Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

BÁO CÁO MỘT SỐ YẾU TỐ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN HIV-AIDS

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (424.14 KB, 4 trang )

Một số yếu tố môi trường xã hội liên quan đến HIV/AIDS
Ths. Lê Thị Hải Hà
Trường Đại học Y tế Công cộng
Ths. Trần Thành Nam
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Giới thiệu
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/9/2009 trên cả nước có 156.802 người đang sống
với HIV/AIDS, trong đó có 34.391 bệnh nhân AIDS và 44.232 người tử vong do HIV/AIDS
được báo cáo. Tuy nhiên số trường hợp nhiễm HIV trên thực tế vẫn cao hơn nhiều so với báo
cáo (ước tính năm 2009 có khoảng 254.387 người đang sống với HIV/AIDS). Số người
nhiễm HIV được phát hiện trên 70% xã/phường tập trung ở hơn 97% số quận huyện và 63
tỉnh thành trong cả nước. Mặc dù hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn đang trong giai
đoạn dịch tập trung, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy và cao
trong nhóm mại dâm và thấp ở các quần thể khác nhưng phân bố tỷ lệ người nhiễm HIV đang
có sự dịch chuyển từ khu vực thành thị và đô thị lớn sang các khu vực nông thôn, miền núi
nơi điều kiện kinh tế kém phát triển; chuyển từ tỷ lệ nhiễm HIV tập trung ở nam giới sang
nhóm nữ giới do quan hệ tình dục không an toàn.
Sự lây lan của dịch HIV ra cộng đồng cho thấy chúng ta cần phải thay đổi quan niệm cho
rằng nhiễm HIV chỉ xảy ra với “người khác”, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như
nhóm tiêm chích ma túy, nhóm mại dâm hay nhóm quan hệ tình dục đồng tính (chủ yếu là
nhóm đồng tính nam). Việc phân tích nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cần thiết phải đặt trong bối
cảnh các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe liên quan đến HIV/AIDS như các khía cạnh xã
hội, văn hóa, chính trị và kinh tế…đã tạo nên dịch bệnh này như thế nào.
Bài báo này được tổng hợp dựa trên các nguồn tài liệu tham khảo trong nước và trên thế giới
với mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn khái quát về một số yếu tố môi trường xã
hội (hoàn cảnh xã hội) ảnh hưởng đến sự lan truyền của dịch HIV/AIDS trên thế giới và
những cân nhắc để áp dụng trong các chương trình can thiệp phòng chống HIV/AIDS ở Việt
Nam.
Các yếu tố quyết định sức khỏe liên quan đến HIV/AIDS
Một yếu tố quyết định đến sức khỏe là yếu tố gây ra những tác động dẫn đến sự thay đổi về
tình trạng sức khỏe theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Nghiên cứu các yếu tố quyết định sức


khỏe được thực hiện từ những năm 1970, cung cấp những bằng chứng và phương pháp quan
trọng nhằm hiểu được các số liệu về tình hình bệnh tật, tử vong cũng như những gánh nặng
của bệnh tật. Các bằng chứng này có vai trò quan trọng đối với cả các nhà hoạch định chính
sách cũng như những người lập kế hoạch cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo Lalonde (1981), sức khỏe bị ảnh hưởng bởi 4 nhóm yếu tố: sinh học, môi trường, lối
sống và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
 Các yếu tố sinh học bao gồm các khía cạnh của sức khỏe về mặt thể chất và tâm thần
thuộc bên trong cơ thể của mỗi cá nhân như gen di truyền của cá nhân, quá trình trưởng
thành và già hóa, và các cơ quan bên trong cơ thể. Nhóm yếu tố sinh học tác động đến tất
cả các bệnh tật và tử vong.
 Các yếu tố môi trường bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tồn tại bên
ngoài cơ thể của con người và vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của cá nhân hoặc nếu có
thì sự kiểm soát đó cũng chỉ ở mức độ có giới hạn. Các cá nhân tự họ không thể kiểm soát
ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và tiếng ồn; hay ngăn chặn sự lan tràn của các bệnh
truyền nhiễm cũng như họ không thể kiểm soát được những biến đổi nhanh chóng của
môi trường xã hội để không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ.
 Nhóm các yếu tố thuộc hành vi, lối sống liên quan đến sức khỏe là những hành vi có thể
nhận biết được dựa trên các lựa chọn mang tính cá nhân.
 Nhóm yếu tố về hệ thống chăm sóc sức khỏe bao gồm số lượng, chất lượng, tổ chức, bản
chất và các mối quan hệ của con người và các nguồn lực liên quan đến hệ thống cung cấp
dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo Lalonde, hầu hết những nỗ lực của các xã hội trong việc nâng cao sức khỏe đều tập
trung phần nhiều vào hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ gây ra
bệnh tật và tử vong lại lại chủ yếu thuộc về yếu tố môi trường và lối sống. Hệ thống chăm sóc
sức khỏe được sử dụng khi vấn đề bệnh tật đã xảy ra và cần được điều trị. Do đó, việc tập
trung vào nhóm yếu tố môi trường và lối sống trong việc phòng tránh bệnh bật và tử vong là
hết sức quan trọng.
Nguy cơ lây nhiễm HIV liên quan rất nhiều đến hành vi của cá nhân như dùng chung bơm
kim tiêm khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su trong khi không
biết bạn tình của mình có bị nhiễm HIV hay không, hoặc có quan hệ tình dục với nhiều

