1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Đình Thi (1924-2002), là một nghệ sĩ đa tài và có một vị trí
đặc biệt trong nền văn học Việt Nam. Ông là một trong những người hoạt
động văn nghệ chủ chốt từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám đến nay,
đồng thời có những đóng góp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ
thuật như: thơ, âm nhạc, văn xuôi, lí luận phê bình, kịch… Nguyễn Đình Thi
là một mẫu hình của thế hệ nhà văn trưởng thành trong cách mạng. Nhà văn
tài hoa này đến với cuộc đời mới với nhiều tham vọng khai thác trên nhiều
bình diện lớp sâu của hiện thực qua tiểu thuyết, những xung đột giàu kịch tính
và chất thơ của cuộc đời. Nguyễn Đình Thi bắt đầu bằng chính sự bắt đầu –
ông ít chịu ảnh hưởng của văn chương thời kì trước Cách mạng tháng Tám.
Tỉnh táo, thông minh, giàu tưởng tượng và liên tưởng, Nguyễn Đình Thi đã
đem đến văn chương niềm vui và sự trong sáng của lí tưởng và cuộc đời mới.
Trong khoảng thời gian hơn 60 năm cầm bút với những đóng góp tìm tòi của
mình. Nguyễn Đình Thi ngày càng thu hút được sự chú ý tìm hiểu, lí giải,
đánh giá không chỉ của giới văn học nghệ thuật mà còn của nhiều công chúng,
của giới thuyền thông. Đến nay những gì mà chúng ta đã biết, đã đánh giá về
cuộc đời và sự nghiệp của ông chắc chắn mới chỉ là những bước đầu, tuy rất
quan trọng, nhưng còn cần được tiếp tục tìm hiểu, suy ngẫm, khám phá.
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy từ trước tới nay đã có nhiều công
trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Thi, khẳng định những thành công của ông
trong sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu phê bình nghệ thuật. Tuy nhiên, trong
đó việc nghiên cứu nghệ thuật sáng tạo về kịch của ông còn chưa nhiều. Các ý
kiến mới chủ yếu đề cập đến các vở kịch cụ thể và đời sống của chúng trên
sàn diễn. Trong đó chỉ có ở hai công trình nghiên cứu của Lê Thị Chính và
2
Bùi Thị Thanh Nhàn chúng tôi mới thấy kịch của Nguyễn Đình Thi bước đầu
được nghiên cứu một cách có hệ thống. Tuy nhiên, trong đó các vấn đề mới
chỉ được phân tích một cách khái quát chưa đi sâu vào một vấn đề cụ thể. Đặc
biệt về vấn đề nhân vật mới chỉ được bàn một cách chung chung, hoặc được
nhắc đến như một yếu tố làm rõ hơn cho những luận điểm đang được chứng
minh mà chưa có nghiên cứu sâu.
Từ những lý do trên, chúng tôi đi vào tìm hiểu đề tài “Thế giới nhân vật
trong kịch Nguyễn Đình Thi” với mong muốn góp thêm một chút công sức
vào việc tìm hiểu và khẳng định những đóng góp của kịch Nguyễn Đình Thi
đặc biệt là về nhân vật. Đó cũng là tiếng nói tri ân dành cho một tài năng lớn.
2. Lịch sử vấn đề
Hoạt động trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa nghệ thuật,
Nguyễn Đình Thi trở thành đề tài, đối tượng của hàng trăm bài viết cũng như
các công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Những thành tựu và đóng góp quan trọng
của tác giả trên các lĩnh vực thơ, văn xuôi, âm nhạc, lí luận phê bình…đã
được khẳng định bởi nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi như Phan Cự Đệ, Hà
Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Chu Văn Sơn. Bên cạnh điểm
chung khẳng định tài năng phong cách tác giả còn có những tư tưởng không
đồng nhất. Trong khi Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định sở
trường, đóng góp của tác giả ở lĩnh vực thơ ca thì Chu Nga lại cho rằng thành
công lớn nhất của ông là ở văn xuôi. Không chỉ vậy, cũng có người nhấn
mạnh cống hiến của tác giả ở mảng lí luận phê bình, cho rằng đây mới là
những tác phẩm được “chờ đón, đề cao” [Nguyễn Khoa Điềm].
Kịch là mảng sáng tác còn khá xa lạ với độc giả mặc dù Nguyễn Đình
Thi dành phần lớn thời gian khi tuổi đã cao cho kịch “Ở tuổi năm mươi
Nguyễn Đình Thi mới sáng tạo được những vở kịch giàu tính trải nghiệm đến
như thế, Kịch Nguyễn Đình Thi như mang ý nghĩa đúc kết về hai bình diện,
3
những suy nghĩ của người viết qua nhiều chặng đường và bình diện đúc kết
những điển hình không trải ra ở bề rộng mà lắng đọng ở chiều sâu, ở những
xung đột bi kịch của nhiều số phận, nhiều cảnh đời qua nhiều thời kì lịch sử,
xưa cũng như nay: Kịch là phần đóng góp nổi bật của Nguyễn Đình Thi” [Hà
Minh Đức]. So với những mảng sáng tác khác, kịch Nguyễn Đình Thi đã từng
chịu số phận long đong, thậm chí còn oan ức. Dù không sớm được đề cao,
khẳng định nhưng cho đến nay những kịch phẩm của ông cũng đã giành được
sự quan tâm đích đáng. Trong số đó, có không ít bài viết thực sự tâm huyết
của các tác giả như Huy Cận, Hà Minh Đức, Tất Thắng, Tuệ Minh, Phan
Trọng Thưởng. Qua những bài nghiên cứu của các tác giả này, nhiều phương
diện đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật của kịch Nguyễn Đình Thi đã
được chỉ ra như: tính triết lí, màu sắc bi kịch, nội dung nhân bản hay khuynh
hướng tượng trưng, sự đan xen giữa hiện thực và huyền ảo. Có thể kể đến một
số công trình nghiên cứu tiêu biểu: Khi nghiên cứu về hai vở kịch ngắn
“Người đàn bà hóa đá” và “Cái bóng trên tường”, tác giả Huy Cận có đưa ra
cách nhìn nhận xác đáng:“Hai vở kịch ngắn đều nói tới định mệnh nghiệt ngã,
tàn khốc đối với nhân vật để rồi cuối cùng một vở để lại cái bâng khuâng, xa
xót nghìn đời, cái xa xót sừng sững giữa trời đất, và cuối vở sau để lại nỗi ân
hận, hối hận chẳng bao giờ nguôi được”. Đồng thời tính chất mới mẻ, sáng
tạo của hai tác phẩm này còn được khẳng định, đó là “chuyện xưa nhưng hồn
truyện vẫn trẻ” [inter.].
