1
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
I. Tóm tắt đề tài 3
II. Giới thiệu 4
II.1 Quan niệm đọc – hiểu văn bản trong dạy học Ngữ văn
………….4
II.2 Nhiệm vụ của phần Tiểu dẫn trong SGK Ngữ Văn THPT…… 5
II.2.1 Cung cấp các thông tin liên quan đến văn bản cho học sinh… 5
II.2.2 Định hướng tiếp nhận văn bản
…………………………………….5
II.3 Những định hướng khi khai thác phần Tiểu dẫn trong SGK……… 6
II.3.1 Dựa vào SGK trong dạy học…………………………………….6
II.3.2 Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ………………………….7
II. 4 Một số phương pháp khai thác phần Tiểu dẫn……………………….8
II.4.1 Khai thác tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả……… 8
II.4.2 Khai thác những thông tin khái quát chung về văn bản…………9
II. 5 Một số phương pháp tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn……………… 12
II.5.1 Tổ chức cho học sinh làm việc với SGK…………………………12
II.5.2. Tổ chức cho học sinh đối thoại………………………………… 14
II.5.3 Tổ chức cho học sinh khai thác nội dung phần Tiểu dẫn bằng sơ đồ…15
II.5.4 Tổ chức cho học sinh kể chuyện để tạo sự lôi cuốn……………… 17
III. Phương pháp nghiên cứu 18
III.1. Khách thể nghiên cứu 18
III.2. Thiết kế nghiên cứu 18
III.3. Quy trình nghiên cứu 19
III.4. Đo lường và thu thập dữ liệu 20
IV. Phân tích dữ liệu và bàn luận kết quả 22
IV.1. Bảng thống kê điểm kiểm tra 22
IV.2. Xử lí dữ liệu thống kê 22
IV.2.1. Cơ sở lý thuyết xử lý dữ liệu thống kê 23
IV.2.1.1. Mô tả dữ liệu 23
IV.2.1.2. Phép thử TTest 23
2
IV.2.1.3. Mức độ ảnh hưởng 23
IV.2.2. Xử lý dữ liệu thống kê 24
IV.3. Phân tích dữ liệu và bàn luận 24
V. Kết luận và khuyến nghị 25
V.1. Kết luận 25
V.2. Khuyến nghị 26
TÀI LIỆU THAM KHẢO 27
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
VB: văn bản
THPT : Trung học phổ thông
GV: Giáo viên
HS : Học sinh
TP : Tác phẩm
TPVH: Tác phẩm văn học
TPVC: Tác phẩm văn chương
SGK : Sách giáo khoa
3
I. TÓM TẮT
Lâu nay trong giờ đọc hiểu văn bản (VB) ở THPT, GV và HS chủ yếu tập
trung vào văn bản mà ít quan tâm đến những yếu tố ngoài văn bản. Song chính
những yếu tố ngoài văn bản lại là những yếu tố quan trọng giúp GV và HS tiếp
nhận, giải mã văn bản, đồng thời phát triển tư duy, phát huy tính tích cực chủ
động và hứng thú học tập của HS.
Chương trình SGK Ngữ văn THPT hiện nay được kết cấu, biên soạn theo hướng
dạy học tích hợp nên phần tri thức đọc hiểu và những gì thể hiện ở phần Tiểu
dẫn trở nên quan trọng. Để giúp HS tìm hiểu và khám phá TPVH thì những yếu
tố ngoài văn bản trong Tiểu dẫn là những định hướng rất cần thiết giúp các em
từng bước tìm hiểu, khám phá nội dung bài học, gián tiếp định hướng cho HS
tiếp cận bài học.
Phần Tiểu dẫn giới thiệu những tri thức đọc hiểu cần thiết nhằm giúp HS
có được những định hướng ban đầu khi tiếp nhận văn bản. Phần này được thể
hiện rõ trong các phần, các mục biên soạn của SGK văn học, song tôi nhận
thấycòn ít tài liệu cũng như công trình nghiên cứu đề cập đến những cách thức
cụ thể và phương pháp triển khai để hướng dẫn HS chiếm lĩnh phần nội dung
kiến thức này một cách hiệu quả, giờ học phát huy được vai trò tích cực của HS.
Với những cơ sở lí luận và định hướng sư phạm khi dạy phần tiểu dẫn, khai
thác những yếu tố ngoài văn bản trong phần Tiểu dẫn là những nội dung quan
trọng, là cơ sở, là tiền đề để đi vào nội dung văn bản. Thế nhưng, thực tế khai
thác phần Tiểu dẫn vẫn còn nhiều bất ổn.
GV thường chú trọng việc cung cấp kiến thức về tác giả, tác phẩm nhưng
chưa có sự quan tâm đến việc hướng dẫn HS vận dụng nó để giải mã văn bản.
Thông tin về thể loại của văn bản cũng ít được GV vận dụng thường xuyên
để tiếp cận văn bản. Không ít GV còn lúng túng do không nắm chắc đặc trưng
thể loại nên tiếp cận và phân tích không đúng hướng
Qua tìm hiểu tôi nhận thấy nhiều GV chưa thực sự quan tâm tới phần Tiểu
dẫn trong các đề kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trong học kì nên khi tìm
4
hiểu về Tiểu dẫn thì GV và HS thường lướt qua phần này nên HS không nắm
được những thông tin quan trọng. Vì vậy mà việc tiếp nhận TPVC ở HS bị hạn
chế.
Hơn nữa, cách khai thác phần Tiểu dẫn của GV hiện nay còn đơn điệu, qua
loa không gợi được hứng thú học tập cho HS.
Từ những thực trạng trên tôi đã xây dựng và khai thác phần Tiểu dẫn trong giờ
đọc hiểu văn bản để giúp HS có cái nhìn sâu sắc hơn về băn bản sẽ học đồng
thời tôi đưa ra những cách thức tổ chức dạy học phần tiểu dẫn tạo nên những
hứng thú và hiệu quả cao khi tiếp nhận TPVC.
Xuất phát từ những lí do trên, cùng với chủ trương đổi mới phương pháp dạy
học và kiểm tra đánh giá đã thúc đẩy tôi lựa chọn : Một số phương pháp nâng
cao hiệu quả trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường THPT qua khai thác và tổ
chức dạy học phần Tiểu dẫn”, để góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận tác
phẩm văn học và tạo hứng thú học tập cho HS.
Để đạt được những mục đích nghiên cứu của mình, tôi đã tiến hành nhiều
phương pháp như sau :
- Phương pháp quan sát, điều tra: Dùng phương pháp này để nắm được thực
trạng dạy học phần Tiểu dẫn
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Dùng phương pháp này để phân tích các tài
liệu liên quan đến vấn đề khai thác phần Tiểu dẫn từ đó xác lập các lý thuyết
liên quan đến đề tài.
- Phương pháp thực nghiệm: Dùng phương pháp này để kiểm chứng tính hợp lý
và tính khả thi của các cách khai thác phần Tiểu dẫn.
II. GIỚI THIỆU
II.1 Quan niệm đọc – hiểu văn bản trong dạy học Ngữ văn.
Lâu nay trong dạy học văn, người ta thường dùng thuật ngữ là “Giảng văn”,
“Phân tích văn”…thì SGK cải cách đã thay bằng thuật ngữ “Đọc- hiểu văn bản”.
