1
A. MỞ ĐẦU
Như chúng ta đã biết, trên bình diện nhận thức, văn nghệ và triết học có quan hệ
khăng khít. Văn nghệ giống triết học ở chỗ muốn nhận thức những vấn đề phổ quát của
tồn tại con người, tìm kiếm con đường giải phóng con người, cắt nghĩa thế giới. Chiến
tranh và hòa bình của L.Tônxtôi, thơ Nguyên Trãi, thơ Nguyễn Du chứa đựng các khái
quát sâu sắc về con người và lịch sử. Sau triết học, văn học là hình thái ý thức xã hội giàu
triết lí nhất. Triết học ảnh hưởng rất lớn đến văn học. Chẳng hạn triết học Nho, Phật, Lão
đối với văn học phương Đông, triết học duy lí đối với chủ nghĩa cổ điển Pháp, chủ nghĩa
thực chứng đối với chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa Mác – Lênin với văn học hiện thực xã
hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hiện sinh với văn học hiện sinh. Nhìn chung triết học duy vật
tiến bộ thường đưa văn học tới khuynh hướng tiến bộ, triết học duy tâm thường dễ đưa
văn học thoát li đời sống.
Những vấn đề cụ thể trong triết học cũng có mối liên hệ chặt chẽ với văn học. Tồn tại
xã hội và ý thức xã hội là một trong những vấn đề cơ bản của triết học. Khi xem xét vấn
đề này ta sẽ thấy được mối liên hệ giữa triết học và văn học rõ ràng hơn. Một mặt, ta thấy
tồn tại xã hội, hay nói cách khác là hiện thực cuộc sống chính là cội nguồn của tác phẩm
văn học. Văn học là một hình thái ý thức xã hội, bắt nguồn từ đời sống, phản ánh đời
sống, bày tỏ một quan điểm, một cách nhìn, một tình cảm đối với đời sống . Mặt khác,
văn học cũng như nghệ thuật nói chung, không giống các hình thái ý thức xã hội khác bởi
có những đặc thù riêng mang tính thẩm mĩ về đối tượng, nội dung và phương thức thể
hiện. Đặc biệt, ở tác phẩm văn học chúng ta còn thấy vai trò rất lớn của nhà văn – chủ thể
thẫm mĩ trong quá trình sáng tác văn học.
Vậy ở tiểu luận này, chúng ta sẽ cùng xem xét văn học nghệ thuật với tư cách là một
hình thái ý thức xã hội, và đặc biệt đó là một hình thái ý thức xã hội đặc thù.
2
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG I: TỒN TẠI XÃ HỘI – HIỆN THỰC CUỘC SỐNG LÀ CỘI
NGUỒN TÁC PHẨM VĂN HỌC
1. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực và thời đại.
1.1. Nguồn gốc của văn nghệ
Là cội nguồn đã nuôi dưỡng làm phát sinh và mang lại sức sống cho văn nghệ. Văn
nghệ phát sinh trong lòng đời sống xã hội, lại là sản phẩm của nó, vậy phải tìm nguồn
gốc của nó ở trong đời sống xã hội.
Chủ nghĩa Mác đã khẳng định lao động là nhân tố quan trọng nhất của đời sống con
người. Mác nói: “lao động là điều kiện tồn tại của con người, không phụ thuộc vào bất cứ
hình thái xã hội nào, là tính tất yếu tự nhiên vĩnh viễn của con người. Nếu không có lao
động thì sẽ không có sự trao đổi chất giữa con người với tự nhiên, tức là không có được
bản thân sự sống của con người”. Do đó, lao động đã sáng tạo ra con người, xã hội ngừoi,
sáng tạo ra các hình thức giao tiếp giữa người và người, và sáng tạo ra văn nghệ và hoạt
động văn nghệ.
Một mặt, lao động sáng tạo ra chủ thể thẩm mĩ, tức là con người có khả năng sáng tạo
và thưởng thức các hiện tượng thẩm mĩ, bởi vì thẩm mĩ là một đặc trưng cơ bản của nghệ
thuật.
Mặt khác, lao động còn trực tiếp sáng tạo ra các hiện tượng thẩm mĩ trong đời sống.
Và giá trị thẩm mĩ ấy phải gắn liền với thực tiễn.
Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu đơn giản vấn đề là nghệ thuật bắt nguồn từ lao
động theo kiểu lao động sáng tạo chủ thể thẩm mĩ với cảm giác người phát triển và nhu
cầu thẩm mĩ, rồi để thỏa mãn nhu cầu ấy người ta làm ra tác phẩm nghệ thuật, vì rõ ràng
ai cũng thấy được phạm vi của quan hệ thẩm mĩ và giá trị thẩm mĩ rộng hơn nhiều so với
phạm vi nghệ thuật, bên cạnh đó nội dung nghệ thuật cũng không chỉ có một mình cái
3
thẩm mĩ. Do đó, sự ra đời của nghệ thuật không chỉ bắt nguồn trực tiếp từ lao động, mà
nó có nguyên nhân trong nhu cầu tất yếu của xã hội hình thành dưới tác động của lao
động.
Nghệ thuật bề ngoài có vẻ không liên quan tới việc sản xuất trực tiếp nhưng thực ra là
đáp ứng một nhu cầu tất yếu khách quan. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng: “Văn học,
nghệ thuật là một mặt hoạt động của con người nhằm hiểu biết, khám phá và sáng tạo
thực tại xã hội, chủ yếu là con người, đời sống và cuộc chiến đấu của con người”.
Như chúng ta đã biết, văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc
thượng tầng, phản ánh tồn tại xã hội
Các học thuyết cổ xưa ở phương Đông cho rằng cái quyết định cho sự thịnh suy của
văn nghệ là do “đạo”, “đức”, “khí”, “lễ”, còn theo học thuyết phương Tây thế kỉ XVIII –
XIX là do “hoàn cảnh”, “môi trường”,”chủng tộc”…. Các học thuyết đó không phân biết
được yếu tố xã hội và tự nhiên, vật chất và ý thức, cái quyết định và cái phát sinh, do đó
không tìm ra nguyên nhân đích thực chi phối sự tồn tại và phát triển của văn nghệ. Phân
biết tồn tại xã hội và ý thức xã hội, xác định tồn tại xã hội là toàn bộ đời sống vật chất
của con người, tách quan hệ sản xuất trong tồn tại xã hội ra như là một cơ sở hạ tầng trên
đó dựng lên một kiến trúc xã hội gồm pháp quyền, chính trị, nhà nước và các hình thái ý
thức xã hội phù hợp với nó, chư nghĩa Mác đã cung cấp một lí luận khoa học để lí giải
nguyên nhân khách quan của sự phát triển văn nghệ cũng như vai trò của nó trong đời
sống.
Theo đó, cơ sở hạ tầng là cái nền tảng, cái quyết định những cái còn lại thuộc kiến
trúc thượng tầng. Và mặt khác, văn học nghệ thuật cũng như các hình thái ý thức xã hội
khác, đều phụ thuộc vào cơ sở đó, được lí giải trên cơ sở đó.
Xét về nội dung, nội dung của văn học đều do cơ sở kinh tế và trình độ sản xuất quy
định.
4
Chẳng hạn, thời nguyên thủy, do sản xuất thấp kém, tổ chức xã hội trùng với tổ chức
sản xuất, nội dung cơ bản của thần thoại là cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên. Đó là
Nữ Oa và trời trong thần thoại Trung Quốc, là Mộc tinh trong thần thoại Việt Nam.
