Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

ĐỀ THI môn NGỮ văn kỳ THI học SINH GIỎI lớp 10 THPT năm học 2012 2013

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.66 KB, 5 trang )


SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2012-2013
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT không chuyên)
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu 1 (3,0 điểm).
Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố.
(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm)
Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Câu 2 (7,0 điểm).
Tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Hết
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh……… …….…….….….; Số báo danh……………………
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2012-2013
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT không chuyên)
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng
phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng
chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được
những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Đời: được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, chỉ cuộc đời nói chung và cuộc
đời mỗi con người nói riêng.
- Giông tố: chỉ hiện tượng thiên nhiên dữ dội. Giông tố cuộc đời là chỉ những


hoàn cảnh thử thách, những đau thương mất mát, những gian khổ nghiệt ngã trong
cuộc sống của mỗi con người, rộng ra là cuộc sống của cộng đồng, dân tộc.
- Cúi đầu: là thái độ cam chịu, khuất phục.
- Câu nói của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm khẳng định: cuộc đời mỗi con
người có thể trải qua nhiều gian nan nhưng con người không được đầu hàng, khuất
phục trước khó khăn, thử thách. Có như vậy chúng ta mới đạt được thành công, hạnh
phúc và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống
là một trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp.
Đặc biệt, để đạt được thành công, con người phải vượt qua nhiều chông gai, thử
thách.
- Giông tố với những thử thách, gian nan chính là môi trường tôi luyện con người.
(Đáp án có 04 trang)
- Câu nói trên là tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại
đầy bão táp – thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra hết sức ác liệt,
thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên, sống thật đẹp và hào hùng.
- Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan,
thử thách, phải có tinh thần dũng cảm, có nghị lực và bản lĩnh để vượt qua.
- Phê phán những người có thái độ sống ươn hèn, thụ động, không có ý chí,
nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình,
không nên chùn bước trước những khó khăn, bất trắc. Sống cần có lý tưởng, khát
vọng và ước mơ.
- Giông tố không chỉ là thử thách với cuộc đời của mỗi con người mà còn là thử
thách với một dân tộc. Hãy sống như thế hệ Đặng Thuỳ Trâm, một thế hệ đã dũng cảm
vượt qua những bão táp của cuộc đời để đem lại cuộc sống tươi đẹp cho đất nước.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng

chọn lọc và thuyết phục.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong
phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để
làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có
cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh vận dụng hiểu biết về tinh thần yêu nước trong văn học, phân tích làm
sáng tỏ tinh thần yêu nước trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Thí
sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý
cơ bản sau:
1. Tinh thần yêu nước trong văn học:
- Tinh thần yêu nước là nội dung mang tính truyền thống trong văn học Việt Nam.
- Tinh thần yêu nước trong văn học trung đại mang nét đặc trưng riêng. Đó là
tư tưởng trung quân ái quốc, với quan niệm đất nước là của vua, yêu nước là trung
với vua, trung với vua là yêu nước. Tinh thần yêu nước đó đã không chỉ tồn tại ở
dạng quan niệm, tư tưởng đơn thuần, mà quan trọng hơn là tồn tại ở dạng cảm xúc,
cảm hứng, với đủ màu vẻ và cung bậc: yêu nước chính là ý thức tự cường, tự tôn dân
tộc, trong hoản cảnh đất nước bị xâm lăng, yêu nước là nỗi buồn mất nước, nỗi nhục
mất nước, là căm thù giặc, là quyết chiến, quyết thắng kẻ thù, bảo vệ đến cùng chủ
quyền đất nước, yêu nước là khát vọng hoà bình, là cảm hứng thiết tha về đất nước
với thiên nhiên tươi đẹp, là cảm hứng tự hào với nền văn hiến lâu đời, riêng bờ cõi,
riêng phong tục tập quán, là day dứt về một thời đã qua, về chiến tranh đã làm bao
người phải nằm lại nơi chiến trường xưa…
- Tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thấm nhuần tư
tưởng trung quân ái quốc và thể hiện cơ bản những cung bậc cảm xúc trên.

2. Tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:
- Tinh thần yêu nước của Bình Ngô đại cáo được thể hiện trước hết ở niềm tự hào
về đất nước, về dân tộc: khẳng định dân tộc ta có nền văn hiến lâu đời, có lịch sử riêng,
có cương vực lãnh thổ, có phong tục tập quán, có triều đại riêng với tên nước Đại Việt,
có độc lập chủ quyền, có nhân tài hào kiệt, có chiến công, bên cạnh đó là truyền thống
nhân ái, nhân nghĩa của dân tộc. Niềm tự hào này toàn diện, sâu sắc và mới mẻ hơn so
với Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt(?)), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn).
- Tinh thần yêu nước thể hiện ở lòng căm thù sâu sắc trước những tội ác của
giặc Minh. Xót xa, đau đớn trước thảm cảnh khốn cùng của nhân dân.
- Tinh thần yêu nước thể hiện qua cảm hứng dạt dào và hứng khởi khi tác giả
ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ca ngợi lãnh tụ xuất chúng - Lê Lợi và sức mạnh
của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp “manh lệ”.
- Cảm hứng anh hùng ca hào sảng với niềm tự hào mãnh liệt trong đoạn văn
miêu tả chiến thắng thần tốc của nhân dân Đại Việt.
- Áng văn yêu nước kết thúc bằng niềm tin vững chắc vào độc lập dân tộc và
tương lai đất nước. Lời tuyên bố kết thúc là sự hoà quyện giữa cảm hứng về độc lập
dân tộc, tương lai đất nước với cảm hứng về vũ trụ hướng tới sự sáng tươi, phát triển
thể hiện sâu đậm niềm tin và quyết tâm của nhân dân Đại Việt xây dựng đất nước khi
vận hội duy tân đã mở.
3. Đánh giá, nâng cao:
- Lí giải cơ sở của tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo:
+ Kế thừa tinh thần yêu nước trong truyền thống văn học.
+ Mang âm hưởng của thời đại, khi đất nước ca khúc khải hoàn chiến thắng
giặc Minh (1428).
+ Kết tinh tầm vóc tư tưởng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
- Nghệ thuật thể hiện tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo độc đáo, hấp
dẫn: thể cáo với kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén giàu sức thuyết phục, luận chứng
xác thực, kết hợp hài hoà chất chính luận và chất trữ tình, từ hình tượng đến ngôn
ngữ, từ màu sắc đến âm thanh, nhịp điệu, tất cả đều mang đặc điểm của bút pháp anh
hùng ca.

- Bình Ngô đại cáo là đỉnh cao của thơ văn yêu nước thời trung đại. Với tinh
thần yêu nước sâu sắc, mới mẻ Bình Ngô đại cáo xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn
của muôn đời, là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc Việt Nam.
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài
viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn
đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích
được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng
quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những
suy nghĩ sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng
điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến
0,25 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
Hết

×