Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính và vận dụng vào việc giáo dục những phẩm chất đó cho học sinh, sinh viên hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (145.6 KB, 13 trang )

PHẦN MỞ ĐẦU
Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cùng
với những tác động tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường, một nền đạo
đức mới đã và đang hình thành cùng với hai mặt của nó. Học sinh, sinh viên là thế
hệ trẻ, là thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời cũng là những người chịu ảnh
hưởng nhanh nhất và dễ dàng nhất của những trào lưu mới. Là một sinh viên đã
được học Tư tưởng Hồ Chí Minh, liên hệ với bản thân nói riêng và với thực trạng
của học sinh, sinh viên hiện nay nói chung, em thấy việc học tập và vận dụng tư
tưởng Hồ Chí Minh về những đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính là vô cùng quan
trọng; không phải chỉ vì đó là những phẩm chất đạo đức cơ bản cần có ở mỗi con
người mà theo em hiểu: để đất nước phát triển vững mạnh cần có những con người
mới phát triển toàn diện cả Tài và Đức như Bác Hồ đã dạy. Chính từ cách nhìn
nhận đó, em lựa chọn nghiên cứu sâu hơn về đề tài: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về
Cần, Kiệm, Liêm, Chính và vận dụng vào việc giáo dục những phẩm chất đó
cho học sinh, sinh viên hiện nay”.
Em xin chân thành cảm ơn cô Vũ Thị Phương Mai – giảng viên trực tiếp
giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cảm ơn các thầy cô giáo trên Trung tâm
Thông tin – Thư viện của trường, cùng các anh chị và các bạn đã giúp đỡ em hoàn
thành đề tài tiểu luận này. Bài tiểu luận chắc không tránh khỏi những thiếu sót,
kính mong các thầy cô đóng góp ý kiến để bài tiểu luận này của em được hoàn
thiên hơn.
Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn!
Sinh viên thực hiện: Đỗ Thị Minh.
Lớp: Đ4CT2
A- NỘI DUNG
I – Tư tưởng của Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
1
Một ngày sau khi nước nhà giành được độc lập (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí
Minh chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người trình bày sáu
nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có vấn đề
thứ tư cần phải giải quyết lúc bấy giờ là “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với


rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng
những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có
nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho
dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân
tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Để làm được những điều đó, Người đề
nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện:
CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”
Để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã có nhiều tác phẩm viết về vấn đề này, Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm
“Đường Kách mệnh”, chương đầu tiên của cuốn sách là Tư cách một người cách
mệnh và tiêu chuẩn đầu tiên trong tư cách một người cách mệnh chính là: cần
kiệm. Sau này là các tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), “ Thực hành tiết
kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (1952). “Đạo đức cách
mạng” (12-1958) và các bài báo như “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, “Cần kiệm
liêm chính”, “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, “Nâng cao đạo đức cách
mạng, quét sách chủ nghĩa cá nhân” Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại
cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người nhắc “Đảng ta là một đảng cầm
quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư ” và “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức
điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những khái niệm đạo đức cũ , được Hồ Chí Minh
tiếp thu, chọn lọc, đưa vào những yêu cầu và nội dung mới. Đây là phẩm chất đạo
2
đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người, là đại cương đạo đức Hồ Chí
Minh, Người viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”.
(Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.631)
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, bọn phong kiến ngày xưa nêu ra Cần, Kiệm,
Liêm, Chính nhưng không bao giờ thực hiện mà lại bắt nhân dân tuân theo để
phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay, ta đề ra Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho cán
bộ thực hiện làm gương cho nhân dân là để đem lại hạnh phúc cho dân. Với ý
nghĩa như vậy, Cần, Kiệm, Liêm, Chính cũng là một biểu hiện cụ thể, một nội
dung của phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”.
Cần là siêng năng, chăm chỉ; lao động có kế hoạch, có hiệu quả, có năng
suất cao với tinh thần tự lực cánh sinh. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm
cỏ thì lúa tốt. Người siêng học tập thì mau tiến. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng
kiến. Siêng hoạt động thì có sức khỏe. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà
siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng
năng thì nước giàu mạnh.
Kiệm là tiết kiệm (tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm của
cải…) của nước, của dân; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, không
phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù. Tiết kiệm không phải là
bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu.
Khi có việc đáng làm, việc lợi ích thực sự cho dân thì tốn bao nhiêu công, bao
nhiêu của cũng không tiếc.
3
Liêm là luôn tôn trọng của công và của dân. Phải “trong sạch, không tham
lam” tiền của, địa vị, danh tiếng.
Chính là thẳng thắn, đứng đắn: Đối với mình – không được tự cao, tự đại, tự
phụ, phải khiêm tốn học hỏi, phát triển cái hay, sửa chữa cái dở của mình. Đối với
người – không nịnh người trên, không khinh người dưới, thật thà, không dối trá.
Đối với việc – phải để việc công lên trên, lên trước, việc thiện nhỏ mấy cũng làm,
việc ác nhỏ mấy cũng tránh.
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính có quan hệ
chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm, làm chừng nào, xào chừng ấy giống như

