Tải bản đầy đủ (.doc) (61 trang)

luận văn HÌNH THẾ TƯƠNG PHẢN TRONG HỘI HỌA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.77 MB, 61 trang )

Luận văn này được hoàn thành với sự giúp đỡ quý báu của
các Giáo sư trong hội đồng nghệ thuật và bạn bè đồng nghiệp.
Xin trân trọng cám ơn!
MỤC LỤC
2
MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Động lực điều khiển sự sống của trái đất, cũng như mọi vận hành của vũ
trụ là những cặp đối lập mà các nhà triết học phương Đông gọi là Âm –
Dương. Nó vừa đối lập vừa là sự chuyển hóa sang nhau để rồi lại hoàn
nguyên. Như vậy các cặp đối lập vốn là một mà thành hai. Nhưng có lúc lại
hài hòa, lúc lại chống phá nhau và có lúc lại trở về cội nguồn là một gốc.
Trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, chúng ta thường bắt gặp những
yếu tố tương phản như ngày và đêm, sáng và tối, nóng và lạnh v.v… Do vậy
mà con người trong cảm thức cũng thấy cái đối lập trong cái thống nhất.
Trong nghệ thuật hội họa những yếu tố tương phản này tạo nên sự phong phú
đa dạng, thích hợp với quy luật cấu thành của tự nhiên cũng như sáng tạo
nghệ thuật.
Hội họa là một nghệ thuật thị giác, khác với văn học hay âm nhạc, tác
phẩm hội họa không phải chỉ là ý niệm thẩm mỹ được xây dựng trong trí
tưởng tượng thông qua sự mô tả bằng từ ngữ, âm điệu mà bời đặc trưng sự
biểu hiện không gian trên bề mặt, một thứ không gian ảo chỉ có thể ghi nhận
bằng thị giác nhờ sự kết hợp hay là sự tổng hòa các yếu tố tạo hình như đường
nét, hình thể, màu sắc, sáng tối, đậm nhạt, chất cảm v.v… Thông qua các quy
luật của thị giác mà mỗi cá nhân họa sỹ vận dụng vào sáng tác của mình. Sắp
xếp chúng trong một khuôn khổ và một mặt phẳng nhất định của một bức
tranh, sẵn sàng dung nạp bất kỳ phương pháp nào khả dĩ bằng cảm xúc của
mình giúp cho việc thể hiện tác phẩm.
Theo lời của tác giả Nguyễn Quân (trong cuốn “Ngôn ngữ của hình và
màu sắc”) “không thể đọc thơ, làm thơ bằng hiểu biết về ngữ pháp, từ vựng,
âm vị học… cũng không thể xem hay làm tranh làm tượng, thiết kế mỹ thuật


bằng những hiểu biết cứng nhắc, giáo điều về quang học thị giác, khối, nét,
3
màu, bố cục… Song những hiểu biết về kĩ năng sử dụng những thứ đó vẫn là
cơ sở cho sáng tạo và thưởng thức.”
Vậy muốn có điều kiện để phát huy sự sáng tạo, thì người họa sỹ không
thể bỏ qua vấn đề cơ bản là vận dụng quy luật của thị giác vào việc thể hiện
nội dung chủ đề của tác phẩm. Và sau khi giải quyết vấn đề đó bằng những lý
giải khoa học chúng ta có cơ sở để chủ động đề xuất cái mới trong sáng tác
hội họa. Như vậy, từ những cảm xúc hay ý nghĩ ban đầu cho đến khi tác phẩm
được hoàn thành họa sỹ phải vận dụng nhiều quy luật và trải qua nhiều bước
thể hiện. Một trong những quy luật đó là luật tương phản và phải tìm đến một
giải pháp thống nhất.
Từ thời kỳ cổ Hy Lạp đã có quan niệm “Đối lập tạo nên hài hòa”. Trong
hội họa tương phản là một thủ pháp tạo nên cái đẹp hình thức. Trong quy luật
tạo hình của mặt phẳng, những định luật của thị giác giữ vai trò quyết định.
Định luật thứ 10 của nguyên lý thị giác là định luật của sự tương phản được
các họa sỹ hay các kiến trúc sư sử dụng nhiều nhất. Sự tương phản có thể
phân biệt qua sự đối lập của bản thân và hình dạng của màu sắc. Mặt khác sự
tương phản cũng được bộc lộ ở mối quan hệ hình thể với môi trường xung
quanh. Giữa hình với hình, giữa hình với không gian, tương phản giữa màu
nóng và lạnh, giữa đậm và nhạt. Trong sáng tác nguyên lý tương phản được
thể hiện ở chỗ có phần chính, phần phụ; và tương phản về tính chất nhưng hài
hòa về tỷ lệ sẽ phân tích ở chương sau.
Sự hòa hợp ánh sáng đồng điệu đem lại sự hài hòa đẹp mắt.
Sự tương phản gây ấn tượng vào cảm giác và xúc cảm thẩm mỹ. Nếu
tương phản quá mạnh sẽ gây ấn tượng mâu thuẫn, phải giải quyết thành thống
nhất.
4
Tôi chọn quy luật tương phản để nghiên cứu trong luận văn, chứng
nghiệm trong các tác phẩm nổi tiếng để thấu hiểu sâu và tạo cơ sở định hướng

