Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

tiểu luận triển khai giá trị nhân bản của Đạo Phật thông qua lịch sử cuộc đời

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.18 KB, 15 trang )

DẪN NHẬP
Một câu hỏi nằm tận sâu trong ý thức mỗi con người là ý nghĩa của cuộc sống
là gì và vấn đề thế nào để cuộc sống của mỗi người có ý nghĩa thật sự. Nếu
chúng ta chấp nhận lời dạy của đức Phật tại vườn Lộc Uyển (Isipatana) thuộc
thành Ba La Nại (Bàrànasi) được ghi lại qua “ Kinh Tương Ưng ” như sau: “
Này các Tỷ kheo! Hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho
quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc
cho chư thiên và loài người… Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên
mãn thanh tịnh…”[1] Thật vậy, những ngày tháng mà sự đen tối của cuộc đời
đã nhấn chìm con người trong chế độ chủng tính, bị áp bức, bóc lột thật tàn
khốc, Ngài khước từ vương vị, phát nguyện sống cuộc đời khất sĩ để mang lại
hạnh phúc an lạc cho quần sinh. Ngài đề xướng học thuyết “Tất cả chúng sinh
đều bình đẳng” để chống lại chủ trương chế độ của xã hội Ấn Độ. Marx cũng
đã nói: “Chế độ đẳng cấp là sự chướng ngại lớn trên con đường tiến bộ và
cường thịnh của đất nước Ấn Độ” Khi Đức Phật tuyên bố, sứ mệnh cả cuộc
đời Ngài là cứu giúp nhân loại thoát khỏi khổ đau, thì sứ mệnh này mang ý
nghĩa sâu sắc. Chúng ta biết rằng Phật giáo đã ra đời trong một hoàn cảnh vô
cùng phức tạp của một đất nước mà trong đó, đời sống con người phải chịu
nhiều bất công trong chế độ phân chia giai cấp lâu đời của xã hội Ấn thời bấy
giờ. Ðức Phật dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước
mắt cùng mặn, chỉ có tình thương yêu mới dập tắt được hận thù, đó là định
luật của ngàn xưa ”. Vì thế sự ra đời của đức Phật đã làm vỡ tan đi mọi thành
kiến các tầng lớp xã hội của đất nước Ấn Độ, nếu chúng ta không biết nhận
định được và học những giáo lý của đức Đức Phật thì mãi mãi là người dân
nô lệ rồi cứ đời đời làm nô lệ, tạo thành một xã hội bất công. Đạo Phật được
Đức Phật là một con người toàn giác, thành lập cách đây hơn 25 thế kỷ. Ngài
là một con người đã chứng ngộ đạo quả Bồ Đề bằng nỗ lực cá nhân. Đạo Phật
do con người lịch sử lập nên và đối tượng giáo hóa mà Đạo Phật hướng đến
chủ yếu là con người. Do đó, tính nhân bản là trọng tâm của Đạo Phật. Bàn về
tính nhân bản trong Đạo Phật là đi vào cốt lõi nền giáo lý đầy tính người và
tình người. Người viết muốn nghiên cứu về tính nhân bản này, trước để có cái


nhìn toàn diện hơn về Đạo Phật, sau nữa là giúp người đọc hiểu biết thêm về
giá trị thiết thực của Đạo Phật đối với đời sống con người. Tuy nhiên, phạm vi
của tính nhân bản trong Đạo Phật rất rộng. Chúng ta có thể tìm thấy từ đời
sống mẫu mực của Đức Phật đến toàn bộ kho tàng giáo lý của Ngài đều chứa
đựng giá trị nhân bản. Trong phạm vi bài tiểu luận này, người viết chỉ tập
trung triển khai giá trị nhân bản của Đạo Phật thông qua lịch sử cuộc đời
Ngài mà thôi. Để thực hiện tiểu luận này, người viết tham khảo các các nguồn
kinh điển và các tài liệu sử về cuộc đời Đức Phật để thông qua đó, phân tích,
tổng hợp các tài liệu liên quan và đưa ra nhận định của mình về tính nhân
bản của Đạo Phật qua cuộc đời lịch sử như thể huyền thoại của Đức Phật,
người lập nên một tôn giáo đầy tính nhân bản để phục vụ con người và chúng
sanh. Phương pháp chủ yếu là phân tích tổng hợp từ những tài liệu sẳn có và
từ đó đưa cách hiểu riêng của mình. Để tiến hành việc nghiên cứu người viết
đã sử dụng toàn bộ tài liệu có liên quan về tính nhân bản của Đạo Phật và
những tài liệu khác, bài viết này có liên quan đến vấn đề nhận thức và biện
luận.
B. NỘI DUNG.
1. Huyền Sử
Huyền sử là gì? Huyền là không rõ ràng , sử là sự ghi chép về việc đã xảy ra .
Vậy “Huyền sử” là những ghi chép của quá khứ một cách mờ ảo không rõ nét
theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng . Nghĩa đen là vì sử sách quá cũ nát không
còn nguyên vẹn nên không ai đọc được hay chữ viết quá cổ không ai hiểu
được . Nghĩa bóng là lối kể chuyện nửa hư , nửa thực không ai biết đâu là sự
thật.
Như chúng ta đã biết người Ấn Độ thời ấy, thời Đức Phật tại thế, họ không
quan tâm đến việc ghi chép các biến cố xảy ra của đất nước họ, hay nói đúng
hơn người ta không có khái niệm về việc ghi chép lịch sử biên niên. Theo họ,
những biến cố của biên niên sử chỉ là chuyện nhất thời và mau chóng qua đi
và nó chẳng giúp được gì trong việc thiền quán tư duy và khổ tu để sớm giải
thoát kiếp người vô thường giả tạm này, mục đích nhắm tới và cũng là mối

