Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.22 KB, 3 trang )

N h ữ n g c á c h h i ể u k h á c n h a u v ề h a i t r u y ệ n
n g ắ n “ c h í p h è o ” v à “ đ ô i m ắ t ” c ủ a n a m c a o
Phạm Ngọc Hiền
Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thường tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Một phần do tâm lý bạn
đọc hoặc do hoàn cảnh lịch sử xã hội chi phối. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là tác giả đã vô tình hay hữu
ý tạo ra những “ điểm trắng” trong tác phẩm để bạn đọc tham gia sáng tạo. Wolfgang Iser gọi văn bản
nghệ thuật là một “ kết cấu vẫy gọi “. Nó luôn nằm trong trạng thái” mở “ để mời chào các nhà thám hiểm
ngôn ngữ đến khám phá nhằm phát hiện những điều kỳ diệu, bất ngờ ẩn dấu trong “ rừng chữ”. Hai
truyện ngắn “ Chí Phèo” và “ Đôi mắt” của Nam Cao thật sự là những toà kiến trúc ngôn ngữ phức tạp,
đa tầng, có nhiều cách hiểu khác nhau.
Trước hết, ta hãy nói đến kiệt tác “ Chí Phèo”. Lâu nay, mọi người đều thừa nhận rằng, Chí Phèo và Bá
Kiến là hai kẻ thù thuộc hai giai cấp đối kháng nhau: thống trị và bị trị . Ngoài mối quan hệ chủ – tớ ra thì
không có mối quan hệ nào khác . Tuy nhiên, gần đây, có người cho rằng : Chí Phèo là con ruột của Bá
Kiến. Phát hiện này đã gây ra sự ngỡ ngàng cho rất nhiều người. Họ tưởng nhà phê bình đó đã lần về
tận làng Vũ Đại để điều tra lai lịch Chí Phèo. Nhưng thực ra, chỉ cần tìm hiểu bản thân câu chữ trong tác
phẩm là ta có thể chứng minh được điều đó. Có ít nhất ba lý do để kết luận rằng: Chí Phèo là con rơi của
Bá Kiến.
Một là: Bá Kiến là người háo sắc. Chỉ riêng về vợ đã có “ bà cả, bà hai, bà ba, bà tư “. Ngoài ra còn phải
kể đến những mối quan hệ lăng nhăng với các phụ nữ khác, như vợ của Binh Chức chẳng hạn. Và biết
đâu trong số những người đàn bà đã từng ăn nằm với Bá Kiến có người đã mang bầu với hắn. Để tránh
dư luận xóm làng, người đó đã mang đứa trẻ sơ sinh ra bỏ lò gạch. Và như thế, một Chí Phèo ra đời.
Hai là: Trong lúc Chí Phèo rạch mặt đòi ăn vạ vì bị Lý Cường đánh thì Bá Kiến về tới nhà và hiểu ra cơ
sự. Bá Kiến dìu Chí Phèo vào nhà và nói với giọng thân mật:” Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Lâu
nay, mọi người hiểu rằng, đó là thủ đoạn “ mềm nắn rắn buông” của Bá Kiến. Tức là bịa ra chỗ “ bà con
ruột rà “ để xoa dịu sự phản kháng của Chí Phèo. Nhưng biết đâu mối quan hệ máu mủ đó là sự thật:
Chí Phèo và Lý Cường là hai anh em cùng cha khác mẹ (!) .
Thứ ba: Chí Phèo ngày xưa được coi như là người nhà của Bá Kiến và Chí được “ quyền thu quyền bổ
trong nhà tin cẩn “. Sở dĩ Chí được ưu ái như vậy là vì Bá Kiến cũng có chút tình cảm thầm kín với đứa
con rơi vô thừa nhận. Sau khi ở tù về, Chí Phèo được Bá Kiến cho vườn và nhà. Mọi người nghĩ rằng :
Bá Kiến cho tiền Chí là để biến anh ta thành tay chân đâm thuê chém mướn cho hắn. Nhưng thật ra,
trong cái làng Vũ Đại nhỏ bé này, một năm chỉ được vài vụ là phải dùng đến con dao của Chí Phèo. Món


