Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đề thi chọn đội tuyển dự thi Quốc Gia THPT năm 2014 tỉnh Đăk Lăk môn sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (310.36 KB, 5 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI QUỐC GIA
TỈNH ĐẮK LẮK NĂM HỌC 2013 - 2014

ĐỀ CHÍNH THỨC MÔN: LỊCH SỬ 12
(Đề thi gồm 01 trang) (Thời gian làm bài 180 phút, không kể giao đề)


Câu 1: (2,5 điểm)
Những sự kiện lịch sử nào dẫn tới tình trạng “Chiến tranh lạnh” ra đời giữa phe tư
bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

Câu 2: (2,5điểm)
Từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai,
yêu cầu số một của người nông dân Việt Nam là gì? Bằng thực tiễn lịch sử, em hãy làm
sáng tỏ luận điểm đó.

Câu 3: (3,0điểm)
Nêu chủ trương đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương qua Văn kiện Hội nghị
Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 và Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành
động của chúng ta” (12/3/1945).

Câu 4: (3,0điểm)
Trình bày việc thành lập các tổ chức vũ trang cách mạng nước ta từ năm 1940-
1945. Những đóng góp quân sự của ông Võ Nguyên Giáp ở giai đoạn này như thế nào?

Câu 5: (3,0điểm)
Quá trình hòa hoãn, đi đến đuổi quân Trung Hoa Dân quốc về nước được Chính phủ
ta tiến hành như thế nào từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946?

Câu 6: (3,0điểm)
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến của ta là “đánh chắc, tiến


chắc”. Còn trong Đại thắng xuân 1975, đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh lại là “Đánh
nhanh, thắng nhanh”.
1/ Em hãy giải thích vì sao có sự khác nhau về phương châm tác chiến đó?
2/ Việc thực hiện tác chiến ở 2 chiến dịch đó diễn ra như thế nào?

Câu 7: (3,0điểm)
Trình bày những nguyên nhân chung dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế
kỉ XX. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là gì?

HẾT
 Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
 Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh…………………… …………… Số báo danh………
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI QUỐC GIA
TỈNH ĐẮK LẮK NĂM HỌC 2013 - 2014

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: LỊCH SỬ 12



Câu 1 Những sự kiện dẫn tới sự ra đời của “Chiến tranh lạnh”- (2,5điểm)
- Trước hết, đó là sự đối lập giữa 2 cường quốc về mục tiêu và chiến lược. Liên Xô
chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội
và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới. Ngược lại, Mỹ ra sức chống Liên Xô, đẩy lùi
phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. (0,75điểm).
- Hai là, sự ra đời của “Kế hoạch Mác san” (6/1947). Mỹ viện trợ các nước Tây Âu
17 tỷ USD để phục hồi kinh tế sau chiến tranh, đồng thời đưa các nước này vào liên minh
quân sự chống Liên Xô. Việc thực hiện kế hoạch này đã tạo nên sự đối lập kinh tế và chính
trị giữa các nước Tây Âu và Đông Âu. (0,75điểm)

- Ba là, Mỹ lập ra tổ chức “Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương” (NATO), tháng 4/1949,
nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Liên Xô cũng lập ra tổ chức
“Hiệp ước Vác sa va” (tháng 5/1955), để phòng thủ. (0,75điểm).
- Những sự kiện trên đánh dấu sự xác lập trật tự 2 cực, 2 phe. “Chiến tranh lạnh” đã
bao trùm cả thế giới. (0,25điểm).
Câu 2 Từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay
sai yêu cầu số một của người nông dân Việt Nam (2,5 điểm)
Yêu cầu số một
Yêu cầu số một của nông dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và tay
sai đó là độc lập dân tộc. (0,5 điểm)
Sáng tỏ luận điểm (2,0 điểm)
- Dưới chế độ phong kiến, nông dân mâu thuẫn sâu sắc với quan lại địa chủ, nhưng
khi thực dân Pháp xâm lược họ đã tạm gác mối thù giai cấp, đứng dưới ngọn cờ phong kiến
để giành lại độc lập dân tộc. Họ đã tích cực tham gia phong trào chống Pháp xâm lược. (0,5
điểm)
- Khi thực dân Pháp đặt ách thống trị thì giai cấp nông dân là nạn nhân của tất cả các
chính sách khai thác thuộc địa. Vì vậy, mâu thuẫn giữa nông dân với đế quốc và tay sai phát
triển gay gắt. Họ không chỉ bị bóc lột về kinh tế mà còn bị nô dịch về chính trị; phải chịu nỗi
nhục của người dân mất nước. Chính vì vậy, yêu cầu hàng đầu của họ là chống đế quốc và
tay sai, giành độc lập dân tộc. (0,5 điểm)
- Tất cả các cuộc khởi nghĩa diễn ra cuối thế kỉ XIX (ngọn cờ phong kiến) đã lôi cuốn
đông đảo nhân dân tham gia. Đầu thế kỉ XX, trong các cuộc vận động yêu nước theo hệ tư
tưởng tư sản cũng lôi cuốn đông đảo giai cấp nông dân tham gia. (0,5 điểm)
- Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong tất cả các phong trào đấu tranh 1930-
1931, 1936-1939, 1939-1945, nông dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất. Từ năm
1936, Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nông dân vẫn hăng hái đứng
lên theo Đảng làm cách mạng; làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất cách mạng Tháng
Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. (0,5 điểm)
Câu 3 Nêu chủ trương đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương qua các văn kiện:
- Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 (2,0 điểm)


