Tải bản đầy đủ (.pdf) (231 trang)

Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.85 MB, 231 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN







NGUYỄN THỊ THANH LƯU




KHẢO SÁT VÀ NGHIÊN CỨU
TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ



LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC











Hµ Néi - 2012

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
NGUYỄN THỊ THANH LƯU LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI - 2012





TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN





NGUYỄN THỊ THANH LƯU




KHẢO SÁT VÀ NGHIÊN CỨU
TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ

Chuyên ngành : Văn học dân gian
Mã số : 62.22.36.01


LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC





NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS.TS LÊ CHÍ QUẾ




Hà Nội – 2012




MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Đối tượng và phạm vi tư liệu nghiên cứu: 2
2.1 Đối tượng nghiên cứu 2
2.2. Phạm vi nghiên cứu 4
2.3. Phạm vi tư liệu khảo sát 4
3. Lịch sử vấn đề 7
3.1. Vấn đề nghiên cứu bản chất thể loại của truyền thuyết 7
3.2. Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian vùng Nghệ Tĩnh 10
5. Đóng góp của luận án: 18
6. Cấu trúc của luận án: 18
NỘI DUNG 19

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ 19
1.1. Diện mạo chung của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 19
1.1.1 Số lượng truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 19
1.1.2 Tương quan với số lượng các thể loại truyện kể dân gian khác 22
1.2. Các dạng truyền thuyết tiêu biểu 24
1.2.1. Lý thuyết phân loại 24
1.2.2. Phân loại theo hình thức tồn tại và lưu truyền 28
1.2.3. Phân loại theo nội dung 33
1.3. Các trung tâm truyền thuyết tiêu biểu 46
1.3.1. Truyền thuyết dạng chuỗi và các trung tâm truyền thuyết tiêu biểu 47
1.3.2 Nguyên tắc hình thành các trung tâm truyền thuyết 53
CHƯƠNG II: TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ NHÌN TỪ
ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI 56
2.1. Không gian trong truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 56
2.1.1. Không gian cố định và di động 56


2.1.2. Không gian khởi nguyên và không gian thứ phát 76
2.2. Thời gian trong truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 79
2.2.1. Thời gian cố định và thời gian diễn biến truyện đặc trưng 80
2.2.2. Thời gian chồng xếp qua quá trình truyền lưu 81
2.2.3. Tính linh hoạt của thời gian trong truyền thuyết 83
2.2.4. Thời gian chu kỳ qua mối liên kết với lễ hội 85
2.3. Cấu trúc truyền thuyết với các dạng motif tiêu biểu 86
2.3.1. Cấu trúc mở và kết cấu lỏng lẻo của truyền thuyết 86
2.3.2. Cấu trúc đơn nhất và tính dở dang của kết cấu 94
2.3.3. Các dạng thức motif tiêu biểu của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 98
2.4. Nhân vật truyền thuyết 106
2.4.1. Gốc tích nhân vật 106
2.4.2. Hiện tượng nhân vật song hành 108

2.4.3. Xu hướng biến đổi của nhân vật 111
CHƯƠNG III: TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ TRONG KHÔNG
GIAN VĂN HÓA XỨ NGHỆ 119
3.1. Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong tương tác văn hóa vùng 119
3.1.1. Giới thuyết về vùng văn hóa xứ Nghệ 119
3.1.2. Văn hóa vùng quy định nét riêng của truyền thuyết 124
3.1.3. Văn hóa vùng với quá trình phát sinh, lưu truyền truyền thuyết 139
3.2. Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ với thần tích và lễ hội 151
3.2.1. Truyền thuyết dân gian: bản sưu tầm, bản kể truyền miệng và thần tích 151
3.2.2. Truyền thuyết dân gian và lễ hội 161
3.3. Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ với các di tích văn hóa vật thể 175
3.3.1. Các di tích văn hóa vật thể (đã được công nhận và chưa được công
nhận) của xứ Nghệ gắn liền với truyền thuyết 176
3.3.2. Lịch sử và thực trạng tồn tại của các di tích văn hóa vật thể 178
KẾT LUẬN 184
TÀI LIỆU THAM KHẢO 190
PHẦN PHỤ LỤC 204



BẢNG CHỮ VIẾT TẮT

KTTCTVN : Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
KTTKDGX.Nghệ : Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ
LTKV.Lục : Lan Trì kiến văn lục
Nxb : Nhà xuất bản
TTNH.Vai : Truyền thuyết núi Hai Vai
TCN : Trước Công nguyên
TTTVTTN.An : Tục thờ thần và thần tích Nghệ An
TTVHDGN.Việt : Tổng tập văn học dân gian người Việt

tr. : trang
VHDTTSN.An : Văn học dân tộc thiểu số Nghệ An
VTT.Bút : Vũ trung tùy bút




1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1.Truyền thuyết dân gian là một thể loại quan trọng trong kho tàng văn học
dân gian Việt Nam. Song để điều hiển nhiên ấy được ghi nhận trong lịch sử nghiên cứu
văn học dân gian, truyền thuyết đã phải trải qua một chặng đường khó khăn, nhiều
chướng ngại. Sự công nhận muộn mằn của học giới so với các thể loại khác là một
trong những lí do khiến truyền thuyết trở thành thể loại đáng được lưu tâm đặc biệt.
Vấn đề đặt ra cho khoa nghiên cứu văn học dân gian không chỉ là xác định một cách
tổng quát về bản chất thể loại, cơ chế hình thành và lưu truyền truyền thuyết mà còn là
mô tả, phân tích tỉ mỉ những truyền thuyết cụ thể trong sự gắn bó với môi trường hoạt
động của nó bởi truyền thuyết là thể loại đậm đặc tính vùng. Chính đặc trưng gắn chặt
với vùng văn hóa, với địa phương cụ thể của truyền thuyết đã tự chia nhỏ đối tượng
này thành nhiều mảng miếng khác nhau, khiến cho các nhà nghiên cứu khó lòng giải
quyết thấu đáo và toàn diện. Ở trong nước, đã có một số bài viết, công trình, luận án
tiến sĩ nghiên cứu về truyền thuyết dân gian nhưng bởi sự phức tạp của đối tượng này
cho nên vẫn còn vô số mảng trống cần được bổ sung. Nghiên cứu về truyền thuyết dân
gian trong thời điểm hiện nay vẫn là một việc làm cần thiết.
1.2. Nghiên cứu văn học dân gian theo vùng đang là một hướng nghiên cứu
có khả năng đem lại nhiều đóng góp mới mẻ không trùng lặp với các công trình đi
trước. Hướng nghiên cứu này một mặt đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa tối đa các
mục tiêu nghiên cứu, mặt khác lại rất phù hợp với đối tượng nghiên cứu là truyền

thuyết dân gian - một đối tượng đáng được lưu ý hiện nay. Chọn đề tài Khảo sát và
nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ chúng tôi hy vọng sẽ có được cái nhìn
hệ thống về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong tương quan với kho tàng truyền
thuyết dân gian Việt Nam nói chung và góp thêm phần nào đó trong việc làm đầy
đặn hơn, sáng rõ hơn diện mạo của truyền thuyết xứ Nghệ thông qua việc bổ sung
thêm một số truyền thuyết dân gian mà chúng tôi sưu tầm được trong quá trình thực
hiện luận án của mình.


