1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
VŨ THỊ THU AN
TÌM HIỂU NGHI LỄ THỜ CÚNG
CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở KIẾN AN HẢI PHÒNG
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo
Mã số: 60 22 90
Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN THỊ KIM OANH
Hà Nội - 2013
4
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ 12
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU KIẾN AN – HẢI PHÒNG 12
1.1 Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu 12
1.1.1 Tín ngưỡng thờ Mẫu 12
1.1.2 Nghi lễ thờ cúng 18
1.2 Địa bàn nghiên cứu Kiến An – Hải Phòng 47
1.2.1 Vị trí địa lý 47
1.2.2 Tình hình kinh tế, chính trị - xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo 47
Chương 2: THỰC HÀNH NGHI LỄ CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở
KIẾN AN – HẢI PHÒNG 50
2.1 Một số đặc điểm về nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Kiến An
– Hải Phòng 50
2.1.1 Tính địa phương 50
2.1.2 Tính đô thị hóa 56
2.1.3 Tính hỗn dung 60
2.2 Các loại hình nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Kiến An –
Hải Phòng 61
2.2.1 Nghi lễ Hầu đồng 61
2.2.2 Nghi lễ Đội bát nhang 70
2.2.3 Nghi lễ trình giầu 72
2.2.5 Nghi lễ Mở phủ 74
2.3 Nhận định và giải pháp đối với nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu
ở Kiến An – Hải Phòng 78
2.3.1 Một số nhận định 78
2.3.2 Giải pháp 84
KẾT LUẬN 88
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 90
1
MỞ ĐẦU
1.Tính cấp thiết của đề tài
Trong hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tục thờ
Mẫu chỉ có ở Việt Nam. Là một loại hình tín ngưỡng dân gian của những cư
dân thuộc khu vực châu thổ sông Hồng, tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện từ rất
sớm và phát triển đến tận ngày nay. Với niềm ngưỡng vọng vào sự che chở,
ban phát tài lộc, sức khỏe người Việt đã xây dựng lên hình tượng Mẫu _ Mẹ
cùng sức mạnh vạn năng có thể xoay chuyển cả đất trời, thân phận. Mẫu ở
đây được hiểu không chỉ là người sinh ra dân tộc mà còn là nguồn sống nuôi
dưỡng dân tộc qua ngàn năm lịch sử. Trong suốt tiến trình từ hình thành, phát
triển và ngày càng hoàn thiện, tín ngưỡng thờ Mẫu đã chịu ảnh hưởng nhiều
từ các tôn giáo ngoại lai cũng như tín ngưỡng dân gian tồn tại quanh nó. Tuy
nhiên, bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn mang trong mình những sắc thái
riêng biệt và ngày càng trở thành loại hình tâm linh không thể thiếu trong đời
sống của một bộ phận quần chúng nhân dân.
Cùng với xu thế đổi mới trong đời sống kinh tế - xã hội, tư duy lý luận
đặc biệt là nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang có những chuyển
biến căn bản. Trước đây một thời gian dài, chúng ta đã coi chúng như là "tàn
dư" của xã hội cũ, là kết quả sai lầm trong nhận thức của con người. Chúng bị
xem như cái đối lập với chủ nghĩa xã hội, với khoa học, kỹ thuật hiện đại và
cần phải loại bỏ. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có những nhận định
khách quan, khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp hơn với tình hình hiện
tại. Nhận thức một số giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống với việc xây dựng
nền đạo đức mới, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với
mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong
2
việc hoạch định chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo vệ, tu tạo các
di sản văn hóa.
Nghi lễ thờ cúng là một thành tố quan trọng trong kết cấu của tín
ngưỡng, tôn giáo. Nó không chỉ là phương cách để con người giao tiếp với
đấng siêu nhiên mà còn là cách thức thể hiện của niềm tin trong giáo lý. Mỗi
tín ngưỡng, tôn giáo có các kiểu thể hiện sự thờ cúng khác nhau. Ngoài ra, sự
hoàn thiện của nghi lễ còn khẳng định sự lớn mạnh và kiện toàn dần của tín
ngưỡng, tôn giáo. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu thì nghiên cứu nghi lễ còn là
việc đi tìm lời giải cho bài toán có thể coi tín ngưỡng thờ Mẫu là một tôn giáo
của người Việt hay không?
Sau khi được đào tạo chuyên ngành Tôn giáo học (tại trường Đại học
Khoa học Xã Hội & Nhân Văn. ĐHQGHN), học viên nhận thấy: mỗi tín
ngưỡng, tôn giáo có một đặc trưng riêng với vai trò nhất định trong đời sống
xã hội. Bản thân học viên, đã được tham gia sinh hoạt cùng những tín đồ và
từng thực hiện công trình khóa luận đại học về tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính
những lý do trên, học viên đã lựa chọn đề tài luận văn “Tìm hiểu nghi lễ thờ
cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Kiến An – Hải Phòng”. Với mong muốn
nghiên cứu một cách chuyên sâu về nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu
từ đó xin đưa ra một vài nhận định cũng như giải pháp đối với tiến trình phát
triển văn hóa xã hội tại khu vực này hiện nay.
2.Tình hình nghiên cứu
Các công trình nghiên cứu mang tính khởi đầu về thờ Mẫu phải nhắc
đến những nghiên cứu về Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam của các nhà khoa
học người Pháp như Parmenties, Maspero, Durand, Simond và kế tiếp là các
học giả người Việt như Nguyễn Văn Huyên, Đào Thái Bình…
Sau này, đã có một thời gian dài, tín ngưỡng thờ Mẫu bị xem nhẹ, thậm
chí còn bị khoác cho cái áo mê tín dị đoan. Nhưng từ những năm 70 của thế
3
kỷ XX, một số nhà nghiên cứu mỹ thuật trẻ với sự dẫn dắt của cố GS. Từ Chi
đã nhận ra rằng: hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài
vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi như là một trục chính của tín ngưỡng dân
gian, đã tồn tại suốt cả mấy ngàn năm như một “đối trọng” về tâm linh với tôn
giáo ngoại lai và chính quyền phong kiến. Chính vì vậy, nghiên cứu loại hình
tín ngưỡng này góp một phần lớn vào việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc
trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Có thể nói, khoảng thập niên 1990, nhất là sau hội thảo quốc gia về
Thánh Mẫu Liễu Hạnh do Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam tổ chức tại
Văn Miếu (Hà Nội) thì không khí học thuật liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu
nói riêng và tín ngưỡng dân gian nói chung mới thực sự sôi động, hàng loạt
các tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố.
