TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP TUY HÒA
KHOA TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
BÀI GIẢNG
GIÁM SÁT THI CÔNG CÔNG TRÌNH ĐỊA CHẤT
NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐỊA CHẤT
Phú Yên 2013
1
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG
1.1. TƯ VẤN GIÁM SÁT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Khi một công trình xây dựng đã được đưa ra đấu thầu để thi công, các thủ tục
trong tiến hành xây dựng đã hoàn tất, ta cần thống nhất một số thuật ngữ và một số
khái niệm chuyên môn theo thông lệ Quốc tế, nhất là công tác Tư vấn Giám sát Xây
dựng công trình.
1.1.1. Một số định nghĩa
Chủ đầu tư - Ban quản lý dự án (Employer): Là chủ dự án hoặc là người đại diện
hợp pháp hoặc là người kế nhiệm hợp pháp, nhưng không phải là người được ủy
quyền.
Nhà thầu (Contractor): Là người tham gia dự thầu thắng đã được Chủ đầu tư
chấp nhận và người kế nhiệm hợp pháp dưới danh nghĩa Nhà thầu, nhưng không phải
là người được ủy nhiệm.
Nhà thầu phụ (Subcontractor): Là bất kỳ người nào ký hợp đồng một phần công
việc với Nhà thầu chính hoặc bất kỳ người nào mà một phần công việc được hợp đồng
theo yêu cầu của Tư vấn và người kế nhiệm hợp pháp, nhưng không phải là người
được ủy nhiệm.
Tư vấn trưởng (Engineer): Là người được Chủ đầu tư đề nghị để hoạt động như
“Công trình sư” thực thi các mục tiêu và yêu cầu ghi trong Hợp đồng xây dựng (và
theo đồ án thiết kế). Nước ngoài vẫn gọi chức danh này là “Công trình sư” hay “Tổng
công trình sư”. Việt Nam quen gọi là “Tư vấn trưởng” hay “Tư vấn”.
Hợp đồng (Contract): Là các Điều kiện, các Chỉ dẫn, các Bản vẽ, các Bảng đơn
giá, bản Dự thầu, văn bản Chấp nhận thầu, bản Thỏa thuận hợp đồng và các tài liệu
khác liên quan.
Chỉ dẫn kỹ thuật (Specifications): Là các chỉ dẫn cách làm và điều kiện cho các
công việc kể cả trong Hợp đồng và bất kỳ sự thay đổi hay phụ thêm nào vào trong này
kể cả các mục do Nhà thầu đệ trình và được Tư vấn chấp nhận.
Bản vẽ (Drawing): Là các bản vẽ thiết kế, các bảng tính và các thông báo kỹ
thuật cùng dạng của Tư vấn trao cho Nhà thầu theo Hợp đồng và tất cả các Bản vẽ,
Bảng tính, các Mẫu hình, các Đồ hình, sách chỉ dẫn cách làm và bảo dưỡng hoặc các
thông tin kỹ thuật cùng dạng mà Nhà thầu đệ trình được Tư vấn chấp nhận.
Bảng giá (Bill of Quantities): Là bảng đơn giá và toàn bộ bảng giá như một phần
của Bản dự thầu.
Bản dự thầu (Bid): Là bảng giá dự thầu mà nộp cho Chủ đầu tư để thực hiện và
hoàn thiện công trình, sửa chữa bất kỳ sự hư hỏng nào đã đề cập trong các điều khoản
của Hợp đồng, như đã chấp thuận trong văn bản “Chấp nhận thầu”.
2
Thỏa thuận hợp đồng (Contract on Completion): Là các điều khoản thỏa thuận
trong một hợp đồng kinh tế.
Thử nghiệm hoàn thiện (Test on Completion): Là tất cả các loại thí nghiệm của
Nhà thầu hoặc bất kỳ ai được Tư vấn và Nhà thầu chấp thuật, do Nhà thầu thực hiện
trước khi một công trình, một hạng mục công trình hay một phần được bàn giao cho
Chủ đầu tư.
Như vậy, có thể khái quát quy trình triển khai một công trình xây dựng như sau
(Sơ đồ 1.1):
Sơ đồ 1.1: Quy trình thực hiện một dự án xây dựng
1.1.2. Một số khái niệm - Chức trách quyền hạn
1.1.2.1. Tư vấn trưởng và Đại diện tư vấn
Tư vấn trưởng (Engineer): Là người được Chủ đầu tư chỉ định để hoạt động như
một “Công trình sư” phục vụ cho mục đích của “Hợp đồng xây dựng”.
3
Đại diện tư vấn (Engineer’s Representative): Là người do Tư vấn trưởng đề nghị
làm đại diện cho mình, chịu trách nhiệm trước Tư vấn trưởng để thực hiện những nhiệm
vụ chuyên ngành được giao và thực thi các quyền hạn trước nhóm chuyên môn đó.
1.1.2.2. Chức trách và quyền hạn của Tư vấn trưởng
a. Tư vấn trưởng thực hiện các chức trách được nêu trong Hợp đồng.
b. Tư vấn trưởng có thể thực thi các quyền hạn được nêu trong Hợp đồng, song
cần được sự chấp thuận của Chủ đầu tư trước khi thực thi các quyền hạn đó. Cũng cần
hiểu rằng, bất kỳ yêu cầu nào đã được chấp thuạn thì các quyền hạn do Tư vấn trưởng
thực thi đều được xem là quyết định của Chủ đầu tư.
c. Ngoại trừ các điều khoản đã công bố trong Hợp đồng, Tư vấn trưởng không có
quyền làm cho giảm nhẹ các điều kiện bắt buộc với “Nhà thầu” trong hợp đồng.
d. Quyền hạn Tư vấn trưởng với các Nhóm tư vấn nghiệp vụ: Trong từng khoảng
thời gian và theo yêu cầu công việc, Tư vấn trưởng sẽ lập các “Nhóm tư vấn nghiệp
vụ” như là đại diện cho mình để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và thực thi các
quyền hạn được trao. Từng nhóm này được gọi là Đại diện Tư vấn (Engineer’s
Representative). Tư vấn trưởng cũng có thể giải tán “Nhóm tư vấn nghiệp vụ” này bất
kỳ khi nào nhiệm vụ đã hết. Việc lập hoặc giải tán các Nhóm tư vấn nghiệp vụ này
được thực hiện bằng văn bản và chỉ có giá trị khi văn bản đó đã được gửi đến Chủ đầu
tư và Nhà thầu.
e. Bất kỳ thông báo nào do “Đại diện tư vấn” đến Nhà thầu nhân danh “Nhóm tư
vấn nghiệp vụ” đều có hiệu lực như Tư vấn trưởng đưa ra. Nếu Nhà thầu chất vấn bất
kỳ một thông báo nào đó được đưa ra từ Đại diện Tư vấn thì Đại diện Tư vấn đệ trình
vấn đề đó lên Tư vấn trưởng để có thể được khẳng định, bác bỏ hoặc thay đổi nội dung
của thông báo đó.
f. Trợ lý tư vấn
- Tư vấn trưởng hay Tư vấn đại diện có thể đề nghị một số thành viên làm trợ lý
cho công việc của Tư vấn đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khi đó
phải thông báo đến Nhà thầu họ tên, nhiệm vụ, khối lượng công việc và quyền hạn của
các thành viên đó.