Xã hội phong kiến trên cơ sở chế độ tư hữu ruộng đất của địa chủ, lãnh chúa, vương hầu,
hoàng đế làm nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa nông nô và địa chủ, giữa các dòng họ trị
vì, giữa tộc người đi xâm lược và tộc người bị xâm lược. Cơ sở xã hội đó đã quy định tư
tưởng tôn quân, chọn chủ mà thờ, dẫn đến cuộc đấu ranh giành ngôi chính thống như Sử
kí của Tư Mã Thiên hay Tam quốc chí diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc đã miêu tả.
Sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự phát triển của thành thị, công
nghiệp, buôn bán làm nảy sinh nhu cầu giải phóng cá tính chống lại quân quyền, thần
quyền. Quá trình tích lũy tư bản chủ nghĩa mang lại cho văn học những mẩu người keo
kiệt mới, những kẻ cho vay nặng lãi, những nạn nhân của sức mạnh đồng tiền như trong
Tấn trò đời của Bandắc.
Chủ nghĩa tư bản công nghiệp làm phát triển giai cấp công nhân với tư tưởng xã
hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh để tự giải phóng của giai cấp vô sản mang lại cho văn
họcchủ đề mới là đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc bị áp bức, sự phục sinh của những
người nô lệ, sự tất yếu phải thay thế xã hội tư sản bằng xã hội chủ nghĩa cộng sản, chẳng
hạn truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc.
Bên cạnh đó, cơ sở kinh tế là điều kiện cho sự ra đời, phát triển của các hình thức
văn nghệ. Chẳng hạn thần thoại cổ chỉ ra đời trên cơ sở nghề nông phát sinh, khi con
ngừoi biết được quan hệ nhân quả của các hiện tượng tự nhiên như mặt trăng, mặt trời,
mưa, gió, bão, lũ…đối với canh tác chăn nuôi nhưng không hiểu chúng, quy cho chúng
một sức mạnh siêu nhiên của thần. Sự tan rã của công xã nguyên thủy, vai trò lớn lao của
lãnh tụ trong chiến tranh bộ lạc đã xuất hiện loại anh hùng ca trong văn học. Khuynh
hướng khẳng định nguồn gốc siêu nhiên của các lãnh tụ đã làm cho họ có bộ mặt nửa
5
người nửa thần như Asin, Thánh Gióng…Sự phát triển của thành thị, thị dân và nghề in
làm cho hình thức tiểu thuyết khác hẳn truyện dân gian.
Như vậy, cơ sở kinh tế xã hội là yếu tố năng động phát triển, quy định sự tồn tại
và phát triển của văn nghệ nói chung và văn học nói riêng cả về nội dung lẫn hình
thức.
1.2. Tính giai cấp của văn học
Tính giai cấp là thuộc tính tất yếu của văn nghệ trong xã hội có giai cấp.
Về mặt hiện thực khách quan, có thể nói lịch sử xã hội loài người từ chế độ nô lệ đến
nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. Là tấm gương của hiện thực khách quan, văn nghệ
không thể không mang tính giai cấp.Tính giai cấp trong văn nghệ chính là tính giai cấp
trong hiện thực xã hội được ý thức bằng văn nghệ.
Nhà văn trước hết là một con người trong xã hội. Và như LêNin đã nói: cá nhân trong
xã hội bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định, không thể là một thành viên siêu
giai cấp. Nhưng nhà văn không chỉ là một con người bình thường, mà là một nghệ sĩ rất
nhạy cảm với những vấn đề cuộc sống, tính giai cấp ở họ do đó càng nhạy bén hơn:
“nghệ sĩ là ngọn kiếm đầu tiên của giai cấp”, “nhà văn là tai, là mắt, là tiếng nói của giai
cấp. Nhà văn có thể không có ý thức về điều đó, nhưng bao giờ nhà văn cũng là môt bộ
phận, một cảm quan của giai cấp”. Và tính giai cấp của nhà văn cũng biểu hiện một cách
phức tạp.
Ta có thể nói tính gia cấp không chỉ xuyên thấm trong các tác phẩm văn học mà còn
trong tiếp nhận và thưởng thức. Trong quá trình này tác phẩm văn học là một hiện tượng
khách quan, vốn dĩ thấm nhuần tư tưởng giai cấp, còn chủ quan ở đây là công chúng bạn
đọc cũng thuộc về một giai cấp nhất định.
Biểu hiện của tính giai cấp trong tác phẩm văn học
6
Đầu tiên là về đề tài, đề tài mà nhà văn chọn, xét đến cùng đều liên quan đến lập
trường quan điểm giai cấp, bao gồm cả quan điểm mỹ học của họ. Các nhà văn mang
nặng ý thức hệ phong kiến thì thường viết về các đề tài gọi là cao quý, chúng ta thường
thấy xuất hiện trong tác phẩm của họ như “tứ linh” (long, li, quy, phượng), “tứ quý” (mai,
lan, cúc, trúc). Chủ nghĩa cổ điển phục nhà nước phong kiến tập trung ở phương tây,
thường chia đề tài làm hai loại cao quý và thấp hèn. Nhìn rộng ra, giai cấp thống trị
thường không muốn nhìn thẳng vào hiện thực. Các nhà văn phát ngôn cho họ thường lẩn
tránh những vấn đề nón hổi trong xã hội.
Tính giai cấp còn được bộc lộ ở tư tưởng chủ đề. Chính khi giải quyết vấn đề nêu
ra trong tác phẩm, thì tư tưởng tình cảm, máu thịt của nhà văn mới thực sự bị lay động
đến tận gốc rễ. Khái Hưng trong một số tiẻu thuyết có đề cập đến quan hệ giữa nông dân
và địa chủ. Nhưng cái vỏ mị dân không đủ để che đậy sự lừa bịp bên trong. Trong gia
đình Khái Hưng đã dựng nên hình ảnh một cặp vợ chồng địa chủ trẻ tuổi đầy lòng từ
thiện, lấy việc chăm lo cải thiện đời sống tá điền làm sự nghiệp và lẽ sống. Đây là một
chủ trương cải lương nhằm đưa ra để đối ứng thậm chí thách thức với con đường cách
mạng mà những người cộng sản Việt Nam vạch ra cho quần chúng nông dân. Ngược lại
Ngô Tất Tố với tiểu thuyết Tắt đèn đã đứng trên lập trường tiểu tư sản tiến bộ, kiên quyết
bênh vực quyền lợi của nông dân, vạch trần những ách đè nén bất công, phơi bày bộ mặt
của giai cấp địa chủ phong kiến.
Tính giai cấp còn bộc lộ trong việc xây dựng nhân vật, đặc biệt là nhân vật lí
tưởng. Mỗi giai cấp đều căn cứ vào điều kiện sống và vai trò lịch sử của mình, nêu ra
những yêu cầu cao về tư tưởng và đạo đức cho mẫu người lí tưởng của giai cấp mình.