Từ các nghiên cứu tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã hệ thống hóa được
việc tôn thờ Mẫu ở Việt Nam trên cả phương diện đồng đại và lịch đại. Về
phương diện lịch đại, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam được hình thành và
phát triển trên nền thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, rồi tiếp thu những ảnh
hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao với sự xuất hiện của
Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XVI. Về phương diện đồng đại, tín ngưỡng
thờ Mẫu di cư vào phương Nam trong quá trình nam tiến. Ở đây, nó đã giao
thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer từ đó tạo
nên các dạng thức địa phương của tín ngưỡng thờ Mẫu với ba miền Bắc –
Trung – Nam.
Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng được rất
nhiều người biết đến không chỉ với tư cách một tín ngưỡng có lượng tín đồ
ngày càng đông mà còn là vấn đề mà giới học thuật đem ra luận bàn chưa đi
tới thống nhất. Đặc biệt, những nghiên cứu về nghi lễ thờ cúng của tín
4
ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn khá mới mẻ và chưa có nhiều công trình khai thác
chuyên sâu.
Tính đến nay, có thể chia các nghiên cứu đó thành các mảng sau:
1) Các công trình nghiên cứu là sách
Tác giả Ngô Đức Thịnh được coi là gạo cội trong nghiên cứu tín
ngưỡng Mẫu ở Việt Nam. Bản thân ông là người đi nhiều, viết nhiều và lao
động một cách nghiêm túc với mong muốn xây dựng tín ngưỡng thờ Mẫu trở
thành tôn giáo của người Việt – Đạo Mẫu. Những tác phẩm của ông đều là
những nghiên cứu rất có giá trị bởi lẽ, ông là người đầu tiên nghiên cứu vấn
đề này một cách hệ thống, chuyên sâu. Chúng tôi xin kể ra một số công trình
tiêu biểu sau:
Sách “Hát văn”: đây là công trình đầu tiên của tác giả về tín ngưỡng
thờ Mẫu và nghi lễ thờ Mẫu. Cuốn sách được chia làm hai phần. Ở phần thứ
nhất tác giả nghiên cứu các nội dung tín ngưỡng – văn hóa trong hầu bóng.
Phần thứ hai là tổng hợp nội dung các bài hát văn mà ông sưu tầm được qua
các chuyến đi thực tế của mình. Lựa chọn tiêu đề “Hát văn” là đã gọi đúng
được linh hồn của thờ Mẫu để khi đọc lên người ta không thể nhầm lẫn nó với
bất kỳ loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nào.
Sách “Đạo Mẫu ở Việt Nam”: tính đến nay công trình này đã được in
và tái bản ba lần (1996, 2009, 2011). Có thể nhận định rằng tác phẩm này xây
dựng thành công cái khung chung nhất về tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì trong đó
giáo sư đã đem đến cho người đọc một cách nhìn tổng quan nhất, hoàn chỉnh
nhất. Từ không gian thờ tự, các thần tích dân gian về các vị thần linh trong
công đồng Tứ phủ, cho đến các nghi lễ và lễ hội. Rồi việc chỉ ra tính chất địa
phương qua việc phân biệt Mẫu ở ba vùng đất nước càng làm sáng tỏ hơn
diện mạo thờ Mẫu, thấy được những điểm riêng biệt trong niềm tin chung về
Mẫu. Qua đó, tác giả khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu có thể hội đủ các yếu tố
5
trở thành Đạo Mẫu – tôn giáo của người Việt với hệ ý thức thờ Tam Tứ phủ.
Bản thân nó đã có quá trình phát sinh, phát triển và có quan hệ hữu cơ với các
loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác. Trong tiến trình phát triển của mình, nó
sẽ góp phần lớn vào việc gìn giữ, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc.
Sách “Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận” được xuất bản
lần đầu tiên vào năm 2008. Trong công trình này, tác giả nghiên cứu chuyên
khảo tục lên đồng. Công trình giúp chúng ta nhận diện đúng bản chất của hiện
tượng lên đồng. Tác giả khẳng định lên đồng là nghi lễ đặc trưng của Đạo
Mẫu, xét về bản chất thì có sự tương đồng với các loại hình shaman của các
tộc người ở Việt Nam và Châu Á. Cũng trong tác phẩm, lên đồng còn được
tìm hiểu từ góc độ tâm sinh lý và tính chất trị liệu của nó, về vấn đề cơ đày,
những bí ẩn của hiện tượng đồng giới, khát vọng giải phóng của người phụ nữ
trong xã hội cổ truyền và hiện đại…
Tác giả Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc với cuốn “Các nữ thần Việt
Nam”. Cuốn sách được xuất bản vào năm 1982. Hay cuốn “Nữ thần và Thánh
Mẫu Việt Nam” do Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà biên
soạn (2002, Nxb Thanh niên), “Thần nữ danh tiếng trong văn hóa Việt Nam”
của Nguyễn Minh San (Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, 2006). Ở đây, các tác
giả đã dày công biên soạn và kể lại thần tích của các vị Nữ thần. Từ các bình
diện lai lịch, vai trò trong tâm thức người Việt để đưa ra những kết luận về
đặc điểm các vị nữ thần Việt.
Sách “Tục thờ Đức Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần” của giáo sư Vũ
Ngọc Khánh (Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008). Cuốn sách trình bày tín
ngưỡng thờ Mẫu như một chuỗi phát triển từ ban đầu là nguyên lý Mẹ cho
đến thờ Mẫu Tứ phủ. Trên cơ sở đó thấy được vị trí và vai trò của Thánh Mẫu
Liễu Hạnh trong đời sống dân gian Việt Nam. Cùng với đó là trình bày nghi
6
lễ thờ cúng tại một số phủ tiêu biểu tại các trung tâm thờ Mẫu ở Bắc Bộ.
Ngoài ra, tác giả còn trình bày khái lược về Đức Thánh Trần. Bằng các cứ
liệu lịch sử, các câu chuyên dân gian tác giả đã xây dựng lên hình ảnh Đức
Vua Cha từ khi còn là một vị anh hùng dân tộc cho đến khi ngài hiển thánh.