- Các Trợ lý viên này không có quyền hạn tự ý đưa ra bất kỳ chỉ dẫn kỹ thuật nào
và bất kỳ chỉ dẫn nào trong số họ đưa ra với mục đích được hiểu là do Tư vấn đại diện
đưa ra.
g. Năng lực Tư vấn bảo đảm giá thành và tiến độ
- Theo quan điểm của Tư vấn trưởng, nếu như một số công việc nào đó cần được
thay đổi trong tổng thể công việc hoặc một phần công việc mà tiến độ hoặc giá thành
trong hợp đồng xem ra là không phù hợp hoặc không thể áp dụng thì sau đó dựa theo
tư vấn của Tư vấn trưởng với Chủ đầu tư và Nhà thầu, một giá thành hoặc tiến độ hợp
lý sẽ được thống nhất giữa Tư vấn, Chủ đầu tư và Nhà thầu.
4
- Trường hợp không được nhất trí thì Tư vấn trưởng sẽ ấn định một đơn giá hoặ
tiến độ mà theo Tư vấn là phù hợp và sẽ thông báo cho Nhà thầu biết và một bản trình
Chủ đầu tư. Cho đến khi đơn giá hoặc tiến độ được nhất trí hoặc được ấn định, Tư vấn
trưởng sẽ xác định một tiến độ hoặc đơn giá tạm thời làm cơ sở cho thanh toán.
- Trường hợp những công việc đã được chỉ dẫn phải đổi không như đã nêu trên
mà chưa việc nào được thực hiện trong vòng 14 ngày tính từ ngày đưa ra chỉ dẫn,
trước khi bắt đầu công việc thay đổi đó cần có thông báo đến:
+ Từ Nhà thầu gửi đến Tư vấn với ý định khiếu nại về vượt dự toán hoặc thay
đổi tiến độ hoặc đơn giá.
+ Từ Tư vấn trưởng đến Nhà thầu với ý định thay đổi tiến độ hoặc giá thành.
1.2. CÔNG TÁC TƯ VẤN GIÁM SÁT KHẢO SÁT XÂY DỰNG
Như vây, công tác “Tư vấn Giám sát Khảo sát Xây dựng” là một bộ phận nằm
trong hoạt động chung của công tác “Tư vấn Giám sát Xây dựng” như đã nêu trên.Tuy
nhiên, do đặc điểm riêng phụ thuộc các giai đoạn và loại hình khảo sát.
1.2.1. Xác định loại hình khảo sát xây dựng
1.2.1.1. Hoạt động phục vụ thiết kế
- Khảo sát phục vụ thiết kế cơ sở.
- Khảo sát phục vụ thiết kế kỹ thuật.
- Khảo sát phục vụ thiết kế bản vẽ thi công.
1.2.1.2. Hoạt động phục vụ thi công xây dựng công trình
Đây chính là hoạt động nằm trong công tác tư vấn giám sát xây dựng, sau khi ký
hợp đồng xây dựng với nhà thầu, thường bao gồm các công việc:
- Khảo sát phục vụ kiểm tra trước khi thi công xây dựng.
- Khảo sát chi tiết phục vụ giải pháp gia cố đất đắp trên nền đất yếu (bố trí cọc
cát hoặc bấc thấm).
- Các thí nghiệm nén tĩnh cọc, bàn nén tải trọng tĩnh phục vụ thi công.
- Các thí nghiệm kiểm tra vật liệu đắp, độ chặt, CBR vật liệu và nền đường,…
- Các loại khảo sát phục vụ kiểm tra nền móng: Chất mùn đáy cọc nhồi, chất
lượng vật liệu cọc đã đổ, độ sâu cọc đóng quá sâu hoặc quá nông so với thiết kế,…
1.2.1.3. Hoạt động sau công tác xây dựng công trình
Nhiều hoạt động thuộc công tác khảo sát xây dựng được tiến hành sau công tác
thi công xây dựng hay công trình đã đưa vào sử dụng. Các hoạt động đó bao gồm:
- Quan trắc lún đường giao thông, bến cảng, sân ga (có đất đắp trên nền đất yếu)
sau khi đưa vào khai thác.
- Quan trắc chuyển vị nhà và công trình sau xây dựng hoặc do có sự cố lún nứt.
- Quan sát đánh giá nguyên nhân sự cố lún, nghiêng, nứt nhà và công trình.
1.2.2. Xác định loại hình chuyên môn trong khảo sát xây dựng
5
Hoạt động “Khảo sát xây dựng” được hợp thành của nhiều bộ môn khoa học - kỹ
thuật khác nhau, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để cùng phục vụ cho mục đích
chung là thiết kế, thi công xây dựng công trình. Các loại hình khảo sát xây dựng cơ
bản bao gồm:
1) Khảo sát Đo đạc Địa hình.
2) Khảo sát Địa chất Công trình.
3) Khảo sát thăm dò nước dưới đất phục vụ dân dụng và công nghiệp.
4) Khảo sát Vật liệu xây dựng.
5) Các loại Thí nghiệm đất, đá, nước và vật liệu xây dựng.
1.2.3. Xác định loại hình Tư vấn Giám sát Khảo sát Xây dựng
Từ các loại hình hoạt động và loại hình chuyên môn của công tác khảo sát xây
dựng ta có thể phân công tác tư vấn khảo sát xây dựng thành các loại hình phù hợp.
Loại hình hoạt động “Tư vấn Giám sát Khảo sát Xây dựng” có thể khái quát trong sơ
đồ sau (Sơ đồ 1.2):
Sơ đồ 1.2: Sơ đồ bố trí hoạt động Tư vấn Giám sát Khảo sát Xây dựng
6
1.2.4. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và yêu cầu đối với công tác
Tư vấn Giám sát Khảo sát Xây dựng
1.2.4.1. Chức năng
Thay mặt Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư thực hiện các chức năng:
- Giám sát - kiểm tra mọi hoạt động khảo sát của Nhà thầu xây dựng tuân theo
quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật công bố trong phương án và hợp
đồng.
- Giám sát - kiểm tra và đôn đốc các hoạt động khảo sát của Nhà thầu thực hiện
đúng tiến độ, đúng giá thành đã công bố và thuận theo hợp đồng.
- Tư vấn giải pháp hoặc xem xét kiểm tra và chấp thuận giải pháp do Nhà thầu đề
xuất, kiến nghị lên Tư vấn trưởng hay Chủ đầu tư để giải quyết các sự cố không lường
trước, các kiến nghị thay đổi có lợi cho tiến bộ, bảo đảm giá thành và yêu cầu kỹ thuật.
- Chịu trách nhiệm, trong phạm vi chức trách ghi trong hợp đồng, trước Tư vấn
trưởng hoặc Chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ và giá thành của công tác khảo sát do
Nhà thầu thực hiện.
- Thường xuyên theo dõi, thu thập các số liệu cần thiết để lập báo cáo hoạt động
khảo sát định kỳ đến Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư.
1.2.4.2. Nhiệm vụ
- Tổ chức nhân sự đủ, đúng chuyên môn và có năng lực thực hiện công tác giám
sát kiểm tra theo các bộ môn chuyên môn.
- Yêu cầu các trang bị vật tư, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác giám sát -
kiểm tra.