cho sáng tác của mình.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
Trong cuộc sống những mặt đối lập luôn diễn ra như sáng tối, nóng lạnh,
gần xa, sướng khổ. Trong hội họa tính tương phản diễn ra với ngôn ngữ tạo
hình như đường nét, hình thể, chất cảm, màu sắc, không gian… Trước đây
các họa sỹ chú ý nhiều đến quy luật hài hòa, để tạo ra vẻ đẹp đồng điệu trong
tranh. Hiện nay xã hội ngày càng sống với tốc độ cao tính tương phản ngày
càng lớn. Tôi đặt vấn đề diễn biến của tương phản đi đến kịch tính ra sao? Để
thấu hiểu và giải quyết nó trong tranh, phản ánh tính thời đại.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Đối tượng nghiên cứu về luật tương phản trong tranh qua ngôn ngữ tạo
hình là chính. Các trạng thái tương phản và sự thể hiện các trạng thái tương
phản đó được diễn biến trong đường nét, hình thể, màu sắc, chất cảm, không
gian và quy luật bố cục, căn cứ vào những tác phẩm hội họa trên mặt phẳng.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
- Lựa chọn các tác phẩm của các tác giả có bộc lộ quy luật tương phản.
- Dùng phương pháp nhận thức và phân tích của mỹ thuật học, diễn giải
và quy nạp để thấu hiểu quy luật.
- Theo phương pháp liên ngành để làm sáng tỏ thêm quy luật này, được
phản ánh trong các ngành nghệ thuật lân cận.
V. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN:
- Giúp nghiên cứu sâu, thấu hiểu quy luật tương phản trong tranh.
- Tạo điều kiện và khả năng diễn đạt những kịch tính trong tác phẩm của
mình.
5
- Giúp nghiên cứu sâu khi xem tranh và nhận thức về tính hiện đại của
các tác phẩm.
- Có thể làm tài liệu hỗ trợ giảng dạy.
VI. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN:
Luận văn được chia thành 3 phần:

Phần I: Phần mở đầu
Phần II: Nội dung
Phần III: Kết luận
Phần nội dung được chia thành 3 chương:
Chương I. Quy luật tương phản
1.1 Định nghĩa và phân tích quy luật tương phản.
1.2 Các mức độ của tương phản.
1.3 Giải quyết tương phản.
Chương II. Hình thế tương phản trong hội họa.
2.1 Đồng điệu.
2.2 Hài hòa.
2.3 Tương phản.
2.4 Chuyển hóa
2.5 Tương phản về tính chất nhưng hài hòa về tỷ lệ:
Chương III. Những bài học rút ra từ luật tương phản trong đời sống và
trong nghệ thuật hình sắc:
3.1 Luật tương phản trong đời sống
3.2 Luật tương phản trong nghệ thuật hình sắc
3.3 Giải quyết mâu thuẫn bằng tính thống nhất
3.4 Những bài học rút ra từ nguyên lý tương phản được các họa sỹ thiết
lập
6
CHƯƠNG I
QUY LUẬT TƯƠNG PHẢN
1.1 Định nghĩa và phân tích quy luật tương phản:
Nhận biết được vật thể xung quanh, hoặc để phân biệt được vật này với
vật khác trong một bức tranh cần phải có những độ sáng tối. Người ta cần ánh
sáng để bắt đầu quá trình nhận thức và sắp xếp ý tưởng. Ánh sáng yếu hay
mạnh cũng đều cho ta những cảm nhận, dù là một phản ứng dịu dàng hay một
ấn tượng mạnh mẽ. Trong khoảng tối đen sẽ không nhìn thấy được gì. Vì vậy

vật thể trong bóng tối phải có ít nhiều độ sáng mới có thể hiện diện. Nhìn
cảnh biển trong đêm tối ta không xác định được giới hạn của đường chân trời,
trời và mặt biển một màu, duy chỉ có tiếng sóng bên tai, gây cảm giác mênh
mông bất an. Cũng như khi đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống vực sâu, sương
mù giăng trắng cả trời đất không có sự phân biệt giới hạn trên dưới ta cũng
thấy bất ổn.
Đó chính là những cục diện không có sự tương phản, không có một đối
cực hay một sự chênh lệch để so sánh, làm căn cứ hay điểm tựa để xác định
chỗ đứng tạo nên sự cân bằng tâm lý. Một ánh đèn của người thuyền chài,
hoặc ngọn hải đăng sáng trong đêm tối xa xa, hay một hình ảnh của mái nhà,
một ngọn cây lấp ló trên nền sương trắng cũng tạo nên những sắc độ chênh
lệch, như thế cũng là tương phản. Khi đó thị giác của người xem được cân
bằng dẫn đến trạng thái tâm lý bình ổn. Vậy tương phản được xây dựng dựa
trên sự cảm nhận về trạng thái cân bằng, cân bằng chính là hệ quả tất yếu của
tác dụng tương phản.
Kinh Sáng thế nói rằng khi thế giới mới hình thành, vạn vật chìm trong
cõi âm u mù mịt khiến mọi sinh linh phải lần mò, va chạm vì không thể phân
7
biệt mọi thứ xung quanh. Để cứu gỡ, Chúa ban cho khắp thiên hạ cặp tương
phản đen và trắng, thế là tất cả đều hiện ra rõ ràng, muôn loài sống yên vui.
Như vậy đủ thấy tác dụng của tương phản quan trọng như thế nào. Tuy nhiên
tương phản cũng có mạnh, có yếu, chỉ cần tạo được sự tách biệt ví dụ giữa
nóng và lạnh có ấm, nguội, mát…
Do đó nguyên lý hay luật tương phản trong định nghĩa có thể được mô tả
là hình thế trái ngược đối chọi nhau giữa hai yếu tố của những cặp cấp độ có
giới hạn tạo nên nhờ những mức độ chênh lệch tách biệt. Sự tương phản chỉ
đủ cho hiện vật cùng một thể tính có được sự tách biệt, gọi là “TƯƠNG
PHẢN”.
Chẳng hạn lấy độ tương phản đen trắng được coi là 100% và ta có thể
tạo 100 độ chuyển tiếp bằng cách pha một lượng đen cố định với một lượng

trắng tăng giảm dần, sẽ thành một dải ô màu, từ đậm nhất (đen) đến nhạt nhất
(trắng). Khi đó mắt thường sẽ không phân biệt được ranh giới một ô màu này
với hai ô màu kế cận. Là những ô chỉ có độ tương phản từ 1% đến 2%. (Sách
Luật xa gần – tr411)
Từ lý thuyết trên ta có thể khẳng định sẽ có rất nhiều những cấp độ
tương phản: từ tương phản yếu đến tương phản mạnh, thậm chí đến gay gắt.
8
1.2 Các mức độ tương phản:
Để nghiên cứu cho mức độ chênh lệch tách biệt tạo ra sự tương phản ta
làm thí nghiệm sau: Tôi cho một số hình vuông, trong mỗi hình vuông tôi
vạch một đoạn thẳng. Ta sẽ thấy một số trường hợp biến đổi như sau:

Ở hình (a) hình vuông không có gì giống như một khoảng không gian
trống, câm lặng, dĩ nhiên sẽ không có cảm giác.
Ở hình (b) đoạn thẳng chia đều hình vuông thành hai hình chữ nhật bằng
nhau và đối xứng qua đoạn thẳng đó. Ta thấy cân bằng không có cảm giác và
đơn điệu. Cần thêm cảm giác về chuyển động.
Ở hình (c) và (c’) khi ta di chuyển đoạn thẳng đó sang phải hoặc trái một
khoảng. Hình đã có sự chênh lệch biến đổi, một sự liên tưởng, so sánh tạo ra
cảm giác và tùy theo mức độ di chuyển của đoạn thẳng nhiều hay ít về một
phía bắt đầu tạo cảm giác mạnh hay yếu, tương phản về tỷ lệ.
Đến hình (d) sự chênh lệch rõ ràng hơn, không những tương phản về tỷ
lệ mà còn tương phản về cấu trúc hình, tạo ra cảm giác mạnh kích thích thị
giác.
9
Hình (e) ngoài sự tương phản về tỷ lệ như trên, đây còn có sự chênh lệch
về tương phản giữa hình dạng phức tạp với hình đơn giản. Nhưng có được
cảm giác về khối lượng to - nhỏ, cũng như cảm nhận được trọng lượng nặng
hay nhẹ, và sự di chuyển nhanh hay chậm.
Qua thí nghiệm trên ta có thể đưa ra một quy luật sau: Trên một mặt

phẳng, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ khiến con mắt so sánh ta đã làm cho nó có
sự biến động chênh lệch. Chỉ mới vạch một đường nó đã tạo ra nhiều tác động
khác biệt trong cảm giác của chúng ta. Từ sự đơn điệu, đối xứng, sự phức tạp
đến sự tương phản nên có cảm giác vận động. DO đó ta có những cặp tương
phản tạo ra sự chênh lệch:
•Về lượng: Nhiều hay ít
•Trọng lượng: Nặng hay nhẹ
•Chất lượng: Tốt hay xấu
•Về tốc độ: Nhanh hay chậm
•Trường độ: Dài hay ngắn
•Quang độ: Sáng hay tối
•Nhiệt độ: Nóng hay lạnh
•Sắc độ: Đậm hay nhạt – xanh đỏ - tím vàng – lam da cam
Thêm một khẳng định và chứng minh khác về tương phản hay nguyên lý
tương phản. Ở đây ta không nói về chuyện của màu sắc mà thông qua những
phản ứng của tự nhiên cũng như sự cảm nhận của thị giác đối với môi trường
xung quanh, đặc biệt trong màu sắc. Những nguyên nhân làm cho màu sắc
thay đổi, trước hết phải kể đến các hiệu ứng thị giác. Goethe gọi hiện tượng
này là nhu cầu về mầu vì con mắt ta khi nhìn một màu này thì có nhu cầu cân
bằng lại bằng màu bổ túc cho nó, đối lập với nó. Ví dụ “nhìn chăm chú vào
mẩu giấy đỏ đặt trên nền trắng sẽ thấy một miếng sáng xanh lục hiện rõ dần
và đè chồng lên gần khắp bề mặt của nó khiến màu đỏ ở đây nhợt đi và có xu
thế ngả dần sang xám. Lúc này nếu mẩu giấy được nhấc ra khỏi nền, miếng
10
xanh lục sẽ chiếm lĩnh ngay vị trí của nó, trước rõ sau mờ dần rồi mới biến
mất hẳn” (Sách Luật xa gần-Phạm Công Thành). Sự xuất hiện của miếng
xanh lục là hiệu ứng thị giác có tác dụng trung hòa màu đỏ để duy trì trạng
thái cân bằng trong con mắt và tương tự những màu khác đều có hiệu ứng như
vậy. Rõ ràng hiện tượng đối lập này là sự tất yếu trong tự nhiên cũng như
tương phản trong nghệ thuật.

1.3 Giải quyết tương phản:
Từ những phân tích trên, ta thấy tương phản có tính tự nhiên vốn có nằm
ngay trong hiện thực khác quan, tất yếu và phổ biến như: nam nữ, âm và
dương, nóng lạnh, sáng và tối… là những yếu tố tương phản bản chất và từ
phân tích trên ta hiểu được khái niệm đồng thời có sự cảm nhận về hiệu ứng
tương phản đối với thị giác. Khả năng đưa đến cho người xem những cung
bậc thay đổi của cảm xúc khách nhau trong cuộc sống. Thực tế cuộc sống vốn
phong phú và đa dạng, lúc vui lúc buồn, lúc nhẹ nhàng thanh thản, lúc phong
ba bão táp… những trạng thái đó chỉ ra rằng cuộc sống luôn biến chuyển theo
những quy luật tất yếu của tự nhiên. Như một bông hoa ban đầu nở chúm
chím, sau cứ dần dần bung nở thành đóa hoa rực rỡ to đẹp, tràn đầy nhựa
sống. Và cũng từ lúc đó bắt đầu suy tàn, rồi lại bắt đầu một chu kỳ mới. Vậy
ta nhận định cuộc sống luôn biểu hiện những mức đọ khác nhau. Đi từ bản
chất đơn lẻ qua vận động phát triển lên một quy mô lớn. Ví dụ trong một gia
đình, một người con trai và một người con gái, bản chất là dương và âm.
Nhưng khi người ta lấy nhau thì hòa đồng với nhau, giai đoạn này gọi là giai
đoạn đồng điệu, một lúc nào đó họ trở lại cá tính riêng biệt thì tranh nhau cái
quyền lãnh đạo trong gia đình. Mới đầu thì dung hòa được những mâu thuẫn,
người này nhường nhịn người kia, đây được gọi là sự hài hòa trong mối quan
hệ. Sau đó, những mâu thuẫn nhỏ trờ nên căng thẳng, sự bất đồng được đẩy
lên đến đỉnh điểm, không ai chịu nhường ai. Lúc này xuất hiện trạng thái gay
11
gắt dẫn đến tương phản, trong gia đình thì là sự xô bát xô đũa, vì vậy cần phải
giải quyết bằng sự thống nhất người nọ chịu người kia, nhường nhịn lẫn nhau
để chung một nhà, rồi lại đi đến sự hài hòa.
Do vậy, ta có một tiến trình sự phát triển từ: Đồng điệu - tương
phản, hài hòa – tương phản, căng thẳng –– thống nhất - hài hòa.
Mặc dù đây là một quá trình để ta thông qua song ta chỉ lấy tương phản ở
giữa để thấy được sự biến đổi mức độ từ tương phản bản chất đến thành tương
phản về lượng và đề ra phương pháp giải quyết những mâu thuẫn cả nội dung

