Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

NHỮNG ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIỮ GÌN NỀN ĐỘC LẬP CỦA TỔ QUỐC TRONG THẾ KỶ XX LÀ NGƯỜI TÀY, NÙNG Ở CAO BẰNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (390.79 KB, 14 trang )

NHỮNG ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH GIỮ GÌN
NỀN ĐỘC LẬP CỦA TỔ QUỐC TRONG THẾ KỶ XX
LÀ NGƯỜI TÀY, NÙNG Ở CAO BẰNG

Hoàng Triều Nam
(Dân tộc Tày Cao Bằng)


Ngày 28 tháng 1 năm 1941, sau 30 năm đi nhiều nước trên thế giới tìm đường cứu
nước, Bác Hồ đã trở về Pác Bó (Cao Bằng).
Tại đây, Người đã dạy bảo nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng giác ngộ cách mạng
theo Đảng Cộng Sản cứu nguy cho Tổ quốc, tự cứu lấy mình thoát khỏi ách nô lệ. Người
đã trực tiếp xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành một trong những căn cứ địa cách mạng
trước năm 1945. Người đã chỉ thị cho đồng chí Văn trực tiếp hoạt động trên đất Cao
Bằng sau đó thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đồng chí Văn là đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Đội quân này có 34 chiến sỹ, trong đó có 16 người Tày, 5 người
Nùng đều quê ở Cao Bằng
1


1
16 chiến sỹ là người Tà y Cao Bằng trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân gồm:
1. Dương Mạc Thạch, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình
2. Nguyễn Văn Cà ng, xã Hồng Việt, huyện Hoà An
3. Đà m Quốc Chủng, xã Bình Long, huyện Hoà An
4. Hà Hưng Long, xã Nam Tuấn, huyện Hoà An
5. Hoà ng Thế An, xã Đà o Ngạn, huyện Hà Quảng
6. Bế Bằng, xã Hồng Việt, huyện Hoà An
7. Bế Văn Sắt, xã Bình Long, huyện Hoà An


8. Tô Văn Cắm, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình
9. Trương Văn Cù, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình
10. Tô Vũ Dâu, xã Vinh Quang, huyện Hoà An
11. Chu Văn Đế, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình
12. Nông Văn Kiếm, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình
13. Đinh Văn Kinh, xã Lê Lợi, huyện Thạch An
14. Hoà ng Văn Nhùng, xã Sóc Hà , huyện Hà Quảng
15. Nguyễn Văn Phán, xã Hồng Việt, huyện Hoà An
16. Mạc Văn Phiêu, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình
5 Chiến sĩ là người Nùng Cao Bằng trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân gồm:
1. La Thanh, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng
2. Lương Quý Sâm, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng
Ngay sau ngày thành lập, đội quân này đã đánh thắng trọn vẹn hai đồn Phai Khắt, Nà
Ngần (đồn của giặc Pháp thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đó là tiếng trống trận
đầu tiên của sự nghiệp giải phóng dân tộc làm nức lòng cả nước.
Cùng với đồng đội, các chiến sĩ người Tày, người Nùng chiến đấu thông minh, quả
cảm là tấm gương thôi thúc những thế hệ tiếp theo tiếp tục xông trận. Các đồng chí đã
góp phần giành thắng lợi trong việc giải phóng tỉnh nhà ngày 22 tháng 8 năm 1945, giải
phóng biên giới Cao Lạng tháng 10 năm 1950, giải phóng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm
châu bốn biển năm 1954,…
Hàng ngàn trai tráng người Tày, người Nùng ở Cao Bằng lại tiếp tục tham gia các
đội quân Nam Tiến, các tiểu đoàn quân mang tên Phai Khắt, Nà Ngần,… Nhiều đồng chí
đã xông trận đánh Mỹ cứu nước đến trận cuối cùng ngày 30 tháng 4 năm 1975, hoàn
thành sự nghiệp thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhiều chiến sỹ đã chiến đấu, đạt được những thành tích vẻ vang, được Đảng, Chính
phủ, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là những tấm
gương sáng chói muôn đời mai sau ghi tạc.
Trong khuôn khổ hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ IV với chủ đề "Sự đóng góp
của các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái vào tiến trình lịch sử Việt Nam" chúng