bận tâm của họ là tìm về cội nguồn an tịnh của thế giới tâm linh, nơi đó chính
là thể nhập về với đại thể của Phạm Thiên nơi cõi vĩnh hằng. Vì vậy, mà trong
cả nghìn năm, lịch sử của đất nước Ấn Độ “cơ hồ như tờ giấy trắng”. Phật
giáo Ấn Độ cũng ở trong xu hướng đó.[2] Bàn về cuộc đời và công hạnh của
Đức Phật được mô tả qua nhiều kiếp sống trong quá khứ.
Một hôm chúng tỳ kheo đang bàn tán về một thần lực của Phật là ngài biết
được chi tiết về Chư Phật quá khứ. Phật bèn dạy tôn giả A Nan trình bày
những điều kỳ diệu hi hữu về đức Như Lai đúng như tôn giả đã được nghe từ
chính kim khẩu của Thế Tôn:
Chính niệm tỉnh giác, Bồ Tát sinh vào cung trời đâu xuất.
Chính niệm tỉnh giác, Bồ tát trú tại cung trời ấy đến hết thọ mạng.
Chính niệm tỉnh giác, ngài giáng hạ mẫu thai.[3]
Nhưng chúng ta biết trong lịch sử Phật Giáo có rất nhiều bộ kinh ghi chép về
lịch sử của Đức Phật nhất là điển hình qua các bộ kinh Nykàya, nhưng ở đây
ta có thể nói về tiền thân và cộng hạnh tu tập của Đức Phật qua kiếp quá khứ
của ngài. Ví như Bồ Tát Sumedhà (Thiện Huệ). Ở một đời quá khứ xa xưa,
thuộc kiếp Trang Nghiêm (Vyuha kalpa) có thái tử tên là Samantàprabhasa
(Phổ Quang) con vua Arcimat (Đăng chiếu) xin phép vua cha vào núi
Himalaya tìm thầy học đạo lấy hiệu là Sumedhà (Thiện Huệ)[4] và Bồ Tát
Vessantàra (Hộ Minh) đến lúc Phật Kassapa (Ca Diếp) ra đời, nhằm hiền kiếp
thứ chín, Bồ Tát sumehà (Thiện Huệ) tái sanh làm thái tử Vesantàra
(Visantàra, Hộ Minh) chuyên thực hành bố thí từ lúc ấu thơ và khi lớn lên làm
vua rồi xuất gia theo Phật, Kassapa và trở thành Bồ Tát vessantàra (còn gọi
là Svetaketu). Nhờ công hạnh đầy đủ nên khi lâm chung Bồ Tát Vessantàra
được sanh về cõi trời Đâu Suất (Tusita) làm Bồ Tát bổ xứ, lãnh đạo chư Thiên
cõi này và diễn thuyết pháp mầu cho thiên chúng nghe.
Qua hai câu chuyện trên đã nói lên công hạnh tu tập của Ngài trong kiếp quá
khứ và những sự kiện cho chúng ta thấy được sự nỗ lực tinh tấn mới đạt
được được mục đích và giá trị của huyền sử đã cho ta biết rằng lịch sử Đức
Phật Thích Ca là lịch sử của một con người, nhờ vào sự công phu tu tập tự

thân đã chứng đạt quả vị giác ngộ. Chính vì thế mà khuyến cho các yếu tố
huyền thoại của Ngài đi vào tâm thức nhân loại như một huyền sử thiêng
liêng và tạo ra những dấu ấn tâm linh, ngay từ khi con người cất bước chân
đi tìm về miền đất an lạc.
2. Lịch Sử
Về phương diện lịch sử, giáo chủ của hầu hết tôn giáo trên thế giới đều là
những nhân vật siêu nhiên, huyền bí thông thường các vị ấy được biết đến
như là hiện thân của đấng sáng thế, là vị tiên tri hay con của thượng đế thậm
chí chính là Thượng đế hay đấng sáng tạo. Dĩ nhiên, với nguồn gốc như vậy
vấn đề lịch sử của họ chắc chắn sẽ không nằm trong phạm trù hiểu biết tư
duy của con người, nhưng đối với đạo phật, người ta không tìm thấy bất cứ
lời tuyên bố đặc biệt nào về vị giáo chủ của nó ngoài sự kiện rằng giáo chủ
của Phật giáo là một con người lịch sử (historialhuman being) với tiểu sử rõ
ràng và xác thực.[5] Sau đây người thực hiện sẽ viết sơ lược về lịch sử Đức
Phật Thích Ca.
Chúng ta có thể nói rằng Kapilavatthu (Ca tỳ-la-vệ) là quê hương của Đức
Phật ở sát biên giới, ngày nay ngăn chia nước Nepal và thuộc nước cộng hòa
Ấn Độ, phụ vương của Đức Phật mệnh danh Suddhodana (Tịnh phạn)[6] là
quốc vương thuộc bộ tộc Sakiya. Suddhodana kết hôn với hai chị em ruột từ
xứ Devadaha, bà chính là Màyà (Ma-gia) và bà Mahàpajàpati (Ma-ha-ba-xà-
ba-đề), Kapilavatthu là kinh thành quê hương của Thái tử Siddhattha, nhưng
không phải nơi Ngài ra đời. Siddhartha Gotama là một con người lịch sử,
một thái tử dòng họ Sakyas tại thành Kapilavatthu, sinh vào ngày trăng tròn
tháng Vesak tương ứng với tháng năm thường lịch năm 624 trước công
nguyên dưới tàng cây Asoka (Sal-tree, nghĩa Vô Ưu) trong khu rừng nhỏ có
tên là Lumbini (Lâm -Tỳ- Ni, thuộc thị trấn Pedeira ngày nay của nước
Nepal). Siddhartha có nghĩa là con người toại nguyện có đầy đủ phước đức và
trí tuệ, Siddhartha sinh ra 7 ngày thì mẹ Ngài tức là thánh mẫu Màyà mất,
người mẹ kế của ngài là Mahàpajàpati chăm lo. Lớn lên năm 16
tuổi, Siddhartha lập gia đình với công chúa Yasodhàra và có một người con