Cùng nghiên cứu về đặc điểm kịch của Nguyễn Đình Thi, Trần Khánh
Thành và Bùi Thị Hợi viết: “Kịch của Nguyễn Đình Thi giàu chất triết lí,
hình tượng nghệ thuật đa nghĩa, nhiều ẩn dụ, không dễ hiểu với tầng lớp bình
dân. Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hóa đa
dạng nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hóa cổ kim, đông tây, dân gian, bác
học được hội tụ và tỏa sáng. Dù đa dạng về sắc thái tính chất nhưng tất cả
4
đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng tâm huyết với đất
nước, với dân tộc, với nhân dân, thể hiện xót xa về số phận con người và
những khát vọng sáng tạo nghệ thuật” [37, inter]. Tác giả Trần Hữu Tá cho
rằng: “Kịch Nguyễn Đình Thi giàu chất suy tưởng và thiên về tính trữ tình,
triết lí”. Tương tự, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn còn khẳng định thêm:
“Phần lớn các vở kịch của Nguyễn đình Thi đều ít nhiều mang màu sắc bi
kịch, tỏ rõ khuynh hướng tượng trưng và đậm chất triết lí” [38, tr. 544]. Hà
Minh Đức bổ sung thêm: “Kịch Nguyễn Đình Thi là một thế giới mang màu
sắc văn hóa, nơi mà dấu vết văn hóa được quy tụ trong một nội dung nhân
bản”.
Trong bài viết Nguyễn Đình Thi - nghệ sĩ và cách mạng, tác giả Tôn
Phương Lan lại hướng tới một đặc điểm khác: “Kịch của ông giàu chất thơ,
gửi gắm những tình cảm, những suy ngẫm về đạo đức, về thời cuộc”. Và
trong bài viết về vở Giấc Mơ và tác giả, học giả nước ngoài M.B.
Khrapchenko cũng nhận ra: “Bầu trời các vở kịch của Nguyễn Đình Thi rất
phong phú về màu sắc và rất nhiều chất thơ… Dù là kịch lịch sử hay những
biểu tượng thần tiên, Nguyễn Đình Thi đã biết kết hợp cái nhìn thực tế với
khái niệm thần thoại, quan hệ thời gian như một loại hình cơ đông và vĩnh
viễn với ý thức lạ lùng về những mối ràng buộc con người với nhau, trong
một nhân loại không thể chia cắt được” [28, tr. 382].
Nghiên cứu về Thế giới kịch của Nguyễn Đình Thi, nhà nghiên cứu
Tất Thắng cho rằng: “Thế giới kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới như
hư, như thật, nó kì ảo như một Giấc mơ nhưng lại sờ sờ ra đấy như Hòn Cuội,
và trong cái thế giới ấy, Nguyễn Đình Thi như làm hiện lên trước mắt ta,
trong sự tiếp nhận của ta, những con người, những cảnh đời vừa quen vừa lạ,
vừa thấy đấy như một dòng sông, một bến nước, một người vợ đêm đêm chờ
chồng…mà thoắt cái đã trở thành cái bóng oan nghiệt, đã biến đi xa vời vợi
5
như mặt trăng tròn ở tít chân trời cao…”. Và ông còn nhấn mạnh thêm: “Các
vở kịch của anh trừ Hoa và Ngần xem có vẻ thật một trăm phần trăm còn tất
cả đều thấm nhuần không khí hư ảo và đông đặc tính chất huyền thoại” [47,
tr. 357]. Và cũng chính ông là người đã đưa ra một nhận xét khá xác đáng về
vấn đề xung đột trong kịch của Nguyễn Đình Thi: “Hình thái xung đột quán
xuyến các vở kịch của Nguyễn Đình Thi là sự diễn tả cuộc sống như ta thấy
và như ta tưởng, như ta chứng kiến và như ta ao ước, như ta trải nghiệm và
như ta khát khao” [16, tr. 369]. Hà Minh Đức nhận định: “Có thể nói tới một
thế giới kịch của Nguyễn Đình Thi. Ở đây cuộc đời có quá khứ, hiện tại và
tương lai, chủ yếu là những vấn đề chung của lịch sử ở một thời điểm và cũng
là muôn đời. Ở đây có những gương mặt hiền lành cụ thể của người con gái,
bà mẹ, người chiến binh như mới từ cuộc đời đi vào trang sách và cũng sâu
xa hơn họ lại đến với thế giới có màu sắc huyền thoại” [11, tr. 27]. Cũng
chính ông còn phát hiện: “Điểm mạnh của ngòi bút kịch Nguyễn Đình Thi là
những đột phá vào thế giới bên trong của nhân vật” [11, tr. 25-26].
Năm 1999, nhân sự kiện vở Rừng Trúc được dàn dựng và đạt huy
chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp cuối cùng của thế kỉ XX,
Phan Trọng Thưởng phân tích khá sâu về vở kịch với những phát hiện quan
trọng về tư tưởng nghệ thuật cũng như tính cách các nhân vật và nghệ thuật tổ
chức xung đột, từ đó nêu lên một số vấn đề lí luận sáng tác về đề tài lịch sử.
Tác giả bài viết cho rằng: “ Rừng trúc cho thấy khả năng khai thác vào các sự
kiện lịch sử tưởng như đã cũ để tìm ra trong đó những bài học”. Trong một
bài nghiên cứu khác (Về một số nhân vật lịch sử trong vở kịch “Rừng trúc”
của Nguyễn Đình Thi), tác giả Lê Thị Chính cũng đã khẳng định thêm rằng:
“Khai thác đề tài lịch sử, ngòi bút Nguyễn Đình Thi muốn tìm trong lịch sử
những gì gần gũi, mượn lịch sử để gửi gắm, chiêm nghiệm tư tưởng của
mình”. Tác phẩm vừa dựng lên những sự kiện lịch sử đầy bạo động, vừa khái
6
quát được những vấn đề sâu sắc về thế sự, nhân sinh. Mặc dù là vở kịch “giàu
chất văn học và rất khó sân khấu hóa” nhưng khi đã dược hóa thân trên sàn
diễn nó thực sự có thể tạo nên một hiệu quả chinh phục lớn lao. Có thể nói,
sau 21 năm sống trong im lặng, rừng trúc có nhiều ưu điểm vượt trội và hiện
hình thực sự trên sân khấu, sống cuộc sống đầy đủ của một kịch bản sân khấu.
Sau này, có thêm nhiều ý kiến bộc lộ sự quan tâm tâm tới mảng sáng tác kịch
của ông. Tô Hoài “đặc biệt chú trọng khu vực sáng tác kịch bản sân khấu của
Nguyễn Đình Thi và thấy ở mỗi vở kịch đều mang triết lí của nhân vật lịch sử,
một truyền thuyết hay huyền thoại”[15, tr. 79]. Lê Thiếu Sơn phát hiện:
“Những nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi đa diện và mở ra nhiều hướng
tiếp cận”[15, tr. 231]. Nguyễn Văn Thành cho rằng: “Các kịch bản của Nguyễn
Đình Thi được viết với một bút pháp tân kì, táo bạo, thật sự là nỗ lực cách tân
cung cách biên kịch nhằm mở rộng dung lượng, sức chứa, cũng như tăng cường
chất văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lí của kịch”[15, tr. 237].
Mai Quốc Liên và Nghĩa An nhấn mạnh thêm: “Kịch Nguyễn Đình Thi lay
động người ta bởi những ý tưởng văn chương sâu sắc”[15, tr. 176] và “mang
đậm những suy tư triết học về con người”[15, tr. 110].