tôi chưa đủ điều kiện biên soạn đầy đủ và liệt kê hết các anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân Việt Nam. Chúng tôi mới chỉ sưu tầm được 20 vị anh hùng sau đây:
1. Anh hùng La Văn Cầu
Trong trận đánh biên giới ở đồn Đông Khê, quân thù bắn cánh tay anh gẫy nát. Anh
đã yêu cầu đồng đội cắt cánh tay, rồi ôm bộc phá lên đánh tan lô cốt giặc.
Anh La Văn Cầu sinh năm 1932, dân tộc Nùng, quê xã Quang Thành, huyện Trùng
Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Cha anh Cầu bị giặc Pháp bắt, đánh đập dã man rồi chết.

3. Giáp Ngọc Pàng, xã Hoàng Tung, huyện Hoà An
4. Long Văn Mần, xã Bình Long, huyện Hoà An
5. Dương văn Dấu, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng
(Theo sách Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam Nxb QĐND trang 342-343)

Anh căm thù giặc, năm 16 tuổi, anh khai tăng lên 18 tuổi tình nguyện xin vào bộ
đội. Anh nhanh nhẹn, hoạt bát, quyết chí đi đánh giặc nên được chấp nhận tòng quân.
Anh phấn khởi ra sức học tập và rèn luyện. Anh còn tích cực giúp đỡ đồng đội nên
được nhiều người quý mến.
Anh đã chiến đấu 29 trận. Trận nào anh cũng gương mẫu, chấp hành nghiêm mệnh
lệnh. Trận nào anh cũng đánh thắng.
Năm 1949, trong trận phục kích đánh giặc ở đèo Bông Lau (đèo giáp ranh giữa hai
tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng). Anh ở tổ xung kích. Khi nổ súng, xung phong, anh phát hiện
một tên giặc ngồi trong xe tăng. Anh nổ súng, tên giặc chết ngay, anh liền nhảy lên xe
cướp súng. Vừa lúc đó, ngoảnh lại phía sau, có 3 tên giặc xông đến, anh dùng súng vừa
cướp được bắn gục 3 tên giặc. Anh nhảy ra khỏi xe, truy lùng tiếp và bắn giết thêm 6 tên
giặc nữa.
Năm 1950, quân ta đánh vào đồn Đông Khê (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Lần
đánh thứ nhất, anh đau chân nhưng kiên quyết xin đi chiến đấu. Trận đánh gặp khó khăn,
đơn vị bạn bị thương nhiều. Anh Cầu đã động viên đồng đội, trong đó có nhiều chiến sỹ
mới nhập ngũ băng bó và cõng hết số thương binh này về nơi an toàn. Riêng anh Cầu,

trên đường rút về, quân địch phản kích dữ dội, anh đau chân, rất mệt vẫn vác được khẩu
12 ly 7 vừa cướp được từ tay giặc an toàn về tới đơn vị.
Lần đánh thứ hai (cùng năm 1950), anh Cầu được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm
nhiệm vụ phá hàng rào đồn địch và đánh lô cốt ở đầu cầu.
Phá được hai hàng rào thì hai đồng chí trong tổ bị thương. Địch tập trung hoả lực
bắn dữ dội vào cửa mở, phá huỷ mất một số bộc phá ống. Để dành bộc phá đánh lô cốt,
anh Cầu đã động viên đồng đội tháo gỡ mìn của giặc cài trong hàng rào đồn, bản thân anh
anh dũng xông lên dùng mìn phá nốt hai hàng rào cuối cùng. Khi tiến đánh lô cốt, trong
tổ có nhiều người bị thương, anh Cầu hăng hái xông lên làm nhiệm vụ. Vượt được hàng
rào đến hào giao thông thứ ba thì anh Cầu bị thương, ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy cánh tay
bị đạn giặc bắn gãy nát, anh Cầu gặp đồng đội liền khẩn thiết “yêu cầu đồng chí của mình
chặt hộ cánh tay nát để khỏi vướng”, rồi tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt giặc
ở đầu cầu, mở đường cho đơn vị xông lên diệt gọn đồn giặc.
Tấm gương quả cảm đánh giặc của anh La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua diệt
giặc lập công trong đơn vị. Anh là lá cờ đầu của phong trào thi đua sử dụng bộc phá công
đồn, một chiến thuật mới của quân đội ta từ chiến dịch biên giới năm 1950.
Anh La Văn Cầu được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng 3. Tháng 5
năm 1952, trong đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, anh Cầu
được Chính phủ và Hồ Chủ Tịch tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Ngày 19 tháng 5 năm 1952, anh La Văn Cầu được Chính Phủ và Hồ Chủ Tịch tặng
danh hiệu Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân.
Lúc đó, anh là tiểu đội trưởng bộ binh thuộc C671, E73, đại đoàn 316. Anh Cầu là
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn
Trong trận đánh năm 1954 ở Mường Pồn, anh lấy thân mình làm giá súng, đã hy sinh
anh dũng.
Anh Bế Văn Đàn, sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hoà,
tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, anh là tiểu đội phó tiểu đội bộ binh thuộc Đại đoàn 316. Anh là
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Mẹ anh Đàn mất sớm. Cha làm thợ mỏ, chú của anh
hoạt động cách mạng bị giặc Pháp giết. Anh căm thù giặc. Tháng 1 năm 1949, anh xung