2
1.3. Xứ Nghệ là một tiểu vùng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong nền văn
hóa Việt Nam với những cá tính văn hóa độc đáo hình thành nên từ khí chất đặc
trưng của sông núi, con người xứ sở này. “Mảnh đất lịch sử nằm trong dòng chảy
suốt chặng đường lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc” [151, 186] từng mang tên
Hàm Hoan, Hoan Châu, Nghệ An… đã chứng kiến, lưu dấu biết bao sự kiện trọng
đại của dân tộc để xác lập một vị trí đặc biệt cho mình trong tiến trình lịch sử văn
hóa chung. Mọi thời đại lịch sử của dân tộc đều để lại dấu ấn trên mảnh đất một
thuở là phên dậu phía Nam của nhiều triều đại, là nơi dự trữ binh lực cho các cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài, là chốn nghỉ chân trên các chặng đường
chinh phạt phương Nam của triều đình phong kiến. Chính vai trò và vị trí quan
trọng ấy của xứ Nghệ đã tạo điều kiện cho văn học dân gian nói chung và thể loại
truyền thuyết nói riêng phát triển rực rỡ trên mảnh đất ấy. Bên cạnh đó, sự đa dạng
của hình sông thế núi, sự hùng vĩ, hiểm trở của thiên nhiên xứ Nghệ cũng góp phần
thúc đẩy, khơi gợi cảm hứng sáng tạo nên các huyền thoại, các truyền thuyết cho
dân gian. Đất Nghệ bởi vậy vẫn luôn là một đối tượng ẩn chứa nhiều điều thú vị,
luôn thu hút sự quan tâm của các nhà folklore học. Tuy đã được nghiên cứu từ nhiều
góc độ khác nhau song xứ Nghệ với sự dày dặn của văn hóa dân gian vẫn tiếp tục
tạo ra hấp lực đối với các nhà nghiên cứu bằng những nét khuyết hao, mờ nhạt chưa
được tô vẽ lại của bức tranh văn hóa vùng đặc sắc. Đó chính là lý do khiến chúng
tôi chọn xứ Nghệ để nghiên cứu trong khuôn khổ thể loại truyền thuyết.

2. Đối tượng và phạm vi tư liệu nghiên cứu:
2.1 Đối tượng nghiên cứu
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu cơ bản của chúng tôi trong luận án này là truyền
thuyết dân gian Nghệ An và Hà Tĩnh dưới các dạng: bản kể đã được sưu tầm và
xuất bản nằm trong các thư tịch (văn học trung đại và thần tích, thần phả) cũng như
trong các sách sưu tầm thời hiện đại, bản kể mới được sưu tầm qua quá trình điền dã
do chúng tôi tự thực hiện.
2.1.2. Ngoài ra, do yêu cầu của quá trình phục dựng diễn biến lưu truyền của
truyền thuyết xứ Nghệ, chúng tôi sẽ tìm hiểu một số yếu tố liên quan mật thiết đến


3
thể loại này trong hành trình truyền lưu của nó như: lễ hội, di tích vật thể trên đất
Nghệ. Các đối tượng này đều được nghiên cứu trong mối liên hệ không tách rời với
truyền thuyết xứ Nghệ.
2.1.3. Bởi tình trạng bất nhất khi xác định ranh giới thể loại truyền thuyết
trong lịch sử nghiên cứu thể loại này, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải đưa ra một
quan niệm về truyền thuyết mang tính hướng đạo cho việc nghiên cứu cụ thể sẽ tiến
hành tới đây. Qua tham khảo, tiếp thu các nghiên cứu đi trước về thể loại truyền
thuyết của các nhà folklore học trong và ngoài nước, chúng tôi cho rằng: truyền
thuyết là thể loại thuộc loại hình tự sự dân gian, bao gồm những câu chuyện hoàn
chỉnh (hoặc những mẩu chuyện) được sáng tạo nên bằng con đường kỳ ảo hóa,
huyền thoại hóa một cốt lõi sự thật lịch sử nào đó trên cơ sở hai mạch nguồn cảm
hứng “thiêng hóa thực tại và tôn vinh những giá trị của dân tộc - lịch sử” [3, 62].
Yếu tố lịch sử trong truyền thuyết không hoàn toàn là lịch sử đích thực bởi “lịch sử
hóa cái phi lịch sử và phi lịch sử hóa cái lịch sử là hai mặt thống nhất của thi pháp
thể loại” [85, 202]. Dù sao, nhờ yếu tố lịch sử ấy mà truyền thuyết mở ra thêm một
kênh truyền lưu qua hình thức văn bản hóa trong các cuốn sử biên niên. Môi trường
diễn xướng của truyền thuyết chính là hội lễ với các nghi thức thờ cúng thần thánh
thuộc tín ngưỡng dân gian địa phương, vậy nên các yếu tố phi văn bản như hội lễ, di

tích vật thể (đình, đền, miếu mạo…) là những yếu tố liên quan, có ảnh hưởng mạnh
mẽ đến đời sống và diễn biến lưu truyền của thể loại truyền thuyết. Cũng chính môi
trường diễn xướng đặc biệt ấy đã tạo cho truyền thuyết cơ hội đi vào các văn bản
thần tích, với “tư cách là xương sống của lễ hội”, là nguồn gốc thiêng liêng về tín
ngưỡng, về vị thần được dân gian thờ phụng. Ngoài ra, cũng như các thể loại văn
học dân gian khác, truyền thuyết còn được văn bản hóa trong các sách văn học
trung đại.
Với quan niệm và những hình dung cơ bản trên đây về truyền thuyết, chúng
tôi đã mở rộng tối đa biên độ ngữ nghĩa của nội hàm khái niệm truyền thuyết với
mong muốn có được một cái nhìn tổng quan về đời sống của thể loại này. Với quan
niệm về một đối tượng có đời sống linh hoạt và khá phức tạp như thế, chúng tôi sẽ


4
tiến hành nghiên cứu truyền thuyết trong nhiều dạng văn bản khác nhau (bản sưu
tầm, bản truyền miệng, văn bản thần tích, văn xuôi trung đại). Có không ít các
truyền thuyết dân gian xứ Nghệ được khảo sát trong luận án này được chúng tôi lựa
chọn ra từ các thần tích của xứ Nghệ được nhà Nghệ học Ninh Viết Giao tập hợp trong
cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An. Dĩ nhiên, không phải mọi thần tích đều được
chúng tôi coi là truyền thuyết mà các truyền thuyết được lọc ra từ kho thần tích đều
được xem xét kỹ lưỡng dưới một số tiêu chí nhằm đánh giá chất truyền thuyết, chất dân
gian trong đó. Tiêu chí quan trọng nhất mà chúng tôi hướng đến trong khi tiến hành lựa
chọn là: sự tồn tại của các motif truyền thuyết (motif sinh nở thần kỳ, motif chiến
công phi thường, motif hóa thân, hiển linh) trong thần tích.
Như vậy, đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi đề cập đến trong luận án này
không phải là một đối tượng “thuần chất” bởi các mối quan hệ văn hóa chồng chéo
xung quanh nó và bởi sự xuất hiện đa dạng của nó trong nhiều hình thức tư liệu
khác nhau. Chúng tôi cho rằng, chỉ với sự mở rộng tối đa biên độ ý nghĩa của nội
hàm khái niệm truyền thuyết để có được một đối tượng xuất hiện trong trạng thái bề
bộn, không thuần nhất thì mới có thể đem lại cái nhìn tổng thể về đời sống sinh