một chiếc thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm. Chữ Liêm
phải đi đôi với chữ Kiệm, có Kiệm mới Liêm được vì xa xỉ mà sinh tham lam. Cần,
Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ lại cần có cành, lá,
hoa, quả mới là hoàn chỉnh.
Đối với một quốc gia, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là thước đo sự giàu có về vật
chất, vững mạnh về tinh thần, thể hiện sự văn minh tiến bộ. Cần, Kiệm, Liêm,
Chính còn là nền tảng của đời sống mới, của các phong trào thi đua yêu nước.
II – Vận dụng vào việc giáo dục lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên hiện
nay.
1. Thực trạng việc thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính trong học sinh, sinh
viên hiện nay.
Lịch sử của nhân loại cũng như của mỗi một dân tộc phát triển theo một
dòng chảy liên tục, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Đó là một quy luật. Xuất phát từ
quy luật vận động của xã hội loài người ấy, Hồ Chí Minh đã khẳng định tuổi trẻ
không những là người kế tục các thế hệ trước, mà còn là tương lai của dân tộc.
Ngưởi đã ví tuổi trẻ như mùa xuân, bắt đầu của một năm. Năm 1969 trong thư gửi
học sinh, Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ
tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.” Câu nói đó thể hiện vai trò quan trọng
của tuổi trẻ đối với sự phát triển của xã hội.
4
Thực hiện chính sách mở cửa, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định
hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cho chúng ta những vận hội mới, thời cơ và
thách thức mới. Học sinh, sinh viên là thế hệ trẻ của đất nước, có thể coi là lứa tuổi
nhanh chóng tiếp thu những kiến thức cũng như những trào lưu mới của quá trình
hội nhập. Trong những ảnh hưởng của quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa ấy,
có nhiều ảnh hưởng tích cực nhưng cũng không ít những ảnh hưởng tiêu cực đang
tác động mạnh mẽ đến thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay nhất là về mặt đạo đức
lối sống. Việc thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính trong học sinh, sinh viên cũng
không tránh khỏi những ảnh hưởng hai mặt đó.
Từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam đã có những truyền thống tốt đẹp. Những

