Tải bản đầy đủ (.pdf) (104 trang)

Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn (thực tiễn xét xử tại các toà án thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (926.94 KB, 104 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT




NGUYỄN THỊ LIÊN



BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN
(THỰC TIỄN XÉT XỬ TẠI CÁC TÕA ÁN
THUỘC TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ)

Chuyên ngành: Luật dân sự
Mã số: 60 38 30


LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC



Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS NGUYỄN VĂN CỪ


HÀ NỘI - 2012





LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học
của riêng tôi. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm
bảo độ tin cậy, chính xác và trung thực. Những kết luận khoa học
của Luận văn chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.

TÁC GIẢ LUẬN VĂN


Nguyễn Thị Liên








MỤC LỤC

Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
MỞ ĐẦU 1
1. Tính cấp thiết của đề tài 1
2. Tình hình nghiên cứu 2

3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn 3
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4
5. Những điểm mới của luận văn 5
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn 5
7. Kết cấu của luận văn 6
Chƣơng 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI
CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN 7
1.1. Cơ sở pháp lý của việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn 7
1.1.1. Các quyền cơ bản của con theo quy định của pháp luật 7
1.1.2. Khái niệm chung về bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn 14
1.1.3. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn 15
1.2. Những nội dung cơ bản của việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha
mẹ ly hôn 19
1.2.1. Việc giao con cho ai nuôi dưỡng, giáo dục 20
1.2.2. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn 26
1.2.3. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn 47
Chƣơng 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC BẢO VỆ
QUYỀN LỢI CỦA CON KHI GIẢI QUYẾT LY HÔN TẠI
CÁC TÕA ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ 51
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế ảnh
hưởng đến việc ly hôn và việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha
mẹ ly hôn 51


2.2. Quan điểm chung về việc bảo vệ quyền lợi của con khi giải quyết
các vụ việc ly hôn tại các tòa án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế 53
2.3. Vấn đề áp dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của con khi giải quyết
các vụ việc ly hôn qua hoạt động xét xử của các tòa án trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế 56
2.3.1. Vấn đề giao con cho ai nuôi sau khi vợ chồng ly hôn 56

2.3.2. Cấp dưỡng nuôi con 66
2.3.3. Thăm nom con sau khi ly hôn 70
2.3.4. Trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con 76
Chƣơng 3: NHỮNG KHÓ KHĂN, VƢỚNG MẮC TRONG VIỆC
BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON KHI GIẢI QUYẾT LY
HÔN TẠI CÁC TOÀ ÁN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ VÀ
PHƢƠNG HƢỚNG GIẢI QUYẾT 79
3.1. Những khó khăn, vướng mắc 79
3.1.1. Vấn đề giao con cho ai nuôi nhiều khi chưa được nhìn nhận một
cách toàn diện 79
3.1.2. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp dưỡng nuôi
con sau khi ly hôn 80
3.1.3. Vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con 83
3.1.4. Một số hạn chế của các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi
của con khi cha mẹ ly hôn 84
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của
con khi cha mẹ ly hôn 85
3.2.1. Cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp dưỡng 85
3.2.2. Vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con 87
3.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ quyền
lợi của con khi cha mẹ ly hôn 88


3.3.1. Đối với hoạt động xét xử của toà án các cấp 89
3.3.2. Đối với các bên đương sự liên quan đến việc ly hôn 90
3.3.3. Về tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích của con
sau khi việc ly hôn có hiệu lực 91
KẾT LUẬN 93
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 95




DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BLDS
:
Bộ luật Dân sự
BVCS&GDTE
:
Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em
HN&GĐ
:
Hôn nhân và gia đình
TAND
:
Tòa án nhân dân
THA
:
Thi hành án
Nghị định số
70/2001/NĐ-CP
:
Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình
năm 2000.
Nghị định số
87/2001/NĐ-CP
:
Nghị định số 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và

gia đình.
Nghị quyết số
02/2000/NQ-
HĐTP
:
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng
thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp
dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia
đình năm 2000.




1
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì vấn đề ly hôn giữa vợ
và chồng cũng ngày càng gia tăng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Hiện
tượng này để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đặc biệt là đối với
những đứa con - kết quả của tình yêu giữa hai vợ chồng. Những đứa trẻ ngây
thơ vốn cần sự yêu thương chăm sóc của cả cha và mẹ, có quyền được sống
trong một gia đình hạnh phúc lại phải chịu cảnh gia đình tan nát, nếu không
được bảo vệ sẽ rất dễ đánh mất cả tuổi thơ và tương lai, gây ảnh hưởng xấu
cho xã hội. Vấn đề quan trọng và rất được xã hội quan tâm là làm sao bảo vệ
quyền lợi cho những đứa con, đặc biệt là con chưa thành niên hoặc con đã
thành niên không có khả năng lao động khi cha mẹ ly hôn vì khi đó những
đứa con này sẽ không được hưởng sự chăm sóc đầy đủ của cả cha và mẹ mà
đáng lẽ ra chúng được hưởng. Đây cũng là một quyền cơ bản của trẻ em được
ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế như Công ước về quyền trẻ em