động, lưu chuyển không ngừng của thể loại truyền thuyết trên đất Nghệ.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án của chúng tôi tập trung nghiên cứu thể loại truyền thuyết trong giới
hạn không gian văn hóa vùng Nghệ Tĩnh cho nên có thể coi giới hạn không gian
văn hóa ấy là đường biên xác định phạm vi nghiên cứu. Để nhận định chuẩn xác vị
thế của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong kho tàng truyền thuyết dân gian Việt
Nam nói chung, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu bằng việc tìm hiểu sơ
lược thêm một số vùng truyền thuyết khác song sự mở rộng này chỉ mang ý nghĩa
tạo ra môi trường rộng lớn để nhìn rõ hơn diện mạo truyền thuyết xứ Nghệ.
2.3. Phạm vi tư liệu khảo sát
Với mong muốn nhìn đối tượng ở trạng thái phức tạp, bộn bề như nó vốn có,
chúng tôi mở rộng tối đa phạm vi tư liệu khảo sát. Trước hết, chúng tôi tìm kiếm
truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong các công trình tư liệu đã xuất bản. Bộ phận tư


5
liệu này, ngoài các bộ sách biên soạn sưu tầm chung tầm cỡ như bộ Kho tàng truyện
cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi biên soạn, Tổng tập văn học dân gian người
Việt (tập 4, 5 - phần truyền thuyết) do Kiều Thu Hoạch chủ biên còn có các sách vở
do địa phương xuất bản như: Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (tập 1) do PGS.
Ninh Viết Giao sưu tầm Nxb Nghệ An, 1995; Văn học dân tộc thiểu số Nghệ An
(Phan Đăng Nhật chủ biên, Nxb Nghệ An, 2001), Từ Cổ Loa đến Đền Cuông
(Nguyễn Nghĩa Nguyên, Nxb Nghệ An, 2006); Mai Hắc Đế - truyền thuyết và lịch
sử (Đinh Văn Hiến, Đinh Lê Yên, Nxb Nghệ An, 2003); Truyền thuyết núi Hai Vai
(Võ Văn Trực, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1990); An Tĩnh cổ lục (Hippolyte Le Breton,
Nxb Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005)…
Thứ hai, để tiếp tục cập nhật và bổ sung đối tượng nghiên cứu, chúng tôi sử
dụng các tư liệu tự sưu tầm được tại các địa phương khác nhau trên đất Nghệ An
qua các chuyến điều tra điền dã thực hiện vào năm 2006, 2008, 2009. Năm 2006,
chúng tôi thực hiện hai chuyến điền dã về những ngôi đền quan trọng bậc nhất của

xứ Nghệ. Từ ngày 12 - 15/3/2006, chúng tôi làm việc với Ban quản lý Di tích danh
thắng tỉnh Nghệ An và tham dự lễ hội đền Công. Từ ngày 23 - 30/ 5/2006, chúng tôi
đi khảo sát các cụm di tích liên quan đến truyền thuyết Mai Hắc Đế ở huyện Nam
Đàn và truyền thuyết Lý Nhật Quang ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Di tích liên
quan đến truyền thuyết Mai Hắc Đế mà chúng tôi đã khảo sát gồm: đền vua Mai ở
thị trấn Nam Đàn; khu lăng mộ ở xã Vân Diên; mộ thân mẫu Mai Hắc Đế ở xã Nam
Thái. Tại đền vua Mai, chúng tôi có tiếp xúc, phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Ân
(Nam Tân, Nam Đàn), 82 tuổi, là từ đền từ năm 1992 đến 2006. Di tích liên quan
đến truyền thuyết Lý Nhật Quang mà chúng tôi đã khảo sát gồm: đền Quả (thờ Lý
Nhật Quang) ở xã Bồi Sơn, chùa Bà Bụt ở xã Lam Sơn. Tại các di tích này, chúng
tôi đã tiếp xúc, trò chuyện với: cụ Nguyễn Cảnh Truật (xóm 5, Bồi Sơn), 74 tuổi, là
từ đền Quả; cụ Lê Văn Huân (xóm 7, Bồi Sơn), 78 tuổi; cụ Nguyễn Khắc Hưng
(xóm 3, Bồi Sơn). Năm 2008, chúng tôi thực hiện chuyến điền dã từ thành phố Vinh
lên huyện miền núi Quỳ Hợp. Từ ngày 28 - 1/9, chúng tôi điền dã tại nhiều xã thuộc
huyện Quỳ Hợp. Tại đây, sau khi làm việc với Phòng văn hóa huyện, chúng tôi gặp
gỡ, phỏng vấn một số người nghiên cứu, thầy mo và dân địa phương:


6
- Ông Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang), sinh năm 1962.
- Ông mo Hản Vi Lượng (xã Châu Quang), 85 tuổi.
- Ông Trương Sông Hương (xã Thọ Hợp), 57 tuổi.
- Ông Hà Ngọc Đào (bản Tạt, xã Yên Hợp), 52 tuổi.
- Ông Vi Văn Tỉnh (bản Tạt, xã Yên Hợp), sinh năm 1947.
- Ông Vi Văn Chính (bản Tạt, xã Yên Hợp), sinh năm 1959.
- Ông Lô Văn Vương (bản Tạt, xã Yên Hợp), 67 tuổi.
- Ông Hà Ngọc Đàn (bí thư xã Yên Hợp), 50 tuổi.
- Ông Lương Viết Thoại (bản Còn, xã Châu Quang).
Ngày 2/9, chúng tôi tiếp xúc với nhà giáo Phạm Đức Thớc (80 tuổi) và nhà
nghiên cứu Ninh Viết Giao tại thành phố Vinh. Năm 2009, chúng tôi tiếp tục điền

dã miền Tây Nghệ An vào 31/1/2009 - 6/2/2009. Từ ngày 31/1 đến ngày 4/2, chúng
tôi đi điều tra tại một số bản thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Quỳ Hợp và phỏng
vấn những người dân địa phương sau đây: ông Lương Dương Nga (bản Hiêng, xã
Bắc Sơn), 62 tuổi; ông Vi Văn Thắng (bản Vạn, xã Bắc Sơn), 40 tuổi; ông Vi Văn
Thuyết (bản Tăng, xã Nam Sơn), 69 tuổi. 5/2 - 6/2, chúng tôi đi khảo sát tại đền
Chín Gian ở huyện Quế Phong. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những chuyến đi ngắn
khảo sát một số đền chùa ở Hà Tĩnh như: đền Chợ Củi (thờ ông Hoàng Mười, công
chúa Liễu Hạnh) thuộc huyện Nghị Xuân, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện
Can Lộc)… Cuối năm 2009, từ ngày 15/11 - 22/11, chúng tôi tiếp tục có chuyến
điền dã tới huyện Con Cuông cùng với đoàn nghiên cứu của Viện Dân tộc học.
Trong chuyến đi này, chúng tôi chủ yếu tiếp xúc và phỏng vấn sâu với người Thái
tại bản Thái Sơn, xã Môn Sơn (ông Vi Kim Sinh, 74 tuổi; ông Vi Xuân Bình, 87
tuổi; ông Hà Văn Phán, 79 tuổi; ông Lương Nghiệp, 52 tuổi…). Các chuyến khảo
sát thực địa và tiếp xúc trực tiếp với các trí thức và nhân dân địa phương trên đây đã
đem lại cho chúng tôi nhiều kiến thức quý báu về kho truyện kể dân gian còn lưu
truyền cho đến tận ngày nay.
Bộ phận tư liệu thứ ba mà chúng tôi khảo sát để tìm kiếm truyền thuyết dân
gian xứ Nghệ là các truyện ký thuộc thể loại văn xuôi trung đại như: Lan Trì kiến


7
văn lục (Vũ Trinh, Nxb Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004);
Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ, Nxb Trẻ, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP.
Hồ Chí Minh, 1989)… Ngoài ra, các thần tích của xứ Nghệ đã được sưu tầm và
xuất bản cũng là nguồn tài liệu nghiên cứu của chúng tôi. Về bộ phận này, chúng tôi
chủ yếu khảo sát qua cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (Ninh Viết Giao, Sở
văn hóa thông tin Nghệ An, Vinh, 2000).
Ngoài ra, để thực hiện các so sánh cần thiết trong luận án, chúng tôi cũng sử
dụng thêm một số công trình tư liệu về truyền thuyết dân gian các vùng miền khác
như: Truyền thuyết Lam Sơn (Nguyễn Sơn Anh sưu tầm, biên soạn, Nxb Thanh Hóa,