người. Chúng ta cũng cần chú ý hầu hết mọi người ở cả nước có thu nhập cao và thu nhập
thấp đều không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tuy nhiên, việc khuyến khích mọi người
thay đổi hành vi để tránh bị lây nhiễm HIV dường như không hiệu quả nếu không cân nhắc
đến những thay đổi về khía cạnh môi trường xã hội để tạo thuận lợi cho sự thay đổi hành vi
này.
Một số yếu tố môi trường xã hội liên quan đến HIV/AIDS
Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là một quá trình trong đó diễn ra sự tương tác trên mọi khía cạnh dẫn đến một
thế giới thống nhất, không có sự phân chia bởi các đường biên giới quốc gia hay các rào cản
về kinh tế, văn hóa, dân tộc, thông tin, công nghệ, tư tưởng…. Toàn cầu hóa diễn ra ở cấp độ
toàn thế giới và trong nội bộ của mỗi quốc gia, khu vực. Một trong những đặc điểm của toàn
cầu hóa là quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng nhanh chóng của các làn sóng di cư trong nội
bộ mỗi quốc gia, khu vực cũng như giữa các quốc gia trên toàn cầu trong những điều kiện
kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị cụ thể. Tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa đến các
yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn nhưng đồng thời toàn cầu hóa cũng mang đến
những tác động tiêu cực đến sức khỏe do sự gia tăng bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và
giữa các quốc gia. Toàn cầu hóa là một trong những điều kiện ảnh hưởng đến sự lan truyền
của dịch HIV/AIDS trên toàn cầu.
Đô thị hóa, di dân và HIV/AIDS
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và di dân đang ngày càng trở thành xu hướng phổ
biến. Đô thị hóa gắn với sự gia tăng tỉ lệ người dân sống ở đô thị và sử dụng đất nông nghiệp
cho mục đích mở rộng cơ sở hạ tầng đô thị. Cùng với quá trình đô thị hóa, di dân từ nông
thôn ra đô thị càng trở nên phổ biến nhằm tìm kiếm những cơ hội việc làm mà nếu ở địa
phương không có hoặc không mang lại cho họ mức thu nhập đủ sống. Mặt tích cực của di dân
nông thôn - đô thị góp phần điều chỉnh lại sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành
thị nhưng cũng đồng thời tạo ra những thay đổi về cấu trúc của gia đình và những mối liên hệ
giữa các thành viên của gia đình dẫn tới những nguy cơ nhiễm HIV. Ví dụ, những người đi
biển ở Tuvalu đến các cảng ở tất cả các nước trên thế giới và họ thường xa nhà hàng tháng
trời. Ở nước ngoài, những chàng trai trẻ tuổi này không thể tiếp cận với bao cao su, họ không
thể nói được ngôn ngữ bản xứ, và họ thường trọ ở những nơi có điều kiện tồi tàn, thiếu cơ hội

