Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (865.46 KB, 109 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



LÊ THANH HẢI



PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM


CHUYÊN NGÀNH : VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60 22 34




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC






Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Văn Đức




HÀ NỘI-2010




ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN






LÊ THANH HẢI





PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM






LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC





HÀ NỘI-2010


1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại, Thạch Lam
chỉ hiện diện chừng non mười năm, nhưng ông vẫn được xem là tác giả văn
xuôi có tầm vóc. Những sáng tác của ông khá đa dạng về thể loại: Các tập
truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa” (1937); Nắng trong vườn (1938); Sợi tóc
(1942); tiểu thuyết Ngày mới (1939); tiểu luận Theo dòng (1941); bút ký Hà
Nội băm sáu phố phường (1943); truyện viết cho thiếu nhi : Quyển sách; Hạt
ngọc…Trong số đó truyện ngắn chiếm một vị trí quan trọng. Những sáng tác
của ông không chỉ có khẳng định sự nghiệp văn học của một nhà văn mà nó
còn có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển của lịch sử văn học nói chung và
thể loại truyện ngắn nói riêng.
Nhà văn Thạch Lam có một phong cách riêng “một lối riêng” trong Tự lực
văn đoàn. Ông cũng là cây bút truyện ngắn hiện đại mà sự độc đáo của phong
cách đến nay vẫn đầy sức hấp dẫn. Phong cách độc đáo thể hiện qua nhiều yếu
tố từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Nghiên cứu phong cách nghệ thuật
truyện ngắn Thạch Lam chúng tôi muốn góp phần tìm ra cái riêng, cái độc
đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn và những đóng góp của nhà văn
trong văn học Việt Nam 1930-1945.Từ đó có cơ sở để lí giải những đóng góp
có giá trị và sức sống của văn nghiệp Thạch Lam cùng vị trí xứng đáng của
ông trong nền văn học dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
Thạch Lam là nhà văn “có tài nhất trong Tự lực văn đoàn” (Nhất Linh).
Ngay khi tập truyện đầu tay của ông ra đời, giới nghiên cứu phê bình đã quan

tâm chú ý. Tính đến nay đã hơn sáu mươi năm trôi qua, quá trình nghiên cứu
tìm hiểu văn chương Thạch Lam có lúc rầm rộ sôi nổi, có lúc yên ả lặng lẽ.
Các ý kiến đánh giá không khỏi khác nhau, nhưng nhìn chung là thống nhất.

2

2.1 Trước năm 1945
Ngay khi tập truyện đầu tay “ Gió lạnh đầu mùa” ra đời, Khái Hưng đã
đánh giá rất cao văn phong của Thạch Lam. Với khả năng cảm nhận tinh tế
chính xác, Khái Hưng đã chỉ ra các đặc điểm nổi bật nhất, hơn người của
Thạch Lam là sự thành thực “Đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam, tôi rùng
rợn cả tâm hồn vì sự can đảm”, sự thành thực mà Khái Hưng từng ao ước
“nhưng không sao có được”. Ông đánh giá sự can đảm ấy tương đương với sự
can đảm ở Tolstôi. Khái Hưng là người đầu tiên nhận ra nhà văn Thạch Lam
là nhà văn của cảm giác, tư duy nghệ thuật của Thạch Lam là tư duy nghiêng
về cảm giác: “Nếu ta có thể chia ra hai dạng nhà văn: nhà văn thiên về tư
tưởng và nhà văn thiên về cảm giác, thì tôi qủa quyết đặt Thạch Lam vào
hạng dưới”.
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã có công khảo sát và phân tích
một cách công phu dọc theo chiều dài sáng tác và phát hiện những nét đặc sắc
cơ bản của Thạch Lam. Ông vừa nhấn mạnh vào những phát hiện của Khái
Hưng vừa chỉ ra cụ thể hơn.Theo nhà nghiên cứu, Thạch lam có sở trường là
truyện ngắn. Ông “có một ngòi bút lặng lẽ và điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút đó
chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những tình cảm, những cảm giác
con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người mà ông tả một cách tinh vi”.
Từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc, Thạch Lam đã có một bước tiến dài về nghệ
thuật miêu tả cảm giác, nghệ thuật viết truyện ngắn. Ông nhấn mạnh “ngòi bút
Thạch Lam ghi cảm giác rất tài tình”, “cảm giác chiếm hẳn một phần quan
trọng”; “cảm giác rất nhỏ mà ảnh hưởng của nó đã rất lớn”. Nhà nghiên cứu
cũng đưa ra những nhận xét về nghệ thuật viết văn của Thạch Lam, “cái lối

viết nhẹ nhàng, kín đáo và xinh tươi trên này thật là một lối văn đặc biệt của
Thạch Lam, lối văn rất hợp với những truyện tâm tình”. Tuy nhiên ông cũng

3
tỏ ra thiếu công bằng khi chê một số truyện là “tầm thường”, “đơn giản”,
“nhạt nhẽo và rời rạc” như Nắng trong vườn, Hai đứa trẻ, Đứa con đầu
lòng, Dưới bóng hoàng lan, Bên kia sông, Người đầm, Bóng người xưa
Nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Thạch Lam, Thế Lữ, người bạn tâm giao
của ông đã viết rất hay về “Tính cách tạo tác của Thạch Lam”. Bên cạnh
những hoài niệm về cố nhà văn, Thế Lữ khẳng định: “Không một sáng tác nào
của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó”; “Thạch Lam
sống hết cả từng ý văn, từng câu văn anh viết trên giấy”. Cuối cùng ông kết
luận: “Sự thực tâm hồn mà Thạch Lam diễn trong lời của văn chương phức
tạp nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào
một chút lệ thầm kín của tình thương”. Như vậy theo Thế Lữ, ở Thạch Lam,
văn chính là người.
Nhìn chung trước năm 1945 những bài viết về Thạch Lam đều là những
lời tri âm, những cảm nhận tinh tế. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho
rằng Thạch Lam có một phong cách riêng trong Tự lực văn đoàn.
2.2 Từ 1945 đến năm 1986.
Sau năm 1975, những bài nghiên cứu về Thạch Lam không có nhiều.
Trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của Nguyễn Tuân trong bài giới thiệu
riêng về Thạch lam. Nhà văn nổi tiếng và tài hoa này đã giành cho Thạch Lam
những lời thật trân trọng. Ông rất khâm phục nghệ thuật viết truyện của Thạch
Lam. Ông cho rằng “ Thạch Lam hay đi vào khám phá những cảnh ngộ trái
nghịch mà đồng thời cũng là đi sâu vào những tâm trạng, tâm tình, cảm xúc,
cảm giác”. Nhà văn đánh giá cao cách bố cục, kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ
cách tả người tả việc …Ông chỉ ra một số truyện không nặng về cốt truyện mà
“nặng về biểu hiện mặt bên trong của suy nghĩ hơn là diễn tả cái bên
ngoài”.Và “ Bằng sáng tác văn học Thạch Lam đã làm cho Tiếng Việt gọn ghẽ

đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào

4
tiếng ta”. Theo Nguyễn Tuân, đây là công lao lớn nhất của Thạch Lam đối với
nền văn xuôi nước nhà. So với Vũ Ngọc Phan, ông đã có bước tiến đáng kể
khi nhìn lại và nhìn đúng giá trị văn chương ở một số truyện thuộc loại
“truyện không có chuyện”, đã bị nhà nghiên cứu chê là tầm thường nhạt nhẽo
như Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan. Tuy vậy, đôi chỗ ông cũng hơi khiên
cưỡng, cực đoan khi đánh giá những truyện như Nhà mẹ Lê, Người đầm…
Trong hai thập kỷ sáu mươi và bảy mươi, việc nghiên cứu Thạch Lam rơi
vào im lặng dè dặt. Ở miền Bắc, trong khi Tự lực văn đoàn hầu như không
được nhắc đến, có một số tác giả như Vũ Đức Phúc, Nguyễn Đức Đàn, Lê Thị
Đức Hạnh, Hà Minh Đức…đã có một vài bài báo đăng trên các báo và các tạp
chí chuyện ngành. Phần lớn các ý kiến chỉ dừng lại ở việc đánh giá tư tưởng,
lập trường quan điểm của nhà văn mà ít chú ý đến nghệ thuật viết văn của ông
.Tuy vậy những sáng tác của Thạch Lam vẫn được xem xét với thái độ trân
trọng (mặc dù dè dặt), thậm chí ông được xem là hiện tượng rất đặc biệt, tách
ra khỏi Tự lực văn đoàn. Nhìn chung những ý kiến đánh giá ở giai đoạn này
không có phát hiện gì mới đóng góp vào việc nghiên cứu Thạch Lam và văn
nghiệp của ông.
Ở miền Nam, trong thời gian này, giới sáng tác phê bình văn học đã đưa
ra hai tạp chí chuyên về Thạch Lam: Nguyệt san Văn số 36 (ra ngày
15.6.1965) và tạp chí Giao điểm (số ra 12.12.1971). Phần lớn bài viết ở hai
tạp chí này là những hồi kí của bạn bè và người thân viết về Thạch Lam, song
cũng có bài đi sâu vào tìm hiểu những nét đặc sắc của văn chương Thạch
Lam. Có thể kể tới các bài viết như: Thời của Thạch Lam của Dương
Nghiêm Mậu; Thạch Lam: những lời thủ thỉ của truyện ngắn của Đào
Trường Phúc; Hương thơm và nỗi u hoài của Nguyễn Nhật Duật; Thạch
Lam tiểu thuyết gia của Huỳnh Phan Anh… Đây là những bài viết đã đi thẳng
vào văn bản để tìm kiếm những nét đặc sắc, độc đáo của tác phẩm Thạch Lam,


5
nhờ vậy mà không ít những nhận xét đều có tính thuyết phục. Tuy nhiên
những bài viết này chỉ mang tính phát hiện, gợi mở một số nét độc đáo về
phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Chúng chưa có tầm vóc như một công
trình nghiên cứu thực sự.
Trong suốt hơn 40 năm giới phê bình, nghiên cứu vẫn chưa có một
chuyên luận hay một tiểu luận nào thực sự đi sâu vào xem xét, nghiên cứu về
Thạch Lam một cách đầy đủ.
2.3 Từ những năm 1986 đến nay.
Bắt đầu những năm tám mươi, hoà chung không khí đổi mới của văn học,
việc đánh giá về vai trò và vị trí của Tự lực văn đoàn và việc nghiên cứu
Thạch Lam dần trở lại sôi nổi.
Trong lời giới thiệu về Gió đầu mùa (Từ điển văn học, Tập I; 1988),
Nguyễn Phương Chi và Nguyễn Hụê Chi đã phát hiện ra những hai yếu tố
hiện thực và thi vị “đan cài xen kẽ với nhau” trong truyện ngắn Thạch Lam.
Thạch Lam “thuộc số những nhà văn có khả năng đi sâu khai thác thế giới nội
tâm nhân vật một cách tinh tế và phát hiện được trong những cái bình thường
những điều sâu xa thầm kín”. Gió đầu mùa là tập truyện ngắn đầu tiên song
cũng là tập truyện ngắn bộc lộ rõ phong cách già dặn và điêu luyện của Thạch
Lam. Cũng trong tập truyện ngắn này thì chúng ta có thể thấy một Thạch Lam
với phong cách nhẹ nhàng, rất riêng so với các nhà văn trong Tự lực văn đoàn.
Nguyễn Hoàng Khung trong mục Thạch Lam (Từ điển văn học. Tập II,
1988) đã khẳng định thêm một lần nữa khuynh hướng đi vào thế giới bên
trong của Thạch Lam. Tác giả cũng cho rằng: “Văn của ông giản dị, trong
sáng nhiều khi nhẹ mà sâu sắc thâm trầm. Dường như ông là người đầu tiên
biết khai thác chất thơ trong đời sống hàng ngày”. Về mặt phong cách nghệ
thuật nhà nghiên cứu nhận xét “ Truyện của Thạch Lam xa lạ với mọi thứ hấp

