Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Những giải pháp phòng chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (314.08 KB, 3 trang )

1

Những giải pháp phòng chống sạt lở ở
Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 06/07/2015
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người và
vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, với sản lượng lúa chiếm trên 52%
tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với mối
đe dọa của biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng nước biển dâng. Hiện tượng sạt
lở ở vùng ĐBSCL luôn là vấn đề nóng, mấy năm trở lại đây luôn trong tình
trạng báo động.
Theo nghiên cứu chính thức, 38% diện tích đất ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn
chìm vào năm 2100. Một số khu vực ven bờ đang bị xâm thực khoảng 30m/năm.
Rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bảo, lũ hiện
đang bị suy giảm nghiêm trọng. Mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng
đất nhiễm mặn gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết:
"Sạt lở ở ĐBSCL nguyên nhân chính là do quá trình phát triển thượng nguồn của
dòng Mekong, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cuối cùng là ảnh
hưởng của biến đổi khí hậu. Để khắc phục tình trạng trên, cần phải có những biện
pháp tổng hợp căn cơ. Trong đó, cần tập trung quản lý, nghiên cứu tác động của việc
phát triển kinh tế - xã hội ven bờ, sinh kế của người dân hài hòa với tự nhiên và khôi
phục vùng sạt lở, phát triển rừng ngập mặn".

Hàng rào hình chữ T ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, hạn chế sóng biển đánh trực
tiếp vào thân đê nhằm bảo vệ rừng phòng hộ, khu dân cư và sản xuất khu trong đê.
2

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, để phòng chống, kiểm soát sạt lở khu
vực ĐBSCL nói chung và cả nước nói riêng cần phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ
thuật. Theo đó, biện pháp bảo vệ bờ biển bằng công trình cứng và sử dụng rừng ngập


mặn giảm sóng, bảo vệ bờ biển là rất quan trọng. Bởi vì, các khu vực rừng ngập mặn
có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất như: rễ hình chân nôm của các loài đước, đứng,
rễ hình đầu gối của các rễ vẹt, rễ thở hình chông của các loài mấm, bần, ngăn cản
xung lực của sóng. Với lớp tán lá dày, thân và cành cây, tạo thành lớp rào bằng vật
liệu mềm, giảm sức chống phá của sóng triều. Mặt khác, các lớp thảm thực vật cản
sóng, lượng phù sa và mùn bã hữu cơ được tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại
chỗ làm cho mặt đất được cố định và nâng cao. Từ đó, các trụ mầm và quả, hạt của
các loài cây ngập mặn nhanh chóng tái sinh chiếm cứ vùng bãi bồi. Đối với biện
pháp bảo vệ bờ biển bằng công trình, Viện cũng đã đưa ra nhiều dạng công trình
như: mái dốc nghiêng, mái dốc đứng hoặc dạng tổng hợp…
Theo ông Hà Tấn Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão
tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển thuộc địa phận Sóc Trăng đang
diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, 5 km bờ biển Vĩnh Châu chịu sóng biển
mạnh, xói lở tập trung làm mất đi hơn 250m chiều dài rừng phòng hộ và tuyến đê
đang bị phá hủy nghiêm trọng. Để khắc phục hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển, từ
năm 2008 đến nay, tỉnh đã trồng hơn 1.666 ha rừng phòng hộ. Ngoài ra, bằng nguồn
vốn vay của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng các tuyến dân cư tập
trung và di dời 290 hộ dân sống ven rừng phòng hộ vào sinh sống trong khu dân cư
tập trung. Bên cạnh đó, đã xây dựng các công trình như: hàng rào hình chữ T, dùng
rọ đá để hạn chế sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê nhằm bảo vệ rừng phòng hộ,
bảo vệ khu dân cư và sản xuất khu trong đê. Bước đầu, cho thấy hiệu quả về gây bồi,
tạo bãi.
Tuy nhiên, ông Hà Tấn Việt cho biết: "Hiện nay, ở Sóc Trăng những giải pháp chống
sạt lở bờ sông, bờ biển chỉ mang tính chất tạm thời. Vì các tuyến đê biển của tỉnh
xây dựng đã lâu mà chủ yếu bằng đê đất, dưới tác động của con người và thiên nhiên
nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Về lâu dài, tỉnh cũng cần nguồn kinh phí lớn để xây
dựng bờ kè kiên cố và kết hợp trồng rừng nhằm bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và
đê biển hiệu quả".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, sạt lở ở thảm rừng phòng
hộ và bờ biển Bạc Liêu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh do tác động

của dòng chảy ven bờ biển, thủy triều, tác động của sóng và con người. Những năm
gần đây, Bạc Liêu triển khai nhiều dự án phòng chống sạt lở bờ biển để khôi phục
rừng phòng hộ như: dự án chống sạt lở ở khu vực cửa sông, ven biển Gành Hào; dự
án kè chống sạt lở ở khu du lịch Nhà Mát và dự án nâng cao cải tạo đê biển theo
3

Chương trình 667 của Chính phủ… Tuy nhiên, dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn. Chỉ
tính riêng các công trình kè biển đã và đang thi công cần khoảng kinh phí 1.300 tỉ
đồng. Vì vậy, để hạn chế hiện tượng sạt lở trong điều kiện hạn chế vốn đầu tư, tỉnh
đã triển khai thử nghiệm xây dựng "đê mềm" bằng túi Geotube, tại khu vực Nhà
Mát- thành phố Bạc Liêu; xây dựng kè bán kiên cố bằng 2 hàng cọc bê tông cốt thép,
khoảng giữa hai hàng cừ bê tông sẽ bỏ vào các bó cừ tràm để lọc sóng ở khu vực cầu
Cần Thăng, TP Bạc Liêu. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án GIZ (Tổ chức Hợp tác Kỹ
thuật Đức) đã xây dựng kè bằng cọc tre hình thức giống như mỏ hàn, gồm 3 đoạn
dài 2,4km để giảm sóng và gây bồi ở khu vực cầu Cần Thăng cũng mang lại hiệu
quả. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh Bạc Liêu đã được Trung ương phê duyệt 3 dự án liên
quan đến gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển từ nguồn vốn ứng phó
với biến đổi khí hậu, gồm: Dự án gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển
tỉnh Bạc Liêu; gây bồi tạo bãi, trồng cây chống xói lở ở khu vực bờ biển Nhà Mát
và dự án chống xói lở và gây bồi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gành Hào. Đến
nay, dự án đã được ghi vốn 61 tỉ đồng.
Trao đổi về những giải pháp hạn chế sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL, Thứ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: "Để hạn chế
sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL cần có các giải pháp đồng bộ và tổng hợp. Trong
đó, chú trọng những giải pháp hợp tác quản lý tài nguyên nước bền vững lưu vực
sông giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong; Phát triển bền vững ngay tại vùng
ĐBSCL, xây dựng cơ chế, quy định liên vùng, liên ngành; Quản lý tổng hợp vùng
ven biển và rừng ngập mặn. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo
vệ bờ sông, hạn chế sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói
chung".

Bài, ảnh: DUY ANH

×