Tải bản đầy đủ (.pdf) (82 trang)

Mệnh lệnh tuyệt đối trong đạo đức học của Cantơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.06 MB, 82 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




VŨ THỊ THU LAN



MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI TRONG
ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA CANTƠ


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Mã số: 5 01 01



Người hướng dẫn: TS. ĐỖ MINH HỢP




HÀ NỘI - 2004
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN





VŨ THỊ THU LAN



MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI TRONG
ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA CANTƠ


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Mã số: 5 01 01



Người hướng dẫn: TS. ĐỖ MINH HỢP




HÀ NỘI - 2004

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 2
Chương 1: MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI 10
TRONG HỆ THỐNG CÁC PHẠM TRÙ CƠ BẢN 10
CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC I.CANTƠ 10
1.1. Khái quát chung những phạm trù cơ bản của đạo đức học I.Cantơ. 10
1. 2. Cấu trúc lôgíc của mệnh lệnh tuyệt đối. 25

Chương 2 48
VẤN ĐỀ TỰ DO ĐẠO ĐỨC VÀ CÁC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC 48
TRONG HỌC THUYẾT MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI 48
2.1. Vấn đề tự do đạo đức trong ''mệnh lệnh tuyệt đối''. 48
2.2. Các giá trị đạo đức trong mệnh lệnh tuyệt đối. 62
KẾT LUẬN 74
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 79










MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Loài người luôn có khát vọng hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp.
Những giá trị đó phải mang tính chất chung nhân loại, phải hướng tới Chân-Thiện-
Mỹ (cái Vĩnh hằng). Đó vừa là điều kiện cần thiết, vừa là mục đích tối cao của sự
phát triển trong bối cảnh loài người đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba với nhiều
biến động khó lường và dữ dội. Hơn lúc nào hết, con người càng phải đề cao và tôn
vinh những giá trị chung đó, hướng tới hòa bình, hợp tác, chuyển từ đối đầu sang
đối thoại trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa các quốc gia, giữa các dân
tộc, cùng chung sức giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách. Những ý tưởng đó
đã được nhiều nhà tư tưởng lớn, nhiều triết gia lỗi lạc đề cập đến. Tuy nhiên, người
quan tâm đặc biệt đến những giá trị chung đó chính là I.Cantơ- người sáng lập nền
triết học cổ điển Đức, một nền triết học có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hóa

nhân loại nói chung và là nguồn gốc lý luận trực tiếp của thế giới quan duy vật
biện chứng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cho triết học hiện đại với tư cách là
một trong những cội nguồn của triết học hiện đại. Cantơ được đánh giá là người có
công rất lớn tạo nên văn hóa hòa bình, là người gián tiếp tạo nên bộ mặt tinh thần
cho văn minh hiện đại.
Trên bức tường của thành phố Konisberg - nơi I.Cantơ ra đời ngày 22 tháng
4 năm 1724 có gắn một tấm bia đồng còn giữ tới ngày nay, trong đó khắc câu nói
kết thúc quyển '' Phê phán lý tính thực tiễn'' của ông:
'' Có hai thứ mà chúng ta suy nghĩ đến càng sâu sắc và càng lâu dài thì sự
kinh ngạc và kính sợ do chúng gây ra càng lúc càng lớn, sẽ tràn ngập tâm linh của
chúng ta. Đó chính là những vì sao xuất hiện dầy đặc trên bầu trời, và qui tắc đạo
đức trong lòng chúng ta''.
Hai điều nêu trên đó là việc tìm tòi chân lý trong khoa học có quan hệ đến vấn
đề nhận thức thế giới tự nhiên, và việc tìm tòi cái Thiện có quan hệ tới vấn đề nền
tảng của đời sống xã hội của con người. I.Cantơ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho
những việc tìm tòi ấy. Theo ông, tất cả các vấn đề triết học đều phải hướng vào
việc giải quyêt những vấn đề trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn của con
người. Triết học phải đem lại cho con người một nền tảng thế giới quan mới, vạch
ra những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống và những lý tưởng nhân đạo. Vì vậy,
ông đã đưa ra và giải quyết ba vấn đề cơ bản là:
1. Tôi có thể biết được cái gì?
2. Tôi cần phải làm gì?
3. Tôi có thể hy vọng cái gì?
Ba vấn đề này phản ánh ba khía cạnh cơ bản nhất trong mối quan hệ ''con
người - thế giới'', đó là nhận thức, thực tiễn và giá trị. Vấn đề thứ nhất có nghĩa là,
con người với tư cách chủ thể nhận thức có thể biết được những gì về thế giới. Đây
là vấn đề tính nhận thức luận thuần túy, được nghiên cứu trong triết học lý luận
của Cantơ (trong ''Phê phán lý tính thuần túy''). Vấn đề thứ hai là, con người phải
làm gì để đem lại hạnh phúc cho chính mình. Đây là vấn đề thực tiễn, được nghiên
cứu trong triết học thực tiễn (trong ''Phê phán lý tính thực tiễn''). Vấn đề thứ ba là,

thế giới tinh thần, ước mơ, khát vọng vươn tới sự hoàn thiện, tới tương lai. Vấn đề
này bao hàm cả khía cạnh lý luận lẫn khía cạnh thực tiễn, được nghiên cứu trong
mỹ học Cantơ (trong ''Phê phán năng lực phán đoán'').
Có thể nói, toàn bộ triết học Cantơ mang đậm tinh thần nhân văn với mục
đích đem lại cho con người một cách nhìn mới về thế giới và về chính bản thân
mình. Đặc biệt, tính chất nhân văn của triết học Cantơ biểu hiện rất rõ và hết sức
độc đáo trong học thuyết đạo đức của ông. Ở đó, bản chất đạo đức và khát vọng
vươn tới đạo đức của con người được khẳng định như là một giá trị cao cả nhất của
loài người. Ông đã chứng minh rằng, ''trong con người dù có thiện, có ác, đường
đi của xã hội loài người là khúc khuỷu thăng trầm, nhưng, về thực chất, từ trong
thâm tâm của mình, con người bao giờ cũng tìm cách vận động theo hướng phát
huy mọi sức mạnh vốn có hết sức phong phú của mình, vươn tới sự phát triển tối
đa và hoàn thiện''[1, tr. 43]
(*).
.
Những tư tưởng đó của Cantơ mang tính vạch thời đại và vượt thời đại,
hướng tới những giá trị mà toàn nhân loại khao khát, nuôi dưỡng và coi là mục
đích của mình. Vì vậy, nghiên cứu tiếp tục triết học Cantơ nói chung và đạo đức
học của ông nói riêng là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt
trong bối cảnh hiện nay.
Khi tìm hiểu và nghiên cứu đạo đức học Cantơ, cần phải làm sáng tỏ hạt
nhân cơ bản của nó, tức học thuyết ''mệnh lệnh tuyệt đối'', nguyên lý đạo đức đóng
vai trò là nền tảng của đạo đức học của Cantơ. Học thuyết ''mệnh lệnh tuyệt đối''
của Cantơ đã đem lại cho đạo đức học Cantơ một giá trị to lớn vì nó hình thành
nguyên tắc về phẩm giá tuyệt đối của cá nhân, đề cao giá trị của con người và của
cả loài người, xác lập địa vị tự chủ như là giá trị đạo đức của loài người, coi con
người là mục đích của đạo đức, từ đó đề cao sự tự do của cá nhân, góp phần thức
tỉnh sự tự ý thức của con người. Mệnh lệnh tuyệt đối của Cantơ nổi bật lên như
một điểm tựa, kêu gọi lương tâm nhân loại, không phân biệt giai cấp, dân tộc,
chủng tộc,v.v hãy hướng tới những giá trị chung của loài người, và hãy xứng với

