Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Báo cáo khoa học Một số vấn đề về truyền thông đại chúng, văn hóa đại chúng và văn hóa truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (168.32 KB, 15 trang )


MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG,
VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG VÀ VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG
TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ

TS. Đặng Thị Thu Hương

∗∗



Bài viết này hệ thống lại quan điểm của các trường phái nghiên cứu truyền thông nổi
bật trong thể kỷ XX để tìm hiểu về mối quan hệ nội tại và tác động qua lại giữa truyền
thông đại chúng, văn hoá đại chúng và văn hoá truyền thông. Đồng thời, tìm hiểu lịch sử
nghiên cứu về hiệu quả và tác động của truyền thông đại chúng đối với công chúng, bài
viết sẽ nêu bật vai trò của truyền thông đại chúng đối với sự thay đổi về nhận thức, hành vi
và lối sống của con người. Từ đó, bài viết đặt vấn đề về vai trò, và trách nhiệm của truyền
thông đại chúng Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt trong thời
kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa của kỷ nguyên kỹ thuật số.
1. Truyền thông đại chúng, văn hóa đại chúng và văn hóa truyền thông
Truyền thông là quá trình liên tục, qua đó chúng ta hiểu được người khác, và làm cho
người khác hiểu được chúng ta (Martin P. Adersen 1959 trích theo Frank Dance 1970).
Truyền thông ra đời và phát triển do nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin giao tiếp
của loài người, do trình độ và điều kiện KT-XH cũng như sự phát triển của khoa học kỹ
thuật. Truyền thông đại chúng là một dạng thức truyền thông đặc biệt trong lịch sử loài
người - khi mà người truyền thông tin có thể truyền tải thông điệp cho đông đảo quần
chúng về số lượng và rộng khắp về địa lý - điều mà các cách thức truyền thông trước đó
không thể nào có được. Nói theo Lerner (1957 trích theo Trần Hữu Quang 2008), thì sự
chuyển tiếp từ các hệ thống truyền thông truyền miệng sang các hệ thống truyền thông đại
chúng chính là một trong những điều kiện và đặc điểm của quá trình chuyển đổi từ xã hội
cổ truyền sang xã hội hiện đại.




Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN
Còn văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng lớn với rất nhiều cách hiểu khác nhau,
liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Ngay từ năm 1952, hai
nhà nhân loại học người Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn (1952) đã thống kê
được 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa. 50 năm sau, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và
Văn hóa thế giới (UNESCO 2002) đưa ra định nghĩa: Văn hóa nên được đề cập đến như là
một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội
hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách
sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Văn hóa là sản phẩm của loài người, được hình thành và phát triển trong mối quan hệ
thích nghi giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội, và cũng chính văn hóa
lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự phát triển bền vững cho xã hội. Văn hóa,
theo cách hiểu của xã hội học và nhân học, không phải chỉ liên quan đến đời sống tinh thần
mà còn là lối sống, bao gồm cả phương thức sản xuất và công nghệ, khối tri thức và cách
tạo ra tri thức, cách suy nghĩ và cảm xúc, cách sinh hoạt và giải trí, cách giáo dục và đào
tạo con người. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã
hội hóa - hoạt động không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giao tiếp trực tiếp giữa cá nhân
với gia đình và cộng đồng xã hội (như nhà trường hay làng xóm), mà còn thông qua các
mối quan hệ giao tiếp gián tiếp giữa con người với các phương tiện truyền thông đại
chúng. Nói theo James Wilson và Stan Le Roy Wilson (1998) trong mối quan hệ giữa văn
hóa và truyền thông, văn hóa là một hệ thống nhằm sáng tạo, chuyển giao, lưu trữ và chế
biến thông tin, và sợi chỉ xuyên suốt tất cả các nền văn hóa là truyền thông và giao tiếp.
“Văn hóa đại chúng” (mass culture) hay văn hóa phổ thông (popular culture) là nền
văn hóa có các sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng kỹ thuật công nghiệp và được đưa
ra thị trường vì quyền lợi của quảng đại người tiêu dùng (Strinati 1995). Văn hóa đại chúng
theo cách hiểu của các nhà nghiên cứu phương Tây là nền văn hóa của một xã hội đại
chúng - xã hội được hình thành vào cuối thế kỷ 19 dưới tác động của quá trình công nghiệp
hóa kéo theo sự gia tăng về số lượng người lao động; sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động