Văn học là phương tiện thể hiện và tuyên truyền đắc lực cho mẫu người đó. Những tác
phẩm trung cổ ở châu âu thường tô vẽ các nhân vật hiệp sĩ cao thượng, quả cảm, trung
thực, xem đó là hình ảnh lí tưởng của tần lớp quý tộc thượng lưu. Văn học mang nặng ý
thức hệ phong kiến ở phương Đống thường lấy mẫu người quân tử làm trung tâm, hoặc
những nhân vật như liệt nữ, trượng phu,… nói chung là những con người mang nặng đạo
đức và lễ giáo phong kiến, xem nhẹ tình cảm và nguyện vọng riêng tư, cúc cung tận tụy
7
nhà nước phong kiến. Đến thời khủng hoảng của nhà nước phong kiến dòng văn học giàu
tính nhân dân thường ca ngợi những nhân vật đối lập với mẫu người quân tử. Đó là
những nghịch tử của giai cấp phong kiến hoặc là những người nông dân khởi nghĩa: Kim
Trọng, Thúy Kiều, Từ Hải, Giả Bảo Ngọc… Các nhà văn trong thời kì giai cấp tư sản
đang lên thường xây dựng những nhân vật lí tưởng thoát khỏi ràng buộc của lễ giáo và
thần quyền, hành động có suy nghĩ và suy nghĩ để mà hành động: Hămlét, Ôtenlô…Và
nhân vật lí tưởng trong nền văn học vô sản là những con người giác ngộ lí tưởng cách
mạng, xuất hiện với tư thế người anh hùng mới, làm chủ cuộc đời và làm chủ vận mệnh
của mình: Paven Vlaxốp trong người mẹ, Tiệp trong bão biễn… Dĩ nhiên tác phẩm văn
học không chỉ viết về nhân vật lí tưởng nhưng khi viết về bất cứ loại nhân vật nài khác,
tính giai cấp vẫn thể hiện ở chỗ nhà văn sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dựa vào nhân vật lí
tưởng của mình để đánh giá các nhân vật khác. Đặc biệt ở những tác phẩm mô tả con
người phản diện làm nhân vật trung tâm, thì nhà văn lại thông qua việc phê phán những
con người và cuộc sống đó để biểu hiện lí tưởng của mình.
Tính giai cấp còn thể hiện ở hình thức và biện pháp nghệ thuật. Nền văn học tư sản
trong giai đoạn suy đồi của nó, hoàn toàn xa rời nhân dân và hiện thực, cho nên đã dùng
những hình thức bí hiểm, những biện pháp nghệ thuật li kì cổ quái. Hay xưa kia, mỹ học
phong kiến thường mang tính chất quy phạm và thiếu dân chủ cho nên thường chia thể
loại văn học ra hai loại cao quý và thấp hèn, và đối với mỗi thể loại văn học cũng thường
có những quy định ngặt nghèo. Nền văn học chịu ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ
phong kiến trước kia thường chỉ đề ca thơ, từ, phú, mà xem nhẹ kịch, tiểu thuyết…
8
2. Khi đời sống xã hội thay đổi, văn học cũng thay đổi
Đời sống xã hội không ngừng thay đổi, không ngừng biến đổi. Sự ổn định của xã hội
chỉ là sự ổn định của bề ngoài, còn thực tế nó không ngừng thay đổi bên trong bản thân
nó. Bất cứ xã hội nào và bất cứ nền văn hóa nào, cho dù nó có bảo thủ và cổ truyền đến
đâu chăng nữa cũng luôn biến đổi; sự biến đổi trong xã hội hiện đại ngày càng rõ hơn,
nhanh hơn, và điều này cho thấy rõ hơn là sự biến đổi đó không còn là điều mới mẻ, nó
đã trở thành chuyện thường ngày. Mọi cái đều biến đổi và xã hội cũng giống như các
hiện thực khác, không ngừng vận động và thay đổi. Tất cả các xã hội đều ở trong một
thực trạng đứng yên trong sự vận động liên tục. khi đời sống xã hội thayđổi thì nội dung,
hiện thực được phản ánh trong văn học cũng có sự thay đổi.
Nền văn học Trung Đại ( thế kỉ XX – XIX) sự thống trị của xã hội phong kiến, nền
kinh tế còn lạc hậu, chịu ảnh hưởng chủ yếu là văn hóa từ Trung Quốc, do nước ta nhiều
năm bị phương Bắc đô hộ, nhân dân ta chịu sự áp bức cùng kiệt, đặc biệt là người phụ nữ
sống trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, không phải vô cớ mà nhiều tác phẩm
văn học ra đời trong thời kì này lại trở thành kiệt tác, là tiếng kêu oán thán cho than phận
người phụ nữ như Chinh Phụ Ngâm, Cung oán Ngâm, Truyện Kiều của Nguyễn Du hay
những bài thơ của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương…
Những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người phụ nào vào cảnh cô đơn, phải xa
chồng: “Xanh kia thăm thẳm tầng mây
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”
Hay đó là người phụ nữ sống trong cảnh chồng chung:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Đó là tiếng kêu đứt ruột của người phụ nữ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
9
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, tương truyền bài văn tế này ra
đời sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước
âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng
triệu linh hồn, ông đã cho thấy được thực trạng đất nước lúc bấy giờ.
Ở văn học thời kì này, chúng ta còn thấy rất nhiều tác phẩm ca ngợi cuộc chiến
đấu chống ngoại xâm của dân tộc như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ
của Trần Quốc Tuấn, Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu…
Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, nói chung và văn học
phương Bắc nói riêng, ta thấy vẫn còn những tác phẩm văn học ở giai đoạn này được
sáng tác theo những thể thơ của Trung Quốc, chịu những quy luật ràng buộc nghiêm ngặt
về ngon từ…
Sang cuối thế kỉ XIX, tình hình nước ta có nhiều thay đối, nước ta trở thành thuộc
địa của pháp, sự du nhập của văn hóa Pháp nói riêng, văn hóa phương Tây nói chung đã
làm cho xã hội nước ta có nhiều thay đổi, nước ta từ một nước phong kiến chuyển sang
nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân ta một cổ hai tròng sự cai trị hà khắc của thực
dân Pháp, sự ra đời của những giai cấp mới…chính điều này đã làm cho văn học có bước
chuyển mới. Chưa nói về nghệ thuật, chúng ta bàn về nội dung văn học lúc bấy giờ, hiện
thực cuộc sống thay đổi thì hiện thực phản ảnh trong tác phẩm cũng có sự thay đổi. Thời
kì đầu, đó là một xã hội nhố nhăng, tây không ra tây, ta không ra ta, là sự khốn khổ cùng
cực của những người nông dân, chúng ta có thể bắt gặp những điều đó trong các tác
phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…
Tác phẩm Giông Tố của Vũ Trọng Phụng là bức tranh thu nhỏ về hiện thực xã hội
lúc bấy giờ trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến
thành thị “bơ sữa”, từ những chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa
hoa - cũng không kém truỵ lạc - trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của
Nghị Hách. Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ
10
Trọng Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ
các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra
mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát. Ở thành
thị, thôi thì đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian
hùng, “coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân trong
các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ tọa những ban
giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết; những tay cổ động
cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ
mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám ma,
và là chủ dược phong, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc lào mốc,
v.v Tóm lại, tất cả những người tự xưng là “thượng lưu” nhưng kỳ thực chỉ biết có
đồng tiền và danh hão, dùng mọi cách đầu cơ, mọi ngón bịp bợm. Theo tác giả thì đó là
“những mẫu” hàng đặc biệt của công giới và thương giới". Ai từng sống ở Hà Nội lâu
năm, nhất là vào khoảng 1930-1939, chắc có thể tìm thấy ở những nét sơ sài trên, một
con người có thật, bằng xương bằng thịt, đã làm giàu một cách trắng trợn như thế và cũng
đã trở nên những tai to mặt lớn của xã hội đương thời.
Trong các tiệm hút của Hàng Buồm, hay trong các nhà hát ả đầu phố Khâm Thiên,
Vũ Trọng Phụng lại có dịp cho chúng ta biết một hạng người khác, hạng người truỵ lạc.