tên gọi ''Người''.
Những điều trình bày trên cho thấy, nghiên cứu học thuyết '' mệnh lệnh
tuyệt đối'' có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc tìm hiểu đạo đức học Cantơ
nói riêng, tìm hiểu di sản triết học vĩ đại của ông nói chung - một công việc khó

(*).
Từ đây: - Số đầu là số thứ tự tài liệu tham khảo.
- Số giữa (nếu có) là số tập của tài liệu tham khảo.
- Số cuối là số trang của tài liệu tham khảo.
khăn nhưng hết sức cần thiết. Trong khi đó, vấn đề nghiên cứu triết học Cantơ, mà
đặc biệt là đạo đức học của ông ở nước ta vẫn chưa tương xứng với những gì mà
ông đã cống hiến, chưa có nhiều công trình nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc, đi vào
những vấn đề cụ thể, nền tảng và quan trọng. Mặt khác, việc giảng dạy lịch sử triết
học phương Tây ở nước ta hiện nay đang được đẩy mạnh, đòi hỏi phải có thêm
nhiều công trình đi vào tìm hiểu, nghiên cứu mảng đề tài quan trọng và khó khăn
này. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi mạnh dạn bước đầu tìm hiểu một
trong những vấn đề cơ bản của triết học Cantơ: vấn đề '' mệnh lệnh tuyệt đối trong
đạo đức học I.Cantơ''.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Triết học Cantơ nói chung và học thuyết đạo đức của ông nói riêng là đề tài
nghiên cứu được một số nhà triết học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan
tâm. Các nhà triết học mácxít rất quan tâm đến triết học thực tiễn của Cantơ do
nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Cantơ là người đầu tiên đặt nền móng cho dòng triết
học vĩ đại có ảnh hưởng to lớn đến tiến trình phát triển của tư duy nhân loại - triết
học cổ điển Đức, và cũng đồng thời là một trong những nguồn gốc lý luận của chủ
nghĩa Mác. Sự tiếp thu có phê phán đạo đức học Cantơ chiếm vị trí quan trọng để
hình thành nên học thuyết đạo đức duy vật biện chứng. Thứ hai, Cantơ là nhà đạo
đức học tư sản vĩ đại, học thuyết đạo đức của ông là một đỉnh cao trong lịch sử tư
tưởng đạo đức. Thứ ba, nhiều quan điểm đạo đức của ôngầphnr ánh những giá trị
chung nhân loại và vẫn còn có một sức sống mãnh liệt trong thời đại hiện nay. Ở

Liên xô trước đây, có rất nhiều những công trình nghiên cứu đạo đức học Cantơ.
Nhìn chung, cách tiếp cận của các tác giả Xô Viết là, bên cạnh việc lý giải học
thuyết đạo đức của Cantơ, tìm ra những giá trị của học thuyết đó, họ thường đi sâu
vào đánh giá, phê phán tính chất duy tâm, tiên nghiệm, chủ nghĩa hình thức và
những mâu thuẫn trong đạo đức học Cantơ.
Ngay từ những năm 20-40 của thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều công trình
nghiên cứu của một số nhà triết học Xôviết như: P. Vinagrátxkaia với công trình:''
Đạo đức học I. Cantơ nhìn từ quan điểm duy vật lịch sử''; A.L. Khaikin với tác
phẩm:'' Những quan điểm đạo đức của I.Cantơ trong những năm 60-70 của thế kỷ
XVIII'' đã đưa ra cái nhìn mang tính chất phê phán đối với đạo đức học Cantơ.
Còn vào thập niên 60 của thế kỷ XX , xuất hiện một loạt công trình của các tác giả
như V.N.Batin với '' Phạm trù hạnh phúc trong đạo đức học Cantơ'';
V.P.Skôrinnốp với '' Vấn đề bổn phận trong đạo đức học của các nhà triết học duy
tâm Đức''. Những tác giả này đã nghiên cứu sâu một số phạm trù cơ bản của đạo
đức học Cantơ và của các nhà triết học duy tâm Đức chủ yếu là theo cách tiếp cận
phê phán theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Việc nghiên cứu triết học thực tiễn của Cantơ đạt tới đỉnh cao mới thông qua
các công trình nghiên cứu của V.Ph.Axmux,của O.G. Đrốpnhixki, của E. Xalavốp,
của Guxâynốp, Bài viết của V.Ph. Axmux: ''Đạo đức học Cantơ'' làm tựa đề cho
phần triết học thực tiễn (trong tác phẩm I.Cantơ 6 tập - tập 4) đã đề cập đến kết cấu
lôgíc và nội dung cơ bản của hệ thống đạo đức học Cantơ từ góc độ nhận thức triết
học- lịch sử. Trong các tác phẩm của O.G. Đrốpnhixki, mà trước hết là trong tập
chuyên khảo của ông với tên gọi:''Khái niệm đạo đức'' (xuất bản Mátxcơva năm
1974) đã làm rõ những đóng góp của Cantơ trong việc giải quyết vấn đề đặc điểm
của đạo đức, trong việc luận giải cho tính đặc thù của những cơ chế điều chỉnh đạo
đức, đồng thời làm rõ ý nghĩa khoa học của việc Cantơ phê phán thuyết duy hạnh
phúc và chủ nghĩa tự nhiên trong đạo đức học nói chung. Trong một số bài viết của
mình như: ''Triết học I. Cantơ và tính thời đại'', '' Khoa học và đạo đức'' E.
Xalavốp đã xem xét mối quan hệ giữa lý tính lý luận và lý tính thực tiễn, mối quan
hệ giữa quan điểm đạo đức và quan điểm nhà nước pháp quyền trong triết học

