Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

Cải cách thôn quê - một chủ đề mang ý nghĩa khai sáng trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.9 KB, 7 trang )

Cải cách thôn quê - một chủ đề mang ý nghĩa khai sáng
trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
(Văn Giá)
Nhìn lại hành trình của nhóm Tự lực văn đoàn (TLVĐ), có thể hình dung
qua hai chặng: chặng đầu, toàn bộ hoạt động xã hội, báo chí, văn chương của
họ tập trung vào việc đả phá cái cũ, đả phá nền tảng xã hội cũ; và chặng thứ
hai, dồn trọng tâm vào việc xây dựng cái mới, xã hội và văn hóa mới.
Chặng thứ nhất tính từ những ngày đầu tiên gây dựng nên tờ Phong hóa (từ
số 14, 22-9-1932, số chính thức Nguyễn Tường Tam ghi trên đầu báo tư
cách chủ bút của mình; và phải chờ đến số 87, ra ngày 2.3.1934 mới chính
thức công bố thành lập nhóm Tự lực văn đoàn và tôn chỉ của nhóm). Còn
chặng thứ hai, có thể tính từ tờ Ngày nay, số 25, ra ngày 13. 9.1936, với việc
khởi đăng chính thứcMười điều tâm niệm của bạn trẻ (1) của Hoàng Đạo và
kéo dài cho đến số cuối cùng 224, ra ngày 7.9. 1940. Với số cuối cùng này,
cũng là lúc đánh dấu sự tan rã của nhóm TLVĐ vì nhiều lý do khác nhau; về
cơ bản, TLVĐ đã kết thúc sứ mệnh vẻ vang của mình (2). Trong chặng thứ
hai này, có một sự kiện nổi bật trên phương diện hoạt động xã hội, không thể
không nhắc đến, đó là việc thành lậpHội Ánh sáng vào ngày 16.8.1937
(được chính thức vận động trên tờ Ngày naysố 38, ra ngày 13.12.1936) (3).
Việc phân chia như vậy chủ yếu căn cứ vào thực tiễn hoạt động xã hội, báo
chí, văn chương của nhóm TLVĐ và mang ý nghĩa tương đối. Bởi vì khi nói
đến việc phê phán đả phá cái cũ, xã hội cũ cũng đã bao hàm việc hướng tới
mục đích xây mới, và ngay trong lúc nỗ lực xây mới vẫn tiếp tục phê phán
cái cũ. Tuy nhiên, mỗi quãng thời gian có những mục đích và hoạt động
trọng tâm khác nhau.
Trong nỗ lực kiến tạo một xã hội mới với một văn hóa mới, ngoài các hoạt
động xã hội cụ thể, nhóm TLVĐ đã thể hiện tinh thần đó một cách công khai
vào trong các tác phẩm văn học, nhất là các tiểu thuyết. Trong một số chủ
đề xã hội và nghệ thuật mà TLVĐ theo đuổi, tôi muốn nói đến tinh thần cải
cách thôn quênhư một chủ đề chính, và kéo theo nó là những mô hình nhân
vật được hiện lên rõ rệt trong một số tác phẩm của TLVĐ như : Hai vẻ