sản xuất hàng hóa hàng loạt rồi tiêu thụ theo cơ chế thị trường; sự mở rộng về không gian
nhờ tiến bộ về giao thông và thông tin; quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư tại các đô
thị, đồng thời với sự hình thành đời sống chính trị dân chủ. Nền văn hóa này có đối tượng
thụ hưởng là đại đa số dân chúng - những người có trình độ giáo dục ở mức độ tương đối,
và được phổ cập, truyền bá rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng
(PTTTĐC) như báo chí, phát thanh và ngày nay là truyền hình và internet.
Văn hóa đại chúng gắn liền với sự xuất hiện của công nghiệp văn hóa (culture
industry) – thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong bài tiểu luận kinh điển ‘Công nghiệp văn
hóa: Biện chứng của thời đại khai sáng” của Max Horkheimer và Theodor Andorno vào
năm 1947, trong đó, 2 đại diện tiêu biểu của trường phát Frankfurt cho rằng, văn hóa đã
được thương phẩm hóa, được con người mua bán, và nó dường như mất đi khả năng đóng
vai trò phê phán mang tính trừu tượng. Họ cho rằng văn hóa đại chúng thuộc về nền văn
hóa công nghiệp, trong đó, nguyên tắc thương nghiệp thay thế cho nguyên tắc nghệ thuật,
đòi hỏi của thị trường thay thế cho yêu cầu về tinh thần, và điều này khiến cho văn hóa đại
chúng trở nên tầm thường, chỉ mang ý nghĩa minh họa, không có quan hệ gì tới tính chân
thực hoặc giá trị nghệ thuật.
Các học giả của trường phái Frankfurt cho rằng, công chúng là những người tiêu thụ
thụ động không có khả năng đề kháng trước sự thuyết phục của các PTTTĐC; là các cá
nhân đang bị biến thành những khối đại chúng (masses), chỉ biết làm theo người khác, và
không còn óc phê phán. Theo họ, tính đại chúng trong các sản phẩm văn hóa đại chúng xét
về mặt ý thức hệ, đại diện cho sự sáng tạo mang tính cảm tính của tập đoàn chiếm hữu tư
bản văn hóa xã hội, là sự lừa dối, chế ngự đại chúng một cách công khai của chủ nghĩa cực
quyền trong xã hội tư bản thông qua các hoạt động giải trí. Nói cách khác, tính đại chúng
của văn hóa đại chúng không phải do quảng đại quần chúng quyết định, không phải nảy
sinh từ nhu cầu của bản thân quảng đại quần chúng nhân dân, và vì vậy, tính đại chúng của
văn hóa đại chúng nằm ngoài đại chúng. Các học giả của trường phái Frankfurt phê phán
các đặc trưng của văn hóa đại chúng gồm: xu hướng hàng
hóa hóa, xu hướng kỹ thuật hóa,
xu hướng tiêu chuẩn hóa và xu hướng áp đặt hóa.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi trường phái Frankfurt lên tiếng phê phán

mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, F.R.Leavis và một số nhà nghiên cứu khác như Q.
D.Leavis và T.S. Eliot cũng đã chỉ trích ‘văn hóa đại chúng’, trên lập trường của văn hóa
tinh hoa (elite culture). Trong tác phẩm ‘Mass Civilization and Minority Culture’ (1930),
Leavis cho rằng văn hóa đại chúng không có giá trị thẩm mỹ như văn hóa tinh hoa – loại
văn hóa được gìn giữ thông qua văn học, nghệ thuật, âm nhạc và tư tưởng, loại văn hóa chỉ
do một số ít người tạo ra và một số ít người có khả năng thưởng thức và chiêm nghiệm;
văn hóa đại chúng là tầm thường và giải trí phàm tục vì ‘văn hóa đại chúng’ là loại văn hóa
tiêu dùng dành cho đại chúng có trình độ văn hóa thấp… Ông và những người cộng sự cho
rằng thương mại là mối hiểm họa cơ bản của văn hóa, trong khi đó, thương mại lại gắn liền
với sản phẩm đại chúng và văn hóa đại chúng.
Khác biệt với trường phái Frankfurt về lập trường quan điểm, trường phái
Birmingham (Anh), với các đại diện tiêu biểu là Raymond Wiliams, Stuart Hall, Tony
Bennett, Janet Wollacott và John Fiske lại cho rằng văn hóa đại chúng có 3 đặc trưng tiêu
biểu là: không mang tính kinh điển, có tính sáng tạo của người tiêu dùng trong quá trình
tiếp nhận sản phẩm văn hóa, và xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp và văn hóa bình
dân. Giữ thái độ lạc quan với văn hóa đại chúng, các học giả của trường phái Birmingham
khẳng định sự tích cực, chủ động sáng tạo của quần chúng, cũng như đề cao tính nghệ thuật
và xúc cảm thẩm mỹ của quần chúng trong quá trình tiêu dùng và thụ hưởng sản phẩm văn
hóa đại chúng. Họ đồng thời mở rộng nội hàm của thuật ngữ ‘văn hóa’ và khẳng định, văn
hóa là thực tiễn mà cũng là kinh nghiệm, vì vậy, nghiên cứu văn hóa không chỉ giới hạn
trong sản phẩm văn hóa, mà còn là toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, và tiêu thụ sản
phẩm văn hóa.
Văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất và tinh thần, luôn tiếp biến và quá trình này
diễn ra nhanh chóng do các nguyên nhân chủ yếu gồm phát minh, khám phá, phổ biến và
khuyếch tán. Với sự ra đời của báo in, radio, truyền hình, và internet, thế kỷ XX là thế kỷ
mà các PTTTĐC có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã
hội thông tin trong nền kinh tế tri thức ở thế kỷ XXI. Các PTTTĐC là tác nhân cơ bản tạo
nên văn hóa đại chúng (Mai Quỳnh Nam, 2010). Và nói như K. Tuner (1984), thì văn hóa
đại chúng và truyền thông đại chúng có mối quan hệ cộng sinh phụ thuộc lẫn nhau một
cách mật thiết, và chính sự liên kết chặt chẽ này đã làm xuất hiện văn hóa truyền thông

