Tải bản đầy đủ (.pdf) (162 trang)

Song Tinh Bất Dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.15 MB, 162 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN







TRẦN THANH THUỶ





SONG TINH BẤT DẠ VÀ BƯỚC KHỞI ĐẦU
CỦA TRUYỆN NÔM BÁC HỌC





LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC







Hà Nội – 2009


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






TRẦN THANH THUỶ



SONG TINH BẤT DẠ VÀ BƯỚC KHỞI ĐẦU
CỦA TRUYỆN NÔM BÁC HỌC





Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC


Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Ngọc Vương





Hà Nội – 2009


1
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 3
1. Lý do chọn đề tài 3
2. Mục đích nghiên cứu 5
3. Lịch sử vấn đề 6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 10
5. Phương pháp nghiên cứu 10
6. Cấu trúc luận văn 11
NỘI DUNG 13
CHƯƠNG 1: TRUYỆN NÔM, MỘT CÁI NHÌN TRÊN TRỤC LỊCH SỬ 13
1.1. Về một số khái niệm và thuật ngữ liên quan đến truyện Nôm 13
1.1.1. Truyện Nôm 13
1.1.2. Truyện Nôm bác học 14
1.2. Truyện Nôm - cơ sở hình thành và quá trình phát triển 15
1.2.1. Cơ sở hình thành 15
1.2.2. Quá trình phát triển 34
CHƯƠNG 2: SONG TINH BẤT DẠ TRONG BỐI CẢNH HÌNH THÀNH THỂ LOẠI
TRUYỆN NÔM BÁC HỌC 37
2.1. Khái lược về tác giả, tình trạng văn bản và tác phẩm 37
2.1.1. Tác giả 37
2.1.2. Tình trạng văn bản 38
2.1.3. Tác phẩm 39
2.2. Một số bình diện nghệ thuật của tác phẩm Song Tinh Bất Dạ 41
2.2.1. Cốt truyện - Kết cấu 42
2.2.2. Nhân vật 47

2.2.3. Ngôn ngữ 64


2
CHƯƠNG 3: LÝ GIẢI VỀ SỰ XUẤT HIỆN VÀ VAI TRÒ CỦA SONG TINH BẤT DẠ
TRONG DÒNG CHẢY CỦA TRUYỆN NÔM BÁC HỌC 117
3.1. Về sự xuất hiện của truyện Nôm bác học Song Tinh Bất Dạ ở Đàng Trong 117
3.1.1. Cơ sở lịch sử - xã hội 117
3.1.2. Văn hóa - văn học 125
3.2. Về sự đứt đoạn của truyện Nôm từ sau Song Tinh Bất Dạ 135
KẾT LUẬN 147
TÀI LIỆU THAM KHẢO 153


3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Cùng với ngâm khúc, hát nói, truyện Nôm là một trong ba thể loại
văn học đặc biệt làm nên bản sắc riêng, diện mạo riêng của văn học trung đại
Việt Nam trong bối cảnh văn hóa khu vực đồng văn Trung Hoa. Tất nhiên,
nền văn học Đông Á cũng có sự hiện tồn, phát triển của thể loại truyện thơ -
như truyện thơ Ấn Độ, Thái Lan, Cămpuchia, truyện thơ các dân tộc thiểu số
miền Nam Trung Quốc… Nhưng truyện thơ Nôm (hay còn gọi truyện Nôm),
lại là sáng tạo riêng, phong vị riêng, hình thành trên cơ sở chữ viết riêng của
dân tộc Việt. Do vậy, mỗi một công trình nghiên cứu về truyện Nôm không
chỉ có giá trị như một công trình nghiên cứu văn học mà còn là một công trình
văn hóa - tìm hiểu về không khí văn hóa, không gian văn hóa của cả một thời
đại. Điều này lý giải vì sao đây từng là nguồn đề tài hấp dẫn đối với rất nhiều
công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, những người say mê truyện Nôm
và các nghiên cứu sinh. Thành quả nghiên cứu, cũng theo đó mà ngày một

thêm dày dặn. Do vậy, khi đặt vấn đề tìm hiểu một tác phẩm cụ thể thuộc loại
này, chúng tôi hy vọng sẽ góp một tiếng nói vào diễn trình nghiên cứu truyện
Nôm vốn đã, đang và có lẽ sẽ vẫn còn sức hấp dẫn đối với những người quan
tâm đến di sản văn học của ông cha.
1.2. Theo nguồn tư liệu hiện có, Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu
Hào được coi là truyện Nôm bác học đầu tiên xuất hiện ở Đàng Trong, đồng
thời cũng là truyện Nôm bác học có tên tác giả đầu tiên trong nền văn học
Việt Nam. Cùng với ba tác phẩm Truyện Hoa tiên, Truyện Kiều, Truyện Lục
Vân Tiên, Song Tinh Bất Dạ được coi là một trong những mốc lớn của thể tài
truyện thơ bác học; trong đó, Song Tinh Bất Dạ và Truyện Hoa tiên là những


4
dấu son khởi đầu cho sự hình thành thể loại (lần lượt ở Đàng Trong và Đàng
Ngoài); Truyện Kiều là đỉnh cao, “tập đại thành” của truyện Nôm nói riêng và
văn học cổ Việt Nam nói chung; Truyện Lục Vân Tiên là dấu chấm, khép lại
một thời vàng son mà thể truyện Nôm từng ngự trị trên văn đàn dân tộc trong
các thế kỷ XVIII - XIX.
Thế nhưng, mặc dù là một thành tựu rất có ý nghĩa đối với lịch sử văn
học dân tộc, song cho đến nay, ngoài nguồn cứ liệu văn học sử, hầu như chưa
có những công trình quy mô lớn nghiên cứu về vai trò của tác phẩm này trong
dòng chảy truyện Nôm bác học nói riêng và trong nền văn học dân tộc nói
chung. Điều này giúp cho chúng tôi nhận thấy, đặt vấn đề nghiên cứu Song
Tinh Bất Dạ trong sự tương giao với các tác phẩm truyện Nôm bác học trong
một công trình nghiên cứu chuyên biệt là một việc làm cần thiết và có thể ít
nhiều ý nghĩa.
1.3. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, tuy đến thời điểm này, Song Tinh
Bất Dạ vẫn được coi là nấc khởi đầu của dòng truyện Nôm bác học song
trên thực tế vẫn có rất ít người biết đến sự tồn tại của tác phẩm. Ngay cả
trong các chương trình giảng dạy chuyên sâu ở các bậc cao đẳng, đại học,

thậm chí là sau đại học, Song Tinh Bất Dạ hầu như không được nhắc đến,
hoặc nếu có thì cũng chỉ là điểm qua một cách sơ sài, không mấy ấn tượng.
Với công trình nghiên cứu này, chúng tôi hy vọng có thể phần nào bổ khuyết
cho “chỗ trống” đó.
Từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Song Tinh Bất
Dạ” và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học. Hy vọng rằng công việc này
sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về thể tài truyện Nôm, thông qua đó xác định
được một cách rõ nét và hệ thống về vị trí, vai trò, mức độ ảnh hưởng của tác
phẩm đối với sự hưng thịnh của thể loại.