Không kể Vạn tóc mai, đứa con hoang của Nghị Hách, xỏ lá, xỏ xiên, nói xấu bố với nhà
báo để “làm tiền” bố, có đủ mặt “các nhân viên làng bẹp, những thiếu phụ mặt bự những
phấn, môi tái nhợt, tóc búi, cổ đeo kiềng, mặc áo tân thời cổ bánh bẻ”; những tên lính da
trắng, da đen; một mụ đầm già. Rồi những ông giáo, ông cử nhân Tây học hẳn hoi, bề
ngoài đạo mạo, nghiêm nghị, nhưng đến đây thì giở đủ trò đểu cáng. Tác giả Giông tố
dùng ngòi bút phóng sự của mình để tả cuộc đời bẩn thỉu dâm đãng của thành phố Hà Nội
dưới thời Pháp thuộc.
11
Đã hết đâu! Ngoài những cảnh “lầm than” công khai, còn những cảnh “lầm than” kín đáo
hơn. Một bà nhà “tử tế” ngoài bốn mươi, chuyên môn nhảy đồng bóng và nằm với anh
cung văn; một cô thiếu nữ tân thời hẹn hò với trai trong khách sạn.
Còn chốn quan trường thì như thế nào? Một ông quan thuộc địa “cáo già” dùng
những lời nói ngọt ngào, những hành động khôn khéo để phỉnh dân, bóc lột dân cho dễ:
một ông tuần và một ông quan huyện chuyên bênh vực những người có của. Dám nói đến
các quan Tây, trong các cuốn tiểu thuyết, thì trước đây, có lẽ chỉ Vũ Trọng Phụng mới có
gan ấy. Đọc những đoạn tác giả tả Nghị Hách, gặp quan sứ, hoặc đoạn các quan Tây đến
dự buổi tiệc của Nghị Hách sau cuộc phát chẩn, chúng ta thấy cái cười mỉa mai của tác
giả dưới những câu giả đò ngây thơ. Ngoài những quan cai trị đương chức, đương quyền,
lại có những ông quan cai trị đã về hưu, nhưng để ý việc doanh thương từ lâu, và hiện
làm đại diện cho một hội lý tài lập bên Pháp, vốn liếng có hai mươi triệu “phật lăng” và
đang tìm cách giữ độc quyền nước mắm.
Trở lên trên là những con người. Dưới đây là các sự việc trong xã hội cũ: bỏ
truyền đơn, cờ đỏ cộng sản để vu cáo người khác, hối lộ ở chốn quan trường, luật lệ hà
khắc của chính phủ thực dân; dạy trên năm người học trò không khai báo thì bị tội, tranh
cử ở nghị trường, thông đồng với các cơ quan ngôn luận để làm hậu thuẫn cho các cuộc
tranh cử, những bài “đít cua” rỗng tuếch, trò hề của những tai to mặt lớn Có thể nói
không có cái gì khả ố, lố bịch trong xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng không đề cập đến.
Vũ Trọng Phụng còn tỏ ra biết đời nhiều nên ông còn đưa lên sân khấu một cô
thầy bói, một ông già đóng vai thầy địa lý và thầy số đi xem đất, đặt huyệt, lấy số tử vi.
Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, cả xã hội cũ hiện lên một cách bi đát đau thương mà
cũng hết sức tồi tệ, đáng căm giận.
Hay trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chúng ta sẽ thấy được xã hội đương thời đã đẩy người
nông dân vào bước đường cùng, nội dung tác phẩm nói về cuộc sống khốn khổ của tầng
lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
12
Tác phẩm xoanh quanh nhân vật chính là chị Dậu và gia đình đang trong mùa sưu thuế;
một điển hình của cuộc sống bần cùng hóa do sưu cao thuế nặng mà chế độ thực dân áp
đặt lên xã hội Việt Nam. Tác phẩm Tắt đèn không chỉ phản ánh được sự hống hách, bất
nhân, tàn nhẫn của bộ máy quan lại đương thời, mà còn cho thấy những phẩm chất cao
quý của người nông dân, được coi là những kẻ ở dưới đáy xã hội qua hình ảnh chị Dậu.
Dù họ có bị tần lớp thống trị lấn át, và dù cuộc sống của họ có tăm tối, cùng quẫn đến
mức nào cũng không thể khiến họ đánh mất những đức tính cao đẹp vốn có, nhưng đồng
thời cũng thể hiện sức phản kháng tiềm tàng mạnh mẽ của những người nông dân nghèo.
Và dù khi câu chuyện kết thúc, chị Dậu vẫn không thoát khỏi cuộc đời tăm ttối của mình,
nhưng qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã nêu lên một quy luật tự nhiên rằng:
ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, và có lẽ đoạn trích trên chính là dấu hiệu báo trước
cho cuộc cách mạng năm 1945.
Rồi đến những năm cách mạng giành độc lập cho dân tộc, văn học cũng có sự thay
đổi lớn, đó là những con người
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên ngôn
độc lập nhưng nền độc lập đứng trước những thách thức to lớn. Cũng như bối cảnh xã hội
lúc ấy, văn học vừa diễn ra xu hướng hội tụ, vừa tiếp tục sự phân hóa của các khuynh
hướng văn học
.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1946 đã mở đầu cuộc chiến
tranh kéo dài 9 năm với Pháp. Trong thời kỳ này, văn học đã được xây dựng để phục vụ
cho cuộc chiến đấu của người Việt Nam mà hạt nhân là Việt Minh. Văn hóa được định
hướng theo phương châm do Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định từĐề cương văn hóa
Việt Nam năm 1943 là Dân tộc - Khoa học - Đại chúng còn đối với văn học thì làm cho
xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng. Trong kháng chiến chống Pháp, khẩu
hiệu Kháng chiến hóa văn hóa - Văn hóa hóa kháng chiến của Hồ Chí Minh cũng phản
ánh mục tiêu và đi kèm với nó là phương pháp chi phối văn hóa nói chung và văn học nói
riêng trong giai đoạn ấy. Về phong cách, để có thể kháng chiến hóa văn hóa, văn học phải
nhằm đến đối tượng quần chúng đông đảo mà chủ yếu là nông dân và do vậy văn học giai
đoạn này được hướng đến phong cách hiện thực, đại chúng.
13
Trong các tác phẩm văn học thời kì này chúng ta sẽ bắt gặp những người lính vệ quân,
những người nông dân quả cảm, kiên cường sẵn sàng hi sinh vì cuộc cách mạng dân tộc.
Nội dung văn học giai đoạn này không còn là xã hội với những chiêu trò lố lăng nữa, mà
đó là xã hội của một đất nước đang bước vào cuộc chiến vĩ đại giành tự do, độc lập.
Đó có thể là những người lính từ làng quê nghèo khó:
“ Quê hương anh nước mặn, đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Sẵn sàng đối mặt với bao gian khổ và tất nhiên cả sự hy sinh:
“Tây Tiến binh đoàn không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Hay “Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Hay đó có thể là những người mẹ tuyệt vời:
“Con đã về đây, ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm”
14
CHƯƠNG II: VAI TRÒ CỦA NHÀ VĂN TRONG VIỆC PHẢN ÁNH HIỆN THỰC
VÀO TÁC PHẨM
1. Đặc trưng của văn nghệ - một hình thái ý thức xã hội đặc thù
Văn nghệ bắt nguồn từ đời sống, phản ánh đời sống nhưng văn nghệ không giống các
hình thái ý thức xã hội khác. Đặc trưng của một hình thái ý thức xã hội thường biểu hiện
ở đối tượng, nội dung, hình thức chiếm lĩnh đời sống, phương thức thể hiện… và văn
nghệ cũng vậy.