- Lập các biểu, bảng yêu cầu, bảng hướng dẫn cung cấp cho Nhà thầu hoạt động
và trình Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư xem xét, phê duyệt.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra thường xuyên mọi hoạt động khảo sát của Nhà thầu
từ khâu hiện trường đến các thí nghiệm trong phòng.
- Trong phạm vi chức năng, chủ động phân tích, tính toán, lập luận để đề ra giải
pháp khắc phục sự cố hoặc thay đổi giải pháp bất hợp lý, có khả năng ảnh hưởng đến
tiến độ, giá thành và chất lượng. Nhiệm vụ này cần thống nhất giữa Nhà thầu, Chủ đầu
tư và Tư vấn trưởng.
- Thường kỳ lập báo cáo kết quả hoạt động công tác khảo sát xây dựng của nhà
thầu và của công tác tư vấn giám sát lên Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư.
1.2.4.3. Quyền hạn
- Thực thi các quyền hạn được Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư ủy nhiệm, ghi
trong quyết định hoặc hợp đồng.
- Có quyền không chấp nhận bất kỳ công việc khảo sát, vật tư, thiết bị, máy móc
hoặc một sản phẩm khảo sát không tuân theo chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đã
7
công bố trong “Phương án khảo sát” hoặc trong “Yêu cầu kỹ thuật khảo sát” và theo
hợp đồng.
- Có quyền thay mặt Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư (sau khi trình và được chấp
nhận) lập “Chỉ dẫn kỹ thuật”, “Yêu cầu kỹ thuật”, “Yêu cầu bổ xung”, “Quyết định
thay đổi” cho những vấn đề mới nảy sinh ngoài dự kiến, hoặc cho các hạng mục mà
chưa rõ ràng về kỹ thuật, có nguy cơ không an toàn hoặc chậm tiến độ.
1.2.4.4. Trách nhiệm
- Chịu trách nhiệm về chất lượng kỹ thuật, tiến độ, giá thành công tác khảo sát
trước Tư vấn trưởng hoặc Chủ đầu tư trong phạm vi chức trách đã nêu trong hợp đồng.
1.2.4.5. Yêu cầu
- Có bằng Đại học đúng chuyên môn trong phạm vi mình chịu trách nhiệm Tư
vấn giám sát.
- Có kinh nghiệm ít nhất 3 năm thi công hoặc giám sát thi công các công trình
khảo sát trong phạm vi chuyên môn của mình.
- Có kiến thức rộng rãi về chuyên môn trong phạm vi giám sát không những
trong nước mà cả trong khu vực và Quốc tế.
- Thông thạo vi tính và tiếng Anh chuyên dụng.
8
Chương 2
HỆ THỐNG QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT VỀ CÔNG TÁC
THI CÔNG CÔNG TRÌNH ĐỊA CHẤT
2.1. HỆ THỐNG QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH, QUY PHẠM,
CHỈ DẪN KỸ THUẬT VỀ CÔNG TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG
2.1.1. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật
trong các hoạt động sản xuất và dịch vụ
Để quản lý được sự bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch
vụ trên địa bàn toàn quốc, Quốc hội nước ta đã ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật mang số 68/2006/QH11, thông qua Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 khóa
XI. Luật này quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hệ thống luật pháp và các quy định về chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ
ở nước ta được diễn tả qua sơ đồ 2.1.
Sơ đồ 2.1: Phân cấp hệ thống luật pháp
Để quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và các đặc tính kỹ thuật nhằm
đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác
trong các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối
tượng này. Các loại văn bản để chi phối chất lượng sản phẩm được quy định như sau
(Sơ đồ 2.2):
9
Sơ đồ 2.2: Phân cấp các loại văn bản quy định đặc tính kỹ thuật
Để hướng dẫn sản xuất và thi công những công việc phức tạp, có nguy cơ gây tai
nạn và sự cố, có các yêu cầu đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng hoặc
các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đưa ra loại
văn bản chỉ dẫn kỹ thuật, được các cơ quan xây dựng tiêu chuẩn soạn thảo và ban
hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn hiện nay như sau:
Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm:
10
1. Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN;
2. Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS.
Trước khi có Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn, trên đất nước ta do hoàn cảnh lịch sử
đã có các dạng tiêu chuẩn như: TCVN, TCXD, TCXDVN, các TCN như 22TCN,
11TCN, 14TCN do các Bộ ban hành làm cho việc thống nhất quản lý tiêu chuẩn có
nhiều khó khăn.
Hiện này chúng ta chỉ còn có các loại tiêu chuẩn sau đây:
1. Tiêu chuẩn cơ bản quy định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một
phạm vi rộng hoặc chứa đựng các quy định chung cho một lĩnh vực cụ thể.
2. Tiêu chuẩn thuật ngữ quy định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt
động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
3. Tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối
tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
4. Tiêu chuẩn phương pháp thử quy định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo,
phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp
khải nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của
hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
5. Tiêu chuẩn gih nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản quy định các yêu cầu
về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hóa.
Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn được thống nhất như sau:
* Tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện.
Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể trở thành bắt buộc áp dụng khi được
viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật.
* Tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu
chuẩn.
2.1.2. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chỉ dẫn kỹ thuật về
công tác khảo sát xây dựng
2.1.2.1. Căn cứ hiện hành của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy
phạm, chỉ dẫn kỹ thuật về công tác khảo sát xây dựng
Để làm căn cứ cho việc soạn thảo và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn trong
công tác khảo sát xây dựng, cần bám vào các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước
về công tác khảo sát xây dựng.
Nghị định 16/2005/NĐ-CP Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, có các
điều 57 và 58 quy định về năng lực của chủ nhiệm khảo sát xây dựng và điều kiện
năng lực của tổ chức tư vấn khi khảo sát xây dựng.
Nghị định 209/2004/NĐ-CP Về quản lý chất lượng công trình xây dựng có
chương III, đề cập đến vấn đề quản lý chất lượng khảo sát xây dựng.
11
Cụ thể chương này có các điều sau đây liên quan trực tiếp đến công tác khảo sát
xây dựng:
Điều 6: Nhiệm vụ khảo sát xây dựng
1. Nhiệm vụ khảo sát sát xây dựng do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo
sát xây dựng lập và được chủ đầu tư phê duyệt.
2. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng phải phù hợp với yêu cầu từng loại công việc
khảo sát, từng bước thiết kế, bao gồm các nội dung sau đây:
a) Mục đích khảo sát;
b) Phạm vi khảo sát;
c) Phương pháp khảo sát;
d) Khối lương khảo sát;
đ) Tiêu chuẩn khảo sát được áp dụng;
e) Thời gian thực hiện khảo sát;
Điều 7: Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng
1. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát xây dựng lập và
được chủ đầu tư phê duyệt.
2. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt;
b) Tuẩn thủ các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng.
Điều 8: Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng
1. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng gồm:
a) Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
b) Đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình;
c) Vị trí và điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát xây dựng;
d) Tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng;
đ) Khối lượng khảo sát;
e) Quy trình, phương pháp và thiết bị khảo sát;
g) Phân tích số liệu, đánh giá kết quả khảo sát;
h) Đề xuất giải pháp kỹ thuật phục vụ cho việc thiết kế, thi công xây dựng công
trình.
i) Kết luận và kiến nghị;
k) Tài liệu tham khảo;
l) Các phụ lục kèm theo.
2. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng phải được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu
theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này và làm cơ sở để thực hiện các bước thiết
kế xây dựng công trình. Báo cáo phải được lập thành 06 bộ, trong trường hợp cần
12
nhiều hơn 06 bộ thì chủ đầu tư quyết định trên cơ sở thỏa thuận với nhà thầu khảo sát
xây dựng.
3. Nhà thầu khảo sát xây dựng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp
luật về tính trung thực và tính chính xác của kết quả khảo sát; bồi thường thiệt hại khi
thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, phát sinh khối lượng do khảo sát sai; sử
dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng không phù
hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.
Điều 9: Bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng
1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được bổ sung trong các trường hợp sau đây:
a) Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng, nhà thầu khảo sát xây dựng phát
hiện các yếu tố khác thường ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế;
b) Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện tài liệu khảo sát không đáp
ứng yêu cầu thiết kế;
c) Trong quá trình thi công, nhà thầu thi công xây dựng phát hiện các yếu tố khác
thường so với tài liệu khảo sát ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế và biện pháp
thi công.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc bổ sung nội dung nhiệm
vụ khảo sát trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo đề nghị của các
nhà thầu thiết kế, khảo sát xây dựng, thi công xây dựng và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về quyết định của mình.
Điều 10: Trách nhiệm của nhà thầu khảo sát xây dựng về bảo vệ môi trường và
các công trình xây dựng trong khu vực khảo sát
Trong quá trình thực hiện khảo sát tại hiện trường, nhà thầu khảo sát xây dựng có
trách nhiệm:
1. Không được làm ô nhiễm nguồn nước, không khí và gây tiếng ồn quá giới hạn
cho phép;
2. Chỉ được phép chặt cây, hoa màu khi được tổ chức, cá nhân quản lý hoặc sở
hữu cây, hoa màu cho phép;
3. Phục hồi lại hiện trường khảo sát xây dựng;
4. Bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong
vùng, địa điểm khảo sát. Nếu gây hư hại cho các công trình đó thì phải bồi thường
thiệt hại.
Điều 11: Giám sát công tác khảo sát xây dựng
1. Trách nhiệm giám sát công tác khảo sát xây dựng:
a) Nhà thầu khảo sát xây dựng phải có bộ phận chuyên trách tự giám sát công tác
khảo sát xây dựng;
b) Chủ đầu tư thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng thường xuyên, có
hệ thống từ khi bắt đầu khảo sát đến khi hoàn thành công việc. Trường hợp không có
13
đủ điều kiện năng lực thì chủ đầu tư phải thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát xây
dựng.
2. Nội dung tự giám sát công tác khảo sát xây dựng của nhà thầu khảo sát xây
dựng:
a) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện theo phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng
đã được chủ đầu tư phê duyệt;
b) Ghi chép kết quả theo dõi, kiểm tra vào nhật ký khảo sát xây dựng.
3. Nội dung giám sát công tác khảo sát xây dựng của chủ đầu tư:
a) Kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các nhà thầu khảo sát xây
dựng so với hồ sơ dự thầu về nhân lực, thiết bị máy móc phục vụ khảo sát, phòng thí
nghiệm được nhà thầu khảo sát xây dựng sử dụng;
b) Theo dõi, kiểm tra vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát và việc thực hiện quy
trình khảo sát theo phương án kỹ thuật đã được phê duyệt. Kết quả theo dõi, kiểm tra
phải được ghi chép vào nhật ký khảo sát xây dựng;
c) Theo dõi và yêu cầu nhà thầu khảo sát xây dựng thực hiện bảo vệ môi trường
và các công trình xây dựng trong khu vực khảo sát theo quy định tại Điều 10 của Nghị
định này.
Điều 12: Nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng
1. Căn cứ để nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:
a) Hợp đồng khảo sát xây dựng;
b) Nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng đã được chủ đầu tư phê
duyệt;
c) Tiêu chuẩn khảo sát xây dựng được áp dụng;
d) Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
2. Nội dung nghiệm thu:
a) Đánh giá chất lượng công tác khảo sát so với nhiệm vụ khảo sát xây dựng và
tiêu chuẩn khảo sát xây dựng được áp dụng;
b) Kiểm tra hình thức và số lượng của báo cáo kết quả khảo sát xây dựng;
c) Nghiệm thu khối lượng công việc khảo sát xây dựng theo hợp đồng khảo sát
xây dựng đã ký kết. Trường hợp kết quả khảo sát xây dựng thực hiện đúng hợp đồng
khảo sát và tiêu chuẩn xây dựng áp dụng nhưng không đáp ứng được mục tiêu đầu tư
đã đề ra của chủ đầu tư thì chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo
hợp đồng.
3. Kết quả nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng phải lập thành biên bản
theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Nghị định này. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
2.1.2.2. Những tiêu chuẩn hiện hành liên quan đến công tác khảo sát xây dựng
14
1. Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 4419:1987, Khảo sát cho xây dựng - Nguyên tắc
cơ bản.
2. Tiêu chuẩn xây dựng, TCXD 160:1987, Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ cho
thiết kế và thi công móng cọc.
3. Tiêu chuẩn xây dựng, TCXD 161:1987, Công tác thăm dò điện trong khảo sát
xây dựng.
4. Tiêu chuẩn xây dựng, TCXD 203:1997, Nhà cao tầng - Kỹ thuật đo đạc phục
vụ công tác thi công.
5. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, TCXDVN 366:2004, Chỉ dẫn kỹ thuật công
tác khảo sát địa chất công trình cho xây dựng trong vùng karst.
6. Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10 tháng 11 năm 2006, Hướng dẫn khảo
sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình.
7. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, TCXDVN 194:2006, sửa đổi 1:2006, Nhà cao
tầng - Công tác khảo sát địa kỹ thuật.
8. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, TCXDVN 309:2004, Công tác trắc địa trong
xây dựng công trình - Yêu cầu chung.
9. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, TCXDVN 364:2006, Tiêu chuẩn kỹ thuật đo
và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình.
2.2. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN TRONG CÔNG
TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG
2.2.1. Nguyên tắc chung
Những công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách hoặc nguồn vốn từ Nhà nước
đầu tư thì bắt buộc phải dùng Tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là yêu cầu của sự thống nhất
quản lý Nhà nước.
Với những công trình mà chủ đầu tư muốn áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài thì
phải tuân theo quyết định số 09/2005/QĐ-BXD ngày 7 tháng 4 năm 2005 của Bộ
trưởng Bộ xây dựng và quy chế ban hành kèm theo quyết định này và quyết định số
35/2006/QĐ-BXD ngày 22/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ sung nội dung của
quyết định 09/2005/QĐ-BXD.
Nguyên tắc để được áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài là:
1. Đảm bảo tạo ra các công trình, sản phẩm xây dựng:
a) An toàn sử dụng cho người, công trình và công trình lân cận;
b) Đáp ứng các quy định của Việt Nam về an toàn sinh thái, bảo vệ môi trường;
c) Đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật.
2. Đảm bảo tính đồng bộ và khả thi trong quá trình xây dựng từ thiết kế, thi công,
nghiệm thu đối với công trình và trong tổng thể công trình.
3. Phải sử dụng các số liệu đầu vào có liên quan đến điều kiện đặc thù Việt Nam
được quy định trong các tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc áp dụng thuộc các lĩnh vực sau:
15
a) Điều kiện tự nhiên, khí hậu;
b) Điều kiện địa chất, thủy văn;
c) Phân vùng động đất, cấp động đất.
4. Tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài áp dụng phải đáp ứng với yêu cầu và quy
định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành.
a) Bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này;
b) Phải là những tiêu chuẩn xây dựng hiện hành;
c) Các quy định phải đáp ứng với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành;
d) Phải được Chủ đầu tư xem xét lựa chọn và quyết định áp dụng trước khi lập
hồ sơ thiết kế cơ sở;
e) Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khi có tiêu chuẩn xây
dựng Việt Nam thuộc lĩnh vực liên quan phải sử dụng tiêu chuẩn của Việt Nam. Trong
trường hợp đặc biệt áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài cần được Bộ Xây dựng
hoặc Bộ quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành chấp thuận.
Việc sử dụng tiêu chuẩn, điều nên làm theo như các mẫu hợp đồng quốc tế là cần
nghiên cứu kỹ nội dung các tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất và dịch vụ, đưa các yêu
cầu và dữ liệu của tiêu chuẩn thành các yêu cầu của chủ đầu tư trong điều kiện hợp
đồng kinh tế ký kết giữa chủ đầu tư và các nhà thầu. Các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật
của từng công việc nên lựa chọn cụ thể theo từng điều khoản của tiêu chuẩn mà không
nên ghi chung chung là theo một tiêu chuẩn nào đó. Điều này làm cho việc sử dụng
tiêu chuẩn gắn liền với sản xuất và dịch vụ cụ thể của dự án và tránh được những
khuyết tật là sự mâu thuẫn giữa yêu cầu và điều kiện cu thể.
2.2.2. Nguyên tắc áp dụng các tiêu chuẩn khảo sát xây dựng
2.2.2.1. TCVN 4419:1987, Khảo sát cho xây dựng - Nguyên tắc cơ bản
Tiêu chuẩn này nêu các nguyên tắc cơ bản khi tiến hành khảo sát xây dựng. Nội
dung có 4 phần:
+ Nguyên tắc chung (phần này bắt buộc phải áp dụng cho công tác khảo sát xây
dựng).
Trong phần này có 30 nguyên tắc phải tuân theo. Những nguyên tắc trong phần
này nhằm thống nhất khái niệm về các công tác phải thực hiện khi khảo sát xây dựng,
những yêu cầu cho từng nguyên tắc mà người làm khảo sát xây dựng bắt buộc phải
tuân theo,…
+ Khảo sát trắc địa (phần này khuyến khích áp dụng) có 19 nguyên tắc nên tiến
hành nhằm bảo đảm đúng quy trình, thỏa mãn các yêu cầu nghiên cứu về địa hình của
khu vực xây dựng.
+ Khảo sát địa chất công trình có 30 nguyên tắc về nghiên cứu và đánh giá điều
kiện địa chất công trình của khu vực xây dựng bao gồm điều kiện địa hình, địa mạo,
cấu trúc địa chất, thành phần thạch học, trạng thái và các tính chất cơ lý của đất đá,
16
điều kiện địa chất thủy văn và các quá trình cũng như hiện tượng địa chất động lực bất
lợi cho công trình sẽ xây dựng bên trên hoặc bên trong.
+ Khảo sát khí tượng thủy văn có 10 nguyên tắc trong nghiên cứu điều kiện khí
hậu, khí tượng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và sử dụng công trình.
Tiêu chuẩn này có 8 phụ lục để chỉ dẫn cụ thể khi tiến hành khảo sát xây dựng,
đó là:
• Phụ lục 1: Các phương pháp đo vẽ địa hình và điều kiện sử dụng.
• Phụ lục 2: Bảng phân cấp mức độ phức tạp của điều kiện địa chất công trình.
• Phụ lục 3: Các phương pháp thăm dò địa vật lý được sử dụng khảo sát địa
chất công trình.
• Phụ lục 4: Loại, chiều sâu và điều kiện sử dụng các công trình thăm dò.
• Phụ lục 5: Phương pháp khoan các hố khoan địa chất công trình.
• Phụ lục 6: Các phương pháp thí nghiệm đất đá ngoài hiện trường được sử
dụng trong khảo sát địa chất công trình.
• Phụ lục 7: Đặc trưng cơ lý của đất đá và yêu cầu xác định khi khảo sát địa
chất công trình.
• Phụ lục 8: Các phương pháp thí nghiệm địa chất thủy văn được sử dụng trong
khảo sát xây dựng.
2.2.2.2. TCXD 160:1987, Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ cho thiết kế và thi công
móng cọc
Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu bổ sung về thành phần và khối lượng
công tác khảo sát địa kỹ thuật để thiết kế và thi công móng cọc. Tiêu chuẩn này có 4
phần và 3 phụ lục.
Tiêu chuẩn này là cơ sở pháp lý để nêu thêm các yêu cầu cho công tác khảo sát
chuyên dùng để thiết kế và thi công móng cọc. Tiêu chuẩn này có bổ sung một số tư
liệu để giúp cho thiết kế và thi công móng cọc tốt hơn.
Nội dung tiêu chuẩn này có 4 phần và 3 phụ lục, cụ thể các phần trong tiêu
chuẩn:
+ Những quy định chung: Phần này đề cập đến những yêu cầu bổ sung về thành
phần và khối lượng công tác khảo sát địa kỹ thuật sử dụng khi thiết kế và thi công
móng cọc và cũng giới hạn không dùng cho các công trình nông nghiệp, thủy lợi, năng
lượng và các công trình dạng tuyến. Phần này có 7 quy định.
+ Các yêu cầu đối với công tác địa kỹ thuật: Phần này chỉ nêu những yêu cầu sử
dụng đặc thù cho móng cọc, những chỉ tiêu khảo sát phải cung cấp thêm để phục vụ
công tác thiết kế, thi công cọc được thuận lợi. Phần này có 13 yêu cầu cần bổ sung để
dùng cho móng cọc.
+ Thí nghiệm cọc trong điều kiện đất đặc biệt: Phần này có 25 điều mô tả nhằm
thí nghiệm các điều kiện làm việc được của cọc trong các điều kiện đất lún ướt, đất
17
trương nở, đất bị muối hóa. Mỗi điều kiện khác nhau của đất có yêu cầu khác nhau,
công tác khảo sát xây dựng phục vụ những công trình đặt trong môi trường đất này
phải làm rõ để giải pháp thiết kế và thi công cọc đạt hiệu quả tốt nhất.
+ Báo cáo khảo sát địa kỹ thuật: Phần này quy định chi tiết và cụ thể thêm cho
kết quả khảo sát chung nhất cũng như các kết quả sử dụng đặc thù cho thiết kế và thi
công móng cọc. Báo cáo này có 2 phần là phần thuyết minh của báo cáo và phần các
phụ lục kèm theo.
Như vậy, phần phụ lục không chỉ là dữ liệu kèm theo giúp cho người sử dụng có
tư liệu mà là phần nội dung phải báo cáo bắt buộc phải có khi báo cáo kết quả khảo
sát.
Các phụ lục là:
• Phụ lục 1: Phương pháp thử cọc chuẩn.
• Phụ lục 2: Phương pháp thí nghiệm cọc bằng tải trọng tĩnh (gọi tắt là thử tĩnh
cọc) để tính lực ma sát âm.
