tiếng như: “Bem họt” (dụng cụ hái lúa),
“lăng” (một dạng gùi có quai đeo để đựng lúa), “bem” (giống như “lăng” nhưng có
nắp dùng để đựng quần áo, của hồi môn), “pìa” (mẹt), “tơ – rươ” (sàng), “tùng ái”
(chiếu, cót), “u” (nôi), “thung mà” (giỏ đựng cơm), một số nhạc cụ như: “pí tót” (sáo
dọc), gậy chọc lỗ tra hạt có gắn nhạc, âm đinh, tằm đao (các nhạc khí). Chế tác vật
dụng từ tre, nứa không chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà hiện nay đã trở thành sản
phẩm hàng hoá, là một đặc trưng văn hóa của tộc người, là tinh hoa đặc sắc từ tre nứa
mà không phải tộc người nào cũng có được. Chính những sản phẩm này đã góp một
phần lớn thu hút khách du lịch đến với Nghĩa Sơn.
Trong vùng, người Giáy định cư ở xã Gia Hội (thượng huyện Văn Chấn), cách
thị xã Nghĩa Lộ 28 km về phía Đông Bắc. Tuy dân số ít, nhưng một số tập tục truyền
thống vẫn được đồng bào lưu giữ và trao truyền khá tốt như tục hỏi cưới, tang ma đặc
biệt là kho tàng văn hóa dân gian phong phú của tộc người, trong đó, phải kể đến hát.
Họ hát theo các tháng trong năm như: hát tháng Giêng, hát tháng chạp, hát tháng hai,
hát tháng ba, …, hát “cưn xiêng”, hát đưa dâu, hát nhà mới, hát cơm mới, hát mời rượu,
hát sương mù, hát mặt trời mọc, hát trăng lên, hát sao sáng, hát nửa đêm gà gáy, hát
thác nước, hát cây lá, … độc đáo hơn cả là “vươn Giáy” (tức là hát Giáy). “Vươn
Giáy” được coi là nét văn hoá độc đáo nhất của tộc người, với lời ca tiếng hát ca ngợi
vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người, ca ngợi tình yêu đôi lứa thủy chung, tình yêu
27
lao động, tình cảm hôn nhân, gia đình, … họ có thể hát thâu đêm suốt sáng để rồi trai
gái đến với nhau, nên vợ nên chồng. Nội dung của những bài hát này thường mượn
thiên nhiên làm cầu nối để giãy bài tâm sự, để con người gần thiên nhiên và gần nhau

hơn. Ngoài ra, nghệ thuật múa và hệ thống tri thức dân gian về y, dược học cũng được
nhiều người chú ý. Kho tàng văn hóa dân gian độc đáo này hiện đang được tỉnh Yên
Bái sưu tầm, bảo lưu và phổ biến rộng rãi với khách tham quan.
Sống chủ yếu ở rẻo giữa của vùng văn hóa Miền Tây là tộc người Dao (các
nhóm Dao Quần Chẹt, Dao Đỏ). Nhóm Dao Đỏ sống ở các xã Nậm Mười, Nậm Lành,
Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương (huyện Văn Chấn), nhóm Dao Quần Chẹt tụ cư ở
các xã Minh An, Cát Thịnh. Đây là những địa chỉ được đông đảo các nhà nghiên cứu
và du khách quan tâm bởi những giá trị truyền thống được tộc người lưu giữ và truyền
tải qua nhiều thế hệ. Từ nếp nhà, những bộ trang phục truyền thống đến các nghi lễ
tâm linh của tộc người như: tục cưới xin, tang ma, tết nhảy (Nhiàng chầm đao), lễ cấp
sắc, cầu mùa, nhập tịnh, đặt tên của đồng bào. Tới đây, còn để chứng kiến những tiết
mục múa nghệ thuật, múa trong nghi lễ của các chàng trai Dao như: múa đao, múa
kiếm, múa bắt ba ba, múa diễn tả các thao tác trong lao động sản xuất như: múa xúc
tép, múa đẵn gỗ, múa gặt lúa, Hoà nhập trong cuộc sống của đồng bào còn để nghe
các làn điệu dân ca (páo dung) độc đáo như: hát giao duyên, hát đám cưới, hát nhà mới,
hát mời rượu, hát ru, hát ca ngợi thiên nhiên, con người, ca ngợi lao động sản xuất, …
Lên cao hơn hẳn của vùng văn hóa độc đáo này là nơi cư trú của cộng đồng tộc
người Hmông. Văn hóa tộc người Hmông cùng với văn hóa Thái được xác định là
điểm nhấn của du lịch văn hóa tộc người ở Yên Bái. Ở Miền Tây, người Hmông sống
tập trung ở hai huyện Trạm Tấu (10/11 xã, thị trấn) và Mù Cang Chải (13/13 xã, thị
trấn) cùng một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn như: Suối Giàng, Suối Bu, Sùng
Đô. Người Hmông ở Yên Bái có 4 nhóm: Hmông Đơ (Hmông Trắng), Hmông Đu
(Hmông Đen), Hmông Lình hay Hmông Lềnh (Hmông Hoa), và Hmông Si (Hmông
Xanh). Văn hóa Hmông ở Yên Bái được du khách đặc biệt chú ý bởi sự đa dạng, đặc
sắc, không pha trộn.
Cùng là thiên nhiên và văn hóa tộc người Hmông song mỗi nơi lại mang một
nét đặc trưng riêng. Nếu như đến với người Hmông ở Mù Cang Chải, du khách được
chiêm ngưỡng những triền ruộng bậc thang như những nấc thang nghệ thuật trải rộng
từ chân lên đỉnh đồi thì đến với người Hmông ở xã Suối Giàng khách tham quan lại

×