Sách “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam” của tác giả Nguyễn Minh
San (1998) là tập hợp những nghiên cứu về các loại hình tín ngưỡng trong đời
sống dân gian của người Việt trên khắp mọi miền đất nước với những biểu
hiện về thờ Mẫu mang sắc thái địa phương mà tác giả đã qua thực tế tìm hiểu.
Đặc biệt ở nội dung thứ ba trong cuốn sách có trình bày cụ thể về thờ Mẫu với
cách phân loại Mẫu theo gốc gác, tước hiệu. Và điểm đáng chú ý ở đây là tác
giả đã trình bày về sự thờ cúng trong tín ngưỡng Mẫu thể hiện qua không gian
điện thần, cách thức
Sách “Một số bài viết về tôn giáo học” của Nguyễn Duy Hinh (2007).
Với dung lượng khá lớn tác giả mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng
quan về hình ảnh các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong giới hạn của
luận văn thì nội dung “Lên đồng” mà tác giả trình bày thực sự có ý nghĩa. Tác
giả đã kiến giải lên đồng từ việc chiết tự cho đến cách thức biểu hiện. Bằng
các dẫn chứng thực tế, bài viết giúp người đọc hình dung về lên đồng một
cách rõ nét, chân thực hơn.
2) Các công trình nghiên cứu báo, tạp chí
Bên cạnh các sách thì tập hợp các bài viết đăng trên báo và tạp chí cũng
chiếm một phần lớn. Chúng tôi xin kể tên dưới đây:
Trần Lâm Biền (1990) “Quanh tín ngưỡng dân dã, Mẫu Liễu và điện
thờ”, tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, số 5, tr 42-45.
Nguyễn Minh San (1992) “Đạo Mẫu ở nước ta – nhìn từ hệ thống đền
miếu và thần tích”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, tr 42-47.
7
Nguyễn Minh San (1993) “Tứ pháp – tín ngưỡng độc đáo của người
Việt” Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, số 5, tr 62-64.
Phạm Quỳnh Phương (1994) “Khát vọng của người phụ nữ Việt Nam
qua truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh”, Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số
4, tr 4-5.
Nguyễn Kim Hiền (2001) “Lên đồng một sinh hoạt tâm linh mang tính
trị liệu”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, tr 69-78.
Nguyễn Quốc Tuấn (2004) “Mẫu Liễu Hạnh qua góc nhìn tôn giáo
trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6, tr 50-59.
Lê Thị Chiêng (2008), “Điện thờ tư gia _ một hình thức tín ngưỡng
dân gian trong xã hội hiện đại (qua khảo sát tại Hà Nội)”, Tạp chí Nghiên
cứu Tôn giáo, (11), tr. 59 – 64.
Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương (2008) “Truy tìm những chân thực
riêng lẻ: về thời điểm xuất hiện của phủ Tây Hồ từ góc nhìn nhân loại học
lịch sử”, Tạp chí Văn hóa dân gian, 3, tr 21-44.
Nguyễn Ngọc Mai (2009) “Múa đồng trong nghi lễ lên đồng của người
Việt và mối quan hệ với múa bóng (Chăm) một đôi điều suy nghĩ, Tạp chí Văn
hóa dân gian, số 3, tr 56-61.
3) Các công trình luận văn, luận án và hội thảo khoa học:
Luận văn của tác giả Phan Thị Kim (Thích Đàm Kiên) với đề tài “Tìm
hiểu mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu ở khu vực Bắc Bộ”.
Tác giả đã trình bày tổng quan về tín ngưỡng thờ Mẫu: khái niệm, sự hình
thành phát triển. Thông qua phân tích mối quan hệ giữa thờ Mẫu và Phật giáo,
tác giả đã đặt tín ngưỡng Mẫu tồn tại và phát triển trong mối tương quan với
tôn giáo khác chứ không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Qua đó thấy được sự
kết dính của loại hình tôn giáo này trong đời sống tâm linh người Việt.
8
Hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội Phủ Giầy” Hà Nội,
31/3 - 1/4/2001. Với sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu trong nước và
nhiều học giả quốc tế đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc… Hội thảo đã đi đến nhận
thức về Đạo Mẫu, tính đa dạng của nó trong các tộc người. Đặc biệt các học
giả đã có những so sánh tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức Hầu đồng của
người Việt với các hiện tượng Shaman giáo ở các khu vực, dân tộc khác ở
khu vực Đông Á.
Hội thảo "Lễ hội Đền Cờn - Tục thờ Tứ vị Thánh Nương với văn hóa
biển ở Việt Nam" diễn ra ngày 15/6/2009 tại Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu,
Nghệ An. Qua hội thảo, các nhà nghiên cứu đã bước đầu phác thảo những
nét cơ bản về đặc điểm văn hóa biển, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng, đồng
thời đề xuất một số giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa biển trong thời kỳ
hội nhập.
Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và
văn hóa – Bản sắc và giá trị” tổ chức trong hai ngày 29 – 30/9/2012 tại Nam
Định. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt
Nam, Hội di sản văn hóa Việt Nam, Chi hội Folklore châu Á phối hợp với sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức. Các đại biểu quốc tế
tham dự Hội nghị đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,
Singapore, Lào và Vương quốc Anh. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, ủng
hộ của các nhà nghiên cứu, quản lý trong nước và quốc tế về văn hóa tín
ngưỡng dân gian khu vực châu Á, với hơn 60 tham luận thuộc 15 chủ đề. Các
tham luận đã tập trung giới thiệu nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển,
đặc trưng và ý nghĩa của văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở châu Á và đặc biệt là ở
Việt Nam. Là một tín ngưỡng, tục thờ nữ thần (Mẫu) là thế giới quan, nhân
sinh quan của cư dân nông nghiệp châu Á; đồng thời là triết lý về tinh thần
yêu nước, về sức mạnh, đạo lý của các dân tộc. Trên phương diện văn hoá,
9
tục thờ nữ thần (Mẫu) là bức tranh đa dạng, sinh động về nghệ thuật diễn
xướng dân gian, phản ánh nhiều giá trị văn hóa đã được sáng tạo, tích tụ và
trao truyền từ đời này sang đời khác, làm nên sức sống vĩnh cửu của các Nữ
thần. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm
Thiên Trường - Nam Định, khi Nam Định đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và
Du lịch chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước
lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào
danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ
cho phép đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện
của nhân loại.