đẹp (1936, truyện ngắn của Nhất Linh), Gia đình (1937, tiểu thuyết của Khái
Hưng), Những ngày vui (tiểu thuyết của Khái Hưng), Con đường
sáng (1938, tiểu thuyết của Hoàng Đạo).
Mô hình nhân vật mà TLVĐ xây dựng trong các tác phẩm kể trên thường là
quy vào mấy điểm sau: 1, trí thức tây học; 2, ăn chơi lầm lạc hoặc bất đắc
chí; 3, về/nhờ thôn quê nên được thức tỉnh; 4, trở thành chủ đồn điền và thực
hành một số cải cách nâng cao dân trí, dân sinh cho nông dân.
Hai tác phẩm tập trung rõ nhất về chủ đề này đó là Gia đình và Con đường
sáng. Trong Gia đình, câu chuyện xoay quanh gia đình của ba chị em gái và
những chàng rể cùng mối quan hệ phức tạp giữa họ. Vợ chồng Phượng- Viết
yên ổn và đắc chí con đường làm quan huyện quan phủ, vợ chồng An- Nga
luôn luôn hục hặc với nhau giữa cái chí được làm vợ quan của Nga và cái
băn khoăn đầy mâu thuẫn của An giữa chuyện làm quan và từ bỏ chức quan
“thoát ra hoạn giới”, còn vợ chồng Bảo –Hạc thì sớm giác ngộ, ngay từ đầu
đã lựa chọn mở mang đồn điền với chương trình cải cách thôn quê. Bên
cạnh việc phân tích hết sức tinh tế và sắc sảo cái tâm lý hám quan hám danh
hám tiền của đại đa số người Việt, nhất là phụ nữ, tác giả đã dựng lên và cổ
súy cho một chương trình cải cách thôn quê của một người điền chủ có học,
có lý tưởng và quan niệm sống riêng. Vẫn Khái Hưng, ông còn trở lại lý
tưởng cải cách thôn quê trong Những ngày vui một lần nữa. Tuy không tập
trung trọn vẹn vào chủ đề này, nhưng tác giả cũng đã nhắc lại thành tựu đạt
được từ chương trình cải cách thôn quê của ông chủ đồn điền Phương với
một mô hình đồn điền đẹp đẽ, văn minh: có những đường phố, những ngôi
nhà cao ráo sáng sủa; trường học kiểu mẫu thoáng rộng, hợp vệ sinh; không
chỉ trẻ em mà người lớn cũng được học tập, nâng cao dân trí…
Con đường sáng của Hoàng Đạo cũng vẫn cảm hứng cải cách thôn quê,
nhưng ông tiến xa thêm một bước: thôn quê như một liều thuốc giải độc,
như một nơi di dưỡng tinh thần, nơi có khả năng chữa lành vết thương tâm
hồn của những con người sa ngã. Duy là một trí thức Tây học. Ra trường
không biết làm gì, không lý tưởng, không gia đình, cùng một nhóm bạn ăn

chơi sa đọa trong những trận cuồng say với gái, bàn đèn và rượu. Khi trở về
đồn điền, Duy gặp được Thơ, một người bạn gái từ thuở thiếu thời, rồi đem
lòng yêu nhau. Họ cưới nhau và gây dựng đồn điền, tìm thấy hạnh phúc
trong công việc. Với phẩm hạnh và vẻ đẹp của Thơ, cùng với khung cảnh
thiên nhiên thanh sạch của thôn quê, khiến Duy đã ngộ ra được lý tưởng
sống của mình: dự phần vào cải cách thôn quê, đem lại cho người dân quê
một cuộc sống mới.
Tinh thần cải cách thôn quê là ý chí, là lý tưởng của cả nhóm TLVĐ chứ
không riêng một ai. Ngay từ đầu, Nhất Linh đã thể hiện trong tác phẩm Giấc
mộng Từ Lâm (1927), trong đó có đoạn: “Tôi định có nhiều tiền tậu một cái
đồn điền độ mấy ngàn mẫu vừa đồi vừa ruộng…cốt nhất là giáo hóa cho
dân. Tuy không được lan rộng, nhưng thấy kết quả hiển nhiên, làm cho mấy
ngàn con người được sung sướng vì mình, thời chết đi tưởng cũng hả dạ
lắm…Tôi lại tìm những người nào đồng chí phải đồng chí lắm mới được…
về ở với nhau, lập thành một cái làng con ở chân đồi. Nhà thời toàn là nhà
gỗ, nhưng cao ráo mà sáng sủa, chung quanh có vườn trồng cây ăn quả…
Làng có một cái nhà chung để bàn về việc trong đồn điền, có một cái thư
viện gồm cả sách Tây, Nho chọn lọc kỹ. Người thời làm cho trong đồn điền
có nhiều hoa lợi cho dân khỏi đói, người thì dạy về công nghệ, người thì dạy
học, cốt là cho họ biết ăn ở với nhau cho hòa hợp, biết yêu cảnh thiên nhiên,
biết sống ở đời là vui, mà ở đời tưởng cũng chỉ có thế mà thôi, còn ngoài ra
là hão cả…” (4). Sau này trong Hai vẻ đẹp, Nhất Linh lại một lần nữa trở về
với chủ đề này. Nhân vật Doãn là một họa sĩ, theo đuổi mục đích nghệ thuật
là đi tìm cái đẹp. Tuy nhiên, sau những lần chứng kiến, nhìn ngắm cảnh
tượng đói khổ, lam lũ của người dân quê, anh ta không thể bình tâm để theo
đuổi nghệ thuật như lâu nay anh hằng quan niệm. Cuối cùng anh đã thức
tỉnh, lựa chọn con đường cải tạo thôn quê, và chỉ có như vậy anh mới thỏa
mãn cả hai cùng lúc: vừa giúp cho những cảnh đời tăm tối ở thôn quê được
bước ra ánh sáng và vừa tìm thấy đó chính là cái đẹp nghệ thuật.
Công việc cải cách thôn quê của các nhân vật là chủ đồn điền tập trung vào