Trong luận án tiến sĩ của Lê Thị Chính, Đại học Sư phạm Hà Nội –
“Nguyễn Đình Thi với thơ và kịch”. Tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu các
kiểu xung đột nổi bật trong những kịch phẩm của tác giả như: xung đột thật –
giả, xung đột giữa vận nước và số phận con người, xung đột giữa quyền lực
và quyền sống tự do của mỗi cá nhân. Đồng thời luận án còn có sự luận giải
khá chính xác về một số loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt, về đặc điểm
ngôn ngữ kịch. Cũng theo hướng nghiên cứu đó, luận văn thạc sĩ của Doãn
Thị Thanh Hương (Đặc điểm kịch Nguyễn Đình Thi) khai thác xung đột nội
tâm cũng như chỉ ra các cấp độ xung đột trong những vở kịch của tác giả.
Luận văn cũng khám phá thành công một số đặc điểm của nhân vật trong kịch
7
Nguyễn Đình Thi: đó là những con người sống có lí tưởng và đấu tranh cho lí
tưởng, luôn bảo vệ phẩm giá và ý chí sắt đá, trong đó có nhiều nhân vật là
nhân vật vô danh hoặc nhân vật huyền thoại. Do khuôn khổ hạn chế nên các
công trình này cũng mới chỉ đề cập đến một trong những khía cạnh về nội
dung cũng như nghệ thuật của kịch Nguyễn Đình Thi và còn bỏ trống nhiều
khía cạnh chưa có điều kiện khai thác.
Chính vì vậy, để góp phần khẳng định tài năng cũng như cá tính sáng
tạo của Nguyễn Đình Thi trong kịch, chúng tôi chọn đề tài “Thế giới nhân
vật trong kịch Nguyễn Đình Thi”. Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong
muốn đem tiếng nói của mình góp thêm vào những ý kiến, bài viết, những
công trình nghiên cứu đã có để hướng tới khẳng định, đánh giá một cách hoàn
chỉnh về những đặc điểm, giá trị của hệ thống kịch bản mà tác giả dành nhiều
tâm huyết tạo dựng, vun đắp trong suốt khoảng thời gian gần 30 năm của
mình Đồng thời góp thêm một tiếng nói, một cái nhìn mới về viêc nghiên
cứu và giảng dạy kịch ở các cấp học.
3. Mục đích nghiên cứu
Thông qua việc tập hợp, khảo sát, phân tích trọn bộ 10 tác phẩm kịch
của Nguyễn Đình Thi, luận văn hướng tới làm nổi bật nét đặc sắc về thế giới
nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi.
Đồng thời, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu cũng khẳng định tài năng
sáng tạo và vị trí, sự đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với sự phát triển của
thể loại kịch trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu:
Luận văn tập trung vào việc tìm hiểu Thế giới nhân vật trong kịch
Nguyễn Đình Thi
* Phạm vi nghiên cứu:
8
Những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi(gồm 10 tác phẩm)
1. Con nai đen (1961)
2. Hoa và Ngần (1974)
3. Giấc mơ (1977)
4. Rừng trúc (1978)
5. Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)
6. Tiếng sóng (1980)
7. Người đàn bà hóa đá (1980)
8. Cái bóng trên tường (1982)
9. Trương Chi (1983)
10. Hòn cuội (1986)
Ngoài ra để thấy được những đặc sắc về nhân vật kịch của Nguyễn
Đình Thi, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của một
số nhà viết kịch khác như Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng phối hợp và linh hoạt các phương pháp nghiên cứu
khoa học sau:
Phương pháp loại hình: Vận dụng những kiến thức lý luận về thể loại
kịch làm tiền đề cho việc đi vào nghiên cứu các vấn đề cụ thể về thế giới nhân
vật trong kịch Nguyễn Đình Thi.
Phương pháp hệ thống: Cho phép luận văn đặt vấn đề nhân vật vào
trong hệ thống thi pháp kịch Nguyễn Đình Thi, chỉ ra sự phong phú cũng như
những đặc trưng của thế giới nhân vật kịch.
Phương pháp phân tích tổng hợp: Vận dụng phương pháp này chúng
tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc phân tích, lý giải các khía cạnh về nhân vật
kịch Nguyễn Đình Thi, từ đó tổng hợp lại, rút ra những kết luận cần thiết theo
yêu cầu của luận văn.
9
Phương pháp so sánh, đối chiếu: Thông qua sự so sánh, đối chiếu, làm
rõ đặc trưng của các kiểu loại nhân vật cũng như sự đa dạng của thế giới nhân
vật kịch Nguyễn Đình Thi.
Phương pháp thống kê: Có ý nghĩa cung cấp dữ liệu và những số liệu
chính xác, tạo cơ sở tin cậy cho những kết luận của luận văn.
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tư liệu tham khảo,phần
nội dung chính của luận văn gồm ba chương
Chương I: Một số vấn đề lý luận chung về nhân vật kịch và hành trình
sáng tác kịch của Nguyễn Đình Thi
Chương II: Các kiểu nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi
Chương III: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong kịch Nguyễn Đình Thi
10
NỘI DUNG
CHƯƠNG I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ NHÂN VẬT KỊCH
VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC KỊCH CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
1.1. Những vấn đề lý luận về nhân vật kịch
1.1.1. Nhân vật
Nhân vật là một khái niệm quan trọng trong lý luận và nghiên cứu văn
học. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân vật văn học nhưng đều gặp
nhau ở những nội hàm không thể thiếu của khái niệm này:
Thứ nhất, đó là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng những
phương tiện văn học khác nhau.
Thứ hai, đó là con người hoặc con vật, đồ vật, sự vật hiện tượng mang
linh hồn, đặc điểm của con người, là hình ảnh ẩn dụ của con người.
Thứ ba, đó là đối tượng mang tính ước lệ và có cách điệu so với đời
sống hiện thực, bởi nó đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà văn.
Nhân vật văn học chính là đối tượng được miêu tả có sức sống riêng nào đó
bên trong tùy thuộc vào nhiệm vụ nghệ thuật mà tác giả trao cho nó.
Đối với mỗi nhân vật văn học thì tính cách được coi là hạt nhân, là đặc
điểm quan trọng nhất, là “nội dung của mọi nhân vật văn học” [9, tr. 64].
Trong nghiên cứu văn học, theo nghĩa rộng nhất của nó, khái niệm
“nhân vật” mới chỉ là hình ảnh về con người, khái niệm “tính cách điển hình”
chính là điển hình về con người. Như vậy, dùng khái niệm “nhân vật” là chỉ
đối tượng được nói đến, còn dùng “tính cách” và “tính cách điển hình” là đã
bao hàm cả sự đánh giá về chất lượng tư tưởng nghệ thuật của đối tượng đó”
[31, tr. 162 – 163]. Nhân vật và tính cách là những yếu tố thuộc nội dung
nhưng các biện pháp thể hiện chúng sao cho sinh động, hấp dẫn là thuộc về
11
hình thức của tác phẩm. Không thể phát huy vai trò của các chi tiết trong việc
miêu tả ngoại hình và hành động nhân vật như tự sự; việc khắc họa tính cách,
nhân vật kịch tập trung vào hành động và ngôn ngữ của nhân vật. Nhờ đó mà
với nghệ thuật trình diễn, nhân vật kịch mới có thể hiện lên một cách chân
thực, thuyết phục được công chúng.