(media culture) - hình thức văn hóa hình thành và chịu sự chế định bởi đặc trưng của chính
bản thân các PTTTĐC. Dưới ảnh hưởng của các PTTTĐC, biến đổi mạnh mẽ nhất của văn
hóa hiện nay được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo là sự tiếp biến từ văn hóa đọc
sang văn hóa nghe nhìn, từ văn hóa bút mực sang văn hóa mạng, từ văn hóa tinh hoa sang
văn hóa tiêu dùng, vận hành theo quy luật của thị trường với xu hướng chủ yếu là nghệ
thuật hóa hàng hóa và hàng hóa hóa nghệ thuật. Nói cách khác, các PTTTĐC không chỉ là
kênh chuyên chở những vấn đề văn hóa nghệ thuật, phát tán các sản phẩm của ngành công
nghiệp văn hóa, mà bản thân nó là môi trường văn hóa sống động tác động hàng ngày,
hàng giờ lên từng thành viên trong cộng đồng xã hội.
Thế kỷ XXI đang chứng kiến sự chuyển mình của văn hóa truyền thông, với sự
chuyển biến về kỹ thuật từ kỹ thuật analog sang kỹ thuật số, tạo nên sự thay đổi từ truyền
thông đại chúng sang phi đại chúng hóa truyền thông đại chúng thông qua các thiết bị và
kênh giao tiếp cá nhân hiện đại (iPods, Facebook, Blogs…). Các kênh truyền thông rời rạc,
riêng rẽ đang trở nên hội tụ, tích hợp và đa phương tiện. Dòng chảy thông tin không phải
một chiều, hai chiều mà đa chiều tạo nên thời đại bùng nổ thông tin, trong đó nhiều giá trị
tốt xấu đan xen nhau và khó kiểm soát hơn bao giờ hết… Diện mạo mới của truyền thông
đại chúng đang tạo nên làn sóng mới về văn hóa truyền thông, và ngược trở lại, tác động
đến sự thay đổi về văn hóa, xã hội, kinh tế và cả chính trị của xã hội loài người.
Dù chưa thể cân đo đong đếm những ảnh hưởng của nền văn hóa đại chúng Mỹ,
nhưng sự xâm thực của nó dựa trên mạng lưới truyền thông đại chúng toàn cầu là có thực.
Sức lôi cuốn của nền văn hóa này đang trở thành một loại công cụ vô cùng hữu hiệu trong
việc phát tán sức mạnh mềm của Mỹ, với thông điệp đi kèm là biểu tượng của các giá trị đi
cùng chủ nghĩa cá nhân và tự do ngôn luận. Mỹ hiện là nước thu hút nhiều di dân nhất thế
giới (gấp 6 lần so với nước đứng thứ 2 là Đức), là nước xuất khẩu phim ảnh, chương trình
truyền hình lớn nhất thế giới (khống chế 75% thị trường truyền hình và trên 60% thị trường
phát thanh thế giới), sản phẩm điện ảnh do Hollywood sản xuất mặc dù chỉ chiếm 6% số
lượng phim ảnh thế giới nhưng lại chiếm tới 80% thị trường điện ảnh toàn cầu (Nguyệt
Hằng 2011).
Sau khi Hollywood dùng phim ảnh để bán ‘giấc mơ Mỹ’ cho toàn thế giới, ngành
công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng đã và đang triệt để sử dụng văn hóa nghệ thuật để