+ Kẻ thù: đế quốc, phát xít Pháp – Nhật và tay sai. (0,5 điểm)
+ Xác định nhiệm vụ và mục tiêu: nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc là nhiệm
vụ hàng đầu. Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu cao khẩu hiệu giảm tô, giảm tức,
chia lại ruộng đất công, tiến tới người cày có ruộng. Thành lập Chính phủ Việt Nam dân chủ
cộng hòa. (0,5 điểm)
+ Quyết định thành lập mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh và giúp đỡ việc thành
lập mặt trận ở Lào và Căm pu chia, thay tên các Hội Phản đế thành Hội Cứu quốc. (0,5
điểm)
+ Xác định hình thái khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi
nghĩa. Hội nghị nhấn mạnh: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn
dân. (0,5 điểm)
- “Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (1,0 điểm)
+ Cuộc đảo chính đã tạo nên sự khủng hoảng sâu sắc về chính trị, nhưng điều kiện
tổng khởi nghĩa chưa chín muồi, xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính của nhân dân Đông
Dương. Khẩu hiệu “Đánh đuổi Pháp-Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít
Nhật”. (0,5 điểm)
+ Hình thức đấu tranh là từ bất hợp pháp, bãi công, bãi thị đến biểu tình, thị uy, vũ
trang du kích và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Quyết định
phát động “cao trào kháng Nhật cứu nước” làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. (0,5 điểm)

Câu 4 Lực lượng vũ trang cách mạng… (3,0điểm)
Sự thành lập các tổ chức vũ trang: (1,5điểm)
- Thành lập các trung đội Cứu quốc quân:
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, Đảng chủ trương chuyển một bộ phận lực lương vũ
trang sang xây dựng các đơn vị du kích. Tháng 2/1941, các đơn vị này thống nhất thành
Trung đội Cứu quốc quân I tại Bắc Sơn- Võ Nhai. Trung đội này lại phân tán khắp các tỉnh
Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn để gây dựng lực lượng. Trên cơ sở đó đã hình thành
Trung đội Cứu quốc quân II (9/1941).Để đáp ứng yêu cầu mới, tháng 2/1944, Trung đội Cứu
quốc quân III đã ra đời tại Bắc Sơn- Võ Nhai. (0,5 điểm)

- Thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân:
Tình hình thế giới biến đổi mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng. Tổng bộ Việt
Minh ra chỉ thị: “Sửa soạn khởi nghĩa”. Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng, gồm 34 người do Võ
Nguyên Giáp chỉ huy. (0,5 điểm)
- Thành lập Việt Nam Giải phóng quân:
Để gấp rút chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ
(4/1945) quyết định thống nhất các đơn vị vũ trang thành lực lượng duy nhất. Tháng 5/1945,
các Trung đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã thống nhất
thành Việt Nam giải phóng quân. Như vậy, bên cạnh lực lượng đấu tranh chính trị rộng lớn
của quần chúng, ta đã có lực lượng vũ trang hỗ trợ cho tổng khởi nghĩa tháng Tám năm
1945. (0,5 điểm)

Đóng góp quân sự của Võ Nguyên Giáp ở giai đoạn này: (1,5điểm)
- Là người đứng ra thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức
tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông trở thành người “Anh Cả” của quân đội.
(0,5 điểm)
- Dưới sự chỉ huy của ông, Đội đã đánh thắng 2 trận liên tiếp ở đồn Phay Khắt và Nà
Ngần (Cao Bằng), gây dựng niềm tin cho cách mạng. (0,5 điểm)
- Ngày 16/8/1945, thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, ông dẫn đầu một đơn vị
vũ trang, tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa giành chính
quyền trong cả nước. (0,5 điểm)

Câu 5 Quá trình hòa hoãn, đi đến đuổi quân Trung Hoa Dân quốc…

(3,0điểm)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc
dưới danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật đã kéo vào miền Bắc nước ta, (phía Nam là
quân Anh, Pháp…). Theo sau chúng là các tổ chức tay sai Việt Quốc, Việt Cách…về nước
hòng cướp chính quyền. (1,0điểm)