5
Đây không chỉ là sự thay đổi về tên gọi mà thực chất là sự thay đổi thay đổi
quan niệm về bản chất của môn Văn, cả về phương pháp dạy học Văn và các
hoạt động khi tiếp nhận TPVH cũng có những thay đổi.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng “Đọc hiểu là một khái niệm
khoa học chỉ mức độ cao nhất của hoạt động đọc; đọc hiểu đồng thời cũng chỉ
năng lực văn của người đọc”.“Đọc hiểu là hoạt động truy tìm và giải mã ý
nghĩa văn bản”. Còn với Giáo sư Trần Đình Sử “Đọc hiểu văn bản như một
khâu đột phá trong việc đổi mới dạy học và thi môn Ngữ văn, là yêu cầu bức
thiết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực mới cho đất nước tiến theo các nước
tiên tiến”.
Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản
thông qua khả năng tiếp nhận của HS. Đọc hiểu là tiếp xúc với văn bản, hiểu
được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông hiểu các
thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của hình tượng
nghệ thuật. Với quan điểm phát huy vai trò chủ thể của HS, xuất phát từ đặc thù
của văn chương (nghệ thuật ngôn từ), mà phương pháp dạy học Văn thay bằng
khái niệm “Đọc hiểu văn bản”.
II.2 Nhiệm vụ của phần Tiểu dẫn trong SGK Ngữ Văn THPT
II.2.1 Cung cấp các thông tin liên quan đến văn bản cho học sinh.
Phần Tiểu dẫn trong SGK Ngữ văn cung cấp cho HS tri thức về văn học sử như
kiến thứcvề đặc điểm thời đại, hoàn cảnh ra đời của văn bản văn học, cuộc đời
và sự nghiệp văn chương của nhà văn, phong cách nghệ thuật của tác giả; cung
cấp tri thức lí luận văn học ở dạng trực tiếp như thể loại. Đó chính là những
phương tiện để khám phá văn bản theo quan điểm tiếp cận đồng bộ, giúp HS
hiểu sâu sắc kiến thức văn học và tự các em có thể thẩm định, đánh giá kiến
thức văn học ở một mức độ nào đó.
II.2.2 Định hướng tiếp nhận văn bản.
Tiếp nhân văn bản dựa trên kiến thức kiến thức về bối cảnh xã hội và văn
hoá cũng như những hiểu biết về tác giả với nét tiểu sử, đặc trưng tư duy và
6
phong cách nghệ thuật… là những thông tin vô cùng quan trọng hỗ trợ quá trình
tiếp cận và khám phá thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Giáo sư Phan Trọng
Luận cho rằng: “Tất cả những gì nhà văn sáng tác đều có cội nguồn trực tiếp ở
những sự kiện trong cuộc sống riêng tư của anh ta, ở tâm tư tình cảm của nhà
văn đó”. Phần Tiểu dẫn trong SGK khi giới thiệu những nét chính về cuộc đời
và sự nghiệp sáng tác của nhà văn đã đặc biệt chú ý đến những sự kiện, những
vấn đề liên quan đến văn bản sắp học. Những thông tin về cuộc đời tác giả như
năm sinh, quê quán, gia đình, việc học hành, tư tưởng, tình cảm, những thăng
trầm trong cuộc đời là điều kiện cần thiết để hiểu căn kẽ, thấu đáo về văn bản sẽ
học. Không biết về tác giả cũng như những nét phong cách nghệ thuật của nhà
văn thì khó lí giải được nội dung của VB một cách sâu sắc
II.3 Những định hướng khi khai thác phần Tiểu dẫn trong SGK
II.3.1 Dựa vào SGK trong dạy học.
Để khai thác phần Tiểu dẫn có hiệu quả cao, ta phải căn cứ vào những nội
dung chung và phương pháp giảng dạy mà người soạn SGK đã định hướng.
SGK là công cụ cơ bản không thể thiếu bên cạnh những công cụ nghề nghiệp
khác của người GV. Nó xác định mức độ, khối lượng kiến thức, kĩ năng tư duy
cần truyền đạt cho HS, đồng thời nó còn có tác dụng gợi ý phương pháp giảng
dạy và giáo dục mà không hạn chế sự sáng tạo, giúp GV nâng cao hiệu quả giờ
lên lớp.
SGK có chức năng chuyển tải những thông tin về tri thức khoa học những kĩ
năng, kĩ xảo, kích thích hứng thú học tập cho HS, giáo dục thẩm mĩ và chỉ đạo
HS học tập.
Người biên soạn SGK ngoài việc cung cấp thông tin thì phải “tính đến công việc
học tập,phương thức, hoàn cảnh tiếp cận thông tin của SGK”. Điều đó có nghĩa
là người biên soạn SGK phải quan tâm từ nội dung đến phương pháp học tập của
HS.
Để HS có thể phân tích, đánh giá tìm ra cái hay, cái đẹp của các TPVC,
SGK đã đưa vào phần Tiểu dẫn mang tính chất, chức năng dẫn dắt, gợi mở để
HS dựa vào đó mà tìm hiểu bài, học bài; GV soạn bài dựa vào đó mà lựa chọn
7
phương pháp dạy học phù hợp. Trong dạy học, chúng ta ý thức rằng, ngoài
Chuẩn Kiến thức kĩ năng thì SGK là một căn cứ quan trọng để xây dựng và
tiến hành các hoạt động giáo dục nhằm đạt được mục tiêu dạy học.
II.3.2 Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ.
Tiếp cận đồng bộ là“sự vận dụng hài hoà các phương pháp lịch sử phát sinh,
lịch sử chức năng và cấu trúc văn bản khi tiếp cận TPVC” (GS Phan Trọng
Luận)
- Quan điểm tiếp cận lịch sử phát sinh định hướng phân tích tác phẩm từ các
yếu tố ngoài văn bản nhưng có liên quan trực tiếp đến sự ra đời của tác phẩm
như hoàn cảnh xã hội,tiểu sử tác giả, xu hướng thẩm mỹ của thời đại. Những
yếu tố này giúp chúng ta có cơ sở giải mã văn bản có chiều sâu hơn.
- Hướng tiếp cận lịch sử chức năng coi trọng tâm lý cảm thụ của HS khi tiếp
nhận văn bản. Nó khơi dậy hoạt động nhận thức bên trong của người học. Văn
học phản ánh cuộc sống bằng tư duy hình tượng và đến lượt nó được khẳng định
bằng sự “đồng sáng tạo”của công chúng và bạn đọc.
- Hướng tiếp cận theo cấu trúc bản thể văn bản được hiểu như sau: TPVH là
một thực thể gồm nhiều bộ phận, nhiều phần tử mà giữa chúng có mối quan hệ
và tác động qua lại với nhau. Có nghĩa TPVH là một chỉnh thể, một cấu trúc. Vì
vậy khi khai thác văn bản phải đi vào tìm hiểu các bộ phận của chỉnh thể văn
bản nghệ thuật, mà cụ thể là khai thác nội dung và hình thức đặt trong mối quan
hệ chỉnh thể để hiểu sâu giá trị của tác phẩm.
Tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn theo hướng tiếp cận đồng bộ là một trong
những phương pháp dạy học hiện đại bởi vì nó vận dụng hài hoà, kết hợp nhuần
nhuyễn giữa các yếu tố bên ngoài văn bản (Lịch sử phát sinh); yếu tố nội tại
(Cấu trúc bản thể văn bản) và tâm lý tiếp nhận của người đọc (Lịch sử chức
năng). Đó là những định hướng quan trọng để đi sâu giải mã văn bản.