năm 1989 mà Việt Nam đã tham gia.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của
con khi cha mẹ ly hôn, tuy nhiên việc áp dụng các quy định này trong thực
tiễn xét xử còn có những vướng mắc nhất định, đặc biệt là việc thi hành phần
bản án có liên quan đến quyền lợi của con trong thực tiễn.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên tắc này đã được tòa án áp dụng như
thế nào trong việc giải quyết các vụ việc ly hôn, quyền lợi của con cái có
được bảo vệ khi cha mẹ ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình
(HN&GĐ) năm 2000 hay không là một vấn đề cần được quan tâm.
Chính vì vậy mà tôi chọn đề tài: “Bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ
ly hôn (thực tiễn xét xử tại các toà án thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế)” làm đề
tài luận văn thạc sỹ chuyên ngành Luật Dân sự.


2
2. Tình hình nghiên cứu
Trong khoa học pháp lý từ trước đến nay, ở nước ta, bên cạnh những
văn bản hướng dẫn áp dụng Luật HN&GĐ, mới chỉ có một số bài viết trên
các Tạp chí Luật học, Tạp chí Tòa án nhân dân (TAND), Tạp chí Dân chủ và
pháp luật nghiên cứu, đề xuất kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cấp
dưỡng nuôi con, hậu quả pháp lý của ly hôn đối với con cái. Trong đó có thể
kể đến bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan - Trường Đại học Luật Hà
Nội như: “Vấn đề cấp dưỡng trong Luật HN&GĐ năm 2000” đăng trên Tạp
chí Luật học, số 1/2001; Bài viết của ThS. Bùi Thị Mừng - Trường Đại học
Luật Hà Nội: “Về việc xem xét nguyện vọng của con khi giải quyết vấn đề
giao con cho ai nuôi trong các vụ án ly hôn”, đăng trên Tạp chí Luật học, số
5/2004; Bài viết của Phạm Thanh Hải: “Về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi
ly hôn”, đăng trên Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 4/2001… Ngoài ra còn có
một số bài viết đăng trên các báo điện tử như vietbao.vn; vietnamnet.vn;
thongtinthuvienphapluat.wordpress.com Trong các giáo trình giảng dạy luật

học tại các cơ sở đào tạo luật học ở nước ta những năm qua (giáo trình Luật
dân sự Việt Nam, giáo trình Luật HN&GĐ của Trường Đại học Luật Hà
Nội…) cũng mới chỉ đề cập đến một lượng kiến thức cơ bản và khái quát về
vấn đề quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn. Một số sách tham
khảo liên quan đến lĩnh vực HN&GĐ (Hỏi đáp về Luật HN&GĐ của một số
tác giả như Nguyễn Thế Giai, Nguyễn Ngọc Điệp hoặc Trần Văn Sơn; một số
vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật HN&GĐ năm 2000 của tác giả Nguyễn Văn
Cừ và Ngô Thị Hường; bình luận khoa học Luật HN&GĐ Việt Nam của tác giả
Đinh Thị Mai Hương ) cũng mới chỉ đề cập một lượng kiến thức cơ bản, phổ
thông hoặc trích đăng phụ lục các văn bản liên quan đến vấn đề HN&GĐ.
Gần đây nhất là luận văn thạc sỹ đang được thực hiện của học viên Lê Thu
Trang về vấn đề bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khi vợ chồng ly hôn
theo Luật HN&GĐ năm 2000.


3
Qua nghiên cứu những công trình nêu trên cho thấy, các tác giả chỉ đề
cập mặt này hay mặt khác trong việc giải quyết hậu quả của ly hôn, mà chưa có
công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ, chuyên sâu vấn đề bảo vệ
quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn. Đặc biệt việc nghiên cứu về vấn đề bảo vệ
quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn qua thực tiễn xét xử ở các toà án trên địa bàn
tỉnh Thừa Thiên - Huế thì hoàn toàn chưa có công trình nào đề cập đến. Do vậy,
đề tài của luận văn này là hoàn toàn không trùng lặp về mặt nội dung so với các
công trình nghiên cứu từ trước đến nay.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
* Mục đích
Mục đích nghiên cứu của đề tài là phân tích, đánh giá việc áp dụng
pháp luật bảo vệ quyền lợi của con trong các vụ việc ly hôn từ thực tiễn xét
xử của các TAND ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng thời phát hiện những tồn
tại, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi của

con, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng giải quyết.
* Nhiệm vụ
Để thực hiện được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận và các quy định của pháp luật về
vấn đề bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn.
Thứ hai, phân tích, đánh giá việc áp dụng pháp luật của các TAND ở
tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn để bảo vệ
quyền lợi của con cái trong giai đoạn từ năm 2007 - năm 2011.
Thứ ba, qua thực tiễn xét xử tại các toà án trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên - Huế phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp
dụng và thi hành pháp luật, đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục,
nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn trên địa bàn
tỉnh Thừa Thiên - Huế.