lẫn hình thức thể hiện.
12
CHƯƠNG II
HÌNH THẾ TƯƠNG PHẢN TRONG HỘI HỌA
2.1.Đồng điệu:
Tương đương hoặc tương ứng tạm gọi là ăn ý. Người xưa nói “Đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, đại ý là cùng giống tiếng thì ứng hợp
với nhau, cùng giống hơi thở thì tìm đến với nhau. Ta dễ dàng cảm nhận điều
đó khi nghe một bản giao hưởng, khi thấy một nhóm bạn bè đồng trag lứa
chơi thân với nhau, hoặc khi thấy một cặp vợ chồng tốt đôi sống thuận hòa
hạnh phúc. Tranh đồ họa đơn tuyến, tranh thủy mặc, tranh có hòa sắc êm
dịu… cho thấy hiệu quả của sự đồng điệu. Đồng điệu là tương phản chỉ được
xét bằng cách so sánh giữa những yếu tố “đồng” như đồng chủng, đồng loại,
đồng dạng, đồng chất … Ví dụ như giữa nét với nét, giữa màu với màu, giữa
mảng với mảng, đậm và nhạt… Đó là sự chênh lệch ở mức độ giới hạn đã
vượt qua ngưỡng của sự phân biệt.
2.2.Hài hòa:
Sự chênh lệch rõ rệt hơn khi đã có sự tương phản về bản chất như: xanh
– đỏ, tím – vàng, lam – da cam, đậm - nhạt. Đương nhiên rằng tương phản là
để nhằm tới hài hòa, muốn vậy phải xét đến nhiều quan hệ khác trong mối
tương quan về lượng, chất và vị trí. Hài hòa là hiệu quả tốt đẹp của sự phân
bố cân bằng và hợp lý thuận tình những quan hệ tương phản trên toàn cục,
không có tranh chấp gay gắt cũng không có mập mờ khiên cưỡng.
13
2.3.Tương phản:
Mức độ đối lập bằng nhau, ví dụ hai màu bổ túc bằng nhau, đậm nhạt
bằng nhau, vuông tròn bằng nhau. Tương phản mạnh như giấy trắng mức đen,
nhìn vào thấy tách biệt rõ rang, tuy nhiên vẫn có chừng mực, nếu quá giới hạn
đó thì hiệu quả lại giảm, độ rõ không phát huy được, gọi là bị lóa hoặc chối.
Để khắc phục tình trạng mãnh liệt của đối chọi, cần gia thêm một yếu tố trung

gian, ví dụ nét đen hoặc trắng xen giữa hai mảng màu xung khắc như trong
tranh khắc gỗ Đông Hồ…
2.4.Chuyển hóa:
Tương phản của hai mảng màu nếu chỉ giải quyết ở chỗ giáp ranh sẽ
chuyển hóa khắp bề mặt của mỗi mảng không cần bôi kín các mảng. Cứ như
vậy cục diện của bức vẽ có thể thay đổi theo ý hướng chủ động của tác giả.
* Bốn yếu tố trên chính là quy luật giải quyết các mâu thuẫn. Thực tế
trong mỗi bức tranh khó mà tách bạch các quy luật nói trên ra từng khu vực
để diễn giải. Ở đây nói “tách bạch” như vậy chỉ để phân biệt cá cấp độ từ đơn
giản cho đến phức tạp, từ mờ ảo cho đến rõ ràng, từ yếu cho tới mạnh, chính
là từ đồng điệu đến tương phản rồi chuyển hóa. Thông qua một số tác phẩm
14
hội họa, phân tích để chứng minh 4 quy luật trên (đồng điệu – hài hòa – tương
phản – chuyển hóa).
Bức tranh “Chân dung tự họa” của Van Gogh (xem phụ lục H2.1), nếu ta
tách bỏ các nét viền đậm chỉ còn mảng xếp liền nhau, các màu dương như
chênh nhau rất ít, thậm chí như chìm vào nhau. Sắc độ đồng điệu. Trước thời
điểm có những khám phá vĩ đại của Monet về màu sắc, bản than Monet và
các họa sỹ ấn tượng đêu vẽ đơn sắc. Có nghĩa là mặc dù vẽ bằng màu nhưng
họ không để cho các màu sắc tương phản nhau. Các bức tranh chỉ phụ thuộc
vào tương phản giữa sáng và tối. Tranh “Cô gái và sọ người” của Goerge de
la Tour (xem phụ lục H2.2). Nếu tách phần ánh sáng tập trung ở giữa thì xung
quanh bức tranh toàn một màu đơn sắc. Chân bàn, thân người và các vật dụng
xung quanh đều lẫn chìm vào không gian, các màu sắc được pha nhòa lẫn với
nhau không có tương phản để tạo hiệu ứng. Hình ảnh ông già, em bé gặm
chiếc bánh nhỏ, đôi mắt như hoảng sợ, tiếng đàn của ông già mù như văng
vẳng bên tai được thể hiện với màu xanh lam đơn sắc. Picasso đã cho chúng
ta cảm thấy sự lạnh lẽo và cô đơn trong tranh “Người già” “Người mù chơi
ghi ta” của Picasso (xem phụ lục H2.3).
Ở cấp độ hài hòa, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây nguyên lý hài hòa