8
II. 4 Một số phương pháp khai thác phần Tiểu dẫn.
II.4.1 Khai thác tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Việc giới thiệu tiểu sử được coi là phần dẫn luận, mở đầu cho quá trình phân
tích tác phẩm, cung cấp kiến thức cần thiết liên quan đến việc phân tích tác
phẩm đồng thời định hướng cho sự cảm thụ tác phẩm của học sinh.
* Khi khai thác phần tiểu sử nhà văn, GV phải chú ý đến việc vận dụng những
thông tin về tác giả trong tiếp nhận văn bản. Cần tìm hiểu những chi tiết về
hoàn cảnh xuất thân, gia đình, sở thích, cá tính của nhà văn. Khi khai thác phần
cuộc đời thì chú ý đến những bước ngoặt trong cuộc đời có ý nghĩa hình thành
cá tính, bản lĩnh của nhà văn có ảnh hưởng đậm nét đến quá trình hình thành văn
bản. Thông tin về tiểu sử của tác giả khi đưa vào SGK đều có dụng ý soi sáng
cho văn bản. Việc giới thiệu tên tuổi, quê hương nhà văn đều có ý nghĩa nhất
định mà GV cần khai thác. Chẳng hạn trong tiểu dẫn về tác giả Tố Hữu, ta chú
ý: Quê hương có ảnh hưởng gì đến sáng tác của nhà thơ ?
* Tìm hiểu về tiểu sử tác giả, ta chú ý đến mối quan hệ giữa tác giả và thời đại
mà nhà văn sống và sáng tác, với môi trường văn học, với chặng đường sáng tác,
ảnh hưởng của giáo dục thời đại … là những kiến thức công cụ để tiếp cận văn
bản. Các giai đoạn trong cuộc đời nhà văn là những mốc thời điểm quan trọng
có ảnh hưởng đến sự chuyển biến về tư tưởng trong sáng tác của nhà văn. Vì vậy
khi giới thiệu về tác giả cần chú ý đến đặc điểm này.
Ví dụ: Nói về Nguyễn Minh Châu, SGK viết “Hành trình sáng tác của ông chia
làm hai giai đọan rõ rệt: trước thập kỷ 80, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng
trữ tình lãng mạn; từ đầu thập kỷ 80 đến khi mất, ông chuyển hẳn sang cảm
hứng đời tư - thế sự với những vấn đề đạo đức và triết l ý nhân sinh”. Khai thác
nội dung này để thấy văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” nằm trong giai đoạn
sáng tác nào và tư tưởng chi phối của giai đoạn sáng tác sau 1980: đó là cái
nhìn đa chiều về cuộc sống và con người trong thời kỳ hội nhập.
* Khi giới thiệu tác giả chúng ta chú ý đến việc khái quát là phong cách nghệ
thuật của nhà văn bởi dây là một nội dung quan trọng để vận dụng giải mã văn
9
bản. Nếu biết được phong cách của một tác giả thì người đọc sẽ dễ dàng có một
hướng tiếp cận đúng đắn tác phẩm của tác
giả đó, giúp học sinh hình dung những nét khái quát về phong cách nghệ thuật
của tác giả. Đó là một nội dung gợi dẫn cần thiết để học sinh có hướng tiếp nhận
tác phẩm chính xác hơn, nhất là những nét phong cách được thể hiện trong văn
bản đọc hiểu.
Ví dụ: Giới thiệu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân “uyên bác, tài hoa,
không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong
phú, bộn bề nhằm tìm ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay
động lòng người đọc nhiều nhất”. Thông tin này sẽ giúp ta tiếp nhận tác phẩm
“Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân rất hiểu quả.
* Giới thiệu về các tác phẩm của tác ta phải gắn tác phẩm ấy với cuộc đời và sự
nghiệp sáng tác của tác giả. Khi khai thác nội dung trong phần Tiểu dẫn cũng
cần chú ý đến những nhận định về đặc điểm nổi bật trong sáng tác của tác giả.
Đây chính là những nhận định ngắn gọn nhưng có ý nghĩa liên quan nhiều nhất
đến quá trình đọc hiểu văn bản.
Chẳng hạn, khi chúng ta tiếp cận đọan trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
cần lưu ý đến nhận định trong SGK: “Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm
xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước con người Việt
Nam”. Từ thông tin có được ở nhận định trên mà khi đọc - hiểu chúng ta sẽ có
hướng tiếp nhận văn bản một cách đúng đắn để cảm nhận được cái nhìn, cảm
xúc của chủ thể trữ tình biểu hiện ở hình ảnh thơ, ở những chi tiết về đất nước
gắn liền với nhân dân được miêu tả, gợi ra trong đọan trích.
II.4.2 Khai thác những thông tin khái quát chung về văn bản.
Trong phần giới thiệu về tác giả thì hoàn cảnh sáng tác là nội dung không
thể bỏ qua trong hoạt động đọc hiểu văn bản. Hoàn cảnh sáng tác cho thấy ảnh
hưởng trực tiếp của thời đại, cuộc sống của tác giả đối với tác phẩm. Trong giờ
đọc – hiểu văn bản, GV không chỉ làm công việc giản đơn là cung cấp thông tin
10
về hoàn cảnh sáng tác mà điều cần thiết là nêu bật vai trò của hoàn cảnh sáng tác
chi phối toàn bộ tác phẩm văn học.
Thời đại tác phẩm ra đời, nhà văn sinh sống sẽ chi phối cái nhìn của nhà văn
trong tác phẩm, là tiền đề tạo nên chiều sâu trong nội dung nghệ thuật của tác
phẩm. Tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác nghĩa là l ý giải sự ảnh hưởng của âm hưởng
thời đại đến cảm hứng sáng tạo của tác phẩm như thế nào? Bởi lẽ, “Một trào lưu
văn học xuất hiện bao giờ cũng trên cơ sở của một hoàn cảnh xã hội, văn hóa cụ
thể và phản ánh những đòi hỏi nhất định của con người thời đại sản sinh ra nó”.
