SỞ GD&ĐT
VĨNH PHÚC
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2011-2012
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2011-2012
Dành cho học sinh các trường THPT
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận
dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ.
Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp,
chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh hiểu câu nói trên, bàn luận về vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của
hiền tài đối với quốc gia dân tộc. Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ
bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định.
- Hiền tài: Trong quan niệm của người xưa, hiền tài là người có tài năng không
những học rộng, hiểu nhiều mà còn có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc
sống thanh bình cho nhân dân. Hiền tài là người có cả đức hạnh, gương mẫu về
đạo đức, suốt đời chăm lo, tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân, đem hết tài năng,
đức hạnh phục vụ cho đất nước. Tóm lại hiền tài là những người có tri thức, đạo
đức, có năng lực, tâm huyết và khát vọng cống hiến cho đất nước, dân tộc.
- Nguyên khí: là chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội.
- Cả câu: Khẳng định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của hiền tài đối với quốc
gia dân tộc. Bậc hiền tài có ý nghĩa quyết định đến sự thịnh suy của đất nước.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Khẳng định tính đúng đắn của nhận định: Câu nói của Thân Nhân Trung là tư
tưởng quan trọng, là sự tổng kết đường lối chiến lược về văn hoá giáo dục. Đây
là một tư tưởng hết sức đúng đắn, tiến bộ, có ý nghĩa trong mọi thời, mọi quốc
gia dân tộc. Bởi vì ở thời nào, ở đất nước nào thì hiền tài vẫn là người tạo ra
phần lớn những giá trị vật chất, tinh thần, đặc biệt ở họ có khả năng phán đoán
và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường.
- Nhà nước có chính sách chăm lo nuôi dưỡng, đào tạo và đãi ngộ thích đáng
với người hiền tài. Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, thời đại mở cửa và
hội nhập toàn cầu, chính sách phát triển văn hoá giáo dục ở mọi quốc gia, đặc
biệt là các nước phát triển ngày càng được chú trọng. Với nước ta, giáo dục luôn
được coi là quốc sách hàng đầu.
3. Bài học nhận thức và hành động.
- Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của hiền tài đối với đất nước.
- Có thái độ trân trọng với bậc hiền tài.
- Bản thân cố gắng học tập tu dưỡng để trở thành người có ích cho đất nước.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn
chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật
phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc
nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn
chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi
chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp,
chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi
bật được những ý cơ bản sau:
1. Giải thích nhận định.
“Nguyễn Du mượn chén rượu của người” - cảm thương cho số phận của
Tiểu Thanh; “rót rượu mình” - bộc bạch nỗi niềm cảm thương cho chính mình.
Qua Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh và khóc cho chính
mình.
2. Phân tích bài thơ làm sáng tỏ ý kiến.
- Câu chuyện cuộc đời của Tiểu Thanh đã tạo nên niềm xúc động, cảm
thương chân thành ở Nguyễn Du. Không chỉ khóc nàng Tiểu Thanh hồng nhan
bạc mệnh – cái đẹp bị vùi dập, đọa đày, Nguyễn Du còn tri âm để thấu hiểu tận
cùng nỗi đau, nỗi xót cũng là nỗi oán hận mà Tiểu Thanh phải mang theo xuống
suối vàng – “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”. Đó là nỗi hận vì cái đẹp, cái tài
bị vùi dập, chà đạp, bị chối bỏ phũ phàng.
- Cảm thương cho bi kịch của Tiểu Thanh, Nguyễn Du bắc nhịp cầu
giao cảm để tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng – “mượn
chén rượu của người” và “rót rượu của mình”: tự nhận mình giống Tiểu
Thanh “mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã” và mong mỏi tìm người khóc
mình như mình đã khóc Tiểu Thanh. Từ tiếng khóc người, nỗi thương người,
Độc Tiểu Thanh kí còn là tiếng khóc mình, nỗi thương mình; là mối tự hận,
tự thương; là niềm khát khao tri kỉ của Nguyễn Du.
3. Đánh giá, nâng cao.
- Nguyễn Du có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương; một trái
tim nhân đạo lớn dành cho con người mà trước hết là người phụ nữ tài hoa bạc
mệnh: Thúy Kiều, người gảy đàn ở đất Long thành… Nhờ vậy, Độc Tiểu Thanh
kí vừa có ý nghĩa tố cáo phê phán xã hội bất công, tàn bạo vừa chứa đựng tư t-
ưởng nhân đạo, nhân văn lớn lao, sâu sắc. Tư tưởng ấy được cô đúc trong một
bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật hàm súc, phảng phất giọng điệu bi phẫn do
rất nhiều thanh trắc, gợi cảm giác trĩu nặng, ngưng đọng.
- Nguyễn Du cũng là một con người khổ đau, cô đơn, không có tri kỉ.
Tâm sự đó của Nguyễn Du cần được hậu thế thấu hiểu qua những thi phẩm của
ông. Bởi lẽ, tiếng nói tri âm giữa người đọc và người viết là điều văn học dân
tộc nào, thời đại nào cũng hướng tới. Chẳng vậy mà nhà văn Bùi Hiển cho rằng
: “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông sẻ chia giữa người đọc và người viết
là trên hết”.
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong
sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót
nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc
nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân
tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý:
- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát
bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những
suy nghĩ sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với
tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm
tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.