Cantơ, và cả vai trò của đạo đức học Cantơ đối với việc xác định ý nghĩa nhân sinh
quan của đạo đức. Đặc biệt, cuốn sách của A.P. Xcrípnhíc: '' Mệnh lệnh tuyệt đối
của I.Cantơ'' đã nghiên cứu sâu nguyên tắc đạo đức cơ bản của đạo đức học Cantơ.
Ở Việt Nam, đã có một số công trình của các nhà nghiên cứu viết về Cantơ,
mặc dù số lượng chưa nhiều. Trước đây ở miền Nam Việt Nam đã có một số tác
giả nghiên cứu triết học Cantơ, tuy nhiên những công trình đó còn mang tính
chung chung, chưa có sự thống nhất về mặt thuật ngữ. Trước nhu cầu ngày càng
lớn đối với việc giảng dạy và học tập triết học Cantơ, nhiều nhà nghiên cứu đã
dành công sức tìm hiểu di sản triết học của ông và ngày càng có nhiều các bài viết,
các công trình nghiên cứu về Cantơ. Viện Triết học thuộc Viện khoa học xã hội
Việt Nam năm 1997 đã xuất bản công trình:'' I.Cantơ- Người sáng lập nền triết học
cổ điển Đức'' bao gồm các bài viết của nhiều tác giả như: GS. TS Nguyễn Trọng
Chuẩn, PGS.TS. Đặng Hữu Toàn, GS. TS Đỗ Huy, PGS. TS Vũ Văn Viên, TS Hồ
Sĩ Quý, TS Nguyễn Thế Nghĩa, TS Đỗ Minh Hợp, TS Nguyễn Đình Tường, TS
Nguyễn Văn Phúc, v.v Các tác giả đề cập đến một số những vấn đề cơ bản của
triết học Cantơ như: quan niệm của I.Cantơ về tính tích cực của chủ thể nhận thức;
vấn đề đạo đức và niềm tin tôn giáo trong ''Triết học phê phán'' của I.Cantơ; tư
tưởng đạo đức trong những tác phẩm thời kỳ đầu của I.Cantơ; vai trò của triết học
Cantơ đối với sự phát triển của tư duy triết học nhân loại. Một công trình nghiên
cứu quan trọng khác về Cantơ của PGS. TS Nguyễn Văn Huyên được xuất bản
năm 1996 với tiêu đề: '' Triết học I.Cantơ'' đã có đóng góp quý cho việc nghiên cứu
di sản triết học Cantơ. Ngoài ra, còn có nhiều những bài viết đăng trên các tạp chí
Triết học, tạp chí liên ngành, trong các cuốn giáo trình ''Lịch sử triết học'' dành cho
khối chuyên triết học lẫn khối không chuyên triết học cũng góp phần đưa triết học
Cantơ đến với mọi người.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
- Mục đích của luận văn là bước đầu tìm hiểu một cách có hệ thống nguyên
tắc cơ bản của đạo đức học Cantơ - đó là nguyên tắc ''mệnh lệnh tuyệt đối''. Trên
cơ sở đó, nêu lên ý nghĩa của nguyên tắc này đối với học thuyết đạo đức của
Cantơ.

Để đạt được mục đích trên, luận văn giải quyết những nhiệm vụ sau:
+ Khái quát hệ thống phạm trù đạo đức học Cantơ và cấu trúc lôgíc của
''mệnh lệnh tuyệt đối''.
+Làm rõ tư tưởng ''tự do đạo đức'' và ''những giá trị đạo đức'' trong học
thuyết ''mệnh lệnh tuyệt đối''.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu một số tác phẩm của I.Cantơ
bàn về lĩnh vực đạo đức, đồng thời kế thừa có chọn lọc những công trình nghiên
cứu về vấn đề này của các tác giả đi trước.
Luận văn dựa trên nền tảng lý luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin
về lịch sử triết học, về đạo đức. Phương pháp nghiên cứu mà chúng tôi sử dụng là
phương pháp nghiên cứu lịch sử triết học của chủ nghĩa Mác, cụ thể là: phương
pháp lôgíc kết hợp với phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp,
phương pháp so sánh,v.v
5. Đóng góp mới của luận văn
Luận văn góp phần vào việc trình bày một cách rõ ràng và có hệ thống vấn
đề ''mệnh lệnh tuyệt đối'' trong đạo đức học Cantơ.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Về mặt lý luận, luận văn góp phần vào việc tìm hiểu và làm sáng tỏ học
thuyết đạo đức của Cantơ
Về mặt thực tiễn, luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho
công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học và đạo đức học Cantơ.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn bao
gồm hai chương, bốn tiết.
Chương 1
MỆNH LỆNH TUYỆT ĐỐI
TRONG HỆ THỐNG CÁC PHẠM TRÙ CƠ BẢN
CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC I.CANTƠ
1.1. Khái quát chung những phạm trù cơ bản của đạo đức học I.Cantơ.

Học thuyết I .Cantơ về ''Mệnh lệnh tuyệt đối'' là nội dung cơ bản của đạo
đức học Cantơ, được trình bày rõ trong hai tác phẩm chính là: 'Những cơ sở của
siêu hình học đạo đức'' (1785), và ''Phê phán lý tính thực tiễn'' (1788). Còn tác
phẩm lớn thứ ba: ''Siêu hình học đạo đức'' (1797) lại mang đậm tính thực tiễn,
trong đó những cấu trúc hình thức của ''mệnh lệnh tuyệt đối'' chứa đầy những nội
dung đạo đức cụ thể. Cả ba tác phẩm nêu trên đều thuộc về giai đoạn phê phán
trong sự nghiệp sáng tạo của I. Cantơ. Ngoài ra, một loạt những công trình khác,
như : ''Tôn giáo chỉ trong giới hạn của lý tính"; ''Hướng tới thế giới vĩnh hằng'';
''Về câu thành ngữ: có thể đúng trong lý thuyết nhưng không phù hợp với thực tế'',
v.v , định hướng vào việc xác định ảnh hưởng của bổn phận đạo đức mang tính tất
yếu đến cách đặt ra và giải quyết những vấn đề tôn giáo, chính trị, luật quốc tế,
v.v
I. Cantơ gọi ''mệnh lệnh tuyệt đối'' là nguyên tắc tối cao của đạo đức. Việc đưa
ra, giải thích và chứng minh nguyên tắc này giữ vị trí trung tâm trong đạo đức học của
ông. Theo I .Cantơ, ''mệnh lệnh tuyệt đối'' cần phải được sử dụng làm nền tảng cho toàn
bộ học thuyết đạo đức, tức nó phải trở thành một luận điểm đưa ra chìa khóa cho việc
giải quyết những vấn đề cơ bản của đạo đức học. Đó là:
Thứ nhất, làm rõ nội dung của đạo đức (làm rõ sự khác biệt giữa những hiện
tượng đạo đức và những hiện tượng nằm ngoài đạo đức);
Thứ hai, giải thích đạo đức (xác định nguồn gốc và phương thức tác động
của đạo đức);
Thứ ba, hình thành tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, nhận biết cái đạo đức và
cái vô đạo đức;
Thứ tư, xác định mục đích của giáo dục đạo đức, v.v
Nguyên tắc tối cao này đảm bảo sự thống nhất và tính có hệ thống cho học
thuyết đạo đức


