Tải bản đầy đủ (.doc) (126 trang)

ĐẤU TRANH của các CHIẾN sĩ yêu nước và CÁCH MẠNG tại NHÀ tù côn đảo THỜI kỳ 1955 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (537.32 KB, 126 trang )

ĐẤU TRANH CỦA CÁC CHIẾN SĨ YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG
TẠI NHÀ TÙ CÔN ĐẢO THỜI KỲ 1955-1975
1. Nhà tù Côn Đảo thời Mỹ - Ngụy
1.1. Bộ máy cai trị tù nhân thời Mỹ - Ngụy
Sau khi tiếp nhận đề lao Côn Đảo từ tay thực dân Pháp (tháng 3-
1955), ngụy quyền Sài Gòn phân chia lại lãnh thổ Nam Việt Nam, thành
lập tỉnh Côn Sơn (Sắc lệnh 147-NV ngày 24-10-1956). Thiếu tá Bạch Văn
Bốn được cử làm Tỉnh trưởng đầu tiên của "tỉnh tù". Tỉnh không có quận,
huyện, phường, xã, không có các cơ sở kinh tế, Văn hóa, xã hội, chỉ có tù
nhân và bộ máy trị tù. Tỉnh trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu quân sự.
Quản đốc Trung tâm Huấn chính do Đại úy bảo an Bùi Văn Năm đảm trách
.
Tỉnh có các ty, sở và cơ sở trực thuộc như sau: Ty Ngân khố, Ty
Thanh niên, Ty Tiểu học, Trường Trung học, Ty Thông tin, Ty Y tế, Ty
Khí tượng, Ty Thủy vận, Ty Kiến thiết, Hạt Nông nghiệp, Nhà máy điện,
Hợp tác xã tiêu thụ, Đài Vô tuyến điện, Phòng Viễn thông, Phi trường Cỏ
ống, Ty Công an, Tiểu khu Côn Sơn và Toà hành chánh gồm: Văn phòng
Tỉnh trưởng, Phòng Nội an, Phòng Hành chánh tổng quát, Phòng Bút toán.
Thời Pháp, Côn Đảo chỉ có một tên cò (Commissaire de police) làm
nhiệm vụ Cảnh sát tư pháp. Tháng 8-1958, Nha Cảnh sát và Công an Nam
phần biệt phái 18 nhân viên công an ra giúp việc tại Trung tâm Huấn chính
Côn Sơn, tổ chức Chi Công an, tháng 6-1960 nâng cấp thành Ty Công an,
năm 1971 đổi thành Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Côn Sơn, Trưởng ty
được gọi là Chỉ huy trưởng. Dưới Chỉ huy trưởng có trưởng các phòng:
Phòng Cảnh sát đặc biệt, Phòng Quản trị, Phòng Tư pháp, Phòng Kĩ thuật,
Phòng An ninh cảnh lực, Phòng Tâm lí chiến, Cuộc Cảnh sát Bến Đầm,
Cuộc Cảnh sát Cỏ ống. Nhân viên công an có 16 tên vào tháng 8-1958,
tăng lên bảy chục vào năm 1971. Khi cần tăng cường lực lượng đàn áp,
ngụy quyền Sài Gòn điều động Cảnh sát dã chiến thuộc biệt đoàn 222 từ
Sài Gòn ra.
Việc phòng thủ Côn Đảo sau khi thực dân Pháp rút do Bảo an đoàn


của chính quyền Sài Gòn đảm nhiệm, lúc đầu có một liên đội, sau tăng lên
một đại đội (8-1957), rồi 2 đại đội vào năm 1960. Từ năm 1961, quân số
trực thuộc Tiểu khu Côn Sơn lên đến một tiểu đoàn. Khi cần tăng cường
lực lượng phòng thủ hoặc làm áp lực với tù nhân, ngụy quyền Sài Gòn điều
động lực lượng lính dù từ Sài Gòn.
Ngoài lực lượng của Tiểu khu Côn Sơn còn có một bộ phận gần 30
tên ở Đài Kiểm báo (Đài 303) trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân ngụy đóng
trên núi An Hải, 40 tên Mỹ và chư hầu hoạt động ở Đài LORAN Cỏ ống
trực thuộc Hải quân Mỹ, Đài LORAN làm nhiệm vụ liên lạc với căn cứ
quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Đài Kiểm báo kiểm soát toàn
bộ hoạt động của tàu thuyền từ ngoài khơi vào Vùng 3, Vùng 4 Duyên Hải.
Tiểu khu Côn Sơn lúc đầu trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 (đóng tại Cần
Thơ), từ năm 1961 chuyển thành chế độ Biệt khu trực thuộc Bộ Tổng tham
mưu ngụy. Bộ tư lệnh Hải quân ngụy đảm nhiệm tuần tiểu bảo vệ, Liên
đoàn Dù được huy động ứng cứu Côn Đảo khi có sự biến.
Sau khi tiếp quản từ tay thực dân Pháp, ngụy quyền Sài Gòn đặt tất
cả các đề lao và nhân viên giám thị trực thuộc Bộ Tư pháp. Sau 2 vụ bạo
động của tù nhân ở Chí Hoà và Tân Hiệp (1956), chính quyền Diệm đã
giao cho quân đội tiếp nhận các nhà lao cùng toàn bộ nhân viên. Tháng 11-
1958 ngụy quyền Sài Gòn đặt tất cả các nhà lao cùng toàn bộ nhân viên
giám thị trở lại thuộc quyền quản trị của Bộ Nội vụ. Các nhà lao lúc đó
mang tên Trung tâm Huấn chính (cải huấn chính trị phạm).
Năm 1960, ngụy quyền thành lập Trung tâm Cải huấn Côn Sơn trực
thuộc Nha Tổng quản đốc các Trung tâm Cải huấn với 2 Trung tâm: Trung
tâm Cải huấn I giam tù câu lưu (không án) và Trung tâm Cải huấn II giam
tù án. Trung tâm Cải huấn I do tên Phạm Sau, Trưởng đoàn cán bộ Cải
huấn làm Trưởng Trung tâm. Trưởng các trại là hạ sĩ quan quân đội và
nhân viên công an biệt phái. Có thời gian, mỗi trại tù câu lưu chúng bố trí
cả 3 tên làm đồng trưởng trại (quân đội, công an và cải huấn) để trực tiếp
phụ trách các mặt: quản trị tù nhân, duy trì an ninh và cải tạo tư tưởng.

Trung tâm Cải huấn II do Nguyễn Văn Thà làm Giám thị trưởng, dưới
quyền có hơn 60 giám thị cải huấn, trong đó có những tên khét tiếng ác ôn
như Lê Văn Khương, Lê Văn Tốt, Đỗ Văn Phục
Thực dân Pháp rút đi, để lại 3 trại giam chính: Lao I, Lao II, Lao III
và nhiều lao phụ. Riêng Lao III có một lao chính, một lao phụ (Annexe du
Bagne III), và 2 dãy biệt lập (Chuồng Cọp Pháp). Năm 1960, ngụy quyền
đặt lại tên các lao: Lao I là Trại Cộng Hoà, Lao II là Trại Nhân Vị, Lao III
và Lao IV là Trại Bác ái và chi nhánh Trại Bác ái. Sau khi Ngô Đình Diệm
đổ, các trại lại mang tên theo số hiệu: Trại I, Trại II, Trại III, Trại IV. Trại
V được xây dựng từ năm 1962, cùng một kiểu cấu trúc như như 4 trại
trước. Trại VI, Trại VII và Trại VIII được Mỹ chi tiền, thiết kế và thầu xây
cất. Ba trại này được xây dựng vào năm 1968, hoàn thành cơ bản vào năm
1970-1971. Trại IX và Trại X đã được đổ móng, đúc cột, xây vài bức tường
rồi bỏ dở sau Hiệp định Pari 1973. Ngoài các trại giam chính được xây
dựng kiên cố, Côn Đảo còn có nhiều trại giam phụ, xây dựng tại các sở tù,
nơi bóc lột lao động khổ sai của tù nhân.
1.2. Số lượng và cơ cấu tù nhân
Trước năm 1957, Côn Đảo chỉ có một loại tù án tư pháp (hình sự) do
thực dân Pháp bàn giao lại, tính đến ngày 26-12-1956, con số tù tư pháp
còn lại là 674 người. Tháng 1-1957, ngụy quyền Sài Gòn chỉ đạo thanh lọc
số tù chính trị ngoan cố ở các nhà lao đưa ra Côn Đảo. Phấn lớn tù chính trị
trong thời kì này là tù không có án tiết, được gọi là tù chính trị câu lưu .
Tháng 12-1959, số tù câu lưu tăng lên mức cao nhất là 4061 rồi giảm dần
từ năm 1960 do chuyển về đất liền và trả tự do, đến tháng 7-1963 chỉ còn
lại 519 người.
Trong khi đó thì tù án ngày càng tăng lên, nhất là án chính trị cộng
sản. Cuối năm 1960, số lượng tù án là 2415 người. Tháng 7-1963, số tù án
hiện hữu tại Trung tâm Cải huấn II là 3355 người. Con số tù nhân thời
chống Mỹ lên cao nhất xấp xỉ mười ngàn người. Vào tháng 7-1972, Côn
Đảo có 9667 tù nhân, trong đó: Tù án: 4237 (4 nữ); Câu lưu: 2924 (313