truyền thống ấy vẫn còn được lưu giữ trong một chặng đường dài đấu tranh dựng
nước và giữ nước. Có thể nói, đức tính cần cù, chịu khó là một trong những nét đạo
đức truyền thống nổi bật của con người Việt Nam. Ông cha ta xưa có câu: “Có làm
thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”, hoặc “Thế gian chuộng của
chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”…Những câu ca dao giản dị
như thế cứ nhẹ nhàng thấm sâu vào tâm hồn con người Việt Nam ngay từ thuở lọt
lòng. Tiếp thu những phẩm chất đạo đức tốt đẹp đó nên phần lớn học sinh, sinh
viên, thanh niên trí thức Việt Nam hiện nay vẫn giữ được đức tính cần cù, chịu
khó, siêng năng. Nhiều học sinh ngoài việc học ở lớp còn tham gia lao động giúp
đỡ gia đình. Nhiều sinh viên ngoài việc học còn tham gia rất tích cực các hoạt động
phong trào và cũng có rất nhiều sinh viên kiếm việc làm thêm. Nhiều học sinh,
sinh viên nghèo không có tiền ôn luyện tại các “lò” luyện thi, các khóa học thêm,
ngoài các giờ học trên lớp lại chăm chỉ tự học, tự rèn luyện. Tuy nhiên, bên cạnh
đó vẫn còn nhiều học sinh, sinh viên có tình trạng “lười làm, ham chơi”. Nhiều học
sinh, sinh viên không chú tâm vào việc học hành, học theo kiểu đối phó, chỉ để thi
lấy điểm, học chỉ để lấy bằng…
5
Cùng với đức tính cần cù thì tiết kiệm cũng là một trong những nét phẩm
chất tốt đẹp vốn có của dân tộc ta. Người xưa có nói: “Được mùa chớ phụ ngô
khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Theo đó, ông cha ta cũng có dạy, không
nên “ăn xổi ở thì”, “vung tay quá trán” và khi sống, ăn ở hay làm bất cứ việc gì
đều phải “liệu cơm gắp mắm”, “tích tiểu thành đại”, vì thế cho nên đức tính “bám
rễ, ăn sâu” của con người Việt Nam ta là tính tiết kiệm. Tư tưởng của Bác về tính
tiết kiệm được mở rộng hơn, đó là không chỉ tiết kiệm về của cải vật chất mà còn
tiết kiệm về thời gian và công sức. Do ảnh hưởng của thời đại mới và môi trường
sống mới, sự xa hoa lãng phí đã xuất hiện trong không ít người, trong số đó không
ngoại trừ học sinh, sinh viên. Có những học sinh, sinh viên tiết kiệm tiền để mua
sách, đóng học, thậm chí là để ủng hộ người nghèo, ủng hộ lũ lụt miền Trung…
nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít những học sinh, sinh viên tiêu tiền hoang phí
vào những thú vui vô bổ hoặc ăn chơi, đua đòi. Có những học sinh, sinh viên tiết

kiệm cả thời gian ra chơi, nghỉ giải lao để ôn bài nhưng cũng lại có những học
sinh, sinh viên bỏ học đi chơi hoặc dành quá nhiều thời gian cho những việc vô
ích. Một công trình nghiên cứu khoa học mang tên “Sinh viên sử dụng thời gian
như thế nào?” của nhóm sinh viên trường ĐH Mở tp.Hồ Chí Minh đưa ra kết quả
rằng: 75% các bạn trẻ đã lãng phí thời gian, đã để cho thời gian trôi qua một cách
vô ích vào những trò vô bổ (lên mạng “tán gẫu”, chơi game…hoặc tiêu tốn thời
gian lang thang quán xá, đi uống trà đá, cà phê, tụ tập bạn bè “tám” chuyện…)
Về việc thực hiện chữ Liêm: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Ngay
từ bậc tiểu học, các em học sinh đã được giáo dục về đức tính liêm khiết qua
những câu chuyện đời thường như “Nhặt được của rơi” với bài học giản dị mà ai
cũng thuộc “Nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất”. Người xưa đã có nói:
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chính vì bản tính trời sinh đó cùng với việc được
hấp thụ những điều hay lẽ phải từ gia đình và nhà trường nên phần lớn học sinh,
sinh viên đều thực hiện tốt đức tính này. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng tiêu cực
6
của xã hội, những tệ nạn trộm cắp, thậm chí là cướp giật vẫn còn sảy ra trong một
bộ phận học sinh, sinh viên. Chữ “Liêm” còn được thể hiện ở việc không tham lam
địa vị, danh tiếng. Danh thì cần, có chí hướng phấn đấu là tốt, nhưng ham mê danh
vọng thì thực sự nguy hiểm, có không ít những người ham danh vọng hơn là phục
vụ. Cụ thể trong giới sinh viên đó là việc một số sinh viên tham gia hoạt động
phong trào chỉ mang tính hình thức, góp mặt để lấy danh v.v.
Đồng nghĩa với chữ “Chính” của Hồ Chí Minh, trong dân gian có lưu truyền
câu nói: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Theo Hồ Chí Minh, “Chính” ngoài ý
nghĩa là có lối sống thẳng thắn, thật thà, trung thực, Người còn đưa thêm một số
yêu cầu, đó là: Đối với mình – không được tự cao, tự đại, tự phụ, phải khiêm tốn
học hỏi, phát triển cái hay, sửa chữa cái dở của mình. Đối với người – không nịnh
người trên, không khinh người dưới, thật thà, không dối trá. Đối với việc – phải để
việc công lên trên, lên trước, việc thiện nhỏ mấy cũng làm, việc ác nhỏ mấy cũng
tránh. Thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn giữ được đức tính thật
thà, trung thực của người xưa ấy, luôn có thái độ cầu tiến trong học tập, khiêm tốn