luôn được các nhà nghệ thuật nói chung và họa sỹ nói riêng thể hiện, bởi lẽ nó
phù hợp với cảm thức của con người trước hiện thực khách quan. Con người
luôn mong muốn và khao khát sự hài hòa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Với bức họa của mình họa sỹ luôn muốn đem đến cho người xem những cảm
xúc dễ chịu êm ái, cho dù là đề tài nào đi chăng nữa: Một phong cảnh hiền
hòa hay một cảnh bạo loạn… Một bản nhạc hay luôn đưa đến cho người nghe
những giai điệu thuận tai thậm chí ru ngủ cho dù có lúc đã bùng lên cao trào
rồi lắng xuống. Các bức tranh của Vermeer ánh sáng luôn lung linh chan hòa,
15
tràn khắp không gian và len lỏi vào từng sự vật thậm chí cả trong bong tối.
Ánh sáng và bóng tối chuyển dần, lan tỏa rồi hòa vào nhau, mảng đậm và nhạt
dung hòa, màu sắc ấm áp gợi ra một cuộc sống thanh bình yên ả. Trong bức
tranh “Cô gái thợ đăng ten” ( xem phụ lục H 2.4) và một số nhân vật trong
các bức tranh khác của Vermeer. Nhịp lao động khoan thai, sắc vàng óng ả
của chiếc áo cô gái quyện vào với gam ghi tím của nền. Sắc vàng ấy như ẩn
như hiện trên nền ghi và sắc ghi cũng hòa với sắc vàng. Cô gái lặng lẽ làm
việc trong trạng thái cũng như suy nghĩ ổn định chăm chú mà không căng
thẳng. Nhân vật, nền, và các vật dụng cũng rất hiền hòa. Từ đầu tóc đến chân
tay đều ở tư thế chậm rãi với các đường hướng ngang dọc và màu sắc có
tương phản nhưng hài hòa cân xứng. Sự hài hòa vàng – lam trong bức tranh
“Mùa thu vàng” của Levitan (xem phụ lục H2.5), không khí mùa thu trong
sáng, gần gũi. Bức tranh như một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu nước
Nga làm xao xuyến lay động người xem.
Ở cấp độ tương phản sự thay đổi về cảm xúc rất mạnh mẽ về cường độ
cũng như âm hưởng, nó dễ thực hiện cho một sự bứt phá tạo ra một không
gian mới. bức tranh “Bài học giải phẫu của bác sỹ Tulp” của Rem Brandt
(xem phụ lục H2.6), ánh sáng và bóng tối tương phản mạnh, tập trung, cái xác
cứng đờ trong một thứ ánh sáng sắc nét tạo ra vẻ khô cứng, sự sống tắt lặng
cùng với những ánh sáng mạnh nhấp nhô trên tuyến nhân vật. Các khuôn mặt
đang chăm chú tò mò, ngạc nhiên, thậm chí bàng hoàng trước cái xác không

còn khả năng vận động. Mọi suy nghĩ đang muốn dồn về với nhiều băn khoăn
đang hiện trước mắt họ. Những nhịp sáng trên đầu của tuyến nhân vật chuyển
động có nhịp điệu tương phản với thế nằm ngang tĩnh tại, bất động của cái
xác. Ánh sáng trắng chói lọi đối lập với cái tối rất đậm và mạnh của vị giáo sư
đáng kính. Không khí tập trung khá căng thẳng theo dõi những điều chỉ dẫn
và hành động của đôi tay. Hơn nữa người thầy là một mảng đậm mạnh lẫn
16
trong một không gian tối đồng điệu cùng với cột nhà thẳng đứng và thế nằm
ngang của cái xác tạo sự tĩnh lặng, không gian tràn đầy sự học vấn, những
phát minh đang còn trong tiềm thức. Tác phẩm đã thể hiện cái tương phản
căng thẳng giữa cái chết và sự sống, giữa sự huyền bí với cái phát lộ của khoa
học. Bức tranh của Rem Brandt rõ ràng khác với tranh của VerMeer ở không
gian chan hòa và không gian tập trung căng thẳng. Tác phẩm nhấn mạnh
những diễn biến của suy tư, của dòng chảy liên tưởng mà điều này khó có thể
nói ra bằng lời, bằng thơ, bằng văn xuôi hay âm nhạc. Nó chỉ có thể đươc tạo
ra từ những phản ứng gây xúc cảm mạnh của các phương tiện, đó là tương
phản, là hài hòa… Ngoài ra đường chéo ở góc tranh là chiếc ghế cũng muốn
khẳng định thêm sự căng thẳng trong buổi học trên, đồng thời muốn chốt lại
không gian để đưa bố cục bức tranh về đúng quỹ đạo. Bài học không bị dàn
trải, lan man. Cuối cùng bức tranh cũng giải quyết được sự thống nhất, hài
hòa nhịp điệu của hình và của ánh sáng. Do vậy, một sự đối lập đưa đến căng
thẳng chính là biện pháp giải quyết của hội họa mang tính đặc thù. Tạo ra
tương phản tức là cường điệu để nói rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, để thấu
hiểu sự sống và cái chết. Tính thống nhất chính là trí tuệ được biểu hiện bằng
sự rực sáng.
Bức tranh “Angélique và the hermite” của Peter Paul Rubens (xem phụ
lục H2.7) là sự tương phản giữa hai thái cực gần xa, sáng tối giữa sức sống
căng tròn của tuổi trẻ với tuổi già xế chiều yếu ớt. Không gian trong tranh
thanh bình yên ả. Người phụ nữ đẹp say sưa trong giấc ngủ của tuổi thanh
xuân, phô bày sự khỏe mạnh, cơ thể nõn nà, toàn thân toát lên vẻ đẹp nữ tính,