Việc phân chia các loại hình nhân vật cũng rất đa dạng. Xét về vai trò
nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật
trung tâm. Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lý tưởng của
nhà văn, có thể nói tới nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Các kiểu
cấu trúc nhân vật cũng rất đa dạng: có kiểu nhân vật chức năng, nhân vật loại
hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Điều này càng cho thấy tính đa
dạng và phong phú đồng thời cũng là khó khăn của việc đi vào tìm hiểu,
nghiên cứu nhân vật văn học. Là yếu tố vừa thuộc nội dung vừa thuộc hình
thức, nhân vật văn học là đối tượng để nhà văn thể hiện chủ đề, tư tưởng của
mình trong tác phẩm. Nói như nhà văn Anh Đức thì sức sống của nhà văn
chính là ở việc xây dựng những nhân vật đặc sắc. Tất nhiên, đó không phải là
điều đơn giản.
Nhân vật văn học là hình ảnh về con người. Trong vai trò “người thư kí
trung thành của thời đại” (Banzắc), văn học trở thành một phương thức khái
quát, phản ánh và thể hiện cuộc sống – bằng những hình tượng, nhân vật cụ
thể – vô cùng hữu hiệu. Do vậy, vai trò, chức năng quan trọng đầu tiên phải
kể đến của nhân vật văn học là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực.
“Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng của đời sống
trong một thời kì lịch sử nhất định” [9, tr. 160]
Nhân vật là công cụ tạo nên thế giới nghệ thuật, tái hiện con người với
những đặc điểm về tính cách, số phận và con đường đời: Mỗi nhân vật luôn
được đặt trong không gian, thời gian nhất định với đời sống tâm lý riêng nên
12
một cách hiển nhiên, nó là tâm điểm để tạo ra các mối quan hệ xã hội, là đối
tượng để đánh giá các quan niệm đạo đức… có những quy luật nội tại và
những bậc thang giá trị riêng.
Nhân vật là chìa khóa giúp cho nhà văn mở rộng đề tài, giúp cho tác
phẩm có tầm bao quát sâu và rộng. Sự phát triển của cốt truyện cũng như tình
tiết truyện chính là sự xoay quanh các nhân vật trong tác phẩm, qua đó tác giả
gửi gắm những giá trị nội dung và tư tưởng. Có thể khẳng định nhân vật sẽ
quyết định đến mầu sắc và tính chất của tác phẩm, có nghĩa là loại nhân vật sẽ
quyết định việc nhà văn đi sâu vào vấn đề cốt lõi nào của đời sống và thế giới
nghệ thuật mà nó tạo nên vì thế mà cũng có nét riêng phù hợp.
Nhân vật còn là phương tiện để khái quát lên tính cách xã hội. Điều này
là do nhân vật là nơi chứa đựng tính cách duy nhất. Khi đã mang trong mình
sự khái quát tính cách nhất định, nhân vật vừa có nét riêng lại vừa có khả
năng đại diện cho một lớp người nào đó. Lý luận văn học đã chỉ ra tính cách
là sự khái quát bản chất xã hội – lịch sử, tâm lý con người bằng hình thức con
người cụ thể, là sự thể hiện các phẩm chất xã hội của con người với tư cách là
con người xã hội. “Tính cách là điểm trung tâm của các mối quan hệ giữa nội
dung và hình thức” [Hêghen]. Về mặt nội dung: nhân vật với tính cách của nó
là phương tiện để thể hiện tư tưởng tác phẩm. Về hình thức: nhân vật với tính
cách của nó quyết định đến phần lớn các yếu tố hình thức kết cấu, những quy
luật loại thể, ngôn ngữ…
Tập hợp các cá thể nhân vật sẽ tạo nên một thế giới nhân vật. Ở đó
truyền tải ý đồ nghệ thuật của người cầm bút với những quan niệm nghệ
thuật, cách nhìn nhận và thể hiện con người…Trong thế giới nhân vật, từ con
người cá thể với những đặc điểm về tính cách, cuộc đời, số phận, cho phép ta
hình dung nên bức tranh tổng thể về đời sống. Thế giới nhân vật chính là phần
tất yếu trong thế giới nghệ thuật của người cầm bút.
13
Với vai trò, vị trí quan trọng như vậy, một lần nữa có thể khẳng định:
nhân vật là yếu tố không thể thiếu đối với tác phẩm văn chương.
1.1.2. Nhân vật kịch và đặc điểm của nhân vật kịch
Nhân vật kịch là con người được miêu tả trong tác phẩm kịch. Tất cả
mọi nội dung, diễn biến của câu chuyện, hành động, xung đột và tư tưởng,
quan niệm của tác giả đều phải thể hiện qua nhân vật – và trực tiếp là qua hoạt
động biểu diễn của diễn viên trên sân khấu. Nhân vật kịch luôn hiện hình
trong tác phẩm đúng vào thời điểm “bước ngoặt số phận” và dù ở bất cứ dạng
thức nào, nó cũng luôn tự khẳng định bản chất, tính cách của mình bằng hành
động.
Cũng giống như các loại văn khác, nhân vật là yếu tố quan trọng nhất,
không thể thiếu đối với tác phẩm kịch. Mọi khía cạnh và vấn đề của đời sống,
dụng ý của tác giả đều gửi gắm qua nhân vật. “Do tính hiện đại và tính thời sự
của mình, kịch thường tập trung trong hình tượng trung tâm của mình những
điển hình mang dấu vết của từng thời kì lịch sử” [50, tr. 67]. Với những hạn
chế về thời gian và không gian sân khấu, cốt truyện kịch bản văn học tập
trung nên số lượng nhân vật bị hạn chế, không xuất hiện nhân vật người kể
chuyện.
Trong nhân vật kịch, yếu tố quan trọng nhất là hành động kịch. Mối
quan hệ giữa hành động và nhân vật trong mỗi tác phẩm luôn là tiền đề, là
trục chính để xác định tính cách nhân vật kịch. Hành động được đặt trong
tương quan và bộc lộ qua xung đột. Nhân vật lại là phương tiện tất yếu và
quan trọng nhất để thể hiện tư tưởng trong tác phẩm do đó tính cách nhân vật
phải thật tiêu biểu (nhưng không có nghĩa là đơn giản một chiều). Tính cách
nhân vật kịch tuy không đa dạng như nhân vật tiểu thuyết nhưng có được
những đường nét, mầu sắc nổi bật hơn và dễ xác định về mặt bản chất.
14
Ngôn ngữ nhân vật chiếm vai trò quan trọng trong việc thể hiện nhân
vật. Nguyên tắc xây dựng ngôn từ nghệ thuật của một kịch bản văn học là tất
cả mọi vấn đề xoay quanh hình tượng đều nằm trong ngôn ngữ nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật chiếm vai trò quan trọng trong việc thể hiện nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật là hình thức tồn tại hầu như duy nhất của ngôn ngữ kịch
(không tính đến những lời chú thích, minh họa về mặt sân khấu, trang phục,
sự xuất hiện của diễn viên khi diễn xuất trên sân khấu…). Nhân vật trong
kịch bản là con người được khắc họa bằng đối thoại và độc thoại. Nhân vật
kịch phải có tính cách dựa vào lời thoại và hành động sân khấu của bản thân
nhân vật mà không phải qua mô tả của tác giả như trong văn xuôi.