học hỏi trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay việc tự phê bình, nhận khuyết
điểm và sửa chữa sai lầm không chỉ ở riêng học sinh, sinh viên mà ở nhiều người
vẫn chưa được thực hiện tốt. Phần đa học sinh, sinh viên mới chỉ dừng lại ở việc
nhìn thấy điểm mạnh của mình, của mọi người để phấn đấu mà rất ít học sinh, sinh
viên dám nhìn thẳng vào những điểm yếu để sửa chữa sai lầm. Ví dụ đơn giản như
việc học sinh, sinh viên phát biểu ý kiến xây dựng bài trên lớp: nhiều học sinh, sinh
viên vì sợ sai mà không dám đưa lên ý kiến của mình; hoặc sợ mọi người phê bình
những điểm yếu, không dám đối diện với sự thật, dẫu vẫn nhận thức được rằng
“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Bác Hồ có nói: “Chớ vì ai mà thưởng, ghét
ai mà phạt, ai hầu với mình thì dung, ai trực tính nói ngay thì bỏ.”. Tuy nhiên,
không phải ai cũng thực hiện tốt được điều đó. Ngoài ra, trong chữ “Chính” ấy Bác
Hồ còn nói “phải để việc công lên trên hết”, về điều này, ngay từ khi ngồi trên ghế
7
nhà trường, bên cạnh phần lớn những học sinh, sinh viên có suy nghĩ sau này ra
trường sẽ đem kiến thức của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, làm
giàu vì những mục đích chính đáng, vì bản thân, vì gia đình và vì sự tiến bộ xã
hội…đã có rất nhiều học sinh, sinh viên có suy nghĩ mang khuynh hướng chủ
nghĩa cá nhân, ham danh vọng, địa vị, chức quyền, bất chấp mọi thủ đoạn để làm
giàu…
2. Liên hệ vào việc giáo dục những phẩm chất này cho học sinh, sinh viên
trong giai đoạn hiện nay.
2.1 Vai trò của việc giáo dục phẩm chất: Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho học
sinh, sinh viên.
Trong nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Hồ Chí Minh nhắc
đến vai trò, nhiệm vụ của các thế hệ đi trước, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng các thế
hệ đi sau làm sao để họ tiến bộ hơn mình. Theo Người, thế hệ đi sau tiến bộ hơn
thế hệ đi trước mới tốt. Nếu thế hệ đi sau không bằng thế hệ đi trước là không tốt.
Hồ Chí Minh quan niệm: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích
trăm năm thì phải trồng người”. Để “trồng người” thì vai trò của giáo dục là vô
cùng quan trọng. Tuy nhiên, nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện cả