Đối chiếu tác phẩm với thời đại đẻ ra nó để tìm “giá trị”, “tìm nghĩa”, “triết lý
thẩm mỹ” của tác phẩm. Tư tưởng thời đại mà tác giả sống với những biến cố
lịch sử căn bản và ảnh hưởng của chúng đối với đời sống văn hóa, tình hình phát
triển của văn học mà từ đó tác phẩm ra đời cũng như những chuẩn mực xã hội
mà thời đại đặt ra có liên quan đến tâm lý sáng tác, quan điểm sáng tác, phong
cách sáng tác của tác giả. Tất cả các yếu tố trên đều tác động trực tiếp đến tác
phẩm. Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm là hoàn cảnh nhỏ, hoàn cảnh cảm hứng
chi phối trực tiếp sự xuất hiện của tác phẩm. Liên quan đến phần giới thiệu tác
phẩm phải kể đến xuất xứ, vị trí của văn bản đọc hiểu. Nếu văn bản đọc hiểu là
một đoạn trích thì Tiểu dẫn sẽ giới thiệu về vị trí đoạn trích trong tác phẩm. Với
thông tin về vị trí đọan trích người đọc sẽ theo dõi được mạch cảm xúc trong tác
phẩm nếu nó là thơ, nắm được diễn biến của cốt truyện nếu nó là truyện. Bài học
trong SGK thường chỉ lấy một đoạn trích làm nội dung học tập. Để hiểu đoạn
trích, việc đọc toàn bộ tác phẩm là cần thiết nhưng khó thực hiện trong phạm vi
nhà trường. Vì vậy, tìm hiểu xuất xứ, vị trí đoạn trích là một cách để biết chung
về tác phẩm. Từ đó có cơ sở để cảm nhận nội dung và ý nghĩa đoạn trích. Biết
về xuất xứ của văn bản, HS đồng thời cũng biết được đôi nét về nội dung, nghệ
thuật của văn bản. Bởi vì, TPVH là một hệ thống chỉnh thể được cấu tạo bằng
ngôn ngữ nghệ thuật, được cấu kết chặt chẽ trong mối quan hệ giữa nội dung và
hình thức, giữa bộ phận và chỉnh thể… nên có tính tổ chức cao và có một sự
ràng buộc lẫn nhau giữa các bộ phận. Giáo viên cần cho học sinh thấy được nội
11
dung của toàn bộ tác phẩm và mối liên hệ của đoạn trích. Đặt đọan trích trong
chỉnh thể tác phẩm người đọc mới hiểu đúng vẻ đẹp của nó.
Ví dụ: Dạy đọc – hiểu đọan trích “Hạnh phúc của một tang gia” cần phải đặt
trong mối quan hệ với nội dung tác phẩm “Số đỏ”, từ đó mới dễ dàng tiếp cận,
đi sâu phân tích, lý giải, bình giá được nội dung nghệ thuật của đọan trích. Giáo
viên phải cho HS hiểu được nội dung của “Số đỏ” là sự “đả kích sâu cay cái xã
hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăn đồi bại đương thời”. Dùng
tiếng cười làm vũ khí, tác phẩm vạch trần thực chất thối nát của các phong trào
“văn minh”, “Âu hóa”, “thể thao” ….vào những năm 30 của thế kỶ XX. Đặt
đoạn trích trong tác phẩm ta mới thấy được một phần của bức tranh hiện thực
nhố nhăn, lố bịch qua bút pháp châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng.
Có thể nói, TPVH cũng chính là sản phẩm của thời đại, mang dấu ấn thời đại,
nghiên cứu một tác phẩm văn học, chúng ta phải tìm đến bối cảnh và nhà văn.
Việc dạy học tác phẩm phải đặt tác phẩm trong mối quan hệ với hoàn cảnh lịch
sử, văn hóa xã hội ….mà nó ra đời. Điều này có một ý nghĩa quan trọng trong
việc chỉ ra phương hướng đúng đắn trong việc cắt nghĩa và đánh giá những hiện
tượng văn học và là cơ sở cần thiết để phân tích các giá trị TPVH.
Một yêu cầu đặt ra trong hoạt động đọc hiểu trong dạy học Ngữ văn theo tinh
thần đổi mới là phải gắn với đặc trưng thể loại. Dạy tác phẩm văn chương theo
thể loại là dựa vào đặc trưng riêng của từng thể lọai để định hướng tiếp cận phân
tích l ý giải bình giá giá trị TPVH trong nhà trường. Kiến thức về đặc trưng thể
loại rất quan trọng để HS hiểu về tác phẩm. Xuất phát từ mục tiêu và nguyên tắc
tích hợp, chương trình SGK hiện nay được biên soạn theo hướng dạy học tác
phẩm là chủ yếu nhưng tập trung lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu cho những
thể loại quen thuộc làm văn bản mẫu cho hoạt động đọc hiểu văn bản. Trên cơ
sở đó hướng dẫn cách thức phân tích TPVH, hướng dẫn cách chiếm lĩnh các tri
thức lí luận và lịch sử văn học gắn với thể loại văn học. Đọc hiểu TPVH nhằm
mục đích giúp HS khám phá những cái đẹp cái hay trong tác phẩm cụ thể và từ
đó trang bị cho các em những tri thức đọc- hiểu những tác phẩm cùng thể lọai.
Để hiểu được điều này, SGK đã cung cấp cho HS những kiến thức sơ lược về
12
thể loại của văn bản đọc hiểu trong phần Tiểu dẫn mà khi tiếp cận văn bản GV
và HS phải biết vận dụng nó để việc đọc hiểu diễn ra một cách thuận lợi.
Ví dụ: Để hướng dẫn cho HS đọc hiểu văn bản “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
của Nguyễn Đình Chiểu, GV cần khai thác nội dung về thể loại văn tế mà SGK
đã đề cập như: hoàn cảnh sử dụng, các thể thường dùng trong văn tế (văn xuôi,
thơ lục bát, song thất lục bát, phú….), bố cục thường có của văn tế (lung khởi,
thích thực, ai vãn, kết). Việc HS cảm nhận và yêu quý một TPVH ra đời từ rất
lâu không phải là chuyện dễ dàng, cho nên việc hướng dẫn các em tiếp nhận
tác phẩm là một việc làm cần thiết và việc này được bắt đầu từ việc trang bị cho
các em kiến thức về thể loại văn tế.
II. 5 Một số phương pháp tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn
II.5.1 Tổ chức cho học sinh làm việc với SGK.
Hướng dẫn học sinh đọc SGK ở nhà và xác định những nội dung cơ bản
cần triển khai trong phần Tiểu dẫn. Sau đó lập dàn ý bài soạn với các thông tin
trong SGK. Nếu GV biết cách định hướng học tập, tạo cho HS những định
hướng trong quá trình tự nghiên cứu SGK, tập cho HS biết gia công, tìm tòi sáng
tạo các em sẽ lĩnh hội được nguồn tri thức mới HS có thể chủ động phát biểu,
tranh luận, có thể bổ sung, đồng tình hoặc phản bác để tìm ra phương thức giải
quyết tối ưu. Sự lĩnh hội tri thức theo cách này giúp HS làm chủ quá trình tự học,
thoả mãn những nhu cầu khám phá, tìm hiểu, tin ở năng lực và có khả năng phát
triển năng lực tư duy.
* Kiến thức được đề cập trong phần Tiểu dẫn là những kiến thức tương đối vừa
sức dễ hiểu nên HS có thể tự làm việc với SGK để nắm kiến thức. Điều quan
trọng là giáo viên phải định hướng cho HS nên khai thác nội dung gì trong phần
Tiểu dẫn, khai thác nhằm mục đích gì kiến thức này liên quan gì tới bài đọc hiểu.
- Về tác giả:
+ HS phải nắm được những đặc điểm về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác,
về phong
cách nghệ thuật, những đánh giá vế tác giả đó.
13
- Về tác phẩm:
+ HS phải nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
+ HS nắm được thể loại của tác phẩm
+ HS nắm được những nhận định về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
HS đều có thể nhận ra tất cả những nội dung cần thiết cho việc giải mã nói trên
khi đọc sách giáo khoa. Tuy nhiên vấn đề không phải là việc phát hiện được
những kiến thức trên mà quan trọng là học sinh phải hiểu được kiến thức đó
giúp gì cho việc đọc hiểu văn bản. Ý thức được điều này, HS sẽ lựa chọn ý cơ
bản nhất để vận dụng cho việc làm sáng tỏ văn bản. Như vậy, HS phải đọc sách
một cách nghiêm túc, rèn cho mình năng lực lựa chọn chi tiết, mổ xẻ phân tích
thông tin đặt kiến thức của phần Tiểu dẫn trong quan hệ với văn bản đọc hiểu,
tóm tắt được nội dung cơ bản và tiến tới sơ đồ hóa kiến thức.