Như vậy, thông qua việc trình bày khái quát về tình hình nghiên cứu tín
ngưỡng thờ Mẫu, chúng tôi nhận thấy những công trình đó đã đem đến cho
chúng ta một cách nhìn tổng quan với điều hiện hình thành, lịch sử biến đổi,
thần tích, chầu văn, hầu đồng… Tuy nhiên, trên thực tế thì loại hình tín
ngưỡng dân gian này vẫn còn mang trong mình những bí ẩn đang chờ khai
phá. Và nghi lễ thờ cúng là một mảng nội dung trong số đó. Việc nghiên cứu
nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu mới chỉ dừng lại ở Hầu đồng chứ
chưa có một nghiên cứu nào mang tính chuyên sâu. Chính vì vậy, vấn đề mà
luận văn nghiên cứu là mảng mới, và càng giá trị hơn bởi lẽ bản thân nghi lễ
thờ cúng là một bộ phận không thể thiếu khi tiếp cận bất kỳ tín ngưỡng, tôn
giáo nào. Đồng thời, qua công trình này học viên mạnh dạn xin đưa ra một số
đề xuất nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của loại
hình tín ngưỡng này trong thời kỳ toàn cầu hóa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích của luận văn
Từ việc mô tả và phân tích một số nghi lễ thờ cúng trong tín ngưỡng
thờ Mẫu ở khu vực Kiến An - Hải Phòng. Qua đó thấy được ảnh huởng của
tín ngưỡng thờ Mẫu đối với các sinh hoạt văn hoá cộng đồng khác trong xã
10
hội. Đồng thời làm nổi bật lên những giá trị văn hoá, đạo đức mà nó góp phần
vào công cuộc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá Việt Nam.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Thứ nhất, khái quát chung về tín ngưỡng thờ Mẫu và địa bàn nghiên cứu.
Thứ hai, trình bày cách thực hành nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ
Mẫu tại Kiến An – Hải Phòng. Qua đó, nêu lên nhận định và giải pháp để góp
phần vào việc xây dựng diện mạo sinh hoạt của cộng đồng tín đồ thờ Mẫu của
nhân dân nơi đây. Chỉ ra được tác động tương hỗ giữa tín ngưỡng và cộng
đồng xã hội.
4. Đối tuợng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng
thờ Mẫu ở Kiến An – Hải Phòng.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu: Kiến An - Hải Phòng
5. Cơ sở lý luận và phuơng pháp nghiên cứu
5.1 Cơ sở lý luận
Luận văn được trình bày trên cơ sở phương pháp luận Mácxít và tư
tưởng Hồ Chí Minh, chính sách pháp luật của nhà nước về vấn đề tín ngưỡng,
tôn giáo.
5.2 Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu của ngành tôn giáo học:
phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp logic lịch sử,
phân tích tổng hợp, phương pháp mô tả, nghiên cứu tài liệu, điền dã…
11
6. Đóng góp của luận văn
Việc đi sâu vào nghiên cứu nghi lễ thờ Mẫu ở Kiến An – Hải Phòng
góp phần làm rõ hơn những biểu hiện trong sinh hoạt thờ Mẫu tại một địa
phương, qua đó thấy được những giá trị thiết thực của nghi lễ thờ cúng Mẫu
đối với đời sống tín ngưỡng của người dân Hải Phòng nói riêng và với văn
hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam nói chung.
7. Ý nghĩa của luận văn
7.1 Ý nghĩa lý luận
Từ việc khảo sát thực tiễn đời sống tín ngưỡng ở Kiến An – Hải Phòng
hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm vào việc phát triển nghiên cứu lý luận về khoa
học xã hội nói chung và nghiên cứu tôn giáo nói riêng hiện nay.
7.2 Ý nghĩa thực tế
Luận văn là kết quả tổng kết của việc vận dụng những kiến thức đã
được học vào nghiên cứu thực tế. Là tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học
tập, giảng dạy cũng như nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trong các
trường đại học, các cơ quan, tổ chức chuyên trách về công tác tín ngưỡng,
tôn giáo.
8. Kết cấu của luận văn
Luận văn gồm 4 phần: Mở đầu, Nội dung, Kết luận, Danh mục tài liệu
tham khảo. Riêng phần Nội dung bao gồm 2 chương với 5 tiết.
12
Chương 1:
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU KIẾN AN – HẢI PHÒNG
1.1 Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng thờ Mẫu
1.1.1 Tín ngưỡng thờ Mẫu
1.1.1.1 Khái niệm
Tín ngưỡng, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, là phương thức
phản ánh tồn tại xã hội trên cơ sở niềm tin vào một lực lượng siêu nhiên để
giải quyết vấn đề về thế giới quan – nhân sinh quan. Từ rất xa xưa, khi xã hội
còn chưa thoát thai, con người hoàn toàn thụ động trước mọi hiện tượng tự
nhiên. Một tiếng sấm, một cơn mưa, một trận thiên tai…đều được quy giản về
căn nguyên ở đối tượng siêu nhiên nào đó, mà họ gọi là thần linh. Tội ác bị
trừng phạt, cái Thiện luôn là chân lý tối ưu và chỉ có thần linh mới có quyền
phán xét.
Việt Nam là một quốc gia có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo rất phong
phú. Bên cạnh tín ngưỡng dân gian thì các loại hình tôn giáo ngoại lai du nhập
cũng được hòa cùng mạch nguồn văn hóa dân tộc tạo nên một bức tranh đa
màu sắc. Nói như cách nói của ông L.Cadiere:“Tôn giáo của người Việt, ở
đây nên dùng số ít, cho ta cái cảm nhận y như khi ta lạc vào núi rừng Trường
Sơn”, bước vào đó ta khó có thể phân định rạch ròi. Bởi lẽ, trong khu rừng ấy,
“những cành cây sà xuống mặt đất, lại đan rễ chằng chịt; dây leo tứ bề bò cây
này sang cây khác, chẳng biết gốc rễ từ đâu, và cứ thế mãi như vô tận, chẳng
bao giờ dứt”
(1)
1
Dẫn theo L. Cadiere
13
Các vị thần luôn chiếm vị trí rất cao trong đời sống tâm linh của người
Việt. Một hòn đá, một vị anh hùng dân tộc đều có thể tôn xưng và được khoác
lên mình sức mạnh thần thánh. Và chính lối tư duy duy tình đã làm nên bản
sắc độc đáo của họ _ ý thức hệ của một dân tộc trồng lúa nước phương Đông.
Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên được thể
hiện rất rõ trong lối tư duy tổng hợp cùng với đó là tín ngưỡng đa thần. Tính
chất âm tính của văn hóa nông nghiệp cũng chính là thành tố tạo nên lối sống
thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và sự phổ biến Nữ thần. Và cái đích mà
người Việt hướng tới là sự phồn thực, cho nên Nữ thần của ta không phải là
các cô gái trẻ đẹp, mà là các bà Mẹ, các Mẫu.
Trên thế giới hiện nay tín ngưỡng, tôn giáo vẫn chưa được xây dựng
thành các khái niệm với nội hàm đầy đủ. Người ta có thể đồng nhất hay tách
biệt chúng, hoặc có thể coi cái này là tiền đề cho cái kia phát triển. Và ở Việt
Nam, qua khảo cứu các công trình nghiên cứu về thờ Mẫu chúng tôi cũng
nhận thấy. Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là một tôn giáo, một tín ngưỡng hay
một Đạo vẫn là đề tài còn tranh luận trên các diễn đàn. Tuy nhiên thực tế này
cũng là dễ chấp nhận vì tín ngưỡng thờ Mẫu mới chỉ được thực sự nghiên cứu
với tư cách khách quan, khoa học khi có những đổi mới trong nhận thức diễn
ra từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bởi vậy, việc nghiên cứu để tìm đặt
đúng tên, quy đúng nội hàm khái niệm là việc làm vô cùng cần thiết.
Qua khảo cứu các công trình nghiên cứu từ trước đến nay, chúng tôi
nhận thấy có bốn cách hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu:
Thứ nhất: Tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang trở thành một loại hình tôn
giáo sơ khai của người Việt. Theo như tác giả Hoàng Lương: “Đạo Mẫu trong
quá trình nảy sinh, vận động và biến đổi đã và đang chuyển hóa từ tín ngưỡng
nguyên thủy để trở thành một tôn giáo sơ khai”[37;88]. Chính vì lẽ đó mà tín
ngưỡng thờ Mẫu: “đã là một tôn giáo chứ không còn là một tín ngưỡng, theo
14
kiểu thờ cúng tổ tiên trong gia đình hay thờ cúng anh hùng dân tộc tại một số
đền riêng lẻ. Đạo Mẫu đã có những hoạt động mang tính đặc trưng tôn giáo”
[36; 502]. Trên thực tế, trước những năm 1975, ở miền Nam Việt Nam cũng
hình thành một cộng đồng thờ Mẫu mang tính chất giáo hội với tên gọi là
Tiên Thiên Thánh Mẫu Giáo, tập hợp các tín đồ toàn Miền Nam. Còn ở miền
Bắc hiện nay cũng hình thành một số trung tâm thờ Mẫu như Đồng Bằng
(Thái Bình), Phủ Dầy (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa), Phủ Tây Hồ (Hà
Nội). Ngoài ra hiện nay có một số hội tập hợp những người theo và muốn tìm
hiểu về thờ Mẫu như: Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng
Việt Nam do GS Ngô Đức Thịnh phụ trách; Câu lạc bộ Bảo tồn Phục dựng
Văn hóa tâm linh và Đạo Mẫu Việt Nam….
Thứ hai: Phản bác lại quan điểm trên có một luồng ý kiến trái chiều
khác cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ dừng lại ở loại hình một tín ngưỡng
dân gian. Bởi lẽ: “Về mặt tâm linh, cũng như quy mô tín đồ nó đầy đủ yếu tố
một tôn giáo, nhưng nó lại thiếu hẳn một triết thuyết để đủ sức trở thành một
tôn giáo hoàn chỉnh”[17; 276]. Còn theo tác giả Nguyễn Hữu Thông: “hình
tượng Mẫu hoàn toàn là sản phẩm của loại hình tín ngưỡng dân gian chứ
không phải là một tôn giáo chính thống. Xu thế biến Mẫu thành tôn giáo
chính thống hiện nay của một số cá nhân là việc làm trái quy luật, không đúng
với tiến trình phát triển”[63;53-54]. Giáo sư Đinh Gia Khánh cho rằng: “thờ
Mẫu là một tín ngưỡng có nguồn gốc dân gian, một tín ngưỡng bản địa, khác
với các tôn giáo phổ quát”.
Thứ ba: Xem thờ Mẫu là một tập tục, một tín ngưỡng truyền thống của
người Việt. Theo Tiến sĩ Trương Sĩ Hùng thì: “trường hợp tục thờ Mẫu ở Việt
Nam biểu hiện rất rõ, phát triển đến mức gần như một tôn giáo của người
Kinh” [29; 8]. Cùng với quan điểm đó, tác giả Mai Thanh Hải cũng đưa ra
nhận định: “Tục thờ Mẫu có sức lan truyền mạnh tới mức nhiều nơi đã lan tỏa
mạnh mẽ…” [18, tr.151].
15
Cuối cùng là quan niệm cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu là một Đạo. Đại
biểu của cách nhìn nhận này là Giáo Sư Ngô Đức Thịnh. Theo ông: “chúng
tôi sử dụng thuật ngữ đạo như Đạo Mẫu, Đạo tổ tiên….khái niệm “Đạo” ở
đây theo ý nghĩa là con đường, cách thức đưa con người đạt tới niềm tin vào
cái thiêng liêng, siêu nhiên”[61, 17]
Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại
hình tín ngưỡng dân gian có khởi thủy là tín ngưỡng sùng bái nữ thần, tôn
xưng người phụ nữ, khoác lên mình họ những sức mạnh siêu nhiêu thần
thánh. Trải qua quá trình phát triển và biến đổi, loại hình tín ngưỡng này
vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù đã có sự thay đổi về diện mạo, nhưng
trên thực tế nó chưa thể được công nhận là một tôn giáo. Vì bản thân nó
chưa có kết cấu hoàn chỉnh và trên thực tế chưa được Nhà nước ta công
nhận là tôn giáo.