4
* Đối tượng
- Nghiên cứu các cơ sở lý luận và các quy định của pháp luật HN&GĐ
ở nước ta về việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn.
- Nghiên cứu các bản án của các toà án ở các cấp xét xử, cũng như các
quyết định công nhận thuận tình ly hôn ở góc độ bảo vệ quyền lợi của con qua
việc vận dụng pháp luật giải quyết các vụ việc ly hôn cụ thể của các toà án
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
* Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu các văn bản pháp luật được áp dụng có liên quan đến vấn
đề này (chủ yếu được quy định từ Điều 92 đến Điều 94 Luật HN&GĐ năm
2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành) và thực tiễn áp dụng các quy định
đó trong hoạt động xét xử của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, TAND Thành
phố Huế và TAND huyện Phong Điền (từ năm 2007 - năm 2011), từ đó làm rõ các
yêu cầu mà đề tài đặt ra.

4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê
nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về
Nhà nước và pháp luật.
* Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài thông qua việc sử dụng phương pháp luận duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin về pháp luật, về quan
điểm điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ.
Đề tài còn được thực hiện bằng các phương pháp nghiên cứu cụ thể
như: phương pháp tổng hợp, phân tích để nghiên cứu các quy định của pháp
luật hiện hành về vấn đề bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn. Các
phương pháp so sánh, thống kê, khảo sát, điều tra để vừa đối chiếu các quy


5
định của pháp luật, các quan điểm khác nhau vừa thu thập xử lý số liệu từ
năm 2007 - năm 2011 nhằm làm sáng tỏ các vấn đề cần nghiên cứu.
5. Những điểm mới của luận văn
Qua thực tiễn xét xử tại các tòa án thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế về vấn
đề ly hôn để phân tích, đánh giá vấn đề bảo vệ quyền lợi của con như thế nào.
Tìm ra những bất cập, vướng mắc trong việc bảo vệ quyền lợi của con
khi cha mẹ ly hôn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế từ đó mạnh dạn đề ra các biện
pháp giải quyết phù hợp nhằm bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của con khi cha
mẹ chúng ly hôn nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn
Với tư cách là một công trình khoa học nghiên cứu toàn bộ nội dung
của pháp luật HN&GĐ về quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn. Kết quả
nghiên cứu của đề tài sẽ mang lại đóng góp cả về mặt khoa học và thực tiễn.
* Ý nghĩa khoa học

- Trước hết, luận văn chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đề ra các giải
pháp kiến nghị trong việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn để từ
đó có thể được sử dụng tham khảo trong quá trình sửa đổi luật HN&GĐ năm
2000 về ly hôn.
- Luận văn là cơ sở tham khảo cho các công trình nghiên cứu sau này về
vấn đề HN&GĐ nói chung và quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn nói riêng.
* Ý nghĩa thực tiễn
Luận văn nghiên cứu chỉ ra những vướng mắc, bất cập và kiến nghị
hướng hoàn thiện trong việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn trên
địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những ý kiến này có thể được sử dụng tham
khảo trong hoạt động xét xử của các tòa án để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của
con khi cha mẹ ly hôn.


6
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
của luận văn gồm 3 chương.
Chương 1: Cơ sở lý luận của việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ
ly hôn.
Chương 2: Thực tiễn áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của con khi
giải quyết ly hôn tại các tòa án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chương 3: Những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo vệ quyền lợi
của con khi giải quyết ly hôn tại các tòa án tỉnh Thừa Thiên - Huế và phương
hướng giải quyết.


















7
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI
CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN

1.1. Cơ sở pháp lý của việc bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn
Trong mọi xã hội, trẻ em đều là đối tượng được Nhà nước và cả xã
hội dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, bởi đó là thế hệ tương lai của mỗi
quốc gia và của nhân loại. Chính vì vậy, việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho
sự phát triển dần dần và đi tới sự phát triển một cách toàn diện về nhân
cách, về lối sống, về nhận thức chính là việc bảo đảm cho trẻ em có được
các quyền cơ bản. Các quyền này được quy định ở nhiều văn bản pháp luật
khác nhau. Đó là những cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi
của trẻ em. Đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên, con
đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi
mình khi cha mẹ ly hôn.
1.1.1. Các quyền cơ bản của con theo quy định của pháp luật
Như chúng ta đã biết, trước khi Liên hợp quốc được thành lập, các

quốc gia đã thông qua Tuyên ngôn Giơnevơ năm 1924 về quyền trẻ em trong
đó khẳng định trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt. Tuyên ngôn về các quyền
của trẻ em do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1959 khẳng định:
“Loài người có trách nhiệm trao cho trẻ em điều tốt đẹp nhất” [10]. Tiếp đó,
Điều 24 Công ước về các quyền chính trị - dân sự năm 1966 (Việt Nam gia
nhập năm 1982) nêu rõ: “Mọi trẻ em đều có quyền được hưởng sự bảo hộ của
gia đình, xã hội và nhà nước” [16]. Điều 10 Công ước về các quyền kinh tế -
xã hội và văn hoá năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) quy định: “Thanh
thiếu niên cần được bảo vệ và không bị bóc lột về kinh tế - xã hội, cấm bóc
lột lao động trẻ em” [17].