6

dẫn bề ngoài, nhiều truyện dường như không có cốt truyện, song vãn có sức
lôi cuốn riêng” [10. tr 347]
Trong Tuyển tập Thạch Lam(1988), Phong Lê viết lời giới thiệu khá dày
dặn. Đặt Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn, nhà nghiên cứu đã xem xét truyện
ngắn Thạch Lam “ở giá trị hiện thực trên một số cảnh đời, ở tình thương và
lòng trân trọng người nghèo, ở ý vị và màu sắc dân tộc, mà Thạch Lam không
nặng vì những chữ dùng to tát, hoặc những cấu trúc gáp gáp, vội vàng. Câu
chữ chỉ cần đủ cho phô diễn, và ôm sát những cảnh ngộ, những tâm trạng cần
phô diễn”. Câu văn của Thạch Lam “mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh,
nhạc điệu mà không mất đi vẻ giản dị, tinh gọn, không thừa thãi lời, chữ,
không làm duyên dáng một cách uốn éo, cầu kỳ”. Tóm lại, Phong Lê đã khẳng
định Thạch Lam có “ những đóng góp cho câu văn xuôi Tiếng Việt giữ được
vẻ đẹp riêng tươi đậm và lâu bền của nó” [17. tr 28]
Tác giả Nguyễn Hoàng Khung trong Lời giới thiệu văn xuôi lãng mạn
Việt nam 1930-1945 (1989) tiếp tục đưa ra những nhận xét xác đáng về nghệ
thuật, về phong cách giàu chất nhân bản, chất thơ của truyện ngắn Thạch Lam.
Theo ông “nhiều truyện ngắn Thạch Lam không có truyện mà man mác như
một bài thơ”; “ngòi bút giản dị tinh tế lạ thường, ngôn ngữ đặc biệt trong
sáng đầy chất thơ…”… Thạch Lam đã góp phần nâng cao trình độ truyện
ngắn Việt Nam lên một bước mới.
Trong luận án PTS của Trần Ngọc Dung (1992) với đề tài “Ba phong
cách văn học Việt Nam thời kỳ đầu những năm 1930 đến 1945: Nguyễn
Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao” cho rằng: Thạch Lam đã xây dựng
những tình huống trữ tình với nhiều cách thức khác nhau; kết câu truyện “nói
chung đơn giản”. “kết cấu dựa theo tính chất và diễn biến tâm trạng của nhân
vật”. Thạch Lam có “giọng điệu trần thuật nhỏ nhẹ, dịu dàng, chậm rãi.”.

7
“Truyện của Thạch Lam là tiếng nói trữ tình, chủ yếu diễn tả những tình cảm,
cảm xúc tinh vi, tế nhị của con người”

Các tác giả cuốn Tác giả văn học Việt Nam tập II (1993) cho rằng “ Phần
lớn truyện của Thạch Lam thuộc loại truyện không có chuyện. Mỗi truyện là
một tâm tình, một tâm trạng, nghĩa là một bài thơ trữ tình” [24.tr 118]
Năm 1995, kỉ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm năm mươi năm ngày mất
của Thạch Lam do Viện Văn học tổ chức được xuất bản với tên gọi Thạch
Lam văn chương và cái đẹp. Với hơn ba mươi bài viết của nhiều nhà nghiên
cứu có uy tín, truyện ngắn Thạch Lam được tiếp cận từ “một cái nhìn xã hội
và con người”, “văn chương và cái đẹp”, từ “thi pháp và thể loại”.
Năm 2001, cuốn Thạch Lam về tác gia và tác phẩm do hai tác giả Vũ
Tuấn Anh và Lê Dục Tú đã tuyển chọn, giới thiệu và tập hợp phần lớn các bài
nghiên cứu về Thạch Lam từ cuối những năm 1930 đến nay, cung cấp những
tài liệu cần thiết về cuộc đời và sự nghiệp của Thạch Lam. Sự xuất hiện của
tác phẩm đã chứng tỏ việc nghiên cứu Thạch Lam và những sáng tác của ông
đã có một bước tiến dài, và Thạch Lam đã được xếp vào hàng những nhà văn
lớn trong tiến trình của nền văn học Việt Nam.
Trong những năm gần đây, vận dụng lí thuyết về thi pháp học, nhiều luận
án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã có những khám phá về những sáng tác của
Thạch Lam ở mọi phương diện. Luận án tiến sĩ của Phạm Thị Thu Hương
(1995) khẳng định ngôn ngữ của Thạch Lam tập trung diễn tả tâm trạng cảm
giác trên nhiều cấp độ. Thuộc thể loại truyện ngắn trữ tình, nên truyện của ông
có cách miêu tả hoà hợp giữa nội tâm và ngoại cảnh và kết cấu theo dòng tâm
trạng nhân vật. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thành Thi (2000) nghiên cứu khá
sâu sắc về phong cách văn xuôi nghệ thuật của Thạch Lam. Theo tác giả
những yếu tố như cốt truyện, kết cấu, tình huống, được nhà văn sáng tạo để
khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật của Thạch Lam là “ Ngôn

8
ngữ của đời sống và của tâm hồn. Nét nổi bật ở đây là tính hiện đại và sức tập
trung gợi tả cảm giác”
Luận văn thạc sĩ phải kể đến: Thi pháp truyện ngắn Thạch Lam, của

Nguyễn Bích Thảo; Thạch Lam từ quan niệm nghệ thuật đến sáng tác của
Nguyễn Thị Thuý; Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam của
Vũ Thị Mỹ Hạnh; Hình tựơng nhân vật nữ trong truyện ngắn của Thạch
Lam của Hà Thuý Nga, Phong cách nghệ thuật Thạch Lam của Võ Thị
Hồng Thu, Quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam của Đào Thị Yến…Nhìn
chung các luận văn trên khác nhau về góc nhìn, quy mô nghiên cứu, nhưng
trực tiếp hay gián tiếp đều góp một tiếng nói có ý nghĩa cho việc nghiên cứu
phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Thạch Lam.
Bên cạnh đó trong những năm qua các trường Đại học tổng hợp, trường
Đại học sư phạm trong cả nước đã có nhiều giáo trình nghiên cứu, giảng dạy
cho sinh viên khoa văn.
Tóm lại việc xem xét kết quả nghiên cứu trong hơn sáu mươi năm “tìm
kiếm Thạch Lam” có thể rút ra những ý kiến đã được thống nhất như sau:
Nhà văn Thạch Lam đứng giữa ranh giới văn học hiện thực và văn học
lãng mạn. Ông có sở trường về truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn trữ tình và
có khả năng diễn tả những cảm xúc kỳ diệu trong tâm hồn con người.
Truyện ngắn của Thạch Lam ít hành động, vài trò của tất cả các yếu tố,
ngôn ngữ, cốt truyện, kết cấu, lời văn, giọng điệu, hệ thống nhân vật đã góp
phần làm nên một Thạch Lam rất riêng, đặc sắc so với Tự lực văn đoàn.
Tuy nhiên những ý kiến đó mới chỉ dừng lại ở việc nhận xét về các đặc
điểm nghệ thuật có ý nghĩa góp phần làm đầy đặn thêm nội dung. Đồng thời
cũng chưa có một đề tài nào đi sâu vào nghiên cứu phong cách nghệ thuật
truyện ngắn của Thạch Lam một cách sâu sắc và cụ thể. Chính vì vậy mà
trong luận văn này chúng tôi sẽ kế thừa và phát huy những nghiên cứu của

9
những người đi trước, đồng thời cũng tránh sự trùng lặp trong nghiên cứu
chúng tôi đã chọn đề tài : Phong cách nghệ thuật truỵên ngắn Thạch Lam,
để góp thêm một tiếng nói khiêm nhường bổ sung vào chỗ khiếm khuyết đó.
3. Mục đích nghiên cứu