trai duy nhất tên là Ràhula. Sống trong cảnh nhung lụa, giàu sang và sung
sướng, nhưng Siddhartha cảm thấy không tự do và thoải mái, cùng với
người thân cận của mình tên là Sa Nặc, Siddhartha xin phụ vương muốn đi
dạo các cửa thành hoàng cung để thăm các cảnh thật bên ngoài. Ra khỏi cửa
thành, đi về hướng Đông, Siddhartha gặp người già, đi về hướng Tây
gặp người bệnh, đi về hướng Nam gặp người chết và đi về hướng
Bắcgặp vị Khất sĩ. Một trong bốn cảnh thật, cảnh thật thứ tư là hình
ảnh Siddhartha thích nhất làm mục tiêu thiền quán sau này giúp thái tử trở
thành vị ẩn sĩ không nhà, sống không gia đình và không bị ràng buộc bởi gia
đình và con cái.
Xuất gia năm 29 tuổi, học đạo với hai vị đạo sĩ Alara – Kalama và Uddaka-
Ramaputta, trải qua sáu năm tu khổ hạnh với năm anh em của ông A Nhã
Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya – Anna Kondanna), thấy lối tu và sự chứng
đạo của họ thiên kiến, Siddhartha quyết định chọn cho mình lối tu không
tham đắm dục lạc và không khổ hạnh ép xác, tức hướng đi trung đạo con
đường của bát chánh đạo. Dùng bát cháo sữa của nàng Sujàta, nhận bó cỏ
Kiết tường (Munja) của người nông phu, đi thẳng tới Bồ Đề Đạo
Tràng, Siddhārtha kiên quyết ngồi thiền định dưới cội Bồ đề (Bodhi) 49 ngày
đêm cho tới khi thành chánh quả. Ngài thực tập thiền định từ thấp tới cao,
quán niệm hơi thở ra vào đều đặn, an trú Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ
Thiền, Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi
Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, Diệt Thọ Tưởng Định. Đêm thứ 49, canh đầu,
ngài chứng Túc Mạng Minh, biết rõ nhân quả nhiều đời trước của Ngài; canh
giữa, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, biết rõ nghiệp báo nhiều đời trước của
chúng sanh; canh cuối, khi sao mai vừa mọc, Ngài chứng Lậu Tận Minh, giác
ngộ viên mãn, thấy rõ bốn sự thật: Khổ, Khổ tập, Khổ diệt, Con đường đưa đến
khổ diệt. Cuối cùng, Bồ tát thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni lúc 35 tuổi.
Sau khi Ngài thành Phật, phạm thiên Sahampati thưa thỉnh đức Phật ba lần
để đi hoằng pháp và giáo hóa chúng sanh. Đức Phật đồng ý những lời thỉnh
mời của Phạm thiên, và tìm đến hai vị đạo sĩ trước đây, cả hai vị đều qua đời.

Đi đến vườn Lộc Uyển ở Sarnath, đức Phật nói bài Pháp đầu tiên cho năm
người bạn đồng tu đó là tứ diệu đế hay còn gọi là (Dhammacakkapavatana)
nghĩa là chuyển vận bánh xe pháp. Cả năm người này đều thấm nhuần diệu
pháp và chứng quả A La Hán. Từ đó Phật, Pháp và Tăng được hình thành tại
đây. Đức Phật và Tăng chúng sống chủ yếu nương vào thiền định và việc bố
thí của người đàn việt để nuôi dưỡng thân tâm, nương vào môi trường thiên
nhiên, vào sự tu chứng, an lạc và hạnh phúc của tự thân để giáo hóa tha
nhân. Sống đời sống không gia đình, quý Ngài có nhiều thời gian để tu tập và
phục vụ chúng sanh, nương vào tình thầy trò, tình pháp lữ, tình đồng tu, tình
hộ pháp và hoằng pháp để làm lợi lạc cho quần sanh.
Về sau, Đức Phật giáo hóa rất nhiều hạng người khác nhau như các vua quan,
quần thần, thương gia, tôi tớ, thậm chí những kẻ hốt phân, kẻ sát nhân và kỷ
nữ. Giáo pháp và Tăng đoàn của đức Thế Tôn đều có khả năng dung nhiếp
những người đến từ các giai cấp, tôn giáo, màu da, chủng tộc… khác nhau.
Những ai có đủ duyên học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong
đời sống hằng ngày của mình một cách chánh niệm và tỉnh giác, thì họ có thể
đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay bây
giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Các đệ tử của Đức Phật chủ yếu bao gồm hai chúng xuất gia và tại gia. Cả hai
chúng này đều hỗ trợ với nhau như hình với bóng làm yếu tố then chốt để
đưa Đạo Phật đi vào cuộc đời và giúp đời thêm vui bớt khổ. Hoằng dương
chánh pháp trong 45 năm, tất cả những gì đức Phật dạy như nắm lá cây
trong lòng bàn tay nhằm giúp con người nhận diện và chuyển hóa khổ đau,
và giúp họ sống cuộc đời an vui và hạnh phúc ngay tại thế gian này.
Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật khuyên dạy các đệ tử: “Hỡi các đệ tử! Các
pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực
hành phật pháp nhiều hơn nữa để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân
và cho tha nhân. Đây là những lời giáo huấn tối hậu của Ta cho các
người.”[7] Trụ thế ở đời 80 tuổi, khoảng năm 544 trước công nguyên, đức
Phật nhập diệt tĩnh lặng, nằm nghiêng mình về hông phải, chân trái trên chân