nữ); Nghi can: 1226. Ngoài ra có 53 trẻ em từ một đến 9 tháng tuổi bị bắt
theo mẹ. Trước ngày hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), Côn Đảo có 7448
tù nhân, trong đó 4234 là tù chính trị (có 494 phụ nữ) và 3214 là tù thường
phạm, quân phạm các loại.
Tù nhân, trước hết được phân loại theo án tiết, thành tù có án và tù
không án (câu lưu). Tù có án còn được phân theo loại án (án tù giam, án
khổ sai hữu hạn, khổ sai chung thân, tử hình) và phân theo màu sắc chính
trị (Chính trị cộng sản, Chính trị quốc gia, Thường án, Quân phạm thường
án, Quân phạm chính trị). Những đặc điểm phân loại được cụ thể hóa bằng
màu sắc, kí hiệu, số hiệu ghi trên thẻ bài của mỗi tù nhân để chúng dễ kiểm
soát .
Sự phân biệt giữa tù án và tù câu lưu chỉ là tương đối. Tù câu lưu
theo luật, bị câu lưu tối đa là 2 năm, song chúng có thể gia tăng nhiều lần
đến vô thời hạn chẳng khác gì một án chung thân, đày ải và đánh đập đến
chết như một án tử hình hoặc bị truy tố ra toà vì bất cứ tội gì mà chúng
muốn gán ghép. Tù án cũng có thể bị câu lưu ngay khi mãn án. Trong hồ
sơ, báo cáo của nhà tù, mỗi thời kì đều có những cách khác nhau để phân
loại tù nhân, song phân loại theo "hạnh kiểm" là cơ bản nhất (chống đối
hay chấp hành nội quy).
Vấn đề khí tiết của người tù dưới thời Mỹ ngụy trong trường
hợp nào cũng hệ trọng hơn án tiết. Người mang án tử hình vẫn có thể
giảm xuống chung thân, dưới mức chung thân, thậm chí được trả tự do
trước mỗi biến động chính trị. Ngược lại đã có nhiều người bị câu lưu cho
đến chết, câu lưu suốt đời nếu không có ngày giải phóng mùa xuân năm
1975 vì họ chống li khai, chống chào cờ, chống nội quy nhà tù, giữ vững
khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
1.3. Thủ đoạn cai trị tù nhân
Tiếp tục thủ đoạn và các cơ sở lao động khổ sai do thực dân Pháp để
lại, ngụy quyền Côn Đảo ra sức bóc lột tù nhân, phục vụ bộ máy trị tù, lấy
tù nuôi tù, xây dựng trại giam, làm đường xá, sân bay và các công trình

quân sự. Qua các bản phúc trình của quản đốc nhà tù, có thể thấy được âm
mưu của địch bắt tù nhân ngày phải lao động cật lực, tối phải học tố cộng
để không còn thời gian và sức lực để tổ chức và đấu tranh.
Tuy nhiên, chế độ khổ sai ở bất cứ nơi nào cũng dễ chịu hơn là cấm
cố. Âm mưu sâu xa của địch trong việc bóc lột khổ sai thời Mỹ ngụy nhằm
phân hóa tù nhân. Những tên Quản đốc lọc lõi như Nguyễn Văn Vệ, Cao
Minh Tiếp, trong lúc đàn áp và đày ải những người chống đối ở các trại
cấm cố đến vô hạn độ thì chúng lại nới rộng chế độ khổ sai (cho hưởng hoa
lợi 40%, có lúc đến 60% rồi 100%) để lôi kéo tù nhân từ bỏ mục tiêu đấu
tranh chính trị. Theo bài bản của Mỹ, Trung tâm Cải huấn Côn Sơn tổ chức
hướng nghiệp một số ngành nghề, song thực chất chỉ là thủ đoạn lừa mị,
bóc lột và phân hóa tù nhân. Số người được chọn hướng nghiệp phải có
"hạnh kiểm tốt" hoặc là những đối tượng chúng đang tập trung chiêu dụ
theo mục tiêu của chế độ cải huấn.
Thực chất của chế độ cải huấn là tiến hành tố cộng, diệt cộng trong
tù. Có thể nói đây là thủ đoạn nguy hiểm nhất, đồng thời cũng là mục đích
cao nhất của Mỹ ngụy đối với tù nhân Côn Đảo. Từ năm 1957 đến năm
1963, đối với tù chính trị câu lưu, bọn chúa ngục Côn Đảo tiến hành đồng
thời hai bước:
- Cưỡng bức li khai cộng sản, từng bước thanh lọc số tù chính trị
ngoan cố để có những biện pháp đàn áp ngày càng khốc liệt hơn.
- Tổ chức học tố cộng triền miên nhằm triệt hạ khí tiết, cải tạo tư
tưởng, biến những người tù chính trị thành kẻ phản bội, làm tay sai cho
chúng.
Từ năm 1960, tù án chính trị cũng buộc phải học tố cộng buổi tối,
sau ngày lao động khổ sai. Từ khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm sụp
đổ, ngụy quyền Sài Gòn mới bỏ học tố cộng trong tù, chuyển sang hình
thức tâm lí chiến tinh vi.
Chào cờ vừa là nội quy bắt buộc của nhà tù, vừa là một thủ đoạn tố
cộng thêm độc. Khi chào cờ, chúng buộc tù nhân phải hô hai khẩu hiệu

phản động: "ủng hộ Ngô Tổng thống", "Đả đảo Hồ Chí Minh", sau khi Ngô
Đình Diệm đổ thì đổi là "ủng hộ Việt Nam Cộng hoà", "Đả đảo cộng sản
xâm lược" nhằm hạ nhục và bôi dấu vết phản động lên phẩm chất những
người tù chính trị. Bằng thủ đoạn này, ngụy quyền hi vọng sẽ triệt hạ sinh
mạng chính trị của người tù, để khi trả tự do, họ không thể trở lại đội ngũ
chiến đấu được nữa.
Những người tham gia các tổ chức trong tù bị bể bạc, không chịu
được đòn, đã khai báo bị chúng truy bức đến cùng, buộc phải khai lại hồ
sơ, khai báo từ đầu toàn bộ tổ chức trong tù, tổ chức bên ngoài, buộc phải
phản tỉnh bằng cách vạch ra những phương án giúp chúng đánh phá hữu
hiệu các tổ chức cách mạng.
Từ năm 1968, được sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn Mỹ, ngụy quyền
Côn Đảo tiến hành các thủ đoạn tâm lí chiến, điển hình là " Chương trình
tâm lí chiến thí điểm Côn Sơn" (1968-1972). Đây cũng là thời kì chúng sử
dụng những tên sĩ quan tình báo học ở Mĩ, Đài Loan về làm chúa đảo.
Đối với những tù nhân chống li khai, lúc đầu, ngụy quyền dùng thủ
đoạn phổ biến là xiết bóp đời sống (nhốt chật, cấm cố, đóng cửa cây, bớt
cơm, cúp nước tắm, bớt nước uống, bệnh đau không thuốc chữa trị) nhằm
đẩy người tù đến chỗ suy kiệt dinh dưỡng, mòn mỏi tinh thần, chịu đựng
không nổi, phải chịu li khai. Từ năm 1959 trở đi, chúng còn cho công an,
trật tự tra tấn, khủng bố bằng những ngón đòn tàn bạo, truy bức trường kì
cả thể xác lẫn tinh thần.
Ngoài việc đánh đập, tra tấn, hành hạ tại trại giam, tại nơi làm khổ
sai hay ở Ban Chuyên môn với những ngón đòn hiểm độc gấp nhiều lần
thời Pháp, Mỹ ngụy còn tổ chức những chiến dịch lớn, đưa lực lượng
chống cộng sừng sỏ và Cảnh sát Dã chiến ở Sài Gòn ra, sử dụng lựu đạn
cay và các phương tiện chống bạo động để đàn áp tù nhân khi cần thiết.
Việc phân loại tù nhân, áp dụng các chế độ giam giữ, chế độ kỉ luật,
cưỡng bức khổ sai, đàn áp và khủng bố nhằm mục đích đày đoạ, làm kiệt
quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần triệt hạ khí tiết cách mạng, biến người