giải trí lành mạnh, thay vào đó là sự phổ biến của các cơ hội giải trí gắn với nguy cơ nhiễm
HIV cao. Do vậy nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người di cư và vợ con của họ là rất cao.
Hơn 2/3 số người Tuvalu bị nhiễm HIV là những người đi biển. Một thực tế đáng buồn là
những người trẻ tuổi - những người có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước - đang
phải trả giá cho sức khỏe của mình. Mô hình lao động di cư là một trong những yếu tố quyết
định nguy cơ lây nhiễm HIV trên thế giới.
Điều kiện kinh tế và sự phụ thuộc
HIV/AIDS hiện tại đang là bệnh dịch của những người nghèo nhất và những nhóm người ở
ngoài lề của xã hội. Những người dễ bị nhiễm HIV nhất thường là những người có ít nguồn
lực nhất. Khó khăn về kinh tế khiến nhiều phụ nữ không có cơ hội tìm được việc làm dẫn tới
việc họ phải làm mại dâm. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc về kinh tế cũng khiến cho sự bất bình
đẳng càng trở nên sâu sắc hơn. Những người phụ thuộc về kinh tế như những người vợ ở nhà
nhận tiền gửi của chồng đi làm ăn xa hàng tháng, những người mại dâm, những người không
có việc làm và thu nhập ổn định v.v… luôn là những người phụ thuộc và không có quyền lực.
Do đó, họ cũng không có quyền lực và khả năng thương thuyết với chồng, với khách hàng
của mình về việc sử dụng bao cao su. Điều này cho thấy các chương trình can thiệp phòng
chống HIV/AIDS cần cân nhắc đến các khía cạnh bất bình đẳng về kinh tế và quyền lực trên
cơ sở giới.
Văn hóa
Ở nhiều nền văn hóa, gia đình, nhà thờ và văn hóa truyền thống vẫn đóng vai trò là những
thiết chế xã hội có vai trò kiểm soát, ngăn chặn các hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Tuy nhiên, tỉ lệ thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân lại không phải là nhỏ ở những
nơi này. Bên cạnh đó, quan niệm cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân ở nam giới được
chấp nhận hơn đối với phụ nữ trẻ và nếu những người phụ nữ này bị nghi ngờ là có quan hệ
tình dục thì sẽ trở thành chủ đề đàm tiếu của mọi người, bị tẩy chay khỏi cộng đồng, không
có cơ hội kết hôn và thậm chí còn bị mắng mỏ, đánh đập. Do đó, hầu hết những người có
quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân đều phải cố gắng giữ bí mật với người
xung quanh về các mối quan hệ này. Phụ nữ trẻ trong những mối quan hệ bí mật như vậy có
thể bị ép buộc có quan hệ tình dục không an toàn do không thể lên tiếng đòi quyền được bảo
vệ.

Sự cấm đoán, né tránh của văn hóa với tình dục cũng làm cho việc nói chuyện về giới tính và
tình dục là rất khó ở những nơi này. Sự e ngại của các cô gái trẻ sợ bị đánh giá về mặt đạo
đức nếu trao đổi với người yêu và bạn tình về tình dục và các biện pháp tránh thai và các
bệnh lây truyền qua đường tình dục khiến các cô gái trẻ trở thành những cô gái ngây thơ và
thụ động. Đây là một thách thức lớn mà các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng
cần xem xét để có những thông điệp truyền thông phù hợp.
Bàn luận
Các chương trình phòng chống HIV nhấn mạnh vào việc sử dụng bao cao su đều dựa trên tiền
đề cho rằng sự lựa chọn hợp lý được thực hiện trong quá trình đánh giá nguy cơ và trong bối
cảnh có hành vi quan hệ tình dục. Giả thuyết về sự lựa chọn hợp lý dường như chưa đủ để
giải thích cho những vấn đề liên quan đến tình dục, cho những quan hệ quyền lực trên cơ sở
giới, hay những nhu cầu thực tế của cuộc sống. Giả thuyết này cũng không quan tâm đến một
thực tế rằng trong rất nhiều trường hợp mọi người phải cân nhắc những nguy cơ xã hội khác
nhau khi đưa ra những quyết định liên quan đến tình dục. Nguy cơ quan hệ tình dục không
dùng bao cao su có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân so với nguy cơ bị bạo lực về giới,
nguy cơ không đủ tiền để nuôi con, nguy cơ phải sống một mình do bị bạn tình nghi ngờ….
HIV lây truyền qua việc các cá nhân phải chống chọi với những vấn đề của cuộc sống hàng
ngày như khó khăn về kinh tế và sự không đảm bảo trong cuộc sống.
Kết luận
Ở nhiều nước, những nỗ lực để bảo vệ và cải thiện sức khỏe thường chỉ được giao phó cho
khu vực y tế. Trong khi đó những yếu tố quyết định sức khỏe lại có mối liên quan đến các
vấn đề xã hội khác như nghèo đói, thiếu giáo dục, và suy thoái môi trường, các rào cản mang
tính văn hóa lại vượt khỏi tầm kiểm soát của các dịch vụ y tế. Một trong những vấn đề của
nâng cao sức khỏe chính là quyền lực hợp pháp để thực hiện nhiệm vụ này bị phân tán giữa
các cá nhân, các chính phủ, các chuyên gia sức khỏe và các thiết chế xã hội. Sự phân chia về
trách nhiệm đôi khi dẫn đến một hệ quả là sự mất cân bằng do mỗi bên tham gia chỉ chú trọng
đến các giải pháp liên quan đến một lĩnh vực nhất định. Công tác phòng chống HIV/AIDS
cũng vậy, cần phải có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau nhằm tạo ra những điều
kiện xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị thuận lợi cho các cá nhân có cơ hội lựa chọn các hành
vi an toàn cho sức khỏe thông qua những phát triển chính sách liên quan đến việc làm, lao

động di cư và bình đẳng giới.

×