phục vụ cho các tham vọng thương mại của mình. Tầm ảnh hưởng của văn hóa đại chúng
Hàn Quốc bao gồm K-Pop, phim truyện tâm lý xã hội và thời trang phát triển vô cùng sâu
rộng khắp châu Á. Nhật Bản cũng là một trong những nước thành công trong việc phát
triển văn hóa đại chúng. Phim hoạt hình Nhật Bản chiếm 65% thị phần doanh thu từ công
nghiệp truyền hình trên toàn thế giới, với trị giá 2,000 tỷ Yên, và truyện tranh của Nhật thu
tới 3,9 tỷ USD, tương đương với ngành công nghiệp in ấn của Nhật Bản vào năm 2007
(Nguyễn Xuân Thắng 2011).
Thích ứng với xu thế chung của khu vực và thế giới, ngành công nghiệp văn hóa của
Việt Nam cũng đang bước đầu hình thành. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các
sản phẩm băng, đĩa, phim ảnh, sách báo,… phát triển rộng khắp. Cả nước có 745 cơ quan
báo in và 67 đài PT-TH trung ương và địa phương, phát sóng 180 kênh quảng bá và 75
kênh truyền hình trả tiền, chưa kể 46 tờ báo điện tử và hàng ngàn trang tin điện tử của các
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu được 308.000 bản
sách và gần 6 triệu tờ báo, tạp chí với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 triệu USD, nhiều kênh
phát thanh và truyền hình Việt Nam cũng đang vươn ra thế giới… Phim Việt Nam, bao
gồm cả phim của các hãng tư nhân cũng đã tham gia festival phim và tranh tài ở các giải
thưởng phim quốc tế. Việt Nam bắt đầu là điểm đến của một số festival văn hóa quốc tế, và
đang được biết đến như một đất nước, chứ không phải một cuộc chiến tranh (chữ dùng của
cố Thứ trưởng ngoại giao Lê Mai). Tuy nhiên, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam còn
thiếu nguồn lực và năng lực, chưa đáp ứng được các yêu cầu và chuẩn quốc tế, chưa tạo
được những dấu ấn lớn trong lòng công chúng thưởng thức.
Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa đã và đang trở thành một xu thế khách quan,
trước hết trong lĩnh vực kinh tế, rồi tác động mạnh lên mọi mặt đời sống xã hôi, đặc biệt là
văn hóa. Lan truyền chủ yếu trên các PTTTĐC, lại được thúc đẩy thêm bởi cuộc cách
mạng số hóa, xu hướng toàn cầu hóa văn hóa một mặt đem văn hóa của các dân tộc xích lại
gần nhau hơn, mặt khác đưa đến nhiều nguy cơ, trong đó, nổi bật nhất và được nhiều nhà
nghiên cứu quan ngại nhất là sự phương Tây hóa văn hóa bản địa, dẫn tới nguy cơ làm lu
mờ các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho văn hoá dân tộc bị đồng hóa hay triệt tiêu.
Vậy, các PTTTĐC, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, thực sự có vai trò tác động như thế
nào đối với đời sống văn hóa xã hội? Giải đáp câu hỏi này, ngành truyền thông đại chúng

có thể xác định rõ hơn trách nhiệm, và nhiệm vụ của mình trong quá trình hội nhập toàn
cầu.
2. Vai trò tác động của các PTTTĐC tới đời sống văn hóa xã hội
Khó mà hình dung cuộc sống của chúng ta trong xã hội hiện đại mà thiếu vắng các
PTTTĐC. Truyền thông kết nối chúng ta với thế giới, giúp chúng ta liên hệ được với thực
tế xã hội rộng rãi, đa chiều nằm ngoài môi trường xung quanh bên cạnh ta hàng ngày.
Truyền thông góp một phần quan trọng trong sự phát triển của chúng ta, xây dựng sự hiểu
biết của chúng ta về chính bản thân mình và thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu truyền thông
đã nhấn mạnh về vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội, không chỉ đơn
thuần là hoạt động truyền đạt thông tin, mà còn có nhiệm vụ xây dựng, duy trì và phát triển
nền văn hóa.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của các PTTTĐC đối với công chúng là hoạt động được
hình thành từ đầu thế kỷ XX, và trong giai đoạn từ thập niên 20 đến thập niên 40, các
PTTTĐC đã từng được đánh giá là ‘phương tiện của thượng đế’ (Gripsrud 2002). Học
thuyết ‘mũi kim tiêm’ (hypodermic-needle model/ magic bullet theory) hình thành trên cơ
sở lý luận là các PTTTĐC đã ‘chích’ các thông điệp đi kèm giá trị, quan điểm, cách nghĩ
và cách đối xử trực tiếp vào đầu của khối đại chúng không có óc phê phán và khả năng
‘chống đỡ’. Theo J. Gripsrud (2002), sự phát triển của một số PTTTĐC thời đó như phim
ảnh, đĩa ghi âm, tạp chí, ti vi đã góp phần hình thành một bản sắc ‘thanh niên’ thời thượng:
quần jean, áo khoác da, kiểu tóc đuôi vịt (ducktail), và đi xe mô tô. Thuật ngữ nhóm
(gangs)
và thuật ngữ tâm lý nhóm (gang mentality) cũng được hình thành vào thời gian này.
Không chỉ hình thành nên một lối sống mới, các PTTTĐC còn tác động trực tiếp đến
công chúng, và ‘điều khiển’ họ. Ví dụ kinh điển được đưa ra là chương trình ‘Cuộc chiến
tranh giữa các thế giới’ được phát trên sóng đài CBS vào Chủ nhật, ngày 30.10.1938,
khiến cho hàng triệu thính giả bị sốc khi đài loan tin về sự xâm nhập của người từ Sao Hỏa.
Hàng ngàn thính giả bỏ chạy ra khỏi nhà, trong khi nhiều người vội vàng đóng đồ lên xe
ôtô để chạy trốn
1
. Ngày hôm sau, tờ New York Daily News chạy lớn hàng chữ ‘Cuộc