Cho nên, trong luận văn chúng tôi thống gọi là “tín ngưỡng thờ Mẫu”.
Đây có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi
các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ
với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu – đấng sáng tạo, bảo trợ
cho sự sinh thành và phát triển của tự nhiên, xã hội và con người.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang phát triển rất mạnh trong
một bộ phận đời sống nhân dân. Bên cạnh những vùng còn thờ Mẫu ở dạng
tôn xưng như một vị Nữ thần địa phương, hay một vị Quốc Mẫu với các sắc
phong mà triều đình phong kiến ca ngợi thì tại một số địa phương như Phủ
Dầy (Nam Định), Đồng Bằng (Thái Bình), Hà Nội, Hải Phòng…thờ Mẫu
đang có xu thế vươn cao trở thành một tôn giáo. Với hệ thống không gian
thờ tự, lực lượng tín đồ, cách tổ chức nghi lễ….có sự thống nhất, hoàn
chỉnh. Điều này một lần nữa khẳng định tính chất “tích hợp” của tín ngưỡng
thờ Mẫu.
16
1.1.1.2 Sự hình thành, phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu
Theo những tài liệu khảo cứu về lịch sử Việt Nam tục thờ Mẫu đã xuất
hiện từ rất sớm. Trong những di chỉ tìm thấy được tại Hòa Bình, Thanh Hóa,
Yên Bái, Lạng Sơn đã phát lộ thì trong tục mai táng người chết thì đồ tùy táng
của nữ giới nhiều hơn nam giới. Quan niệm về thế giới sau khi chết cũng thấy
được sự coi trọng nữ giới. Chữ Việt cổ cùng nghi thức mai táng trọng thể phụ
nữ đã được tìm thấy trên những nét khắc hoa văn theo lối nhất định hiện còn
sót lại trên đá cao nguyên Pà Màng, Thuận Châu, Sơn La hay tại bãi đá Xín
Mần tỉnh Hà Giang, bãi đá Hoàng Liên Sơn….
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng nảy sinh trong nôi
văn hóa thuộc khu vực Bắc Bộ. Nơi đây là cả một vùng châu thổ rộng lớn
với ba con sông: sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã. Đây cũng là đầu
mối kinh tế, chính trị văn hóa của quốc gia Đại Việt trong lịch sử. Nằm trên
bán đảo Trung - Ấn, thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa rõ rệt.
Địa hình nhỏ hẹp, có sự đan xen giữa đồng bằng, đồi núi và duyên hải ven
biển. Từ rất sớm, những cư dân đầu tiên đã biết đến phương thức sản xuất
nông nghiệp với tập quán luôn gắn bó với yếu tố “nước”. Chính điều này đã
làm nên sắc thái rất riêng biệt không chỉ trong lao động, mà còn trong cư trú
và tâm lý ứng xử trước cộng đồng. Có lẽ vì thế mà nằm trong nền văn minh
nông nghiệp khu vực Dương Tử nhưng nơi đây vẫn không hề phai lạt nét
độc đáo của mình.
Nền sản xuất nông nghiệp lúa nước đã sớm hình thành nên lối tư duy
trọng thủy, trọng âm, trọng nữ. Trong tâm thức của người xưa, những đặc tính
“nữ_cái” hay tính chất “nảy nở_con” luôn gắn cho nhiều đối tượng như
đường cái, trống cái, cột cái….Sự gán ghép ấy không phải là ngẫu nhiên, vì
đằng sau đó là mong muốn cây lúa ngoài đồng sinh ra nhiều nhánh đem lại
17
mùa màng bội thu và còn cả khát vọng lớn lao được “con đàn, cháu đống”
trong nếp nghĩ của người nông dân.
Trải qua hàng nghìn năm của xã hội thị tộc Mẫu hệ hoàn toàn là vai trò
của người mẹ. Hình ảnh người mẹ là tất cả trong mỗi thành viên và của cộng
đồng từng đơn vị cư trú. Cho đến khi hình thái gia đình một vợ một chồng
phát triển thay thế cho hình thái gia đình thị tộc mẫu hệ thì vai trò của người
mẹ vẫn giữ vị trí chủ yếu trong gia đình.
Thời kỳ sơ sử, tiền sử con người sống chủ yếu dựa vào tự nhiên. Cho
đến khi biết đến nền kinh tế nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi họ
vẫn phải dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Đời sống chưa thể ổn định trước sự
khắc nghiệt của thiên nhiên, sự bất thường của thời tiết, khí hậu đã gây cho họ
muôn vàn khó khăn. Bất lực trước tự nhiên, con người đã dần quan sát rút
kinh nghiệm và hình thành ý thức hệ về tự nhiên kèm theo đó là các hành vi
thờ cúng. Họ thờ các vị thần rừng, thần núi, thần sông, thần biển là những môi
trường tự nhiên đầu tiên đem đến cho họ cuộc sống ấm no nhưng cũng sẵn
sàng nổi giận phá tan đi tất cả những gì mà họ có.
Bản chất của thờ Mẫu là thờ sinh sản mà sinh sản ở đây có cội nguồn từ
tự nhiên, nơi con người và sinh vật sinh ra và phát triển. Quan niệm trời là
cha, đất là mẹ cũng xuất phát từ đó. Ngửa mặt lên là bầu trời bao la với biết
bao bí ẩn của thời tiết, khí hậu; dưới chân là mặt đất với muôn vàn động thực
vật giúp kiếm tìm sự sống, đất cũng chính là mẹ. Con người khi sinh ra,
trưởng thành rồi chết đi trở về với đất, đó vừa là nhận thức vừa là cách ứng xử
của con ngườivới tự nhiên.
Cùng với tiến trình của nhân loại, ý thức mẹ đã thường trực trong từng
cá thể và ngày nay nó càng được củng cố. Mẹ là tất cả, là chỗ dựa cả về vật
chất lẫn tinh thần. Từ thời nguyên sơ con người đã tôn sùng thiên nhiên như
là Mẹ: Mẹ Trời, Mẹ Núi, Mẹ Sông, Mẹ Biển. Về mặt ngữ nghĩa Mẫu chính là
18
Mẹ, Mẫu Thiên tức Mẹ Trời, Mẫu Thượng Ngàn là Mẹ Núi rừng, Mẫu Thoải
là Mẹ Nước. Rồi tôn các Mẫu là Thánh đế để từ đó hình thành lên khái niệm
Tam tòa Thánh Mẫu.