tù chính trị thành kẻ phản bội, trở thành tay sai cho chúng. Không làm
được như vậy, chúng đánh đập, đày ải đến tàn phế, để khi mãn hạn tù, họ
sẽ thành kẻ tật nguyền, không còn khả năng hoạt động.
Kế thừa kinh nghiệm của thực dân Pháp, ngụy quyền Sài Gòn đã
đưa thủ đoạn "dùng tù trị tù" lên một trình độ mới, tinh vi và thâm hiểm
vượt xa quan thầy. Thủ đoạn phổ biến của chúng là dùng tù thường phạm,
tù giáo phái, tù quân phạm lưu manh làm trật tự, an ninh để đàn áp tù chính
trị. Địch đặc biệt chú ý đến những phần tử đầu hàng, phản bội. Bọn này hầu
như đã mất hết nhân tính, chúng lấy việc đánh giết tù nhân làm trò tiêu
khiển và để tiến thân.
Bọn trật tự được tổ chức thành "Hệ thống nổi". Bên cạnh đó có mạng
lưới an ninh được tổ chức thành "Hệ thống chìm", theo mô hình từ Trung
tâm đến trại, phòng, toán, tổ. Ngoài hai loại trật tự an ninh nói trên, địch
còn tổ chức những toán trật tự bãi để kiểm soát tù vượt ngục, trật tự lưu
động để kiểm soát các toán tù làm khổ sai, trật tự an ninh tăng phái, tăng
cường khống chế tù nhân ở những "điểm nóng".
Năm 1960 Ban An ninh được đổi thành Ban Điều tra, trực thuộc
từng Trung tâm, tháng 9-1963 đổi thành Ban An ninh nội trại. Tháng 6-
1964, Tăng Tư nhận chức tỉnh trưởng, sáp nhập Ban an ninh của Trung tâm
Cải huấn I và Trung tâm Cải huấn II thành Phòng Chuyên môn, do Thiếu
úy Nguyễn Văn Diệp, làm Trưởng phòng, Lê Văn Khương là đệ nhất Phó
phòng đặc trách Hệ thống chìm (mật báo). Giám thị Nguyễn Văn Đàng là
đệ nhị Phó phòng, đặc trách Hệ thống nổi (trật tự). Giám thị Phạm Văn
Long làm Trưởng Ban Hoạt vụ, đặc trách về điều tra khai thác.
Năm 1965, Nguyễn Thế Tỵ giữ quyền Tỉnh trưởng, Tỵ giải tán
Phòng Chuyên môn, lập lại Ban Chuyên môn và Ban An ninh. Lê Văn
Khương được cử làm Trưởng Ban Chuyên môn. Phụ tá cho Khương có
giám thị Phạm Văn Long đặc trách về sưu tra, Trần Minh Tâm, đặc trách
về thư tín. Ban Chuyên môn đảm nhiệm hệ thống chìm, lo việc khai thác,
sưu tra, nắm vững nhân số, xây dựng tình báo, mật báo trong nội bộ tù

nhân, kiểm duyệt thư tín, thu thập tin tức. Ban An ninh do giám thị Nguyễn
Văn Tốt làm Trưởng ban cùng hai phụ tá là Lục Văn Keo và Nguyễn Văn
Tí làm nhiệm vụ canh gác tất cả các chòi bãi, ruộng rẫy, cửa rừng, đề
phòng tù vượt ngục. Cuối năm 1965, Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ ra làm chúa
đảo. Vệ đặc biệt tin dùng Khương, giao trọn quyền sắp xếp bộ máy an ninh
trật tự. Bộ máy mật vụ do Khương tuyển chọn và huấn luyện thật sự là
những con thú dữ say máu, gây nhiều tội ác ghê rợn với tù nhân Côn Đảo.
Đây cũng là dấu ấn đậm nét nhất trong thủ đoạn dùng tù trị tù của Mỹ
ngụy.
Khác hẳn thời Pháp, người tù chính trị thời Mỹ ngụy không bao giờ
được yên phận tù. Bóc lột khổ sai, cấm cố, đày ải, khủng bố với mức độ tàn
bạo vượt xa thực dân Pháp, nhưng việc hành xác và giết hại người tù vẫn
chưa phải mục đích cuối cùng của chúng. Tất cả các thủ đoạn tinh vi, thâm
độc và tàn bạo nhất của Mĩ ngụy đều nhằm tiêu diệt sinh mạng chính trị
người tù, vô hiệu hóa cán bộ cộng sản.
Phương châm của Mĩ ngụy là "muốn giữ tù yên thì không bao giờ để
cho tù được yên". Đã cưỡng bức được họ li khai cộng sản thì phải tiếp tục
bắt học tố cộng, chào cờ “quốc gia" hô khẩu hiệu phản động, kí kiến nghị
ủng hộ Ngô Đình Diệm, đả đảo Hồ Chí Minh, nhằm gột rửa tư tưởng cộng
sản, biến người cách mạng thành kẻ phản bội lí tưởng của mình, phản bội
tổ chức và lãnh tụ mình, làm tha hóa phẩm chất, nhân cách đến mức có
được trả tự do cũng không thể dung nạp vào đội ngũ chiến đấu được nữa.
2. Đấu tranh chống các thủ đoạn tố cộng, cưỡng bức li khai Đảng
cộng sản (1955 - 1963)
2.1. Trại I - Trại Cộng sản và các cuộc đấu tranh chống các thủ
đoạn tố cộng, cưỡng bức ly khai Đảng cộng sản
Sau cuộc bạo động của tù nhân ở Chí Hoà (4-1956) và nhất là cuộc
nổi dậy tự giải thoát của 462 tù chính trị tại Trung tâm Huấn chính Biên
Hoà (2-12-1956), Ngô Đình Diệm quyết định chuyển tất cả chính trị phạm
nguy hiểm ra Côn Đảo. Ngày 11-1-1957, chuyến lưu đày Côn Đảo đầu tiên

chở 360 tù chính trị thuộc các tỉnh miền Đông từ nhà lao Biên Hoà rời cảng
Sài Gòn, trong đó có 36 phụ nữ. Tính đến ngày 3-12-1957 ngụy quyền đày
ra Côn Đảo 10 chuyến, tổng cộng 3080 tù nhân. Tất cả đều là tù chính trị
không án, bị câu lưu. Họ là những người mà ngụy quyền cho là "nguy hiểm
nhất" được thanh lọc từ tất cả các nhà lao, đày ra Côn Đảo để tiếp tục các
thủ đoạn "tố cộng" trong tù với mức độ ác liệt hơn.
Cuối tháng 4-1957, ngụy quyền Côn Đảo bắt đầu thực hiện "tố
cộng" đối với tù chính trị câu lưu bằng thủ đoạn cưỡng bức li khai Đảng
cộng sản, chúng thành lập Trại Quốc gia (Trại II), vận động tù chính trị "li
khai Việt cộng, trở về với "quốc gia". Đợt đầu tiên, chỉ có 269 người chịu li
khai, về Trại quốc gia, còn 995 người kiên quyết chống, bị đưa vào cấm cố
tại Trại I - Trại cộng sản. Kể từ khi đó, tù chính trị câu lưu bị phân thành
hai tuyến: tuyến thứ nhất là những người trực diện chống li khai ở Trại I
mà địch gọi là " Trại cộng sản", tuyến thứ hai gồm những người chịu
điều kiện li khai ở Trại II mà địch gọi là "Trại quốc gia".
Trong các Văn bản của nhà tù, ngụy quyền Côn Đảo gọi Lao I là Trại
I, Trại cộng sản. Công Văn số 204/TTHC/CS/2M ngày 15-4-1958 của
Quản đốc nhà tù ghi rõ: "Trại I là nơi an trí bọn Việt cộng ngoan cố,
chống học tập cải tạo tư tưởng, không nhìn nhận chủ nghĩa quốc gia, biểu
hiện dưới các hình thức: không dự lễ chào cờ, suy tôn Ngô Đình Diệm,
không hô khẩu hiệu huấn chính: "ủng hộ Ngô Tổng thống, đả đảo Hồ Chí
Minh".
Chống li khai cộng sản là hình thức đấu tranh cao nhất, là không
thừa nhận chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, là đấu tranh cho mục tiêu hoà
bình thống nhất nước nhà, là bảo vệ đường lối giải phóng dân tộc của
Đảng, bảo vệ lí tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đấu tranh chống li khai là ngọn cờ, là linh hồn trong phong trào đấu tranh
của tù chính trị Côn Đảo trong thời kì này.
Những người tù chống li khai đã trải qua nhiều cực hình đày đoạ:
cấm cố, nhốt chật, đóng cửa cây (cửa gỗ), bớt cơm, bớt nước uống, cúp