2005); Văn học dân gian xứ Huế (Vũ Nhị Xuyên sưu tập, biên tập, chú thích,
1995)…
3. Lịch sử vấn đề
Chọn đề tài Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, chúng
tôi định hướng mục tiêu nghiên cứu là tiếp tục giải quyết vấn đề bản chất thể loại
truyền thuyết đã từng được nhiều nhà folklore học quan tâm nghiên cứu thông qua
một vùng truyền thuyết cụ thể. Nói cách khác, nghiên cứu của chúng tôi tập trung
vào một bộ phận truyền thuyết trong giới hạn không gian văn hóa vùng xứ Nghệ.
Như vậy, đề tài này đòi hỏi chúng tôi phải lưu tâm đến hai xu hướng nghiên cứu: xu
hướng nghiên cứu bản chất thể loại truyền thuyết và xu hướng nghiên cứu văn hóa
dân gian (bao gồm các thể loại văn học dân gian) theo vùng. Đây là hai xu hướng
nghiên cứu đã được nhiều nhà nghiên cứu theo đuổi và để lại khá nhiều công trình
được coi là cơ sở ban đầu để chúng tôi tiếp tục tiến hành trong luận án này. Sau đây,
chúng tôi xin điểm lại những nét cơ bản của hai xu hướng, hai vấn đề nghiên cứu
trên đây trong lịch sử nghiên cứu.
3.1. Vấn đề nghiên cứu bản chất thể loại của truyền thuyết
Truyền thuyết dân gian có một số phận khá đặc biệt trong đời sống văn học
dân gian Việt Nam. Kể từ khi thuật ngữ truyền thuyết được Đào Duy Anh nêu ra
trong bài viết “Những truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” đăng trên tạp chí Tri
Tân số 30 năm 1942, rồi được thực sự công nhận vào những năm 50 của thế kỷ XX


8
với các công trình nghiên cứu như: Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956,
Nguyễn Đổng Chi), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957, nhóm Lê Quý Đôn)
và Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957, Nguyễn Đổng Chi, Văn Tân, Hồng
Phong), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1958, Nguyễn Đổng Chi), truyền thuyết
vẫn chưa thể nào xác lập được một vị trí trong nền văn học dân gian Việt Nam bởi
sự bất đồng giữa các nhà nghiên cứu về mặt bản chất thể loại. Dù chưa thực sự tách
bạch được truyền thuyết ra khỏi cổ tích và thần thoại, các công trình trên đây vẫn có

giá trị như là nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu truyền thuyết với tư cách là
một thể loại văn học dân gian độc lập.
Sự bất đồng ý kiến trong cách nhìn nhận truyền thuyết của các học giả thể
hiện rõ vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi hai cuốn giáo trình về Văn học dân
gian của Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp công bố hai quan điểm hoàn toàn
trái ngược về thể loại truyền thuyết. Theo đó, giáo trình của Đại học Sư phạm công
nhận sự tồn tại của thể loại truyền thuyết còn giáo trình của Đại học Tổng hợp do
Đinh Gia Khánh chủ biên lại chỉ coi truyền thuyết là thuật ngữ của sử học chứ
không thuộc phạm trù văn học dân gian. Trong cuốn Văn học dân gian Việt Nam tái
bản năm 2001, tác giả Đinh Gia Khánh vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng:
“…Khi mà các điều truyền thuyết được sắp xếp, liên hệ theo một mạch lạc nào đó
thì có thể hình thành một truyện có đầu có đuôi. Đó thường là truyện cổ tích lịch sử.
Nhưng bản thân những điều truyền thuyết thì chưa phải là tác phẩm văn học, nhất là
vì đại đa số các điều truyền thuyết thường lưu hành trong dân gian một cách tản mát
vụn vặt (…). Các danh từ truyền thuyết và dã sử (…) là không bao hàm giới thuyết
về một thể loại văn học nhất định. Những danh từ ấy nên coi như thuật ngữ sử học,
không nên coi như thuật ngữ văn học dân gian” [97, 270-271]. Luồng ý kiến của
giáo trình Đại học Tổng hợp đã cho thấy sự đa chiều trong cách nhìn nhận truyền
thuyết của giới nghiên cứu đương thời.
Việc nghiên cứu truyền thuyết với tư cách là một thể loại được đặc biệt chú
trọng và đã tạo ra những bước tiến mới trong những năm 70 của thế kỷ XX, với
công trình Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến của tác giả Kiều Thu


9
Hoạch, Nghiên cứu tiến trình của văn học dân gian Việt Nam của tác giả Đỗ Bình
Trị. Đến những năm 90, sự thay đổi hoàn toàn về mặt quan điểm của giáo trình Văn
học dân gian Việt Nam Đại học Tổng hợp do giáo sư Lê Chí Quế chủ biên đã đánh
dấu thêm một cột mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thể loại truyền thuyết khi
thể loại này được thừa nhận tồn tại độc lập. Năm 1996, dưới góc độ quan sát mối

quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội, cuốn sách Mối quan hệ giữa truyền thuyết
người Việt và hội lễ về các anh hùng của Lê Văn Kỳ đã góp thêm một tiếng nói
trong việc xác nhận ý nghĩa và vị trí của truyền thuyết trong đời sống văn học dân
gian Việt Nam.
Lịch sử nghiên cứu bản chất thể loại truyền thuyết tiếp tục thu được thành
tựu vào năm 2000, khi tác giả Trần Thị An bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ mang tên
Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết. Trong công trình nghiên cứu
của mình, bằng những phân tích, đối chiếu kỹ lưỡng, tác giả Trần Thị An đã đề xuất
bổ sung hai tiêu chí phân loại có khả năng hữu hiệu trong việc phân tách truyền
thuyết ra khỏi các hình thức tự sự dân gian khác (thần thoại, cổ tích), đó là “loại
hình nội dung dân tộc - lịch sử, thiêng hóa thực tại và tôn vinh những giá trị của dân
tộc - lịch sử” [3, 62]. Ngoài ra, tác giả Trần Thị An cũng đã đi sâu phân tích một số
đặc điểm thi pháp của truyền thuyết dân gian Việt Nam, qua đó khẳng định mạnh
mẽ hơn sự tồn tại độc lập của thể loại này trong đời sống văn học dân gian nói
chung. Việc tiến hành nghiên cứu quá trình văn bản hóa truyền thuyết dân gian
trong sử, thần tích và văn xuôi trung đại của tác giả Trần Thị An trong luận án này
đã góp phần làm sáng rõ diễn biến lưu truyền của thể loại truyền thuyết. Đây là một
cơ sở quan trọng để chúng tôi thực hiện những nghiên cứu cụ thể về diễn biến lưu
truyền truyền thuyết trên đất Nghệ.
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, các nghiên cứu về truyền thuyết
xuất hiện rải rác dưới dạng các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành
hoặc các luận văn, luận án với cách tiếp cận từ một cốt truyện, một chủ đề cụ thể
hay một vùng truyền thuyết cụ thể. Có thể kể đến luận án tiến sĩ của Phạm Tiết
Khánh bảo vệ năm 2007 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài: Khảo sát