8
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước
của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước về quyền trẻ em). Theo quy
định tại Điều 49 của Công ước thì Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực từ
ngày 02/9/1990. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là
nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày
20/2/1990.
Phần lời nói đầu của Công ước xác định lý do để bảo vệ các quyền trẻ
em là vì “do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được chăm sóc và
bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau
khi ra đời” [18]. Với khẳng định trong phần Lời nói đầu, các quốc gia thành
viên tiếp tục khẳng định một cách cụ thể, chi tiết hơn các quyền của trẻ em,
gồm các quyền cụ thể như: Quyền về không phân biệt đối xử đối với trẻ em,
quyền được có họ tên và quốc tịch, quyền được bảo vệ và chăm sóc, quyền
không bị cách ly khỏi cha mẹ, quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được
học hành, quyền trẻ em trong trường học, quyền được sống trong môi trường
lành mạnh, quyền được giải trí, quyền được thông tin, quyền được tổ chức
hội họp, quyền được tự do bày tỏ ý kiến, quyền được bảo vệ chống lại sự

ngược đãi, quyền được bảo vệ chống lại sự lạm dụng tình dục, quyền được
nhận làm con nuôi, quyền được nhận sự chăm sóc đặc biệt, quyền được bảo
vệ chống lại sự bóc lột, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế, bảo vệ
trẻ em chống mọi hình thức tra tấn và đối xử tàn tệ và bảo vệ trẻ em trước
nạn ma tuý.
Như vậy, theo quy định của Công ước về quyền trẻ em thì trẻ em có rất
nhiều quyền và được bảo vệ trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi cha mẹ ly hôn
quyền lợi của con cái bị ảnh hưởng rất lớn nên Công ước về quyền trẻ em
cũng đã có quy định một số quyền rất có ý nghĩa và liên quan đến việc cha mẹ
ly hôn như quyền không bị cách ly khỏi cha mẹ. Nội dung của quyền này
được thể hiện trong Công ước như sau:


9
Trong trường hợp trẻ sống riêng với cha hoặc mẹ của mình, các em có
quyền gặp gỡ với người cha hay người mẹ mà các em không được sống
chung. Nếu vì một lý do nào đó mà một trong hai người đang ở nơi khác, trẻ
em có quyền được biết nơi ở và tình hình của cha, mẹ mình. Khi cha mẹ
không sống với con mình, họ cần phải chu cấp cho các em một khoản tiền trợ
cấp đảm bảo cho các em cuộc sống đầy đủ [18].
Điều 9 Công ước còn quy định:
Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng trẻ em không bị cách ly
khỏi cha mẹ trái với mong muốn của họ, trừ trường hợp những nhà chức trách
có thẩm quyền chịu sự xem xét của pháp luật quyết định là theo luật pháp và
các thủ tục áp dụng thì việc cách ly như thế là cần thiết cho lợi ích tốt nhất
của trẻ em. Quyết định như thế có thể là cần thiết trong trường hợp đặc biệt
như trẻ em bị cha mẹ lạm dụng hay sao nhãng, hoặc khi cha mẹ sống cách ly
và cần phải có một quyết định về nơi cư trú của trẻ em [18].
Bên cạnh đó Công ước về quyền trẻ em còn quy định thêm về vấn đề
này tại Điều 20 như sau: “Những trẻ em tạm thời hay vĩnh viễn bị tước mất

môi trường gia đình của mình, hoặc vì những lợi ích tốt nhất của chính bản
thân mình mà không được phép tiếp tục ở trong môi trường ấy, có quyền
được hưởng sự bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt của nhà nước” [18].
Công ước về quyền trẻ em năm 1989 là điều ước quốc tế đa phương
phản ánh tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em cũng như sự quan
tâm của các quốc gia đối với thế hệ trẻ. Lần đầu tiên, Công ước về quyền trẻ
em đã khái quát được các khía cạnh của quyền trẻ em và xác định rõ nghĩa vụ
của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền của trẻ em và mối quan hệ giữa
quyền trẻ em với quyền con người nói chung.
Ở nước ta, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là đường lối nhất quán,
xuyên suốt trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Cho đến


10
nửa cuối những năm 80, Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới
Nhà nước về nhiều phương diện. Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em cũng là một bộ
phận quan trọng của công cuộc đổi mới này. Đường lối, chính sách đổi mới
của Đảng đối với trẻ em được tiến hành theo cả chiều sâu và chiều rộng.
Đường lối của Đảng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được cụ thể hoá
trong pháp luật. Và chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong suốt
một thời gian dài kể từ khi đổi mới cho đến nay. Hàng loạt các văn bản có
hiệu lực pháp lý cao đã ra đời nhằm thể chế hoá đường lối, chính sách của
Đảng về trẻ em vào trong hệ thống pháp luật cho phù hợp với điều kiện mới
và sau này được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) năm 1991, năm 2004; Bộ luật Lao động năm
1994; Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995, năm 2005; Luật Giáo dục năm
2005; Luật Quốc tịch năm 2008; Bộ luật Hình sự năm 1999; Luật HN&GĐ
năm 1959, năm 1980, năm 1986 và năm 2000 cùng các văn bản dưới luật
khác để hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Nhà nước còn tổ chức triển khai và
thực hiện nhiều chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên các lĩnh vực