phải duỗi thẳng, đầu quay về hướng Bắc dưới hai cây song thọ tại rừng Sa La
(Sala) tại quận Câu Thi Na (Kushinagar) Ấn Độ ngày nay.
3. Tính nhân bản thông qua cuộc đời đức Phật
Tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng về cuộc sống của đức Phật như là một
con người trước khi xuất gia và thành đạo. Phật giáo được khai sinh từ chiếc
nôi thuộc đất nước Ấn Độ tại thành Kapilavathu, đã trải qua hơn 2500 năm
có chiều dài lịch sử đầy những thăng trầm mà con người đã chịu sự ảnh
hưởng phân chia giai cấp của các tầng lớp thời lúc đó. Đất nước Ấn Độ đã
sản sinh ra một con người vĩ đại có đầy bản chất lòng dung hòa và vị tha, qua
đó cho chúng ta thấy rằng xã hội Ấn Độ là một xã hội có nhiều tôn giáo đa
chủng tộc, thông qua lịch sử của Ngài cho chúng ta biết rằng sự giác ngộ của
Đức Phật không phải là sản phẩm của một tri thức thuần túy, nhưng Ngài đã
hy sinh tất cả để tìm ra chân lý phá vỡ đi mọi thành kiến của mọi tầng lớp
phân chia giai cấp. Đạo Phật được khai sáng bởi con người để phục vụ con
người và lấy con người làm gốc, để làm thỏa mãn những nguyện vọng cao
quý và sâu sa mà con người đang chịu mọi thăng trầm của đời sống hàng
ngày, mà Đạo Phật không gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người. Qua đó tính
nhân bản của đạo Phật thông qua lịch sử của Ngài từ những hành động từ bi
đến con người và mọi vật. Những đặc điểm đó cho chúng ta thấy rằng, ngay
từ khi lớn lên bảy tuổi Ngài trông thấy cảnh cày ruộng, nhìn thấy chúng sanh
giành giật xâu xé nhau để sống, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp bé, một tình thương
đã khơi dậy giữa lòng Ngài, từ đó tình yêu vô biên cũng theo tuổi đời mà trỗi
dậy. Được sự nuôi dưỡng trong hoàng cung Ngài đã được học văn, học võ của
một thái tử và cũng giống như bao nhiêu con người khác, được mọi người
yêu mến vì lòng hiếu thảo, sự khiêm cung, hiếu khách, lịch sự và có đức tánh
thương người cho nên mới biết khổ luyện mới thành công.Ví như Ngài đã
nhỏ lệ ôm ấp con chim thiên nga đã bị trúng tên của Devadatta với niềm cảm
thông cùng nỗi đau đớn của con vật yếu hèn, trước khi ngài lập gia đình và tự
nghĩ: “ ta đã biết rõ rằng vô số đau khổ đều do ham muốn, tham ái mà ra. Ái
dục là nguồn gốc đau khổ, xích mích, hung dữ, phiền muộn, là liều thuốc độc,

là ngọn lữa, là lưỡi gươm hại người, ta không cảm thấy sung sướng gì khi ở
bên cạnh của một người nữ”.[8] Trong những lần du ngoạn đã chứng kiến
trước cảnh sanh, già, bệnh, chết đó là những thực trạng đau khổ của con
người mà không thể tránh khỏi và Ngài đã nghĩ rằng: “ chính thân ta phải
chịu sanh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm. Tại sao mọi người vẫn mãi
mê chạy theo tài sản danh vọng là những cái mà bản chất đều vô thường như
zậy? Sống trong sanh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm, ta đã nhận thức
được sự tai hại của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa ai thành đạt,
cái chân lý tuyệt đối, cái hạnh phúc tối thượng của cảnh niết bàn ”[9]. Rồi
Ngài lại nghĩ: “ đời sống tại gia thật tù túng chật hẹp, là chổ ẩn náu của bụi
trần ô trược, phiền não và ràng buộc. Chỉ có xuất gia mới có thể có được một
đời sống an tịnh, thong dong tự tại.”[10]
4. Ý nghĩa và giá trị của quá trình tầm sư học đạo.
Từ giã người thân và hy sinh tất cả để đi tìm chân lý giải thoát cho con người,
rồi từ đây ngài hẹn ngày tái ngộ khi nào ánh đạo vàng bừng sáng trên đường
tìm cầu chân lý để cứu khổ chúng sanh.Trước tiên ngài trở thành đệ tử của
Alàka Kàlàma,[11] vị đạo sĩ này chứng đắc Vô Sở Hữu Xứ Định tuy nhiên sau
thời gian tu học ngài đã lãnh hội tất cả tinh hoa tinh hoa triết lý của trường
phái này và đã chứng đắc cấp độ tâm linh ngang bằng vị thầy khả kính của
mình, nhưng điều đó Ngài không thỏa mãn sự tu tập này và cuối cùng ngài từ
biệt thầy và tiếp tục lộ trình cầu học. Sau đó gặp vị thầy thứ hai là Uddaka
Ràmaputta vị này đã chứng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, tuy nhiên
sự tu tập của vị thầy này vẫn chưa có gì mới mẻ trong quá trình giải quyết
vấn đề sanh tử luân hồi, sau đó ngài từ giả Uddaka Ràmaputta đi thẳng đến
khu rừng Uruvela gần tụ lạc Gaya thuộc nước Magadha và nhập vào nhóm tu
khổ hạnh với năm anh em tôn giả Kiều-Trần-Như (P. Kodanna; S.Kaundiya)
tại đây trong sáu năm liên tục hành trì lối tu khổ hạnh ép xác, dù thân thể chỉ
còn da bọc xương. Cuối cùng ngài không chịu nỗi và ngã quỵ xuống đất và bất
tỉnh , sau đó ngài đã nhận được rằng phương pháp khổ hạnh này thật sự
không phải là con đường tu tập đúng đắn, giải thoát không thể tìm ra trong