phong vào bộ đội. Anh tham gia đánh giặc nhiều trận. Anh dũng cảm, chấp hành nghiêm
mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Bế Văn Đàn nổi tiếng là người anh hùng trong trận đánh ở Mường Pồn. Anh
được thưởng huân chương Quân công hạng nhì.
Đó là trận đánh của quân đội ta đầu năm 1954. Quân địch rút chạy từ thị xã Lai Châu
(tỉnh Điện Biên hiện nay) về co cụm và củng cố thêm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Khi chúng đóng quân ở Mường Pồn thì bị bộ đội ta bao vây.
Lần đó, anh Đàn làm liên lạc tiểu đoàn đưa đơn vị hành quân đi chiến dịch. Một đại
đội của tiểu đoàn quân ta được giao nhiệm vụ đánh địch ở Mường Pồn. Quân địch quan
sát thấy lực lượng ta ít, chúng huy động hai đại đội có phi pháo yểm hộ liên tiếp phản
kích. Nhưng cả hai lần, chúng đều bị quân ta đánh bại. Tình hình chiến đấu rất căng
thẳng. Địch liều chết nống ra. Ta kiên quyết ngăn chặn. Có lệnh cho đại đội giữ vững trận
địa để đơn vị lớn triển khai lực lượng của chiến dịch. Anh Bế Văn Đàn vừa đi công tác
về, anh xung phong nhận nhiệm vụ vượt qua lửa đạn truyền đạt lệnh này cho đại đội.
Tình hình chiến đấu thêm ác liệt, quân địch phản công lần thứ ba. Đại đội bị thương vong
chỉ còn 17 người. Anh Bế Văn Đàn cũng bị thương. Một khẩu trung liên của đơn vị
không bắn được vì xạ thủ đã hy sinh. Khẩu trung liên của anh Chu Văn Pù cũng chưa bắn
được vì không có chỗ đặt súng. Anh Bế Văn Đàn căm thù quân địch đến tột độ trước sự
hy sinh của đồng đội. Anh không còn ngần ngại gì, chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên
và hô bắn. Anh nói: "Pù, kẻ thù trước mặt, anh có thương tôi và đồng đội, thì bắn! Bắn
chết chúng nó đi!".
Anh Pù nghiến răng nhả đạn. Quân địch ngã liên tiếp hàng chục tên, hoảng loạn bỏ
chạy.
Anh Bế Văn Đàn khi đứng làm giá súng, bị thêm hai vết thương nữa, anh đã anh
dũng hy sinh "hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai". Tấm gương của anh Đàn truyền
khắp đơn vị, cán bộ, chiến sỹ quyết tâm xông lên tiêu diệt quân thù, đem lại toàn thắng
cho chiến dịch.
Trong đại hội mừng công của đơn vị, anh Bế Văn Đàn được truy bầu là chiến sỹ thi
đua số một của đại đoàn, được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Quân công hạng

nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh Bế Văn Đàn.
Khi kết thúc chiến dịch, 17 đồng chí của đại đội còn sống sót, thương khóc anh Đàn.
Nhà thơ lớn Xuân Diệu đã có bài cảm niệm:
Mộ Bế Văn Đàn
Thời gian ngừng bước, lặng im
Bên mồ liệt sĩ, trái tim ta dừng
Trái tim ta - cũng ngập ngừng
Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca.
Và giới nhạc sĩ đã sáng tác bài hát “Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại”.
Nhân dân Hà Nội đã đặt tên anh Bế Văn Đàn cho một trường học ở quận Đống Đa.
Thị xã Cao Bằng đã đặt tên anh Bế Văn Đàn cho một đường phố dài nhất, có đông
dân cư cư trú nhất.
Thành phố Điện Biên Biên có đại lộ Bế Văn Đàn.
Anh Bế Văn Đàn được chọn ghi trong cuốn sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt
Nam” do Nhà xuất bản khoa học xã hội ấn hành năm 1992.
3. Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Thành
Hoạt động trên chiến trường Trị Thiên và Tây Nguyên, khi làm chiến sỹ vận tải, anh
đã chuyển được 60 tấn hàng an toàn ra mặt trận.
Anh Bế Văn Thành sinh năm 1946, dân tộc Tày, quê ở xã Hồng Quang, huyện
Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Khi anh hy sinh là thượng sĩ, trung đội phó thuộc C3 bộ
binh, D1, E48, sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Anh là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam .
Anh vào bộ đội tháng 5/1966. Anh hoạt động trên chiến trường Trị Thiên và Tây
Nguyên.
Thoạt đầu, anh là chiến sỹ vận tải. Anh Thành thông minh, sáng tạo, vượt mọi nguy
hiểm, chuyển được 60 tấn hàng ra mặt trận, đảm bảo số lượng, chất lượng, đúng thời gian
quy định, an toàn.
Ngày 3 tháng 4 năm 1973, trong trận đánh địch ở Trị Thiên, quân địch đông lại có
xe tăng, pháo binh, máy bay yểm hộ, phản kích vào trận địa chốt của ta. Anh Bế Văn
Thành bình tĩnh, động viên anh em chiến đấu. Lúc hết đạn, anh Thành cướp được súng
cối của địch. Súng không còn bàn đế, anh tì súng vào mũ sắt bắn trúng đội hình của địch,

tiêu diệt nhiều tên, giữ vững chốt.
Trận này anh Bế Văn Thành diệt 10 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 6 súng.
Năm 1974, trong trận tiêu diệt căn cứ Làng Siêu, anh Bế Văn Thành chỉ huy một
đơn vị đã nhanh chóng dũng cảm đánh chiếm lô cốt địch ở đầu cầu, tạo điều kiện cho
toàn đơn vị xông lên tiêu diệt căn cứ của địch.
Sau khi đã diệt xong xe bọc thép và một số hoả điểm của địch ở hướng cửa mở, anh
Bế Văn Thành tiếp tục dẫn đầu đơn vị xông lên chiếm đỉnh cao. Anh hướng dẫn đồng đội
tiêu diệt từng mục tiêu của địch.
Trận đánh sắp kết thúc thì anh Bế Văn Thành bị thương nặng. Anh trao súng cho
đồng đội và động viên mọi người tiếp tục truy quét địch. Anh đã hy sinh. Đồng đội khâm
phục anh là tấm gương thông minh, quả cảm, bình tĩnh, gan dạ diệt giặc thôi thúc đơn vị
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Bế Văn Thành được tặng:
1 Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất.
2 Huân chương chiến công giải phóng hạng ba
4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ và được tặng 8 bằng khen.
Ngày 06 tháng 11 năm 1978, Chủ tịch nước truy tặng anh Bế Văn Thành danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
4. Anh hùng Triệu Xuân Tâng
Làm tròn nhiệm vụ quốc tế của Đảng giao cho.
Anh Triệu Xuân Tâng sinh năm 1946, dân tộc Nùng, quê xã Quốc Dân, huyện
Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Anh vào bộ đội tháng 5 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là Trung
đội trưởng Bộ binh, thuộc đoàn 28 khu Tây Bắc. Anh là đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Từ năm 1967 đến năm 1973, anh Tâng làm nhiệm vụ giúp Lào xây dựng cơ sở cách
mạng ở tỉnh Luông Pha - Bang.
Điều kiện hoạt động có nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt, anh Tâng kiên trì bám đất,
bám dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng. Anh kiên trì học thành
thạo tiếng Lào, tạo điều kiện gần gũi nhân dân để tuyên truyền giáo dục quần chúng có