nước tắm, không cho thuốc khi đau ốm. Tù nhân Trại I bị giết bằng đủ các
kiểu: tra tấn cho đến chết, đày ải trường kì sinh bệnh chết, bị bệnh cho trái
thuốc để giết luôn. Tên Thiếu úy Võ Văn Nguyệt, Phó Quản đốc còn cho tù
nhân ăn gạo trắng nhằm hủy hoại nhanh những cơ thể đã suy dinh dưỡng
nặng. Kiết lị, nha chu (sưng chân răng) và đen chân là những căn bệnh phổ
biến nhất. Theo phúc trình không số của Nguyễn Văn Hoà, công an biệt
phái làm đồng Trưởng Trại I, từ tháng 8-1957 đến tháng 8-1958, đã có 118
tù chính trị Trại I chết.
Kẻ thù lợi dụng cả những phút hấp hối của tù nhân để cưỡng ép họ li
khai. Tên Bảy Nhiên, mật vụ của Ti Y tế mỗi lần chích thuốc đều hỏi:
"Chịu li khai không?". Ai lắc đầu là nó rút kim ra, xịt thuốc xuống đất .
Chế độ trị bệnh kết hợp với truy bức tư tưởng đã biến Bệnh xá Trại I thành
nhà xác. Trong vòng một tháng kể từ khi thành lập (6-8-1957), đã có 23 tù
nhân chết tại Bệnh xá.
Có một số đông những người chống li khai chưa phải là đảng viên
cộng sản, thậm chí, có người chưa giác ngộ cộng sản, có người thuộc các
đảng phái, tôn giáo đối lập bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp . Ông
Nguyễn Văn Mua, 62 tuổi, nông dân ở Thủ Đức, vào tù vì bị vu oan là hoạt
động cộng sản đã chống li khai từ đầu. Ông thường nằm lặng lẽ ở một góc
khám, trầm ngâm nhìn lên mái nhà, không trò chuyện, thổ lộ gì với ai. Khi
bệnh nặng, vào phút lâm chung, ông ngồi dậy, dựa lưng vào tường, vuốt lại
nếp áo, hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm" rồi từ từ nằm xuống, nhắm mắt
xuôi tay, không trăn trối thêm điều gì nữa.
Anh Nguyễn Hiền, đảng viên Đảng Đại Việt cũng chống li khai từ
ngày đặt chân lên đảo. Chống li khai cộng sản, chống chế độ Ngô Đình
Diệm là lập trường hết sức kiên quyết của anh. Trong con mắt của anh, Bác
Hồ là một lãnh tụ vẹn toàn, tài ba siêu việt, còn Ngô Đình Diệm chỉ là một
kẻ sát nhân tàn bạo. Anh hi sinh cuối năm 1957 trong vòng tay những
người cộng sản. Phút hấp hối, anh nói với những người tù chính trị cộng
sản: "Bây giờ tôi đã hiểu cộng sản. Cộng sản là các anh". Nói xong anh

hô: "Hồ Chí Minh muôn năm" rồi nhắm mắt, xuôi tay.
Ông Huỳnh Văn Mau tự Lẹ, một tín đồ đạo Hoà Hảo ở Long Xuyên
bị đánh chết trong một trận khủng bố. Anh Dư Sanh, một tín đồ đạo Cao
Đài ở Tây Ninh bị đánh đập đến lột tròng mắt. Sau lần ấy anh bỏ ăn chay
và cùng tập thể kiên quyết chiến đấu đến cùng. Mỗi lần địch khủng bố,
thay vì niệm thần chú, anh hô khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm". Đối
với anh cũng như hàng trăm đồng bào các tôn giáo tham gia cuộc đấu tranh
chống li khai thì tên tuổi Hồ Chí Minh cũng thiêng liêng như một tín
ngưỡng trên đời. Khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng đã trở thành lẽ sống mà anh tin đến
trọn đời, trọn đạo.
Trại I khi ấy có đủ mặt cán bộ từ cấp Xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy, Huyện
ủy cho đến quần chúng cách mạng ở tất cả các tỉnh. Hình thức tổ chức buổi
đầu chưa phải là chi bộ mà là những Ban lãnh đạo bí mật trong từng phòng,
trên cơ sở tín nhiệm và liên hiệp giữa các địa phương: từng tỉnh, liên tỉnh,
các miền (miền Trung, miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và Sài Gòn-
Gia Định), để tập hợp ý kiến, thống nhất chủ trương.
Chưa có Nghị quyết của tổ chức Đảng về chủ trương và hình thức
đấu tranh trong tù, những người tù chính trị chống li khai truyền miệng
nhau học Kinh nhật tụng của người chiến sĩ, xem đó là tiêu chuẩn về
phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng trong tù. Kinh nhật tụng
gồm 12 phần, 196 câu theo thể song thất lục bát, do Khương Hữu Dụng
biên soạn với sự cộng tác của Nguyễn Đình và Nguyễn Đình Thư, xuất bản
tại Liên khu V tháng 5-1946, trên cơ sở tập Tuyên truyền Việt Minh (Tủ
sách huấn luyện, Việt Bắc, 1944), được những người tù chính trị Côn Đảo
xem như một "cẩm nang để ứng xử trong mọi tình huống, như một vũ khí
sắc bén để đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, để trui rèn phẩm chất
cách mạng, giáo dục tình đồng chí và nhân cách con người" .
Đầu năm 1958, bọn cải huấn mở đợt trắc nghiệm tư tưởng tù chính
trị Trại I bằng cách đánh dấu chữ "O", chữ "+". Chúng phát cho mỗi người

một mảnh giấy và bảo: "Ai theo quốc gia thì đánh chữ "+", ai theo cộng sản
thì đánh chữ "O". Trong lúc chưa có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, anh
Hồ Bồi (ở Phù Mỹ, Bình Định) đã nêu ý kiến: "Cái gì địch muốn thì ta
không làm, cái gì địch không muốn thì ta làm". ý kiến của Hồ Bồi trở
thành phương châm hành động của mỗi người tù chính trị. Hầu hết anh em
chọn chữ "O", làm thất bại một lần nữa âm mưu phân hóa của địch.
Số 41 chị em phụ nữ chống li khai, địch giam tại Hầm Đá Trại I.
Bọn gác ngục sử dụng nhiều thủ đoạn để khuất phục các chị. Xà lim đôi
rộng hơn 4 mét vuông, thời Pháp chỉ nhốt 2 người, nay nhốt 18 chị, 7 ngày
mới cho đổ thùng cầu một lần, ngày chỉ một lon nước uống, không nước
tắm. Nóng bức và bệnh tật làm sức khoẻ các chị suy sụp. Các chị phải cắt
tóc ngắn, ở trần truồng và thay phiên quạt cho nhau, chịu đựng qua mùa hè
trong xà lim chật chội, ngột ngạt và oi bức. Nhiều chị có kinh nguyệt phải
ngồi trên tấm nilon hoặc trên thùng cầu rồi dùng nước tiểu của mình thay
cho nước làm vệ sinh.
Ngụy quyền không từ một thủ đoạn nào đối với những người phụ nữ
chống li khai. Chị Đỗ Hữu Bích gửi đứa con còn đang bú cho chị Sửu ở
Trại II nuôi giúp để tham gia chống li khai, bảo vệ khí tiết. Địch bắt chị
Sửu trả đứa bé vào Hầm Đá Trại I với mẹ. Cuối cùng, theo lời khuyên của
tập thể, chị Bích đành gạt nước mắt, chịu li khai để cứu cháu bé khỏi chết
trong Hầm Đá. Chị Nguyễn Thị Tú trong Ban đại diện phụ nữ chống li khai
thuộc thành phần trí thức, chúng tìm mọi cách mua chuộc, mời chị ra nói
chuyện rồi bố trí cho chị ở riêng một xà lim, có chiếu, mền, gối nhưng chị
đã từ chối, trở về nơi cấm cố với tập thể. Không khuất phục được các chị
và bị dư luận tố cáo, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải đưa tất cả nữ tù chính
trị về đất liền vào tháng 4-1958.
Ngụy quyền Côn Đảo tìm mọi cách cưỡng bức Trại I học tố cộng.
Ngày 16-7-1958 chúng gắn loa vào Trại I, phát bản "Tuyên cáo 8 điểm
toàn dân đòi hỏi chính quyền miền Bắc". Bản tài liệu có nội dung xuyên tạc
miền Bắc, nói xấu Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bị tù nhân tẩy chay,