Nội dung của ''mệnh lệnh tuyệt đối'' được vạch ra thông qua một hệ thống
các phạm trù xác định. Vì một trong những nhiệm vụ chính của nguyên tắc đạo

đức tối cao này là giải thích đạo đức, nên các phạm trù lý giải nội dung của nguyên
tắc này cũng đồng thời là những bậc thang trong việc xác định khái niệm về đạo
đức. Nhờ có chúng mà toàn bộ các quan niệm về đạo đức sẽ mang tính lôgíc và có
trình tự, vì vậy có thể coi những phạm trù mà I.Cantơ sử dụng là các giai đoạn vận
động từ khách thể của học thuyết đạo đức đến đối tượng của nó.
Khách thể của học thuyết đạo đức Cantơ chính là luân lý (đạo lý) của con
người. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa chỉ ra được tính chất đặc thù của cách tiếp cận
Cantơ với luân lý. Tính đặc thù đó được sinh ra từ những đặc điểm của phương
pháp Cantơ: phương pháp tiên nghiệm (biến ý thức thành đối tượng cơ bản và về
thực chất là duy nhất của sự phân tích triết học; coi các hình thức và cấu trúc của ý
thức là có ý nghĩa phổ biến và tất yếu). Việc áp dụng phương pháp này giả định
trước hết phải chuyển trọng tâm từ chức năng hành động của đạo đức sang những
điều kiện để có đạo đức, và theo Cantơ, những điều kiện đó được bắt nguồn từ bản
thân chủ thể, từ những năng lực đặc biệt của tâm hồn chủ thể.
Hướng nghiên cứu chung đó về đạo đức là kết quả của những định hướng
nhận thức luận mà, như Cantơ hy vọng, sẽ tạo nên ''một cuộc cách mạng
Côpecních'' trong triết học. Đối với I.Cantơ, những mối quan hệ đạo đức hiện thực,
những qui tắc đạo đức hiện thực là không quan trọng. Ông chỉ quan tâm tới vấn đề
nguồn gốc và bản chất của chúng.
Từ ba năng lực cơ bản của tâm hồn- năng lực nhận thức, cảm giác thỏa mãn
và không thỏa mãn và năng lực mong muốn, thì đạo đức thuộc về năng lực thứ ba.
''Năng lực mong muốn'' được Cantơ định nghĩa là: '' Năng lực của thực thể thông
qua những biểu tượng của mình để trở thành nguyên nhân tạo ra tính hiện thực cho
các đối tượng của những biểu tượng ấy'' [23, 4, I, tr. 320].
Gắn đạo đức với ''năng lực mong muốn'', I.Cantơ nhấn mạnh tính tích cực
thực tiễn của đạo đức. Thực ra thì trong đạo đức học Cantơ, năng lực này không
liên quan tới những cái có sẵn. Không thể có sự mong muốn những cái đã có sẵn
mà phải là sự hướng tới những cái chưa có. Các đối tượng của ''năng lực mong
muốn'' có thể là:vật, trạng thái, hành vi Nếu đối tượng có sẵn cho ''năng lực mong
muốn'' là không có, lúc đó sẽ xuất hiện vấn đề: vậy những biểu tượng về các đối

tượng mang tính khả năng này nảy sinh từ đâu, và năng lực tâm lý nào tạo nên
những biểu tượng đó? Vấn đề ở đây thực ra là bàn về cấu trúc của ''năng lực mong
muốn''
Theo Cantơ, năng lực này hoạt động trong mối quan hệ với những năng lực
tâm thần khác và không thể thiếu sự tham gia của chúng. Như vậy, nguồn gốc của
những biểu tượng về ''năng lực mong muốn'' và cơ sở tạo ra tính tất yếu của chúng
nằm trong bản thân chủ thể, trong những năng lực tâm thần khác của nó. Cantơ cho
rằng, tất cả các biểu tượng của chúng ta chỉ có hai nguồn gốc: hoặc cảm tính, hoặc
lý tính. Chúng bao hàm một sức mạnh mang tính cưỡng chế của các biểu tượng.
Nguồn gốc cảm tính đem lại cho chúng ta khái niệm ''thiên hướng'' mà I
.Cantơ đã định nghĩa là: ''Sự lệ thuộc của năng lực mong muốn vào cảm giác gọi là
thiên hướng''[23, 4, I, tr. 251] Trong định nghĩa này, cần phải làm sáng tỏ: sự lệ
thuộc đó là gì? Và theo nghĩa nào thì cảm tính là nguồn gốc của các biểu tượng?
Theo I.Cantơ thì sự lệ thuộc của ''năng lực mong muốn'' vào cảm giác không có
nghĩa là sự mong muốn hoàn toàn do những biểu tượng cảm tính sinh ra một cách
trực tiếp. Điều đó chỉ đúng đối với động vật. Đối với thiên hướng con người thì cái
có ý nghĩa mang tính nguyên tắc là loại tình cảm bao hàm một sức mạnh mang tính
cưỡng chế của các biểu tượng. Vậy biểu tượng sinh ra từ đâu? Có nguồn gốc là vật
tự thân nó hay được sinh ra từ lý tính và năng lực tưởng tượng? Cantơ coi vấn đề
này là không quan trọng. Ông viết: ''Sự thỏa mãn do biểu tượng về sự tồn tại của
vật đem lại là dựa trên khả năng lĩnh hội của chủ thể, vì sự thỏa mãn này phụ thuộc
vào sự tồn tại của đối tượng. Do vậy, biểu tượng có quan hệ với cảm tính chứ
không phải với lý trí, là cái biểu thị mối quan hệ của biểu tượng với khách thể một
cách phù hợp với khái niệm, chứ không phải quan hệ với chủ thể một cách phù hợp
với tình cảm. Như vậy, biểu tượng chỉ mang tính thiết thực khi cảm giác khoan
khoái mà chủ thể chờ đợi ở một đối tượng hiện thực quy định năng lực mong
muốn''[23, 4, I, tr. 335].
Tuy nhiên, ''thiên hướng'' là một loại năng lực mong muốn và I.Cantơ gọi nó
là năng lực mong muốn thấp nhất. Trong phạm vi tác động của thiên hướng vẫn
chưa hề có đạo đức, và việc tìm kiếm đạo đức ở đây là một việc làm vô ích. Bước