1.1. Về đối tượng và nội dung của văn nghệ:
1.1.1. Đặc trưng đối tượng
Mĩ học duy vật khẳng định đối tượng văn học là toàn bộ thế giới khách quan. Nhưng
thế giới khách quan ấy được văn học chiếm lĩnh, nhìn nhận ở góc độ khác với các ngành
khoa học khác: Văn học chú ý các “kinh nghiệm quan hệ” (I. Bôrep). Đó chính là ý nghĩa
quan hệ người kết tinh trong các sự vật và hiện tượng của thế giới hiện thực được miêu
tả. Do đó, con người trở thành trung tâm của các quan hệ đời sống được miêu tả. Ở đây
cần phân biệt con người với tư cách là đối tượng của văn học với con người là đối tượng
của các ngành khoa học khác.
Rất nhiều ngành khoa học lấy đối tượng của khoa học là con người. Nhưng con người
với tư cách là đối tượng của văn học khác với con người là đối tượng của các ngành khoa
học khác. Nếu sinh học, y học chú ý con người ở khía cạnh sinh học (trao đổi chất, sinh
trưởng, phát triển, cấu tạo cơ thể), y học (giải phẫu, chức năng các cơ quan trong cơ thể
liên quan đến sự sống, tuổi thọ, sức khỏe của con người), triết học tìm hiểu con người ở
khía cạnh chung nhất: bản chất xã hội, bản chất cá nhân, ý thức xã hội, tư tưởng, quan
điểm thì văn học chiếm lĩnh con người dưới một góc độ riêng biệt:
Thứ nhất, con người trong văn học được tái hiện trong những quan hệ xã hội, bộc lộ
qua những tính cách cụ thể như anh hùng, hèn nhát, trung thực, giả dối, tham lam, keo
kiệt, nhân hậu, hiền lành những tính cách ấy được tái hiện trong những hoàn cảnh, môi
15
trường cụ thể, trong cuộc đời và số phận riêng biệt, cá lẻ. Nếu như đạo đức học quan tâm
tới thói tham lam ích kỉ của con người như là những nét đạo đức phi chuẩn mực nói
chung thì văn học cũng chú ý tới sự keo kiệt của con người thông qua một cuộc đời, một
số phận, một tình huống cá biệt (Đến chết vẫn còn hà tiện, Ăn cá gỗ, Lão hà tiện) với
những ý nghĩ, việc làm, tình cảm của họ.
Thứ hai, con người trong văn học được tái hiện trong tính toàn vẹn, cảm tính và sinh
động. Ví dụ như hình ảnh chị Trần Thị Lí chẳng hạn. Báo chí đã từng nêu tấm gương anh
dũng, kiên trinh, sắt son của chị đối với cách mạng, dù chị đã phải trải qua bao tra tấn tù
đày, như là hình ảnh những con người anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự
nghiệp chính trị của dân tộc. Còn đối với nhà thơ Tố Hữu, người nghệ sĩ, tấm gương anh
hùng ấy được tái hiện trong từng chi tiết đời sống cụ thể, sinh động, vừa thực, vừa hư:
Em là ai, cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi, Mái tóc em đây hay là mây
là suối, Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông, Thịt da em hay là sắt là đồng?
Thứ ba, con người trong văn học không được nhìn nhận một cách khách quan tuyệt
đối như trong các ngành khoa học khác, mà được miêu tả dưới một quan niệm về đời
sống, một lí tưởng, một tình cảm thẩm mĩ nhất định, một cảm hứng mãnh liệt của nhà
văn. Con người trong văn học do đó còn được trình bày theo những quy luật thẩm mĩ
nhất định. Ví như hình tượng những nhân vật tạo dựng thế giới đều mang nét dáng kì vĩ:
Nữ Oa, Lạc Long Quân, Thần Trụ Trời ). Hơn nữa các nhân vật còn được tái hiện trong
mối cảm tình (phủ nhận và khẳng định) của tác giả. Đây là một điều mà các ngành khoa
học khác hoàn toàn tối kị.
1.1.2. Đặc trưng nội dung
Nội dung của văn học cũng chính là cuộc sống, nhưng là cuộc sống đã được ý thức,
được chọn lọc, đánh giá theo một tư tưởng, quan điểm, cảm hứng về đời sống và thẩm mĩ
nhất định.
16
1.2. Hình tượng nghệ thuật
Là một phương thức biểu đạt nhận thức, tư tưởng, tình cảm một cách đặc thù của
nghệ thuật. Nó vừa mang tính cảm tính của những hình thức đời sống, nhưng cũng vừa
mang tính tinh thần, có khả năng vừa dựng lại những bức tranh sinh động của đời sống
nhưng cũng vừa chuyển tải được tư tưởng và tình cảm của con người.
Đặc trưng của hình tượng nghệ thuật:
1.2.1. Hình tượng là một khách thể mang tính tinh thần
Gọi hình tượng là những khách thể, bởi vì trước hết nó là những hình thức đời sống
được nhà văn tưởng tượng sáng tạo để trình bày về một hiện thực đời sống nhất định. Ai
cũng có thể nhìn các hình tượng ấy như một cái bên gì bên ngoài, như một khách thể.
Khách thể đó khi đã được ra đời, có một cuộc sống độc lập riêng, không phụ thuộc vào ý
muốn người sáng tạo.
Gọi hình tượng là một thế giới tinh thần vì nó chỉ tồn tại trong cảm nhận, chứ không
phải là một thế giới vật chất để ta có thể nhìn, sờ, nắn được. Cái hiện thực tinh thần đó
được gìn giữ và truyền đạt trong những phương tiện vật chất nhất định (âm thanh, hình
khối, màu sắc). Con người không chỉ sống trong thế giới vật chất mà còn sống trong thế
giới tinh thần do các thế hệ trước truyền lại và do thực tiễn dời sống không ngừng tạo ra.
Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, Thánh Gióng đều đang tồn tại như những khách thể
tinh thần trong tâm hồn người Việt. Những gì tinh túy nhất trong hiện thực đều được tinh
thần hóa để trở thành những khách thể tinh thần như vậy.
17
1.2.2. Hình tượng mang tính tạo hình và biểu hiện
Tạo hình là làm cho khách thể tinh thần vốn vô hình có được một tồn tại cụ thể, cảm
tính bề ngoài. Nó bao gồm việc tạo cho hình tượng một không gian, thời gian, những sự
kiện và những quan hệ, tạo dựng được môi trường và những con người có ngoại hình, nội
tâm, hành động, ngôn ngữ.
Biểu hiện là phẩm chất tất yếu của tạo hình. Biểu hiện là khả năng bộc lộ cái bên
trong, cái bản chất của sự vật, hé mở những nỗi niềm sâu kín của tâm hồn. Biểu hiện giúp
hình tượng được cảm nhận một cách toàn vẹn, nhất là thể hiện được khuynh hướng, tư
tưởng, tình cảm của con người, của tác giả trước các hiện tượng đời sống.
Tạo hình và biểu hiện của hình tượng được bộc lộ qua chi tiết, tình tiết (những thành
phần nhỏ nhất của hình tượng), một hình ảnh, một cảm xúc, một âm thanh, một màu sắc,
một quan hệ. Chúng liên kết với nhau, tạo thành một hình tượng toàn vẹn, hiện lên rõ nét
trong tâm trí người đọc. Chẳng hạn, cánh buồm lẻ loi đơn độc tan biến vào bầu không
cùng dòng sông cuồn cuộn chảy ngang trời đã diễn tả được nỗi buồn và sự cô đơn của
con người trong cảnh biệt li trong thơ Lí Bạch. Hêghen gọi các chi tiết trong tác phẩm là
những ‘con mắt’, qua đó chẳng những thấy được thế giới nghệ thuật mà còn thấy được
‘một tâm hồn tự do trong cái vô hạn’ của tác giả. Như vậy, tạo hình là để biểu hiện, và
muốn biểu hiện phải nhờ tạo hình.