việc phí sức sai lầm này.
Từ đó Ngài từ giã bạn bè một thân một mình tiếp tục ra đi, trên đường từ
rừng khổ hạnh đến sông Ni-Liên-Thuyền (P. Neranajarà; S. Nairanjana), do
thân thể quá suy nhược nên Ngài ngất xỉu bên đường và có thiếu nữ Sujàta
dâng cúng bát sữa cho ngài uống xong và tinh thần phấn chấn, khí lực điều
hòa và cuối cùng ngài đến dưới cội Bohdi thực hành thiền định, sau bốn mươi
chín ngày đêm nỗ lực cao độ cuối cùng ngài chứng đắc đạo quả vô thượng bồ
đề.[12] Qua những yếu tố trên cho chúng ta rằng Đức Phật vì chúng ta mà hy
sinh tất cả để đi tìm ra phương thuốc cứu khổ cho nhân loại thông qua đó ta
thấy rằng tinh thần nhân bản của Đạo Phật được biểu lộ không những ở giáo
lý, mà còn ở thái độ sống của con người, Đức Phật không phải là một nhân
vật huyền thoại mà là bậc Đại Đạo Sư đã từng sống thật trong thế gian này.
Đức Phật không bao giờ tìm cách tự xưng mình là một bậc siêu nhân hay
một vị giáo chủ nào mà là một con người đã chứng đắc chân lý, cái bí mật của
cuộc sống và cái nguyên nhân thật sự của hạnh phúc và khổ đau.[13] “Lịch sử
Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, nhờ công phu tập bản thân, đã
trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian, con người
vĩ đại nhất sinh ra ở đời này, theo lời ca ngợi Phật của nhà thi hào Ấn Độ nổi
tiếng Tagore.”
5. Ý nghĩa và giá trị của quá trình chứng đạo, hoằng pháp và nhập niết
bàn.
Chúng ta có thể đi xuyên qua giáo lý Trung đạo mà Đức Phật đã trãi nghiệm
ví như một con người, chính vì phương pháp này giúp cho chúng ta (người
tu) tránh những cực đoan trong cách tu học đạt đến Niết bàn. Giáo lý Trung
Đạo đức Phật dạy: là người tu hành tránh những cực đoan trong cách tu học,
như buông thả theo dục lạc và sống khổ hạnh tuyệt đối.
Trong Phật giáo Nam Tông cho rằng: Bát chánh đạo được xem là Trung đạo
vì thực hành Bát chánh đạo, hành giả vừa xa lánh đời sống dục lạc và đời
sống khổ hạnh, thoát khỏi Khổ. “Hỡi này các Tỳ Kheo, có hai cực đoan mà
hàng xuất gia Đức Phật dạy hàng đệ tử như sau: Hỡi này các Tỳ Kheo, có hai

cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh.
Sự dễ theo dục lạc là thấp hèn thô bỉ, phàm tục không xứng phẩm hạnh của
bậc Thánh Nhân, và vô ích.
Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ không xứng phẩm hạnh
của bậc Thánh Nhân, và vô ích.
Từ bỏ cả hai cực đoan, Như Lai đã chứng con đường “Trung Đạo” là con
đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh. Trí tuệ cao siêu, giác
ngộ và Niết Bàn.
Hỡi các Tỳ Kheo, con đường “Trung Đạo” mà Như Lai đã chứng ngộ con
đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh. Trí tuệ cao siêu, giác
ngộ và Niết Bàn là gì?
Chính là “Bát Chánh Đạo” (con đường có tám chi) là : Chánh Kiến, Chánh Tư
Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm,
Chánh Định. Hỡi này các Tỳ Khưu, đó là con đường “Trung Đạo” mà Lai đã
chứng ngộ”.[14]
Đó là lời dạy của Đức Phật “Hãy từ bỏ hai cực đoan và thực hành con đường
Trung Đạo”. Chỉ thẳng vào “Bát Chánh Đạo” đưa đến Giải thoát-Giác ngộ. Và
Đức Phật cũng đã dạy: “Sa-môn học đạo cũng thế, giữ tâm chừng mực thì đạo
có thể chứng. Nếu gấp quá thì thân mỏi mệt, thân mỏi mệt ý liền phiền não thì
hạnh lui sụt, hạnh lui sụt tức là tội lỗi đã thêm lên. Chỉ có thanh tịnh an lạc,
đạo mới không mất”.[15]
Một lần nữa khẳng định con đường “Trung Đạo” Phật dạy phá tan hai cực
đoan và chỉ có con đường “Trung Đạo” mới đưa chúng ta đi đến Giải Thoát-
Niết Bàn.
Đức Phật cho chúng ta thấy rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và
không bằng phẳng với bất cứ ai. Ví như mỗi người có một nỗi niềm, tâm tư,
khó khăn, trở ngại riêng và những nỗi đau không ai giống ai. Bởi vì, bản chất
con người tồn tại trong xã hội đều có khát vọng tìm cầu vật chất, cuộc sống
mang đến cho con người tất cả những gì nó muốn, chứ không phải những gì
mà con người muốn có nó và cho dù có muốn hay không đi nữa thì ta vẫn