Trong khuôn khổ của luận văn này chúng tôi đặt ra những mục đích sau:
-Khảo sát toàn bộ những bài tiểu luận phê bình về Thạch Lam, để thấy được
vị trí vai trò của nhà văn trong Tự lực văn đoàn. Khảo sát toàn bộ truyện ngắn
của Thạch Lam để nghiên cứu, tìm ra những nét đặc sắc về phong cách nghệ
thuật của nhà văn. Từ đó cũng hiểu được quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà
văn, thấy được nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật qua những tác phẩm
của ông. Mặt khác luận văn cũng lí giải cho sự thành công, và sức sống của
văn nghiệp Thạch Lam cùng vị trí của ông trong tiến trình văn học Việt Nam.
-So sánh đối chiếu phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam với
phong cách nghệ thuật của các nhà văn đương thời để thấy được nét riêng biệt
trong phong cách của ông - một nhà văn với phong cách nhẹ nhàng mà thấm
đượm tình người.
4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu.
4.1 Đối tượng nghiên cứu.
-Lý thuyết về phong cách nghệ thuật .
-Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam
-Khảo sát những tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam để thấy
được nét riêng biệt ,đặc sắc trong phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch
Lam
4.2 phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp loại hình
Phương pháp nghiên từ góc nhìn thi pháp học
Phương pháp phân tích tổng hợp

10
Phương pháp so sách đối chiếu , đây là phương pháp quan trọng nhằm
xử lí kết quả thống kê, phân loại, đi đến nhận xét đánh giá đối chiếu phong
cách nghệ thuật của Thạch Lam với các nhà văn đương thời.
5. Kết cấu của luận văn
Luận văn gồm 4 chương.

Chương 1 : Phong cách nghệ thuật và hành trình sáng tác của Thạch
Lam
Chương 2 : Những kiểu nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam
Chương 3 : Không gian -thời gian nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam
Chương 4 : Ngôn ngữ và giọng điệu trong tác phẩm truyện ngắn Thạch
Lam.














11
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA
THẠCH LAM
1. 1 Khái niệm phong cách nghệ thuật nhà văn
Mặc dù xuất hiện từ rất sớm nhưng đến nay, phong cách vẫn là một khái
niệm rộng và đa nghĩa. Hiện nay đang tồn tại một số lượng rất lớn định nghĩa
khác nhau về phong cách, mỗi một định nghĩa đều đem đến cho người nghiên
cứu những cách tiếp cận khác nhau.

Trong khoa nghiên cứu văn học, người ta thường dùng thuật ngữ phong
cách để xác định đặc trưng phẩm chất của các hiện tượng: tác phẩm văn học,
nhà văn, trào lưu hay trường phái văn học. Nhiều nhất là khái niệm phong
cách nghệ thuật nhà văn. Có những nhà nghiên cứu văn học tiếp cận phong
cách học từ phía ngôn ngữ học,có người lại đưa vào phong cách cả tư tưởng,
đề tài, tính cách và ngôn ngữ hay cũng có người xem, phong cách là sự thống
nhất hữu cơ của tất cả các thành tố tạo nên tác phẩm văn học.
Việc nghiên cứu phong cách nhà văn là một trong những vấn đề lí luận đã
và đang gây nhiều tranh cãi, không chỉ ở Liên Xô cũ mà còn ở nhiều nước
khác trên thế giới. Có thể kể ra một số những nhà nghiên cứu đã trở nên quen
thuộc với độc giả Việt Nam như: Khrachenko M.V; Tritrerin A.V; Timôphêep
L.I; Paxpelop G.N; Xôlôkhốp A.N…ở Việt Nam, cũng có một số nhà nghiên
cứu bàn sâu về vấn đề phong cách như: Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Đình Ky,
Phan Cự Đệ, Phan Ngọc…với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.
Trong thời kỳ hiện đại, dưới quan điểm của các nhà nghiên cứu văn
học, phong cách được xem như một phạm trù thẩm mỹ, một hiện tượng văn
học nghệ thuật, bao gồm trong đó tất cả sự đa dạng và phức tạp của nó. Phong
cách giờ đây được nghiên cứu trong mối quan hệ với tư tưởng, với nhà văn,

12
với thời đại hay “giữa quá trình phong cách và truyền thống phong cách” giữa
“phong cách, phương pháp, cuộc sống” hay giữa “cốt truyện và phong
cách”… Phổ biến nhất, phong cách được hiểu theo 2 cách : thứ nhất, phong
cách là tính cá thể hoặc tính độc đáo; thứ hai phong cách là hệ thống các
phương tiện biểu đạt, là hình thức nghệ thuật được xem xét trong quy luật và
các nguyên tắc hài hoà. Qua các tài liệu bàn về lí thuyết phong cách, chúng
tôi thấy nổi bật lên ba vấn đề sau đây:
1 .1 Phong cách nghệ thuật nhà văn ;là sự thống nhất các đặc tính vốn có của
tất cả các tác phẩm của nhà văn đó. Trong thực tế cho thấy, phong cách vừa
có mặt thống nhất, vừa có mặt đa dạng. Phong cách là một cái gì đó rất chung

mà không trừu tượng, có thể thâu tóm tất cả nhưng lại là hình ảnh sinh động
của nhà văn, là thần thái là linh hồn của tác phẩm nhưng cũng là tâm trạng,
cách nhìn, giọng điệu, nụ cười quen thuộc của người nghệ sĩ. Cho nên, xác
định phong cách nếu chỉ sa vào phân tích những chi tiết, những yếu tố riêng rẽ
thì không hình dung được phong cách. Ngược lại, nếu tìm hiểu phong cách mà
chỉ tập trung vào một vài nét thống nhất nào đó thì cuối cùng không nói được
một điều gì về phong cách.
Vì vậy, nói đến phong cách trước hết phải nói đến tính thống nhất của nó
như một chỉnh thể nghệ thuật. Ở một nhà văn lớn, sự thống nhất về phong
cách được thấy rõ ở hàng loạt các tác phẩm. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có
thể nhận ra phong cách của nhà văn khi đã biết từ trước qua các tác phẩm khác
của ông ta. Phong cách là sự thống nhất cuối cùng các yếu tố trong tác phẩm
từ đề tài, chủ đề, kết cấu, hình tượng, giọng điệu…
1 .2 Phong cách là khái niệm bao gồm cả hình thức nội dung và nghệ thuật.
Nói phong cách là nói phẩm chất thẩm mỹ của tác phẩm văn học, nói tới
những sáng tạo độc đáo của nhà văn theo quy luật cái đẹp trong đó có mang
dấu ấn dân tộc và thời đại. Bởi vậy phong cách trước hết thể hiện ở hình thức