giáo dục, y tế và dinh dưỡng.
Mặt khác, pháp luật về trẻ em có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan
đến nhiều nhóm quan hệ xã hội, đến nhiều ngành luật khác nhau. Các ngành
luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam đều bảo vệ quyền trẻ em theo một đặc
thù riêng của ngành luật mình.
Trong lĩnh vực Luật Hiến pháp, trẻ em được xem như một công dân,
hơn thế, là một công dân đặc biệt. Và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được
điều chỉnh dưới góc độ là phạm trù của quyền con người. Do vậy, Luật
Hiến pháp bảo vệ quyền trẻ em bằng việc quy định các quyền cơ bản nhất
của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Đồng thời,
Luật Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã


11
hội trong việc đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản này. Theo quy định của
Luật Quốc tịch, trẻ em với tư cách là một cá nhân, nên quyền có quốc tịch
là một trong những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của trẻ em. Quốc tịch
là căn cứ để trẻ em được hưởng sự bảo hộ pháp lý của Nhà nước, là một
trong những điều kiện cơ bản để xác định tình trạng nhân thân của một con
người từ khi sinh ra cho đến khi chết.
Cũng như các ngành luật khác, Luật Hành chính coi trẻ em là một đối
tượng đặc biệt nên khi quy định trách nhiệm hành chính đối với trẻ em, Luật
Hành chính đều có quy định riêng áp dụng đối với trẻ em vi phạm hành chính.
Luật Hành chính còn tạo ra một cơ chế quản lý đối với trẻ em vi phạm hành
chính bao gồm các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã phường,
thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng và các tổ chức, cơ sở nhằm giáo dục trẻ
em, đưa trẻ em trở lại cuộc sống bình thường.
Pháp luật Hình sự có chính sách hình sự riêng đối với người chưa
thành niên nhằm bảo vệ người chưa thành niên khi họ là đối tượng bị tội
phạm xâm hại, đồng thời cũng quy định trách nhiệm hình sự nhưng theo

hướng giảm nhẹ đối với người chưa thành niên khi họ chính là người thực
hiện tội phạm. Ngoài ra, Luật Tố tụng hình sự - ngành luật hình thức quy
định trình tự, thủ tục thực hiện các quy định của Luật Hình sự - cũng bảo vệ
quyền trẻ em theo tính chất đặc thù riêng của mình. Đó là trao cho trẻ em
các quyền tố tụng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời Luật Tố
tụng hình sự quy định những điều luật cụ thể nhằm đảm bảo cho việc điều
tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được khái quát, toàn diện và đúng pháp
luật, tránh làm oan người vô tội.
Luật Dân sự coi trẻ em như một thành viên của đời sống dân sự và có
những quy định riêng nhằm xác định địa vị pháp lý của trẻ em trong lĩnh
vực dân sự, gồm quyền, nghĩa vụ và những đảm bảo pháp lý. Bảo vệ quyền


12
trẻ em được thể hiện ở các quy định về giám hộ đối với người chưa thành
niên, về năng lực chủ thể dân sự của người chưa thành niên, về thừa kế, về
trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên và do người
chưa thành niên gây ra.
Cũng như Luật Hình sự, Luật Dân sự cũng có một ngành luật hình thức
tương ứng, đó là Luật Tố tụng dân sự. Luật Tố tụng dân sự cũng bảo vệ quyền
trẻ em thông qua các quy định riêng đối với người chưa thành niên khi tham
gia các quan hệ tố tụng dân sự. Luật Lao động coi trẻ em là một đối tượng đặc
biệt và đặt ra các quy định riêng đối với người lao động chưa thành niên,
nhằm đảm bảo quá trình thực hiện quan hệ lao động của người chưa thành
niên diễn ra bình thường, tránh khỏi các công việc quá sức, độc hại, lạm dụng
sức lao động của người chưa thành niên, đảm bảo cho quá trình phát triển
bình thường của trẻ em trong môi trường lao động.
Với phạm vi điều chỉnh đặc thù của mình, Luật HN&GĐ xem trẻ em
như là một thành viên đặc biệt của gia đình, cần có sự bảo hộ pháp lý đặc biệt.
Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em thể hiện trong các quy định của Luật HN&GĐ về

quyền nhân thân và quyền tài sản trong các mối quan hệ giữa cha mẹ - con
cái, giữa anh chị em, giữa ông bà - cháu, giữa các thành viên khác trong gia
đình như quyền được khai sinh, quyền được xác định cha mẹ, quyền được cha
mẹ yêu thương, trông nom, dạy dỗ, quyền tài sản, quyền được cấp dưỡng,
quyền được cha mẹ thay mặt bồi thường thiệt hại cho người khác. Bên cạnh
đó, Luật HN&GĐ còn xác định trách nhiệm và nghĩa vụ về nhân thân và tài
sản của trẻ em đối với cha mẹ, anh chị em, ông bà và các thành viên khác
trong gia đình.
Qua phân tích những nét khái quát về sự điều chỉnh của một số ngành
luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em, có thể nhận thấy
rằng, bất cứ một ngành luật nào cũng coi trẻ em là một chủ thể đặc biệt và