1.2.3. Tính quy ước và sáng tạo của hình tượng
Trong các chi tiết tạo hình luôn có sự mã hóa các tư tưởng, cảm xúc xã hội, thẩm mĩ.
Mỗi thời kì văn học dân tộc, đều có cách mã hóa khác nhau tạo thành ngôn ngữ nghệ
thuật riêng của từng thời kì. Chẳng hạn, nếu như trong văn học dân gian Việt Nam,
thuyền tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, trôi dạt, vô định, thì ở phương Tây xưa,
thuyền lại tượng trưng cho sự phiêu du của linh hồn sang thế giới bên kia. Từ đó ta thấy
nguồn gốc phương Tây của hình ảnh thuyền hồn trong bài 14 tháng 7 của Tố Hữu hoặc
trong câu thơ của Huy Cận: Hiu hiu gió đẩy thuyền lên biển trời, Chở hồn lên tận chơi
vơi. Như vậy,
18
hình tượng có sự vận động qua lịch sử, các kí hiệu thẩm mĩ có khác nhau qua từng thời
kì. Muốn hiểu hình tượng nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự giải mã các kí hiệu nghệ thuật, kí
hiệu thẩm mĩ.
Nhưng bản chất của kí hiệu lại có xu hướng cố định hóa, trở thành công thức, dễ rơi
vào sáo mòn. Vì vậy kí hiệu phải luôn được đổi mới, cắt nghĩa mới, sáng tạo kí hiệu mới.
Một trong những cách làm cho hình tượng luôn mới là cấu trúc lại các kí hiệu thẩm mĩ
quen thuộc, làm cho nó có thêm những ý nghĩa mới. Cũng hình tượng thuyền và bến như
trong ca dao xưa, nhưng trong bài thơ Lòng anh làm bến thu của Chế Lan Viên: Buổi
sáng em xa chi, Cho chiều mùa thu đến, Để lòng anh hóa bến, Nghe thuyền em ra đi,
chúng lại mang những ý nghĩa mới mẻ về vị trí, phẩm chất, biểu tượng.
1.2.4. Hình tượng chứa đựng tình cảm xã hội và lí tưởng thẩm mĩ
Hình tượng không phải là sự sao chép nguyên xi đời sống hiện thực mà còn mang sẵn
quan niệm, đánh giá về thế giới, chứa đựng một tư tưởng nhân sinh. Nỗi khát khao bắt
Nữ thần Mặt trời về làm vợ (Đăm San) chính là nỗi khát khao chinh phục tự nhiên, là sự
khẳng định sức mạnh, ý chí của con người thuở xa xưa. Hình ảnh bi đát, thê thảm của
đám tang lão Gôriô (Lão Gôriô - Ban dắc) hiện lên như lời tố cáo của tác giả về thực chất
các quan hệ người và người trong xã hội tư sản. Như vậy, hình tượng văn học vừa thể
hiện quan niệm, tư tưởng vừa thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn.
Tình cảm xã hội là tình cảm của một con người riêng biệt nhưng đã được ý thức trên
cấp độ xã hội và được soi sáng bằng một lí tưởng xã hội nhất định.
Tình cảm xã hội thường đi đôi với lí tưởng thẩm mĩ tức những khát vọng cao cả nhất,
tích cực nhất, nhân tính nhất của con nguời về cái tốt, cái đẹp, cái hoàn thiện trong các
lĩnh vực khác nhau. Do đó, các hình tượng nghệ thuật thường mang những giá trị kết tinh
lí tưởng thẩm mĩ không chỉ của tác giả mà còn của một thời đại, một dân tộc. Hình tượng
nguời anh hùng, từ con người mang kích thước phi thường như ông Gióng đến những anh
bộ đội bình dị: Mái chèo một chiếc xuồng con, Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương
19
(Tố Hữu) là kết tinh của quan niệm về người anh hùng, một hình mẫu đẹp trong tâm thức
dân tộc Việt Nam, một dân tộc hàng nghìn năm sống trong ngọn lửa chống ngoại xâm.
1.2.5. Tính nghệ thuật của hình tượng
Hình tượng mang tính thẩm mĩ, nói cách khác là mang tính nghệ thuật, bởi vì nó được
sáng tạo là để thưởng thức và thoả mãn về mặt thẩm mĩ. Người ta đọc một câu thơ, một
câu chuyện, thường thích thú vì những hình ảnh đẹp, những vần thơ réo rắt, những cốt
truyện li kì, hấp dẫn, những nhân vật có hình thức và tính cách quyến rũ Sức hấp dẫn
của hình tượng là một dấu hiệu quan trọng. Điđơrô nói với nghệ sĩ: “Trước hết, anh phải
làm cho tôi cảm động, kinh hoàng, tê mê, anh phải làm cho tôi sợ hãi, run rẩy, rơi lệ hay
căm hờn
2. Vai trò của nhà văn trong sáng tác văn học
Tư chất nghệ sĩ của nhà văn
Như đã nói ở trên, Văn học là sự phản ánh thế giới khách quan qua cái nhìn chủ
quan của nhà văn, văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, với tư cách là chủ thể
thẫm mĩ, nhà văn, do đó, cũng phải có tư chất nghệ sĩ đặc biệt. Tư chất nghệ sĩ rõ nhất ở
nhà văn là một con người giàu tình cảm, dễ xúc động, nhạy cảm. Trong khoa học, tình
cảm chỉ nằm trong tiền đề sáng tác, còn trong văn học, tình cảm nằm ngay trong thành
phẩm sáng tạo.
Lỗ Tấn đã từng nói: “gặp những cái hay và đáng yêu thì họ ôm choàng lấy, nếu
gặp điều trái đáng giận thì họ sẽ bác bỏ Phải kịch liệt công kích cái sai như đã từng nhiệt
liệt chủ trương cái đúng. Ôm chặt người yêu thế nào thì phải nghiến chặt kẻ thù như thế,
như Écquyn nghiến chặt người khổng lồ Ăngtê, anh ta nhất định làm đứt gân xương kẻ
thù mới thôi”.
Trí tưởng tượng phong phú cũng là tư chất nghệ sĩ nổi bật ở nhà văn. Gorki từng
nhấn mạnh tưởng tương là một trong những biện pháp quan trọng nhất để nhà văn xây
dựng nên hình tượng. Chính nhờ tưởng tượng mà nhà văn mới sống cuộc đời của hàng
20
trăm hàng ngàn nhân vật khác nhau. Banzac cảm nhận được sự rách rưới của nhân vật
trên lưng của chính mình và như mình đang đi đôi giày thủng của họ. Sự hòa nhập vào
nhân vật đến mức có khi nhà văn quên cả bản thân mình. Khi Phlôbe viết đến chỗ bà
Bôvải uống thuốc độc tự tử thì chính ông cũng cảm thấy trong miệng có mùi thạch tín và
rất buồn nôn.
Nhà văn là người có thói quen và năng khiếu quan sát tinh tế. Trí tưởng tượng nhà
văn có phong phú đến đâu cũng không thể phong phú bằng bản thân thực tế. Bản chất
con người và cuộc sống không phải lúc nào cũng bộc lộ rõ ràng qau những hiện tượng dễ
thấy. Chỉ có quan sát kĩ lưỡng nhà văn mới có thể phát hiện được những ý nghĩa sâu xa
trong từng chi tiết cùng những diễn biến đa dạng của nó. Các nhà văn lớn thường không
từ bỏ bất cứ một cơ hội nào có thể quan sát được những ngóc ngách đời sống. L.Tônxtôi
thường đi tàu hỏa với vé hạng bét để tiếp xúc được với những người nông dân.