5
2. Mục đích nghiên cứu
2.1. Khi thực hiện công trình này, mục đích đầu tiên của chúng tôi là
tìm hiểu những đặc điểm nội dung, nghệ thuật của Song Tinh Bất Dạ. Qua đó
thấy được những nét “đại đồng tiểu dị” của tác phẩm trong mối tương quan
với thi pháp thể loại: đâu là đặc điểm chung, đâu là sáng tạo của tác giả
Nguyễn Hữu Hào, đâu là những yếu tố mang nét riêng biệt của văn hóa - lịch
sử Đàng Trong. Mục đích gần nhất là tìm ra những yếu tố mang tính “khởi
đầu” của tác phẩm; sự giao thoa với văn học dân gian và sự phát triển tiếp nối
của các tác phẩm truyện Nôm bác học sau đó.
2.2. Cũng qua luận văn này, chúng tôi mong muốn có thể tìm hiểu tại
sao truyện Nôm bác học lại khởi đầu ở Đàng Trong? Liệu chỉ thông qua một
tác phẩm đã đủ để khẳng định trước đó ở Đàng Ngoài chưa hề có sự xuất hiện
của truyện Nôm bác học? Điều cần lưu ý là tác giả Nguyễn Hữu Hào thuộc
dòng dõi sĩ phu Bắc Hà chạy vào Nam thi triển tài năng dưới thịnh triều của
các chúa Nguyễn. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng trước đó ở Đàng Ngoài đã có
đủ những yếu tố tiền đề cho sự xuất hiện của truyện Nôm bác học nhưng phải
đặt trong những điều kiện thuận lợi ở Đàng Trong thì mới thực sự phát triển,
dẫn đến sự xuất hiện của thể loại? Chúng tôi thiết nghĩ, việc tìm ra câu trả lời

cho những vấn đề này sẽ mở ra một cánh cửa để hiểu sâu hơn, không chỉ về
một tác phẩm, một thể loại văn học mà còn về cả một thời đại văn học - văn
hóa của dân tộc.
2.3. Khi đặt vấn đề tìm hiểu “Song Tinh Bất Dạ” và bước khởi đầu của
truyện Nôm bác học, chúng tôi không chỉ có ý định tìm ra dấu hiệu và lý giải
cho sự khởi đầu của thể loại, mà còn hướng đến mục đích: tìm hiểu lý do vì
sao sau Song Tinh Bất Dạ, truyện Nôm tài tử - giai nhân không tiếp tục phát


6
triển ở Đàng Trong mà lại bị gián đoạn một thời gian, rồi sau đó phát triển ở
Đàng Ngoài và những tác phẩm đạt đỉnh cao, có thành tựu lại là sáng tác của
tác giả Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong.
2.4. Mặt khác, chúng tôi cũng có đôi chút băn khoăn, không rõ Song
Tinh Bất Dạ có ảnh hưởng ra Bắc? Hay là truyện Nôm Đàng Ngoài phát triển
một cách hoàn toàn độc lập? Hy vọng trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi
có thể lý giải được phần nào cho hiện tượng này.
3. Lịch sử vấn đề
Theo chúng tôi được biết, hiện nay không có nhiều công trình nghiên
cứu Song Tinh Bất Dạ ngoài những bài giới thiệu về quá trình “định danh”
cho tác phẩm trên tạp chí, lời dẫn đầu sách, hoặc đôi lần được nhắc đến trong
một tiểu mục nghiên cứu về thể loại.
Người đầu tiên thấy trong Đại Nam thực lục tiền biên chép Nguyễn
Hữu Hào là tác giả của Song Tinh Bất Dạ là ông Trần Văn Giáp, vào năm
1943 [70; 78 - 83]. Nhưng người đầu tiên khiến cho giới học thuật chú ý đến
tác phẩm này lại là Đông Hồ Lâm Tấn Phát ở Hà Tiên - một người “sống nơi
đất hẻo” của trời Nôm, nói như nữ sĩ Mộng Tuyết, đã kiên trì suốt 50 năm chỉ
để tìm nguồn cội của quyển truyện Nôm này. Trừ một vài đoạn lẻ tẻ trích
đăng trên báo chí (Tuần báo Nhân loại, từ số 15 năm 1953 đến số 22 năm
1954), mãi năm 1962, Đông Hồ mới cho công bố toàn bộ văn bản lần đầu.

Trước đó khá lâu, vào năm 1942, Đông Hồ có viết một thiên khảo luận dài về
Song Tinh Bất Dạ, gửi đăng Tập san Khai trí Tiến đức số 7 - 8 (sau đăng lại
trên tuần báo Nhân loại số 18, 19, 20, 21 năm 1953 và số 22 năm 1954), kể lại
quá trình tìm thấy bản truyện; rồi đặt ra một giả thuyết cho rằng Truyện Song
Tinh có lẽ là văn phẩm của phái Chiêu Anh Các hòng thu hút sự quan tâm của
các nhà nghiên cứu đối với việc truy tầm tác giả truyện. Lần này, mặc dù chỉ