13
nghệ thuật. Nhưng nếu như không nắm được tính độc đáo của nhà văn và tác
phẩm nghệ thuật thì cũng khó quan niệm được phong cách một cách sâu sắc.
Nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh đã nói “Không tìm ra cơ sở tư tưởng của phong
cách thì không phát hiện ra quy luật nghệ thuật và tính thống nhất bên trong
của phong cách”[21, tr.76 ].
Phong cách có thể nói rõ hơn ở nội dung tư tưởng hoặc đậm nét hơn ở
hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên, trên cơ sở thống nhất biện chứng giữa nội
dung và hình thức, một phong cách thiên về nội dung vẫn có liên quan đến
hình thức nghệ thuật và một phong cách thiên về hình thức vẫn có gốc rễ ở nội
dung. Như vậy khi nói đến phong cách phải nói đến sự thống nhất giữa hình
thức và nội dung, tư tưởng và nghệ thuật “Phong cách liên hệ hình thức với

nội dung, cái biểu đạt với cái được biểu đạt. Phòng cách là chất liệu nghệ
thuật trong đó được thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ. Chính ở đây bộ lộ sự
phụ thuộc của phong cách vào tư duy hình tượng, thế giới quan”(Xôkôlốp
A.N). Như vậy phong cách nghệ thuật biểu hiện cả trong nội dung và hình
thức, tạo được một chỉnh thể hoàn chỉnh và bền vững, thể hiện được cả tính
sáng tạo của nhà văn.
1 .3 Phong cách nghệ thuật tập trung trong những đặc điểm mang giá trị
phẩm chất nghệ thuật cao, được kết tinh trong sự sáng tạo của nhà văn. Nói
đến phong cách là nói đến tính độc đáo của phẩm chất thẩm mĩ - nghĩa là phải
đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ thẩm mĩ khiến cho họ tìm thấy sự
khác biệt giữa tài năng này với tài năng khác. Đó là một sự khó khăn đối với
quá trình sáng tạo của nhà văn. Chính vì thế không phải nhà văn nào cũng có
phong cách, mặc dù xét cho cùng, nhà văn nào cũng có đặc điểm riêng. Đặc
điểm mờ nhạt thì chưa thể có ý nghĩa gì với nghệ thuật phải là chỗ độc đáo
không thể thay thể được mới làm nên phong cách của nhà văn. Chỉ cần có sự
lặp đi lặp lại trong sáng tác nghệ thuật đã được gọi là đặc điểm, nhưng phong

14
cách phải lặp đi lặp lại một cách đổi mới, phải là những sáng tạo có giá trị
bền vững, không bị phai mờ.
Mỗi một nhà văn đều có ít nhiều những đặc điểm riêng trong sáng tác,
nhưng những đặc điểm ấy phải phát triển đến một trình độ nghệ thuật nào đó
và hợp thành một chỉnh thể thống nhất, độc đáo và bền vững thì mới trở thành
phong cách. Cho nên, quá trình khẳng định phong cách của một nhà văn là
quá trình tu dưỡng nghệ thuật, quá trình nhà văn tự tìm hiểu chỗ mạnh, chỗ
yếu và bản sắc của mình. Có thể nói, phong cách là dấu hiệu trưởng thành của
một nhà văn, hơn thế nữa nó phát triển nở rộ thì đó là bằng chứng của một nền
văn học đang phát triển và trưởng thành.
Phong cách nghệ thuật độc đáo giúp cho sáng tác của người nghệ sĩ có
được bản sắc riêng. Chính cái mới lạ cái độc đáo trong phong cách nghệ thuật

giúp cho tác phẩm văn chương lay động được lòng người, tạo cho bạn đọc
hứng thú khi đọc tác phẩm. Phong cách nghệ thuật riêng độc đáo cũng là yếu
tố mới lạ kích thích bạn đọc, như cái duyên để họ bị cuốn hút bởi giọng văn,
một bút pháp, hay bị ám ảnh bởi hình tượng nghệ thuật nào đó, để rồi cái
giọng văn, hình tượng nghệ thuật đó sống mãi trong tâm hồn người đọc.
Tóm lại xung quanh khái niệm phong cách nghệ thuật nhà văn, có nhiều
vấn đề đang cần phải bàn luận. Tuy nhiên để có một khái niệm thích đáng cho
việc giải quyết vấn đề của luận văn, chúng tôi xác định nội hàm khái niệm
phong cách nghệ thuật như sau:
-Nói đến phong cách nghệ thuật của nhà văn, trước hết phải nói đến tính
thống nhất của nó được bộc lộ ở hàng loạt các tác phẩm và thể hiện ở mọi
bình diện, từ đề tài, chủ đề, kết cấu, hình tượng, giọng văn, ngôn ngữ và mọi
chi tiết khác của tác phẩm.
-Nói phong cách là nói phẩm chất thẩm mĩ của tác phẩm văn học, nói tới
những sáng tạo độc đáo của nhà văn theo quy luật của cái đẹp, điều đó được

15
lặp đi lặp lại một cách có hệ thống, tạo được một chỉnh thể hoàn chỉnh và
bền vững, thể hiện được cá tính sáng tạo của nhà văn.
- Phong cách trước hết thể hiện ở hình thức nghệ thuật của tác phẩm, nhưng
nếu không nắm được tính độc đáo của tư tưởng nhà văn và tác phẩm, ở đây
là tư tưởng - nghệ thuật thì cũng không quan niệm phong cách được một
cách sâu sắc. Như vậy phong cách là khái niệm bao gồm cả nội dung lẫn
hình thức nghệ thuật, tuy nhiên, phong cách thể hiện một cách cụ thể nhất,
rõ rệt nhất ở hình thức nghệ thuật.
1.2 Khái niệm truyện ngắn.
Với khái niệm Truyện ngắn, việc xác lập lại một khái niệm cũng là vấn
đề không dễ “Thật ra thì cho đến bây giờ cũng chưa có ai tìm ra được một
khái niệm thật chuẩn về tiểu thuyết hay truyện ngắn” [46, tr. 20 ], bởi truyện
ngắn cũng như tiểu thuyết luôn biến chuyển.