phải đón nhận những gì mà chúng đưa đến cho ta. Cho nên Ðức Phật dạy
rằng: “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh
điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta,
không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”[16]
Đạo Phật không hứa với chúng ta một thiên đàng xa xôi siêu thế, mà đạo Phật
yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào thực tại, tìm ra những nguyên nhân gì gây
ra cho chúng ta bất hạnh và đau khổ, ưu tư và sợ hãi, rồi chỉ chúng ta
phương pháp thiết thực để đoạn trừ những nhân tố. Đức Phật thường nói,
Ngài thuyết pháp để cho người biết, người thấy, không phải người không
biết, không thấy và pháp của ngài giảng là thiết thực và hiện tại, giúp chúng
ta ngay bây giờ, ở đây, đoạn tận mọi khổ đau và mê lầm, sống an lạc và hạnh
phúc hướng tới giải thoát và giác ngộ. Sanh ra ở đời, ai cũng muốn hạnh
phúc , không ai muốn đau khổ, mà đạo Phật chính là đạo giúp con người
thoát khổ đau và sống an lạc, giúp con người đoạn tận khổ đau ngay tại đời
này bằng những phương pháp thiết thực và hiện tại, mà mọi người chúng ta
đều hiểu được và làm được, không phải là những chuyện gì xa xôi, huyền bí,
siêu thực.
Đức Phật đến với chúng ta như một con người, với sự phấn đấu kiên trì của
bản thân, ngài đã trở thành bậc thánh, và ngài lại vạch ra con đường để mọi
người có thể noi theo, phấn đấu kiên trì, cuối cùng cũng được giác ngộ và giải
thoát như ngài. [17] Đạo Phật luôn chú trọng đến ý chí của con người và khả
năng phát triển tinh thần hiểu biết, trong công cuộc truyền giáo ngài không
bao giờ ép buộc mọi người phải theo đúng giáo nghĩa của mình, điều đó cho
chúng ta thấy Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng lý trí.
Không có tôn giáo nào trên thế giới có giọng thiết tha, thâm trầm đối với nỗi
đau khổ trên thế gian như Phật giáo: “ Nước mắt chúng sanh trong ba ngàn
thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể ”. Vì Đức Phật
thấy con người mãi lăn lóc trong vòng sanh tử hết kiếp này đến kiếp khác và
chịu khổ mãi mãi không có ngày giải thoát, cho nên giáo pháp của ngài
chứng được đem cứu khổ cho chúng sanh mà đó là tùy duyên nhằm đối trị

mọi căn bệnh của chúng sanh, vì vậy bất cứ lúc nào nơi đâu dù có người thắc
mắc thưa hỏi hay không có người thắc mắc thưa hỏi về cuộc sống thì Ngài
cũng giải đáp mọi thắc mắc một cách mau chóng và chính xác, hay Ngài tự
nói ra nếu thấy điều đó có lợi ích cho việc giải thoát đối với mọi người. Đức
Phật không có dạy chúng ta đi lạy cầu vị giáo chủ nào đó mà thay vào đó là
phải tin vào chính mình: “Đừng có tin vào sách vở, đừng có tin vào lời người
khác nói lại…chỉ nên tin vào điều gì chính mình suy nghĩ kỹ, sáng suốt nhận
thấy có lợi cho mình và cho người.” Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát nói với
chúng sanh: “ Các Ngài là Phật”[18] cũng trong ý nghĩa đó. Nếu chúng sanh
cứ thấy mình là chúng sanh, cam phận chúng sanh thì cứ mặc tình trầm luân
tạo nghiệp. với ý nghĩ “đã làm thân lươn thì ngại gì cái đầu lấm bùn” như thế,
không tin mình còn chút phẩm giá nào để vươn lên hoàn thiện thì quả thật
nguy hiểm.
Đời sống tìm đạo, hành đạo và chứng đạo của Đức Phật là phản ảnh trung
thực nhất của ý chí tự phấn đấu cho lí tưởng. Kinh Trung Bộ diễn tả: “ Không
chỉ có Alara Kalama có Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ mà ta cũng có. Và sau khi tự
tu, tự chứng, tự đạt, không bao lâu ta đạt pháp ấy một cách mau chóng”[19]
Phật giáo là ngón tay chỉ cho những chúng sanh đang trầm luân biết tự mình
thiết lập được trạng thái thăng bằng của cấu trúc cái đẹp, biết tự mình vươn
tới cái đẹp, cái cao cả. Hạt nhân của giáo lý Phật giáo là hệ thống tư tưởng
nhân bản và hiện thực. Tất cả đó đều từ con người, vì con người và với con
người. Đó chính là giá trị cao cả nhất của con người trần thế, nếu chúng ta cứ
sống tà hạnh mà muốn đạt được sự giải thoát thì cũng như người muốn có
sữa nhưng lại nắm lấy sừng bò cái mà vắt. Thật là buồn cười, và chúng ta vói
như: “ không có ông trời nào có thể chuyển bại thành thắng cho một người đã
tự đầu hàng ”. Nếu một cá nhân nào thành công trên con đường tự cải tạo, tự
thắng mình thì người ấy không còn chiến thắng nào cao hơn nữa. Ta nên biết
rằng: “ Dầu tại bãi chiến trường thắng hàng ngàn quân địch, tự thắng mình
quí hơn, thật chiến thắng tối thượng”.[20]Chúng ta có thể nói rằng đời sống
hàng ngày của Đức Phật, thì một ngày một đêm Ngài chỉ ngủ một tiếng và