10
truyện kể dân gian Khơme Nam Bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích).
Tuy chưa phải là một nghiên cứu chuyên biệt về thể loại truyền thuyết song luận án
này đã đặt vấn đề truyền thuyết của người Khơme Nam Bộ như một phần quan

trọng trong tổng thể kết cấu luận án, từ đó đưa ra những nhận định cụ thể và những
lý giải sâu sát về thể loại truyền thuyết của người Khơme Nam Bộ. Luận án này đã
góp thêm một cái nhìn mang tính địa phương, cụ thể cho thể loại truyền thuyết ở
Việt Nam. Năm 2008, tác giả Trần Thị An viết bài “Sự hình thành truyền thuyết dân
gian - Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị thánh nương (qua các nguồn thư
tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng)” in trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo quốc tế
Việt Nam học lần thứ ba. Từ một truyền thuyết cụ thể, tác giả đã có những khái quát
có trọng lượng về con đường hình thành của truyền thuyết dân gian nói chung. Năm
2010, luận án tiến sĩ Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp
ở Nam Bộ (1858 - 1918) của Võ Phúc Châu bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh đã góp thêm một cái nhìn cụ thể và tường tận về thể loại
truyền thuyết thông qua một nhóm truyền thuyết ở một vùng văn hóa.
Ngoài ra, việc sưu tầm truyền thuyết dân gian cũng dần dần thu được nhiều
thành tựu. Trong các tuyển tập truyện dân gian ở các địa phương, một phần không
thể thiếu là bộ phận truyền thuyết dân gian. Các bộ tuyển tập văn học dân gian đã
sưu tập được nhiều truyền thuyết dân gian. Gần đây nhất, hai tập Truyền thuyết dân
gian người Việt do GS. Kiều Thu Hoạch, TS. Trần Thị An và TS. Mai Ngọc Hồng
biên soạn (thuộc bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt) đã sưu tập được một
khối lượng lớn các truyền thuyết dân gian ở địa phương cũng như các truyền thuyết
dân gian được ghi chép vào kho tàng văn xuôi trung đại và kho thần tích.
3.2. Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian vùng Nghệ Tĩnh
Hướng nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa đang trở thành một
hướng nghiên cứu mang lại nhiều kết quả và có ý nghĩa thực tiễn cao. Hướng
nghiên cứu này đã được không ít các nhà nghiên cứu theo đuổi. Năm 1978, tác giả
Hoàng Tiến Tựu trong bài viết Về phân vùng văn học dân gian và ý nghĩa phương
pháp luận của nó đăng trên tạp chí Dân tộc học số 2 đã đề cập trực tiếp đến vấn đề


11
này. Trong bài viết này, tác giả Hoàng Tiến Tựu đã nhấn mạnh những lợi ích có ý

nghĩa phương pháp luận đối với khoa nghiên cứu văn học dân gian mà việc phân
vùng có thể mang lại. Ông cho rằng: “Việc phân vùng văn học dân gian nếu được
giải quyết tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà nghiên cứu đặt tác phẩm văn học
dân gian vào địa bàn sinh thành, tồn tại và phát triển của nó. Từ đó lần ra sự diễn
biến của các tác phẩm, các thể loại văn học dân gian của từng vùng” [166, 2]. Khi
đề ra tiêu chí phân vùng và các đơn vị phân vùng, tác giả đã đưa ra bốn đơn vị cơ
bản là làng, vùng văn học dân gian, khu vực văn học dân gian và miền văn học dân
gian. Trong phần định nghĩa về vùng văn học dân gian, Hoàng Tiến Tựu lấy Nghệ
Tĩnh làm ví dụ: “vùng văn học dân gian là một đơn vị văn học dân gian tương đối
hoàn chỉnh gồm những làng có phong cách chung (giống nhau hoặc gần nhau) về
văn học dân gian, về ngôn ngữ, về phong tục, tín ngưỡng, về hoàn cảnh lịch sử, địa
lý… Ví dụ hầu hết các làng xóm người Việt ở rải rác từ Khe Nước Lạnh đến đèo
Ngang đều thuộc vùng văn học dân gian Nghệ Tĩnh” [166, 5]. Tác giả cũng không
quên lưu ý về sự khác biệt của việc phân vùng văn học dân gian và việc phân vùng
từng thể loại văn học dân gian cụ thể. Theo đó, đường biên giới của hai kiểu phân
vùng trên đây có thể trùng khít hoặc lệch nhau tùy trường hợp cụ thể. Trong phần
đề xuất phương án phân vùng văn học dân gian, tác giả Hoàng Tiến Tựu coi Nghệ
Tĩnh là “khu vực sông Lam” - một vùng văn học dân gian bên cạnh khu vực sông
Gianh - sông Hương của miền Trung. Bài viết của tác giả Hoàng Tiến Tựu dù như
lời tác giả - mới chỉ là “những suy nghĩ bước đầu (…), một lời đề nghị bước đầu và
một sự trưng cầu ý kiến thiết tha đối với một số vấn đề cần được nhiều người quan
tâm tham gia giải quyết” [166, 13] song đã nêu lên được những vấn đề cơ bản của
hướng nghiên cứu vùng văn hóa/ văn học dân gian. Nó có ý nghĩa mở đầu và có giá
trị gợi mở cho các nhà nghiên cứu đi theo xu hướng nghiên cứu văn hóa dân gian
theo vùng. Không chỉ vậy, bài viết của tác giả Hoàng Tiến Tựu còn có ý nghĩa đặc
biệt trong lịch sử nghiên cứu vùng văn học dân gian Nghệ Tĩnh khi ông lấy Nghệ
Tĩnh làm ví dụ cho các đề xuất cụ thể của mình.


12

Năm 1981, Hội nghị văn học dân gian miền Trung lần thứ nhất được tổ chức
tại Đà Nẵng với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu văn học dân gian từ
các trường đại học, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam… Các tham luận của hội nghị
này chủ yếu xoay xung quanh các vấn đề vùng/miền văn học dân gian từ lí luận đến
thực tiễn. Trong bài “Tiêu chí phân vùng văn nghệ dân gian”, tác giả Vũ Ngọc
Khánh đã xác định các tiêu chí phân vùng đồng thời đề ra phương án phân vùng văn
nghệ dân gian cho cả nước gồm 7 miền, trong đó, Nghệ Tĩnh là một miền văn nghệ
dân gian. Tác giả Lê Văn Hảo trong bài “Bước đầu so sánh những sắc thái miền
Trung qua bốn vùng dân ca: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên và Nam Trung
Bộ” cũng cho rằng: Nghệ Tĩnh là một trong bốn vùng văn hóa dân gian của miền
Trung, đồng thời cũng là một vùng dân ca có sắc thái riêng độc đáo [76, 19]. Những
nhận định như vậy là cơ sở để chúng tôi tiến hành nghiên cứu truyền thuyết dân
gian trong không gian xứ Nghệ - một không gian văn hóa dân gian đặc trưng.
Năm 1984, Nguyễn Đổng Chi cùng với các nhà nghiên cứu khác (Ninh Viết
Giao, Vũ Ngọc Khánh) đã hoàn thành bản thảo cuốn Địa chí văn hóa dân gian
Nghệ Tĩnh [38] với dung lượng 925 trang song do ông đột ngột qua đời, cuốn sách
này mãi đến hơn chục năm sau (năm 1995) mới được chính thức xuất bản. Dù vậy,
theo đúng mốc thời gian bản thảo cuốn sách hoàn thành, chúng tôi cho rằng cuốn
Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh cũng là một trong những tác phẩm đánh dấu
bước đi tiên phong trong xu hướng nghiên cứu văn hóa dân gian theo vùng. Cuốn
sách này thông qua việc khảo sát, đánh giá tổng quan một vùng văn hóa - vùng
Nghệ Tĩnh đã cụ thể hóa hướng nghiên cứu văn hóa dân gian theo vùng, đồng thời
chứng minh được hiệu quả thiết thực của hướng nghiên cứu này trong ngành
folklore. Đặc biệt, trong cuốn sách này, ở phần Truyện kể dân gian [38, 191-251] do
nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao viết, lần đầu tiên, truyền thuyết dân gian xứ Nghệ
được sơ lược tìm hiểu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có ý thức phân loại các thể loại
văn học dân gian của xứ Nghệ (với các tiểu mục riêng cho từng thể loại như: thần
thoại, tiên thoại, truyện cười, giai thoại, ngụ ngôn…), Ninh Viết Giao vẫn chỉ dành
một tiểu mục chung cho hai thể loại cổ tích và truyền thuyết. Điều này cho thấy tác