một số điểm như sau: 1, Quan tâm mức sống người dân bằng cách chia
ruộng cho họ và tổ chức cách làm để nâng cao năng suất; 2, Nâng cao dân trí
bằng cách dựng trường học, xây thư viện, kết hợp với việc cải cách hủ tục ở
hương thôn; 3, Xây dựng những ngôi nhà Ánh sáng với tiêu chuẩn cao ráo,
thoáng mát, nhiều ánh sáng, hợp vệ sinh, hài hòa với thiên nhiên; 4, Xây
dựng các công trình phúc lợi xã hội như “trại nghỉ mát” cho dân quê, nhà
sinh hoạt chung cho xóm, sân vận động, đường xá, giếng nước, tổ chức phát
thuốc… ; 5, Rèn luyện cho người dân quê có khát vọng không ngừng nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần, hướng về văn minh, hiện đại, sống hòa
hợp với thiên nhiên, gìn giữ lòng tốt, tính thiện bản nguyên trong con người.
Do đâu mà nhóm TLVĐ có chương trình cái cách thôn quê này? Theo tôi
nghĩ có mấy lý do dưới đây:
Thứ nhất, lý do trực tiếp là nhóm TLVĐ theo đuổi chủ nghĩa bình dân như
một tôn chỉ hoạt động. Trong tôn chỉ 9 điểm của nhóm, có mấy điểm đáng
chú ý, liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa bình dân: “3.Theo chủ nghĩa bình
dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người
khác yêu chủ nghĩa bình dân; 5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn
đấu và tin ở sự tiến bộ; 6. Ca tụng nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách
bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân.
Không có tính cách trưởng giả quý phái;7. Trọng tự do cá nhân”. Nội dung
của tôn chỉ không chỉ nhằm định hướng cho hoạt động văn chương, báo chí,
mà nó còn hướng đến những hoạt động xã hội. Sau này, trong một xã luận
mang tên Thế nào là bình dân, nhà văn Hoàng Đạo giải thích: “Chúng tôi
xin phân tách các giai cấp xã hội ra như sau này:
1,Lao động là những thợ thuyền hay dân quê đi làm công làm mướn,
không có vốn liếng gì.
2, Hạng tiểu tư sản hay trung lưu. Họ có vốn liếng, và dùng số vốn
liếng ấy để làm việc nuôi thân. Như vậy họ có làm thì có ăn, mà không làm
thì trở nên khổ sở cơ cực. Tôi muốn nói đến những người làm tiểu kỹ nghệ,
những người buôn bán nhỏ và những dân quê có ít ruộng tự cấy lấy mà ăn.

3, Hạng trưởng giả hay phú hào.
4, Hạng quý phái (riêng có ở nước ta)”.
Theo Hoàng Đạo, hạng 1 và 2 được gọi là bình dân. Về lý tưởng cải
cách thôn quê, ông viết tiếp: “Nói riêng về dân quê- phần đông dân chúng-
chúng tôi để ý đến hạng bình dân ở nơi thôn dã, nghĩa là hạng tiểu tư sản và
hạng cùng đinh trong nghề nông. Chúng ta sẽ dần dần hành động về đủ mọi
phương diện để nâng cao trình độ họ, để họ tự hiểu biết, tự bênh vực quyền
lợi của mình. Lúc đó dân chúng sẽ biết tới một cuộc đời có công lý hơn, lúc
đó xã hội sẽ có bình đẳng tự do hơn. Lúc đó họ sẽ có tự do đại diện cho họ
hoặc chỉ những người được họ đại diện cho họ để bênh vực họ” (5).
Chủ nghĩa bình dân này có thể được các tác giả tiếp thu từ tư tưởng cải cách
xã hội của nhà triết học, nhà văn Pháp Jean-Jacques
Rousseau (1712 – 1778), hoặc cũng có thể họ chịu ảnh hưởng từ tinh thần
dân túy Nga nửa sau thế kỷ XIX, từ đại thi hào Lev Tonxtoi (6). Điều này
không có chứng cứ cụ thể. Tuy nhiên, với các nhà trí thức Tây học của
TLVĐ, việc họ đọc và chịu ảnh hưởng của những tác giả kể trên cũng là một
khả năng lớn. Vả lại, việc tiếp thu tư tưởng có khi không nhất thiết từ một ai
cụ thể mà là tiếp thu toàn bộ cái tinh thần văn minh, văn hóa Âu Mỹ của thời
đại mà các ông đang sống. Đọc các tác phẩm văn chương và báo chí, nhìn
vào các hoạt động xã hội cụ thể của họ, dễ dàng nhận thấy một tinh thần
phương Tây lan tỏa và chi phối.
Thứ hai, như là hệ quả của lý do trên, những nhà nghệ sĩ, trí thức Tây học
của TLVĐ đã thấm nhuần tinh thần “cá nhân luận văn hóa”, vượt ra khỏi
“chủ nghĩa cá nhân đạo đức học” của văn hóa truyền thống. Theo cách lý
giải của GS Hoàng Ngọc Hiến, ông cho rằng mô hình cá nhân luận văn hóa
coi trọng con người cá nhân, có niềm tin vào những chủ kiến riêng của mình,
tin vào bảng giá trị của chính mình với những nội dung và hình thức diễn đạt
có giá trị của mình; ông cũng cho rằng thời nào cũng có những con người
vượt siêu, tuy nhiên phải chờ đến khi có luồng gió Phương Tây thổi vào, thì
cá nhân luận văn hóa mới phát triển, và nhờ đó mới sản sinh ra một thế hệ