buổi sáng dùng thiên nhãn quan sát thế gian, ngồi thiền rồi Ngài quan sát độ
ai để trước khi đi khất thực. Sau khi khất thự xong rồi về ăn, xong rồi Ngài
thuyết pháp cho chúng đệ tử Tỳ Kheo, còn buổi trưa Ngài về tịnh thất ngồi
thiền và quan sát các thầy Tỳ Kheo tu tập và buổi chiều giảng cho quần chúng
trong mọi tầng lớp của xã hội cho đến tối lúc mười giờ Ngài dạy cho các thầy
Tỳ Kheo và có thể nói rằng Đức Phật làm việc siêng suốt hàng ngày không có
giờ nghĩ. Thời hiện đại nói theo Heideger là thời đại của điêu linh và thống
khổ vì màng đêm bao trùm nhân loại. Theo Jasper thì: “ Con người đánh mất
đi chính thế giới độc đáo của nhân cách mình.” Theo Rimbaud thì: “ Tôi là một
kẽ khác”. Nhưng con người luôn được đánh giá: “ Con người là vẻ đẹp của thế
gian, là biểu mẫu của muôn loài” (Shakespeare). Vì vậy mà nhân cách bao giờ
cũng là mục tiêu trung tâm để các nhà giáo dục hướng đến cho nên: “ Tất cả
chúng sanh đều có khả năng thành Phật, trên lộ trình giác ngộ các con hãy tự
thắp đuốc lên mà đi, trong đại dương luân hồi, các con là hải đảo của chính
mình, đức Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc.”[21] Di huấn cuối cùng
này của đức Phật là bài học tự lực cho mỗi chúng ta.
Đức Phật không bao giờ áp đặt một quyền uy nào cho ai cả, vì Ngài ý thức
rằng: “Có Niết Bàn, có con đường đưa đến Niết Bàn và Ta là người chỉ đường,
nhưng trong các đệ tử được ta thuyết giảng chỉ một số được chứng đắc cứu
cánh, một số khác thì không. Ta biết làm gì được? Ta chỉ là người chỉ
đường.”[22] Ngài khuyến giáo rằng: “ Giáo pháp phải được học hỏi, hơn nữa
phải được thực hành, phải đươc tự mình chứng ngộ liên tục và kiên trì nỗ
lực.”[23] Không có sự giải thoát nào, không có sự thanh lọc nào có thể thực
hiện được nếu không có sự cố gắn cá nhân.
C. KẾT LUẬN
Đức Phật đã nói lên rằng khi tĩnh lặng soi rọi lại tâm mình, ta sẽ biết thật sự
ta cần gì. Như vậy, nhân tố cho một đời sống hạnh phúc là sự bình an và
thanh thản của tâm hồn ngay trong hiện tại. Thông qua tính nhân bản của
Đạo Phật qua lịch sử của Ngài ta thấy rằng Đức Phật tuyên bố: “ Con người
và chỉ có con người mới có thể thực hiện được những hoài bão lí tưởng

hướng tới Phật quả.” Chúng ta có thể gọi Đức Phật là một con người tuyệt vời
trong nhân tính và chỉ có đức Phật mới là vị giáo chủ duy nhất trên hành tinh
chúng ta khẳng định vị trí của con người. Chính tư tưởng này hình thành nên
một khái niệm về nhân bản Phật giáo. Con người là trung tâm điểm mà Phật
giáo nhắm đến, nói cách khác không có nhân loại thì Phật giáo không hiện
hữu với những xu hướng nhập thế như vậy. Một lần nữa xã hội Ấn Độ cho
chúng ta thấy rằng ở vào những ngày tháng mà sự đen tối của cuộc đời đã
nhấn chìm con người trong chế độ chủng tính, bị áp bức, bóc lột thật tàn
khốc, ngài khước từ vương vị, phát nguyện sống cuộc đời phạm hạnh để
mang lại hạnh phúc an lạc cho quần sinh. Ngài đề xướng học thuyết “ Tất cả
chúng sinh đều bình đẳng ” để chống lại chủ trương chế độ chủng tính
nghiêm ngặt của Bà-la-môn giáo nói riêng và xã hội Ấn Độ nói chung, ta nên
hiểu rằng ai cũng có dòng máu đỏ, giọt nước mắt cùng mặn.
Lời giáo huấn thâm trầm trong thiên kinh vạn quyển mà Đức Phật để lại đều
công kích thái độ lộng quyền của sự phân chia giai cấp xã hội Ấn Độ, nhằm
lên án sự bất bình đẳng của một xã hội theo chế độ chủng tính. Ngài thông
hiểu cho sự thống khổ của con người. Khi đức Phật tuyên bố, sứ mệnh cả cuộc
đời Ngài là cứu giúp nhân loại thoát khỏi khổ đau, thì sứ mệnh này mang ý
nghĩa xã hội vô cùng to lớn.
Là một tu sĩ của Phật giáo chúng ta nên học theo giáo pháp của ngài biết
thương yêu tất cả mọi người, là một sự khẳng định vị trí, hoài bão thành tựu
hạnh nguyện độ sanh là tư lương không thể thiếu, không xa vời với thực tại
cuộc đời thế thì: “ không lửa nung sắt kia không thành thép, không bùn nhơ
sen nọ chẳng mùi thơm”.
Đó chính là tinh thần xuất trần nhập thế, bùng lên ánh sáng đang hiu hắt
giữa đống tro tàn sắp lụn tắt trong trần thế này. Tinh thần nhân bản của đạo
Phật được biểu lộ không những ở giáo lý, mà còn ở thái độ sống của con
người. Đức Phật không phải là một nhân vật huyền thoại mà là bậc Đại Đạo
Sư đã từng sống thật trong thế gian này.