13
dành cho trẻ em những quy định riêng theo đặc thù của ngành luật mình. Điều
này xuất phát trước tiên từ những đặc điểm riêng về độ tuổi cũng như sự phát
triển chưa đầy đủ về tâm sinh lý. Sau nữa, xuất phát từ những quan niệm, tư
tưởng nhân đạo, dân chủ, thấm nhuần nét tinh hoa của văn hóa, đạo lý truyền
thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tất cả các quy định pháp luật đều
hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em
phát triển bình thường trong sự đầy đủ về tình cảm và vật chất, trong một môi
trường trong sạch, lành mạnh.
Có thể nói rằng, đã có sự nhất quán trong đường lối, chính sách của
Đảng, sự điều chỉnh của các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam về
vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, qua nhiều giai đoạn phát triển của
đất nước. Những tư tưởng mang tính chất chủ đạo cũng như trong quy định cụ
thể của pháp luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, theo một
trình tự chặt chẽ với nội dung tương đối hoàn thiện và bao quát trên nhiều
phương diện. Từ những đường lối, chính sách của Đảng có tính định hướng,
đến những quy định mang tính nguyên tắc, chủ đạo của Hiến pháp về bảo vệ

quyền trẻ em đều được thể hiện nhất quán và thể chế hoá vào các quy định cụ
thể của mỗi lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Như vậy, sự điều chỉnh của Công ước về quyền trẻ em cùng với sự điều
chỉnh của pháp luật quốc gia đã tạo nên một khung pháp luật về trẻ em tương
đối hoàn thiện và trên phương diện rộng.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam
về các quyền cơ bản của trẻ em chúng ta thấy trẻ em là đối tượng cần phải
được bảo vệ, đặc biệt là trong xã hội ngày nay, khi mà tình trạng ly hôn giữa
các cặp vợ chồng ngày càng gia tăng nhanh chóng. Khi cha mẹ ly hôn, Luật
HN&GĐ Việt Nam đã có nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi của các con.
Đây được xem như là một nguyên tắc khi giải quyết ly hôn của cơ quan nhà


14
nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ lợi ích của con trẻ. Việc ly hôn là để chấm
dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ nhưng con cái lại chịu ảnh
hưởng rất lớn từ việc này. Do đó cần phải bảo vệ quyền lợi của con có cha mẹ
ly hôn vì việc ly hôn không chỉ là việc riêng của cha mẹ mà còn liên quan đến
con, liên quan đến lợi ích của xã hội.
1.1.2. Khái niệm chung về bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn
“Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước” [2],
quyền và lợi ích của trẻ em được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điều 65 Hiến
pháp năm 1992 ghi nhận “Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục” [26]. Điều luật trên được cụ thể hóa thành một trong
những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ, Khoản 6 Điều 2 Luật HN&GĐ
năm 2000 quy định “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ
nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ”
[28]. Khi cha mẹ ly hôn thì người cần được pháp luật bảo vệ cơ bản là trẻ em,
người chưa thành niên. Vì vậy, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của con
chính là bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em được thực hiện, nhưng gắn với

việc ly hôn của cha mẹ. Khi cha mẹ ly hôn, con cái chịu ảnh hưởng tiêu cực
của việc ly hôn một cách trực tiếp. Do đó, việc bảo vệ các quyền và lợi ích
hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn là cần thiết, là yêu cầu tất yếu.
Theo từ điển Tiếng Việt thông dụng thì bảo vệ có nghĩa là “che chở,
giữ gìn” [50]. Vì vậy, có thể hiểu bảo vệ là việc ngăn ngừa, hạn chế, chống
lại những hành vi xâm phạm. Việc bảo vệ này không phải là bằng lời nói
mà sử dụng các biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự
của con người. Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều đối tượng cần
được bảo vệ và trẻ em là đối tượng cần được quan tâm bảo vệ đầu tiên vì
tương lai của đất nước. Còn quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn là việc
khi cha mẹ ly hôn phải đáp ứng các quyền về ăn, ở, học hành, nuôi dưỡng


15
khi đứa con đó chưa thành niên và chưa có khả năng nuôi sống bản thân
mình thì phải đảm bảo một cách tốt nhất cho sự phát triển của đứa con. Suy
rộng ra, bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn thể hiện qua ba yếu tố:
đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con được thực hiện tốt trên thực tế;
ngăn ngừa mọi hành vi xâm phạm, hạn chế hoặc tác động xấu đến quyền
lợi của con; cũng như xử lý kịp thời những hành vi xâm phạm đến quyền
lợi của con, nhằm giáo dục, ràng buộc các bên có liên quan. Việc bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của con chỉ được thực hiện tốt nhất khi có một
cơ chế, cách thức, biện pháp bảo vệ toàn diện, đồng bộ.
Như vậy, có thể hiểu “bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn là hệ
thống các biện pháp, cơ chế, cách thức theo quy định của pháp luật nhằm
đảm bảo thực hiện hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của con trên thực tế
và hạn chế, đảm bảo cho các quyền, lợi ích đó của con không bị xâm phạm
hoặc bị ảnh hưởng xấu do việc ly hôn của cha mẹ gây ra, cũng như xử lý
nghiêm khắc, kịp thời những hành vi vi phạm xâm hại tới quyền và lợi ích của
con khi cha mẹ ly hôn”.

