SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC
NĂM HỌC 2014 – 2015
MÔN : NGỮ VĂN – KHỐI D
Ngày thi: 07 / 05 / 2015
Thời gian làm bài:180 phútkhông kể thời gian giao đề
Đề thi gồm 2 trang
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) :
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
( Bên kia sông Đuống- Hòang Cầm)
1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ trên .(0.5)
2. Cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông qua câu thơ: Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến
trường kì.(0.5)
3. Từ hình ảnh sông Đuống của ngày xưa và ngày nay nói rõ xúc cảm của nhân vật trữ
tình dành cho miền quê yêu dấu.(1.5)
4. Vì sao những dòng thơ viết về quê huơng lại mở đầu bằng lời tâm tình với nhân vật
"em"?(0.5)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm) :
1.(3.0 điểm).
TIẾNG THÌ THẦM CỦA SA MẠC
Một nhà thám hiểm đi tới vùng sa mạc, nhìn hết huớng này sang hướng khác nơi đâu
cũng thấy toàn cát và cát, cát và gió, cát và nắng cháy. Lê gót trong tuyệt vọng ông vấp
ngã và nằm vùi trong cát. Không còn đủ sức đứng lên, không còn chút hi vọng sống. Áp
tai vào cát ông cảm nhận sự thinh lặng đáng sợ của sa mạc. Nhưng trong thinh lặng
tuyệt đối ông bỗng nghe như có tiếng thì thầm từ đâu vang lại- hình như tiếng róc rách
của một dòng suối.
Ông cố gắng vươn dậy, trườn về phía những âm thanh mơ hồ đó. Và ông đã vượt qua sa
mạc. Kì diệu hơn ông bắt gặp dòng suối trong mát! Sự sống đã hồi sinh!
( Những câu chuyện về lẽ sống - internet)
Viết một bài luận về bài học cuộc sống mà anh / chị rút ra từ câu chuyện trên.
2.(4.0 điểm).
Phát biểu cảm nhận của anh/ chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Hết
ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ MÔN VĂN KHỐI D
Ngày thi: 07/ 05/ 2015
Phần 1. Đọc hiểu ( 3 điểm).
1. Đoạn thơ sử dụng các phương thức biểu đạt là : tự sự, miêu tả, biểu cảm.
2. Câu thơ gợi tả một sông Đuống duyên dáng trữ tình như dáng hình gợi cảm, tràn đầy
sức thanh xuân của người thiếu nữ Kinh Bắc. Đồng thời gợi lên vẻ đẹp của một sông
Đuống trầm mình trong dòng chảy của thời gian lịch sử
3. Sông Đuống ngày xưa là miền quê yên ả, thanh bình, trù phú Sông Đuống hôm nay
là ranh giới chia lìa giữa quá khứ và hiện tại, giữa bình yên và chiến tranh. Sông Đuống
là niềm hướng vọng đau đáu thiết tha trong tâm khảm đứa con xa quê Sông Đuống gợi
thức niềm yêu tha thiết và nỗi đau quặn thắt
Phần 2. Làm văn (7 điểm).
1.(3 điểm)
*Giải thích:
-Tiếng thì thầm của sa mạc là câu chuyện về sức mạnh hay sự kì diệu của ước mơ, hi
vọng.
- Ước mơ hi vọng là thứ ánh sáng trong tâm hồn được thắp lên trong những hoàn cảnh
ngặt nghèo, khó khăn của cuộc sống và trở thành động lực, tạo nên sức mạnh tinh thần
giúp con người vượt qua thử thách.
* Bàn luận:
- Hi vọng điều tốt đẹp sẽ đến là biểu hiện của niềm lạc quan, yêu sống. Khi đó điều hi
vọng là mục tiêu vươn tới của con người
- Ước mơ hi vọng tạo nên động lực, thôi thúc con người hành động, khơi thức lên trong
tâm hồn ý chí và nghị lực, tạo nên nguồn sức mạnh phi thường để vượt qua tất cả những
trở ngại trong cuộc sống.
- Cuộc sống không nên thiếu mơ ước, hi vọng nhưng không phải niềm hi vọng nào cũng
mang ý nghĩa nhân sinh tích cực. Có những hi vọng hão huyền không bao giờ trở
thành hiện thực.
- Lại cũng có những con người luôn nản chí trước khó khăn, nhìn cuộc đời bằng cái nhìn
chán nản, chẳng bao giờ biết mơ ước, hi vọng.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Luôn lạc quan trước cuộc sống. Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải biết tự thắp lên
ánh sáng của ước mơ, hi vọng.
- Mơ ước phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế, với năng lực bản thân và điều mơ ước
phải gắn liền với những giá trị CHÂN, THIỆN, MĨ của cuộc sống.
2.( 4 điểm)
* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
* Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài:
- Người đàn bà với nỗi khổ sở chất chồng:
+ Mụ nghèo khó, lam lũ, cực nhọc: ngoại hình gương mặt mệt mỏi
+ Mụ là nạn nhân của tấn bi kịch gia đình. Những trận đòn chồng vô lí cách mụ nhẫn
nhục chịu đựng Nỗi sợ hãi khi nhìn con đánh lại cha Sau trận đòn, sau nỗi sợ lại theo
gã đàn ông trở về con thuyền
- Người đàn bà nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh:
+ Mụ thấu hiểu nỗi khổ của chồng, bênh vực lão, tự nhận lỗi về mình và cương quyết
không bỏ lão
+ Lẽ sống cả đời mụ là vì con Từ việc chịu đòn đến những lam lũ nhọc nhằn hay cả
việc không li hôn với gã đàn ông tất cả vì đàn bà không thể sống cho riêng mình
được mà phải sống cho con hạnh phúc của mụ là nhìn đàn con no nê
- Người đàn bà sâu sắc, từng trải, thấu hiểu đạo lí. Mụ hiểu những nghịch lí nghiệt ngã
của cuộc đời Mụ hiểu vai trò không thể thiếu của một người đàn ông trên con thuyền
số phận, trong căn nhà có cả một đàn con nhỏ
* Nhân xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật, về tư tưởng tác giả:
- Búp pháp điển hình hóa nhân vật Đặt nhân vật vào những tình huống độc đáo của
cuộc sống
- Tấm lòng nhân ái của nhà văn được cảm nhận qua nỗi xót thương cho những bất hạnh,
lòng trân trọng trước những phẩm chất đáng quí của nhân vật. Và đáng nói hơn tác phẩm
là tiếng kêu cứu về số phận con người sau chiến tranh
Lưu ý : Đáp án chỉ là gợi ý cơ bản, học sinh có thể kiến giải những cách khác nhau.