tài năng trong văn chương, hội họa, âm nhạc …như vậy (7). Trên tinh thần
đó, rõ ràng bản thân các nhà nghệ sĩ trí thức của TLVĐ là những hiện thân
thuyết phục của cá nhân luận văn hóa. Lúc bấy giờ, việc dựng lên và theo
đuổi lý tưởng cải cách thôn quê là điều hoàn toàn mới ở nước ta, và không
dễ gì thuyết phục người khác tin tưởng ngay được. Ấy thế mà những con
người này đã tin vào những dự định của mình, và theo đuổi mục đích đến
cùng: ra báo, lập nhà xuất bản, lập giải thưởng, xây dựng nền văn chương
mới bao gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới, đả phá hủ tục và Nho
giáo, hướng về văn minh phương Tây, sáng tạo và cổ súy áo dài Lemur, lập
Hội Ánh sáng…Công trình kể biết mấy mươi. Nhóm TLVĐ với những thành
viên xuất sắc của mình đã góp công xây dựng một nền văn minh theo tinh
thần Âu Mỹ, góp phần cấu trúc lại nền văn hóa Việt theo hướng hội nhập,
hiện đại. Nói riêng về công cuộc cải cách thôn quê, bằng văn học và báo chí,
nhất là báo chí, TLVĐ đã thổi vào xã hội Việt Nam lúc bấy giờ gồm trên
90% là nông thôn, nông nghiệp, nông dân những luồng gió mới, góp phần
xua đi những hủ tục, trì trệ, lạc hậu để hướng tới một lối sống mới. Trong
các số báo Ngày nay, thường xuyên có cả các mục dạy tập thể dục, dạy phụ
nữ cách trang điểm, dạy người nam vận Âu phục, dạy cách bài trí trong nhà,
kỹ năng tiếp khách…Các thành viên của TLVĐ thực sự là những con người
tiêu biểu của tinh thần “cá nhân luận văn hóa”. Họ đã bứt lên khỏi thời đại
của mình để tiến về phía trước, về phía văn minh với chất lượng sống theo
tinh thần phương Tây hiện đại.
Và chính họ, thông qua tác phẩm của mình, đã sáng tạo nên một “mẫu người
văn hóa” (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy) khá rõ nét: các “ông chủ đồn điền”
xuất phát Tây học, mang lý tưởng cải tạo thôn quê. Đó là những Hạc, Duy,
Phương, Doãn trong các tác phẩm vừa kể trên. Các nhà văn khi xây dựng
các mẫu người văn hóa đang theo đuổi chương trình cải tạo thôn quê không
phải không thấy những gian nan gặp phải, thậm chí công cuộc của Phương
đã thất bại (không phải vì bỏ cuộc mà vì phá sản), hoặc Duy có những lúc
hoang mang, nghi ngờ về hiệu quả của chương trình, nhưng vẻ đẹp của một

