SỞ GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO NGHỆ AN
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 4
ĐÊ KHẢO SÁT häc sinh giái tØnh líp
12
MÔN NGỮ VĂN
n¨m häc 2014 - 2015
Thời gian làm bài: 150 phút
Phần I: Đọc hiểu (2 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
… “Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong
trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người
quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến
răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than? Không, không, Điền không thể nào mơ
mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ
lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn
tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền
khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ
làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên
mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật
không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ
những kiếp lầm than, ” (Nam Cao – Trăng sáng)
a. Đoạn văn trên được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn trần thuật của nhân vật nào? Cách
trần thuật này có tác dụng gì?
b. Nêu và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ được sử dụng trong câu văn Nghệ
thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối,
nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, ”
c. Hình ảnh ánh trăng ở đây có ý nghĩa gì? Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của anh chị về
tư tưởng của tác giả gửi gắm trong đoạn văn trên.
Phần II: Làm văn
Câu 2 (3,0 điểm):
Đôi mắt của trái tim.
Câu 3 (5,0 điểm)
Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Prút cho rằng:
“Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một
đôi mắt mới”.
Qua cảm nhận về đoạn thơ sau, anh chị hãy bình luận ý kiến trên :
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
(Xuân Diệu, Vội vàng, SGK Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007,
trang 22)
Hết
HƯỚNG DẪN CHẤM
(Gồm có 03 trang)
A.Yêu cầu chung:
1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ
ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính
tả.
2. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng, định tính chứ
không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của
thí sinh trong tính chỉnh thể; trân trọng những bài viết có ý kiến và giọng điệu riêng. Chấp
nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí
và có sức thuyết phục.
3. Tổng điểm toàn bài là 10,0 điểm, cho lẻ đến 0,5 điểm.
B. Yêu cầu cụ thể:
Phần I: Đọc hiểu (2 điểm)
a. Đoạn văn trên được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn trần thuật của nhân vật Điền Cách
trần thuật này có tác dụng: giúp tác giả đi sâu vào những cung bậc cảm xúc và suy nghĩ
của nhân vật Điền, đặc biệt là những nhận thức về văn chương, nghệ thuật. Qua đó, nhà
văn bộc lộ tư tưởng của mình
b. Phép tu từ được sử dụng trong câu văn: phép điệp (điệp từ “nghệ thuật”, điệp cấu trúc
câu).
Hiệu quả nghệ thuật: khẳng định, nhấn mạnh nhận thức mới của Điền về văn chương,
nghệ thuật và thái độ dứt khoát của anh trong việc lựa chọn con đường sáng tạo nghệ thuật
vị nhân sinh, phê phán lối văn chương thoát li, thi vị hóa cuộc sống thực tế vốn còn nhiều
cơ cực, lầm than.
c. Ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng: là biểu tượng cho loại nghệ thuật chỉ đắm chìm trong
cảm xúc lãng mạn thoát li, tô hồng thực tế đời sống, ru ngủ con người trong ảo tưởng,
mộng mơ.
Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của anh chị về tư tưởng của tác giả gửi gắm trong
đoạn văn trên: Học sinh cần nêu được quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao thể hiện
qua câu nói của Điền: nghệ thuật vị nhân sinh. Từ đó, biết liên hệ đến hoàn cảnh xã hội
Việt Nam những năm 40 của thế kỉ XX, thiên chức của văn chương nghệ thuật và đặc biệt
là thực tiễn sáng tác của Nam Cao để đánh giá vê ý nghĩa của tư tưởng này. Có thể nói đó
là một quan niệm nghệ thuật tích cực và tiến bộ của một nhà văn hiện thực và nhân đạo sâu
sắc luôn trăn trở về vấn đề sống và viết.
Phần II: Làm văn
Câu 2 (3,0 điểm):
Đôi mắt của trái tim
Đây là dạng đề mở, người viết cần đưa ra được quan điểm riêng của mình và lựa chọn
kiểu văn bản phù hợp. Sau đây là một số gợi ý về nội dung.
1. Trong cuộc sống, tuy vào hoàn cảnh, tính cách, quan niệm sống, con người có nhiều
cách nhìn đời khác nhau. Đôi mắt của trái tim chỉ cách nhìn đời nhân hậu, bao dung, nhìn
cuộc đời và con người bằng cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ, trân trọng. Đây là một thái độ
ứng xử đẹp của con người trong cuộc sống.
