Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nỗi đau về bệnh tật, nỗi đau về một
kiếp sống ngắn ngủi đã khiến cho những vần thơ của ông thấm đẫm một nỗi buồn da diết.
“Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là một bài thơ được nhà thơ sáng tác vào những năm cuối đời của
mình, với nỗi niềm tiếc nuối với mối tình với cô gái trong mộng chưa kịp chớm nở đã bị số
phận trớ trêu cắt đứt. Bài thơ cũng là một bức tranh về thôn Vĩ Dạ thơ mộng bên bờ sông
Hương, thật đẹp, những vẫn thấm đẫm một nỗi buồn da diết, bâng khuâng của Hàn Mặc Tử.
Sau câu hỏi đầu tiên: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, câu hỏi vừa như một lời trách móc
nhẹ nhàng, vừa như một lời mời về với thôn Vĩ Dạ, toàn bộ cảnh vật nơi đây hiện dần lên
qua những dòng thơ của Hàn Mặc Tử.
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Khung cảnh thôn quê mộc mạc nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ hiện lên trước mắt người đọc
qua từng câu thơ. Từ cổng vào, đã thấy hàng cau thẳng tắp, xanh mướt. Từng tia nắng
chiếu trên hàng cau ấy. Nắng mới lên là một màu nắng nhạt, không quá chói chang và cũng
không gây ra cảm giác nóng nực của nắng trưa. Nắng mới lên trải đều lên hàng cau, biểu
hiện cho một sức sống mãnh liệt, một vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn, sinh động. Vào đến sâu
trong vườn, cũng lại chỉ thấy một màu xanh của cây cối, của lá trúc. Cả khu vườn xanh
mướt, mượt mà đến lạ lùng. Từ “mướt” ở đây, để chỉ một màu xanh bóng, tựa như mọi nơi
đều là màu xanh, xanh đến lạ lùng. Màu xanh ngọc ở đây ,cũng có thể là do nắng chiếu
xuyên qua lá tạo thành màu xanh ngọc, cũng có thể là do nắng chiếu lên những giọt sương
sớm còn đọng trên phiến lá tạo thành những viên ngọc long lanh, đẹp tuyệt vời. Trong
không gian xanh mộc mạc, giản dị nhưng cũng tuyệt đẹp đó, con người xuất hiện khiến cho
cảnh vật càng trở lên sinh động. Tác giả không nói rõ người ấy là ai, cũng chẳng rõ hình
dáng khuôn mặt, chỉ biết người ấy ẩn ẩn hiện hiện sau màu xanh của lá trúc. Đó cũng có thể
là một người đang chăm sóc vườn, cũng có thể là một người khách đến thăm.
Chỉ với vài nét phác họa, nhưng cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ dần dần hiện ra trước mắt người
đọc. Cũng có thể do thời gian đã lâu, nên những gì còn đọng lại trong tâm trí Hàn Mặc Tử
chỉ là những gì nổi bật nhất, đặc trưng nhất mà thôi. Nhưng cũng chỉ cần có thể, một bức
tranh nơi làng quê giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy thơ mộng đã được vẽ nên chỉ với vài
nét bút. Không chỉ thế, ẩn sau từng câu chữ tả cảnh, cũng được gửi gắm trong đó nỗi lòng
nhà thơ, một niềm hi vọng, một nỗi khát vọng sống mãnh liệt.
Phóng mắt ra xa, chính là trời đất, gió mây, sông nước:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Tuy vẫn là cảnh thiên nhiên, nhưng nó đã bị vương một chút gì đó của sự tan rã, chia ly. Gió
thổi mây bay, từ xưa đến nay gió với mây vốn vẫn luôn quấn quýt với nhau, chẳng mấy khi
tách rời. Vậy mà ở đây, gió đi một đường, mây đi một nẻo, hai con đường ấy không trùng
nhau. Gió với mây chia ly, dòng nước cũng trở nên buồn bã, hiu quạnh. Tất cả như dừng lại
vì chán nản, chỉ còn những bông hoa bắp ở hai bên bờ khẽ khàng lay động, như vô tình
không biết, hay có lẽ là đang quan tâm, an ủi dòng sông đang buồn trước cảnh chia ly. Giữa
cảnh thực, Hàn Mặc Tử bỗng lại vẽ lên con thuyền và bến sông trăng. Thuyền sắp đi, liệu có
chờ kịp trăng để chở trăng về tối nay. Cái mờ ảo thấm đẫm từng câu thơ, hư hư thực thực.
Thuyền trăng, bến sông trắng, đó chỉ là những thứ mà tác giả tưởng tưởng ra, là ảo ảnh, là
sự tiếc nuối, lỡ làng của một kiếp sống dở dang với đời, với tình.
Ở khổ thơ thứ ba, thấp thoáng đâu đó là hình ảnh người con gái trong lòng “Hàn Mặc Tử:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo xem trắng quá, nhìn không ra”
Từ “mơ” được đặt ở đầu câu, có thể hiểu đó là mơ ước, cũng có thể là giấc mơ. Người con
gái ở nơi xa luôn ở trong tim, trong tâm và đi theo cả nhà thơ vào trong mơ. Đó là do sự nhớ
mong da diết người ở phương xa, nên bất cứ lúc nào cũng có thể nhầm tưởng, cũng có thể
mơ tới. Thế nhưng, nhớ nhung thì sao, bởi vẫn là sự chia ly. Em đã là “khách đường xa”,
anh cũng chẳng thể nhìn thấy em được nữa. Vì đã là người khách đi xa, bóng hình em cũng
chỉ còn là những hình ảnh nhạt nhòa, mở ảo mà thôi. Màu áo dài trắng là một màu đặc
trưng của những người con gái Huế, tác giả cũng muốn nhắc đến vẻ đẹp trong sáng, thánh
thiện của người con gái ấy. Mãi mãi, người con gái ấy vẫn luôn đẹp trong tâm trí nhà thơ.
Thế nhưng, với một cuộc sống ngắn ngủi, nhà thơ chỉ biết thốt lên lời than:
“Ở đây sương khói mở nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Sương khói mờ nhân ảnh, hay cũng chính là cuộc đời lắm chông gai, lắm biến cố, lắm thứ
làm người ta mờ mắt. Giữa nhân gian bụi bặm, liệu người còn ghi tạc mối tình năm ấy hay
là đã quên rồi? Câu thơ cuối, không rõ là ai hỏi ai, có thể là hà thơ hỏi người tình nơi xa,
cũng có thể là nhà thơ tự vấn chính mình. Câu hỏi cũng như tiếng kêu thắt ruột, của một con
người cuộc đời dở dang mà tình duyên cũng dang dở. Đoạn cuối khổ thơ đầy những hình
ảnh hư hư thực thực, như toàn bộ những cảm xúc tuyệt vọng, đau khổ, nhớ nhung…đang
vây lấy nhà thơ.
Về nhan đề, “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một bài thơ tả cảnh thôn Vĩ, và đúng vậy, một khung
cảnh giản dị nhưng đầy thơ mộng đã hiện ra trước mắt người đọc. Thế nhưng, trong cảnh
ấy, vẫn thấm một nỗi buồn chia ly, nỗi nhớ nhung sâu sắc của một người đang yêu. Bài thơ
sẽ mãi là những vần thơ đẹp nhất trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của Hàn Mặc Tử.