Qua tín ngưỡng thờ Mẫu chúng ta hiểu cách con người xưa sùng bái
hóa tự nhiên chính là để bảo vệ tự nhiên. Và đến lúc nào đó sự sùng bái ấy
chuyển sang sùng bái Nữ thần mà suy cho cùng đó cũng là cách nhân thần
hóa tự nhiên bởi lẽ giữa tự nhiên và tính nữ đều có chung những đặc tính đó
là sự sản sinh, bảo trợ và che chở. Ở cả ba cõi trời – non – nước từ thiên nhiên
trở thành các đấng siêu nhiên. Và sau này đến thế kỷ 16 đã hình thành thêm
một Mẫu nữa là Địa Cung Thánh Mẫu hay thường gọi là Thánh Mẫu Liễu
Hạnh. Ở bà là sự tựu chung nét đẹp của một người mẹ, người chủ, một vị
tướng và vị thánh.
Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa là nhu cầu phát triển nội
tại của tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ trước, vừa phản ánh khát vọng của quần
chúng nhân dân dưới thời Lê mạt. Vốn là một tín ngưỡng mang đậm màu sắc
tự nhiên nay nó được đời thường hóa, đáp ứng những khát vọng của con
người về: tài lộc, chữa bệnh, ban phúc, phán truyền. Từ đây, tín ngưỡng thờ
Mẫu mang trên mình diện mạo mới vừa truyền thống lại rất hiện đại. Chính
điều đó làm cho nó nhanh chóng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước
và theo chân người Việt vươn xa ra hải ngoại.
1.1.2 Nghi lễ thờ cúng
Nghi lễ thờ cúng là sự thể hiện giáo lý khi thực hành tín ngưỡng. Và
không nằm ngoài quy luật đó, để có thể đi sâu khai thác của nghi lễ thờ cúng
chúng tôi buộc phải tiếp cận những nội dung trong giáo lý thờ Mẫu. Qua đó,
mới có thể hiểu được tại sao người ta tổ chức nghi lễ như vậy và đằng sau đó
con người mong cầu điều gì cho cuộc sống dương gian.
19
1.1.2.1 Giáo lý cơ bản
Tồn tại dưới loại hình là một tín ngưỡng dân gian nên bản thân tín
ngưỡng thờ Mẫu chưa có hệ thống kinh kệ hoàn chỉnh. Vì thế, để hiểu giáo lý
thờ Mẫu phải tìm qua các lời hát chầu văn, qua các bản sớ trong lễ cúng. Dưới
đây là một số đặc điểm chung về giáo lý của tín ngưỡng thờ Mẫu:
Thứ nhất: Khuyên con người tin vào Mẫu, vào sức mạnh tối cao nơi Mẫu
Từ thời nguyên thủy, con người bắt đầu có ý thức sâu sắc về sự sinh sôi
nảy nở, ý thức ấy thường biện lý từ cái cụ thể. Mà cái cụ thể về giá trị sinh sôi
nảy nở, không gì khác ngoài người mẹ mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng
dục những đứa con. Sinh sản và chở che chính là thiên chức của người Mẹ.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hình tượng Mẹ được coi là trọng với triết lý tất cả
mọi vật sinh ra từ mẹ, được Mẹ nuôi dưỡng mà trưởng thành.
Thờ Mẫu lấy việc tôn thờ Mẫu (mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho
vũ trụ- con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về
đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe, tài lộc. Một hệ thống thần điện
tuy là đa thần (có khoảng trên dưới 60 vị thần thánh), nhưng đứng đầu là
Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Mặc dù sự xuất hiện của Bà khá muộn (từ thế kỷ 16)
nhưng lại chiếm vị trí thần chủ trong điện thần đạo Mẫu. Sự tuyệt đối hóa vị
trí cũng như quyền năng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng thờ
Mẫu khiến chúng ta liên tưởng tới quan niệm về “tam vị nhất thể” trong giáo
lý Ki Tô giáo. Nếu Đức Chúa Jê-su vừa là con của Thiên chúa trên thiên đàng
vừa là con người thực được Đức Mẹ Maria mang nặng đẻ đau, và Ngài còn có
các phép Thánh thần thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đây cũng là biểu tượng của
sự kết hợp giữa thần và người đó:
Xuất thân vốn là tiên nữ:
Trên thượng giới vừa ngày khánh hạ
20
Điện Linh Tiêu thánh giá thung dung
Ngọc Hoàng chính ngự đàn cung
Bách quan chầu chực sân rồng bệ giai
Chốn thiên đài vừa khi tơ trúc
Sáu cung đều xướng khúc ca tâu
Sảy thấy tiên nữ vào chầu
Khoan thai chân bước đền chầu bên ngai
(Liễu Hạnh công chúa diễn âm)
Khi trót tay đánh vỡ chén ngọc, bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian
đầu thai vào nhà họ Trần:
Tay nâng chén ngọc đã rơi
Thượng đế linh bài quan pháp vô thân
Cho làm con họ nhà Trần
Ở đất Thiên Bản là dân Phủ Dầy
(Liễu Hạnh công chúa diễn âm)
Với phép thần thông biến hóa khôn lường, Bà đã ra tay trừng trị kẻ ác
đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đặc biệt, Thánh Mẫu còn cầm quân
xung trận phò vua dẹp giặc Chiêm Thành. Với công trạng đó, người đã được
triều đình phong kiến phong thần:
Sắc phong “Chế Thắng” đường hoàng,
Lại gia Hòa Diệu Đại Vương, chữ đề
Huyền Tông Cảnh Trị đời Lê
Ngõa Từ có sắc dụ về Sòng Sơn
Chính Hòa đến hiệu Hy Hoàng
Sái phu mười suất chỉ ban quê nhà
21
Liệt triều trải mấy đế vương
Ân phong thượng đẳng, thần thường trứ linh
(Liễu Hạnh công chúa diễn âm)
Có thể nói, hình tượng Mẫu Liễu Hạnh là kết quả của cả một quá trình
phát triển hệ tư tưởng của người Việt. Bởi lẽ, chính trong sức mạnh nhân thần
nơi bà đã chứa đựng tất cả quyền năng của nhiên thần trước đó. Và bà xuất
hiện với tư cách đại diện cho Tam tòa Thánh Mẫu (Thiên – Ngàn – Thoải),
điều này chúng ta dễ dàng nhận ra ở một số nơi thờ Mẫu người ta chỉ thờ Mẫu
Liễu cùng hai thị nữ của bà là Quỳnh và Quế.