13
giả chưa thật sự phân định rõ hai thể loại này trong kho tàng truyện kể dân gian xứ
Nghệ. Trong tiểu mục Cổ tích và truyền thuyết, khi đưa ra các ví dụ cụ thể cho từng
nhận định, lẽ ra phải chỉ rõ truyện nào là cổ tích, truyện nào là truyền thuyết thì tác
giả Ninh Viết Giao lại cố tình sử dụng thuật ngữ kép “cổ tích truyền thuyết” thay
cho từng thuật ngữ đơn lẻ. Như vậy, dù đã được xác nhận thân phận trong cuốn
sách trên đây song truyền thuyết dân gian xứ Nghệ vẫn chưa được xác định được vị
thế riêng trong kho tàng văn học dân gian Nghệ Tĩnh.
Năm 1986, Viện Văn hóa tổ chức Hội thảo khoa học về phân vùng văn hóa -
một sinh hoạt học thuật đánh dấu quy mô rộng lớn của vấn đề phân vùng văn hóa
trong đời sống khoa học. Các bài viết được công bố trong hội thảo này là những
minh chứng rõ ràng cho sự quan tâm của học giới đối với vấn đề văn hóa vùng.
Năm 1993, nhà Nghệ học Ninh Viết Giao cho ra đời bộ sách Kho tàng truyện
kể dân gian xứ Nghệ gồm bốn tập - là bộ sách sưu tầm có quy mô và hệ thống đầu
tiên về truyện kể dân gian xứ Nghệ. Đây là cơ sở tư liệu quan trọng để chúng tôi
tiến hành nghiên cứu luận án này. Tuy được chia làm bốn tập (gồm: tập I: truyện kể
dân gian của người Việt ở xứ Nghệ; tập II: Truyện kể dân gian của bà con các dân
tộc ít người ở miền núi xứ Nghệ; tập III: Truyện cười dân gian xứ Nghệ; tập IV:
Giai thoại văn học xứ Nghệ) song dường như đó chỉ là cách phân chia để hợp lý hóa
dung lượng cho mỗi tập chứ không phải là sự phân chia mang tính khoa học theo
thể loại cụ thể. Bởi vì rõ ràng nhìn vào chủ đề của mỗi tập sách, chúng ta có thể
thấy sự bất nhất trong tiêu chí. Trong hai tập I và II, Ninh Viết Giao không đưa ra
bất kỳ thể loại cụ thể nào mà gọi chung các mẩu truyện được ông sưu tầm là truyện
kể dân gian. Với tình trạng như vậy, bộ Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ mới
làm nhiệm vụ tập hợp tư liệu truyện kể dân gian trong giới hạn vùng văn hóa xứ
Nghệ chứ chưa phân loại tư liệu ấy thành các thể loại cụ thể khác nhau. Do đó, hệ
thống tư liệu mà bộ sách này đem lại vẫn còn ở dạng sơ khai. Để sử dụng trong luận
án này, các truyện kể dân gian ấy còn cần phải trải qua quá trình lựa chọn của chúng
tôi. Tuy đây là một công trình tư liệu song tác giả cũng đã có ý thức nghiên cứu khi

viết phần Tổng luận về kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ. Tuy nhiên, bài tổng


14
luận này lại được phát triển trên cơ sở phần viết về Truyện kể dân gian trong cuốn
Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh do chính Ninh Viết Giao chấp bút cho nên về
mặt nội dung, chúng hoàn toàn trùng khớp. Vấn đề phân loại kho tàng truyện kể dân
gian xứ Nghệ không có bước tiến gì mới so với bài viết của chính tác giả trong cuốn
sách địa chí do Nguyễn Đổng Chi chủ biên. Vì tình trạng “dẫm chân tại chỗ” ấy về
phương diện nghiên cứu, Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ chỉ có ý nghĩa đơn
thuần về mặt tư liệu nghiên cứu đối với luận án của chúng tôi.
Năm 1993, tác giả Ngô Đức Thịnh chủ biên cuốn Văn hóa vùng và phân
vùng văn hóa ở Việt Nam (năm 2004 sửa chữa và in lại thành Văn hóa vùng và phân
vùng văn hóa Việt Nam). Trong cuốn này, Ngô Đức Thịnh đưa ra một hệ thống lý
thuyết khái niệm căn bản và các hướng nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới; từ
đó, ông đề xuất phương án phân vùng văn hóa ở Việt Nam với những mô tả, phân
tích cụ thể từng vùng, tiểu vùng văn hóa. Có thể nói cuốn sách này đã cung cấp
những bản lề kiến thức về xu hướng nghiên cứu văn hóa theo vùng, là kim chỉ nam
dẫn đường cho các nhà nghiên cứu muốn đi sâu tìm hiểu văn hóa các địa phương cụ
thể. Tác giả Ngô Đức Thịnh đã dành hẳn một chương (chương 8) để viết về xứ
Nghệ như một tiểu vùng văn hóa - theo cách quan niệm về phân vùng văn hóa Việt
Nam của ông. Xứ Nghệ hiện lên trong cuốn sách này ở dạng khái quát nhất ở mọi
đặc trưng về các phương diện lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn học dân gian… Ở cuốn
sách có tính chất của một giáo trình chuẩn mực như thế này, tính định hướng và
khái quát được đặt lên hàng đầu nên chúng ta không thể đòi hỏi tác giả phân tích
thật kỹ về từng vùng văn hóa/ văn học dân gian cụ thể. Dẫu sao, những nét khái
lược về văn học dân gian xứ Nghệ được tác giả đề cập đến trong cuốn sách cũng là
những tài liệu quý báu đối với chúng tôi trong hành trình khám phá kho tàng truyền
thuyết dân gian xứ Nghệ.
Năm 1994, hội thảo khoa học Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ

trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước do Hội Văn nghệ dân
gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam
1
và Hội Văn nghệ dân