một tác phẩm hoàn thiện của tạo hóa. Những sắc màu được chuyển tinh tế để
diễn tả cái óng ả và mịn màng của màu da phụ nữ đối lập với màu tím đỏ của
nhân vật ông già như hòa vào sắc lục trầm làm tăng thêm màu sắc của tuổi
thanh xuân.
17
Trong thời kỳ cổ điển với một nguyên lý tương đối thống nhất, thường
được dùng về độ tương phản sáng tối. Các họa sỹ cổ điển có một quan điểm
chung là dùng ít màu, nhưng với số lượng đó người ta đủ nói lên những gì họ
muốn diễn tả, tạo được những tương phản, cách giải quyết của họ là dùng
màu trắng để gia giảm những chỗ sáng, dùng màu đen để gia giảm những chỗ
tối như tranh “Người bán nước” của Veslasquez. Họa sỹ cho ta thấy cái đẹp
khiêm tốn hàng ngày. Trong một khu chợ khuất trong bóng râm, một tia sáng
vương vất trên các đồ vật ở chỗ này chỗ kia, như một đèn chiếu nhỏ soi sáng,
một vài góc cạnh nhưng để những chỗ khác có bóng tối. Sức mạnh của tác
dụng bóng và ánh sáng trông thấy rõ trên bề mặt của tác phẩm.
Nói đến tương phản màu sắc là nói đến trường phái Dã thú, và chỉ đến
Dã thú màu sắc như đột biến, mạnh mẽ tuôn trào gay gắt hơn… Những con
thú mê đắm và đẹp ghê gớm của cánh rừng hoang dại đầy bí ẩn đánh thức khả
năng săn mồi phấn khích bởi những cơn cuồng nộ. Các họa sỹ Dã thú muôn
vượt qua rào cản chuồng cũi, phá bỏ sự chiều theo thói quen và những định
kiến cố hữu. Vlamick tự bạch về bản chất trường phái Dã thú “ Nếu không có
năng khiếu hội họa sáng tạo, cống hiến hẳn tôi đã trở nên thảm hại, cái mà tôi
chỉ có thể nói lên trong một bối cảnh xã hội bằng việc tung ra những trái bom
thì việc đó đưa tôi lên đoạn đầu đài, tôi thử nói lên trong nghệ thuật của mình
bằng việc dùng màu nguyên chất lấy ngay từ ống tuýp ra. Như vậy tôi có thể
sử dụng những bản năng dữ dội của mình để tái tạo ra một thế giới cảm quan
sống động và tự do”.
Tác phẩm “Âm nhạc” của Matisse (xem phụ lục H2.8), cặp màu lơ – đỏ
cạnh nhau tương phản mạnh, chói chang thể hiện được “niềm vui cuộc sống”
đúng như tuyên ngôn của họa sỹ. Nhưng màu sắc nguyên bản không pha trộn

bởi tự nhiên, hay thị kiến chiếm lĩnh vị trí tồn tại duy nhất trên bức tranh, nó
18
như là bữa tiệc của màu sắc. (Một số tranh các họa sỹ khác Vlaminck,Derain
vv… ). Tuy chỉ nhấn mạnh đến tương phản nhưng những quy luật điều hòa,
đồng điệu và hài hòa luôn là chỗ dựa cho sự tương phản và ngược lại chế hóa
nhau, làm dịu đi hoặc nêu bật nội dung mà tác phẩm muốn nói. 3 quy luật
đồng thời được thể hiện trong toàn bộ bức tranh là những quy luật rất cần
thiết một phần để bố trí cho quá trình giải quyết những tranh chấp để đến
thống nhất hài hòa.
Dưới đây là phân tích về phương pháp giải quyết tính thống nhất. Định
luật của sự tương phản, đồng thời cũng là định luật của sự tương quan. Nó
giúp ta phân biệt được các vật thể trong không gian, được quy theo nhóm,
theo mặt phẳng hay theo khối. Mà mặt phẳng và khối hoàn toàn được bố cục
và sắp xếp theo định luật và trật tự của các định luật thị giác. Các họa sỹ cần
phải khai thác và làm chủ nguyên lý tương phản trong sáng tác. Trong tất cả
các hình thức mà người hoạ sỹ dùng để tôn vinh nét đặc trưng của chủ thể
trong tranh. Ta thấy bằng cách so sánh hay tạo ra sự đối lập thì chủ thể mới
bộc lộ được nét đặc trưng của mình hoặc diễn đạt được một cách rõ nhất.
Nhưng tương phản của nghệ thuật chỉ tạo thành tác phẩm thành công khi ta áp
dụng những nguyên tắc về sự thống nhất và biến hóa, cân bằng và ổn định.
Tuy tương phản là một đặc tính của nghệ thuật hiện đại nhưng trong nghệ
thuật sự hài hòa các yếu tố tạo thành sự thống nhất. Nếu nhìn ở ngòai khách
quan ta thấy màu đỏ tươi, khi nhắm mắt ta lại thấy màu đỏ ấy biến thành màu
lục nhạt. Nếu nhìn ở khách quan là sự tương phản đen trắng mạnh, khi nhắm
mắt lại ta thấy nó hòa vào với nhau và làm trường độ trong mắt sáng lên một
cấp độ trung hòa.
19
Vì vậy:
1. Tương phản nhưng có phần chính và phần phụ. Ví dụ hình (a) và
hình (b).