chúng đem loa lớn gắn vào cửa mỗi phòng, tiếp tục cuộc phát thanh theo
kiểu cưỡng bức. Cuộc phát thanh được Quản đốc Nguyễn Văn Giỏi biến
thành một chiến dịch tác động tinh thần, thành một hình thức tra tấn, đày ải
tù nhân. Tiếng loa dội vào khám làm tù nhân nhức óc, mất ăn, mất ngủ, mệt
mỏi rã rời, nhưng không đạt kết quả.
Ngày 24-7-1958, địch kết thúc "chiến dịch loa" và tiếp tục tác động
tinh thần bằng thủ đoạn phân hóa "kháng chiến và cộng sản". Chúng đề cao
những người kháng chiến là yêu nước, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự
do, nhưng cộng sản đã "cướp công kháng chiến", lái kháng chiến theo "chủ
nghĩa tam vô, độc tài, đảng trị". Ai nhận là theo kháng chiến sẽ được "quốc
gia" ưu đãi, ai nhận theo cộng sản sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Theo báo
cáo tháng 8-1958 của Quản đốc nhà tù, trong số 1190 người ở Trại I, có
320 người nhận là kháng chiến (25,9%), 657 người nhận là cộng sản hoặc
theo cộng sản, theo Hồ Chí Minh.
Địch đưa những người nhận là "kháng chiến" vào hai phòng một và
2, gọi là Khám kháng chiến. Khám cộng sản chịu chế độ cấm cố, bị đóng
cửa cây, bớt cơm, bớt nước, ốm đau không thuốc. Khám kháng chiến được
đưa ra sân chơi, tắm giặt thoải mái, tuần vài lần đi tắm biển, chơi chùa.
Khám cộng sản ăn tương chua, khô đắng, mắm thối, còn Khám kháng
chiến thì hàng tuần có rau tươi thịt cá. Thấm thía nỗi đau và âm mưu chia
rẽ của kẻ thù. Khám kháng chiến đã đấu tranh đòi trả về ở chung với các
Khám cộng sản. Tổng kết thất bại của chiến dịch, Nguyễn Kim Sáu,
Trưởng ban dẫn đạo chính trị đã rút ra một nhận xét: "Họ chỉ có một lập
trường tuyệt đối tin tưởng Hồ Chí Minh".
Đầu năm 1959, Trung úy Nguyễn Đắc Dận, một tên ác ôn khét tiếng
từ nhà lao Phú Lợi được điều ra làm Trưởng Ban An ninh Trung tâm Cải
huấn Côn Sơn. Dận chế tạo ra một loại chày vồ bằng gỗ cứng, đường kính
một tấc, dài 2 tấc, nặng một kg, có tay cầm. Hắn bắt người tù úp mặt hoặc
lưng vào tường, rồi dang tay, quật chày vồ thẳng cánh vào lưng, vào ngực.
Người nào khỏe lắm chỉ chịu được 5-7 chày là hộc máu, ngất xỉu. Chiến

dịch "chày vồ" kéo dài trong một tháng, cưỡng bức được gần ba chục
người. Ân hận và hổ thẹn vì sự yếu hèn của mình, ông Nguyệt, quê Bến
Tre đã xé quần áo, bện thành dây treo cổ tự vẫn trong cầu tiêu. Anh em
Trại II cứu được, đưa ông ra Bệnh xá. Khi được hỏi vì sao tự vẫn, ông đã
trả lời: "Tôi bị đánh đập dã man, sức già không chịu được, phải qua đây,
chứ thật lòng không li khai, không bao giờ phản lại Cụ Hồ. Tôi nghĩ ở Lao
II cũng chết vì đòn bộng khổ sai, cho nên tôi chết luôn cho khỏi nhục". Phó
Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Giỏi biết chuyện đã xé bản cam kết li khai của
ông và ra lệnh ngưng "chiến dịch chày vồ", trả tất cả số vừa bị cưỡng bức li
khai về Trại I.
Tết âm lịch (1959), địch cho phép mở cửa 3 ngày, cho tù chính trị
Trại I được ra chơi ngoài sân, theo khuôn viên từng phòng. Tù chính trị
Trại I đã tổ chức mặc niệm các đồng chí hy sinh, bồi dưỡng ý chí kiên
cường tranh đấu, tổ chức Văn nghệ, xé rào thăm nhau để trao đổi tình hình.
Ngày mồng hai tết, do lộ bức thư trao đổi kế hoạch đấu tranh giữa Phòng 8
và Phòng 4, địch bắt anh Sơn, đại diện Phòng 8 đi khai thác. Sáng mồng ba
tết, Phòng 8 phát động đấu tranh đòi thả đại diện, bằng hình thức hô la tập
thể được toàn thể tù chính trị Trại I hưởng ứng. Tiếng hô la đồng thanh của
hơn một ngàn tù chính trị vang động cả thị trấn Côn Đảo làm cho bọn
thống trị hoang mang, hoảng loạn. Tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn xuống trấn
an, hứa hẹn giải quyết, đồng ý cho đại diện Phòng 8 nói chuyện với anh em
trên loa trong buổi tối hôm ấy.
Ngay đêm ấy, địch tra tấn vô cùng dã man khiến Sơn không chịu nổi,
khai Sáu Cao. Hôm sau, địch đưa lực lượng đến Phòng 8 bắt Trần Văn Sáu
(Sáu Cao) Bí thư chi bộ Phòng 8. Cả Phòng 8 đã chịu một trận khủng bố ác
liệt, hàng chục người thịt rơi, máu đổ nhưng không ai chỉ mặt Sáu Cao.
Cuối cùng, địch phải đưa Sơn qua chỉ mặt Sáu Cao để bắt. Sáu Cao nguyên
là Tỉnh ủy viên của tỉnh Vĩnh Long. Anh đã chịu nhiều trận đòn chết đi
sống lại nhưng không khai báo một lời nào. Tỉnh dậy giữa 2 trận đòn thù,
anh vẫn khảng khái tuyên bố: "Đảng dạy tao làm cách mạng chứ không

dạy tao khai với tụi bây". Thái độ kiên cường của Sáu Cao khiến đám công
an khai thác anh cũng phải kính phục.
*. Dời Trại - vẫn là Trại I - Trại cộng sản
Trại I là cái gai trước mắt kẻ thù. Ngô Đình Diệm đã ra luật 10/59
đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, vậy mà ngay trước mũi bộ máy bạo
lực của chúng vẫn sừng sững một " Trại cộng sản" không thừa nhận chế độ
"Quốc gia" không li khai cộng sản. Ngày 15-7-1959 địch chuyển 1445 tù
chính trị Trại I về Trại III và Trại IV và Chuồng Cọp nhằm cô lập triệt để,
khủng bố quyết liệt hơn trước, tiến tới xóa sổ "Trại cộng sản". Mặc dù bị
phân tán ở 3 nơi, địch vẫn gọi là Trại I, có chung Trưởng trại, chung bộ
máy cải huấn và phòng vệ, với ý nghĩa đây là Trại cộng sản, là nơi giam
giữ những phần tử ngoan cố theo cộng sản, theo Hồ Chí Minh.
Tháng đầu xuống lao mới đã có 11 tù nhân chết vì các bệnh kiết lị,
thổ tả, thương hàn. Nhiều tù nhân bức xúc, đề nghị thống nhất lực lượng,
đấu tranh bằng hình thức cao nhất là tuyệt thực. Ngày 21-7-1959, khám 12
Trại IV tuyên bố tuyệt thực với các yêu sách đòi cải thiện đời sống tù nhân.
Do chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần nên lực lượng bị phân hóa khi địch đàn
áp, chỉ còn 4 anh ẩn, Bảo, Bào, Lành kiên quyết không ăn để bảo vệ yêu
sách. Địch đưa các anh xuống Chuồng Cọp, giam mỗi người một chuồng.
Ba đợt tuyệt thực liên tiếp của 4 anh ẩn, Bảo, Bào, Lành trong vòng một
tháng đã thôi thúc tù chính trị Trại I sát cánh đấu tranh. Sáng 24-8-1959,
100 tù chính trị khám 14 đã mở đầu cuộc tuyệt thực tập thể. Khám 12 và
khám 16 hưởng ứng vào buổi chiều. Ngày hôm sau toàn thể tù nhân Trại
IV tuyệt thực. Bọn trật tự, công an xông vào từng khám, đánh đến dập nát
nhiều bó mây tầm vông rồi kéo từng người ra sân đánh tiếp. Ai chịu ăn
chúng nhốt riêng, ai không chịu ăn chúng lôi xuống Chuồng Cọp.
Ngày 24-8-1959, khám 6 Trại III tuyệt thực và hôm sau, các khám
còn lại của Trại III cũng đồng loạt tuyên bố tuyệt thực. Địch bắt đầu thay
đổi thái độ. Ngày 28-8-1959, Tỉnh trưởng Bạch Văn Bốn xuống Trại III
chấp nhận các yêu sách, trừ vấn đề trả tự do. Kỹ sư Lê Văn Thả, đại diện