Truyện ngắn có nguồn gốc tiếng Italia, novella có nghĩa đầu tiên là “cái
tin”, “một chuyện mới lạ” (Tiếng Pháp; Nouvelle, tiếng Anh short story,
tiếng Trung Quốc; Đoản thiên tiểu thuyết). Trước đến nay có rất nhiều cách
định nghĩa khác nhau về thể loại truyện ngắn ở khắp các châu lục. Nhà thơ
Đức, Gớt, xác định Novella là “là một câu chuyện lạ đang xảy ra làm ta
kinh ngạc” [35 tr,11 ]. Nhà văn K. Pauxtôpxki (Nga) cho rằng: “Thực chất
truyện ngắn là gi? Tôi nghĩ truyện ngắn là một truyện ngắn gọn trong đó
cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường” [35 ,tr16]. D.
Grônôpxki trong sách Đọc truyện ngắn viết “Truyện ngắn là một thể loại
muôn hình, muôn vẻ, biến đổi không cùng. Nó là một vật biến hoá như quả
chanh của Lọ Lem. Biến hoá về kiểu loại: tình cảm, trào phúng, kỳ ảo,
hướng về biến cố thật hay tưởng tượng, hiên thực hoặc phóng túng. Biến
hoá về nội dung: thay đổi vô cùng tận…Trong thế giới của truyện ngắn, cái

16
gì cũng thành biến cố, thậm chí sự thiếu vắng tình tiết, diện biến cũng gây
hiệu quả, vì nó làm cho sự chờ đợi bị hẫng hụt” [35 , tr.12 ].
Như vậy qua các tài liệu hiện hành và ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu,
phê bình và các nhà văn chúng tôi thấy truyện ngắn là một khái niệm rất khó
xác định cả về phương diện nội dung và hình thức. Lí luận về truyện ngắn
trở nên phong phú hơn nhờ ý kiến, kinh nghiệm của các nhà sáng tác từ
những Sêkhốp, Môom Môham, E.Hêminuê, An-tô-nôp ở nước ngoài, đến
những Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc,
Nguyễn Kiên… ở nước ta.
Tuy nhiên, qua các tài liệu viết về truyện ngắn mà chúng tôi tiếp cận
được, chúng tôi thấy ý kiến của các nhà lí luận nhất là ý kiến của các nhà
sáng tác quả là có nhiều điểm không thống nhất, đặc biệt khi so sánh truyện
ngắn và tiểu thuyết về tính chất (chứ không phải độ ngắn dài)-một vấn đề
then chốt để xác định thể loại truyện ngắn. Chẳng hạn nhiều ý kiến cho
rằng, so với tiểu thuyết, truyện ngắn thường đề cập đến những vấn đề có

tính thời sự nóng hổi và thuộc về vấn đề đời sống hàng ngày của con người,
nội dung truyện ngắn đơn giản hơn, thường chỉ có một chủ đề, ít nhân vật
hơn, cốt truyện ít phức tạp, thường chỉ là một lát cắt, một khúc, hay một
khoảnh khắc nào đó của cuộc đời nhân vật…
Mặc dù chưa đi đến thống nhất về định nghĩa nhưng phần lớn các nhà
văn và các nhà nghiên cứu đều đồng ý cho rằng, truyện ngắn là một hình
thức tự sự cỡ nhỏ, tập trung mô tả một mảnh cuộc sống, một vài biến cố
trong đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật,
một khía cạnh nào đó của xã hội. Truyện ngắn có tính quy định về dung
lượng, cốt truyện, nghệ thuật xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật cũng
như nhiều đặc điểm khác về thời gian, không gian, biến cố, chi tiết nghệ
thuật.

17
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu của luận văn này, chúng tôi không có ý
đi tìm một định nghĩa chuẩn về thể loại truyện ngắn cũng như không có
tham vọng xây dựng khung đặc điểm về thể loại văn học này. Như vậy để
khảo sát về truyện ngắn không nhất thiết phải có một định nghĩa về truyện
ngắn tương ứng với mọi trường hợp trong thực tế văn học. Điều quan trọng
là xác định đâu là những bình diện quan trọng nhất xét về thể loại truyện
ngắn mà các phong cách truyện ngắn khác nhau đều bộc lộ những đặc trưng
cơ bản. Những bình diện này, một mặt phải là chung cho các loại truyện
ngắn, hay nó là những “linh kiện” không thể thiếu của cơ chế truyện ngắn,
đồng thời là nơi mà các phong cách truyện ngắn khác thể hiện những sáng
tạo độc đáo nhất.
Do vậy, xuất phát từ việc tìm hiểu phong cách nghệ thuật nhà văn dưới
góc độ thể loại nên chúng tôi tập trung vào những bình diện cơ bản sau của
truyện ngắn để tìm hiểu về phong cách nghệ thuật nhà văn:
-Khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật: cảm quan về thế giới và con người
-Sự sáng tạo tình huống truyện

-Kết thúc truyện, cách mở đầu, kết thúc
-Nhân vật truyện
-Nghệ thuật trần thuật
-Ngôn ngữ
Mặc dù 6 bình diện trên đây chưa bao quát được đầy đủ các vấn đề của
phong cách truyện ngắn, nhưng đó là 6 bình diện cơ bản nhất, mà trong
khuôn khổ của luận văn, cần xác định và tìm hiểu. Bên cạch đó không phải
một phong cách nhà văn nào cũng có những sáng tạo độc đáo ở cả 6 bình
diện trên. Chính vì vậy mà trong giới hạn của đề tài sẽ đi phân tích bám vào
các bình diện của phong cách nghệ thuật truyện ngắn, dựa vào đặc điểm của
mỗi tác phẩm, trong những giai đoạn sáng tác nhất định.

18
1. 3. Hành trình sáng tác của nhà văn Thạch Lam.
1. 3.1. Con người và sự nghiệp văn chương của Thạch Lam.
Thạch Lam là nhà văn đã trở nên thân thiết với bao thế hệ bạn đọc, từ
khi ra đời cho đến ngày hôm nay. Mặc dù nhà văn đã qua đời khi tuổi còn rất
trẻ. Ông mắc bệnh lao và mất khi tuổi 32 (1942) cái tuổi mà tài năng đang đến
độ chín và nổ rộ và để lại cho bạn bè niềm thương tiếc về một tài nghệ văn
chương. Dù thời gian cầm bút trong khoảng mười năm nhưng Thạch Lam đã
để lại cho đời những áng văn chương mà cho đến nay vẫn còn sự hấp dẫn với
bạn đọc. Đó là những trang truyện ngắn giàu chất trữ tình, giàu tình yêu
thương, đẹp đẽ và thấm đượm tình người.
Thạch Lam sinh ngày 7/7/1910 tại ấp Thái Hà- Hà Nội. Khi mới sinh đặt
tên là Nguyễn Tường Sáu, đến khi đi học tại trường huyện Cẩm Giàng thì khai
sinh lại là Nguyễn Tường Vinh. Năm mười lăm tuổi vì cần thêm tuổi để thi
vượt cấp ông lại khai sinh lại và lấy tên là Nguyễn Tường Lân và cái tên đó
giữ nguyên cho đến khi nhà văn qua đời. Ngoài bút hiệu Thạch Lam ông còn
một số bút danh khác như Việt Sinh, Thiện Sĩ.
Cha Thạch Lam là cụ Nguyễn Tường Nhu quê ở làng Cẩm Phổ, Hội An