* Trong quá trình làm việc với SGK, GV nên khuyến khích để HS đưa ra những
thắc mắc xoay quanh nội dung mà SGK đề cập. Làm việc với SGK tức là sự lĩnh
hội kiến thức ở các em đã đạt mức độ cao. Những thắc mắc của HS được GV
giải đáp sẽ tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết của các em. Theo đó những kiến
thức được HS thu nhận từ phần Tiểu dẫn được HS ghi nhớ một cách sâu sắc và
lâu dài hơn.
Đối với những bài học mà phần Tiểu dẫn còn sơ lược, chưa thể rõ được nội
dung cơ bản cần thiết cho việc đọc hiểu văn bản thì nhiệm vụ của học sinh là
phải tìm kiếm tài liệu liên quan từ những nguồn khác nhau. Với những trường
hợp này, vai trò của GV trở nên cần thiết. Bởi vì sự gợi dẫn của thầy sẽ tạo hứng
thú cho HS đi sâu tìm hiểu những vấn đề về tác giả, về tác phẩm và tạo cho HS
sự hứng thú trong học tập.
Ví dụ: Văn bản “Tựa trích diễm thi tập” của tác giả Hoàng Đức Lương. Thể
loại Tựa tương đối xa lạ với GV và HS, vì vậy phần Tiểu dẫn được xem là định
hướng quan trọng để đọc hiểu văn bản. Những thông tin khái quát về tác giả, tác
phẩm, thể loại là những điều chi phối cái nhìn của tác giả trong tác phẩm, là tiền
đề tạo nên chiều sâu nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên trong phần Tiểu dẫn
các thông tin cần thiết đã được giới thiệu rất sơ lược: “Hoàng Đức Lương chưa
14
rõ năm sinh năm mất”, “tuyển tập này bao gồm thơ của các nhà thơ từ thời Trần
đến thời Lê thế kỷ XV cuối tập thơ là thơ của Hoàng Đức Lương”. Với những
thông tin mang tính gợi mở như trên thì việc GV gợi dẫn để học sinh đi sâu tìm
hiểu sẽ trở nên hứng thú cho HS trong quá trình tự học tự nghiên cứu.
II.5.2. Tổ chức cho học sinh đối thoại.
Phương pháp đàm thọai, phát vấn được thực hiện bằng cách GV đặt câu
hỏi để HS tham gia trả lời, hoặc HS với HS thảo luận với nhau, HS tranh luận
với GV, qua đó HS lĩnh hội được nội dung bài học. Giờ học sử dụng phương
pháp này sẽ góp phần thay đổi cách dạy học “thôi miên” học trò mà làm cho
không khí giờ học sinh động hẳn lên với họat động giải đáp, tranh luận giữa thầy
và trò.
Trên cơ sở những nội dung cơ bản được đề cập trong phần Tiểu dẫn, việc xây
dựng câu hỏi nhằm đạt mục tiêu: Học sinh tiếp cận được kiến thức gì qua phần
Tiểu dẫn?, GV sẽ xây dựng một hệ thống câu hỏi để học sinh lần lượt nắm bắt
vấn đề.
Xây dựng loại câu hỏi tái hiện.
Dành cho HS có học lực trung bình, thậm chí yếu kém. GV khuyến khích động
viên để HS trả lời. Loại câu hỏi này chiếm số lượng lớn trong hoạt động hướng
dẫn HS tìm hiểu phần Tiểu dẫn. Hệ thống câu hỏi đặt ra theo một trình tự hợp lý
để khai thác nội dung trong tiểu dẫn. Tuy là phương pháp truyền thống nhưng sử
dụng phương pháp này để dạy phần Tiểu dẫn lại phát huy hiệu quả cao vì huy
động được số đông HS của lớp tham gia học tập.
GV nêu một câu hỏi chính (có thể kèm theo những câu hỏi gợi mở nếu cần)
Ví dụ: Văn bản “ Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”- Nguyễn Dữ.
- Dựa vào SGK anh (chị) hãy nêu một số nét chính về Tiểu sử tác giả?
- Cho biết những đặc điểm của thể truyền kì. Biểu hiện cụ thể trong tác phẩm.
Xây dựng lọai câu hỏi phát hiện.
Quá trình nhận thức được thực hiện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp,
tri thức này là điều kiện cho tri thức kia, kết quả này là tiền đề cho kết quả kia.
15
Câu hỏi hướng dẫn HS tìm hiểu khám phá hoạt động phải tương ứng với các cấp
độ nhận thức từ thấp đến cao. Đối với phần Tiểu dẫn, yêu cầu đặt ra là HS vừa
có khả năng tái hiện kiến thức, đồng thời phải biết phân tích, tổng hợp, đánh giá
để rút ra những nhận thức mới về
vấn đề. Đây là cách để HS nắm kiến thức một cách vững chắc nhất.
Xây dựng câu hỏi nêu vấn đề
Hứng thú học tập của HS sẽ được kích thích khi buộc chúng phải suy nghĩ
bằng các câu hỏi gợi tư duy. Loại câu hỏi nêu vấn đề có ý nghĩa tích cực trong
việc tìm hiểu phần Tiểu dẫn. Nó bắt buộc học sinh phải có sự suy nghĩ, dựa trên
mối quan hệ giữa điều đã biết và chưa biết để tìm câu trả lời. Nó không chỉ giúp
HS tái hiện kíến thức mà còn hướng dẫn HS tự mình vận dụng kiến thức một
cách linh họat sáng tạo trong một tình huống mới. Đặt ra những tình huống mới
và giúp HS giải quyết là cách để HS nắm lấy kiến thức một cách vững chắc nhất.
Loại câu hỏi này phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học hiện đại.
Ví dụ 1: Câu hỏi nêu vấn đề xuất xứ cho tác phẩm
Anh (chị) cho biết đọan trích “Đất nước” (Trường ca Mặt đường khát vọng -
Nguyễn Khoa Điềm) nằm ở phần nào trong tác phẩm? Tại sao lại chọn đọan
trích này để học?
Ví dụ 2: Câu hỏi nêu vấn đề cho nhan đề của tác phẩm.
Tác phẩm “Chí Phèo” vốn trước đó có nhan đề là “Đôi lứa xứng đôi”, “Cái lò
gạch cũ”. Tại sao tác giả lại đổi tên?
Nhằm mục đích giúp HS có được câu trả lời thỏa đáng khi chưa trải qua
quá trình đọc hiểu văn bản. GV phải có sự định hướng cho HS như yêu cầu các
em phải đọc trước văn bản, nắm các chi tiết nghệ thuật và nêu được nội dung cơ
bản của tác phẩm. Trên cơ sở đó, mỗi em đưa ra ý kiến, lí giải và tranh luận với
nhau để bảo vệ ý kiến của mình.
II.5.3 Tổ chức cho học sinh khai thác nội dung phần Tiểu dẫn bằng sơ đồ.