Thứ hai: Xuyên suốt trong giáo lý của thờ Mẫu là lòng hiếu kính cha
mẹ, tổ tiên và cao hơn nữa là lòng yêu nước, niềm tự hào quốc gia, dân tộc
Không thể phủ nhận rằng tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần không nhỏ
trong việc hoàn thiện hơn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đạo lý
“thờ cha, kính mẹ” luôn là giáo lý xuyên suốt trong đời sống của mỗi tín đồ
thờ Mẫu. Thế nên, bên cạnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn có Vua Cha Bát Hải
với “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Hệ thống công đồng mang tính
chất như một phả hệ gia đình với đầy đủ thứ bậc, các Cô các Cậu là bà cô ông
mãnh chính là các thiện nam, tín nữ đã mất từ sớm mà chưa kịp làm phận sự
của một con người mà ít gia đình nào không có.
Cửu trùng Thánh Mẫu thiên đình
Bán thiên công chúa Quế, Quỳnh đôi bên
…Cờ môn tứ vị vua bà
Công đồng Thánh Mẫu tam tòa chúa tiên
… Tiếng oai hùng năm quan hoàng tử
Tuân sắc rồng trấn thủ năm phương
…Khắp tam giới đình thần tứ phủ
22
Hội công đồng văn vũ bá quan
(Văn Công đồng)
Cùng với xu hướng "lịch sử hóa", "địa phương hóa", "nhân hóa", ngày
nay đạo Mẫu đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, điển
hình là Mẫu Liễu Hạnh:
Chúa từ quy pháp rộng đường
Riêng lòng yêu nước thời thường đinh ninh
(Liễu Hạnh công chúa diễn âm)
Tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được
hình thành và phát triển qua các cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Và truyền thống ấy còn đi sâu vào tâm thức của những tín đồ thờ Mẫu qua
việc xây dựng hình ảnh những vị Thánh với bao công trạng hiển hách. Lòng
yêu nước đó thể hiện ở những điểm sau:
- Người Việt đã biến những vị thần tự nhiên thành các vị thần có lai
lịch, tên tuổi, gắn họ với cuộc sống của mình và trở thành một phần của tiến
trình lịch sử nước nhà. Từ những gốc cây, hòn đá vô tri, người ta đã lịch sử
hóa thành những con người có công với dân với nước.
- Bên cạnh đó là những vị thần có thật trong lịch sử chống ngoại xâm,
trong việc an dân gây dựng xã tắc. Người Việt đã tôn xưng họ thành Quốc
Mẫu, thành Thánh.
- Và nghi lễ Hầu đồng là cách thức thể hiện rõ nét nhất tinh thần yêu
nước đó. Vì khi ấy, các vị thanh đồng hóa thân vào vai các Thánh trong hàng
Tứ phủ, tái hiện lại công lao, thần tích về những vị anh hùng ấy. Cũng chính
nghi lễ này còn là cách thức bảo tồn và lưu giữ giá trị tốt đẹp đó cho hậu thế
muôn đời.
23
Thứ ba: Giáo lý thờ Mẫu dạy con người lao động sản xuất, dạy học
hành, dạy cách đối nhân xử thế; coi tâm là giá trị cốt lõi, khuyên con người
tích đức, hành thiện bài trừ cái ác.
Là láng giềng nằm cạnh cái nôi của văn hóa Nho giáo, nên ngay từ đầu
công nguyên hệ tư tưởng chính trị này đã được truyền bá ảnh hưởng vào Việt
Nam. Tuy nhiên, có lẽ cái gốc Nho ấy không thể đồng hóa văn hóa Việt, đặc
biệt là thờ Mẫu với tâm thức tôn sùng những người phụ nữ.
Rất có thể trong chúng ta đã từng đặt ra nghi vấn: Tại sao cùng chịu
ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo với “tam cương, ngũ thường”, vậy mà trong
đời sống xã hội Việt và Hán lại có sự khác biệt khi nhìn nhận vị trí và vai trò
của người phụ nữ? (sự khác biệt này còn thể hiện rất rõ vào thời nhà Lê, một
triều đình suy tôn đạo Nho làm quốc giáo nhưng trong Luật Hồng Đức lại có
một số quy định bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ). Truy tìm căn nguyên
của vấn đề này chúng ta một lần nữa lại phải quay lại với nền tảng kinh tế, xã
hội, và hệ tư tưởng của hai dân tộc. Chính đời sống sản xuất khác nhau đã
hình thành lên hai nền văn hóa khác nhau, vì lẽ đó mà sau cả ngàn năm khát
vọng nhuộm màu văn hóa Việt của người phương Bắc đã trở thành vô vọng.
Trong đời sống gia đình Việt, người phụ nữ chiếm vị thế rất quan trọng,
không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi cột Cái trong nhà, hay đường Cái,
trống Cái….Bởi lẽ, phụ nữ chính là người giữ kinh tế “tay hòm chìa khóa”,
quản lý kinh tế “chồng như cái giỏ, vợ như cái hom”; là người có trách nhiệm
dạy dỗ con cái, dân gian thường có câu: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Ngoài xã hội, trong quan hệ họ hàng, anh em bè bạn thì phụ nữ cũng là người
thay mặt gia đình đối nhân xử thế. Dù đàn ông là người “đứng mũi chịu sào”,
có thể có vị trí trong xã hội, nhưng trong nhà thì: “lệnh ông không bằng cồng
bà”….Xuất phát từ chính thực tế đó, mà trong giáo lý của tín ngưỡng thờ Mẫu
việc dạy dỗ con cái học hành, lao động sản xuất, biết cung cách ứng xử, biết
sống thuận hòa, hướng thiện được thể hiện rất rõ.