- Trong hoàn cảnh phải đối phó nhiều kẻ thù cùng một lúc, ta chủ trương tam thời hòa
hoãn với quân Trung Hoa Dân quốc. Cụ thể: nhường cho bọn tay sai của chúng 70 ghế trong
Quốc hội, 4 ghế trong Chính phủ; nhân nhượng một số quyền lợi kinh tế (cung cấp một phần
lương thực, thực phẩm, phương tiện giao thông, dùng tiền giấy…); tuyên bố “tự giải tán”
Đảng cộng sản…Nhờ đó, ta làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng.
(1,0điểm)
- Từ tháng 2/1946, quân Trung Hoa Dân quốc phải rút về nước do cuộc nội chiến
Quốc- Cộng sắp xẩy ra. Chúng đã ký với Pháp bản “Hiệp ước Hoa- Pháp”, theo đó, Pháp
nhường cho chúng một số quyền lợi ở Trung Quốc. Đổi lại, quân Pháp được ra Bắc chiếm
đóng. Ta tạm hòa hoãn với Pháp bằng “Hiệp định sơ bộ” (6/3/1946). Bằng hiệp ước này, ta
đuổi được 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc và bọn tay sai ra khỏi nước ta, tránh được nguy
cơ phải đối phó với nhiều kẻ thù. (1,0điểm)

Câu 6 Phương châm tác chiến của 2 chiến dịch…(3,0điểm)
1/ Lý do khác nhau: (1,5điểm)
- Về tương quan lực lượng: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch mạnh hơn hẳn ta
về mọi mặt. Địch có quân đội thiện chiến, có vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại,
hành quân và tiếp tế bằng đường hàng không… Còn quân đội ta chỉ quen lối đánh du kích,
chưa trải qua đánh chính quy. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta mạnh hơn địch cả số
lượng quân cũng như chiến thuật, chiến lược. Ta có đầy đủ vũ khí và phương tiện chiến tranh
đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch.
- Về tình thế chiến trường: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch xây dựng một trận
địa phòng ngự vững chắc, được mệnh danh “pháo đài không thể công phá”. Nếu ta sử dụng
phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chắc chắn tổn thất hi sinh của bộ đội sẽ vô cùng
lớn, có nghĩa khó giành được thắng lợi. Còn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh không phải là
trận địa chiến mà là một chiến trường rộng mở, bên nào mạnh hơn, bên đó chiến thắng.
Với lý do trên nên mỗi chiến dịch, ta đã chọn phương châm tác chiến phù hợp, thể
hiện nghệ thuật quân sự siêu việt.

2/ Việc thực hiện tác chiến: (1,5điểm)

- Thời gian tác chiến: Chiến dịch Điện Biên Phủ, với một khoảng không gian nhỏ hẹp,
nhưng chiến dịch kéo dài 56 ngày đêm (từ 13/3- 7/5/1954), ta mới thành công. Còn Chiến
dịch Hồ Chí Minh chỉ diễn ra trong 1 tuần (26- 30/4/1975).
- Phương châm tác chiến: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta bao vây và tấn
công địch bằng hệ thống giao thông hào, từng bước bao vây, chia cắt, cô lập địch để tiêu diệt
chúng. Còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta sử dụng lối đánh thọc sâu và chia cắt địch
bằng sức mạnh tổng lực của bộ binh, xe tăng, pháo, máy bay… đẩy địch vào tình thế suy
vong và thất bại nhanh chóng.

Câu 7: (3,0điểm)
Trình bày những nguyên nhân chung dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong
thế kỉ XX. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỉ XX
(1,5 điểm)
+ Quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản dẫn đến sự thay đổi tương
quan lực lượng giữa các cường quốc tư bản. (0,5 điểm)
+ Sự phân chia thuộc địa giữa các nước không đồng đều. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa
ngày càng phát triển mạnh, nhu cầu thuộc địa ngày càng lớn, dẫn đến cuộc chiến tranh để
chia lại thuộc địa. (0,5 điểm)
+ Các nước đế quốc mâu thuẫn với nhau dẫn đến việc hình thành các khối đế quốc đối
lập, làm cho các cuộc chiến tranh nhanh chóng bùng nổ. Cả hai cuộc chiến này đã để lại
những hậu quả tàn khốc, nặng nề cho nhân loại. (0,5 điểm)

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1,5 điểm)
+ Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ trước hết là do những mâu thuẫn về quyền lợi,
lãnh thổ, về thuộc địa hết sức gay gắt giữa các nước đế quốc với nhau. Sự phân chia theo hệ
thống Vécxai-Oasinhtơn chứa đựng những mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa các
nước đế quốc. (0,5 điểm)
+ Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm sâu sắc thêm những mâu

thuẫn giữa các nước đế quốc; thế lực phát xít lên cầm quyền ở Đức, Italia, Nhật Bản và đã
gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. (0,5 điểm)
+ Trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ nhất vốn chứa đựng
nhiều mâu thuẫn và bất ổn. Do mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dần hình
thành hai khối đế quốc đối địch nhau. Nhưng cả hai khối đều coi Liên Xô là kẻ thù chiến
lược cần phải tiêu diệt. Chính sách hai mặt của Anh - Pháp - Mỹ đã tạo điều kiện cho phát
xít Đức tiến hành cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. (0,5 điểm)

HẾT

×