tiến này của I .Cantơ đã quy định tính đặc thù của học thuyết đạo đức của ông. Cơ
sở của đạo đức không thể là ''thiên hướng'' và ''sự thỏa mãn'' như nhiều nhà đạo đức
học đã đưa ra. Để tìm kiếm đạo đức, cần chú ý tới một nguồn gốc khác của các
biểu tượng về năng lực mong muốn là lý tính. Như vậy, sự nghiên cứu của I.Cantơ
chuyển sang một trình độ mới, trình độ lý tính thực tiễn. ''Lý tính thực tiễn'' là lý
tính thực tiễn bởi lẽ những sản phẩm của nó có sức mạnh mang tính cưỡng chế,
chúng đòi hỏi sự hiện thực hóa bản thân. ''Lý tính thực tiễn'' ở Cantơ là lý tính lập
pháp, nghĩa là tạo nên những nguyên lý và những nguyên tắc của hành vi đạo
đức ''Lý tính thực tiễn'' chuyển thành ''ý chí'', ''ý chí'' đó tiến hành sự lựa chọn,
qui định hoạt động của cá nhân theo thước đo đạo đức của cá nhân đó. Vậy là, lý
tính đem lại khái niệm quan trọng trong đạo đức học Cantơ: khái niệm ''ý chí''. Ông
chỉ rõ: ''Năng lực mong muốn mà cơ sở quyết định bên trong của nó, và do đó, bản
thân sự phát hiện ra nó là nằm trong lý tính của chủ thể, được gọi là ý chí''[23, 4, II,
tr. 119].
Như vậy, ''ý chí'' của con người không phải được qui định bởi các nguyên
nhân bên ngoài, tức là những nguyên nhân thuộc về tính tất yếu của giới tự nhiên,
hoặc là những nguyên nhân thuộc về Thượng đế. ''Ý chí'' con người được qui định
bởi những qui luật, luật lệ riêng vốn có của nó. Đó là những qui luật, luật lệ mà ''ý
chí'' tự đặt ra cho bản thân mình. Từ đó chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chủ
nghĩa tiên nghiệm Cantơ đến đạo đức học của ông. Vấn đề là ở chỗ, trong đạo đức
học, Cantơ chỉ quan tâm tới vai trò của những nhân tố ý chí quy định hành vi đạo
đức và các căn cứ tinh thần của ý chí đạo đức, mà xét đến cùng, là do ý thức đạo
đức tiên nghiệm quy định. Đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của đạo đức học
Cantơ. Là ưu điểm vì Cantơ nhấn mạnh phương diện giáo dục truyền thống văn
hóa nhân văn trong quá trình hình thành phẩm chất, ý thức đạo đức của cá nhân,
trách nhiệm đạo đức của cá nhân về sự lựa chọn hành vi đạo đức. Là khuyết điểm
vì Cantơ đã bỏ qua các nhân tố xã hội khác.
Khi phân tích những cơ sở quyết định của ý chí, I.Cantơ đi đến kết luận rằng
chúng có hai loại: cơ sở quyết định khách quan và cơ sở quyết định chủ quan. Tính
khách quan được hiểu như là vật tự thân nó và như là chức năng của lý tính làm

cho nhận thức kinh nghiệm trở thành cái có thể, và đơn giản là nội dung mang tính
tất yếu, phổ biến của các biểu tượng ở chúng ta.
Quan niệm của I .Cantơ về tính khách quan dẫn đến thừa nhận thực tế là, cơ
sở quyết định khách quan của ý chí không thể nằm ngoài chủ thể. Vậy sự khác
nhau giữa cơ sở quyết định khách quan và cơ sở quyết định chủ quan là ở chỗ
nào?. Lôgíc nghiên cứu của Cantơ đã chỉ ra những vấn đề là:
Thứ nhất, những cơ sở quyết định khách quan là cái có tính tất yếu và mang
ý nghĩa phổ biến. Còn những cơ sở quyết định chủ quan là cái có tính ngẫu nhiên
và mang tính cá nhân. Những cái đầu ông gọi là ''nguyên tắc''(mang tính phổ biến),
những cái sau gọi là ''qui tắc''. Đó chính là sự khác nhau bề ngoài, là sự khác nhau
chỉ trên một cấp độ các tính quy định
Thứ hai, sự khác nhau giữa chúng được qui định bởi chức năng khác nhau
do cơ sở quyết định hoàn thành. Nếu ''nguyên tắc'' là trường hợp con người đối
chiếu hành vi của mình với hành vi phổ biến như là cơ sở, thì ''qui tắc'' là trường
hợp con người đối chiếu hành vi của mình với ý chí của cá nhân mình như là cơ sở.
Thứ ba, sự khác nhau giữa tính phổ biến và tính cá biệt bắt nguồn từ bản tính
hai mặt của con người, từ chỗ con người thuộc về hai thế giới: thế giới lý tính và
thế giới cảm tính. Ở đây, I.Cantơ đã đi theo quan niệm duy lý truyền thống về lý
tính như là hình thức của cái phổ biến và về cảm tính như là hình thức của cái đơn
nhất. Lôgíc lập luận của ông là như sau: nếu con người không có cảm tính và chỉ
còn có lý tính thì sự khác biệt giữa cơ sở quyết định khách quan và cơ sở quyết
định chủ quan của ''ý chí'' mất hết ý nghĩa. Nhưng ''ý chí'' hoàn toàn do lý tính chi
phối, theo ngôn ngữ của Cantơ, là ''ý chí thần thánh''. Còn với con người, vấn đề lại
khác: ''Nếu lý tính chắc chắn chi phối ý chí, thì những hành vi của thực thể đó được
thừa nhận là tất yếu một cách khách quan, cũng là tất yếu một cách chủ quan, tức ý
chí là năng lực không phụ thuộc vào thiên hướng chỉ lựa chọn những gì lý tính
thừa nhận trên thực tế là cần thiết, tức là cái Thiện. Nếu lý tính tự thân nó không
hoàn toàn chi phối ý chí, nếu ý chí còn phục tùng cả những điều kiện chủ quan
(động cơ này hay động cơ khác), mà không phải lúc nào cũng phù hợp với những
điều kiện khách quan, tóm lại, nếu ý chí tự thân nó không phù hợp hoàn toàn với lý