Ở hình (a) ta thấy vòng tròn và hình vuông có kích thước tương đương,
có khác nhau về hình nhưng không chênh lệch về tỷ lệ sẽ không có sự so đối
chênh lệch phân biệt để tôn nhau. Trường hợp này là đối nghịch không đem
lại hiệu quả thị giác khiến khó chịu. Tương phản làm cho tác phẩm gây ấn
tượng và sống động phải ở mức độ nào thích ứng với cảm nhận thị giác của
con người tạo ra sự hài hòa thích thú, đưa tôn nhau bởi chính phụ, cũng như
tâm lý của con người muốn có sự phân biệt thứ bậc cao thấp trên dưới v.v…
Để an lòng trong tâm trí đó chính là thuộc tính, cũng như bản chất của con
người vậy.
Ta có những tương phản như: hình tròn sẽ làm tăng giá trị hình vuông,
đường ngoằn nghoèo sẽ làm nổi bật đường thẳng, các đường cong điều hòa sẽ
là quý hiếm, nếu nó được các hình góc cạnh bao quanh hoặc ngược lại. Chất
trơn sẽ làm tăng giá trị cho chất sần sùi, chất thô giáp sẽ làm tăng giá trị của
chất nhẵn mịn.
20
Ở bức ảnh không đề của Alfred Stieglitz (xem phụ lục H2.9) chụp vợ
ông, họa sĩ Georgia O’Keeffe, hai bàn tay cùng với một trong những chiếc sọ
trong tranh của bà. Ở đây không chỉ có sự đối nghịch sáng tối. Đó còn là
tương phản giữa bề mặt nhẵn mịn nhưng cứng của xương và sự mềm mại da
thịt của bàn tay nữ họa sĩ.
Những tương phản về màu sắc cũng có tác dụng lớn trong việc phân biệt
yếu tố chính và phụ, một sắc xám sẽ có vẻ sáng hơn khi nó được so sánh với
một sắc tối hơn, nhưng nó lại có vẻ tối đi nếu đối diện với một sắc sáng hơn.
Một sắc màu mạnh sẽ bị mất đi giữa các sắc màu rực rỡ khác, nhưng nó sẽ nổi
bật ở giữa các màu trầm đục hơn. Cũng như vậy ta có sử dụng các tương phản
sáng tối, đen trắng, các màu nóng đối lập với các sắc lạnh hơn.
Ta có thêm nhận xét tương phản đó là:
2.5Tương phản về tính chất nhưng hài hòa về tỷ lệ:
Nắm được sự biến hóa, độ tương phản mạnh yếu sẽ giúp cho việc sử lý
những bộ phận phức tạp cho bức tranh và cũng giúp cho việc điều tiết nhưng

yếu tố tạo hình trên mặt tranh, có thể cho cứng nhắc thành nhu hòa, mơ hồ
thành sáng sủa. “Như trong “Đôi ngựa” của Henry Tomura (xem phụ lục
H2.10), bóng xám của ngựa trắng; làm cho sự tương phản giữa ngựa trắng và
ngựa đen trở nên nhu hòa, còn màu trắng cũng làm cho sự tương phản yếu của
ngựa đen và bầu trời trở nên sáng sủa.” (Vương Hoằng Lực) Hoặc bài tập của
những sinh viên đang thực hành, thấy rõ sự thiếu kinh nghiệm xử lý những
sắc độ, đậm nhạt cũng như mầu sắc, tạo ra một bức vẽ: một là không phân
biệt chênh lệch các độ sáng hoặc trắng nên bị bạc; hai là độ chênh lệch cũng
như độ đậm quá mạnh không có sự chuyển các bậc độ tạo nên khô hoặc cháy.
Sự tương phản mãnh liệt cố nhiên là rất có sức mạnh nhưng không tránh khỏi
là rơi vào đơn điệu, vì thế cần phải điều tiết hoặc nhạt hóa.
21
Với tổ hợp nét có mật độ dầy đặc và phức tạp, những đường nét đan xen
nhau, thay đổi liên tục về chiều hướng không tạo được khoảng trống để nghỉ
mắt trên mặt phẳng hai chiều. Như vậy không có sự so đối giữa hình và nền,
giữa thưa và mau, sẽ tạo ra sự rối loạn khó chịu, căng thẳng. Chính vì vậy nhờ
biến động của mật độ và tương phản mà nghệ thuật hội họa truyền thống
Trung Hoa được mệnh danh là nghệ thuật bỏ trống. Như tranh minh họa của
Jonh Austin trên bờ hồ Roman (xem phụ lục H2.11) u tịch mỹ lệ hai tiên nữ
đang chồm những đóa hoa. Cành cây hoa lá rậm rạp đan giao nhau dệt thành
sắc xám tôn nổi hai tiên nữ trắng ngần. Cả bức tranh là nhu hòa ấm áp, hình
như rừng cây, hồ nước cũng chẳng có chút gì lạnh lẽo. Thế nhưng nếu tranh
không chừa lại mộ khoảng không gian thoáng để thở nhìn lâu sẽ bị mỏi mắt.
Do vậy hãy nhìn lại hình minh họa (b) ta thấy hình vuông lớn, hình tròn
nhỏ, hoặc hình tròn lớn hình vuông nhỏ nội tiếp cho thấy sự thuận mắt với
một tỷ lệ chênh lệch trong giới hạn của các cấp độ cho phép tùy vào sự cảm
nhận, cá tính của họa sỹ cũng như ý đồ của tác phẩm đặt ra trước những vấn
đề của cuộc sống và xã hội. Từ rất sơm trong hội họa đã có quy luật tương
phản phù hợp với trạng thái tâm sinh lý của con người trước tự nhiên. Mặc
nhiên cảm thức của con người đã tiếp nhận sự bừng tỉnh và hoạt động của