1
Nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa


15
gian Nghệ An phối hợp tổ chức đã quy tụ được khá nhiều bài viết về văn hóa dân
gian xứ Nghệ. Ngoài bài viết có tầm bao quát rộng về vùng văn hóa dân gian Nghệ
Tĩnh của tác giả Đinh Gia Khánh: “Thử tìm hiểu cơ sở lịch sử xã hội của vùng văn
hóa dân gian Nghệ Tĩnh”, các bài viết còn lại đều đi vào nghiên cứu những vấn đề
cụ thể của văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Có thể kể đến các bài viết như: “Văn hóa
dòng họ: từ những nét chung đến một trường hợp cụ thể, họ Cương quốc công
Nguyễn Xí tại Nghi Lộc, Nghệ An” của tác giả Nguyễn Đình Chú; “Văn học dân
gian trong các nghề thủ công truyền thống ở xứ Nghệ” của tác giả Hoàng Anh Tài;
“Vài suy nghĩ về các thần tích ở Nghệ An trong kho tư liệu Hán Nôm” của tác giả
Đỗ Thị Hảo; “Lễ hội dân gian ở Nghệ An: truyền thống và hiện đại” của tác giả Lê
Hồng Lý… Các tham luận này đã đụng chạm đến nhiều mặt khác nhau của vùng
văn hóa xứ Nghệ, góp phần làm sáng rõ diện mạo văn hóa xứ Nghệ trong không
gian văn hóa Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Với một số lượng lớn
các bài tham luận có liên quan đến vùng văn hóa xứ Nghệ, hội thảo này đã đặt một
dấu mốc khá quan trọng trong lịch sử nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ.
Năm 1998, giáo sư Trần Quốc Vượng xuất bản cuốn sách Việt Nam cái nhìn
địa - văn hóa [176] bao gồm những bài viết được in rải rác trong nhiều giai đoạn
khác nhau dưới cùng một kiểu tiêu đề - biểu hiện của một dòng tư tưởng, một lý
thuyết về văn hóa vùng do giáo sư Trần Quốc Vượng thực hiện. Trong đó, tác giả
khám phá đặc điểm, cá tính văn hóa của các vùng đất khác nhau trên đất nước Việt

Nam. Đây chính là một cách thể hiện sự tham gia tích cực vào trào lưu nghiên cứu
văn hóa theo vùng. Trong cuốn sách này, hai bài viết “Một cái nhìn địa văn hóa về
xứ Nghệ trong bối cảnh miền Trung” [176, 281-289] và “Hà Tĩnh từ xa xưa… và
nhìn từ Hà Nội” [176, 290-293] đã nêu lên những nét cơ bản đặc trưng của vùng
văn hóa xứ Nghệ với một lối viết thiên về chất báo chí. Dẫu sao, dưới ngòi bút tài
hoa của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, xứ Nghệ đã được thêm một lần toát lên
nét văn hóa riêng trong bối cảnh văn hóa chung.
Năm 2004, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao xuất bản cuốn Về văn học dân
gian xứ Nghệ, chủ yếu tập hợp, chỉnh lý lại các cuốn sách, bài viết ông đã viết trước


16
đây làm thành một cuốn. Ở chương II mang tên Truyện kể, Ninh Viết Giao đã có
một cái nhìn đại cương về truyện kể dân gian xứ Nghệ. Nội dung chủ yếu của phần
này hầu như trùng khớp với bài viết trong cuốn Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh
(1984) và Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (1993). Tuy nhiên, bài viết này đã
có một thay đổi đáng kể khi tác giả Ninh Viết Giao bước đầu phân biệt truyền
thuyết và cổ tích bằng hai tiểu mục riêng. Bàn về truyền thuyết xứ Nghệ trong phần
này, Ninh Viết Giao chủ yếu liệt kê những truyền thuyết trên đất Nghệ qua quá trình
lịch sử chứ chưa đi đến những nhận định chung hơn về tính chất, đặc điểm… của
thể loại này trong không gian văn hóa xứ Nghệ. Dù vậy, đây vẫn là một trong
những tiền đề quan trọng để chúng tôi nghiên cứu đề tài này.
Cùng với trào lưu viết địa chí của các địa phương, hướng nghiên cứu này tỏ ra
càng ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong lĩnh vực văn học dân
gian, xu hướng nghiên cứu theo vùng đã cho ra đời nhiều công trình có giá trị phục hồi
vốn cổ ở các địa phương cụ thể. Riêng văn hóa dân gian xứ Nghệ - một miền đất hứa
từng được đề cập một cách khái lược trong các cuốn sách địa chí xưa (như: Nghệ An ký,
An Tĩnh cổ lục,…) thì mới chỉ có những bài viết lẻ tẻ khai thác (như bài “Bước đầu tìm
hiểu truyền thống chống giặc phương Bắc trong truyện dân gian vùng Nghệ Tĩnh” của
tác giả Hoàng Minh Đạo in trong kỷ yếu Hội nghị văn học dân gian miền Trung lần thứ

nhất, 1985; bài viết “Về vốn múa nhảy trong các dân tộc ít người thuộc vùng miền núi
Nghệ Tĩnh” của tác giả Hoàng Thọ đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số 3 năm 1987;
bài viết “Sự khác nhau giữa ca dao xứ Nghệ và xứ Bắc” của Nguyễn Phương Châm đăng
trên tạp chí Văn hóa dân gian số 3 năm 1997; bài viết “Về một loại văn học dân gian lưu
truyền ở xứ Nghệ - sấm ngữ” của Hồ Hữu Phước đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số
4 năm 1998 …). Các bài viết này đề cập đến những thể loại, hình thức khác nhau của đời
sống văn hóa dân gian xứ Nghệ như: ca dao, múa, sấm ngữ… Riêng mảng truyền thuyết
dân gian xứ Nghệ chỉ có bài của tác giả Hoàng Minh Đạo đề cập đến một cách không
trực tiếp. Mảng thể loại truyền thuyết trong giới hạn văn hóa vùng xứ Nghệ thể hiện sự
trống vắng trên cả hai phương diện: phương diện tư liệu lẫn phương diện nghiên cứu.
Đây là một khó khăn đối với chúng tôi. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu của các


17
nhà nghiên cứu đi trước về truyền thuyết dân gian nói chung và về vùng văn hóa dân
gian Nghệ Tĩnh đã được chúng tôi liệt kê trên đây sẽ là những gợi ý bổ ích và quý báu
cho chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này.
4. Phương pháp nghiên cứu:
4.1. Phương pháp hệ thống, thống kê, phân loại: Chúng tôi sẽ tiến hành tập
hợp đến mức tối đa các bản kể truyền thuyết dân gian ở Nghệ Tĩnh và có gắng sưu
tầm thêm những truyền thuyết dân gian lưu truyền ở địa phương. Trên cơ sở đó,
chúng tôi sẽ tiến hành phân loại các thể loại truyền thuyết Nghệ Tĩnh thành các tiểu
loại, dựa vào đặc trưng thể loại truyền thuyết và dựa vào đặc điểm của truyền thuyết
dân gian địa phương này.
4.2. Phương pháp điều tra thực địa: Đây sẽ là một phương pháp quan trọng
mà chúng tôi tiến hành khi thực hiện đề tài. Vì thời gian có hạn, chắc chắn chúng tôi
không thể tiến hành điền dã ở bất cứ nơi nào lưu hành truyền thuyết dân gian ở
Nghệ Tĩnh mà sẽ chỉ lựa chọn những địa điểm gắn với những truyền thuyết và lễ
hội dân gian tiêu biểu trên đất Nghệ Tĩnh.
4.3. Phương pháp liên ngành: Hơn bất cứ thể loại nào truyền thuyết là thể

loại có mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, phong tục, lễ hội…Vì vậy, chúng tôi sẽ sử
dụng phương pháp liên ngành trong luận án để xem xét truyền thuyết dân gian dưới
nhiều góc độ để có được một cái nhìn tổng thể và toàn diện về bộ phận truyền
thuyết dân gian ở Nghệ Tĩnh.
4.4. Phương pháp phân tích: phương pháp này được chúng tôi sử dụng
thường xuyên để phân tích các mẩu truyện, các motif theo đặc trưng thể loại nhằm
chứng minh cho các luận điểm mà luận án nêu ra.
4.5. Phương pháp so sánh: để thấy được vị thế và đặc trưng của kho tàng
truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, ngoài việc tiến hành khảo sát, phân tích bản thân
đối tượng, chúng tôi còn sử dụng phương pháp so sánh. Sử dụng phương pháp này,
chúng tôi đặt truyền thuyết dân gian xứ Nghệ bên cạnh truyền thuyết các vùng văn
hóa khác để thấy rõ những điểm tương đồng và dị biệt về nội dung và hình thức thể
loại giữa chúng, từ đó làm nổi bật nét đặc sắc của kho truyền thuyết xứ Nghệ.