khám 2 được cử đi các khám thông báo sự nhượng bộ của nhà tù.
Địch trả những người bị giam ở Chuồng Cọp về các khám. Riêng 4
anh Ẩn, Bảo, Bào, Lành chúng cho là cầm đầu nên vẫn biệt lập tại Chuồng
Cọp. Các anh tiếp tục tuyệt thực cho đến ngày 2-9-1959 mới kết thúc đợt
tranh đấu, tổng cộng 34 ngày. Các anh là lớp người mở đầu những trang sử
tranh bất khuất của tù chính trị tại Chuồng Cọp Côn Đảo trong thời kì này.
*. Chiến dịch "chuyển hướng"
Từ cuối năm 1959, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã nhiều lần
chỉ thị cho Bộ Nội vụ ngụy nghiên cứu, giải quyết tình trạng các can cứu
chính trị cộng sản tại Côn Đảo. Ngô Đình Cẩn, tên lãnh chúa Trung phần
đã tiến cử Dương Văn Hiếu, trùm mật vụ miền Trung vào giúp Diệm-Nhu
thanh toán Trại I. Dương Văn Hiếu đã ra Côn Đảo nghiên cứu tình hình rồi
trình Nội các ngụy một chiến dịch mang tên "Chiến dịch chuyển hướng".
Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu phê chuẩn kế hoạch của Hiếu, quyết
định thành lập Ban chỉ huy Trung ương chiến dịch gồm:
- Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, Tổng Giám đốc An ninh quân đội
ngụy là Chỉ huy trưởng.
- Đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng Quản đốc các Trung tâm Cải huấn là
Chỉ huy phó.
- Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn công tác đặc biệt Trung Việt tại Sài
Gòn là chỉ huy phó.
Ban chỉ huy Trung ương tổ chức 5 tiểu ban: Y tế, Tuyên huấn, Điều
tra khai thác, Liên lạc, An ninh quân sự, tập kết tại Côn Đảo vào ngày 31-
3-1960. Ngay buổi tối ấy, Tiểu ban Điều tra khai thác đã tập trung thẩm
vấn 88 can cứu Trại I vừa li khai để tìm hiểu tâm lý tù nhân, cơ cấu tổ chức
và lãnh đạo của tù chính trị, 36 cốt cán của Trại I bị phát giác trong cuộc
thẩm vấn bị cách li tại Chuồng Cọp.
Sáng 1-4-1960, địch dồn toàn bộ tù chính trị "Trại cộng sản" đang bị
giam giữ ở Trại III, Trại IV và Chuồng Cọp ra 4 địa điểm tập trung ở Lò
Vôi, An Hải, chợ Côn sơn và Hàng Dương . Các điểm tập trung đều có

hàng rào kẽm gai có lính bảo an, công an, mật vụ và trật tự an ninh uy hiếp.
Bọn cán bộ cải huấn, hầu hết là số đầu hàng phản bội chia nhau thuyết trình
luận điệu "chuyển hướng".
Ngày 2-4-1960, Nguyễn Văn Y và Dương Văn Hiếu đã trực tiếp
xuống các địa điểm, luân phiên thuyết trình, tác động mạnh vào tâm lý của
số đông tù chính trị muốn chuyển hướng đấu tranh lúc đó. Vừa tác động
tinh thần, chúng vừa dùng vũ lực uy hiếp. Ai tỏ thái độ chống đối là chúng
bắt giữ, khai thác rồi cách li tại Chuồng Cọp. Ngày thứ 3 của chiến dịch,
chúng dồn số tù nhân còn lại ở ba địa điểm về Hí Viện, tiếp tục tác động
tâm lý và cưỡng bức. Ai tỏ ra dao động, chần chừ là chúng cho lính lôi về
Trại II. Địch còn thâm độc, đưa cả gần 300 tù chính trị câu lưu Trại II đã ly
khai (chỉ chống ký kiến nghị phản động) ra nhập chung nhằm buộc họ ly
khai một lần nữa, tạo áp lực tâm lý "rã đám", tác động vào số tù chính trị
Trại I.
Sau hơn ba năm đấu tranh, trực diện chống li khai, tù chính trị Trại I
đã chịu nhiều hi sinh, tổn thất. Bảo vệ khí tiết là lập trường nguyên tắc,
song về hình thức đấu tranh, nhiều người đã đưa ra quan điểm chuyển
hướng đấu tranh, lùi một bước để bảo vệ cán bộ. Nếu cứ tiếp tục trực diện
chống li khai thì kẻ thù có thể tiêu diệt hết lực lượng trung kiên của Đảng.
Trước nguy cơ tan vỡ khó tránh khỏi, những đồng chí có trách nhiệm ở
Trại I đã nhanh chóng thảo luận, nhận định tình hình và truyền miệng
những ý kiến chỉ đạo sau:
1. Địch có thể dùng bộ máy khủng bố khổng lồ, dùng bạo lực để
đánh bức số tù nhân Lao I qua Lao II, nhưng chúng sẽ phải trả giá đắt,
phơi trần bản chất chế độ phát xít bạo tàn và vĩnh viễn không thể chinh
phục được trái tim và khối óc của những tù nhân chính trị mà chúng đã
cưỡng ép bằng lưỡi lê, họng súng.
2. Địch có thể tiếp tục đánh giết cao hơn, nhưng dù phải hi sinh đến
người cuối cùng thì truyền thống bất khuất của Lao I cộng sản sẽ sống mãi
với non sông, đất nước. Những anh em còn lại hãy quyết tâm quyết tử

chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giữ vững ngọn cờ Đảng giữa lao tù Côn
Đảo.
3. Những người sức chịu đựng có hạn, buộc phải qua Lao II phải
đoàn kết thành Mặt trận tù nhân, tiếp tục cuộc đấu tranh chống mọi âm
mưu thủ đoạn của kẻ thù, vươn lên khôi phục khí tiết, giành lại vị trí Lao I
vinh quang".
16 giờ ngày 3-4-1960, Mai Hữu Xuân ra lệnh tác động mạnh đợt
cuối cùng nhằm kết thúc chiến dịch. Vài trăm người còn lại bị đưa ra sân
banh, chia nhỏ ra từng tốp 10 người. Bọn cải huấn, thông tin, chiêu hồi,
công an, trật tự bu lại, vừa dụ dỗ doạ dẫm vừa lôi kéo cưỡng bức. Từng
người tù đều bị kiểm soát, giám sát, không được bàn bạc gì với nhau.
Lúc này, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về mình trước Đảng, tự
chọn lấy một trong hai con đường: hoặc là quyết tử chống li khai để nhận
lấy cái chết trong sự đày ải nghiệt ngã, hoặc là chuyển hướng đấu tranh,
chịu li khai để sống trở về tiếp tục hoạt động. Đến 19 giờ ngày 3-4-1960
còn lại 59 người kiên quyết nhất bị áp giải về Chuồng Cọp. Đoàn người
lặng lẽ đi vào cửa tử thần. Họ tự nguyện chấp nhận cái chết để bảo toàn khí
tiết, chết cho lí tưởng cộng sản, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
*. Chiến dịch Bác ái
Ngay sau chiến dịch chuyển hướng, ngụy quyền cải tổ lại bộ máy
nhà tù, tăng cường bóc lột khổ sai và cưỡng bức học tố cộng đối với tù
chính trị đã li khai, đồng thời tiếp tục mở Chiến dịch Bác ái nhằm thanh
toán dứt điểm số can cứu chống li khai còn lại. Bác ái là một trong những
chiêu bài của chủ nghĩa "Cần lao", "Nhân vị" mà Diệm-Nhu đem ra lừa mị.
Bác ái là tên mới mà chúng đặt cho Trại III và Trại IV trong đó có hai dãy
Chuồng Cọp đang giam giữ những chiến sĩ chống li khai kiên cường nhất,
song thực chất Chiến dịch Bác ái là chiến dịch đẫm máu.
Mở đầu Chiến dịch Bác ái, mỗi ngày, bọn công an, trật tự khủng bố
tù nhân ở Chuồng Cọp 3 lần vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Ngoài
ba trận đánh theo thường lệ, người tù Chuồng Cọp còn bị đánh bất kì lúc