chiến tranh giả trên phát thanh đã kích động sự hoảng loạn trên toàn nước Mỹ’ (Agree,
Ault và Emery 1994, tr.209).
Tuy học thuyết ‘mũi kim tiêm’ đã mô tả được một số biểu hiện về tác động của truyền
thông đối với đời sống văn hóa xã hội, các học giả của trường phái Frankfurt chưa làm rõ
được ảnh hưởng của cùng một thông điệp trên các PTTĐC đối với các cá nhân khác nhau,
đồng thời, không đánh giá được khả năng tri luận của công chúng trong quá trình tiếp nhận
thông tin từ các PTTTĐC.
Đối lập với quan điểm ‘mũi kim tiêm’, trong khoảng thời gian từ thập niên 40-70 của
thế kỷ trước, một số học thuyết lại cho rằng các PTTTĐC không có nhiều ảnh hưởng lên
con người trừ phi nó biểu đạt thành cái mà người đó đã nghĩ, đặc biệt nếu chúng kết hợp
với những tác động của người lãnh đạo quan điểm (opinion leaders). Học thuyết ‘Dòng hai
bước của truyền thông’ (Lazarsfeld và Katz) xuất hiện với quan điểm cơ bản là bên cạnh
kênh truyền thông đại chúng, từng cá nhân người tiếp nhận còn có các mối quan hệ liên cá
nhân với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Và vì vậy, tác động
của các PTTTĐC không mang tính trực tiếp như học thuyết ‘mũi kim tiêm’ đã chỉ ra, mà
luôn thông qua bộ lọc của các bước trung gian - những người có uy tín trong cộng đồng.
Nói cách khác, chính môi trường (gia đình, nhà trường, các nhóm quan hệ xã hội,…) của
người tiếp nhận thông tin quyết định quá trình người đó tiếp nhận thông tin từ các
PTTTĐC, chứ không phải từ các PTTTĐC. Vì vậy, học thuyết này còn được gọi là học
thuyết về ‘Ảnh hưởng hạn chế của truyền thông’ (Limited-Effects Theory).

1
Chương trình phát thanh do Orson Wellers thực hiện trên đài CBS, tái hiện lại tiểu thuyết ‘Cuộc chiến giữa các thế
giới’ của H.G. Wells. Mở đầu chương trình, đài đã thông báo rằng đây chỉ là câu chuyện dựa trên tiểu thuyết, nhưng
nhiều thính giả không nghe đoạn giới thiệu mở đầu.
Tuy nhiên, vào thời điểm học thuyết này ra đời, sự phổ biến và mức độ thống trị của
các phương tiện truyền thông vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, quá trình truyền thông trong thực
tế phức tạp hơn nhiều so với mô hình truyền thông ‘hai bước’ mà các học thuyết gia đề
xuất. Bên cạnh đó, học thuyết về “Ảnh hưởng hạn chế của truyền thông” được đưa ra dựa
trên kết quả điều tra xã hội học, trong khi nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn về giá trị của