THƯ MỤC THAM KHẢO
Foucher, Alfred. The Life of The Buddha. Middletown : Wesleyan University
Press, 1963.
Lê Hữu Tuấn. Đạo phật Đối Với Đời Sống Con Người và Xã Hội. (Truy cập
ngày 15 tháng 11 năm 2011). />vbud/vbpha336.htm
Mahathera, Narada. Đức Phật và Phật Pháp, dịch. Phạm Kinh Khánh. Hà Nội:
NXB. Tôn Giáo, 2004.
Schumann, Hans W. Đức Phật Lịch Sử, dịch. Trần Phương Lan. NXB. Thành
phố Hồ Chí Minh, 2000.
Thích Chơn Thiện. Phật Học Khái Luận. TP Hồ Chí Minh: NXB. Thành phố Hồ
Chí minh. 2000.
Thích Minh Châu. Đức Phật Của Chúng Ta. Hà nội: NXB, Tôn Giáo, 2000.
Thích Minh Châu dịch. Kinh Pháp Cú. TP Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật
Học Việt Nam, 1990.
Thích Minh Châu dịch. Trung Bộ Kinh, tập I. TP Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu
Phật Học Việt Nam, 1993.
Thích Minh Châu dịch. Trường Bộ Kinh. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,
1993.
Thích Minh Châu dịch. Tương Ưng bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu
Phật Học Việt Nam, 1993.
Thích Thánh Nghiêm. Lịch Sử Phật Ấn Độ, dịch. Thích Tâm Trí. TP. Hồ Chí
Minh: NXB. Phương Đông, 2008.
Thích Trí Tịnh dịch. Kinh Pháp Hoa, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007.
Thích Viên Trí. Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Phương
Đông, 2006.
Thomas, EdwardJ. The Life of Buddha as Legend and History . Delhi: Motilal
Banarsidass Publishers, 1997.
Trần Hữu Danh. Sự Tích Đức Phật Thích Ca. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng Hợp

Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.


[1] Trương Ưng bộ kinh, Chương IV, Phẩm thứ nhất, Mục 5
[2] Thích Tâm Trí, Lời Người Dịch, trong Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch Sử
Phật Giáo Ấn Độ, (TP. HCM: NXB Phương Đông, -2008).
[3] Trung Bộ Kinh III, Kinh 123: Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp 232.
[4] Đại chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 154, 190, 200. Tiểu bộ 10. Kinh Jàtaka
(Bổn Sanh), Trần Hữu Danh đã dẫn.
[5] Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận 49.
[6] Tịnh Phạn: Người trồng lúa sạch.
[7] Trường Bộ Kinh, Đại Niết Bàn, Số 16.
[8] Foucher, The Life of The Buddha. (Middletown : Wesleyan University Press,
1963) 58-66; Thomas. The Life of Buddha as Legend and History (Delhi:
Motilal Banarsidass Publishers, 1997) 48-50.
[9] Trung Bộ Kinh, số 26: Kinh Thánh Cầu.
[10] Trung Bộ Kinh, số 36: Đại Kinh Saccaka.
[11] Trung Bộ Kinh, số 26: Kinh Thánh Cầu.
[12] Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận (TP HCM: NXB. Phương Đông)
62- 63.
[13] Lê Hữu Tuấn, Đạo Phật Đối Với Đời Sống Con Người và Xã Hội.
[14] Tương Ưng Bộ Kinh, tập V ( Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2002) 420.
[15] Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Chương 34: Nhiếp Thiện Tinh Tấn (TP HCM:
NXB Thành phố Hồ Chí Minh) 264.
[16] Kinh Pháp Cú, Câu 345.
[17] Thích Minh Châu, Đạo Phật Thiết Thực và Hiện Tại.
[18] Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Kinh Bồ Tát, Thứ hai mươi.
[19] Trung Bộ Kinh, số 26: Kinh Thánh Cầu.
[20] Kinh Pháp Cú, Số 103.
[21] Tương Ưng Bộ Kinh, tập 3, Phẩm Tự Mình Làm Hoàn Đảo.

[22] Schumann, Đức Phật Lịch Sử, dịch. Trần Phương Lan. (TP. HCM: Viện
Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam).
[23] Kinh Di Giáo.

×