tính (mà điều này thực tế có ở con người), thì những hành vi đựơc thừa nhận là tất
yếu một cách khách quan, lại là ngẫu nhiên một cách chủ quan ''[23, 4, I, tr. 250-
251].
Khái niệm Cơ sở quyết định chủ quan của ý chí được lý giải rõ ràng hơn. Sự
không đồng nhất giữa ''nguyên tắc'' và ''qui tắc'' là do có sự hiện diện bản tính cảm
tính trong con người. Tình cảm con người thường xuyên đem lại cho các qui tắc đã
lựa chọn (các quy tắc ứng xử cá biệt) một sắc thái cảm xúc đặc biệt. Nói cách khác,
tình cảm có trong các qui tắc làm cho chúng trở thành những nguyên tắc mang ý
nghĩa cá biệt thông qua một cái thứ ba nào đó, và cái thứ ba này được Cantơ gọi là
''động cơ''. ''Động cơ'' là mắt xích trung gian không những trong mối quan hệ giữa
''tình cảm'' với ''qui tắc'', mà cả trong mối quan hệ giữa ''qui tắc'' và ''nguyên tắc''.
Vì vậy, đối với đạo đức thì điều quan trọng không chỉ đơn giản là bước chuyển của
''nguyên tắc'' thành ''qui tắc'', mà còn là một kiểu quan hệ cảm xúc đối với ''nguyên
tắc'' tồn tại trước bước chuyển đó, tức là ''động cơ'' để chủ thể kinh nghiệm lĩnh hội
cơ sở quyết định của ý chí (nguyên tắc). Bản thân ''qui tắc'' hay ý thức tôn trọng
''qui tắc'' phải trở thành động cơ như vậy.
Việc chỉ ra sự khác biệt giữa các cơ sở quyết định khách quan và cơ sở
quyết định chủ quan của ''ý chí'' đem lại biện chứng đặc thù của cái có ý nghĩa
chung và cái có ý nghĩa cá biệt, của cái phổ biến và cái đơn nhất. Sự khác nhau đó
cũng đồng thời là sự đồng nhất. Vấn đề là ở chỗ, theo nghĩa của thuật ngữ thì cái
có ý nghĩa chung cũng là cái có ý nghĩa cá biệt (nếu cái gì đó có ý nghĩa đối với tất
cả thì cũng có ý nghĩa đối với tôi). Mặt khác, với một nghĩa nào đó, cái có ý nghĩa
chung có thể bị lãng quên một cách có lợi cho cái có ý nghĩa cá biệt. Cuối cùng,
cái có ý nghĩa cá biệt mang tính phổ biến, bởi vì bước chuyển từ cơ sở khách quan
vào cơ sở chủ quan chỉ có khả năng thực hiện trong vương quốc của những thực
thể có lý tính nói chung.
Trong mối quan hệ tác động qua lại giữa cái khách quan và cái chủ quan,
giữa cái có ý nghĩa chung và cái có ý nghĩa cá biệt, giữa tính tất yếu và tính ngẫu
nhiên, theo I.Cantơ, cái thứ nhất giữ vai trò quyết định đối với cái thứ hai. Trên cơ
sở đó, học thuyết đạo đức của ông đặt ra vấn đề rất quan trọng là: bằng cách thức

nào để có thể chuyển cơ sở khách quan của ý chí thành cơ sở chủ quan? Đây là
vấn đề mang tính chất trọng tâm trong đạo đức học Cantơ.
Việc phân tích nội dung các phạm trù cơ bản cấu thành bộ khung lôgíc của
đạo đức học Cantơ, như: lý tính, năng lực mong muốn, thiên hướng, ý chí thực tiễn,
nguyên tắc, qui tắc và động cơ, cho phép phác họa lĩnh vực hiện tượng luân lý thực
tế mà trong đó, ông triển khai quan niệm về đối tượng của đạo đức học. Đối tượng
của đạo đức học Cantơ được qui định một cách căn bản bởi phương pháp tiên
nghiệm của ông. Kết quả trực tiếp đầu tiên của việc áp dụng phương pháp này là
việc hướng đạo đức tới một trong những thành phần cấu trúc của nó- tới ''ý thức
đạo đức''. Sự nghiên cứu đạo đức của Cantơ giả định những trình độ của ''ý thức
đạo đức'' nhờ tách đạo đức thành ba lớp rõ ràng. Trình độ thứ nhất - đó là lĩnh vực
các cơ sở quyết định khách quan của ''ý chí'' (tức nguyên tắc), lĩnh vực '' thực thể
có lý tính nói chung''. Kẻ đại diện cho nó là chủ thể tiên nghiệm, hay đơn giản chỉ
là ''lý tính thực tiễn thuần túy''. Trình độ thứ hai bao gồm tổng thể những cơ sở
quyết định chủ quan của ''ý chí'' ( tức các qui tắc và các động cơ) là những cái đặc
trưng cho chủ thể kinh nghiệm hay cá nhân với tư cách thực thể đồng thời vừa có
lý tính vừa có cảm tính.Trình độ thứ ba, đó là sự vật chất hóa ý chí hay là hành vi
hiểu theo nghĩa đen bị loại trừ khỏi lĩnh vực đạo đức và chuyển sang lĩnh vực pháp
luật, tức là sự thực hiện hành vi.
Sự khác nhau giữa hai trình độ thứ nhất và thứ hai cũng là sự khác nhau của
hai cách xem xét ở nhà nghiên cứu. Ví như, trong trình độ đầu của ''ý thức đạo
đức'', khi xem xét đạo đức bằng con mắt lý tính thuần túy thì chỉ có thể nhìn thấy ở
đạo đức sự lập pháp tất yếu và phổ biến. Còn việc xem xét đạo đức theo cách nhìn
của con người bình thường (ở trình độ thứ hai) sẽ mở ra bức tranh về sự phục tùng
của ''ý chí'' đối với ''nguyên tắc đạo đức'' do ý thức tôn trọng ''nguyên tắc'' ấy. Hai
trình độ này tạo nên toàn bộ không gian ''mệnh lệnh tối cao'', liên hệ một cách đặc
biệt với những thành tố cấu thành trong đạo đức học Mác-xít: trình độ qui tắc gần
hơn với khái niệm ''ý thức đạo đức cá nhân'', còn trình độ của chủ thể tiên nghiệm
là trình độ của ''ý thức đạo đức nói chung''. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới một vấn
đề lý luận quan trọng trong đạo đức học Cantơ là: ''ý thức đạo đức nói chung''

không phải là tổng số tất cả ''ý thức đạo đức cá nhân''.
Kết quả thứ hai của việc áp dụng phương pháp tiên nghiệm trong nghiên cứu
đạo đức học của I.Cantơ là việc nghiên cứu không dừng lại ở ''ý thức đạo đức'', mà
còn ở một hình thái ý thức đạo đức hiện có trong lịch sử: nguồn gốc, sự hình thành
và phát triển của đạo đức cùng với phong tục tập quán hiện thực bị gạt ra khỏi ''ý
thức đạo đức'' đó. Trong những điều kiện như vậy, tất nhiên là học thuyết đạo đức
không những có giá trị lịch sử mà còn có giá trị cấp bách chính vì nó bao hàm
những đặc trưng chung nhất của đạo đức- những đặc trưng luôn được giữ lại trong
các quá trình cải tạo mang tính cách mạng những hệ thống đạo đức cụ thể này
thành những hệ thống đạo đức khác.
Như đã trình bày ở trên, phương pháp tiên nghiệm của I.Cantơ giả định việc
chuyển trọng tâm từ hành động đạo đức sang điều kiện của khả năng đạo đức, điều
kiện này bắt nguồn từ chủ thể, mà cụ thể là từ ''năng lực mong muốn''. Mệnh lệnh
đạo đức xuất hiện chính từ năng lực này.
Để lý giải vấn đề trên, trong nghiên cứu của mình, I.Cantơ xuất phát từ chỗ
cho rằng: ''mong muốn'' nhất thiết gắn với sự cưỡng chế hoặc sự tự cưỡng chế, tức
là trong một khoảnh khắc thời gian, con người có thể mong muốn thế này hay thế
khác, nhưng không có khả năng thực hiện đồng thời tất cả ''các mong muốn'', vì
vậy anh ta cần có sự lựa chọn chúng. Sự khước từ một cách tự nguyện một số
mong muốn chính là sự ''tự cưỡng chế''. Mặt khác, Cantơ cho rằng, tất cả ''các
mong muốn'' là không có giá trị như nhau. Một số khách thể có thể là ''mong
muốn'' đối với tất cả, số khác- chỉ có ý nghĩa đối với một số người, số thứ ba- có
thể chỉ có ý nghĩa đối với một người. Ngoài ra, ''các mong muốn'' còn khác nhau
theo mức độ làm thỏa mãn đối tượng thực hiện: đối với người này thì việc thực
hiện ''mong muốn'' đó mang lại sự thỏa mãn lớn hơn, với người khác thì mức độ
thỏa mãn ít hơn.Từ đó nảy sinh câu hỏi: dựa trên tiêu chí nào ( dựa vào tiêu chí ý
nghĩa hay mức độ thỏa mãn) mà con người sẽ lựa chọn mong muốn này hay mong
muốn khác?
Trong thực tại kinh nghiệm, con người thường có thiên hướng lựa chọn
những gì gắn với sự thỏa mãn lớn và từ chối những cái ít thỏa mãn hơn nếu cần