lời không được bao nhiêu mà phải cấp tiền nơi Chí Phèo ăn nhậu hơn mười năm trời quả không phải là
diệu kế của Bá Kiến. Trong ngần ấy năm chí Phèo không lao động mà vẫn nhận được sự tiện trợ về tài
chính từ Bá Kiến. Bất đắc dĩ Bá Kiến phải nuôi một thằng con rơi hư hỏng. Nhiều lúc cũng tận dụng tính
liều lĩnh của con nhưng cũng không muốn con quá hư hỏng lười biếng để tạo gánh nặng cho mình.
Trong đoạn cuối tác phẩm, Bá Kiến nói: “ Rồi mà làm ăn chứ cứ báo người ta mãi à?”, “ tôi chỉ cần anh
lương thiện cho thiên hạ nhờ”. Đó là những mong muốn sự thật của Bá Kiến. Nhưng Chí Phèo đã xông
tới quá nhanh đến mức Bá Kiến không kịp nói lên sự thật máu mủ. Và cũng là nhờ chưa biết điều đó nên
hành động của Chí Phèo không được coi là trái với đạo lý.
Ngoài ra, truyện “ chí Phèo” còn có nhiều chi tiết “ lấp lửng” nữa. Chẳng hạn, Chí Phèo đi tù vì lý do gì ?
Nếu do tội ăn cắp thì có thể xảy ra hai trường hợp: Đó là chuyện xếp đặt của pháp luật, Bá Kiến không
có lỗi. Nhưng cũng có thể Bá Kiến nhân việc này đẩy Chí Phèo đi biệt tích để xoá dấu vết của mối quan
hệ bất chính giữa hắn và mẹ Chí Phèo. Tác phẩm còn gợi ý lý do khác: Do Bá Kiến ghen tuông mù
quáng . Có thật sự là Chí Phèo đã có quan hệ xác thịt với bà Ba không? Còn bà cô Thị Nở không cho Thị
lấy Chí Phèo vì lý do gì ? Biết đâu bà biết rằng giữa Chí Phèo và Thị Nở lại có “ bà con” với nhau (như
giữa Chí và Lý Cường) ? Ta biết rằng bà cô Thị Nở không có chồng. Mà Bá Kiến là người ưa mèo mỡ,
ngay cả đàn bà đã có chồng mà hắn còn quan hệ được thì huống hồ chi là phụ nữ không chồng. Chí
Phèo không hiểu gì về mối quan hệ đó nên tránh được cái tội tày trời” đâm mẹ giết cha “ mà người đời
gián cho. Nhưng giả sử cứ cho rằng cái giả thuyết bà cô Thị Nở là mẹ ruột Chí Phèo là không đúng thì
vẫn còn có nhiều cách khác lý giải hành động cuả bà cô. Bà cấm cháu bà lấy Chí là vì Chí là tên lưu
manh ? Vì sợ dư luận xã hội? Vì Thị Nở đã lớn tuổi thì nên” nhịn hẳn” ? Hay “Có lẽ bà tủi cho thân bà
(…) không có chồng (….) rồi đổ cái uất ức ngay lên cháu bà “. Có thể bà đã từng rất nhiều lần mơ tưởng
đến việc sống chung với một người đàn ông lớn tuổi chưa vợ nào đó trong làng nhưng không được thoả
nguyện nên bà tức và hành hạ cháu gái của bà ( bởi vây, các nàng dâu thường hay sợ mấy bà cô lớn
tuổi chưa chồng) . Và rồi trái với ý muốn của bà, một Chí Phèo con cũng sẽ chào đời. Liệu con người này
có ích cho xã hội hay không? Nếu Chí Phèo cha cầm dao đâm vào phong kiến thì biết đâu Chí Phèo con
sẽ đâm vào thực dân đế quốc và trở thành anh hùng dũng sĩ? Mỗi ban đọc có thể suy luận theo một cách
khác nhau, không nhất thiết phải tuân theo ý đồ của tác giả. Bởi vì: “ Một tác phẩm khi đã xuất bản, tác
giả không còn quyền gì đối với độc giả để có thể giải thích những điều mình viết “ ( P. Valéry).
Tiếp theo, ta hãy chuyển sang truyện ngắn “ Đôi mắt”. Quan điểm phổ biến hiện nay là: nhân vật Độ hiện
thân cho tác giả. Còn Hoàng có quan điểm trái ngược với Độ nên Nam cao phê phán Hoàng. Có nhà

