Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Điểm chung từ ba danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (230 KB, 5 trang )

Điểm chung từ ba danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc Việt Nam
(GD&TĐ) - Đến nay dân tộc Việt Nam có ba nhân vật lịch sử được UNESSCO vinh danh là
danh nhân văn hóa vĩ đại đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trãi cùng Hồ Chí Minh được tri ân Anh hùng dân tộc và Nguyễn Du được người Việt
kính trọng tôn xưng là Đại thi hào dân tộc.
Hiển nhiên đã là danh nhân văn hóa vĩ đại thì điểm chung là cả ba danh nhân đó đều có những
đóng góp lớn lao cho nền văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí
Minh cùng gặp gỡ ở một điểm chung đó là trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, họ đều đề cao
cái Tâm. Tuy ba danh nhân sống ở những không gian và thời gian khác nhau, có những biểu hiện
cụ thể khác nhau trong hành động, việc làm nhưng cái cốt lõi của mỗi hành động, việc làm của
họ đều là cái Tâm - là tấm lòng, gốc của đạo đức. Và, điều thú vị là cả ba danh nhân văn hóa
trong những hoàn cảnh nhất định, đã đặt sự so sánh giữa Tài và Đức, để rồi cả ba đều đề cao
Đức, tức là đề cao cái Tâm và họ cùng lập ngôn về điều đó.
Với Nguyễn Trãi, các tài liệu đều thống nhất ghi nhận: ông là một anh hùng dân tộc vĩ đại, là nhà
chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất, đồng thời là một nhà văn lớn,
nhà thơ lớn, nhà sử học, nhà địa lý học, nhà làm luật pháp và âm nhạc xuất sắc. Chính nhờ những
đóng góp lớn lao trên các lĩnh vực đó, năm 1980 ông được UNESCO công nhận là danh nhân
văn hóa vĩ đại nhân dịp kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông. Nguyễn Trãi là một người tài năng
nhưng ông lại là người đề cao cái Tâm, tất cả các sự nghiệp của Nguyễn Trãi đều dựa trên cơ sở
gốc là đề cao cái Tâm. Cái Tâm đối với đất nước, đối với nhân dân xuyên suốt trong cuộc đời, sự
nghiệp Nguyễn Trãi, và luôn bàng bạc trong thơ ông. Chính Nguyễn Trãi đã hơn một lần đề cập
đến trong thơ khi đối sánh giữa Tài và Đức, lúc thì ông nói:
Tài Đức thì cho lại có nhân
Tài thì kém Đức một hai phần.
(Bảo kính cảnh giới, bài LVII)[1]
và có khi ông răn:
Khó khăn, phú quý, học Tô Tần
Miễn Đức hơn Tài được mỗ phần.
(Bảo kính cảnh giới, bài LX)
Cách Nguyễn Trãi gần 500 năm, Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, cũng trưởng thành từ cửa
Khổng sân Trình, thấm nhuần tâm nhân nghĩa của thời đại. Cái Tâm của Nguyễn Du còn được


kết tinh từ nhân dân, cả cái Tâm của Lão – Trang và đặc biệt là cái Tâm Phật giáo.
Tượng Nguyễn Du trong khu di tích Nguyễn Du
Trong cuộc đời của một con người xuất thân từ gia đình “đại thế gia”, Nguyễn Du đã được học
hành, được thừa hưởng từ gia đình những điều kiện nhất định. Tài năng của Nguyễn Du được
nảy nở và chí hướng theo gia đình, nhập thế lập công danh đã thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Du
cùng với những con người khác trong thời đại muốn trổ tài kinh bang tế thế. Thế nhưng công
không thành, danh không toại, lý tưởng không đạt, tài năng không có chỗ dùng, một đời thông
minh thiệt thòi, ngắm thanh gươm bên mình mà thẹn phận trai không ích gì cho nước. Nguyễn
Du đến với văn chương, ý thức được tài năng văn chương của mình. Thế nhưng văn chương là
biểu hiện của tài năng cũng chẳng mang lại gì cho chính nhà thơ:
Bách niên cùng tử văn chương lý[2]
(Mạn hứng I)
(Cuộc đời trăm năm chết xác với văn chương)
Nguyễn Du là người từng phải nếm trải cảnh “mười năm gió bụi”, phải trôi nổi trong cuộc đời
như ngọn cỏ bồng trốc gốc, thấm thía nỗi đau của bản thân, trở về dưới chân núi Hồng, tâm trạng
của nhà thơ u uất, chán nản. Cuộc đời bất hạnh đã đưa nhà thơ trở về gần gũi với cuộc sống gian
khổ của nhân dân mà chính nhà thơ viết:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
(Thanh minh ngẫu hứng)
(Câu hát nơi thôn dã giúp ta biết những tiếng nói trong nghề dâu gai,
Ngoài đồng nội thỉnh thoảng có người khóc còn nghe tiếng chiến tranh).
Chứng kiến cảnh “bình địa ba đào”, “thương hải biến tang điền” của thời đại, suy ngẫm về
chuyện của cuộc đời mình, Nguyễn Du còn mở rộng mối quan tâm của mình ra tất cả mọi kiếp
người. Trong đó có những kiếp người dưới đáy xã hội. Với tấm lòng nhân ái, cái tâm trách
nhiệm, nhà thơ đã thể hiện một tình cảm xót thương trước sự nghèo đói, khổ sở của họ, tìm ra
nguyên nhân, chỉ trích, phê phán thói phung phí, xa hoa của quan lại. Và, đặc biệt, trong những
kiếp người đau khổ, Nguyễn Du quan tâm tới những con người tài hoa mà bạc mệnh. Từ cảnh
ngộ, cuộc đời mình – một con người tài hoa, Nguyễn Du đã đồng cảm, liên tài đối với những
người đồng cảnh. Nhà thơ nhận thấy rằng, cái “tài”, từ trong bản thể của nó ẩn chứa nguyên