thiết phải khước từ. Nhưng, đôi khi, anh ta lại thích sự lựa chọn dựa trên ý nghĩa,
từ chối bất kỳ sự thỏa mãn nào. Bức tranh về cuộc đấu tranh và chiến thắng của
''mong muốn'' này đối với ''mong muốn'' khác diễn ra trong ý thức con người là bức
tranh hỗn loạn, ở đó không có nguyên tắc lựa chọn thống nhất. I.Cantơ đã có ý
định đưa một trật tự và sự hài hòa vào bức tranh hỗn loạn đó. Để làm điều đó, ông
cần đến những mong muốn mà có thể coi là những mong muốn cơ bản đối với sự
lựa chọn và sự khước từ. Ông đã chọn ''những mong muốn''có ý nghĩa phổ biến,
tức là ''những mong muốn'' có ở tất cả các thực thể có lý tính, tất thảy mọi người
đều có chúng vì họ đều là thực thể có lý tính, nhưng không phải tất cả đều đề cao
chúng hơn những mong muốn khác.Và, chính từ đây, theo Cantơ, nảy sinh mệnh
lệnh đạo đức.
''Mệnh lệnh'' tự thân nó không biểu thị cái gì khác ngoài sự hiện diện những
biểu tượng hay những mong muốn (những biểu tượng là nguyên nhân tạo ra tính
hiện thực cho đối tượng của mình) gắn liền với ''sự tự cưỡng chế'' và sự từ chối
những mong muốn khác, còn trong trường hợp không có sự từ chối thì gắn với ý
thức về hành vi không đúng đắn của mình và sự ăn năn về những hành vi đó.
Tuy nhiên, mệnh lệnh không những có trong biểu tượng đạo đức mà còn có
trong mọi ''mong muốn'' khác. Vì thế, cần phải xác định được tính đặc thù của
''mệnh lệnh đạo đức'', tức ''bổn phận''. Mục đích ở đây là để tìm thấy những gì
mang tính đạo đức trong sự hỗn loạn của những sự tự cưỡng chế.
Phù hợp với điều đó, I.Cantơ phân chia tất cả các mệnh lệnh ra thành ''mệnh
lệnh giả thuyết'' và '' mệnh lệnh tuyệt đối''. Sự phân chia đó thể hiện sự khác nhau
thực sự giữa các kiểu định hướng đạo đức của con người.
Theo Cantơ, ''Mệnh lệnh giả thuyết'' có hai loại: những ''mệnh lệnh của kỹ
năng'' và những ''mệnh lệnh của sự khôn ngoan'', chúng giống nhau về mặt cấu
trúc. Trong mỗi chúng, có một số hành vi được ra lệnh như là cách thức để đạt tới
mục đích có tính khả năng (ở ''mệnh lệnh của kỹ năng''), và đạt tới mục đích mang
tính thực tế (ở ''mệnh lệnh của sự khôn ngoan''). Phương thức cưỡng chế ''ý chí''
của những mệnh lệnh trên cũng tương tự như vậy: một vài đối tượng hay hành vi
đối với chủ thể là ''mong muốn'' (tức là biểu tượng về nó có sức cưỡng chế), biểu

tượng này, thông qua lý tính và năng lực phán đoán, được gắn với biểu tượng khác,
mà trước khi có sự phân chia đó không phải là đối tượng của sự mong muốn hay
thậm chí còn là đối tượng của sự ghê tởm. Tóm lại, khi ''ý chí'' mong muốn một
điều gì đó, tất yếu cần phải mong muốn một điều khác với tư cách là phương tiện
để đạt tới điều mong muốn đầu tiên. Như vậy, cấu trúc chung của sự biểu thị ''ý
chí'' được thể hiện bằng công thức:
'' Ý chí được hình dung như là năng lực cưỡng chế chính bản thân mình phải
thực hiện những hành vi một cách phù hợp với quan niệm về các nguyên tắc này
hay các nguyên tắc khác''[23, 4, I, tr. 268]
Ở đây, mối quan hệ giữa ''hành vi'' với tư cách phương tiện và ''mục đích''
với tư cách kết quả của hành vi ấy là mối quan hệ theo một nguyên tắc nào đó, và
đây không phải là nguyên tắc đạo đức. Trong cấu trúc của ''mệnh lệnh kỹ năng'',
được giải phóng khỏi những nội dung cụ thể thì không có gì là đạo đức hay không
đạo đức. Tất cả chỉ phụ thuộc vào những mục đích mà để đạt được chúng, các
mệnh lệnh này qui định trước một số hành vi với tư cách là phương tiện. I.Cantơ
đã minh họa rõ điều này như sau:
'' Mệnh lệnh chữa khỏi người bệnh đối với bác sĩ, và mệnh lệnh giết được
người đối với kẻ đầu độc là có giá trị như nhau, bởi lẽ mỗi mệnh lệnh đó đều hoàn
toàn phục vụ cho việc thực hiện mục đích đã đặt ra''[23, 4, I, tr. 268].
Điều quan trọng ở đây là I.Cantơ đã loại trừ được một biến thể của ''mệnh
lệnh giả thuyết'' ra khỏi lĩnh vực đạo đức. Không nên hiểu việc loại trừ này là
dường như những mệnh lệnh trên hoàn toàn không có nội dung đạo đức. Vấn đề
không phải là ở chỗ những mệnh lệnh đó có hay không có nội dung đạo đức. Vì,
nếu xét trong hành động con người, thì bất kỳ hành vi nào, về nguyên tắc, đều có
khía cạnh đạo đức, trong số đó có cả phương diện quan hệ giữa mục đích và
phương tiện. Nhiệm vụ mà I.Cantơ đặt ra khi nghiên cứu các ''mệnh lệnh'' không
phải là việc xác định phạm vi phổ biến đạo đức, mà là ở chỗ ông muốn tìm được
nguyên tắc đạo đức cao nhất, tức là nguyên tắc biểu hiện chính nội dung đạo đức,
trong khi đó thì các ''mệnh lệnh kỹ năng'' không thể là tiêu chuẩn để xác định nội
dung ấy. Các mệnh lệnh này có ý nghĩa phổ biến, bởi vì các phương tiện đã được