7
giới thiệu một bản phiên âm quốc ngữ (bản chữ Nôm đề “Gia Long nguyên
niên” mà người bác của Đông Hồ có được từ trước năm 1900 đã bị thất lạc
khi Đông Hồ gửi cho Bùi Kỷ ở Hội Khai trí Tiến đức) mà nội dung sao chép
có một số nhầm lẫn, sai sót, thiếu chính xác, văn bản không được chú thích
nhưng Đông Hồ đã chứng minh khá thuyết phục rằng Truyện Song Tinh chính
là văn bản truyện thơ Nôm đầu tiên của văn học viết Việt Nam. Đồng thời
ông cũng chỉ ra ngôn ngữ thơ của Truyện Song Tinh đã tiến một bước dài so
với thơ Nôm Việt Nam một trăm năm trước.
Hai mươi năm sau, năm 1984, nữ tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân lại
gắng công giới thiệu Truyện Song Tinh một lần nữa. Sau “Lời nói đầu” là một
bài có tính chất giới thiệu Truyện Song Tinh của GS. Lê Trí Viễn, lấy tựa đề
là “Cùng bạn đọc”, dài 3 trang, và một lời “Dẫn”, trình bày về tiểu sử tác giả
và tình hình văn bản tác phẩm, cùng mục đích và phương pháp hiệu đính văn
bản. Tuy ngắn gọn nhưng Lê Trí Viễn đã chỉ cho ta thấy được những nét tiêu
biểu của Truyện Song Tinh. Chẳng hạn, cốt truyện của Truyện Song Tinh là
công thức chung “muôn thuở” của các truyện thơ Nôm, rồi “Song Tinh là
truyện tình yêu tự do”, “là truyện bác học mà khí vị lại rất dân gian”, “kết cấu
và tình tiết nhiều ngẫu nhiên và kỳ ảo”, “Một chất sống rất tươi lại mặn mà
chút hài hước” và lối “xưng hô, kiêng húy, phiên dịch từ cổ đều của Đàng
Trong” [23; 8 - 9]
Lần này, chỉ đúng ba năm sau, Hoàng Xuân Hãn đã biên khảo, giới

thiệu và cho ấn hành lại Truyện Song Tinh, với lời “Tựa”, “Dẫn” khá công
phu, trình bày về tác giả, thời điểm sáng tác, lai lịch văn bản, tên truyện, nội
dung, nguồn gốc, cách hiệu đính và diễn nghĩa nội dung truyện… Cũng ở văn


8
bản này, lần đầu tiên có một học giả đề cập đến nguyên tác mà Nguyễn Hữu
Hào dựa theo đó để viết Truyện Song Tinh - tác phẩm Định tình nhân, ra đời
trong khoảng giao thời Minh - Thanh ở Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên
có người đưa ra đôi lời so sánh, dù chỉ mang tính chất điểm xuyết, với kiệt tác
Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông viết: “Về cách diễn ca, Nguyễn Hữu Hào
cũng như Nguyễn Du, đều theo mạch lạc nguyên tác, không thêm nhân vật
hay hành động gì. Trái lại, cả hai đều bỏ những tiết đoạn rườm rà không cần
cho cốt truyện. Về sắc thái từ chương, hai truyện Nôm khác nhau nhiều. Khi
tả cảnh, Nguyễn Du chỉ phác họa để gợi ý tình; và khi tả tình thì lời sâu sắc,
đằm thắm. Còn Nguyễn Hữu Hào thì tả cảnh một cách tỉ mỉ, cốt để xúc động
tai mắt người đọc, chứ không khêu gợi được tình sâu xa; và hầu như chỉ chú ý
đến phần kể chuyện, đối thoại, chứ không phân tích tình cảm…” [24; 6 -7].
Trước đó, năm 1979, nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê, trong tiểu mục
“Truyện Song Tinh (Đường Trong) và Truyện Hoa tiên (Đường Ngoài) -
Những truyện Nôm có tên tác giả đầu tiên trong văn học thế kỷ XVIII” trong
sách “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm, cũng đã giới thiệu sơ lược về tác
giả, tác phẩm, cốt truyện của Song Tinh Bất Dạ, rồi kết luận: “Có lẽ đây là
một trong những truyện Nôm đầu tiên trong văn học viết thế kỷ XVIII đã lấy
tình yêu tuổi trẻ làm chủ đề tác phẩm. Gắn liền vào đó là một tinh thần tự do
yêu đương có ý nghĩa chống lễ giáo phong kiến và một nội dung đề cao phẩm
chất tốt đẹp của con người, chống lại thói cưỡng bức hôn nhân của cường
quyền phong kiến” [38; 58 - 59]. Không những thế, tác giả còn nhận định:
“với cốt truyện như trên, ta có thể thấy rõ tiếng nói báo hiệu cho các truyện
Nôm sau này qua Truyện Song Tinh” [38; 60]. Sau này, Kiều Thu Hoạch

trong Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại (Nxb Khoa học xã hội


9
xuất bản năm 1992), về sau có sự bổ sung, tái bản ở Nxb Giáo dục, năm 2007,
với tên Truyện Nôm - lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Trần Đình Sử
trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb Giáo dục, năm
1999), Bùi Duy Tân trong Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học
trung đại Việt Nam, Tập 2 (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001)… đều điểm
tên Truyện Song Tinh như một tác phẩm có giá trị khởi đầu. Song tất cả chỉ
dừng ở đó; Song Tinh Bất Dạ gần như chưa được khảo cứu với tư cách là một
đối tượng nghiên cứu độc lập.
Cá biệt, mãi đến năm 2006, TS. Lê Thị Hồng Minh mới cho công bố
một công trình nghiên cứu về Ngôn ngữ nghệ thuật “Truyện Song Tinh”.
Lần đầu tiên, Song Tinh Bất Dạ được nghiên cứu một cách công phu, tỉ mỉ
về một yếu tố khá quan trọng hình thành nên đặc sắc của tác phẩm - ngôn
ngữ nghệ thuật. Sau khi nghiên cứu khá kỹ về ngôn ngữ của Truyện Song
Tinh như: ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng, ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ hài
hước, ngôn ngữ pha màu sắc “sắc dục”, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại “giàu
giọng điệu”… tác giả công trình kết luận, đây “không chỉ là một trong
những tác phẩm đi đầu, mở ra một trào lưu sáng tác truyện thơ Nôm trên văn
đàn văn học viết (…) mà bản thân nó còn là một đóng góp lớn, một thành
công đáng kể về mặt ngôn ngữ nghệ thuật trong nền văn học dân tộc” [44;
164] và coi Song Tinh Bất Dạ là “viên ngọc quý” [44; 165] trong kho tàng
văn học cổ điển.
Có thể nói, với việc điểm qua quá trình công bố, giới thiệu và nghiên
cứu Song Tinh Bất Dạ như trên, chúng tôi tin rằng, mong muốn làm rõ tính
chất “khởi đầu” của tác phẩm này trong dòng truyện Nôm bác học, hẳn không
phải là một việc làm vô nghĩa.