2. Nhìn đời bằng đôi mắt của trái tim giúp ta nhìn thấy những góc khuất của cuộc đời
và lòng người mà nếu chỉ nhìn bằng đôi mắt sinh học hay của lí trí tỉnh táo ta không thể
hiểu. Đó là cơ sở để ta điều chỉnh mình, biết trân trọng cuộc sống và sống đẹp hơn.
3. Thực tế, có người luôn nhìn đời qua lăng kính màu đen, có người lại chỉ biết tô hồng
cuộc sống, cũng có người nhìn thẳng vào sự thật bằng đôi mắt của lí trí lạnh lùng, tàn
nhẫn… Nhưng cũng có người luôn ứng xử theo chủ nghĩa tình cảm, đặt tình cảm lên trên
hết, chưa sáng suốt trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là những cách nhìn đời phiến diện
khiến hình ảnh cuộc sống trong lòng họ bị bóp méo gây hậu quả khôn lường (ảo tưởng về
cuộc sống, bi quan tuyệt vọng hay sống vô cảm…).
4. Bài học:
Mỗi người cần học cách nhìn cuộc sống bằng cả trí tuệ và tâm hồn, đặc biệt cần mở
lòng mình đón nhận những sắc màu khác nhau của vạn vật để thế giới này đẹp đẽ và nhân
văn hơn.
Biểu điểm:
- Điểm 2,5 -3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu
hình ảnh.
- Điểm 1,5 - 2,25: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng,
mạch lạc.
- Điểm 1- 1,25: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt,
chính tả.
- Điểm dưới 1: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt.
Câu 2 (5,0 điểm):
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cơ bản đạt được các nội dung sau:
a. Giải thích vấn đề
- Cuộc thám hiểm thực sự: quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn để sáng tạo nên tác
phẩm đích thực.
- Vùng đất mới: hiện thực đời sống chưa được khám phá
- Đôi mắt mới: cái nhìn và cách cảm thụ đời sống mới mẻ
- Hàm ý câu nói: Trong quá trình sáng tạo, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách
cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và cuộc đời.
b. Cảm nhận đoạn thơ trong Vội vàng và khẳng định vấn đề
- Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi non, ngập tràn sức sống với những chi tiết giàu sức
gợi ong bướm, hoa la, đồng nội, tiếng chim, ánh sáng, Tất cả các chi tiết đều gần gũi. Đó
chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống trần thế- một thiên đường mặt đất, một bữa tiệc
trần gian.
- Phép điệp, phép liệt kê, so sánh và giọng điệu thiết tha sôi nổi góp phần diễn tả trạng thái
hân hoan, ngất ngây say đắm của chàng trai trẻ trong buổi sớm xuân tình.
- Đoạn thơ là kết quả của cái nhìn mới, của cặp mắt “xanh non, biếc rờn” trước vẻ đẹp mùa
xuân. Xuân Diệu đã nhìn thế giới vốn dĩ quen thuộc với tất cả chúng ta bằng đôi mắt của
một chàng trai tha thiết yêu đời, chếnh choáng men tình yêu và đặc biệt quý trọng từng
khoảnh khắc thời gian. Mặt khác, đó cũng là cái nhìn của một cái tôi đã thức tỉnh ý nghĩa
của sự tồn tại cá nhân, dám tự tin khẳng định vị trí của con người: con người là trung tâm
của vũ trụ, là hệ quy chiếu cho tất cả vẻ đẹp của đất trời.
- Như vậy, từ thực tiễn quá trình sáng tạo của nhà thơ Xuân Diệu nói riêng, của các văn
nghệ sĩ nói chung, ta có thểt khẳng định: trong sáng tác văn học, chính cái nhìn và cách
cảm thụ đời sống của người cầm bút chứ không phải sự tìm tòi, khám phá về đề tài là cái
quyết định giá trị của một tác phẩm.
c. Mở rộng, nâng cao vấn đề
- Nếu đã có cái nhìn giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một đề tài mới mẻ thì
sức sáng tạo của nhà văn và giá trị độc đáo của tác phẩm càng cao. Vì thế, coi trọng vai trò
quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới”
trong thực tiễn sáng tác.
- Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, nhà văn cần trau dồi tài năng (sự tinh tế, sắc
sảo ), bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời ) và xác lập
một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ.
Biểu điểm:
- Điểm 4-5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh.
- Điểm 3- 3,75: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc.
- Điểm 2,5- 2,75: Đáp ứng 2/3 yêu cầu trên, hành văn ít mắc lỗi.
- Điểm 1,5- 2,25: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm dưới 1,5: Còn non kém về nhiều mặt.