chúng ấn định trước như là cái tất yếu để thực hiện mục đích, có sức mạnh đối với
bất kỳ ai có mong muốn thực hiện mục đích ấy. Nhưng, chúng cũng không có ý
nghĩa phổ biến bởi vì bản thân mục đích là ngẫu nhiên. Ý nghĩa của các mệnh lệnh
này bị hạn chế trong một nhóm người giả định các mục đích đó là các mục đích
mong muốn, và bị hạn chế trong một khoảng thời gian mà các mục đích có tư cách
là như vậy.
Tính đạo đức của hành vi được qui định không phải là ở chỗ một ''mong
muốn'' được hành vi ấy thực hiện một cách hợp lý và đúng đắn ở mức độ nào, mà
trước hết ở tính chất của bản thân ''mong muốn'', ở những đặc điểm của khách thể
được coi là cái ''mong muốn'', và ở động cơ biến khách thể trở thành cái ''mong
muốn''. Việc tuân thủ một cách hệ thống các ''mệnh lệnh kỹ năng'' tự thân nó
không đưa ra được những cơ sở để đánh giá tích cực về mặt đạo đức đối với cá
nhân, cũng hệt như sự không hiểu biết hay thiếu kỹ năng sử dụng phương tiện đạt
tới mục đích nào đó không thể trở thành nguyên cớ để buộc tội về sự vô đạo đức.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi bàn về những ''mệnh lệnh của sự khôn
ngoan'' hay những ''mệnh lệnh của hạnh phúc''. Trong mối quan hệ giữa chúng,
không nên nói rằng nội dung đạo đức sẽ được thay đổi theo sự thay đổi của tính
chất các mục đích, bởi lẽ ở đây, về hình thức, chỉ có một mục đích, hơn nữa mục
đích đó lại có hiệu lực đối với tất cả mọi người, có ý nghĩa phổ biến. Trong khi từ
chối coi khát vọng hạnh phúc là động lực của đạo đức, I.Cantơ đối lập học thuyết
đạo đức của mình với trường phái đạo đức có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử là
''Duy hạnh phúc luận'' (Endemonisme)- học thuyết đạo đức dựa trên nguyên tắc
hạnh phúc của Xôcrát, Êpiquya, Aritxtốt, Xpinôda, Rutxô, và các nhà duy vật
Pháp.
Thực ra thì I.Cantơ thừa nhận rằng, ''hạnh phúc'' là sự mong muốn tất yếu
của mỗi thực thể có lý tính. Tuy nhiên, nhu cầu hạnh phúc chỉ liên quan đến tính
''vật chất'' của năng lực mong muốn, mà tính ''vật chất'' đó lại gắn với tình cảm chủ
quan của sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nằm trong chính cơ sở của sự mong
muốn. Và, bởi vì ''cơ sở vật chất'' ấy được nhận thức bằng chủ thể kinh nghiệm,
nên không thể coi nhiệm vụ đạt tới hạnh phúc là nguyên tắc đạo đức. Nguyên tắc

đạo đức mang tính khách quan, trong tất cả mọi trường hợp và trong mọi thực thể
có lý tính, nó cần phải chứa đựng trong mình một ''cơ sở mang tính quyết định của
ý chí''. Trong khi đó, khái niệm ''hạnh phúc'' lại không xác định được một điều gì
mang tính đặc thù. Vì thế, nguyên tắc hướng tới hạnh phúc hoàn toàn mang tính
ngẫu nhiên, nó cần phải là khác nhau trong những chủ thể khác nhau, và điều đó có
nghĩa là không bao giờ nó trở thành nguyên tắc đạo đức.
''Hạnh phúc'', theo I.Cantơ, không phải là lý tưởng của lý tính, mà là lý
tưởng của trí tưởng tượng, các yếu tố tạo thành nó có nguồn gốc kinh nghiệm:
''Mỗi một người tìm thấy hạnh phúc của mình phụ thuộc vào cảm giác đặc biệt về
sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nơi họ, và thậm chí trong một chủ thể, nó phụ
thuộc vào sự khác nhau của những nhu cầu thay đổi phù hợp với tình cảm đó''[23,
4, I, tr. 340].
Như vậy, những yếu tố vật chất (hay những yếu tố nội dung) trong quan
niệm về ''hạnh phúc'' chiếm vị trí đầu tiên, hơn nữa, ''hạnh phúc'' nói chung không
thể thiếu đi sự giả định tình cảm của chủ thể. Khái niệm ''hạnh phúc'' không phù
hợp với lý tưởng mang tính lý luận của đạo đức học Cantơ, và đó là một trong
những nguyên nhân cơ bản của việc loại bỏ biến thể thứ hai của ''Mệnh lệnh giả
thuyết'' ra khỏi đạo đức học của ông.
Tóm lại, không phải những ''mệnh lệnh của kỹ năng'', không phải những
''mệnh lệnh của sự khôn ngoan'' ( gắn với khái niệm '' hạnh phúc'') phù hợp với
nguyên tắc tối cao của đạo đức. Duy nhất chỉ có ''mệnh lệnh tuyệt đối'' chỉ ra con
đường cho phép hiểu được đạo đức và cái thiện đạo đức. Dấu hiệu đặc thù của
''mệnh lệnh tuyệt đối'' là tính chất tất yếu của mệnh lệnh. ''Mệnh lệnh tuyệt đối''
không được rút ra từ bất cứ kinh nghiệm hiện thực nào, cũng không được rút ra từ
bản tính tự nhiên đặc thù của loài người, mà là sự ''tất yếu'' tuyệt đối được rút ra từ
bản chất tự do của lý tính con người: tôi sở dĩ không thể làm chuyện ác, vì tôi là
một người tồn tại có lý tính. Làm việc ác cũng có nghĩa là tuyên bố những người
có lý tính đều có thể làm việc ác. Do vậy, những người khác cũng có thể làm việc
ác đối với tôi. Hơn nữa, khi tôi là một tồn tại có lý tính, cần phải làm việc thiện và
chối bỏ việc ác, thì làm việc ác sẽ khiến tôi rơi vào sự tự mâu thuẫn. Như vậy,

mệnh lệnh tuyệt đối không bao hàm yếu tố giả định.

×