• Phụ lục 3: Phương pháp thí nghiệm cọc bằng chấn động.
2.2.2.3. TCXD 161:1987, Công tác thăm dò điện trong khảo sát xây dựng
Đây là một dạng công tác có tính đặc thù để thăm dò địa vật lý điện theo 4
phương pháp sau đây:
• Phương pháp đo sâu bằng điện
• Phương pháp đo mặt cắt bằng điện
• Phương pháp nạp điện hố khoan
• Phương pháp điện trường thiên nhiên
Tiêu chuẩn này sử dụng nhiều khi thăm dò xác định địa điểm của dự án, của khu
vực xây dựng. Thăm dò điện sử dụng nhiều trong nghiên cứu điều kiện tự nhiên của
vùng để lập các luận cứ về mặt khoa học, kỹ thuật cũng như để xác định tính hợp lý về
kinh tế kỹ thuật cho khu đất dự kiến lựa chọn cho dự án. Phương pháp sử dụng điện
thường đáp ứng các yêu cầu sau:
- Xác định điều kiện thế nằm và sự phân bố các lớp đất đá theo diện và theo
chiều sâu.
- Xác định và khoanh vùng karst, nghiên cứu các quá trình liên quan đến chúng.
- Tìm kiếm và khoanh định các công trình kỹ thuật ngầm, móng công trình cũ đã
bị chôn vùi, hố sụt, các khe rạch và kênh mương bị lấp phủ,…
- Nghiên cứu về khả năng trượt và sụt lở đất đá.
Gần đây, trong thi công phần ngầm các công trình và đặc biệt phần ngầm nhà cao
tầng có nhiều sự cố. Một trong những lý do gây sự cố là người thiết kế không nắm
vững những yếu tố địa chất công trình, địa chất thủy văn cũng như hiện trạng chôn
ngầm dưới lòng đất. Thực hiện tiêu chuẩn về thăm dò điện và kết quả của thăm dò
18
điện giúp chủ đầu tư, người thiết kế cũng như nhà thầu thi công hạn chế sự cố khi xây
dựng công trình ngầm.
Đây là tiêu chuẩn mà hiện nay nhiều chủ đầu tư, người thiết kế không biết nên
không thực hiện, không áp dụng. Với vai trò chủ nhiệm khảo sát cần nghiên cứu kỹ và
thông thạo với sự áp dụng tiêu chuẩn này.
2.2.2.4. TCXD 203:1997, Nhà cao tầng - Kỹ thuật đo đạc phục vụ công tác thi công
Tiêu chuẩn này dùng cho việc kiểm tra và nghiệm thu từng giai đoạn trong công
nghệ xây dựng nhà cao tầng, từ giai đoạn thiết kế, thi công, hoàn công cho đến quá
trình sử dụng công trình sau này. Kỹ thuật đo đạc ở đây được hiểu là đo biến dạng
trong công nghệ xây dựng không riêng cho nhà cao tầng mà còn cho các nhà dân dụng
và công nghiệp khác. Việc đo đạc biến dạng hết sức cần thiết cho quá trình bàn giao,
nghiệm thu và là một trong các thủ tục hợp pháp cho việc đưa công trình vào sử dụng.
Nội dung của tiêu chuẩn này có 3 phần và một phụ lục. Các phần là:
+ Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn.
+ Công tác đo đạc trong quá trình thi công: Phần này có 10 điều khoản, giúp cho
các tổ nhóm trắc địa lập các tài liệu cần thiết để thiết kế, chuyển bản vẽ từ thiết kế ra
thực địa, xây dựng hệ trục, hệ khung cho nhà cao tầng, nêu các dạng sơ đồ đo, giới hạn
sai số cho phép và hướng dẫn sử dụng và lựa chọn máy móc, dụng cụ bảo đảm các hạn
sai đó.
+ Hướng dẫn về công tác đo biến dạng khi xây dựng nhà cao tầng bằng phương
pháp trắc địa. Phần này có 4 điều khoản nhưng mỗi điều lại phân nhỏ thành các hướng
dẫn chi tiết nhằm giúp cho khâu đo biến dạng theo phương pháp thống nhất.
+ Phụ lục A là phụ lục duy nhất nêu ra các quy địn về các mẫu đo và các quy
cách, bảng biểu trong tính toán biến dạng. Trong phụ lục này có 9 mẫu để ghi chép số
đo lún công trình, về bình sai lưới thủy chuẩn đo lún, bình sai hiệu số độ cao, bảng
tổng hợp độ cao, bảng tổng hợp kết quả đo lún, bảng tổng hợp kết quả quan trắc, kết
quả đo dịch chuyển ngang thành hố đào, bảng tổng hợp kết quả đo nước ngầm và bảng
tổng hợp kết quả đo áp lực nước lỗ rỗng.
2.2.2.5. TCXDVN 366:2004, Chỉ dẫn kỹ thuật công tác khảo sát địa chất công trình
cho xây dựng trong vùng karst
Nước ta, cụ thể là miền Bắc nước ta, ở nhiều vùng có lớp đất phân bố đá carbonat
là nguồn gốc sinh ra các hang động ngầm hoặc nổi được gọi là karst. Nơi có đá
carbonat và hang động karst thường làm cho công trình bị sự cố sụt (sập) bất ngờ. Tiêu
chuẩn này chỉ dẫn cho công tác khảo sát xây dựng tại các vùng có nền đá carbonat chủ
động làm nhiệm vụ khảo sát địa chất công trình trong vùng karst để người thiết kế có
các phương án phòng, chống sự cố do karst gây ra.
Trên lãnh thổ nước ta, khi xây dựng các công trình công nghiệp, khu dân cư đô
thị ở các vùng có karst phải được khảo sát địa chất công trình theo chỉ dẫn của tiêu
chuẩn này. Những vùng, miền có karst ở nước ta gồm:
19
1. Khu vực 1: Quần đảo núi sót karst nổi lên trên mặt các vùng vịnh khu vực Hải
Phòng - Quảng Ninh và một số phần ở Hà Tiên. Đá carbonat có thành phần chủ yếu là
đá vôi khối lớn hoặc phân lớp dày tương đối thuần khiết, đôi chỗ đá vôi nằm xen kẹp
với các đá trầm tích khác: cuội kết, cát kết, bột kết, sét kết. Đá vôi có tuổi Devon,
Carbon và Permi. Quá trình karst vẫn đang phát triển mạnh, các núi sót không có lớp
phủ tàn tích, các hang động có kích cỡ lớn, có giá trị du lịch.
2. Khu vực 2: Vùng đồng bằng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình -
Thanh Hóa, Hà Tiên và một số diện tích nhỏ ở Tây Ninh, có cao độ tuyệt đối trung
bình từ 0,5 ÷ 1,0m đến 8 ÷ 10m. Đá carbonat bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ có chiều
dày từ 1 ÷2m đến 10 ÷ 15m hoặc sâu hơn, đôi chỗ nổi lên trên mặt đất tạo thành các
núi sót karst đơn độc. Đá carbonat có thành phần chủ yếu là đá vôi Carbon - Permi.