hiệu quả. Sống với nhân dân, anh Tâng giúp đỡ người già, trẻ em, nên anh được nhân dân
tin yêu. Kết quả, anh Tâng đã cùng cán bộ địa phương xây dựng được cơ sở cách mạng ở
10 xã, bồi dưỡng 7 cán bộ trong huyện.
Trong chiến đấu, anh Tâng dũng cảm, mưu trí, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Anh đã
chỉ huy trung đội diệt trên 100 tên địch, riêng anh diệt được 26 tên.
Tháng 2 năm 1968, anh Tâng cùng một chiến sĩ đi xây dựng cơ sở cách mạng ở Bắc
Huội Nhang. Tổ đang làm nhiệm vụ thì lộ, địch bao vây, đánh úp, đồng đội bị hy sinh.
Anh Tâng kiên trì diệt địch, giết được 8 tên. Khi rút lui, anh Tâng cõng được tử sĩ về mai
táng chu đáo.
Ngày 14 tháng 4 năm 1972, trong trận đánh Phu Đăm, anh Triệu Xuân Tâng chỉ huy
tổ mũi nhọn, đã nhanh chóng chọc thẳng vào vị trí địch, diệt sở chỉ huy, tạo điều kiện cho
đơn vị xông lên diệt gọn một đại đội của địch. Riêng anh Tâng diệt 20 tên.
Anh Tâng hết lòng giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng, yêu thương đồng đội, chấp
hành tốt kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, anh đã làm tròn nhiệm vụ quốc tế
của Đảng giao.
Anh được thưởng: 3 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương chiến công
hạng ba, 6 bằng khen và giấy khen.
Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Chủ tịch nước tặng anh Triệu Xuân Tâng danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
5. Anh hùng Dương Đức Thùng
Nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, dũng cảm, mưu trí, gương mẫu đi đầu trong mọi
việc giúp đỡ nhân dân Bạn làm cách mạng.
Anh Dương Đức Thùng, sinh năm 1954, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Toản, huyện
Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Anh vào bộ đội tháng 8 năm 1974.
Khi được tuyên dương Anh hùng, anh Thùng là chuẩn uý, đại đội trưởng đại đội
Công binh, E4, Lữ đoàn 25, Quân đoàn 4. Anh là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1975, anh Thùng làm nhiệm vụ ở
nhiều xã thuộc huyện Kiêng Vay, tỉnh Kăng Đan, trên đất bạn Cămpuchia.