10
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện được những mục tiêu nghiên cứu như đã trình bày, chúng
tôi tập trung phân tích đối tượng nghiên cứu chủ yếu là truyện Nôm Song
Tinh Bất Dạ. Trong quá trình đó, với chừng mực có thể, chúng tôi sẽ cố gắng
so sánh, đối chiếu cùng một số truyện Nôm bác học giai đoạn sau (như
Truyện Kiều, Truyện Hoa tiên…) và một số truyện Nôm bình dân khác để
thấy được sự giao thoa, sự kế thừa, phát triển của tác phẩm trong dòng chảy
chung của thể loại.
Đồng thời, để có cái nhìn toàn diện về một thời đoạn văn học, chúng
tôi cũng tìm hiểu nhóm tư liệu văn học cổ trung đại nói chung và truyện
Nôm nói riêng.
Mặt khác, Song Tinh Bất Dạ xuất hiện trong một bối cảnh không gian
văn hóa - lịch sử đặc biệt: xứ Đàng Trong thời Trịnh - Nguyễn “rạch đôi sơn
hà”; thế nên, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải khảo cứu thêm nhóm tư liệu
về lịch sử - văn hóa - văn học Đàng Trong, những mong qua đó có thể đưa ra
đôi lời kiến giải về một hiện tượng văn học đặc biệt và kỳ thú này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích, đối tượng nghiên cứu như trên, trong luận văn
này, phương pháp nghiên cứu chủ yếu mà chúng tôi sử dụng sẽ là phương
pháp phân tích văn bản, để từ đó chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của một tác
phẩm truyện Nôm trong buổi đầu sơ khai.
Do đặt tác phẩm trong một bối cảnh văn học - văn hóa đặc biệt nên
chúng tôi cũng sẽ áp dụng phương pháp văn học sử để nhìn sự biến thiên của
thể loại trên trục lịch đại. Đồng thời tiến hành nghiên cứu so sánh trên cơ sở
loại hình học để nhận ra những nét loại biệt của tác phẩm. Mặt khác, khi khảo



11
cứu nhóm tư liệu về Đàng Trong, thiết nghĩ, chúng tôi cũng đã phần nào tiếp
cận vấn đề theo góc nhìn văn hóa học và liên ngành.
Tùy từng phần của luận văn mà chúng tôi sẽ sử dụng riêng rẽ hoặc kết
hợp các phương pháp này với nhau.
6. Cấu trúc luận văn
6.1. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung của luận văn gồm ba
chương:
- Chương 1: Truyện Nôm, một cái nhìn trên trục lịch sử
- Chương 2: Song Tinh Bất Dạ trong buổi đầu hình thành thể loại
truyện Nôm bác học
- Chương 3: Lý giải về sự xuất hiện và vai trò của Song Tinh Bất Dạ
trong dòng chảy của truyện Nôm bác học
Khi nhìn vào kết cấu luận văn, có thể sẽ nảy sinh câu hỏi rằng: Tại sao
đặt vấn đề nghiên cứu “Song Tinh Bất Dạ” và bước khởi đầu của truyện Nôm
bác học mà chỉ có duy nhất một chương trực tiếp tìm hiểu tác phẩm? Đó phải
chăng là một sự mất cân đối?
Trên thực tế, ở Chương 1, chúng tôi đưa ra một cái nhìn khái lược về
tên gọi, sự hình thành và phát triển của thể loại; nghĩa là nhìn nhận vấn đề ở
góc độ lý luận thể loại trên một trục lịch sử hóa. Chương 2, xét ở một vài
góc độ, vẫn là chương trọng tâm, chiếm dung lượng tương đối lớn trong cấu
trúc luận văn, mà đối tượng khảo cứu là tác phẩm quan tâm chính yếu của
chúng tôi - Song Tinh Bất Dạ. Trên cơ sở phân tích, so sánh, đối chiếu với
một số tác phẩm khác cùng thể loại, chúng tôi sẽ làm rõ những nét nghệ
thuật mang tính “bác học”, “đặc sắc” mà lại ít nhiều “giao thoa” với truyện


12
Nôm bình dân - một hiện tượng khó có thể tránh trong “bước khởi đầu” của
không riêng bất cứ thể loại văn học nào. Và Chương 3, trong quá trình lý

giải cho một số biểu hiện như đã trình bày ở Chương 2, không chỉ có tác
dụng “hồi cố”, mô tả không khí văn học - văn hóa bao quanh tác phẩm mà
còn mở ra một cái nhìn đa chiều, có tính chất gợi mở để lý giải cho không
chỉ tác phẩm mà cả mạch vận động của thể loại sau Song Tinh Bất Dạ. Thiết
nghĩ, nghiên cứu một tác phẩm văn học, không chỉ là khảo cứu riêng một
mình tác phẩm đó, mà còn phải đặt tác phẩm trên cái nhìn so sánh, đối chiếu
với những gì diễn ra trước và sau nó. Hơn nữa, cách duy nhất để đảm bảo
tính khách quan của đối tượng khoa học, có lẽ không gì bằng nhìn đối tượng
theo đúng cái nhìn của con người thời đại đó, trong không khí văn hóa thời
đại đó, và những hệ quy chiếu riêng của thời đại đó. Khó có thể hình dung
chúng ta sẽ tiếp cận tác phẩm văn học trung đại như thế nào nếu cứ “giữ khư
khư” một cái nhìn hiện đại. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với một
tác phẩm ra đời trong bối cảnh văn hóa - lịch sử đặc biệt và ở một không
gian văn hóa đặc biệt như Song Tinh Bất Dạ.
6.2. Tài liệu tham khảo



13
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
TRUYỆN NÔM, MỘT CÁI NHÌN TRÊN TRỤC LỊCH SỬ
1.1. Về một số khái niệm và thuật ngữ liên quan đến truyện Nôm
1.1.1. Truyện Nôm
Xung quanh việc định danh cho thể loại, từ trước đến nay đã tồn tại
nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh các cách gọi truyện thơ, truyện thơ Nôm,
truyện diễn ca… nhìn chung, phổ biến nhất vẫn là xu hướng gọi loại tiểu
thuyết văn vần này là truyện Nôm.
Trong công trình này, chúng tôi chọn dùng thuật ngữ truyện Nôm như
phần lớn các học giả đã sử dụng. Việc lựa chọn “truyện Nôm” chứ không phải

“truyện thơ Nôm” mà không sợ nhầm lẫn là truyện văn xuôi Nôm, một phần
vì như GS. Trần Đình Sử đã có lần đề cập trong cuốn sách Mấy vấn đề thi
pháp văn học trung đại, coi truyện Nôm “là cách rút gọn của khái niệm truyện
thơ Nôm, và cũng do điều kiện lịch sử văn xuôi Nôm không phát triển, nghĩa
là văn Nôm chỉ tồn tại dưới dạng văn vần và biền ngẫu” [58; 395].
Qua cách định nghĩa của Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử
yếu), Đặng Thanh Lê (“Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm), Kiều Thu
Hoạch (Truyện Nôm, lịch sử phát triển và thi pháp thể loại), Trần Đình Sử -
Lê Bá Hán - Nguyễn Khắc Phi (Từ điển thuật ngữ văn học)… chúng tôi nhận
thấy, cơ bản, truyện Nôm là thể loại tự sự, phản ánh những băn khoăn day dứt
về số phận, về khát vọng hạnh phúc, công lý mang tính nhân bản của con
người trong đời sống hiện thực đầy éo le, phức tạp; tác phẩm được viết bằng
thể lục bát và biến thể lục bát trên cơ sở ngôn ngữ dân tộc - chữ Nôm.