Như vậy, thông qua việc tìm hiểu về nhân vật và nhân vật kịch nói
riêng, có thể thấy, trong kịch, yếu tố nhân vật đóng vai trò vô cùng quan
trọng. Nhân vật kịch vừa là nơi trực tiếp và duy nhất khắc họa hình tượng, thể
hiện mâu thuẫn, xung đột, vừa là nơi để truyền tải thông điệp, tư tưởng của
tác giả đến công chúng. Việc đi vào tìm hiểu về nhân vật trong một vở kịch
hay tìm hiểu về thế giới nhân vật trong các sáng tác của một kịch tác gia văn
học là một việc bao quát và toàn diện cho thấy quan niệm, tư tưởng, tài năng
nghệ thuật của tác giả cũng như toàn bộ tác phẩm, đặc biệt khi nó được trình
diễn trên sân khấu. Đó sẽ luôn là một con đường hiệu quả nhất để tiếp cận với
kịch.
1.2. Hành trình sáng tác kịch của Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi tiêu biểu cho một thế hệ trí thức trưởng thành từ cuộc
cách mạng tháng Tám vĩ đại, “là sản phẩm của một thời đại đẹp, sáng, oai
hùng”. Là một trí thức có vốn văn hóa uyên bác, lịch lãm, lại đa tài, ông đã
đem đến cho nền văn nghệ Việt Nam một diện mạo mới, một khuynh hướng
sáng tạo nghệ thuật mới mẻ.
15
Nói như Nguyễn Trọng Tạo “Ở đời người đa tài như Nguyễn Đình Thi
đâu có nhiều, mà đa tài kiểu Nguyễn Đình Thi chỉ có một” [11, tr. 328].
Không chỉ là “lục sĩ” như Đặng Vương Hưng đã gọi mà ông còn là một nhà
báo, một nhà hùng biên, một nhà điện ảnh…Với cách nói giàu hình ảnh, giản
dị và đầy sức thuyết phục Nguyễn Đình Thi còn là người viết thuyết minh cho
nhiều phim (Việt Nam trên đường thắng lợi, Hồ Chí Minh – chân dung một
con người). Dường như tất cả những gì thuộc về văn chương nghệ thuật đều
không xa lạ đối với ông. Trên hành trình đi tìm cái đẹp, Nguyễn Đình Thi đã
nỗ lực, kiên trì thể nghiệm tài năng của mình và thành công ở nhiều thể loại
khác nhau: âm nhạc, thơ, lí luận phê bình…Và đặc biệt Kịch là thể loại ông
dành tâm huyết gần 30 năm cuối cuộc đời. Tuy số phận của các tác phẩm kịch
còn gặp nhiều sóng gió nhưng Nguyễn Đình Thi đã để đời những tác phẩm
bất hủ như (Con Nai đen, Cái bóng trên tường, Nguyễn Trãi ở Đông Quan,
Rừng Trúc…). Bên cạnh những cây bút kịch đầy tài năng như Lưu Quang
Vũ, Nguyễn Huy Tưởng thì kịch của Nguyễn Đình Thi thực sự sống khi được
nhà đạo diễn tài ba Nguyễn Đình Nghi dàn dựng đưa lên sân khấu.
Vở kịch đầu tiên Con nai đen được viết năm 1961. Tiếp đến Hoa và
Ngần 1974. Từ năm 1977 đến năm 1986, Nguyễn Đình Thi viết liền 8 vở:
Giấc mơ (1977); Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979),
Tiếng sóng, Người đàn bà hóa đá (1980), Cái bóng trên tường (1982),
Trương Chi (1983) và Hòn cuội (1983 - 1986).
Năm 1949, tại hội nghị tranh luận Văn Nghệ Việt Bắc, Nguyễn Đình
Thi đã chân thành giãi bày “Thơ là niềm thiết tha nhất, là cái tìm tòi rất khổ”
của ông. Gần 40 năm sau, năm 1988, ông lại tâm sự “Kịch là điều tôi say mê
nhất đã từ gần 30 năm nay”[14, tr. 390], nhưng ngẫm lại, “tôi thấy việc viết
kịch của tôi còn gặp nhiều khó khăn hơn cả thơ: mấy vở viết ra đều bị cấm
diễn” [14, tr. 256]. Nỗi niềm ấy của tác giả chỉ có thể là sau khi đã qua một
16
hành trình thật dài…Các tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi gặp rất nhiều
khó khăn khi dàn dựng đưa lên sân khấu. Vì sao những vở diễn lại có số phận
long đong đến như vậy.
Vở Con nai đen hoàn thành tháng 6/ 1961, tháng 11/1961 được in.
Năm 1962, Thế Lữ dàn dựng, được diễn trong hội diễn kịch nói 1962 và gây
nhiều tranh luận. Vở kịch bị phê bình quá nặng về tư tưởng và không được
diễn nữa.
Vở Hoa và Ngần viết năm 1974, đoàn kịch Hà Nội dựng (đạo diễn
Dương Ngọc Đức), chỉ xuất hiện duy nhất trong đêm tổng duyệt rồi bị cấm.
Đặc biệt là sự kiện về vở kịch lịch sử “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”
viết 1979. Năm 1980, Nguyễn Đình Nghi đạo diễn, nhà hát kịch Trung ương
thực hiện, cũng chỉ diễn được vài buổi rồi có lệnh cấm. Nhà văn Hoàng Hữu
Các [11, tr. 179] kể lại: “Buổi công diễn đầu tiên, Nhà hát lớn đông nghịt
người xem. Màn mở. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dẫn kíp diễn ra sân khấu
chào khán giả, và ông quay lại nói với các nghệ sĩ: “Không có nguyên mẫu
nào ngoài đời để chúng ta bắt chước cả. Anh chị em nghệ sĩ hãy đốt tim mình
lên để thắp sáng tác phẩm”. Từ phút đó cả nhà hát im phăng phắc… Rồi
tiếng vỗ tay ào lên như sấm… mọi người ùa lên sân khấu tặng hoa, bắt tay,
ôm hôn tác giả… Nhưng sau 8 buổi diễn, vở kịch có lệnh cấm”. Giới sân
khấu lúc đó có giai thoại vui “nếu kịch bản mang tên Nguyễn Đình Thi, đạo
diễn Nguyễn Đình Nghi thì khâu duyệt vở sẽ là Nguyễn Đình …Chỉ”. Chính
Nguyễn Đình Thi cho biết với vở kịch này ông còn gặp rất nhiều phiền phức
rắc rối. Điều đáng nói dù không được diễn, hoặc không được in, Nguyễn Đình
Thi vẫn cứ viết.