Để phần giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả không rơi
vào tình trạng “độc diễn” của thầy; không khô khan, nhàm chán thì giáo viên
cần linh hoạt sử dụng kết hợp với hình thức sơ đồ hóa. Sơ đồ hóa là một hình
16
thức chuyển hóa thông tin thành dạng sơ đồ, biểu đồ, hình vẽ, biểu tượng. Với
hình thức dạy học này, GV sẽ đưa ra một số câu hỏi để hướng dẫn thông tin từ
phần Tiểu dẫn và đưa vào sơ đồ. Áp dụng hình thức sơ đồ hóa vào phần Tiểu
dẫn để
khai thác nội dung về tác giả không những giúp học sinh nắm vững kiến thức
một cách hệ thống mà còn rèn kỹ năng tư duy tổng hợp, khái quát vấn đề.
Hình thức dạy học này đòi hỏi GV phải có một sự chuẩn bị về đồ dùng dạy
học hoặc dùng powerpoint trình chiếu các sơ đồ đó. Trên sơ đồ là những thông
tin khái quát về tác giả và nhiệm vụ của HS là điền thông tin chi tiết vào những
chỗ còn trống trên sơ đồ. Để tạo cho giờ học không khí sôi nổi, GV có thể chia
lớp học thành nhiều nhóm, các nhóm lần lượt nêu đáp án của mình. Sử dụng
hình thức sơ đồ hóa sẽ đem lại hiệu quả cao khi GV có sự linh họat, sáng tạo,
phối hợp với phương pháp thuyết trình, phân tích ….thì bài học sẽ nhẹ nhàn và
uyển chuyển hơn. Có thể làm sơ đồ về cuộc đời của nhà văn; Sơ đồ về sự nghiệp
sáng tác của nhà văn; Sơ đồ kết hợp cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà
văn…
Tuỳ thuộc nội dung được đề cập trong phần Tiểu dẫn và những nội dung cần
vận dụng để giải mã văn bản đọc hiểu, GV sẽ đưa ra những sơ đồ để khai thác
nội dung về tác giả sao cho phù hợp. Giáo viên có thể giới thiệu những sơ đồ
trên cho HS biết trước và kiểm tra phần chuẩn bị của các em, nhận xét và bổ
sung cho hoàn chỉnh hoặc giáo viên trình chiếu sơ đồ, HS điền thông tin. Thời
gian dành cho phần Tiểu dẫn không nhiều nên việc sử dụng sơ đồ hoá như thế
này đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn cho HS một cách cặn kẽ ở những bài học
đầu tiên để các em làm quen và tiến tới vận dụng một cách thành thạo, nhanh
chóng.
Sử dụng phương pháp trực quan hay sơ đồ hoá kiến thức có thể dùng bảng
phụ hoặc sử dụng PowerPoint trình chiếu thì sẽ tạo được hứng thú, không làm
chậm tiến độ giờ dạy và có hiệu quả rất lớn trong tiếp nhận văn bản.
17
II. 5.4 Tổ chức cho học sinh kể chuyện để tạo sự lôi cuốn.
Như chúng ta đã biết, trong phần Tiểu dẫn bao giờ cũng cung cấp tri thức cơ
bản về tác giả và tác phẩm. Để gây hứng thú cho HS khi lĩnh hội kiến thức này,
GV có thể sử dụng hình thức kể chuyện có nghệ thuật. Qua hình thức kể chuyện
có nghệ thuật, những sự kiện trong cuộc đời của tác giả sẽ được tái hiện lại một
cách sinh động, góp phần làm cho việc truyền đạt kiến thức về tác giả không rơi
vào tình trạng trình bày sự kiện một cách khô khan.
* Phần Tiểu dẫn rất hàm súc. Người soạn sách đã chọn lọc các sự kiện về cuộc
đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả để đưa vào, vì vậy kể chuyện về cuộc đời
nhà văn, sự nghiệp sáng tác của nhà văn không có nghĩa là kể lại toàn bộ mà kể
lại một quãng đời, một tình huống trong đời sống… làm nổi bật tính cách, tình
cảm, sáng tạo của nhà văn. Câu chuyện kể phải liên quan tới quá trình nhận thức
văn bản. Cách kể chuyện hấp dẫn sẽ có tác động rất lớn trong hoạt động tâm lý
nhận thức của HS, mở ra khả năng tiếp nhận văn bản hiệu quả. GV chọn các
mẫu chuyện trong các tài liệu như: Chuyện làng văn; Giai thoại văn học … liên
quan về tác giả, tác phẩm lý thú, phù hợp nội dung yêu cầu bài dạy kể cho HS,
vừa tạo ấn tượng để nhớ kỹ bài học, vừa có kiến thức văn học và cuộc sống, tạo
những đam mê tìm tòi, nghiên cứu, đọc sách báo ở các em.
Chẳng hạn, khi dạy về tác gia Nguyễn Du, GV cần kể một số câu chuyện
phong lưu tài tử khi ông ở cùng anh là Nguyễn Khản trong phủ Chúa Trịnh; về
chuyện tình của chàng trai tài tử đa tình học cần sĩ Nguyễn Du với cô gái Đỗ Thị
Nhật. Chuyện kể rằng, lúc Nguyễn Du 17 tuổi, ông thường sang đò qua Gia Lâm
để học, ông thường đi đò của cô gái tên Nhật- một cô gái trẻ, đẹp, duyên dáng
lại biết đôi chút chữ nghĩa, ông đâm mê cô lái đò bèn làm mấy câu thơ gửi cho
cô Nhật:
Ai ơi chèo chống tôi sang
Để trởi trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp cho nhau nữa kẻo mà…
18
Hai chữ cuối Nguyễn Du bỏ lững. Khi nhận thư, cô gái tủm tỉm cười và điền
thêm vào hai chữ- theo em đó là chữ gì? HS vừa tư duy cách thả thơ độc đáo mà
Nguyễn Du “ưỡm ờ” đặt ra (chữ của cô Nhật là “quen nhau”). Sau đó Nguyễn
Du theo lệnh mẹ kế họ Đoàn về lấy vợ ở Thài Bình. Mười năm sau trở lại bến đò
xưa, cô gái họ Đỗ đã lấy chồng, ông bèn ngậm ngùi:
Yêu nhau những muốn gần nhau
Biển sâu muôn trượng, tình sâu muôn đời
Vì đâu xa cách đôi nơi
Bến nay còn đó, đâu người năm xưa
(Câu chuyên kể ghi lại trong bài “Nỗi hận tình của tôi”)
* Một thực tế là hiện nay, HS rất ít khi đọc sách, ngay cả đọc những tác phẩm
trong nhà trường. Thông thường các em chỉ nắm cốt truyện một cách sơ lược.
Sử dụng hình thức kể chuyện có nghệ thuật khi tóm tắt tác phẩm để HS có
những hiểu biết cơ bản về tác phẩm, gợi những đam mê, khao khát tìm đọc tác
phẩm. Với những tác phẩm lớn, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện thì việc vẽ sơ đồ
kết hợp với lời kể có tác dụng giúp HS dễ theo dõi cốt truyện. Lời kể phải dựa
trên những sự kiện và tình huống chính trong tác phẩm để hình thành cho người
nghe một dự cảm tiếp nhận thẩm mỹ và bước đầu nhập thân vào tác phẩm, để từ
đó xác định được trọng tâm của vấn đề cần nhận thức.
III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
III.1 Khách thể nghiên cứu.