phương pháp nghiên cứu định lượng này trong việc tạo lập lý thuyết xã hội, khi cho rằng
nó giản lược hoá sự phức tạp của nghiên cứu truyền thông.
Trong khoảng thập niên 70-80, nghiên cứu tác động của truyền thông đối với xã hội
không chỉ bó hẹp trong những nghiên cứu thực nghiệm (empirical) mà còn xuất hiện nhiều
hướng nghiên cứu phê phán (critical theory), nghiên cứu diễn giải (interpretative theory).
Các học giả quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng với tri thức,
quan điểm, nhận thức văn hóa cũng như ảnh hưởng của bạo lực và tình dục trên truyền
thông tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, thông qua việc nghiên cứu về nội dung thông
điệp truyền thông, về quá trình truyền thông, quá trình sản xuất các sản phẩm truyền thông,
cách thức tiếp cận và sử dụng các PTTTĐC của công chúng…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng rõ nét của truyền thông đối với những người
‘nghiền’ ti vi, và cho rằng, họ có thể bị ‘tha hoá’ về thái độ, niềm tin và thói quen văn hóa
bởi những nhân vật thường được xuất hiện trên truyền hình (Bryant & Thompson 2002).
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra ảnh hưởng đặc biệt của truyền thông đại chúng tới nhóm
công chúng nhạy cảm, ví dụ như trẻ nhỏ và thanh thiếu niên (Bryant & Thompson, 2002;
McCombs & Shaw 1972; McLuhan 1964). Những lo ngại về nội dung bạo lực và tình dục
trên các PTTTĐC là vấn đề tranh luận sôi nổi trong các nguyên cứu của Court 1984, Harris
1994, Bryant & Thompson 2002. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng to lớn của
truyền thông đối với người tiếp nhận thông tin, trong đó Joseph Nye, người đưa ra thuật
ngữ ‘sức mạnh mềm’ (soft power) vào năm 1990 đã từng viết: “trước khi bức tường Berlin
sụp đổ vào năm 1989, nó đã bị xuyên thủng bởi truyền hình và phim ảnh” (Thu Lượng
2010).
Nhiều nghiên cứu cho rằng các kênh truyền thông tác động mạnh đến với công chúng
thông qua việc ‘thiết lập chương trình nghị sự’ (McCombs và Shaw, 1972), tức là qua cách
truyền thông lựa chọn ‘tin nổi bật’ và cách truyền thông làm nổi bật tin tức này. Thông qua
việc lựa chọn và đưa tin hàng ngày, người cung cấp tin tức định hướng sự chú ý của công
chúng và tác động lên nhận thức của họ về vấn đề gì là quan trọng nhất, hay vấn đề nào
quan trọng hơn vấn đề nào. Nhiều nghiên cứu khác khẳng định truyền thông đại chúng
không áp đặt công chúng ‘nghĩ cái gì’ nhưng thành công trong việc tác động đến điều mà
người ta nghĩ đến.

Các PTTTĐC là một phần cấu thành cuộc sống hàng ngày của chúng ta, xâm nhập
vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, công khai len lỏi và bền bỉ tác động, và góp một phần
quan trọng làm thay đổi nhận thức và hành vi của các cá nhân trong xã hội. Truyền thông
kỹ thuật số với thế mạnh của sự lan toả nhanh chóng, và rộng khắp, đa phương tiện và hội
tụ, chủ động và tương tác, dễ sao chép, lưu giữ và truyền bá đang tạo ra sức mạnh mới cho
truyền thông hiện đại. Tác động của truyền thông kỹ thuật số đối với đời sống văn hoá xã
hội hiện nay như thế nào? Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và thời đại kỹ thuật số, báo chí
truyền thông Việt Nam cần phải làm gì để phát huy nền văn hóa Việt, đảm bảo sự hài hòa
giữa việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với việc phát triển các giá trị mới gắn
liền với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế?
3. Truyền thông kỹ thuật số và tác động của nó tới đời sống văn hóa hiện nay
Trong các nhân tố làm ‘phẳng’ thế giới được T. Friedman (2005) đề cập tới, tính chất
số, di động, cá nhân và ảo được xem là những yếu tố quan trọng nhất, và trực tiếp nhất làm
thay đổi đời sống văn hoá xã hội toàn cầu, hình thành nên xu hướng cá nhân hóa, dân chủ
hóa, đa dạng các hình thức giao tiếp, đa dạng các hình thức văn hóa giải trí, và hình thành
một thế giới ảo.
Sự phát triển của điện thoại di dộng và mạng internet đang có xu hướng chi phối
ngược trở lại thói quen sinh hoạt của bản thân người sử dụng, với tư cách không chỉ là thiết
bị liên lạc, mà còn là phương tiện giúp quản lý cuộc sống, trao đổi kiến thức, thông tin và
giải trí,… Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có gần 130 triệu thuê bao điện thoại di động,
trong đó có 13 triệu thuê bao 3G. Toàn quốc có trên 31 triệu người sử dụng Internet, đạt
mật độ 35%. Internet đã vượt qua radio và báo giấy để trở thành phương tiện thông tin
được sử dụng hàng ngày phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ 42%. Bên cạnh 97% người vào
mạng để đọc tin tức, có tới 52% sử dụng Internet để cập nhật thông tin trên các trang mạng
xã hội (Facebook, Zing…) và tỷ lệ công chúng vào mạng để giải trí khá cao: 38% để chơi
game trực tuyến, 57% để nghe nhạc, 45% để xem video và hình ảnh thú vị trên internet
(Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông 2011).
Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số mở ra nhiều hoạt động hấp dẫn, cuốn hút
giới trẻ, và tạo ra hàng loạt các nhu cầu mới. Cùng với chiếc di động ngày càng đa dạng, đa
chức năng và dịch vụ, nhiều nhu cầu bên lề khác nảy sinh như chơi game, cá độ và dịch vụ