Số phận của Rừng trúc còn long đong hơn. Rừng trúc được viết trước
Nguyễn Trãi ở Đông Quan, ngay tháng áp tết 1978. Nguyễn Đình Thi đã ôm
bản thảo đến đoàn kịch Trung ương đọc cho nghệ sĩ Đào Mộng Long, Phạm
17
Thị Thành và Tuệ Minh, cả ba đều xuýt xoa tấm tắc. Đoàn kịch Điện ảnh định
dàn dựng nhưng không thành. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã rất mê Rừng
trúc từ ngày ấy và đem giới thiệu cho một số đoàn kịch (Đoàn kịch Trung
ương, Nhà hát cải lương Trung ương, nghệ sĩ Bạch Tuyết ở Thành phố Hồ
Chí Minh…). Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở dự định. Rừng trúc lặng lẽ tồn
tại ở dạng bản thảo đánh máy và truyền tay từ người này sang người khác.
Gần 10 năm sau, bước vào công cuộc đổi mới, Rừng Trúc mới được công bố
toàn văn trên Tạp chí Tác phẩm mới. Sau đó đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và
đoàn kịch Hà Nội đã đưa vào kế hoạch dàn dựng, nhưng rồi phải gác lại bởi
những lí do bất khả kháng [14, tr. 380].
Đến tận cuối 1999, sau 21 năm “im lặng”, Rừng trúc mới thực sự hiện
diện trên sân khấu Nhà hát tuổi trẻ do công của các đạo diễn Nguyễn Đình
Nghi và Phạm Thị Thành, cùng lớp diễn viên nổi tiếng của nhà hát. Vở diễn
đã đạt huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp cuối cùng
của thế kỉ XX. Lúc ấy Nguyễn Đình Thi đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Hữu
Nghị, nhưng ông thấy mình còn may mắn vì được chứng kiến đứa con tinh
thần của mình hóa thân trọn vẹn trên sân khấu. Ông ngậm ngùi nhớ Nguyễn
Huy Tưởng “Khi Vũ Như Tô được công diễn, Nguyễn Huy Tưởng đã chết
được hơn 30 cái giỗ rồi”.
Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là cả một quá
trình “tìm tòi rất khổ” nhiều khi “cô đơn heo hút” trong sự kì thị dường như
không dứt của đồng nghiệp [Mai Hương]. Trong làng văn nghệ Việt Nam hơn
nửa thế kỉ qua, ông thuộc những cây bút gặp nhiều phiền toái. Nhưng sau sự
kiện: thơ 1949, vở kịch Con nai đen, rồi Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Nguyễn
Đình Thi vẫn bền gan chịu đựng, tiếp tục tìm tòi và viết. Ông có nhiều dự cảm
đúng đắn, có ý kiến trở thành chân lí nghệ thuật của thời đại. Các vở kịch tâm
trạng như Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ỏ Đông Quan (1979) là những dự
18
báo cho công cuộc đổi mới văn học sẽ trở nên rầm rộ vào cuối những năm 80
của thế kỉ XX.
Có nhiều lí do dẫn đến những “tai nạn lao động” (theo cách nói của
Nguyễn Tuân) của các vở kịch Nguyễn Đình Thi, trong đó có nguyên nhân
liên quan đến những vấn đề tư tưởng mang tính thời đại, kể cả hậu quả của
bệnh quan liêu, giáo điều, hoặc những ấu trĩ của quan điểm xã hội học dung
tục một thời.
Đã đi qua thời gian, Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng
trúc… đang được đánh giá lại, như là những tác phẩm lớn, mang tầm vóc tư
tưởng sâu sắc, và đã trở thành “những sự kiện trong đời sống nước ta mấy chục
năm qua” (Trọng Khôi - Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 5/ 2003), [27].
Thời gian cầm bút nguyễn Đình Thi hơn một lần tha thiết “Suy nghĩ và
nguyện vọng của tôi là được viết những điều mình thấy và nên viết”. “Tôi
muốn tìm một câu trả lời về ý nghĩa kiếp sống của con người và phải tìm
trong cội nguồn cách sống và cách nghĩ của dân tộc”. Nhìn lại 10 tác phẩm
kịch của ông để cùng đồng cảm với tác giả “Tôi cảm thấy kịch cho phép tôi
nói được những vấn đề làm tôi suy nghĩ mấy chục năm”. Với cách khai thác ở
những dạng khác nhau như: khai thác ở đề tài lịch sử; dựa vào tích cũ của văn
học dân gian; khai thác đề tài cuộc sống đương đại. Các hướng khai thác này
đều sáng lên một cảm quan về lịch sử, thời đại, dân tộc, con người với chiều
sâu triết luận giàu tính nhân văn.
Dường như, mỗi tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi đều có xu hướng
muốn vươn tới những chủ đề vĩnh cửu. Huy Cận đọc hai vở kịch ngắn của
ông là Cái bóng trên tường và Người đàn bà hóa đá đã nghĩ đến chủ đề định
mệnh trong sân khấu thế giới. Tương tự Con nai đen, Hòn cuội là cuộc đấu
tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa sự thật và dối trá; vấn đề trong Giấc mơ
là hành trang dành quyền tồn tại giữa Sự sống và Cái chết, là ước mơ sống
19
đẹp và sống thật vươn lên mọi nỗi đau, mọi sự thiệt thòi mà không cần đến sự
khôn ngoan, toan tính…
Đối với văn học, đạo diễn chỉ là người ăn theo, còn với kịch không có
đạo diễn sẽ không có kịch. Nguyễn Đình Thi cho rằng “Người đạo diễn là
người giải mã, biến ước mơ in trên trang giấy thành tác phẩm nghệ thuật”.
Mặc dù Nguyễn Đình Thi viết kịch khá nhiều song mới chỉ có một vài vở
được dàn dựng diễn trên sân khấu (Nguyễn Trãi ở Đông Quan và Rừng
Trúc). Theo một số đạo diễn, đa số các vở kịch của Nguyễn Đình Thi trong
khi giàu chất văn học đặc biệt chất hình tượng và chất triết lí của kịch cùng
với chất chau chuốt của văn chương đối thoại nhưng lại có phần nghèo tính
sân khấu, cụ thể có những vở kịch đọc thì hay mà diễn thì khó, khó không có
nghĩa là không diễn được. Chính vì những yếu tố đó, mãi về sau này các vở
kịch của Nguyễn Đình Thi mới được bàn tay tài ba của đạo diễn Nguyễn Đình
Nghi dàn dựng thành công và ra mắt công chúng. Tuy còn nhiều tranh cãi
nhưng cũng đủ để khẳng định tài năng nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi về
kịch.
Kịch Nguyễn Đình Thi là những vấn đề ông nghĩ từ lâu, những vấn đề
không chỉ của một thời, những vấn đề mang triết lí nhân văn sâu sắc. Lời
thoại trong kịch của Nguyễn Đình Thi, ở nhiều vở mang vẻ đẹp cổ điển, đậm
dấu ấn văn hóa, giàu chất thơ và thấm đẫm chất triết lí trí tuệ. Nó đòi hỏi một
năng lực diễn xuất, một không khí và cả một trình độ thưởng thức cao…Ưu
điểm này cũng đi liền với hạn chế tất yếu của các vở diễn, vì với đông đảo
khán giả, không dễ để chỉ trong một giờ rưỡi đến hai giờ, có thể hiểu hết tư
tưởng của vở kịch cũng như ý nghĩa của các lời thoại.