Karst phát triển trong đá vôi ở khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình - Thanh
Hóa đến độ sâu 70 ÷ 80m, hình thành các tầng hang động phát triển theo chiều ngang
và chiều sâu rất phức tạp. Khảo sát địa chất công trình trong khu vực này gặp nhiều
khó khăn, đặc biệt cho các công trình quan trọng với tải trọng lớn như nhà máy
ximăng,…
3. Khu vực 3: Vùng đồi núi mềm mại cấu thành chủ yếu bởi các đá phi carbonat
xen kẹp các đồi núi sót karst có kích cỡ khác nhau, phân bố rộng khắp ở các tỉnh Nghệ
An, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang. Đá carbonat trong khu vực này chủ
yếu là đá hoa và đá vôi hoa hóa tuổi Proterozoi và Paleozoi. Do sự phân bố hạn chế
của đá carbonat trong khu vực này mà karst không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch
phát triển kinh tế và xây dựng.
4. Khu vực 4: Bề mặt bóc mòn của các khối đá vôi lớn thuần khiết tuổi Carbon -
Permi có cao độ tuyệt đối từ 100 ÷ 200m đến 800 ÷ 900m, phát triển tương đối tập
trung tại Quảng Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Cao Bằng. Karst trong khu vực này
phát triển mạnh cả dưới ngầm và trên bề mặt, tạo thành các hang động lớn ở phía dưới
và địa hình hiểm trở, phân cắt mạnh ở phía trên. Xây dựng các công trình lớn như hồ
chứa nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khảo sát địa chất công trình trong khu vực này ít
gặp khó khăn, bởi vì trong khu vực hầu như không có lớp phủ.
5. Khu vực 5: Bề mặt bóc mòn - xâm thực của các khối đá vôi lớn nằm trong đới
cà nát và nâng mạnh tân kiến tạo, phân bố ở khu vực Hà Giang và Lai Châu. Cao độ
bề mặt khối đá có thể đạt tới 1000 ÷ 1900m, địa hình hiểm trở, không có lớp phủ sườn
- tàn tích. Đá vôi ở Hà Giang có tuổi Cambri - Ordovic, ở Lai Châu có tuổi Devon,
chúng bị phân cắt rất mạnh bởi các thung lũng và các khe trũng sâu. Karst bề mặt
trong khu vực này phát triển mạnh hơn karst ngầm. Quá trình xâm thực đóng vai trò
quan trọng trong thành tạo địa hình. Khai thác sử dụng lãnh thổ khu vực này gặp nhiều
khó khăn.
6. Khu vực 6: Bề mặt san bằng và phân thủy, tạo thành đới hẹp chạy suốt từ Lai
Châu về Ninh Bình, cao độ tuyệt đối địa hình biến đổi từ 200 ÷ 250m đến 1800 ÷
2000m. Đá carbonat trong khu vực này là đá vôi Trias dạng khối và phân lớp dày. Đây
20
là khu vực đặc trưng cho karst trưởng thành, ở đây có thể bắt gặp tất cả các loại hình
karst như: thung lũng khô khép kín, cánh đồng xâm thực - hòa tan, các dòng chảy ẩn
hiện, hang động karst, hố sập và phễu karst,… Chiều dày của lớp phủ sườn - tàn tích
từ 1 ÷ 2m đến 10 ÷ 15m. Phát triển kinh tế trong khu vực này tương đối thuận lợi,
nhưng khảo sát và xây dựng công trình sẽ gặp khó khăn.
Tiêu chuẩn này có 6 phần, mỗi phần có các điều và các chi tiết, có 4 phụ lục,
nhìn khái quát nội dung như sau: Đề cập đến phạm vi và đối tượng áp dụng, thuật ngữ
và định nghĩa, tài liệu trích dẫn, đặc điểm hình thành, phát triển karst, đặc điểm điều
kiện địa chất công trình trong vùng phát triển karsr.
2.2.2.6. Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10 tháng 11 năm 2006, Hướng dẫn
khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình
Đây không phải là tiêu chuẩn nhưng thông tư này được thể hiện giống như tiêu
chuẩn chỉ dẫn kỹ thuật.
Cấu trúc của thông tư này có 4 phần là:
I. Quy định chung
II. Khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình
III. Trách nhiệm của các chủ thể trong công tác khảo sát
IV. Tổ chức thực hiện
Phần quy định chung có các chuyên mục: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ,
nhiệm vụ khảo sát, nội dung khảo sát, lựa chọn nhà thầu khảo sát, phương án kỹ thuật
khảo sát, chủ nhiệm khảo sát, giám sát khảo sát và báo cáo khảo sát.
Phần khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình có các
nội dung: khảo sát phục vụ lựa chọn địa điểm, khảo sát phục vụ các bước thiết kế xây
dựng công trình.
Phần trách nhiệm của các chủ thể trong công tác khảo sát có các nội dung: đối
với chủ đầu tư xây dựng công trình, đối với nhà thầu khảo sát, đối với nhà thầu thiết
kế, đối với tổ chức và cá nhân giám sát khảo sát.
Phần tổ chức thực hiện quy định phân công giữa các cơ quan liên quan như cấp
Bộ, cấp Tỉnh và trách nhiệm khi vi phạm công tác khảo sát theo Thông tư này.
2.2.2.7. TCXDVN 194:2006, sửa đổi 1:2006, Nhà cao tầng - Công tác khảo sát địa
kỹ thuật
Tiêu chuẩn này là cơ sở để lập phương án khảo sát địa kỹ thuật phục vụ thiết kế
và thi công nền móng nhà cao tầng.
Tiêu chuẩn này có 7 phần và các phụ lục như sau:
Các phần:
+ Phạm vi ứng dụng
+ Tài liệu viện dẫn
+ Thuật ngữ, định nghĩa
21
+ Quy định chung
+ Yêu cầu kỹ thuật đối với công tác khảo sát địa kỹ thuật
+ Quan trắc địa kỹ thuật
+ Báo cáo khảo sát địa kỹ thuật
Các phụ lục:
+ Phụ lục A: Một số khái niệm, định nghĩa về nhà cao tầng
+ Phụ lục B: Chiều sâu các điểm thăm dò - Giai đoạn khảo sát cho thiết kế cơ sở
+ Phụ lục C: Bố trí mạng lưới thăm dò - Giai đoạn khảo sát cho thiết kế kỹ thuật
+ Phụ lục D: Các phương pháp thí nghiệm hiện trường
+ Phụ lục E: Các phương pháp thí nghiệm trong phòng
2.2.2.8. TCXDVN 309:2004, Công tác trắc địa trong xây dựng công trình - Yêu cầu
chung
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về đo vẽ bản đồ địa hình tỉ lệ lớn
và trắc địa công trình, để cung cấp dữ liệu chuẩn xác dùng trong thiết kế và thi công
xây lắp, kiểm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng. Tiêu chuẩn này thay
thế cho tiêu chuẩn TCVN 3972:85, Công tác trắc địa trong xây dựng. Tiêu chuẩn cũ,
TCVN 3972:85 áp dụng cho thi công và nghiệm thu công tác trắc địa trong giai đoạn
xây lắp công trình. Tiêu chuẩn mới này (TCXDVN 309:2004) khái quát hơn và phủ
hết những nội dung của tiêu chuẩn cũ và mở rộng để thực hiện nhiều công tác trong
xây dựng như đo vẽ bản đồ trên địa hình tỉ lệ lớn, trắc địa công trình để cung cấp dữ
liệu chuẩn xác dùng trong thiêt kế và thi công xây lắp, kiểm định, giám sát chất lượng
các công trình xây dựng.