Tôi đã chọn hai lớp 10 Ban cơ bản chuẩn là 10A10 và 10A11 của trường THPT
Hoàng Hoa Thám. Đây là hai lớp mà tôi trực tiếp giảng dạy trong năm học năm 2013–
2014.
III.2 Thiết kế nghiên cứu.
Tôi chọn lớp 10A10 làm lớp Thực nghiệm, và lớp 10A11 làm lớp Đối chứng.
Đây là hai lớp đã làm bài kiểm tra trước tác động và chưa áp dụng một số phương
pháp nâng cao hiệu quả đọc hiểu từ việc khai thác kiến thức của phần Tiểu dẫn trong
19
SGK, và có điểm số trung bình bằng nhau. Bên cạnh, hai lớp này còn có nhiều điểm
tương đồng như về sĩ số, ý thức học tập, và cùng học Ban cơ bản Chuẩn.
Số lượng điểm số các bài kiểm tra trước tác động
Lớp
Tổng số
học sinh
Điểm
Trung bình
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
10A10 38 6,1 0 0 1 1 9 14
9 4 0 0
10A11 38 6,1 0 0 2 2 7 12
10
5 0 0
Bảng III.2.1. Điểm kiểm tra của hai nhóm trước tác động
Tiếp theo là thiết kế kiểm tra sau tác động đối với các lớp Thực nghiệm và lớp
Đối chứng.
Lớp Thực nghiệm 10A10: Sử dụng một số phương pháp khai thác và tổ chức
dạy học phần Tiểu dẫn như đã nêu vào quá trình tổ chức bài học trên lớp nhất là ở các
bài đọc thêm và liên quan đến tác giả.
Lớp Đối chứng 10A11: Không sử dụng một số phương pháp khai thác phần
Tiểu dẫn trong quá trình tổ chức bài học trên lớp nhất là ở các bài đọc thêm và liên
quan đến tác giả.
III.3 Quy trình nghiên cứu
Nghiên cứu một số bài học trong chương trình Ngữ Văn 10 học kì 2 gồm:
- Tựa Trích diễm thi tập
- Đọc thêm: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
- Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ
- Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
- Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
- Truyện Kiều (Các đoạn trích)
- Khi thiết kế giáo án: trước khi khai thác phần đọc – hiểu đều tập trung khai thác
sâu, kĩ lưỡng phần tiểu dẫn nhất là những kiến thức liên quan đến tác giả,hoàn
cảnh ra đời của tác phẩm…
- Dạy lớp Thực nghiệm: Khi hướng dẫn học sinh khai thác phần đọc hiểu thì đặt
câu hỏi đi từ mức độ phát hiện đến tái hiện rồi khái quát nâng cao kết hợp với
sơ đồ khái quát kiến thức cơ bản của phần tiểu dẫn hoặc trình chiếu điện tử sơ
20
đồ khái quát kiến thức hoặc yêu cầu học sinh tìm những câu chuyện liên quan
đến tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
- Dạy lớp Đối chứng: Khi hướng dẫn các học sinh khai thác nội dung phần đọc
hiểu thì chỉ sử dụng phương pháp diễn giảng kết hợp với thuyết trình, vấn đáp,
trình bày trên bảng đen – phấn trắng theo các gạch đầu dòng.
- Trong quá trình giảng dạy các lớp Thực nghiệm và Đối chứng, tôi thường cho
các em hoạt động theo nhóm hoặc cá nhân để xác định nội dung cơ bản của
phần Tiểu dẫn. Nếu là hoạt động nhóm, mỗi nhóm sẽ thuyết trình bài làm của
mình ngay trên lớp. Nếu là hoạt động theo cá nhân, tôi sẽ chọn ngẫu nhiên vài
em thuyết trình.
- Tiến hành quá trình nghiên cứu ở lớp Thực nghiệm 10A10 và lớp Đối chứng
10A11 theo đúng phân phối chương trình của Ngữ văn 10 học kì 2 cũng như
chương trình giảm tải của Bộ giáo dục và đào tạo đồng thời theo kế hoạch
giảng dạy của tổ, nhóm chuyên môn
Tiết Lớp Tên bài dạy Ngày dạy
10A10
20/01/2014
62
10A11
Đọc thêm : Tựa Trích diễm thi tập
25/01/2014
10A10
10/02/2014
65 - 66
10A11
-Đọc thêm: Hưng Đạo Đại Vương
Trần Quốc Tuấn
-Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ
14/02/2014
10A10
17/2/2014 68 - 69
10A11
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
21/2/2014
10A10
17/03/2014
79- 80
10A11
Tình cảnh lẻ loi của người chinh
phụ
20/03/2014
10A10
31/03/- 8/4/2014
85 -86 -88
10A11
Trao duyên
Đọc thêm : Nỗi thương mình
Chí khí anh hùng
2/4 – 10/4/2014
Bảng III.3.1. Bảng thời gian tiến hành thực nghiệm
III.4 Đo lường và thu thập dữ liệu
Để kiểm tra hiệu quả của một số phương pháp mà bản thân vận dụng khi khai
thác và tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn, tôi đã cho các học sinh lớp thực nghiệm
và lớp đối chứng làm bài kiểm tra đánh giá.
Sau đó, tôi tiến hành so sánh điểm
21
trung bình của mỗi bài kiểm tra để phân tích, đánh giá sơ bộ khả năng nắm bài và hiệu
quả của phương pháp mà tôi đã vận dụng.
Câu hỏi mà tôi yêu cầu cho HS tương ứng với câu hỏi 2 phần Hướng dẫn học
bài của bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên- SGK/60 và câu hỏi 1 phần Hướng
dẫn học bài của bài Truyện Kiều – SGK/96. Những câu hỏi này tôi yêu cầu HS thực
hiện ngay sau khi kết thúc bài học, được tiến hành trong khoảng thời gian 10 phút.
Các kết quả tính toán và biểu đồ so sánh được thực hiện bằng phần mềm
Microsoft Excel, kết quả đo lường như sau:
Điểm trung bình
Nhóm Thực nghiệm Nhóm Đối chứng
Tham số đặc trưng
Bài KT 1 Bài KT 2 Bài KT 1 Bài KT 2
Điểm trung bình
7,2 7,6 6,2 6,3
Bảng III.4.1. So sánh điểm trung bình của hai nhóm qua các bài kiểm tra
Qua hai bài kiểm tra, ta thấy điểm trung bình của lớp Thực nghiệm luôn cao hơn
lớp Đối chứng. Điều này chứng tỏ hiệu quả của việc áp dụng một số phương pháp: cho
HS làm việc với SGK, cho HS đối thoại để khai thác nội dung phần Tiểu dẫn hoặc
khai nội dung phần tiểu dẫn bằng cách sơ đồ hóa để nâng cao hiệu quả đọc hiểu văn
bản của học sinh. Đồng thời, qua điểm trung bình này đã tạm thời khẳng định hướng đi
đúng của đề tài nghiên cứu khi tiến hành nghiên cứu ở một số bài học của chương trình
Ngữ Văn 10.
22
IV. PHÂN TÍCH DỮ LIỆU VÀ KẾT QUẢ.
Sau đây là bảng điểm tổng hợp sau 2 lần kiểm tra của lớp Thực nghiệm 10A10
và lớp Đối chứng 10A11.