nào, không nhất thiết phải có lí do gì. Mỗi buổi chiều uống rượu say, chúng
lôi tù ra đánh. Bị cấp trên khiển trách, chúng trút uất ức lên đầu người tù.
Không có chuyện gì, chúng đánh tù để tiêu khiển. Bọn công an trật tự, cải
huấn được chúng tuyển chọn từ những tên đầu hàng, phản bội, có tinh thần
chống cộng và được kích thích bản năng thú tính để cắn xé đồng loại. Thấy
người tù nào còn sức chịu đựng, chúng đánh cho kiệt quệ, người nào ốm
yếu, chúng tăng đòn cho mau chết. Không khuất phục được thì chúng đánh
cho tàn tật, mãn tù về cũng không bốc nổi hột cơm mà ăn.
Trong gần 3 tháng đầu của chiến dịch Bác ái, nhiều chiến sĩ trung
kiên đã chết thê thảm ở Chuồng Cọp. Người đầu tiên là Nguyễn Văn Mai
tức Nguyễn Thiện, tiếp đó là Lương Bằng (tự Trần Cửu) quê Bình Thuận.
Anh Nguyễn Văn Vị, bị đánh đến hấp hối, bọn trật tự khiêng anh ra Bệnh
xá chữa trị. Anh kiên quyết không đi và nói: "Tao thà chết ở Chuồng Cọp,
ở vị trí chống li khai này chứ không đầu hàng tụi bay". Vài giờ sau, anh tắt
thở. Sinh viên y khoa Trần Hữu Đại bị đánh đến dập nát phổi, ho ra máu và
sau đó đã hi sinh tại nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn).
Anh Nguyễn Thanh Tâm bị đánh đập đến phát điên. Vài ngày trước
khi chết, anh thường kêu tên mẹ, tên cha, tên vợ, kêu nhiều đến nỗi số anh
em ở Chuồng Cọp lúc ấy thuộc hết tên tuổi, cha, mẹ, vợ anh. Tiếng kêu gào
của anh cồn cào, đau đớn, nghe xé ruột xé gan giữa đêm âm u trong
Chuồng Cọp lạnh vắng. Thấy mặt bọn gác ngục là anh hô: "Đả đảo Ngô
Đình Diệm". Gặp người tù chính trị nào anh cũng tuyên bố: "Tao chưa phải
là đảng viên nhưng tao chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Đứa nào li khai
tao bắn. Đứa nào động đến Hồ Chí Minh tao bắn". Anh bắn súng miệng:
"pằng, pằng, pằng pằng, pằng, pằng " cho đến khi tắt thở.
Theo Báo cáo đặc biệt ngày 28-6-1960 của Trưởng Ti Công an Côn
Sơn, từ 25-5 đến 25-6-1960 "có 4 người đã chết tại Chuồng Cọp. Nhân số
của Trung tâm Cải huấn I lúc đó là 2884. Riêng Trại Bác ái có 2591 trong
đó có 40 người bị phạt kỉ luật và 53 người chưa li khai".
Dám chết cho lí tưởng cao đẹp đã khó, nhưng sống, chiến đấu bảo vệ

lí tưởng trong xiềng xích, nanh vuốt, cạm bẫy của kẻ thù cũng khó khăn
không kém phần. 53 chiến sĩ còn lại đã xác định lập trường dứt khoát
không li khai cộng sản, không đả đảo lãnh tụ của mình. Họ đã sẵn sàng hi
sinh để vẹn toàn khí tiết, để bảo vệ lí tưởng cộng sản, song kẻ thù lại không
cho họ chết một cách dễ dàng. Chúng buộc họ phải chết dần chết mòn, chết
lay chết lắt, chết từng làn da thớ thịt, chết trong đau đớn dày vò triền miên,
chết đi sống lại nhiều lần.
Không phải ai cũng có được sức chịu đựng phi thường như vậy, nhất
là khi một mình trong Chuồng Cọp, không có đồng đội bên mình, không có
tấc vũ khí trong tay, không có chút thông tin về ta và địch, không có một
lời chỉ dẫn hoặc cổ vũ nào của tổ chức và đồng đội. Khi thử thách vượt quá
giới hạn chịu đựng của thể xác và tinh thần, đội ngũ trung kiên chống li
khai vơi dần, có người chết đau đớn, thê thảm, có người không chịu đựng
được phải rời đội ngũ. Mỗi người một cảnh ngộ. Anh Nguyễn Văn Thành
(Năm Thành, tức Phan Kiệm) nguyên là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia
Định trong một lần trao đổi tình hình với anh Nguyễn Đức Thuận thì bị
địch phát hiện. Chúng bắt anh đi điều tra và sau đó anh chịu chuyển hướng,
li khai.
Anh Hoàng Dư Khương, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy bị đánh đến tàn
phế, nằm liệt rồi chịu ra Bệnh xá điều trị. Ngụy quyền Côn Đảo đã hạ thấp
yêu cầu xuống mức tối thiểu để phân hóa đội ngũ trung kiên nhất. Chúng
không bắt kí giấy li khai, học tố cộng, hô khẩu hiệu, kí kiến nghị ủng hộ
Diệm như trước. Bọn cải huấn chỉ yêu cầu "ra Bệnh xá" trị bệnh, ai gật đầu
hoặc im lặng thì chúng khiêng đi liền và xem như đã thanh toán được một "
phần tử ngoan cố" tại Chuồng Cọp. Gần hai chục người đã rời khỏi đội ngũ
vì thủ đoạn này.
Đi Bệnh xá lúc ấy đồng nghĩa với việc chịu li khai. Việc ra đi của các
anh Phan Kiệm, Hoàng Dư Khương và một số chiến sĩ trung kiên là một
tổn thất lớn, gây tác động tâm lí đối với số chống li khai còn lại ở Chuồng
Cọp và số đã li khai ở các trại đang vươn lên phục hồi khí tiết.

*. Đấu tranh chống thủ đoạn "Can vận"
Đại úy Tăng Tư thay Trung úy Nguyễn Văn út làm Phó Tỉnh trưởng
ngày 26-12-1960. Tiếp tục thực hiện “quốc sách tố cộng” trong tù, Tăng Tư
chỉ đạo bọn tay chân mở một đợt “can vận” với nhiều hình thức nhằm
thanh toán số tù chính trị câu lưu chống ly khai cộng sản tại Chuồng Cọp
Côn Đảo. “Can vận” là vận động can cứu chính trị ly khai cộng sản. “Can
vận” là một thủ đoạn của bọn chúa ngục Côn Đảo trong thời điểm này
nhằm đánh rã lực lượng tù chính trị câu lưu kiên cường nhất, ngọn cờ của
phong trào đấu tranh chống ly khai cộng sản đang bị đày ải vô cùng nghiệt
ngã tại Chuồng Cọp Côn Đảo.
Tăng Tư tổ chức ngay đợt khủng bố bằng cách xối nước lạnh lên
đầu tù nhân ở Chuồng Cọp mỗi đêm 3 lần. Công an rình rập theo dõi phản
ứng, bọn cải huấn thăm dò diễn biến tư tưởng, bọn trật tự đánh đập ban
ngày, ban đêm xối nước. Mỗi ngày ở Chuồng Cọp, người tù phải lãnh đủ
24/24 giờ, căng óc ra mà đối phó. Hầu như lúc nào cũng có cặp mắt rình
mò, soi mói. Bất thần chúng hiện ra, thấy một tiếng thở dài là bám riết tác
động, có cử chỉ núng thế là lôi ra đánh ngay, phản ứng yếu ớt là chúng
tăng đòn, lấn tới.
Trong cảnh ngộ đó, người tù phải cân nhắc mỗi ý nghĩ, hành vi, cử
chỉ, khi nào ăn, khi nào không ăn, nói điều gì, không nói điều gì, lúc chịu
đựng, lúc phản đối, sao cho không mắc cạm bẫy của kẻ thù, cố sống thêm
từng giờ, từng phút mà đấu tranh, đẩy lùi tội ác, giành lại sự sống. Mỗi
người tù chống li khai còn lại đều ý thức được rằng, sự tồn tại của họ
không chỉ có ý nghĩa cho riêng mình mà là hiện thân của chính nghĩa trước
bạo tàn, của cái thiện trước cái ác.
Cuộc đấu tranh chống li khai là nơi đối đầu cao nhất giữa những
người cộng sản trung kiên và những tên đao phủ của một chế độ cực đoan
đã đưa tố cộng, diệt cộng lên hàng "Quốc sách". Kẻ địch thường đẩy người
tù đến bên miệng hố tử thần, để họ phải day dứt, trăn trở, chết dần mòn
từng giờ từng phút. Thế rồi chúng lại cho ăn uống bình thường để bản năng