(Quảng Nam). Ông nội Thạch Lam nguyên là tri huyện Cẩm Giàng (Hải
Dương), trong thời gian làm quan đã cùng một người đồng sự trở thành thông
gia. Ông Nguyễn Tường Nhu thành thân với con gái của ông Lê Quang
Thuận là bà Lê Thị Sâm, sinh hạ đựơc bảy anh em và Thạch Lam là con thứ
sáu.
Tuổi thơ Thạch Lam sống ở quê ngoại phố huyện Cẩm Giàng, Hải
Dương. Cả thời thơ ấu của ông gắn liền với phố huyện nhỏ bé này và cũng từ
những kỷ niệm này mà nhà văn đã đưa vào trang văn của mình những truyện
ngắn thành công. Và Cẩm Giàng là quê hương văn học của ông

19
Trong gia đình của Thạch Lam có bảy anh em nhưng chỉ có một chị gái
duy nhất là Nguyễn Thị Thế. Chị ở nhà lo nội trợ còn sáu anh em đều được
học hành tử tế và đỗ đạt cao. Anh cả của Thạch Lam là Nguyễn Tường Thụy
(1903) là chuyên viên cao cấp của ngành Bưu điện. Anh thứ hai là Nguyễn
Tường Cẩm (1904) là kĩ sư canh nông. Ông Cẩm là người sau nay giữ chức
quản trị cho các cơ sở văn hóa của Tự lực văn đoàn. Anh trai thứ ba là
Nguyễn Tường Tam (1905) có bút danh là Nhất Linh, là người sáng lập ra Tự
lực văn đoàn và tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay Nguyễn Tường Long (1907)
là anh thứ tư, có bút danh là Hoàng Đạo, Tứ Ly cũng là thành viên của nhóm
Tự lực văn đoàn. người thứ năm là Nguyễn Thị Thế (1909) là mẹ của nhà văn
Thế Uyên tác giả của những hồi kí viết về gia đình Nguyễn Tường. Thạch
Lam là con thứ sáu và người em út của nhà văn là bác sĩ Nguyễn Tường Bách.
Tên của bảy anh em nhà Thạch Lam được đặt theo bộ chữ “ Thụy Cẩm
Tam Long Vinh Bách Thế”, có nghĩa là ba con rồng bằng ngọc làm đẹp vinh
hiển cho đời.
Trong số bảy anh em thì “Thạch Lam là người thông minh nhất nhà” đó
là lời nhận xét của chị gái nhà văn. Nhưng cuộc đời nhà văn lại không suôn
sẻ, luôn gặp những bất trắc, những trở ngại trong cuộc đời, từ việc công danh
cho đến gia đình. Năm lên bảy tuổi thì cha mất (khi đang làm việc tại tòa công

sứ bên Lào). Gia đình bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Mẹ nhà văn đã phải
ngược xuôi đủ nghề để kiếm sống nuôi các anh em ăn học. Các anh của
Thạch Lam đi học trên Hà Nội thỉnh thoảng mới về, ở nhà chỉ có hai chị em
(nhà văn và chi gái) trông quán hàng tạp hóa cho me. Những kỉ niệm êm đềm
thời thơ ấu cùng người chị gái bên phố chợ Cẩm Giàng đã theo nhà văn vào
những câu truyện của ông sau này như: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ
Khi nhà văn lên mười lăm tuổi ông làm lại giấy khai sinh, tăng tuổi để
vào học trường Canh Nông (Tuyên Quang) và thi đỗ vào trường Cao Đẳng

20
tiểu học. Sau một thời gian gia đình rời khỏi phố huyện Cẩm Giàng lên Hà
Nội, ông thôi không theo học trường Canh Nông và quyết định theo học
trường Albert Sarraut để thi tú tài. Đỗ tú tài một phần, ông không học tiếp nữa
mà quay về học với các anh trai tại nhà. Có một thời gian ông theo Hoàng
Đạo vào Sài Gòn ở với người anh thứ hai là Nguyễn Tường Cẩm đang làm Sở
Canh nông. Sau đó khoảng hai năm khi Hoàng Đạo bị đổi sang Lào thì ông
lại trở ra Hà Nội. Ông sống với gia đình và chuẩn bị đi du học bên Pháp cùng
Nhất Linh, nhưng chính quyền Pháp chỉ cho Nhất Linh đi. Năm 1932, Nhất
Linh sáng lập nên Tự lực văn đoàn và kể từ đây Thạch Lam bắt đầu sự nghiệp
sáng tác văn chương của mình.
Năm ông hai mươi lăm tuổi ông lập gia đình. Vợ ông là một người con
gái quê ở Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Sáu là một người phụ nữ hiền lành nết
na, đoan trang yêu thương chồng con, khi Thạch Lam qua đời, bà đã ở vậy và
nuôi con khôn lớn.
Thạch Lam trong con mắt của người thân là người “mắt nâu và sâu, tóc
hơi đỏ” [1. tr352]. Theo chị gái kể lại rằng: Vinh có một cái áo mà cậu rất
thích “ Trong số đó có cái áo ma ga mà bà tôi bào người ta dệt bằng tóc, mua
cho thằng cả từ mười năm rồi” Vinh rất thích lấy ra sờ đi sờ lại cái áo này rồi
hỏi: Bà ơi người ta lấy tóc của ai mà dài thế ? Vinh ưa cái áo đó lắm vì mặc
ấm mà không bẩn vì bụi dính vào chỉ đập mấy cái là sạch. Tuy quý cái áo như

thế nhưng đến mùa đông thấy con chị Lê bên hàng xóm rét run cả ngày không
dám ra đường chơi cứ chúi vào ổ rơm Vinh đã cởi ra cho nó mặc.” Khi chị Lê
mang sang trả Vinh đã nói “cháu cho nó vì thấy nó rét quá. Cháu không thích
cái áo ấy nữa vì nó làm bằng tóc, mặc ngứa lắm. Cháu đã có cái áo di lê này
là đủ ấm rồi” [1. tr 352] Vinh đã biết nói khéo để chị Lê nhận nó mà không
thấy áy náy.