giải trí. Với sự phát triển của mạng internet, mọi người đều có cơ hội để trở thành nhà văn,
nhà báo online, viết blog, hay chủ động đăng tải các video clip lên YouTube. Trong khi
bản sắc văn hóa Việt đề cao tính cộng đồng, thì các phương tiện truyền thông mới lại thúc
đẩy quá trình đề cao ‘cái tôi’ cá nhân (Bùi Quang Thắng, 2006). Bên cạnh đó, điều kiện
‘riêng tư’ và ‘cá nhân’ khi tiếp cận với thông tin và giải trí hiện nay khiến nhiều bậc phụ
huynh lo ngại con em mình sớm tiếp xúc với văn hóa ‘đen’ trên mạng internet mà không
kiểm soát được. Chính quá trình cá nhân hóa này đã thay đổi các hình thức sinh hoạt văn
hóa, và thách thức các giá trị văn hóa cộng đồng truyền thống.
Sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số đã và đang biến thế giới hiện nay thành một thế
giới điện tử, với các loại email, e-book, e-learning, e-business, e-marketing…. dẫn đến
nhiều thay đổi trong hoạt động giao tiếp và hoạt động xã hội. Một thế giới mới, một không
gian mới được hình thành - cư dân của thế giới này được gọi là ‘cư dân mạng’. Cư dân
mạng tiếp nhận tất cả những gì đang tồn tại, và có thể sáng tạo ra những gì họ muốn trong
môi trường internet. Cái thế giới ‘ảo’ mà internet đem lại cũng đang ngày một tác động lên
thế giới ‘thực’ của con người. Nhiều cư dân mạng say mê với thế giới ảo thậm chí còn hơn
thế giới thực mà họ đang sống. Họ đang để cho mình bị bệnh ‘nghiền internet”, dành nhiều
thời gian để chat chit, để chơi game online, hay thể hiện cá nhân ‘ảo’ của mình trên mạng
hơn là cho các sinh hoạt thực của đời thường.
Công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống truyền thông đại chúng mới, là một trong những
công cụ quan trọng tạo điều kiện cho sự thiết lập các mẫu hình mới của sản phẩm văn hóa,
quản lý và phát tán thông tin. Công chúng trước đây chỉ biết tiếp nhận thông tin một chiều,
thì với mạng Internet, bắt đầu học cách ‘đọc tương tác’ - đọc và gửi bình luận, phản biện
tức thời ngay trên mạng… Các PTTTĐC mới đã giúp phá bỏ ‘vòng xoáy của sự im lặng’,
tạo cơ chế để mọi người có cơ hội phát triển trí tuệ và phát huy ý thức cá nhân, vừa tạo cho
con người khả năng sáng tạo, vừa mở ra nhiều cơ hội quản lý xã hội và hội nhập quốc tế,
giao lưu tương tác với nhau trong một môi truờng không còn bị hạn chế bởi thời gian và
không gian. Mạng xã hội hay YouTube, đang tạo nên nền báo chí công dân, có sức mạnh
không kém gì so với các PTTTĐC truyền thống. Sự vỡ vụn của truyền thông đại chúng
khiến cho công chúng nhóm nhỏ được phục vụ dễ dàng hơn, đồng thời, cũng khiến cho
truyền thông thực sự đại chúng trở nên vô cùng thách thức. “Sự tan vỡ của các phương tiện

truyền thông đang gây ra tình trạng thiếu nhất quán hoặc cần chọn lọc thông tin (như sự
phân cực của xã hội Mỹ), nhưng mặt khác lại tạo ra hiện tượng phi tập trung hóa quyền lực
và bảo đảm rằng đang tồn tại một sự thật trọn vẹn… ở đâu đó… trong các mảnh vỡ”
(Friendman 2005, tr.75).
Bên cạnh đó, khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải tức thời từng giây phút
trong thời đại bùng nổ thông tin khiến con người khó có đủ khả năng kiểm soát. Hiện
tượng thông tin thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin, phát tán thông tin một
cách hỗn độn và sai lệch khiến việc tiếp nhận thông tin trung thực, chính xác đang trở
thành một thách thức đối với công chúng thời đại net. Ngày 6-2-2011, Chính phủ đã thông
qua Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí,
xuất bản, trong đó có nêu rõ những trường hợp hoạt động báo chí không phép hoặc thông
tin sao chép, nhằm mục đích giật gân câu khách là vi phạm quy định của pháp luật. Trong
năm 2011, đã có 50 trường hợp các cơ quan báo chí điện tử, trang tin điện tử bị Thanh tra
Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý sai phạm trong hoạt động cung cấp thông tin,
với các lỗi vi phạm tập trung ở việc thông tin sai sự thật hoặc thông tin vi phạm thuần
phong mỹ tục Việt Nam (Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông 2011). Tuy nhiên,
những truờng hợp bị xử phạt còn như muối bỏ biển so với các sai phạm còn nhan nhản trên
các trang mạng điện tử.
Các PTTTĐC mới đang dần tạo thành thế hệ công chúng mới – thế hệ@, với những
khác biệt về lối tư duy, mối quan tâm và sở thích – và dần tạo thành nhân tố mới trong đời
sống văn hóa ở Việt Nam. Công chúng không đơn giản chỉ là quảng đại quần chúng không
bản sắc, không đơn giản chỉ là ‘khán-thính-độc giả’ thụ động thụ hưởng sản phẩm truyền
thông mà thực sự là người sử dụng, người tiêu dùng, người thẩm định, đánh giá và là người
đồng sáng tạo sản phẩm truyền thông. Mối quan hệ giữa thương mại, truyền thông và văn
hóa trở nên đa chiều, và mô hình 2 chiều giữa người truyền tin và người tiếp nhận thông tin
mà Lasswell và Shannon mô tả đang trở nên quá đơn giản để có thể biểu đạt mối quan hệ
đa chiều phức tạp của truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Thay cho lời kết
Không thể phủ nhận sự biến đổi văn hóa chịu ảnh hưởng lớn từ các PTTTĐC, trong
đó, nguyên nhân sâu xa nhất là sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Văn hóa biến đổi do