14
1.1.2. Truyện Nôm bác học
Bao năm qua, truyện Nôm vẫn luôn là một vấn đề phức tạp. Từ việc
định danh cho đến xác định bản chất thể loại, chưa có vấn đề gì liên quan đến
truyện Nôm mà không trở thành chủ đề tranh cãi của nhiều nhà nghiên cứu
trong suốt một thời gian dài. Và hệ quả là việc phân loại truyện Nôm cũng
không hề đơn giản.
Truyện Nôm có thể được phân loại thành truyện Nôm khuyết danh và
truyện Nôm hữu danh, hoặc truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học
(còn gọi là truyện Nôm văn nhân); hay dựa vào nguồn gốc mà phân chia
thành truyện Nôm có nguồn gốc cổ tích thần thoại, truyện Nôm có nguồn gốc
Trung Quốc và truyện Nôm sáng tác dựa trên thực tế Việt Nam.
Thực ra, mọi sự phân loại đều chỉ có ý nghĩa tương đối. Do yêu cầu và
phạm vi nghiên cứu, chúng tôi không có ý định cũng như chưa đủ điều kiện tư
liệu hay sự phân tích khoa học để lạm bàn quá nhiều về vấn đề này. Nhưng

chúng tôi chọn cách phân loại thành truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác
học; bởi theo thiển ý của chúng tôi, cách phân loại thành truyện Nôm khuyết
danh và hữu danh hoặc dựa vào nguồn gốc mới chỉ là căn cứ vào một yếu tố,
một đặc điểm cá biệt mà gọi tên, chứ không nêu lên được những vấn đề tổng
quan của truyện Nôm, đặc biệt là đặc trưng thi pháp thể loại. Trong khi đó,
cách phân loại thành truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học, theo
chúng tôi, một phần nào đó có lẽ sẽ nói lên được biệt sắc cũng như tiến trình
phát triển của thể loại.
Dẫu vậy, cần phải nhấn mạnh rằng, bản thân trong cách phân định
thành truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học cũng chỉ có tính chất
tương đối. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất về tiêu chí phân loại,
dựa theo tác giả và hình thức nghệ thuật. Đa phần các ý kiến cho rằng, truyện


15
Nôm bác học thường có tác giả rõ ràng và là những người thuộc tầng lớp
phong kiến quý tộc, có học vấn uyên bác, có trình độ tu dưỡng nghệ thuật cao.
Về mặt nghệ thuật thì truyện Nôm bác học được sáng tác theo phương thức
của văn học thành văn, nghĩa là để xem, để đọc chứ không phải để kể, văn
chương trau chuốt nhiều hơn, ngôn ngữ điêu luyện, hàm súc hơn. Tất nhiên,
đối với hai tiêu chí phân loại này, hẳn có nhiều điều còn phải bàn cãi. Chúng
tôi thiết nghĩ, điều quan trọng nhất để nhận diện một tác phẩm có phải là
truyện Nôm bác học hay không, không hẳn là tên tuổi tác giả, mà là xem xét
mức độ “thành thục” của các yếu tố thi pháp. Nghĩa là, muốn khẳng định một
tác phẩm là truyện Nôm bác học hay bình dân, thì phải đặt nó trong cái nhìn
so sánh với nhiều đối tượng nghiên cứu cùng thể loại và những đối tượng ở
thể tài đối sánh. Cụ thể, chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn tại chương sau.
1.2. Truyện Nôm - cơ sở hình thành và quá trình phát triển
1.2.1. Cơ sở hình thành
Một lẽ hiển nhiên mà ai trong chúng ta cũng có thể kiểm chứng, đó là,

để dẫn đến sự ra đời của một thể loại mới, cần phải có sự tích hợp đầy đủ các
tiền đề lịch sử - xã hội và tiền đề văn hóa - nghệ thuật. Trong phần này, chúng
tôi chỉ trình bày những cơ sở văn hóa - nghệ thuật đặt nền móng cho sự xuất
hiện của truyện Nôm trong ngữ cảnh văn học Nôm nói chung và trong sự phát
triển của nhu cầu tự sự cũng như năng lực tự sự của các thể loại văn học đã có
trước đó.
1.2.1.1. Tiền đề văn hóa - nghệ thuật
Người dân Đại Việt lớn lên trong một xã hội nông nghiệp, con người
cần định cư để trồng cấy; cùng với đó là những năm tháng trường kỳ trải bao


16
thế hệ, lớp lớp người dân phải đoàn kết để cùng tồn tại và đánh đuổi giặc
ngoại xâm. Tâm lý cộng đồng, yêu thiện ghét ác, mong muốn ở hiền gặp
lành… được hình thành từ đó. Những yếu tố này đã để lại dấu ấn sâu đậm
trong văn học, đặc biệt là văn học dân gian, mà tiêu biểu là truyện cổ tích -
tiền đề nảy sinh truyện Nôm sau này. Các nhà nghiên cứu như Đặng Thanh
Lê, Kiều Thu Hoạch, Trần Đình Sử… đã không dưới một lần chứng minh
được rằng, có rất nhiều truyện cổ tích trở thành nguồn gốc, đề tài và cốt
truyện của khá nhiều truyện Nôm, mà theo lời GS. Đặng Thanh Lê thì: “nội
dung tư tưởng triết lý của truyện cổ tích mới là nhân tố ảnh hưởng sâu xa
nhất, có giá trị nhất đối với truyện Nôm” [38; 37]. Một bộ phận quan trọng
của truyện cổ tích biểu hiện những chủ đề liên quan đến vận mệnh, cuộc sống
của người dân lao động trong xã hội phong kiến: những thế lực bạo tàn và
những áp bức bất công, những con người ở hiền gặp lành nhưng sống cơ cực,
những ước mơ, nguyện vọng trong sáng, đẹp đẽ… Những chủ đề ấy dễ dàng
có được sự “đồng điệu” của các tác phẩm truyện Nôm sau này, một thể loại
mà theo nhiều nhà nghiên cứu là “sản phẩm” của thời kỳ phong kiến suy tàn.
Tuy nhiên, truyện Nôm là một thể loại văn học mới; nó không chỉ đơn thuần
đem truyện cổ tích kể lại bằng thể lục bát mà là một sự sáng tạo mới với

khuôn khổ và dung lượng hoàn toàn khác. Rất nhiều truyện cổ tích như Thạch
Sanh, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Chàng Ké… đã được “tái
sinh”, “được tiểu thuyết hóa và diễn ca bằng văn vần” [38; 37]. Để minh
chứng cho điều này, GS. Trần Đình Sử đã làm một phép so sánh nhỏ về số
câu trong một số truyện cổ tích và truyện Nôm, nhận thấy về cơ bản, dung
lượng truyện Nôm dài gấp 10 lần truyện cổ tích (chẳng hạn, số câu trong
truyện cổ tích Quan Âm Thị Kính là 71 câu, trong truyện Nôm là 786 câu; số
câu trong truyện cổ tích Thạch Sanh là 120 câu, trong truyện Nôm là 1.812
câu…). Cùng với sự mở rộng dung lượng ấy, nhân vật, chi tiết, lời nói… cũng