1.1.3. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn
Có một bài hát rất quen thuộc với hầu hết trẻ em Việt Nam là bài “Trẻ
em hôm nay thế giới ngày mai”. Câu hát thân quen này bao hàm rất nhiều ý
nghĩa khác nhau để chúng ta thấy được rằng trẻ em là tương lai của dân tộc và
của cả thế giới này. Câu hát như là khẩu hiệu kêu gọi tất cả mọi người cùng
chung tay bảo vệ trẻ em, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em.
“Năm 2011 là một năm cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ,
chăm sóc trẻ em tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương
trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em cho giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí được
Chính phủ phê duyệt là 1.755 tỷ đồng” [3]. Theo đó, việc chăm sóc trẻ em ở
Việt Nam luôn được Nhà nước và xã hội quan tâm, đặc biệt đối với những trẻ


16
em có cha mẹ ly hôn. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, ảnh hưởng
không nhỏ đến tương lai, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này. Do vậy, trẻ
có cha mẹ ly hôn cần được pháp luật bảo vệ.
Khoản 1 Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Sau khi ly hôn,
vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con
chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân
sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” [28].
Như vậy, qua quy định tại điều luật trên thì bảo vệ quyền lợi của con
khi cha mẹ ly hôn chỉ được đặt ra đối với con chưa thành niên; con đã thành
niên thuộc diện bị tàn tật, bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng
lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ngoài ra, con thành thai trong
thời kỳ hôn nhân nhưng sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt cũng là con chung
của vợ chồng nên đây cũng là đối tượng cần được bảo vệ khi cha mẹ ly hôn.
Theo BLDS năm 2005 thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18
tuổi. Ở lứa tuổi này xét về cả tâm lý, sinh lý của trẻ đều chưa phát triển hoàn
thiện để có thể tự bảo vệ, chăm sóc bản thân. Đối với trẻ từ đủ 15 tuổi đến

chưa đủ 18 tuổi tuy đã có khả năng lao động và khả năng nhận thức nhất định
nhưng xét về mức độ nhận thức, phát triển thể chất còn hạn chế nên cần được
chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ. Ngoài người chưa thành niên, người đã thành
niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và
không có tài sản để tự nuôi mình mà có cha mẹ ly hôn cũng được bảo vệ,
chăm sóc. Đây là những người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, vì
thế làm suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện hoặc dẫn đến
không có khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày cũng như
hoạt động lao động sản xuất để tạo ra của cải nuôi sống bản thân, đồng thời
những người này cũng không có tài sản để tự nuôi mình. Vì vậy, việc chăm
sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con có cha mẹ ly hôn thuộc các trường hợp trên là
chính đáng và cần thiết.


17
Khi cha mẹ ly hôn, chấm dứt cuộc hôn nhân không trọn vẹn nhưng để
lại hậu quả pháp lý và xã hội rất lớn đối với con - những đứa trẻ vô tội trong
sự tan vỡ của gia đình. Sau khi cha mẹ ly hôn, con cái chứng kiến cảnh gia
đình tan vỡ, tình cảm yêu thương vỡ vụn và theo quy định của pháp luật con
chỉ được ở chung với cha hoặc mẹ. Đó là hậu quả pháp lý mà trẻ phải chịu dù
không ai muốn nhưng không còn cách nào khác. Do vậy, khi cha mẹ ly hôn
trẻ bị ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức và hành vi. Theo bác sỹ Phạm Ngọc
Thanh của bệnh viện Nhi đồng 1 có đánh giá về phản ứng của trẻ em khi cha
mẹ ly hôn như sau:
- Trẻ rất nhỏ (dưới 5 tuổi) có thể đau khổ, buồn rầu hoặc cáu gắt. Trẻ
thường có rối loạn hành vi, chẳng hạn như trẻ có thể “hành động như một em bé”.
- Ở tuổi đi học (trên 5 tuổi) trẻ có thể bị trầm cảm hoặc giận giữ. Đa số
trẻ hy vọng ly hôn không xảy ra. Có trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc cố bảo vệ cha
mẹ bằng cách tự trách mình.
- Trẻ vị thành niên thường giận giữ. Trẻ có thể gây xung đột ở nhà, học

kém ở trường, nghiện hút hoặc uống rượu bia và những vấn đề hành vi khác
như bạo lực, tự sát [44].
Theo những đánh giá trên thì cha mẹ ly hôn tác động sâu sắc theo chiều
hướng tiêu cực đến tình cảm, nhận thức, hành vi của trẻ. Do vậy, những đứa
trẻ có cha mẹ ly hôn thường dễ bị tổn thương về mặt tâm lý và sự phát triển
thể chất, trí tuệ nên cần có sự quan tâm sát sao từ phía cha, mẹ, nhà trường,
người thân trong gia đình và cộng đồng nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả của
ly hôn đối với con cái.
Như chúng ta đã biết, gia đình là nơi gắn kết các thành viên, là nơi
thể hiện sự yêu thương, gắn bó với nhau. Gia đình cũng là môi trường đầu
tiên và tốt nhất cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ, bảo đảm cho các em trở
thành công dân có ích cho xã hội, nhưng khi cha mẹ ly hôn thì gia đình