ảnh hưởng của PTTTĐC không phải là hiện tượng cá biệt của riêng quốc gia nào, mà là
hiện tượng có tính chất toàn cầu. Thế giới hôm nay đang bước vào kỷ nguyên truyền thông
mới, khi các PTTTĐC trực tuyến hiện đại đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người sử
dụng hơn với những tính
năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện, phong phú, trực
tiếp và tương tác.
Văn hóa truyền thông, chính vì vậy, cần phải được xây dựng trên nền tảng giá trị và
tính liên tục lịch sử, khơi dậy các khả năng sáng tạo của công chúng, và phục vụ công
chúng. Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định ‘đổi mới tư duy về phát triển văn
hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc
đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Không thể đánh đồng văn hóa đại chúng với khuynh
hướng thuơng mại hóa, tầm thường hóa và dung tục hóa nền văn hóa. Do vậy, truyền thông
đại chúng phải đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt
Nam, nâng cao tính đề kháng cho nền văn hóa dân tộc trước những ảnh hưởng tiêu cực của
toàn cầu hóa văn hóa, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của xu hướng thương mại hóa
văn hóa và thương mại hóa báo chí.

Tài liệu tham khảo
1. J. Bryant và S.Thompson, 2002. Fundamental of Media Effects, 1
st
ed. New York:
McGraw-Hill Higher Education.
2. M.E. McCombs. & D.L. Shaw, 1972. The agenda-setting function of mass media.
Public Opinion Quarterly, 36:2, 176 – 187.
3. J.H. Court. 1984. Sex and violence: A ripple effect. In N.M. Malamuth & E.
Donnerstein (Eds.), Pornography and sexual aggression, 143-172. Orlando, FL:
Academic Press.
4. F. E.X. Dance, 1970. The ‘Concept’ of Communication. The Journal of
Communication, vol.20, June 1970, p.201-210.
5. J. Gripsrud, 2002. Understanding Media Culture. London: Arnold

6. T. L. Friedman, 2005. The World is Flat. Farrar, Straus and Giroux.
7. R.J. Harris, 1994. The impact of sexually explicit media. In J. Bryant & D. Zillmann
(eds). Media Effects: Advances in Theory and Research, 505. Hillsdale, NJ:
Lawrence Erlbaum Associates.
8. Nguyệt Hằng, 2011. Trung Quốc chưa phải đối thủ của Mỹ về sức mạnh mềm. Đất
Việt Online. />My-ve-suc-manh-mem/20112/127964.datviet
9. A.L.Kroeber và C.Kluckhohn, 1952. Culture: A critical Rreview of Concepts and
Definitions. New York: Vintage Books.
10. M. McLuhan, 1964. Understanding Media: The extensions of Man. 1
st
ed. New
Yorrk: McGraw-Hill.
11. Thu Lượng, 2010. Vũ khí ‘mềm’ có sức phá khủng. Tuần Vietnamnet. 8.4.2010.

12. Mai Quỳnh Nam, 2010. Truyền thông đại chúng: tương tác văn hóa. In trong: Báo
chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 7. NXB ĐHQGHN, tr.81-88.
13. D. Strinati, 1995. An Introductrion to Theories of Popular Culture. Routledge
14. Bùi Quang Thắng, 2006. Tác động của những phương tiện truyền thông mới đối với
đời sống văn hóa của cư dân đô thị ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ - Bộ Văn
hóa Thông tin.
15. Nguyễn Xuân Thắng. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong điều kiện
kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. Viện
Khoa học và Xã hội Việt Nam số 2 (45) năm 2011.
16. K. Tuner, 1984. Mass Media and Popular Culture. Chicago: Science Research.
17. UNESCO, 2002. Universal Declaration on Cultural Diversity.

18. Trần Quốc Vượng (chủ biên), 1997. Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB
ĐHQGHN.
19. J. Wilson và S. L. R. Wilson, 1998. Mass Media, Mass Culture. NXB McGraw-Hill,
Inc.


×