buổi bình minh, tắt dần rồi nghỉ ngơi của buổi hoàng hôn.
Nguyên lý thuyền và nước, đó chính là vẻ đẹp của sự kết hợp giữa nước
và thuyền. Nước thì mềm mại, uyển chuyển, vận động tôn nổi con thuyền thì
cứng chắc thô ráp, nặng nề và tĩnh. Vẻ đẹp đó đã được mô tả trong bài thơ
“Thuyền và Biển” của Xuân Quỳnh, quan hệ giữa thuyền và biển là quan hệ
tình yêu. Biển tượng trưng cho người con gái, thuyền tượng trưng cho người
con trai, quan hệ gắn bó thắm thiết. Tuy nhiên có lúc biển nổi sóng để xo
thuyền cũng như tình yêu có lúc va chạm. Nhưng rồi cuối cùng vẫn là tình
22
yêu hạnh phúc, có va chạm, có xô xát, mâu thuẫn, đến cao trào mới biết “Chỉ
có thuyền mới hiểu…. đi đâu về đâu”. Sự năng động của nước đã làm cho
con thuyền rẽ sóng ra khơi giúp cho con người có cuộc sống, tồn tại phát
triển. Tương phản về chất này là sự tương phản nảy sinh giữa hai loại vật thể,
cả hai tuy mâu thuẫn nhưng lại chứng thực đặc trưng của nhau, tương phản
dạng thức sóng cong thuyền thẳng, cũng đồng thời là tương phản trạng thái
giữa động và tĩnh. Con thuyền ra khơi, lướt trên sóng lúc êm dịu, lúc nâng lên
rồi lại hạ xuống nhịp nhàng đủ để cho sự thăng bằng, cho nhịp sống hài hòa.
Có lúc sóng to gió lớn, đầy thách thức, mạo hiểm nhưng nhiều hy vọng. Đó là
một trạng thái cân bằng tâm lý, đứng ở góc nhìn tạo hình thấy được sự chuyển
động, một không khí phấn khởi tươi vui, bức tranh tràn đầy sức sống, con
người như muốn căng ra gồng lên trước những đợt sóng gió và những mẻ lưới
đầy ắp cá…. Tất cả tùy theo từng cấp độ lớn nhỏ mà đem lại những cảm xúc
khác nhau trong trạng thái cân bằng hai hòa phù hợp với nhu cầu của cuộc
sống cũng như sự thuận mắt gây cảm xúc thẩm mỹ trong tác phẩm hội họa.
Vậy khi sóng to bão lớn như muốn nuốt chửng con thuyền, con sóng chồm
lên dữ dội, khung cảnh quá khác thường với sự chênh lệch quá lớn cả về tỷ lệ
lẫn sức mạnh như muốn đập tan bẻ gẫy … Vì vậy nước nâng thuyền và nước
cũng lật thuyền chìm.
Thuyền và nước là một cặp tương phản về bản chất nhưng lại hài hòa về
tỷ lệ - tương phản năng lực.

Nước nâng nổi thuyền làm cho con thuyền sống động khi nước thành
bão tố con thuyền trở nên mong manh, yếu đuối. Đây là tương phản về bản
chất và tỷ lệ - tương phản năng lượng.
Ở đây chúng ta chỉ mượn hình ảnh ẩn dụ thuyền và biển để diễn tả sự
thái quá của tự nhiên và cuộc sống để có cách giải quyết. Vậy tương phản
23
bằng nhau về tỷ lệ, hoặc chênh lệch quá lớn đều dẫn đến mất cân bằng hoặc
đối lập gay gắt gây khó chịu. Ở tranh vẽ Tôm của Tề Bạch Thạch ( xem phụ
lục H2.12), độ đậm nhạt chuyển tinh tế từ đậm nhất cho đến nhạt nhất hòa lẫn
vào nhau, cái đầu con tôm tụ đậm rồi lan tỏa nhạt dần tới đuôi. Con tôm như
đang chuyển động thoải mái vui đùa. Tôm và nước tuy hai trạng thái vật chất
khác nhau, nước thì mềm mại, tôm với những chiếc càng và thân hình vẩy
cứng, nhưng dường như nước và tôm đã quyện vào nhau. Tuy không vẽ nước
nhưng vẫn thấy rõ những con tôm đang bơi và dòng nước đang trôi theo sự
chuyển động của đàn tôm. Nước trong tranh nhờ tôm mà trở nên sinh động
gợi liên tưởng, tôm nhờ nước mà trở nên sống động như bật mình bơi vút vào
không gian của nước. Ta hình dung những con tôm đang thở qua những động
tác chuyển động trái phái của hướng đầu, những chiếc càng và râu cái thẳng,
cái cong cho ta thấy một sự chuyển động nhịp nhàng thanh thoát. Đó là sự
thay đổi đậm nhạt khác nhau cũng là tính đặc thù hay tài khả năng cảm nhận
tinh tế của nghệ sỹ phương Đông trước cuộc sống. Sự nhịp nhàng này thể
hiện sự hài hòa giữa sự vật (con tôm) với thiên nhiên cũng chính là con người
luôn gần gũi với thiên nhiên, thấu hiểu thiên nhiên và yêu thiên nhiên. Thiên
nhiên đem lại sự sống cho con người và con người tô điểm thêm cho thiên
nhiên được đẹp đẽ, có giá trị thẩm mỹ. Với hình ảnh thuyền và biển khi ở
trong trạng thái mất cân bằng vì con sóng quá dữ tợn như muốn nuốt chửng
con thuyền (tranh Sóng của Hokusai) (xem phụ lục H2.13) thì ở hội họa của
Tề Bạch Thạch đã thể hiện sự hài hòa với chênh lệch về sắc độ đậm nhạt vừa
đủ, cho thấy cuộc sống luôn trôi chảy trong dòng chảy vĩnh hằng của sự sống.
Tranh vẽ Ngựa của Từ Bi Hồng (xem phụ lục H2.14) với thủ pháp tương

phản mạnh và yếu, giữa nét đuôi và bờm dứt khoát khỏe khoắn với thân hình
thon thả mềm mại. Sự kết hợp tinh tế của thế chân và đuôi ngựa như là bàn
đạp về phía sau, nâng thân hình của những con ngựa lao vút về phía trước.
24
Không gian nền và ngựa như quyện vào nhau hài hòa, cứng mềm, có và
không… đan xen vào nhau. Toàn bức tranh trở nên sống động khác tranh vẽ
Tôm của Tề Bạch Thạch, họa sỹ không vẽ nước mà là vẽ không khí, không tả
gió của con ngựa khi đ ang phi mà ta vẫn thấy rõ những luồng gió đang lướt
qua thân hình, đặc biệt là bờm và đuôi ngựa. Không khí cũng như muốn hòa
theo sự vui đùa khoan khoái của những chú ngựa. Với tỷ lệ cân xứng, tương
phản hài hòa làm hài lòng cảm giác thị giác của con người trước tự nhiên,
cũng như trước tác phẩm nghệ thuật.

25

×