Tiêu chuẩn này bao gồm các nội dung:
+ Phạm vi áp dụng
+ Tiêu chuẩn trích dẫn
+ Ký hiệu dùng trong tiêu chuẩn
+ Quy định chung
+ Khảo sát trắc địa địa hình phục vụ thiết kế công trình
+ Lưới khống chế đo vẽ bản đồ tỉ lệ lớn
+ Lưới khống chế thi công
+ Công tác bố trí công trình
+ Kiểm tra kích thước hình học và đo vẽ hoàn công
+ Công tác đo lún, đo chuyển dịch nhà và công trình
+ Ghi chép, lưu trữ hồ sơ
Tiêu chuẩn có các phụ lục:
+ Phụ lục A: Các sơ đồ bố trí công trình trên mặt bằng
22
+ Phụ lục B: Dung sai cho phép về trắc điah khi lắp ghép các kết cấu bêtông cốt
thép đúc sẵn nhà công nghiệp
+ Phụ lục C: Dung sai cho phép về trắc địa khi lắp ghép các kết cấu thép
+ Phụ lục D: Một số máy toàn đạc điện tử thông dụng ở Việt Nam
+ Phụ lục E: Phân cấp các máy thủy bình thông dụng ở Việt Nam
2.2.2.9. TCXDVN 364:2006, Tiêu chuẩn kỹ thuật đo và sử lý số liệu GPS trong trắc
địa công trình
GPS là chữ viết tắc trong tiếng Anh: Global Positioning System, dịch sang tiếng
Việt là Hệ thống định vị toàn cầu. Từ những năm 1970, đầu tiên là Hoa Kỳ, Nga rồi
đến các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản đã phóng những quả vệ tinh bay quanh
Trái đất nhằm xác định vị trí từng điểm trên mặt đất một cách chính xác, không phụ
thuộc thời tiết, ngày đêm.
Bây giờ có thể thành lập lưới khảo sát công trình, lưới khống chế mặt bằng phục
vụ thi công và quan trắc chuyển dịch ngang công trình nhờ hệ thống định vị toàn cầu
này.
Tiêu chuẩn này có các phần:
+ Phạm vi áp dụng
+ Định nghĩa các thuật ngữ
+ Quy định chung nêu các yêu cầu và quy trình đo GPS
+ Hệ thống tọa độ và thời gian quy định các tham số hình học cơ bản, thời gian
sử dụng số liệu là thời gian Quốc tấ UTC. Khi dùng giờ Hà Nội, phải chuyển đổi, giờ
Hà Nội = giờ GPS + 7.
+ Thiết kế kỹ thuật lưới GPS bao gồm phân cấp lưới, nguyên tắc thành lập và
thiết kế lưới.
+ Chọn điểm và chôn mốc GPS
+ Yêu cầu kỹ thuật với máy móc, thiết bị bao gồm việc chọn máy thu, keeirm
chuẩn máy thu, bảo trì máy thu.
+ Công tác đo ngầm gồm các yêu cầu kỹ thuật cơ bản, lập kế hoạch đo, chuẩn bị
đo và yêu cầu đo, ngắm.
+ Ghi sổ đo ngoại nghiệp
+ Xử lý số liệu
+ Báo cáo kết quả đo
Tiêu chuẩn này có 9 phụ lục:
+ Phụ lục A: Ghi chú điểm GPS
+ Phụ lục B: Dấu mốc GPS các cấp và sơ đồ chôn mốc
+ Phụ lục C: Phương pháp kiểm định độ ổn định của máy bằng cách đo trên
chiều dài chuẩn
+ Phụ lục D: Kiểm định độ ổn định của tâm pha ăngten
23
+ Phụ lục E: Kiểm nghiệm và hiệu chỉnh dọi tâm quang học
+ Phụ lục F: Bảng điều độ đo GPS
+ Phụ lục G: Yêu cầu và phương pháp đo độ cao ăngten
+ Phụ lục H: Ghi sổ ngoại nghiệp khi đo GPS
+ Phụ lục I: Ví dụ: Đo và xử lý số liệu GPS trong trắc địa công trình.
24
Chương 3
NỘI DUNG VÀ KỸ NĂNG GIÁM SÁT THI CÔNG
CÔNG TRÌNH ĐỊA CHẤT
3.1. TƯ VẤN GIÁM SÁT TRONG CÔNG TÁC TRẮC ĐỊA CÔNG TRÌNH
3.1.1. Công tác định vị điểm khoan và thí nghiệm hiện trường
3.1.1.1. Nội dung công việc
- Xác định mốc chuẩn công trình có số liệu về cao độ, tọa độ. Trường hợp khu
đất dự án chưa có mốc chuẩn, cần mua và xây dựng mốc và truyền số liệu từ mốc
Quốc gia về công trình hoặc lập các mốc giả định tùy theo yêu cầu.
- Định vị các điểm thăm dò từ bản đồ bố trí khảo sát ra thực địa và bàn giao cho
bên thi công.
- Sau khi thi công xong cần xác định cao tọa độ tại vị trí khoan thực tế cung cấp
cho chủ nhiệm khảo sát. Cần lưu ý, do điều kiện thực địa khó phù hợp với điều kiện
thi công nên vị trí thực tế khảo sát có thể không trùng với điểm định vị trong thiết kế.
3.1.1.2. Công tác Tư vấn Giám sát
- Kiểm tra lại vị trí, chất lượng và số liệu mốc chuẩn (kể cả giả định).
- Kiểm tra chính xác thiết bị của nhà thầu. Kiểm tra xác suất một số điểm định vị
và cao tọa độ một cách độc lập bằng máy riêng.
- Kết hợp cùng nhà thầu chủ động đề xuất hướng giải quyết cho các sự cố kỹ
thuật do thực tế hiện trường.
- Yêu cầu bên nhà thầu định kỳ cung cấp số liệu kết quả và định kỳ lập báo cáo
về tiến độ, khối lượng, chất lượng các công việc tiến hành.
Cần lưu ý: Đối với các điểm khoan hoặc thí nghiệm hiện trường trong khảo sát
địa chất cần xác định cao tọa độ vị trí thực tế chính xác. Còn vị trí định vị và thực tế
khoan có thể dịch chuyển trong phạm vi cho phép, có khi một số mét.
3.1.2. Công tác lập hệ trục công trình (bao gồm cả mốc dự án và mốc chỉ giới)
3.1.2.1. Nội dung công việc
- Lập mạng các mốc chuẩn dự án, kể cả mốc chỉ giới.
- Truyền các số liệu cao tọa độ chính thức Quốc gia về các mốc công trình.
- Lập các mốc của hệ trục công trình (XY hoặc AB). Hệ này do Thiết kế quy
định.
- Chuyển đổi các số liệu cao tọa độ Quốc gia vào các mốc của hệ trục công trình.
3.1.2.2. Công tác Tư vấn Giám sát
- Kiểm tra vị trí, số lượng, chất lượng mốc và số liệu cao tọa độ chính thức của
các mốc chuẩn, mốc chỉ giới, mốc hệ trục công trình. Thường xảy ra trường hợp mốc
bị mất, bị phá hỏng không đủ độ chính xác hoặc bị tẩy xóa số liệu.
- Kiểm tra xác suất độ chính xác một số mốc bằng máy riêng.
25