18
không thể nào tránh khỏi ly tán giữa các thành viên. Sự chăm sóc, giáo dục
của gia đình đối với các em bây giờ cũng có sự thay đổi. Cụ thể là trẻ chỉ
được sống chung với một bên cha hoặc mẹ của chúng. Đây là những mất
mát to lớn về mặt tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục của cha
hoặc mẹ cũng như điều kiện vật chất tốt nhất cho sự phát triển thể chất của
trẻ nên dễ dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách và nhận thức. Ở lứa tuổi chưa
thành niên, trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách nên rất cần được
dạy dỗ, chăm sóc, chỉ bảo, định hướng đầy đủ của cả cha mẹ. Vì vậy, đối
với những đứa trẻ này rất cần có sự quan tâm đặc biệt, sát sao nếu không
trẻ sẽ bị lợi dụng, sa đà vào những thói hư tật xấu, dễ bị rủ rê, lôi kéo ăn
chơi và có thể dẫn tới thực hiện hành vi phạm tội.
Sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vẫn không hề
thay đổi nhưng do con chỉ được sống với một người nên cách thức thực hiện
các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ có một số thay đổi, đặc biệt là đối với
người không trực tiếp nuôi con. Đứa con chỉ được sự chăm sóc, nuôi dưỡng

trực tiếp bởi một người và người kia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình
một cách gián tiếp qua việc thăm nom, cấp dưỡng. Đây chỉ là một sự cố gắng
bù đắp chứ không thể lấp đầy khoảng trống về tình cảm trong lòng những đứa
trẻ con ngây thơ. Chính những hậu quả pháp lý đó đã gây ra những hậu quả về
mặt xã hội rất nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống và sự phát triển của các em.
Cha mẹ bất hòa luôn ảnh hưởng tới sự phát triển của con về mặt tâm lý.
Những cảnh cãi vã nhau, những câu chì chiết hay những lần đánh nhau trước
mặt con lúc nào cũng có hại và sẽ rất khó xóa nhòa trong ký ức tuổi thơ của
con. Trẻ rơi vào tình trạng luôn lo lắng, bất an, có cảm giác bị bỏ rơi. Sự buồn
bã, sự suy nhược, sự cách ly, sự mất ngủ, những cơn ác mộng và những nỗi sợ
hãi, ám ảnh ban đêm đều có khả năng chế ngự trong đời sống tinh thần của
đứa trẻ. Kết quả học tập cũng có phần sụt giảm. Đôi khi đứa trẻ chuyển sự thô


19
bạo trong gia đình sang những quan hệ xã hội và không còn sự hồn nhiên như
bạn bè cùng trang lứa.
Ngoài ra, trẻ sống trong các gia đình ly hôn thường rất mặc cảm trong
cuộc sống, ngại tiếp xúc kín kẽ khi nói về bản thân và gia đình không trọn vẹn
của mình. Nhìn xa hơn ở những trường hợp cha mẹ ly hôn mà cả hai đều chạy
theo cuộc sống riêng tư của mình, những đứa trẻ bỗng dưng bị bỏ rơi, lạc lõng
giữa cuộc đời. Và một thực tế là những đứa trẻ đó rất dễ vướng vào những
cạm bẫy của cuộc đời và rơi vào con đường phạm pháp.
Do đó, trước những thiệt thòi không dễ bù đắp, những nguy cơ mà các
em dễ đi vào con đường phạm pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ
có cha mẹ ly hôn kịp thời, hiệu quả là một việc làm rất cần thiết.
Theo Ths. Bùi Thị Mừng thì hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ là
phương tiện cơ bản nhất để đảm bảo các quyền con người được thực hiện hay
“Đảm bảo bằng pháp luật, một trong những điều kiện quan trọng nhất để
quyền con người được thực hiện” [49]. Việc bảo vệ bằng pháp luật bao gồm

việc pháp luật ghi nhận các quyền và lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn và
đảm bảo cho các quyền, lợi ích đó được thực hiện trên thực tế. Về cơ bản thì
quyền, lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn cũng chính là quyền của trẻ em, vì
vậy bảo vệ quyền, lợi ích bằng pháp luật cho con cũng chính là bảo vệ bằng
pháp luật đối với trẻ em, nhưng gắn với việc ly hôn của cha mẹ nên có những
quyền đặc thù.
1.2. Những nội dung cơ bản của việc bảo vệ quyền lợi của con khi
cha mẹ ly hôn
Hiện nay ở nước ta, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì tình trạng
ly hôn giữa các cặp vợ chồng ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với các cặp
vợ chồng trẻ có con đang còn ít tuổi. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi của cho khi cha
mẹ ly hôn là điều cần thiết. Việc bảo vệ này phải trên cơ sở các quy định của
pháp luật thông qua các nội dung sau đây.

×