sinh tồn trỗi dậy, khát khao sự sống. Chập chờn giữa hai thái cực, giữa sự
sống và cái chết, tư tưởng con người bị căng thẳng cao độ. Hầu như mỗi
người tù Chuồng Cọp đều đã trải qua hàng chục, hàng trăm lần trăn trở,
dao động, tìm đủ mọi thứ lí luận để biện hộ cho sự sống và cái chết, cho
việc li khai hay không li khai.
Ngày 11-3-1961, Tỉnh trưởng Lê Văn Thể đã kí Sự vụ lệnh số
042/CS/VP/SVL nhằm thanh toán 18 can cứu chống li khai ở Chuồng Cọp.
Sau hai tuần dùng đủ các thủ đoạn đường mật dụ dỗ không kết quả, bọn cải
huấn bắt từng người viết bản xác nhận lập trường, cam kết chịu trách
nhiệm về việc không li khai cộng sản để chuyển giao cho công an, trật tự
thanh toán bằng bạo lực.
Anh Nguyễn Vinh tức Vạn quê ở Bình Định bị đánh đập và truy bức
tư tưởng đến phát bệnh. Anh ngẩn ngơ như người mất hồn, thương vợ nhớ
con, gào khóc, có lúc tỉnh ra anh lại trăn trở, tâm tư cùng anh em. Bị giằng
xé giữa hai thái cực, li khai thì có tội với Đảng với Bác mà chống li khai thì
chết không thấy mặt vợ con. Anh đã chọn cái chết khi không đủ sức chịu
đựng. Chết để trọn lòng trung với Đảng, để khẳng định niềm tin tất thắng
vào con đường đấu tranh, chết để chặn bàn tay tội ác của kẻ thù. Một tối,
anh dùng mảnh nẹp bằng thiếc cứa cổ tự vẫn. Máu ra nhiều, anh hô to ba
lần khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm" rồi nằm vật xuống.
Bọn trật tự xông vào Chuồng Cọp, đưa anh đi cấp cứu rồi tách riêng,
tác động mạnh. Chúng đã thành thạo việc lợi dụng từng khe rạn nứt trong
tư tưởng, tình cảm của mỗi người để đánh phá. Anh Vinh chấp nhận li khai
ngày 13-3-1961, sau 3 ngày của chiến dịch "can vận". Kể từ đó, anh rất
buồn, ít nói, nhưng anh không làm gì có hại cho Đảng, cho tập thể. Trường
hợp của anh Vinh là một bi kịch thật xót xa.
Mười bảy chiến sỹ kiên cường còn trụ lại đã viết bản xác định lập
trường. Anh Phan Trọng Bình viết ngắn nhất. Bản xác định lập trường của
anh vẻn vẹn có 6 từ: Tôi không thể li khai được và kí tên: Vũ Văn Mậu (tên
trong tù của anh).

Anh Nguyễn Đức Thuận viết dài nhất, kín hai mặt tờ giấy ô vuông
khổ lớn. Mỗi người một tâm tư, một đối sách với kẻ thù. Ai cũng khẳng
định lập trường không li khai Đảng, Bác Hồ. Anh Nguyễn Minh (tự Sơn),
sinh năm 1928 tại phường Đức Thắng ở thị xã Phan Thiết khẳng định
đường lối kháng chiến chống Pháp và đường lối đấu tranh thống nhất nước
nhà của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, vì vậy anh
dứt khoát không li khai, dẫu có phải chết.
Anh Phạm Thành Trung (tự Đua) quê làng Mỹ Thuận, quận Cái Bè,
tỉnh Mỹ Tho xác nhận lập trường như sau: "Tôi không thể li khai Bác và
Đảng cộng sản được. Tôi không biết Quốc gia là gì. Vì vậy mà không li
khai". Anh Lê Văn Một (tự Phan Thành Trung) sinh năm 1928 tại Sóc
Trăng viết: "Tôi không thể đả đảo Hồ Chí Minh được ". Tờ xác nhận
lập trường của Phạm Quốc Sắc nội dung như sau: "Tôi tên Phạm Quốc
Sắc, xin xác nhận là không li khai Đảng cộng sản vì tư tưởng tin tưởng
vào đường lối của cộng sản ".
17 chiến sĩ chống li khai còn lại đều phải trả giá bằng máu và mạng
sống cho lập trường chống li khai. Trận khủng bố đêm 27-3-1961 đẫm
máu. Ông già Cao Văn Ngọc (Bà Rịa), các anh Phạm Thành Trung (Mỹ
Tho), Ngô Đến (Khánh Hoà), Hoàng Chất (Hà Nội), Nguyễn Công Tộc
(Bạc Liêu) hi sinh ngay trong đêm ấy. Anh Nguyễn Văn Mười (tự Hoàng
Sơn) hấp hối, sáng hôm sau thì tắt thở. Anh Nguyễn Văn Định ngấm đòn
đến 16 ngày sau mới chết.
Nguyễn Văn Mười tự Hoàng Sơn sinh năm 1917 tại Cai Lậy (Mĩ
Tho), xuất thân giang hồ, theo kháng chiến, đánh giặc rất gan, làm Tiểu
đoàn trưởng Bộ đội Hoàng Thọ. Anh xóa dần đi dấu vết giang hồ và xăm
lên ngực hàng chữ “Suốt đời trung thành với Hồ Chủ tịch”. Bọn gác ngục
điên cuồng đánh đập anh không biết bao nhiêu trận, đánh cho đến khi anh
"từ bỏ lãnh tụ" mới thôi. Hoàng Sơn trả lời: "Chúng mày có lột da, xẻo thịt,
róc xương thì tao cũng không từ bỏ lãnh tụ, tao cũng không ngừng chiến
đấu". Trong trận đòn thù đêm 27-3-1961, anh luôn miệng hô khẩu hiệu

"Hồ Chủ tịch muôn năm" cho đến khi tắt thở. Lòng tôn kính vị " Cha già
dân tộc" đã nâng anh từ một kẻ giang hồ thành chiến sĩ cách mạng, và anh
đã đi trọn lẽ sống của mình.
Ông già Cao Văn Ngọc sinh năm 1897 tại làng An Ngãi, quận Long
Điền tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), là một trong số những
người kiên cường nhất, đấu tranh chống li khai Đảng cộng sản. Bọn cải
huấn đã nhiều lần khiêu khích, vì sao ông không là đảng viên mà chống li
khai Đảng cộng sản, ông duyên nợ gì với Hồ Chí Minh mà lại phải chống
hô khẩu hiệu đả đảo Cụ Hồ? Ông hóm hỉnh trả lời: "Cụ Hồ giải phóng cho
dân tộc khỏi ách nô lệ, tôi mang cái nợ đó, tôi phải trả suốt đời". Khi chỉ
còn vài chục người chống li khai trong Chuồng Cọp, không ít người đã dao
động, suy tính chuyện sống hay chết thì ông động viên anh em: "Mấy chú
là đảng viên, mấy chú được chiến đấu cho lí tưởng cộng sản, được chết cho
lí tưởng cộng sản thì còn vinh dự nào bằng".
Ông già Cao Văn Ngọc và sau đó là Lưu Chí Hiếu đã được tù chính
trị xếp vào hàng những ngôi sao sáng nhất, những con người mà tâm hồn,
tư tưởng và phẩm chất sáng trong như viên ngọc quý .
*. Cam kết quyết tử chống li khai và Năm Ngôi Sao Sáng
Hơn một tháng sau trận đòn thù, mười người còn lại vẫn chưa gương
dậy được. Kẻ thù tiếp tục đày ải và đánh đập để truy bức, nhanh chóng xóa
sổ những "phần tử ngoan cố" cuối cùng. Anh Trần Trung Tín đã tuyệt thực

×