lý tưởng và cùng với nó là một chương trình xã hội đã tỏa sáng, tràn đầy tinh
thần lãng mạn và nhân văn.
Phải nói thêm một điều, mọi ý tưởng cải cách cho dù có tốt đẹp bằng mấy,
nếu không dựa trên một nền tảng nhân văn cao quý, nghĩa là biết thương yêu
con người, biết mong những điều tốt đẹp cho người khác thì cũng sẽ trở nên
phù phiếm, hoặc tệ hơn là sự ban ơn trịch thượng. Nhìn vào những nhân vật
là các ông chủ đồn điền trong tác phẩm TLVĐ thấy họ đều có chung một
gốc: biết thương xót những người dân quê chân lấm tay bùn, làm ăn lạc hậu,
nghèo đói, chịu nhiều hà hiếp bóc lột, vướng nhiều hủ tục nặng nề…Một khi
biết thương xót con người, lòng trắc ẩn ở những người có học và có điều
kiện vật chất, có thể nẩy sinh những khao khát cải cách, mang lại cho con
người được sống với nghĩa làm người. Những trang văn miêu tả giây phút
cảm xúc động lòng của các nhân vật trí thức- ông chủ trước những cảnh đời
nông dân nghèo khổ khiến người đọc nhận ra sự chân thành trong trái tim
mỗi các nhà văn.
Trong các tài liệu giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam hoặc một số công
trình khác, khi viết về vấn đề cải cách thôn quê của nhóm TLVĐ hầu hết đều
chung nhận định rằng đó là chương trình mang tính cải lương, không tưởng.
Thậm chí, có ý kiến phê phán nặng nề, cho rằng TLVĐ đã bị lợi dụng để
“đánh lạc hướng quần chúng”…(8). Ngày hôm nay những cái nhìn phê phán
như vậy cần phải được nhìn nhận lại.
Tôi đặc biệt đánh giá cao chương trình cải cách thôn quê của nhóm TLVĐ.
Theo tôi hiểu, các tác giả của chương trình này không đặt vấn đề như một
đường lối quốc gia, mà đặt vấn đề trong tầm mức là một phong trào xã hội.
Họ đâu có cái ý đại diện cho chính phủ quốc gia, mà trên thực tế cũng không
thể đại diện được. Họ chỉ muốn xướng lên một phong trào. Họ chưa làm
được là bao trên thực tế, nhưng trên phương diện tinh thần, họ đã làm được
rất nhiều. Những giá trị tinh thần đẹp đẽ đã lan tỏa, thấm đượm vào đời sống
tinh thần của xã hội, góp phần làm nên nền tảng tinh thần và đạo lý cho toàn
xã hội lúc bấy giờ. Ý nghĩa lớn lao và quý báu của chương trình cải cách

thôn quê mà TLVĐ khởi xướng và thực thi là ở chỗ đó.
Tôi muốn nói đến một hiện tượng rất thú vị trong xã hội ta ngày hôm nay:
do đi theo quy luật kinh tế thị trường, sau mấy chục năm, cho đến bây giờ,
có thể mươi năm trở lại đây, mô hình kinh tế trang trại lại trở về và có nhiều
nét giống với mô hình đồn điền thời TLVĐ. Nơi đó có ông chủ và những
người làm thuê, tất nhiên. Có một số ông chủ mang khát vọng xây dựng mô
hình kinh tế trang trại mang hàm lượng nhân văn và vẻ đẹp văn hóa. Ở đó,
họ không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà họ còn biến đó thành một nơi để
thực hiện tâm nguyện chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, hoặc đơn giản hơn chỉ để
chơi, để nghỉ dưỡng. Có một số lại có ý tưởng giúp đỡ cho những người dân
nghèo theo cách nghĩ đến/ thực hành các công trình phúc lợi, trường học,
đường xá nông thôn, công việc từ thiện…Với những ý tưởng ấy, tuy chưa
phải là phổ biến, nhưng tôi nghĩ nếu ai muốn thực hành công cuộc cải cách
nông thôn hiện nay, rất nên trở lại tham khảo mô hình đồn điền và công cuộc
thực hành của các nhân vật ông chủ trong các tiểu thuyết TLVĐ, và nhất là
tham khảo cái lý tưởng xã hội: cải tạo và thực hành văn minh văn hóa của
các nghệ sĩ- trí thức TLVĐ. Một phong trào cải cách nông thôn tự nguyện từ
phía những người giàu có (các ông chủ/đại gia…) liệu có thể được phục
sinh trong xã hội hôm nay? Nhưng trước hết phải trả lời câu hỏi có tính tiên
quyết: Liệu có khả năng hình thành một tầng lớp ông chủ- trí thức của thời
hiện đại hay không đã?

Hà Nội, 11.9.2012
VG
(Nguồn: Kiến thức ngày nay, ra ngày 10.10.2012)

×