Trí – Đức – Thể – Mỹ , phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng , lối
sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Hai mặt đức, tài thống nhất với nhau, không
tách rời nhau. Trong đó “đức” là gốc, là nền tảng cho tài năng phát triển. Phải kết
hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm Có như vậy mới có thể
“học làm người”.
Người cũng khẳng định rằng: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời
sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố.
Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.”. Trong thực tế,
do không chú ý việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hàng ngày (giống như “soi
gương”, “rửa mặt”) nên có những người mới hôm qua còn được mọi người tin
yêu, quý mến thì ngày hôm sau đã trở thành người có tội với Đảng, với dân. Có
8
những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ hiểm nguy,
khổ cực. Song đến khi có ít quyền lực trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, tham
ô, lãng phí, quan liêu.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là một trong những nội dung quan trọng nhất trong
tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, được coi là đại cương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng
thời, Cần, Kiệm, Liêm, Chính cũng chính là những phẩm chất quan trọng cần có ở
mỗi người, cần phải được rèn luyện gắn với hoạt động thực tiễn hàng ngày. Việc
rèn luyện những phẩm chất đạo đức này cho học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức
lại càng quan trọng hơn, vì họ là “người chủ tương lai của nước nhà”.
2.2 Phương pháp giáo dục các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho
học sinh, sinh viên.
Việc giáo dục các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính học sinh, sinh viên đã
được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, từ việc nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo
dục những phẩm chất ấy cho học sinh, sinh viên đồng thời qua việc nghiên cứu
việc thực hiện những phẩm chất này của học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện
nay, theo em, những phương pháp cần thiết để giáo dục các phẩm chất đó cho học
sinh, sinh viên là:
Thứ nhất, cần phải bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận của chủ

nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững phương pháp luận biện
chứng duy vật giúp cho con người xem xét sự vật, hiện tượng khách quan một cách
đúng đắn, tránh cho ta mắc phải bệnh chủ quan duy ý chí tùy tiện trong hoạt động
thực tiễn.
Thứ hai, cần phải tuân thủ và thực hiện tốt các nguyên tắc xây dựng đạo đức
mới mà Bác đã nêu để xây dựng nền tảng đạo đức mới trong đời sống xã hội nước
ta. Đó là: Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Xây phải đi đôi với
chống, phải tạo thành phong trào trong quần chúng rộng rãi. Phải tu dưỡng đạo đức
suốt đời.
9
Thứ ba, đề cao vai trò của sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Trong gia đình, thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau. Giáo dục các phẩm chất
đạo đức nói chung và các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho học sinh, sinh
viên nói riêng có lẽ phải bắt đầu bằng cách dạy cho tốt những môn học như: lịch
sử, địa lý, văn học, đạo đức và nhất là môn giáo dục công dân, những môn chú
trọng phần dạy người, cụ thể là những con người Việt Nam ở thế kỷ 21 này trước
những vấn đề lớn của dân tộc, của đất nước và của thế giới, trong đó có những vấn
đề như lối sống xa hoa, lãng phí; tham nhũng; lối sống chủ nghĩa cá nhân…Tuy
nhiên cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy đối với những môn học đó để
chúng không còn là những môn vô bổ, chán ngán, là những bài giảng khô khan
trên lớp học được trả lại cho thầy cô và nhà trường bằng những bài thi trên giấy
và được ghi nhận bằng những con số vô hồn trên học bạ. Cùng với đó, các tổ chức
Đoàn – Đội – Hội cần tổ chức những buổi tọa đàm, thảo luận… về những vấn đề
thực hiện đạo đức nói riêng và thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính nói riêng cho
học sinh, sinh viên; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2.3 Nội dung giáo dục các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho học
sinh, sinh viên.
- Cần: học sinh sinh viên phải học tập, lao động chăm chỉ, cần cù, siêng năng.
Tuy nhiên, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Nếu không có kế