Nhà văn là người có trí nhớ tốt. Nhà văn thuộc lòng những ấn tượng sinh động,
những chi tiết, những dấu hiệu cụ thể do mình đã từng quan sát, tưởng tượng, xúc động
đã từng đem lại. Banzac có thể nhớ rành rọt họ tên, lai lịch, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ
của mấy nghìn nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Gớt có thể nhắc lại rành rọt nội dung
một tác phẩm dang dở từ hơn ba mươi năm trước…
Nhà văn cũng thường bộc lộ cá tính rõ nét nhất trong lĩnh vực của mình. Bởi vì
văn học làm giàu cho xã hội không phải bằng số lượng của cải như sản xuất vật chất.
Chân lí mà văn học đem lại cũng không phải chỉ là chân lí khách quan như trong khoa
học mà còn xuyên thấm những sắc thái chủ quan. Sự thật có thể là một, nhưng cách nhìn,
cách cảm, cách nghĩ của nhà văn là muôn màu muôn vẻ, làm phong phú thêm đời sống
tinh thần cho xã hội.
Nhưng ở đây không phải là chúng ta tuyệt đối hóa vai trò của tài năng, năng khiếu
của nhà văn. Tài và khiều là hai yếu tố quan trọng của một nhà văn nhưng như vậy là
chưa đủ. Thực tế đã chứng minh rằng có nhiều người vốn không có năng khiếu nhưng
nhờ sự rèn luyện lâu dài bền bỉ đã trở thành những nhà văn vĩ đại. Sếcxpia đến hai mươi
21
tuổi mới bắt đầu sáng tác. Rútxô mãi cho đến năm bốn mươi tuổi mới cảm thấy mình có
chất văn. Vì vậy nhà văn phải luôn trau dồi, rèn luyện về nhiều mặt, nhà văn phải tích lũy
lối sống phong phú, cần phải trải đời, phải có trình độ về văn hóa. Bên cạnh đó, nhà văn
cần phải có vốn nghề nghiệp đặc thù của mình, đó là trình độ vận dụng và sử dụng các
phương tiện và kĩ thuật tổ chức tác phẩm, biện pháp biểu hiện, tả kể, cách khắc họa nhân
vật, cách vận dụng thể loại…
Một số những năng lực cơ bản của nhà văn: năng lực cảm thụ thẩm mĩ; tình cảm
vàtrực giác, tưởng tượng; năng lực biểu hiện.
2.1. Năng lực cảm thụ thẩm mĩ
Đó là năng lực phát hiện được đối tượng thẩm mĩ với những giá trị thẩm mĩ ở đằng
sau vô vàn các hiện tượng đời sống. Một cánh hoa nở vượt tường là sức sống không kìm
hãm nổi của tự nhiên, của mùa xuân, của tuổi trẻ: Sắc xuân khôn khóa then cài, Một cành
hồng hạnh mọc ngoài tường hoa (thơ Diệp Thiệu Ông). V. Huygô nhìn thấy dáng người
gieo hạt trên đồng là bức tượng đài của con người đang gieo sự sống mang tầm vóc vũ
trụ. L. Tônxtôi nhìn thấy qua cây sồi hùng vĩ và điệu múa dân gian sức sống bất diệt của
tâm hồn Nga. Đốpgiencô từng nói: “Hai người cùng nhìn xuống, một người nhìn thấy
vũng nước, còn người kia nhìn thấy những vì sao” là nói tới khả năng khám phá những
giá trị thẩm mĩ này.
2.2. Giàu tình cảm, giàu khả năng trực giác và tưởng tượng
Năng lực quan sát và phát hiện thẩm mĩ gắn liền với bản chất giàu tình cảm, khả năng
trực giác và tưởng tượng.
Nghệ sĩ mang một hệ thần kinh nhạy bén, trước một hiện tượng thẩm mĩ thường xúc
động mãnh liệt, dẫn đến khát khao bày tỏ những nhận thức, kinh nghiệm, ấn tượng, cảm
xúc của chính mình. Điều đó có được do bản chất giàu tình cảm của người nghệ sĩ. Tình
cảm là thái độ của con người trước hiện thực. Niềm kính phục, trân trọng cái cao cả, niềm
22
rung động trước cái đẹp, nỗi đau của những bi kịch, tiếng cười đối với cái thấp kém, xấu
xa, phi chuẩn mực là sự trả lời bằng tinh thần của con người đối với đời sống.
Phẩm chất giàu tình cảm khiến nghệ sĩ dễ rung động trước mọi sự kiện, biến cố, từ
quá khứ đến hiện tại. Nghệ sĩ có thể xúc động trước những sự kiện lớn lao của đất nước,
dân tộc, nhưng cũng động lòng trắc ẩn, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn qua nhiều hiện
tượng đời sống và những số phận nhỏ bé bình dị. Tấm lòng dễ rung động trước hiện thực
ấy sẽ là động cơ, cội nguồn của sáng tạo. Mà tình cảm của nghệ sĩ thường được nâng lên
đến mức mãnh liệt. Mộng Liên Đường chủ nhân đã đánh giá mức độ tình cảm này trong
Truyện Kiều: “Lời văn tả ra hình như máu chẩy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ
giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột Nếu không
phải có cái con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có
cái bút lực ấy”.
Trực giác
Là khả năng nhận thức trực tiếp, không bằng suy luận của lí tính. Nói cách khác,
đó là việc tiếp nhận thế giới bằng trực cảm, qua những phán đoán cảm tính, trực tiếp,
nhanh nhạy, không có suy lí, phân tích, không thể hoặc rất khó chứng minh. Vì sao một
tiếng kêu vang lạnh cả trời, nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, khi chia tay mắt đựng đầy
hoàng hôn? Ta chỉ gặp những liên hệ rất xa xôi mờ nhạt trong những kết cấu hình tượng
ấy. Trực giác nghệ thuật, do đó, là khả năng nhanh nhạy trong việc nắm bắt các bản chất
và quy luật đời sống và thể hiện nó bằng các hiện tượng nghệ thuật độc đáo. Với trực
giác thẩm mĩ, các nhà văn tạo được những hình ảnh và viết được những câu thơ câu văn
đặc sắc, đầy hình ảnh, đầy cảm giác, vừa lung linh huyền ảo, vừa phi lí vừa mông lung
song cũng đầy sức quyến rũ: gươm mài bóng trăng (Đặng Dung), hai sắc hoa tigôn
(TTKH), cuộc chia li màu đỏ (Nguyễn Mỹ),…
Tưởng tượng
Theo nghĩa thông thường là một thao tác tư duy hình dung sự vật (đã có, hoặc
chưa từng có) trong đầu óc. Đây là một năng lực tư duy phổ biến. Em bé bán diêm của
23
Anđécxen đã từng tưởng tượng thấy bà nội của mình hiện lên trong đêm giáng sinh rét
mướt, còn cô gái quan họ lại mong rằng sông chỉ hẹp một gang để bắc chiếc cầu giải?
yếm sang sông. Song, ở người nghệ sĩ, năng lực này được tập trung cao độ, phong phú và
mãnh liệt nhất.
Trong sáng tác nghệ thuật, tưởng tượng là khả năng cấu trúc mới các yếu tố của kinh
nghiệm, giúp phá vỡ không gian và thời gian để tạo nên những sáng tạo nghệ thuật mới.