17
được cụ thể hóa hơn, “chất cổ tích biến mất hoặc nhạt đi, sự sống trực tiếp và
cảm nhận văn chương nổi lên hàng đầu” [58; 407]. Đó chính là “chất văn”
của truyện Nôm.
Mặt khác, như chúng ta biết, không giống như thế kỷ XV, khi mà cùng
với sự phát triển của chế độ quân chủ chuyên chế, giai cấp phong kiến thống
trị có xu hướng kìm hãm nghệ thuật dân gian, gò ép nền văn hóa nhân dân
vào những khuôn vàng thước ngọc của văn hóa chính thống, thế kỷ XVI -
XVII, do sự suy yếu của chế độ chuyên chế tập quyền, nhất là do sức quật
khởi của nhân dân, nền văn hóa nghệ thuật dân gian có cơ sở phát triển mạnh
mẽ. Với hát chèo ở Đàng Ngoài, nghệ thuật tuồng manh nha phát triển ở Đàng
Trong, múa rối nơi ao đình… có thể nói, nghệ thuật diễn xướng ngày càng
diễn ra sôi động trong các sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian. Sự phát triển của
lối kể hạnh, hát cửa đình làm cho thể thơ lục bát, vốn có khả năng tự sự dài,
ngày càng thêm hoàn chỉnh. Nội dung các bài “hạnh” thường là kể lại sự tích
và đức hạnh của chư Phật hoặc các vị thần thánh được thờ ở chùa làng. Hình
thức của các bài “hạnh” đều là thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. “Kể hạnh”
thực chất là một lối đọc ngâm nga, diễn cảm tựa như lối kể chuyện, nói vè
trong điệu xẩm chợ. Dĩ nhiên, không phải tất cả các bài “kể hạnh”, các diễn ca

tôn giáo đều là tiền thân của truyện Nôm. Nhưng chắc chắn là có một số
lượng không nhỏ diễn ca tôn giáo vốn thoát thai từ các bài “kể hạnh”, đã có
đầy đủ các yếu tố về nội dung, hình thức, đề tài, cốt truyện… để có thể coi
chúng như những truyện Nôm; chẳng hạn trường hợp Quan Âm tống tử bản
hạnh, Địa Tạng bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh… Có thể nói, các
diễn ca tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo, chẳng những đã cung cấp cho thể loại
truyện Nôm một nguồn đề tài, cốt truyện hấp dẫn, mà còn cung cấp cả những
tiền đề nghệ thuật cần thiết để góp phần hình thành thể loại truyện Nôm.


18
Từ đôi điều kể trên, có thể thấy văn hóa truyền thống đã ảnh hưởng rất
mạnh mẽ đến văn học, mà hệ quả của nó là sự ra đời một thể loại mới - truyện
Nôm. Lẽ dĩ nhiên, truyện Nôm không phải là thể tài duy nhất tiếp nhận những
ảnh hưởng trực hệ của văn hóa dân tộc. Và cũng một lẽ hiển nhiên nữa, là có
nhiều thể loại văn học, mà truyện Nôm là một dẫn dụ, không chỉ được tạo nên
và “sống lành mạnh” nhờ sức sống nội sinh của nó. Nói cách khác, truyện
Nôm cũng còn là “sản phẩm” của sự giao lưu văn hóa.
Giao lưu văn hóa vốn là một quy luật trong quá trình phát triển của
nhân loại. Và nước Việt chúng ta, từ xa xưa, cũng không nằm ngoài lộ trình
chung đó. Bằng nhiều con đường giao lưu khác nhau như đi sứ, giao thương,
nhập cư… các yếu tố văn hóa nước ngoài, đặc biệt của các nước có nền văn
hóa lớn như Nho, Phật, Đạo của Trung Quốc, Ấn Độ… đã có ảnh hưởng khá
sâu sắc đến nền văn hóa - văn học nước ta. Chúng ta không chỉ vay mượn văn
tự (chữ Hán) - một tiền đề quan trọng để sau này ông cha sáng tạo ra chữ
Nôm - mà còn vay mượn nhiều thể tài của Trung Quốc. Cũng trong xu hướng
đó, việc vay mượn cốt truyện của nền văn học lớn này để sáng tác gần như đã
là một nét “truyền thống” của truyện Nôm bác học.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong xu hướng tiếp nhận văn hóa nước
ngoài, ông cha ta luôn phát huy tinh thần chọn lọc và sáng tạo, trong cả đời

sống nói chung và trong văn học nói riêng. Việc sáng tạo ra chữ Nôm cùng
những thể tài riêng của dân tộc cũng xuất phát từ tinh thần, nỗ lực khẳng định
và củng cố tính “độc lập” trong văn hóa - văn học Việt. Với lẽ đó, truyện
Nôm không chỉ đơn thuần là sản phẩm văn hóa - tinh thần của riêng người
dân đất Việt mà còn là minh chứng có sức thuyết phục cho khả năng và ý thức
sáng tạo của ông cha. Điều này được chứng thực ở ngay trong chính những
tác phẩm vay mượn cốt truyện của Trung Quốc, khi mà các tác giả vẫn cố