nghiên cứu nói rằng khi nghe vợ chồng Hoàng nói xấu nông dân ,“Nam Cao đến lộn ruột lên được.
Nhưng giọng kể cứ thản nhiên như không “. Điều đó đúng nhưng cũng không thể bắt bạn đọc chỉ dừng
lại ở cách hiểu ấy. Biết đâu Nam Cao có sự đồng tình với Hoàng
Trước hết, cần thấy rằng : Nam Cao - Độ – Hoàng cùng đứng chung một trận tuyến. Hoàng bất hợp tác
với Pháp nên sẵn sàng rời bỏ Hà Nội phồn hoa để tản cư ra vùng kháng chiến. Hoàng ca ngợi lãnh tụ hết
lòng và nâng Hồ Chí Minh lên hàng vĩ nhân của thế giới. Tuy nhiên, trong nội bộ cách mạng, khó tránh
khỏi kẻ theo quan điểm này, người theo quan điểm kia. Cái nhược điểm lớn nhất của Hoàng là có cái
nhìn phiến diện, coi khinh người nông dân nhưng chính Nam Cao cùng đã từng mắc nhược điểm đó.
Trong một số tác phẩm viết trước năm 1945 ông thường gọi nông dân một cách khinh miệt là: hắn, y, thị,
gã…. Ngoài bút hơi thiếu thiện cảm và có phần quá trớn khi miêu tả chân dung xấu xí của Thị Nở. Có lúc
sa vào khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa như việc miêu tả cảnh làm tình “ bình dân “ của Chí Phèo và
Thị Nơ. Trong giáo trình “ Văn học Việt Nam 1930 – 1945” tập I, bài “ Nam Cao” (NXB Đại học và Giáo
dục chuyên nghiệp, H.1988), có những câu nhận định như sau: “ Cũng có lúc nhà văn sa đà, lệch hướng
( Nửa đêm) “, “ cái nhìn của Nam Cao là bi quan, tuyệt vọng. Sau cách mạng tháng Tám, do có dịp gần
gũi hơn với nông dân, và hơn nữa, được tiếp nhận một thế giới quan mới, Nam Cao đã thấy được nhược
điểm cuả mình trong những tác phẩm viết về nông dân trước cách mạng “. Điều này được minh chứng
bởi lời của nhân vật Độ” Người nhà quê dẫu sao cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta (… ) tôi đã
gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, nheo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương.
Nghe các ông nói đến “ sức mạnh quần chúng”, tôi rất nghi ngờ (…) nông dân nước mình thì vạn kiếp
nữa cũng chưa làm cách mạng”. Như vậy Nam Cao- Độ – Hoàng từng có chung một thái độ coi thường
người nông dân. Cho nên, Nam Cao không thể phê phán Hoàng một cách thẳng thường được. Có người
còn cho rằng, Nam Cao đã làm một phép phân thân, chia mình ra làm hai. Một nửa là Độ, nửa kia là
Hoàng. Tính cách của Hoàng không chỉ hiện thân cho quá khứ của Nam Cao mà nó vẫn đủ lý do để tồn
tại trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Thậm chí đến cả ngày nay, những người như Hoàng không
phải là ít.
Ta thấy giọng điệu của Nam Cao không có ý phê phán cách nhìn đời của Hoàng. Nhân vật xưng ” tôi” gọi
Hoàng là “anh” với ý kính nể. Nam Cao nhập thân vào Hoàng và miêu tả khá kỹ nên nhân vật này sống
động hơn Độ. Người đọc ít nhớ lời của Độ mà nhớ như in lời của Hoàng. Bởi lẽ Hoàng có cách ăn nói tài
giỏi của một tay buôn bán chợ đen đại tài, cộng với cái năng khiếu sử dụng ngôn từ nghệ thuật điêu
luyện của một nhà văn đàn anh. Trong cuộc tranh luận, hai vợ chồng Hoàng đã thắng Độ. Lời lẽ của Độ

có vẻ từ tốn, nhún nhường không chỉ để giữ cung cách của một nhà văn đàn em mà điều quan trọng hơn
là Độ không đủ lý lẽ để phủ nhận lời Hoàng. Những luận cứ mà Hoàng đưa ra đều hoàn toàn có thật,
đúng như anh đã thề “ Tôi có bịa một tí nào, tôi chết”. Hoàng đã nói đúng những nhược điểm của nông
dân và cách mạng buổi đầu kháng chiến. Như tập tục lạc hậu, thói quen tò mò tọc mạch , dốt chữ mà cứ
mở miệng ra là “ nói chuyện chính trị rối rít cả lên “, khoe khoang không đúng lúc, đùa nghịch với súng
đạn….Nam Cao đã mượn lời của Hoàng để góp ý xây dựng. Chẳng hạn, đề bạt cán bộ thì phải chú ý
đến năng lực ( chứ đừng bắt anh bán cháo lòng làm chủ tịch khu phố ). Cần xoá bỏ tệ quan liêu, cửa
quyền ( đừng như các anh tự vệ ham hỏi giấy ra vào cổng làng). Còn để biểu dương những mặt tốt của
nông dân và cách mạng, tác giả dùng lời của Độ. Như vậy, giá trị nhận thức của tác phẩm thể hiện ở chỗ:
Nam Cao không bôi đen hoặc hoàn toàn tô hồng quần chúng cách mạng mà tái hiện lại một bức tranh
chân thực với những mặt ưu và khuyết điểm vốn có của nó. Có thể nói, Nam Cao là nhà văn đầu tiên đã
dùng văn học mở đầu cho việc phê bình và tự phê bình để góp phần đưa phong trào cách mạng ngày
càng hoàn thiện và lớn mạnh hơn.
Nói tóm lại, việc tạo ra độ “ nhoè “ về nghĩa là rất cần thiết trong sáng tác văn học. Để cho độc giả mỗi
lần đọc lại tác phẩm là thêm một lần phát hiện ra ý nghĩa mới. Như lời của nhân vật Hoàng “ Tam Quốc
với Đông Chu thì đọc đi đọc lại mãi vần thấy thú vị như mới đọc”. Cũng có thể nói như vậy với truyện
Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, hay truyện ngắn của Lỗ Tấn, Hêmingway…. Nói không quá đáng rằng: tính
mơ hồ, đa nghĩa hay bút pháp “ Ý tại ngôn ngoại “ là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sức cuốn hút
mạnh mẽ của một tác phẩm văn chương .

×