Sức sáng tạo của tưởng tượng trước hết là khả năng hình dung ra các sự vật sống động
như nó đang hiện ra trước mắt. Đó là bản đàn gợi cảnh: Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt
châu, trong hoa oanh ríu tít nhau, nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh Trí tưởng
tượng còn tạo nên những kết hợp mới mẻ, thoát ra khỏi kinh nghiệm, tạo nên những ảo
ảnh, những hình thức và quan hệ mới với những giá trị mới. Nó làm cho vật vô tri trở nên
có linh hồn: Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất. Cái vô hình trở thành hữu hình: nỗi
nhớ và sự cô đơn biến thành hình ảnh: Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa
soi dặm trường. Cái trừu tượng được cụ thể hóa: ước mơ về hòa bình hạnh phúc, ấm no
được thực hiện qua tiếng đàn đuổi giặc, nồi cơm ăn hết lại đầy của chàng Thạch Sanh.
Nghĩa là tưởng tượng đã cấp cho những hình thức đời sống một ý nghĩa, một sự sống, mà
người ta gọi là sinh mệnh hóa vũ trụ, để hữu hình hóa, vật chất hóa những khát vọng tinh
thần của con người.
2.3. Năng lực thể hiện thẩm mĩ
Năng lực thể hiện thẩm mĩ là năng lực sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Trước hết, đó là
năng lực cấu tứ, nghĩa là năng lực tổ chức, bố cục, xây dựng hình tượng nghệ thuật thành
một chỉnh thể có ý nghĩa khái quát.
Cấu tứ còn là làm sao dựng một hình thức đời sống có được một ý nghĩa, một nội
dung, một tư tưởng, một quan niệm hoặc một trạng thái nhân sinh.
Đối với nhà văn, năng lực cấu tứ thể hiện ở nhiều cấp độ, ở một bài thơ, đó là việc
làm cho bài thơ có một tính chỉnh thể xuyên suốt, một ý, một nội dung được thể hiện
trong những hình khối, hình ảnh, ngôn từ phù hợp như một cơ thể sống. Bài thơ Mùa lá
24
rụng (Ônga Bécgôn) là một cấu tứ đẹp: trái tim nhậy cảm, dễ bị tổn thương tương đồng
với hàng cây mùa lá rụng. Bài thơ trên đỉnh Côn Sơn của Trần Đăng Khoa cũng vậy:
đứng trên núi, vướng hương đồng, chiều ở nhà, lồng lộng gió núi. Hai nơi hoán đổi cho
nhau, nơi này gợi nhớ nơi kia. Nhưng cũng có khi tứ chỉ là một ý nhỏ, được cấu trúc
trong một âm thanh, một hình ảnh đẹp: Mộng anh hường tìm môi em bói đỏ, Giàn trầu
già, khua những át cơ rơi (Lê Đạt).
Trong cấu tứ, các mẫu gốc, các môtíp thần thoại, các kí ức tuổi thơ có tác động rất
mạnh. Mẫu gốc là những kí ức tập thể của nhân loại hay dân tộc tồn tại trong vô thức cá
nhân. Nó cung cấp những chủ đề, những mẫu hình tư duy mà người đời sau sử dụng một
cách vô thức. Chẳng hạn các cuộc lên trời, xuống địa ngục, bé lọ lem bị hành hạ, cùng
một bọc trứng nở ra Một nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy mẫu gốc Narkios, một chàng trai
trẻ đẹp trong thần thoại Hi Lạp, được mọi người yêu nhưng chẳng yêu ai cả, mà chỉ yêu
chính mình, đã đi vào rất nhiều sáng tác của Sêkhốp như Quyết đấu, Chim hải âu Trong
một truyện Từ Thức gặp tiên, Nguyễn Dữ đã sử dụng không biết bao nhiêu mẫu gốc
trong kho tiên thoại Trung Quốc. Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, đã sử
dụng rất nhiều mẫu gốc của chuyện dân gian và truyện dã sử Trung Quốc. Việc sử dụng
mẫu gốc cũng rất quan trọng, dễ có được những rung cảm thẩm mĩ mang đặc điểm truyền
thống, dân tộc. Trong thơ Tố Hữu, ta gặp rất nhiều những hình ảnh quen thuộc về kí ức
tuổi thơ: mây gió hiu hiu, chiều lặng lặng, mái nhì man mác nước sông Hương, xanh biếc
lòng sông những bóng thông Các trang văn của L. Tônxtôi, Tuốcghênhiép, Gorki,
Kôrôlencô, Bunhin đều mang đậm những kí ức tuổi thơ như những điểm sáng trong
tâm hồn, làm phong phú thêm hình tượng.
Tiếp đến là năng lực xây dựng hình tượng nghệ thuật. Đối với nghệ sĩ, đó là năng lực
tạo hình, làm cho cuộc sống được tái hiện sinh động như thật. Đến mức, như Gorki kể
chuyện, ông đã từng giơ trang sách ra trước mắt để xem có ai giữa những dòng chữ đó
không. Hình tượng đó vừa mô tả được hình dáng, màu sắc, vừa thể hiện được thần khí,
linh hồn, nhịpđiệu, không khí, sự vận động của sự vật. Bài ca mùa thu của Véclen như
tiếng thở dài nức nở của cây đàn vĩ cầm. Ở đây đòi hỏi năng lực lựa chọn chi tiết, tổ chức
25
kết cấu, lựa chọn góc độ, giọng điệu, hình khối, ánh sáng, màu sắc để tạo hình tượng. Đó
là một năng lực tổng hợp.
Thứ ba là năng lực biểu hiện trong một hình thức đẹp. Đối với nhà văn, đó là khả
năng sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các thể loại văn học, mà người xưa gọi là
dùng từ đắt, câu thần, gây ấn tượng, lời thơ hài hòa réo rắt du dương. Những áng văn
chương kiệt xuất thường được gọi là “tấm thảm ngôn ngữ kì diệu”, là nói tới khả năng
này. Đánh giá phong cách kỹ thuật của Khuất Nguyên, Tống Ngọc, Lưu Hiệp viết: “Bộc
lộ tình cảm và niềm oán thán thì dồi dào, lưu loát mà dễ làm người xúc cảm; khi nói điều
li biệt thì đau xót khôn cầm, khi tả núi sông thì nghe theo thanh âm có thể hình dung
được điều miêu tả,khi nói đến mùa màng, thời tiết thì xem văn có thể thấy thời tiết biến
đổi”. Các từ nhập thần, xảo diệu, hóa công là để chỉ chất lượng của kỹ xảo nghệ thuật.
Có người cho rằng, thơ Trung Quốc nhập thần, xảo diệu cùng cực chỉ có ở Lí Bạch, Đỗ
Phủ. Còn Tây Sương kí là tác phẩm tự nhiên như hóa công, nghĩa là hoàn mĩ như trời đất
sinh ra, không có dấu vết của công phu, trau dồi, kỹ thuật. Năng lực biểu hiện, tức kỹ
thuật, luôn luôn phải được rèn luyện. Theo Gorki “cần học cách thể hiện có hình khối, có
góc cạnh với những hình tượng hầu như có thể cảm giác được một cách nhục thể của L.
Tônxtôi. Chưa ai vượt được nhà văn này trong nghệ thuật xây dựng những hình tượng
thật đến nỗi người ta cứ muốn lấy ngón tay chọc thử”. Tầm quan trọng của năng lực biểu
hiện là tạo ra phẩm chất nghệ thuật của hình thức, một yêu cầu không thể thiếu được của
một tác phẩm nghệ thuật.