18
5. Đóng góp của luận án:
Quá trình khảo sát, nghiên cứu một cách toàn diện thể loại truyền thuyết
trong không gian văn hóa xứ Nghệ trên các góc độ khác nhau, từ các vấn đề thuộc
hệ thống thi pháp thể loại cho đến mối quan hệ với lễ hội, mối quan hệ với các di
tích vật thể, mối tương quan so sánh với truyền thuyết các vùng văn hóa khác, luận
án của chúng tôi sẽ đem lại những đóng góp sau:
5.1. Lần đầu tiên trình bày một cái nhìn hệ thống về truyền thuyết dân gian
xứ Nghệ với các số liệu thống kê tương đối đầy đủ và sự phân loại rõ ràng về đối
tượng này. Qua đó, luận án của chúng tôi góp phần bổ sung tư liệu cho việc nghiên
cứu và giảng dạy truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung.
5.2. Luận án góp phần tái khẳng định, củng cố hệ thống thi pháp thể loại của
truyền thuyết dân gian bằng các phân tích và dẫn chứng cụ thể từ kho tàng truyền
thuyết dân gian xứ Nghệ.
5.3. Luận án của chúng tôi sẽ tái dựng diễn biến lưu truyền của truyền thuyết

dân gian xứ Nghệ thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa truyền thuyết
dân gian và lễ hội dân gian, truyền thuyết dân gian và các di tích vật thể, truyền
thuyết đã được sưu tầm, văn bản hóa và truyền thuyết đang sống bằng hơi thở của
dân gian.
5.4. Luận án sẽ bước đầu phác thảo những nét đặc trưng của truyền thuyết
dân gian xứ Nghệ thông qua việc chỉ ra những tương đồng và dị biệt của chúng với
truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung.
6. Cấu trúc của luận án:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án sẽ gồm
3 chương sau:
- Chương I: Tổng quan về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ.
- Chương II: Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ nhìn từ đặc trưng thể loại
- Chương III: Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong không gian văn hóa
xứ Nghệ



19
NỘI DUNG

CHƯƠNG I
TỔNG QUAN VỀ TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ

1.1. Diện mạo chung của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ
Truyền thuyết dân gian luôn mang vẻ mặt của văn hóa xứ sở - nơi tạo sinh ra
nó. Bằng khả năng mã hóa các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử và các địa danh
lịch sử vào những cấu trúc hoang đường, truyền thuyết là thể loại hiếm hoi thu hút
vào nó vẻ đa chiều của các sắc thái văn hóa địa phương, đồng thời đắp bồi liên tục
những biến ảo không ngừng của văn hóa dân gian địa phương ấy trong không gian
và thời gian. Dường như, truyền thuyết đã nắm bắt được cái mạch sống vĩnh viễn

của truyện kể dân gian để trở nên một sinh thể đặc biệt tích tụ điệp trùng sự sống,
vừa giấu diếm trong mình vẻ cổ xưa bí ẩn lại vừa phô diễn một vẻ tươi tắn tân thời.
Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ cũng được nhuộm màu văn hóa vùng miền đặc
trưng, từ những chi tiết tỉ mỉ nhất cho đến cái nhìn toàn cảnh. Nó như một khung
cửa sổ mở ra bao la những tầng trời văn hóa của xứ sở gió Lào, cát trắng. Nói một
cách giản dị hơn, diện mạo của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ cũng là diện mạo
văn hóa xứ Nghệ.
1.1.1 Số lượng truyền thuyết dân gian xứ Nghệ
Truyền thuyết cũng như hầu hết các thể loại văn học dân gian khác do đặc
trưng về chủ thể sáng tạo và lưu truyền nên vẫn luôn là một sinh mạng vừa mong
manh, vừa mạnh mẽ, dai dẳng. Sinh mạng ấy mong manh bởi nó phụ thuộc vào trí
nhớ và khả năng tri nhận, lưu giữ, truyền đạt, phát triển của tâm thức cộng đồng.
Sinh mạng ấy lại cũng căng tràn sinh lực bởi nó được tiếp nhận năng lượng từ mạch
sáng tạo tinh thần không ngơi nghỉ của dân gian. Tâm thức dân gian chứa đựng
trong nó muôn vàn giá trị của nhân dân song không phải giá trị nào cũng được lưu
chứa vĩnh viễn. Ký ức dân gian sẽ lãng quên nhanh chóng những giá trị cũ kỹ và


20
không phù hợp với tư tưởng dân gian, mặt khác sẽ bồi tụ tập trung vào những giá trị
tốt đẹp bằng một quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra không ngừng.
Truyền thuyết không nằm ngoài quy trình tất yếu ấy, song thể loại này dường
như được ưu ái hơn so với các thể loại khác khi sinh mệnh của nó không chỉ đơn
thuần là giá trị phi vật thể như cốt truyện truyền miệng “lời nói gió bay” mà còn có
một mối ràng buộc sinh - tử với những giá trị vật thể hiện hữu như đình, đền, miếu
mạo, địa danh lịch sử, nhân vật lịch sử… Xứ Nghệ lại là một vùng văn hóa nhiều
màu sắc, trải qua bao biến thiên lịch sử và ghi nhận vào tâm thức dân gian một khối
lượng khổng lồ các sự kiện gợi ý sáng tạo. Cộng hưởng vào đó là khả năng lưu
truyền mạnh mẽ qua không gian và thời gian của thể loại truyền thuyết, tạo nên một
bầu khí quyển đậm đặc chất truyền thuyết trên đất Nghệ. Vậy nên, không có gì là

quá khi cho rằng, trên mảnh đất xứ Nghệ “đá núi biết ghi nhận nói năng, cây cỏ biết
cười tươi, sông nước biết gầm thét” [62, 28], “mỗi hòn núi, mỗi khúc sông, mỗi
đoạn đường, mỗi cánh rừng, mỗi mái chợ, mỗi bìa làng, mỗi ngôi đền… ít nhất có
một truyện” [62, 15]. Nói như thế để thấy rằng, truyền thuyết dân gian xứ Nghệ cực
kỳ phong phú và chắc chắn vẫn còn những mẩu truyền thuyết rơi sót đâu đó trong
dân gian chưa từng được bất kỳ nhà sưu tầm văn hóa dân gian nào biết đến. Tuy
nhiên, để tiện việc phân tích và nghiên cứu, chúng tôi buộc lòng phải giới hạn
truyền thuyết dân gian xứ Nghệ bằng một con số cụ thể với độ chính xác nhất định
thông qua một quá trình tập hợp, lọc lựa từ nhiều tuyển tập truyện kể dân gian khác
nhau và sưu tầm từ các cuộc điền dã thực tế ở một số địa phương. Dù đã được thống
kê một cách chính xác nhất có thể nhưng bất kỳ con số nào mà chúng tôi đưa ra
trong phần tổng quan này cũng chỉ mang tính chất tương đối. Để con số mang tính
tương đối ấy có giá trị sử dụng theo đúng mục đích nghiên cứu, chúng tôi đã thực
hiện thống kê dưới một số tiêu chí cụ thể.
1.1.1.1. Tiêu chí thống kê
Trước hết, như phần Mở đầu đã đề cập, do đối tượng nghiên cứu - thể loại
truyền thuyết tương đối phức tạp về mặt định nghĩa, dễ khiến người nghiên cứu lạc
bước sang lãnh địa của thần thoại hay là cổ tích cho nên, tiêu chí được chúng tôi lưu

×