Bảng điểm tổng hợp lớp
Thực nghiệm 1010
Điểm
Bài KT1 Bài KT2
1 0 0
2 0 0
3 0 0
4 0 0
5 4 2
6 3 4
7 9 9
8 14 14
9 8 9
10 0 0
Bảng điểm tổng hợp lớp
Đối chứng 10A11
Điểm
Bài KT1 Bài KT2
1 0 0
2 0 0
3 2 1
4 0 3
5 8 6
6 8 9
7 12 11
8 5 6
9 3 2
10 0 0
Bảng IV.1.1. Bảng điểm tổng hợp của hai nhóm qua các bài kiểm tra
IV.2. Xử lí dữ liệu thống kê
IV.2.1. Cơ sở lý thuyết xử lý dữ liệu thống kê
IV.2.1.1. Mô tả dữ liệu
Giá trị trung bình: Là giá trị trung bình cộng của các điểm số. Trong phần mềm
Microsoft Excel được tính theo công thức sau:
=Average (number 1, number 2, …, number n)
Độ lệch chuẩn: Cho biết mức độ phân tán của các điểm số xung quanh giá trị
trung bình. Trong phần mềm Microsoft Excel được tính theo công thức sau:
=Stdev (number 1, number 2, …, number n)
Với number 1, number 2, … là các giá trị số.
23
IV.2.1.2. Phép thử TTest
Phép kiểm chứng TTest độc lập: Xem xét sự khác biệt giá trị trung bình của hai
nhóm khác nhau có ý nghĩa hay không.
Phép kiểm chứng TTest phụ thuộc (theo cặp): Xem xét sự khác biệt giá trị trung
bình của cùng một nhóm có ý nghĩa hay không.
Trong phần mềm Microsoft Excel được tính theo công thức sau:
=TTest(array1, array2, tail, type) (1)
Nếu (1) ≤ 0,05 : Sự khác biệt giá trị trung bình của hai nhóm khác nhau là có ý
nghĩa. Ngược lại thì không có ý nghĩa.
Trong đó:
+ Array1, array2: Lần lượt là dãy điểm số 1 và dãy điểm số 2.
+ Tail:
= 1: Giả thuyết có định hướng.
= 2: Giả thuyết không có định hướng.
+ Type:
= 1: TTest theo cặp/phụ thuộc.
= 2: Biến đều (độ lệch chuẩn bằng nhau).
= 3: Biến không đều.
IV.2.1.3. Mức độ ảnh hưởng
Trong nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, độ lớn của chênh lệch giá trị
trung bình cho biết chênh lệch điểm trung bình do tác động mang lại có tính thực tiễn
hoặc có ý nghĩa hay không (mức độ ảnh hưởng của tác động lớn hay nhỏ). Và nó được
tính theo công thức sau:
SMD = (TBTN – TBĐC) / ĐLC
ĐC
Trong đó:
SMD: Chênh lệch giá trị trung bình.
TBTN: Giá trị trung bình của nhóm thực nghiệm.
TBĐC: Giá trị trung bình của nhóm đối chứng.
ĐLC
ĐC
: Độ lệch chuẩn của nhóm đối chứng.
Để giải thích cho mức độ ảnh hưởng, chúng ta sử dụng bảng tiêu chí của Cohen
để so sánh mức độ ảnh hưởng.
TTest độc lập,
90% thường dùng với tham số 3.
24
Giá trị của mức độ ảnh hưởng Ảnh hưởng
> 1,00 Rất lớn
0,80 – 1,00 Lớn
0,50 – 0,79 Trung bình
0,20 – 0,49 Nhỏ
< 0,20 Rất nhỏ
IV.2.2. Xử lý dữ liệu thống kê
Giá trị TTest được tính với tham số tail = 2 và type = 3.
Từ dữ liệu bảng điểm của lớp Thực nghiệm 10A10 và Đối chứng 10A11 trong
Phụ lục 1, ta có kết quả các tham số đặc trưng và biều đồ so sánh điểm trung bình sau
tác động của hai nhóm qua hai bài kiểm tra là:
Các tham số đặc trưng Nhóm Thực nghiệm Nhóm Đối chứng
Điểm trung bình 7,7 6,4
Độ lệch chuẩn 1,44 1,45
Giá trị P của Ttest 0,00036
Chênh lệch giá trị trung bình chuẩn 0,9
Các tham số đặc trưng Nhóm Thực nghiệm Nhóm Đối chứng
Điểm trung bình 7,8 6,4
Độ lệch chuẩn 1,37 1,42
Giá trị P của TTest 0,00002
Chênh lệch giá trị trung bình chuẩn 0,99
IV.3. Phân tích dữ liệu và bàn luận
So sánh kết quả sau hai lần kiểm tra thì điểm trung bình của lớp Thực nghiệm
đều cao hơn so với điểm trung bình của lớp Đối chứng. Điều này cho thấy sự ảnh
hưởng tích cực của việc áp dụng một số phương pháp khai thác và tổ chức dạy học
phần Tiểu dẫn vào lớp Thực nghiệm 10A10.
Bảng IV.2.1.3.1. Bảng tiêu chí mức độ ảnh hưởng của Cohen
Bảng IV.2.2.1. Các tham số đặc trưng sau tác động của hai nhóm qua bài kiểm tra
25
Theo Bảng thống kê điểm kiểm tra, ta thấy số lượng điểm 8, 9, 10 của nhóm
Thực nghiệm cao hơn so với lớp Đối chứng. Đặc biệt là lớp Thực nghiệm số bài kiểm
tra có điểm dưới 5 là rất ít. Chứng tỏ việc áp dụng một số phương pháp khai thác và tổ
chức dạy học phần Tiểu dẫn đã cải thiện và nâng cao kết quả làm bài của học sinh.
Độ lệch chuẩn sau hai lần tác động của lớp Thực nghiệm luôn thấp hơn so với
lớp Đối chứng, cho thấy sự thay đổi này là mang tính ổn định.
Sự chênh lệch giá trị trung bình chuẩn sau hai lần tác động có giá trị là 0,9 và
0,99 đã cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn theo tiêu chí Cohen khi áp dụng một số
phương pháp khai thác và tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn khi muốn nâng cao hiệu quả
của một số giờ đọc hiểu.
V. Kết luận và khuyến nghị
V.1. Kết luận
Phần Tiểu dẫn có một vai trò rất lớn đối với hoạt động đọc hiểu văn bản. Tiếp
nhận được tri thức từ phần Tiểu dẫn là HS có được những tri thức nền tảng để đi vào
quá trình tiếp nhận và giải mã văn bản có hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, môn Ngữ văn trong các trường
phổ thông đang dần đánh mất vị thế của một môn học cuốn hút, say mê học trò
thủa nào giờ đây chỉ còn là những tiết học thụ động, khiến học sinh cảm thấy
nhàm chán.Có thể nói việc khai thác và tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn có hiệu
quả là một trong nhiều cách thức tạo sự hứng thú, lôi cuốn học sinh vào văn bản
học nói riêng và môn Ngữ văn nói chung.
Mặc dù chỉ mới vận dụng và khảo nghiệm thực tế việc khai thác cũng như
tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn trong phạm vi một số bài học thuộc chương trình
Ngữ Văn 10 song kết quả thu được qua 2 lớp Thực nghiệm và Đối chứng đã
chứng tỏ được phần nào hiệu quả thiết thực của việc vận dụng những kiến thức
được cung cấp trong phần Tiểu dẫn khi muốn nâng cao của giờ đọc hiểu văn bản
văn học và hướng đi đúng của đề tài.