Dù viết về đề tài lịch sử hay vay mượn những cốt truyện dân gian, hoặc
nghiêng về mảng sống hiện đại, kịch Nguyễn Đình Thi luôn có sự mấp mé
thực - ảo, và phần lớn là kịch tâm trạng. Thế mạnh của tác giả là hướng vào
20
thế giới nội tâm nhân vật với những màn độc thoại dài, nhưng cũng chính vì
thế mà khó cho cả đạo diễn, diễn viên và cả người xem. Thêm nữa, việc dàn
dựng kịch của Nguyễn Đình Thi đòi hỏi nhiều điều kiện khác. Như đã nói tác
phẩm kịch chỉ sống trọn vẹn khi trình diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, là một
thể loại chính của văn học với đầy đủ các đặc trưng riêng trong cấu trúc hình
tượng, trong phương thức biểu hiện, trong ngôn ngữ nghệ thuật, người ta vẫn
thưởng thức tác phẩm kịch bằng cách đọc kịch bản văn học. Tiếp xúc với kịch
bản văn học, độc giả có thể nghiền ngẫm, xúc cảm trước nghệ thuật ngôn từ,
nghệ thuật xây dựng tính cách, nghệ thuật tổ chức xung đột, đồng thời lĩnh
hội sâu sắc hơn những tư tưởng mà nhà văn gửi gắm, kí thác. Kịch của
Nguyễn Đình Thi là kịch của một nhà văn, kịch của một thi sĩ…Nó là những
tác phẩm văn học kịch hơn là kịch bản sân khấu. Nó thích hợp với việc đọc để
nghiền ngẫm, nghiên cứu hơn là để dàn dựng thành vở diễn. Chọn hình thái
kịch, nhà văn muốn phản ánh, muốn thể hiện những suy nghĩ về cuộc sống
dưới dạng những xung đột, nhằm nổi bật hơn, sâu sắc hơn bản chất của hiện
thực, của vấn đề.
Lựa chọn 3 kiểu đề tài (đề tài lịch sử; dựa trên tích truyện cũ của văn
học dân gian; đề tài hiện thực cuộc sống đương đại), trước hết không phải
khẳng định không phải là “đặc sản” của Nguyễn Đình Thi. Ta có thể bắt gặp
hiện tượng này trong sáng tác kịch, tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng với:
Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Đêm hội Long Trì, Những người ở lại, Bắc
Sơn, Anh sơ đầu quân; trong những sáng tác kịch của lưu Quang Vũ với:
Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nàng Sita, Đam San, Ông vua hóa hổ, Linh
hồn của đá, Đôi dòng sữa mẹ, Hẹn ngày ở lại, Muối mặn của đời con, Tôi
và chúng ta, Người tốt số nhà 5, Bệnh sĩ, Lời thề thứ 9… Trong hành trình
chinh phục những đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ có xu
hướng lựa chọn những đề tài khác nhau, những điểm nhìn khác nhau và thể
21
hiện chúng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nguyễn Huy Tưởng viết Vũ
Như Tô mà “chẳng biết Vũ Như Tô phải hay kẻ giết Vũ Như Tô phải…Cửu
trùng đài không thành nên mừng hay nên tiếc…Cầm bút chẳng qua cùng bệnh
với Đan Thiềm”. Đây là sự băn khoăn day dứt của một nghệ sĩ mang lương
tâm nghệ thuật nhưng loay hoay không biết đường đi đến nỗi lạc vào mê cung
của nghệ thuật! Còn Lưu Quang Vũ hiện đại trong chủ đề tư tưởng ngay cả
khi viết về đề tài lịch sử. Điều có thể thấy là khác hơn ở hiện tượng Nguyễn
Đình Thi chính nằm ở sự liên hệ trực tiếp giữa những vấn đề cốt yếu của hiện
thực xã hội đương đại, như vấn đề dân tộc, chủ quyền nổi bật trong Rừng
Trúc, như vấn đề dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa trong Nguyễn Trãi ở
Đông Quan. Ở những tác phẩm sau cùng, lại là những vấn đề kiếp người,
thân phận con người. Nguyễn Đình Thi vừa nhạy bén, hiện đại với thời cuộc
vừa sâu lắng, truyền thống của một bản lĩnh văn hóa.
Khi có điều kiện nhìn lại, 10 tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi cho
thấy một hành trình sáng tác: Thời kì đầu với Con nai đen, Hoa và Ngần,
Giấc mơ, Rừng Trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Nguyễn Đình Thi viết
trong nung nấu “viết những điều mình thấy là nên viết” bằng những suy nghĩ
cân não, một tầm nhìn sâu rộng về những vấn đề lớn lao, đại cục. Đến thời kì
sau với Tiếng sóng, Người đàn bà hóa đá, Cái bóng trên tường, Trương
Chi, nhà viết kịch viết trong chiêm nghiệm về những điều bé nhỏ, bình dị,
bằng con đường tìm về gần hơn với mảnh đất văn hóa dân gian sâu lắng từ
thuở nào, như một bông lúa rủ về với đất. 7/10 tác phẩm kịch của ông đều
mượn đề tài là những tích cũ, chuyện xưa, 3/10 tác phẩm còn lại phảng phất
hơi hướng huyền thoại, vậy nhưng Nguyễn Đình Thi không hướng đến khai
thác tỉ mỉ cốt, tích truyện cũ hay làm mới nội dung những cốt, tích truyện cũ
ấy, mà tiếp cận ở hai góc độ, một là ý nghĩa xã hội và nhân bản của xung đột
kịch, hai là mối liên hệ giữa vấn đề của ngày hôm qua với cuộc sống hôm nay.
22
Dù khai thác ở vỉa tầng nào của lịch sử, của kiện thực, của dân tộc, của
con người, kịch Nguyễn Đình Thi cũng hướng tới những vấn đề cơ bản, lớn
lao, nhân văn hơn cả. Người nghệ sĩ luôn tin vào nhân dân, tin vào lòng yêu
nước và lẽ sống của người Việt. Ông coi đó là cội nguồn bản lĩnh và sức sống
của dân tộc theo trường kì lịch sử. Đến với mỗi kiếp người bằng thể loại kịch,
mỗi tình huống, mỗi cách ứng xử, mỗi kiểu hành động được đưa vào trong thế
giới kịch của ông đều là những lựa chọn quyết liệt trong vô vàn những trăn
trở, ưu thời mẫn thế của một nghệ sĩ nhiều tri ân với cuộc đời. Ta cảm nhận
được rằng phía sau bức màn của những thách thức, những lựa chọn quá ư
khắc nghiệt ấy, người nghệ sĩ chỉ tha thiết một điều: Hãy để con người được
sống cuộc sống bình thường, tự nhiên.