21
Khi còn nhỏ Thạch Lam là người có niềm say mê khám phá sự vật, muốn
nắm bắt được những gì mà mình cảm thấy thích thú. Chị gái của nhà văn kể
lại rằng ông thích ngắm tàu chạy qua phố “Hôm nào đi học, em tôi cũng cố đi
sớm để lên cầu đứng lọt vào cột sắt đợi tàu chạy qua”. Vinh còn mê bánh xe
tàu hỏa đến mức mạo hiểm “Nó giằng tay tôi chạy vọt lên, bò tới trước bánh
xe lấy tay sờ lấy làm thú lắm. Nó vẫy tay tôi theo vào gầm toa với nó: [46 .
tr354]. Hết say xe lửa Vinh lại chuyển sang mê thỏ “suốt ngày nó ngồi ngắm
hai con thỏ bạch mắt đỏ của một người quen cho” : [1. tr 354]. Sự say mê rất
trẻ thơ đó có thể là những khởi đầu của những tình cảm với thế giới xung
quanh và tạo cho nhà văn lòng yêu mến, say mê và nâng niu cuộc sống.
Trong số những anh em trong gia đình Thạch Lam là người có cuộc sống
vất vả về vật chất. Lấy vợ xong, ông ra ở căn nhà tranh ở đầu làng Yên Phụ:
“Nhà mái tranh, cổng gỗ giữ nguyên vẻ thanh sơ, tuy rằng nếu muốn chủ nhân
lợp mái ngói, xây tường gạch”, nhưng tuyên bố “ở được nhà lá, nằm được
giường tre, ăn được rau đậu mà vẫn tìm thấy cái đẹp của mái lá, cái êm của
giường tre, cái ngon của rau đậu mới là biết sống có nghệ thuật” {46 .tr 391].
Cuộc sống của Thạch Lam nghèo nhưng thanh lịch. Ông nghèo nhất so với
mấy anh em, lương làm báo chỉ có ba mươi đồng “không bao giờ nhận sự
giúp đỡ của ai, dù của mẹ hay các anh” [ 1 .tr 356].
Trong cuộc sống đời thường Thạch Lam là một người khá ít nói, rất
điềm đạm không bao giờ to tiếng với bất cứ ai. Về quan hệ bạn bè ông ít giao
du và ít bạn. Nếp sống của Thạch Lam tuy thanh bạch, thích yên tĩnh, nhưng

căn nhà ở Hồ Tây luôn đón những người bạn bạn thân thiết đến với tác giả.
Thạch Lam nghèo nên có lần tổ chức trung thu ông viết “viết thiếp mời bạn bè
đến dự nhưng lại chữa thêm là ai tới phải mang một món ăn theo”[1. tr536]
Năm 1932 Nhất Linh thành lập Tự lực văn đoàn, từ đây Thạch Lam bắt
đầu sự nghiệp cầm bút của mình. Ông sáng tác bài cho các báo Phong Hóa,

22
Ngày Nay với đủ các thể loại, truyện, tùy bút Đương thời sách của Thạch
Lam bán không chạy, có thể nói là ế nhất Tự lực văn đoàn, nhưng những
truyện ngắn của ông vẫn mang một phong cách riêng, văn ông viết không
chạy theo thị hiếu thời thượng của người đọc. Đó là một lối viết tinh tế nhẹ
nhàng đậm chất thơ.
Chỉ trong một khoảng thời gian cầm bút ngắn ngủi ông đã để lại 35
truyện ngắn sau đó được tập hợp thành 3 tập truyện ngắn
1. Gió đầu mùa (Xuất bản 1937)
2. Nắng trong vườn (Xuất bản 1938)
3. Sợi tóc (Xuất bản 1942)
Ngoài ra ông còn có một tiểu thuyết Ngày mới (1939), tùy bút Hà Nội
băm sáu phố phường (1943) Theo Dòng, tiểu luận văn học (1941). Ông có
bốn tập Sách Hồng viết cho thiếu nhi với bút danh Thiện Sĩ Quyển Sách
(1940), Hạt Ngọc (1941), Hai chị em và Lên chùa.
Là người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp.
Và những sáng tác của ông chính là “sự tìm kiếm cái đẹp bị đánh mất” và
chính ông là người suốt đời “chắt chiu cái đẹp” theo ông “cái đẹp man mác
khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm tiềm tàng ở mọi vật tầm thường.
Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ, tìm cái đẹp
kín đáo để che lấp của sự vật khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”
[20. tr 39.].
Trong toàn bộ truyện ngắn của ông ta thấy cái đẹp mà ông tìm kiếm
chính là cái đẹp của cuộc sống, của tâm hồn con người. Trong văn chương của

ông ta ít gặp những nhân vật phản diện, cái xấu, cái ác Do vậy truyện ngắn
của ông ít ngột ngạt cùng quẫn mà thường tĩnh lặng thâm trầm đậm chất thơ.
Ông luôn hướng ngòi bút của mình vào những con người lao động nghèo khổ,

23
yêu thương và thức tỉnh họ. Ở điểm này Thạch Lam có nhiều tiến bộ và khác
xa với các nhà văn trong Tự lực văn đoàn.
Sự nghiệp văn chương của Thạch Lam đã được độc giả mọi thời đại
khẳng định và đưa nó trở về đúng giá trị đích thực. Những tuyệt tác mà ông để
lại cho đời, được người đọc đón nhận bằng sự rung động trái tim, lí trí, bằng
sự đánh giá khoa học công bằng và thỏa đáng
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam.
Khi nghiên cứu phong cách nghệ thuật truyện ngắn của Thạch Lam,
chúng ta phải đặt những sáng tác của Thạch Lam với các nhà văn đương thời,
và đặc biệt là Tự lực văn đoàn. Tự lực văn đoàn được thành lập năm 1932 do
Nguyễn Tường Tam (anh trai của nhà văn) khởi xướng với một tôn chỉ mục
đích tạo ra những tác phẩm văn chương có giá trị. Thành phần nòng cốt của
Tự lực văn đoàn gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú
Mỡ, Thế Lữ, về sau thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu và rất nhiều những cộng tác
viên khác. Cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn là tờ báo Phong Hóa, năm
1936 báo Phong Hóa bị đóng của thì có Ngày Nay thay thế. Tự lực văn đoàn
ra đời có những đóng góp nhất định cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Trong những người đóng góp đó phải kể đến Thạch Lam, ông là người đóng
góp nhiều nhất bằng những tác phẩm văn chương có giá trị, bằng những quan
niệm nghệ thuật tiến bộ. Ông tham gia Tự lực văn đoàn vì có mối quan hệ ruột
thịt và vì ông là người có sở trường viết văn.
“Khác với hai anh thứ nhất và thứ nhì không để ý và tha thiết với văn hóa,
cũng có khác với anh thứ ba và thứ tư quá say mê cách mạng, Thạch Lam
thường ngồi riêng một góc với vài bạn văn, cách biệt với tất cả như đôi mắt
sâu và tối” [1. 370 ] Đóng góp lớn nhất của Thạch Lam là ở hoạt động sáng

tác, ông trở thành một cây bút lớn của Tự lực văn đoàn và của văn học Việt
Nam đầu thế kỉ XX

×