hoạch, điều nên làm trước mà để làm sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước,
như thế sẽ hao tốn thời giờ, mất nhiều công mà kết quả ít. Cần cũng có nghĩa là
phải biết cách nuôi dưỡng, phân bổ cả tinh thần, vật chất và lực lượng của
mình một cách hợp lý để làm việc lâu dài.
- Kiệm: học sinh sinh viên phải biết sống tiết kiệm. Cần phải biết tiết kiệm tiền
của, bởi người xưa có nói “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hoặc “Nghèo đi đôi với
hèn”, là học sinh sinh viên hầu hết mọi người đều sống nhờ vào sự chu cấp của
10
bố mẹ, của gia đình; cần phải biết cách lập kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý,
không nên phung phí cho việc ăn chơi xa xỉ. Thời giờ cũng phải được tiết kiệm
như của cải. Của cải hết còn có thể làm thêm nhưng khi thời giờ đã qua rồi,
không bao giờ kéo trở lại được. Biết tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết
kiệm thời giờ của người khác.
- Liêm: học sinh sinh viên phải có cuộc sống trong sạch, cố gắng phấn đấu học
tập thật tốt, học tập vì mục đích góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn,
không tham lam, tham tiền của, địa vị, lợi danh…
- Chính: học sinh sinh viên phải sống cuộc sống thẳng thắn, không gian tà, mưu
lợi cá nhân, làm những điều sai trái mà phải luôn đứng về chính nghĩa, đứng về
lẽ phải, bảo vệ sự công bằng; đồng thời cũng phải biết tự phê bình, tự nhận ra
khuyết điểm và sửa chữa sai lầm để phát triển bản thân ngày càng tốt hơn.
Người xưa rất có lý khi nói rằng: “Người ta không chết bởi núi non cao nhưng
có khi chết bởi mô đất thấp”. Núi non cao người ta còn thấy được mà tránh,
còn mô đất thấp thì do chủ quan không để ý nên dễ dàng vấp ngã. Theo Bác
Hồ, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có
thiện – ác trong lòng. Vấn đề là chúng ta có dám nhìn thẳng vào mình không,
thấy cái hay , cái thiện để phát huy và thấy cái dở, cái xấu để khắc phục là vì lẽ
đó.
KẾT LUẬN
11
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà đạo đức học lỗi lạc mà còn là một tấm

gương đạo đức vô song. Chính điều này đã đem lại cho tư tưởng và tấm gương đạo
đức Người có một sức sống mãnh liệt và sự cổ vũ lớn lao không chỉ với nhân dân
Việt Nam mà còn cả với nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và tiến
bộ xã hội. Để trở thành người có ích cho xã hội, người chủ tương lai của nước
nhà, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức nói
chung cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
Cách đây hơn 60 năm (năm 1947), trong “Thư gửi thanh niên”, Chủ tịch Hồ
Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà Thanh
niên muốn làm chủ tương lai một cách xứng đáng thì ngay từ bây giờ phải tự giác
rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải tích cực làm việc để chuẩn bị cho
tương lai. Việc giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với
những cuộc đấu tranh của xã hội, nhằm giúp họ tránh những cái độc hại, tiêu cực
và tiếp thu, học hỏi những cái hay, tiến bộ trong cuộc sống. Thanh niên phải có
tinh thần sẵn sàng: “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên
làm”; phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học
tập và lao động sản xuất, góp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Thiết nghĩ, việc giáo dục đạo
đức cho học sinh, sinh viên nói chung và giáo dục các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm,
Chính nói riêng đã đang và mãi là việc có ý nghĩa quan trọng. Học sinh, sinh viên
cần phấn đấu rèn luyện hơn nữa, thể hiện bằng chính những hoạt động thường
ngày để trở thành người công dân – học sinh, sinh viên tốt xứng đáng với niềm tin
yêu và mong mỏi của Bác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
12
1. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội (2005).
2. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội (2009).
3. Hỏi – đáp môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội.
13

×