23
CHƯƠNG II
CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG KỊCH NGUYỄN ĐÌNH THI
Nhân vật là một thành công lớn trong kịch Nguyễn Đình Thi. Khảo sát
các tác phẩm kịch của ông, chúng tôi nhận thấy tuy chỉ với một số lượng tác
phẩm có thể nói khá là khiêm tốn nhưng tác giả đã tạo dựng nên cho mình
một thế giới nhân vật phong phú về số lượng và đa dạng về kiểu loại. Bất
chấp những hạn chế về thời gian, không gian của kịch trên sân khấu, Nguyễn
Đình Thi đã nỗ lực không ngừng để tìm ra những hình thức mới để cho mỗi
vở kịch của mình có thể là sự kết hợp tự nhiên của nhiều nhân vật, thuộc
nhiều kiểu, loại, mang nhiều đặc điểm và tính cách khác nhau.
Trong kịch Nguyễn Đình Thi, từ hình tượng thiên nhiên đến hình tượng
con người, tất cả hòa hợp trong một không khí như mơ như thực. Đọc kịch
Nguyễn Đình Thi, người đọc như đang đi trong một thế giới mà “mỗi bước đi
đều chợp chờn giữa cõi thực và cõi tâm linh” (14, tr. 550). Trong thế giới ấy,
ta vừa bắt gặp những con người của lịch sử xa xưa: Nguyễn Trãi, Trần Thủ
Độ, Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh…lại vừa bắt gặp những con người rất gần
như Hoa, Ngần, người lính, bà lão… lại gặp những con người bước ra từ cổ
tích như Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Mỵ Nương, Trương Chi, nàng chinh phụ,
phú ông, nàng cuội… ta lại gặp cả nữ hoàng Clêôpat, Tần Thủy Hoàng, Thần
chết, ở đây còn có cả pho tượng đá, cái lá đa, con nai đen, cái bóng trên
tường…cho đến dòng sông, tiếng sóng… Thế giới mênh mang giữa hư và
thực mở rộng không gian của tác phẩm, nới rộng những chiều kích đưa con
người đến một cõi có hình mà vô hình trong sự toàn vẹn giữa những điều
mong muốn, khát khao. Đó là một nét phong cách kịch Nguyễn Đình Thi.
Nếu thời gian và không gian sân khấu hạn chế sự xuất hiện của quá nhiều
nhân vật, thì kịch của Nguyễn Đình Thi đã bước qua ranh giới ấy. Người nghệ
sĩ đưa nhân vật ra sân khấu cuộc đời, sống với con người.
24
Trong thế giới hư thực đó, để hiểu về thế giới nhân vật trong kịch
Nguyễn Đình Thi chúng tôi sẽ chia thành 2 kiểu nhân vật chính: nhân vật từ
hiện thực cuộc sống và những nhân vật biểu tượng. Sau đó, luận văn sẽ tiến
hành đi sâu vào phân tích một số nhân vật tiêu biểu, thể hiện những đặc trưng
cơ bản trong sáng tạo kịch Nguyễn Đình Thi.
2.1 Nhân vật từ hiện thực đời sống
Đây là loại hình nhân vật nằm trong những tác phẩm mà Nguyễn Đình
Thi viết về đề tài lịch sử. Không giống với các nhà chép sử khác (chỉ quan
tâm đến minh định đúng sai, thật giả của các chi tiết, các sự kiện lịch sử…),
các nghệ sĩ được tự do lựa chọn bất kỳ giai đoạn, sự kiện và nhân vật lịch sử
nào miễn sao có thể chuyên chở được những khát vọng sáng tạo, gửi gắm
được những ý tưởng hằng ấp ủ, và đặc biệt khai thác được mối quan hệ giữa
thời đại và lịch sử.
Viết về nhân vật lịch sử, Nguyễn Đình Thi đặc biệt quan tâm tới những
người đứng đầu xã tắc, nắm giữ việc nước, nắm giữ quyền bính quốc gia, và
những người trí thức, nghệ sĩ…, chiêm nghiệm về vai trò của họ đối với lịch
sử, đối với vận mệnh non sông. Sau đây, luận văn sẽ đi sâu vào phân tích
những hình tượng nhân vật tiêu biểu từ hiện thực đời sống như: nhân vật
người cầm quyền; nhân vật người trí thức, nghệ sĩ; nhân vật người lính và
người ở hậu phương.
2.1.1. Nhân vật người cầm quyền.
Có thể nói, trong số những vở kịch của Nguyễn Đình Thi viết về để tài
lịch sử, Rừng trúc là một trong những tác phẩm lớn nhất, thành công nhất.
Trong tác phẩm, tác giả không xoáy sâu vào tình huống đất nước với những
rối ren, biến loạn gươm đao, những xung đột vũ lực giữa các thế lực mà tập
trung bút lực vào xây dựng những tính cách, những số phận có tính quyết định
vận mệnh đất nước trong hoàn cảnh đó. Những cuộc đấu tranh thầm lặng mà
25
giằng xé, quyết liệt trong nội tâm của con người. Những bóng tối và ánh sáng
làm sao để khai thông trong tư tưởng. Mỗi cá nhân vượt qua nỗi sợ hãi, sự
mất mát đau đớn trong bản thể nhỏ bé của mình để hy sinh cho những điều
lớn lao, cho quốc gia dân tộc. Khi nhà Trần khởi nghiệp “gốc chưa sâu, rễ
chưa bền”, lòng người đang cơn xáo trộn thì mỗi nhân vật ở vị thế của mình
phân tích thời cuộc, nhìn lại chỗ đứng của mình, đưa ra những quyết sách
hành động. Họ vừa là chủ nhân, vừa là nạn nhân của những biến cố lịch sử
diễn ra dưới tác động của những nhân tố chủ quan, khách quan.
Từ xưa đến nay, trong lịch sử dân tộc nói rất nhiều đến vị thế người
nắm quyền lực: quyền lợi và trách nhiệm với quyền tự do và quyền sống của
cá nhân; vinh quang và cay đắng; sự hưởng thụ và hi sinh; quốc gia và tư gia:
quyền uy của chế độ phong kiến ở nhiều nước đã gây ra biết bao thảm kịch
đẫm máu. Nhưng con người vẫn khát khao có được quyền lực sẵn sàng đánh
đổi, sẵn sàng làm tất cả vì nó. Dường như, Nguyễn Đình Thi thấu hiểu được
hiện thực chính trị xã hội con người, đưa họ vào trang viết của mình. Các
nhân vật trong Rừng trúc cũng không vượt qua được giới hạn của những tấn
bi kịch ấy. Họ đứng giữa dòng lịch sử. Họ gánh hết mọi giông tố của thời đại.
Họ chịu trách nhiệm với vận mệnh non sông, với lịch sử. Họ vẫn mang một số
phận, một thân phận, một kiếp người. Nguyễn Đình Thi chú ý đến họ là đại
diện cho một kiếp người – Người cầm quyền.
Để thấu suốt nội dung tác phẩm, chúng tôi tiến hành nghiên cứu và
phân tích bộ ba nhân vật Trần Thủ Độ – Lý Chiêu Hoàng – Trần Cảnh trong
cơn biến loạn dữ dội của lịch sử.
a)Nhân vật Trần Thủ Độ
Trong tác phẩm Rừng Trúc, Nguyễn Đình Thi xoay quanh sáu nhân
vật lịch sử đời Trần ở thế kỷ XIII. Trong hoàn cảnh đất rối ren giặc ngoại xâm
lăm le bờ cõi, thời điểm chuyển giao ngôi báu từ triều Lý sang triều Trần