Anh Thùng tự xác định muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì phải học tiếng
Cămpuchia nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh nói được tiếng Cămpuchia.
Tháng 2 năm 1979, anh Thùng là đội trưởng công tác phát động quần chúng ở xã
Đông. Nhân dân trong xã đói khổ, bệnh tật. Địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc chủ trương,
chính sách của Đảng và Mặt trận Campuchia
.
Anh Thùng đã đi sâu vào quần chúng vạch
trần những luận điệu sai trái của địch cho quần chúng. Thấy dân đói rách, anh Thùng có
hai bộ quần áo, anh biếu một bộ cho một cụ già. Thấy nhiều em bé ghẻ bẩn, anh đã tắm
rửa cho các em. Thấy nhà dân bẩn, anh quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Có lần thấy một người
bị rắn độc cắn, mê man, anh Thùng nhanh chóng tìm cây lá chữa chạy, giải độc cho nạn
nhân. Có người có ý đồ xấu đòi tiêm thuốc độc hại nạn nhân, anh biết và kiên quyết
không cho tiêm. Sau chừng 20 phút, nạn nhân này tỉnh, sau một giờ đồng hồ thì hồi phục
sức khoẻ. Một lần gặp một chị đến cơn đẻ, nhưng đẻ rất khó, anh tìm thứ lá thuốc gia
truyền cho uống, giúp chị đẻ an toàn. Nhân dân trong xã tin yêu anh. Nhân dân trong xã bị
đói, anh giúp đỡ nhân dân lao động sản xuất bằng những việc làm cụ thể, kết quả nhân dân
đã giảm bớt khó khăn trong đời sống. Nhân dân tin tưởng ở người bộ đội Việt Nam, đã chỉ
những tên địch, kẻ xấu lọt vào hàng ngũ chính quyền cách mạng để đưa đi cải tạo.
Kẻ địch dụ dỗ, mua chuộc những kẻ xấu tìm cách hại anh Dương Đức Thùng.
Chúng treo giải: ai giết được anh Thùng thì chúng thưởng 10 lạng vàng, nếu bắt sống
được thì thưởng nhiều hơn.
Anh Thùng vững vàng, tích cực, lăn lộn hoạt động và được quần chúng tin yêu, bảo
vệ. Có lần, anh Thùng cải trang thành dân thường vượt qua trước mặt hai tên gác của địch
đến gần cuộc họp do địch tổ chức. Anh đã tổ chức lực lượng bắt được 2 tên gian từ Thái
Lan về, bắt 3 tên khác ra trình diện chính quyền và nhân dân, thu được 21 khẩu súng và
300 viên đạn. Sau trận này, anh Thùng càng được quần chúng tin yêu, chính quyền càng
được củng cố trong sạch, vững mạnh.
Lần khác, vào một chập tối có 3 tên địch phục kích, dùng gậy xông vào đánh anh
Thùng. Anh đã bình tĩnh chống trả, cả 3 tên thua chạy, bỏ trốn. Về sau, chúng hối cải, ra
trình diện và nói: "chúng tôi lầm đường theo địch định giết anh nay ân hận, xin được tha

tội".
Anh Dương Đức Thùng được thưởng 1 Huân chương chiến công hạng 3, 18 bằng
khen và giấy khen, 2 lần được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua.
Chính phủ nước Cămpuchia tặng anh Thùng nhiều Huân chương
Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân cho anh Dương Đức Thùng.
Những anh hùng sau đây tôi chưa có điều kiện viết tiểu sử và thành tích, chỉ xin
phép được liệt kê danh sách như sau:
6. Anh hùng Đàm Văn Ngụy
Sinh năm 1928, dân tộc Tày, quê ở xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 7 tháng 5 năm 1956, đồng chí Đàm Văn Ngụy được Chủ tịch nước tặng
thưởng Huân chương quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân Việt Nam.
Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 11, Sư đoàn
316. Trải qua nhiều năm tháng chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã
được phong hàm Trung tướng năm 1984, là Tư lệnh Quân khu I năm 1987. Hịện nay
đồng chí đã nghỉ hưu.
7. Anh hùng Phùng Văn Khầu
Sinh năm 1930, dân tộc Nùng, quê ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955, đồng chí Phùng Văn Khầu được Chủ tịch nước tặng
Huân chương Quân công hạng 3 và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam.
8. Anh hùng Lộc Văn Trọng
Sinh năm 1905, dân tộc Tày, quê ở xã Chí Thảo, huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955, đồng chí Lộc Văn Trọng được Chủ tịch nước tặng
Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam.
9. Anh hùng Triệu Văn Báo
Sinh năm 1932, dân tộc Tày, quê ở xã Trí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao

Bằng.
Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Chủ tịch nước tặng đồng chí Triệu Văn Báo huân
chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam.
Đồng chí là chiến sĩ thông tin Đại đoàn 316, mưu trí, dũng cảm, đã lấy thân mình
nối đường dây để đưa thông tin dưới làn mưa đạn. Đồng chí được phong hàm Đại tá năm
1982, mất năm 1994.
10. Anh hùng liệt sĩ Lý Văn Mưu
Sinh năm 1934, dân tộc Tày, quê ở xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Chủ tịch nước truy tặng đồng chí Lý Văn Mưu huân
chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt
Nam.
11. Anh hùng Hoàng Văn Nghiên
Sinh năm 1930, dân tộc Nùng, xã Ngũ Lão, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1964, Chủ tịch nước tặng đồng chí Hoàng Văn Nghiên danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
12. Anh hùng Nông Văn Việt
Sinh năm 1938, dân tộc Tày, quê ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1967, chủ tịch nước tặng đồng chí Nông Văn Việt danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
13. Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Cắm
Sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 20 tháng 12 năm 1969, chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền nam Việt
Nam truy tặng đồng chí Bế Văn Cắm danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
giải phóng.
14. Anh hùng Hoàng Văn Cón
Sinh năm 1940, dân tộc Nùng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 25 tháng 8 năm 1970, Chủ tịch nước đã tặng đồng chí Hoàng Văn Cón danh

hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
15. Anh hùng Phạm Thanh Quyết
Sinh năm 1950, dân tộc Tày, quê ở xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 23 tháng 9 năm 1973, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền
Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng cho
đồng chí Phạm Thanh Quyết.
16. Anh hùng Hoàng Văn Thượng
Sinh năm 1948, dân tộc Tày, quê ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Chủ tịch nước đã tặng đồng chí Hoàng Văn Thượng
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
17. Anh hùng Trịnh Trọng Thập
Sinh năm 1951, dân tộc Nùng, quê ở xã Cai Bộ, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Chủ tịch nước tặng đồng chí Trịnh Trọng Thập danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
18. Anh hùng Trương Hữu Dem
Sinh năm 1932, dân tộc Tày, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Chủ tịch nước tặng đồng chí Trương Hữu Dem danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
19. Anh hùng Hoàng Văn Khoáy
Sinh năm 1945, dân tộc Nùng, xã Thuỵ Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Chủ tịch nước tặng đồng chí Hoàng Văn Khoáy danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
20. Anh hùng liệt sĩ Hoàng Đình Hợp
Sinh năm 1930, dân tộc Tày, quê ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao
Bằng.
Ngày 28 tháng 8 năm 1981, đồng chí Hoàng Đình Hợp được Chủ tịch nước truy
tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Kể từ buổi sơ khai đến nay nhân dân các dân tộc Việt Nam đã đoàn kết chung lưng

đấu cật để dựng nước và giữ nước. Quá trình hàng ngàn năm ấy đã có biết bao nhiêu tấm
gương anh hùng liệt sĩ được ghi trong sử xanh của nước nhà. Riêng trong thế kỷ XX vừa
qua, dân tộc ta đã trải qua cuộc chiến đấu lâu dài và vô cùng gian khổ, hy sinh anh dũng
chống lại những thế lực xâm lược có sức mạnh lớn vào bậc nhất thế giới và đã giành
được thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đưa đất nước ta vào kỷ nguyên
mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Người Tày, người Nùng nằm trong các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày, Thái. Thành
tích chiến đấu của hai dân tộc Tày, Nùng đã góp phần vào thành tích chung của các dân tộc
anh em trên đất nướcViệt Nam.
Việc ghi tạc những tấm gương anh hùng của người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong
cuộc chiến đấu của thế kỷ vừa qua luôn luôn gắn chặt với những tấm gương anh hùng của
người Kinh (Việt), của người Mường, Dao, Thái, Mông, Cao Lan, Sán Chí,… ở miền
Bắc, của người Tà Ôi, Hrê, Bru, Bana, Gia rai, Xơ đăng, X'Tiêng, Mơ nông, Chăm,… ở
miền Trung và Tây Nguyên, của người Hoa, Khơ me,… ở Nam Bộ.
Tất cả những thành tích đó đã góp phần vào sự nghiệp to lớn của cả dân tộc, dưới sự
lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với nhận thức đó, việc giới thiệu thành tích chiến đấu của các Anh hùng trong lực
lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng.

Tài liệu tham khảo

1. Địa chí Cao Bằng, Nxb Chính trị Quốc gia
2. Non nước Cao Bằng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản
3. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Nxb Quân đội nhân dân Việt Nam,
tr.342-343
4. Anh hùng lực lượng vũ trang, Nxb Văn hoá dân tộc
5. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội
6. Tài liệu tổng kết của Bộ chỉ huy quân sự Cao Bằng
7. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng
8. Về cách mạng tháng tám năm 1945 ở Cao Bằng

9. Các báo: Cao Bằng, Tạp chí Văn hoá Thông tin Cao Bằng, Non nước Cao Bằng.

Cao Bằng, ngày 10 tháng 1 năm 2006
HTN.


×