nhân tai hoạ, vì người tài khó tránh khỏi bị đố kỵ, ghen ghét. Ông cho rằng:
Phàm sinh phụ kỳ khí
Thiên địa phi sở dung
(Điệu khuyển)
(Phàm sinh ra có khí phách khác thường
Thì trời đất không có chỗ dung thân).
Ngày trước, để tránh đi hoặc vượt qua cái “tai”, Lão Tử đưa ra một cách xử thế sâu kín, khôn
khéo để tránh tai hoạ: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu, dũng lực chấn thế thủ chi dĩ
khiếp”[3], nghĩa là người thông minh phải biết giữ mình bằng cách khiêm nhường, coi mình như
người ngu, bậc anh hào có sức mạnh chấn động thế giới phải biết giữ mình bằng cách làm như
người nhát sợ. Thế nhưng Nguyễn Du không tìm hướng giải quyết như Lão Tử, mà ông tìm đến
Phật giáo, bằng con đường tu Tâm. Bởi vậy trong tập đại thành Truyện Kiều nổi tiếng của mình,
sau khi đã trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, nhà thơ cảm khái: “Chữ Tâm kia mới bằng
ba chữ Tài[4]”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, nhiều nhà nghiên cứu đều nhận thấy: có lẽ trong lịch sử thế giới về
các danh nhân văn hóa, các nguyên thủ chưa có ai lại đặt ra vấn đề lý luận về Tài và Đức như
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và người cộng
sự gần gũi với Bác Hồ đã nói: “Ở gần Bác, tôi thấy một nét nổi bật của Bác là rất coi trọng phẩm
chất con người, suốt đời chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hóa
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ bàn nhiều đến đạo đức và vai trò của đạo đức trong đấu tranh cách
mạng. Người nói: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. “Người cách mạng phải có đạo
đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Vì vậy suốt đời
mình Người kiên trì giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh không ngừng
“nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, và bản thân Người là một tấm
gương trọn vẹn của đạo đức mới: Suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc
của nhân dân.”[5]. Hồ Chí Minh nói: “Có Tài mà không có Đức là người vô dụng, có Đức mà
không có Tài thì làm việc gì cũng khó”. Cũng đặt trong tương quan so sánh giữa Tài và Đức, ở
trong thời đại mới, Hồ Chí Minh đề cao cái Tài nhưng dĩ nhiên cái Đức mới là yếu tố quan trọng

hơn. “Có Đức mà không có Tài thì làm việc gì cũng khó”, khó chứ không phải là không làm
được, khác hẳn với vô dụng. Qua đó mới thấy Tài tuy quan trọng nhưng Đức còn cần thiết hơn
bởi lẽ người có Tài mà sống vị kỉ, chỉ dùng tài năng để phục vụ cho bản thân mình không thôi thì
chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí với lối sống cá nhân và làm việc như vậy có thể gây hại cho tập
thể. Tài năng chỉ được xem trọng khi nó gắn với quá trình cống hiến, người có Tài đem khả năng
của mình phục vụ tập thể, phục vụ đất nước trước khi nghĩ tới những quyền lợi cho bản thân.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 7 tháng 5 năm 1958, Bác nói:
“Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo
tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có Đức, có Tài.
Có Tài mà không có Đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két
thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có
Đức mà không có Tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài
người ”[6].
Trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, Người lại nói đến mối quan hệ giữa chuyên
môn và chính trị bằng sự so sánh giữa Tài và Đức: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn
mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn,
chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn.
Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số
công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là Đức, chuyên môn là Tài. Có Tài
mà không có Đức là hỏng. Có Đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước Tài. Trước hết
phải dạy trẻ yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào và yêu chủ nghĩa xã hội”[7]. Người luôn
tâm niệm: Làm bất cứ cái gì có lợi cho dân, có lợi cho cách mạng thì làm.
Như vậy, có thể nói rằng từ Nguyễn Trãi, đến Nguyễn Du và Hồ Chí Minh cả ba danh nhân văn
hóa vĩ đại đều đề cao cái Tâm, cái đạo đức trong sự so sánh với cái Tài. Đó là điểm chung rất
quan trọng của ba danh nhân văn hóa. Thế đấy, có những điều tưởng như bình dị, ai cũng biết
đến, nhưng để thực hiện thật không phải là dễ. Phải có một thực Tâm đối với dân, với nước, và
một định hướng thường trực trong mỗi hành động, việc làm trong suốt cuộc đời. Chính điều đó
mới là cái gốc làm nên nhân cách của ba danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

×