19
gắng đưa vào câu chuyện những dấu ấn của thời đại đó và phản ánh khá sâu
sắc thực trạng xã hội đương thời.
1.2.1.2. Truyện Nôm, trong ngữ cảnh của văn học Nôm
Một điều dễ nhận thấy và cần phải được đặc biệt nhấn mạnh, đó là, sự
hình thành và phát triển của thể loại truyện Nôm không thể tách rời quá trình
hình thành và phát triển của văn học Nôm.
Như trên đã nói, hàng nghìn năm văn hóa - văn học Việt chịu ảnh
hưởng sâu sắc của văn hóa Hán. Trong quá trình tiếp nhận văn hóa khu vực,
ông cha ta vẫn không ngừng phát huy tinh thần dân tộc - độc lập, sáng tạo
trong văn hóa - văn học. Biểu hiện đầu tiên là những nỗ lực cho việc hình
thành một thứ ngôn ngữ viết có bản sắc riêng của dân tộc (trên cơ sở tiền đề
đã có một tiếng nói riêng và chữ viết được tạo ra là để hướng tới tiếng nói ấy).
Chữ Nôm ra đời là một sáng tạo có ý nghĩa thời đại. Thực tế đã chứng minh,
khi ấy, chỉ có chữ Nôm mới là công cụ ghi chép, chuyên chở, thể hiện, phản
ánh bộ phận văn học thuần Việt tiện dụng và thuận lợi nhất.
Theo sử sách cũ để lại thì việc sử dụng chữ Nôm để sáng tác văn học
đã khởi phát từ thời Trần, và khoảng cuối thế kỷ XIII - XIV cũng đã xuất
hiện một số tác gia, tác phẩm. Nguyễn Thuyên, tức Hàn Thuyên, tương
truyền đã làm văn tế cá sấu bằng chữ Nôm trên khúc sông Phú Lương khiến
cá sấu phải bỏ đi, là người đầu tiên sử dụng chữ Nôm để sáng tác. Hiện nay

không còn bài thơ Nôm nào của Hàn Thuyên, nhưng theo Lê Quý Đôn trong
Đại Việt thông sử và Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì
trong Phi sa tập, vốn đã thất truyền, có nhiều thơ quốc âm (tức thơ Nôm).
Kế đó, nhà thơ trào phúng đương thời, Nguyễn Sĩ Cố, cũng nổi tiếng với tài
làm thơ quốc âm. Chu Văn An, thế kỷ XIV, ngoài quyển thơ chữ Hán Tiểu
Ẩn thi tập còn có một tập Quốc ngữ thi. Hồ Quý Ly, hiện còn gây nhiều


20
tranh cãi trong quan điểm đánh giá tư cách, vai trò lịch sử của nhân vật
quyền biến này nhưng không ai có thể nghi ngờ nỗ lực sử dụng chữ Nôm
vào sáng tác văn học của ông. Sử sách còn ghi chuyện Hồ Quý Ly làm thơ
quốc âm tạ ơn Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, dịch thiên “Vô dật” trong
Kinh Thư ra quốc âm để dạy vua nhỏ Trần Thuận Tông, dịch Kinh Thi ra
quốc âm để dạy các hậu phi và cung nhân… Tuy nhiên, thơ văn Nôm thời
Trần, tiếc rằng đến nay đã bị mai một hầu hết. Hiện chỉ còn hai bài phú Nôm
của Trần Nhân Tông, một bài của Huyền Quang là Cư trần lạc đạo phú, Đắc
thú lâm tuyền thành đạo phú, Vịnh Hoa Yên tự phú và một bài Trạng nguyên
Mạc Đĩnh Chi chết vào âm phủ bảy ngày thấy địa ngục rồi sống lại làm để
dạy con phú của một tác giả vô danh, nhờ được gìn giữ, khắc in và lưu hành
trong nhà chùa. Có thể nói, mặc dù các tác gia sáng tác bằng chữ Nôm và tác
phẩm văn học Nôm thời Trần chưa nhiều song cũng không thể phủ nhận ý
nghĩa chính trị và sứ mạng của nó trong việc tạo ra nền móng cho sự phát
triển văn học Nôm ở các thế kỷ sau.
Thế kỷ XV không chỉ là thời kỳ cực thịnh của chế độ phong kiến mà
còn là giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn học dân tộc, trong đó có văn
học Nôm. Lúc này, chữ Nôm được sử dụng ngày càng rộng rãi trong tất cả
các lĩnh vực y học, giáo dục, chính trị… Đặc biệt với các tác giả văn học thì
chữ Nôm đã trở thành một “phương tiện” khá thuận lợi để thể hiện ngôn ngữ
dân tộc, nhất là trong trường hợp cần nhấn mạnh ngôn từ dân gian. Điều hết

sức lý thú là, tất cả những đại biểu ưu tú của văn đàn thời kỳ này đều làm
nhiều thơ Nôm. Nguyễn Trãi có Quốc âm thi tập, gồm trên 250 bài thơ Nôm,
vận dụng khá nhuần nhuyễn phương ngôn, tục ngữ dân gian. Tao Đàn Nhị
thập bát tú do vua Lê Thánh Tông làm chủ soái có Hồng Đức quốc âm thi tập
với hơn 300 bài thơ Nôm. Thơ quốc ngữ thời kỳ này khá phổ biến thể thất
ngôn xen lục ngôn, tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về niêm luật như thơ


21
Đường; đây là một sự cách luật sáng tạo, thú vị của các tác giả Đại Việt. Tuy
nhiên, nhìn một cách toàn diện thì lúc này, văn học Nôm vẫn có phần đơn
điệu về thể loại. Phải đợi đến giai đoạn sau, từ thế kỷ XVI, XVII trở đi, bộ
phận văn học này mới có đầy đủ những tiền đề kinh tế - xã hội, tư tưởng - văn
hóa để phát huy hết thế mạnh của mình trong nhiều thể loại khác nhau. Khi
ấy, văn học Việt Nam, ngoài thơ còn có phú, vãn, diễn ca lịch sử, kịch bản
văn học tuồng và văn xuôi Nôm… Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc
ngữ thi tập, gồm ngót 200 bài thơ Nôm, mà phong cách sáng tác khá gần gũi
với “nhà thơ cổ điển” Nguyễn Trãi. Nguyễn Thế Nghi có Truyền kỳ mạn lục
giải âm - bản dịch Nôm cuốn “thiên cổ kỳ bút” bằng chữ Hán của Nguyễn
Dữ, Truyền kỳ mạn lục. Phùng Khắc Khoan có Lâm tuyền vãn, gồm khoảng
200 câu thơ Nôm, làm theo lối lục bát. Lê Đức Mao có tác phẩm hát nói Bát
giáp thưởng đào văn. Nguyễn Giản Thanh có Phụng thành xuân sắc phú. Bùi
Vịnh có Cung trung bảo huấn phú. Nguyễn Hàng có Tịch cư ninh thể phú và
Đại Đồng phong cảnh phú. Hoàng Sĩ Khải có Tiểu độc lạc phú, Sứ Bắc quốc
ngữ thi tập, Tứ thời khúc vịnh. Đào Duy Từ nổi tiếng với Ngọa Long cương
vãn gồm 136 câu lục bát và Tư Dung vãn gồm 236 câu Nôm lục bát. Ngoài ra,
Đào Duy Từ còn sáng tác nhiều bài vè, bài hát bằng chữ Nôm để động viên
những người đi khai phá đất hoang ở Đàng Trong; đó là chưa kể kịch bản
tuồng San hậu khá nổi tiếng, tương truyền cũng là của ông. Trịnh Căn,
khoảng cuối thế kỷ XVII, có tác phẩm Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh

gồm 100 bài thơ Nôm, thể thức như thơ Nôm đời Hồng Đức. Đặc biệt, thời kỳ
này có ba tập diễn ca lịch sử dài bằng chữ Nôm, rất gần gũi với thể truyện
Nôm, là: Việt sử diễn âm, dài 2.332 câu thơ lục bát; Thiên Nam minh giám,
gồm 936 câu thơ song thất lục bát, và Thiên Nam ngữ lục, dài hơn 8.000 câu
lục bát… Nhiều ý kiến cho rằng các truyện Nôm làm theo lối Đường luật
cũng xuất hiện vào thời gian này, như: Truyện Vương Tường, Tô Công phụng


22
sứ, Lâm tuyền kỳ ngộ, Nghĩa sĩ truyện… Theo dõi một vài tác giả, tác phẩm
tiêu biểu như trên, có thể thấy, tình hình văn học Nôm thời bấy giờ khá phồn
thịnh. Đặc biệt, sự nở rộ của các thể vãn, ca khúc, diễn ca là rất đáng chú ý vì
ở các thể loại này, các tác giả đều đã sử dụng thuần thục lối thơ lục bát và
song thất lục bát, một tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển của
truyện Nôm về sau.
Điểm qua những chặng đường phát triển của văn học Nôm, có thể thấy,
dù số lượng tác phẩm viết bằng chữ Nôm chưa hẳn đã được coi là “đồ sộ”,
nhưng cũng đủ để chứng tỏ rằng, đã có một bộ phận văn học chữ Nôm, một
bộ phận văn học sáng tác bằng tiếng Việt, đang song song tồn tại như một
thực thể bên cạnh bộ phận văn học chữ Hán. Từ đây, việc dùng chữ Nôm, thứ
chữ “nôm na mách qué” để sáng tác văn học có lẽ đã không còn xa lạ đối với
mọi người, kể cả giới bình dân cũng như bác học.
Mặt khác, cần nhấn mạnh rằng, từ thế kỷ XVIII, chữ Nôm với tư cách
ngôn ngữ văn học thứ hai ở Việt Nam đã trở thành một công cụ sáng tạo
quyền năng, mà bằng chứng là sự xuất hiện của các kiệt tác bằng chữ Nôm,
các tác giả lớn sáng tác bằng chữ Nôm và hơn thế là sự hình thành của cả một
trào lưu văn học. Những thể loại mới của văn học dân tộc ra đời, thực sự là
những “khẩu vị” riêng, những “đặc sản” của người Việt, đồng thời góp phần
hoàn thiện hệ thống thể loại văn học Việt Nam trung đại. Đây là một ưu thế
đặc biệt của văn học chữ Nôm so với văn học chữ Hán. Bởi vì, mặc dù các thể

loại văn học chữ Hán cũng diễn ra quá trình Việt hóa ở một vài phương diện
nào đó nhưng chưa thật sự sâu sắc và rộng mở. Nếu so sánh các thể loại văn
học chữ Hán của Việt Nam với các thể loại ấy ở Trung Quốc, như thơ, phú,
truyền kỳ, truyện chương hồi… có lẽ chỉ có thể ít nhiều thấy sự dị biệt về mặt
nội dung, chủ đề, cảm hứng mà không thể nói có bất kỳ sự khác lạ nào về mặt
thi pháp thể loại. Dường như văn học viết chữ Hán ở Việt Nam không hề sáng


23
tạo được một thể loại mới nào, thậm chí những cải biên đáng kể khi sử dụng
các thể loại ngoại nhập, cũng khó có thể tìm tòi và tổng kết cho thật sự hệ
thống. Nhưng với văn học Nôm thì tình hình hoàn toàn khác. Nói như GS.
Bùi Duy Tân, “Sáng tạo về mặt thể loại chỉ có thể tìm thấy ở văn học chữ
Nôm, cả quá trình Việt hóa và quá trình dân tộc hóa” [62]. Tuy nhiên, quá
trình Việt hóa, so với quá trình dân tộc hóa, khá mờ nhạt. Sự Việt hóa hầu
như mới chỉ diễn ra ở thể phú và thơ, song cũng không có những thay đổi
đáng kể, đặc biệt là với thể phú. Những câu thơ Đường luật pha xen lục ngôn
tuy là một sáng tạo thể loại trong quá trình Việt hóa song về cơ bản vẫn tuân
theo cấu trúc đối xứng, niêm luật chặt chẽ của thi luật đời Đường, để rồi vài
thế kỷ sau, loại thơ này cũng dần vắng bóng và thơ Nôm lại trở về với thi luật
cổ điển, trước khi rẽ hẳn sang một hướng khác. Sự sáng tạo về mặt thể loại
chỉ thật sự diễn ra trên quá trình dân tộc hóa các thể loại của văn học dân
gian. Truyện Nôm xuất hiện, với hàng trăm tác phẩm sử dụng thể lục bát vốn
là một thể thơ chính của ca dao, dân ca lưu truyền trong nhân gian. Song thất
lục bát, thể thơ chủ đạo của ngâm khúc Nôm, cũng là một thể thơ ca dân gian.
Ca trù Nôm (hát nói) là một thể loại ca khúc có nguồn gốc từ những làn điệu,
ca khúc dân gian. Với sự xuất hiện của những thể loại sáng giá này, văn học
chữ Nôm xứng đáng được đưa lên “vị thế hàng đầu của dân tộc thế kỷ XVII,
XVIII, XIX, đẩy lùi văn học chữ Hán chính thống quan phương xuống bậc
thứ hai” [64; 79]. Hiển nhiên là, khó có thể phủ nhận vai trò quan trọng thiết

yếu của văn học Nôm trong việc tạo ra một giai đoạn cổ điển của nền văn học
dân tộc thời kỳ này.
1.2.1.3. Truyện Nôm, trong sự phát triển của nhu cầu tự sự và năng
lực tự sự của các thể loại văn học đã có
Trong cách gọi “truyện Nôm”, chúng ta thấy nổi bật hai yếu tố, nói
đúng hơn là hai đặc điểm quan trọng, bản chất của thể loại: “truyện” và

×