Quản lý Nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh
không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường ở
Việt Nam
Nguyễn Thành Hải
Trường Đại học Kinh tế
Luận văn ThS chuyên ngành: Kinh tế chính trị; Mã số: 60 31 01
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Quốc Việt
Năm bảo vệ: 2012
Abstract: Phân tích làm sáng tỏ khái niệm, nội dung chủ yếu của các hành vi cạnh tranh
không lành mạnh (CTKLM) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(XHCN). Nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường thể chế và các công cụ quản lý hoạt động
CTKLM . Khái quát thực trạng vi phạm của doanh nghiệp và công tác quản lý của Nhà
nước đối với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại Việt nam hiện nay. Nghiên cứu
những điển hình trong việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua
việc kiểm soát các hành vi CTKLM trên thế giới có so sánh với Việt Nam. Đề xuất các
gợi ý chính sách để quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt nam cả về mặt
pháp luật, thể chế, tuyên truyền giáo dục,
Keywords: Kinh tế chính trị; Quản lý nhà nước; Cạnh tranh không lành mạnh; Kinh tế
thị trường; Việt Nam
Content
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, và chủ trương của Nhà nước cho
phép nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển đã chứng minh cho thấy hiệu quả đúng
đắn trong suốt những năm đổi mới. Đi cùng với sự phát triển và nở rộ của mọi thành phần kinh
tế, vấn đề tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để bảo vệ quyền và lợi ích của
doanh nghiệp và của người tiêu dùng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập và đặt ra những
thách thức đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội.
Vì lợi ích sống còn của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhiều khi không trừ một biện pháp
nào để nhằm loại bỏ đối thủ ra khỏi thị trường hoặc làm xấu hình ảnh các doanh nghiệp khác để
tạo lợi thế bất chính. Vì thế, việc quản lý và chống cạnh tranh không lành mạnh có tầm quan
trọng đặc biệt nhằm cải thiện môi trường pháp lý, khuyến khích hơn nữa các hoạt động đầu tư,
sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước, tạo môi trường lành mạnh, bình
đẳng, an toàn cho các doanh nghiệp và đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề quản lý các hoạt động
cạnh tranh không lành mạnh nhằm đề xuất những giải pháp để tạo dựng môi trường cạnh tranh
lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp là một vấn đề bức xúc đang được đặt ra đối với Việt
Nam trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
2. Tình hình nghiên cứu
Trước khi Luật cạnh tranh ra đời năm 2004, đã có một số công trình nghiên cứu về cả
chống hạn chế cạnh tranh và chống CTKLM của các tác giả là các giáo viên của các trường đại
học, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước. Nổi bật trong số đó là các công trình
của các Viện nghiên cứu như Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Viện nghiên cứu nhà nước và
pháp luật,
Bên cạnh đó cần phải kể đến nhiều bài báo khoa học được đăng trên một số tạp chí chuyên
ngành nhà nước của các chuyên gia như: Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đào Trí úc; Phó Giáo sư,
Tiến sỹ Nguyễn Như Phát; Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Trần Đình Hảo; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm
Duy Nghĩa Các công trình nghiên cứu này đã đề cập các vấn đề về chính sách cạnh tranh, cơ
sở lý luận của kiểm soát cạnh tranh, nội dung của pháp luật cạnh tranh, thực trạng CTKLM và
kiểm soát đối với các hành vi CTKLM trong bối cảnh hầu như chưa có quy định pháp luật cụ thể
nào điều chỉnh hành vi CTKLM.
Sau khi Luật cạnh tranh ra đời, đã có thêm những nghiên cứu mới đề cập tới vấn đề cạnh
tranh không lành mạnh, tuy nhiên, những tài liệu nghiên cứu này hoặc là chỉ đề cập đến khía
cạnh pháp luật của những hành vi liên quan đến hạn chế cạnh tranh hoặc nếu có đề cập đến hành
vi CTKLM thì cũng ở mức khái quát, chưa có những phân tích, bình luận chuyên sâu mang tính
toàn diện về bức tranh tổng thể về thực trạng CTKLM ở Việt Nam hiện thời. Các đề xuất chủ
yếu liên quan đến pháp Luật Cạnh tranh nói chung, chưa có những đề xuất tổng thể mang tính
chuyên sâu liên quan đến cơ chế tạo dựng môi trường trường thực thi có hiệu quả để chống hành
vi CTKLM ở Việt Nam.
Từ việc đánh giá tình hình nghiên cứu môi trường về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt
Nam, cho thấy chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện và có hệ
thống các vấn đề lý luận, thực trạng môi trường và cơ chế bảo đảm kiểm soát có hiệu quả hành vi
CTKLM và đưa ra những đề xuất cho việc sửa đổi những quy phạm pháp luật hiện hành cũng
như sửa đổi liên quan tới thể chế, công cụ thực thi đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thị trường có
nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích của luận văn là góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự hình thành và
phương hướng hoàn thiện việc quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh nền
kinh tế thị trường ở Việt nam.
Để thực hiện được mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn là:
- Phân tích làm sáng tỏ khái niệm, nội dung chủ yếu của các hành vi cạnh tranh không
lành mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;
- Nghiên cứu, tìm hiểu về môi trường thể chế và các công cụ quản lý hoạt động CTKLM;
- Khái quát thực trạng vi phạm của doanh nghiệp và công tác quản lý của Nhà nước đối
với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại Việt nam hiện nay;
- Nghiên cứu những điển hình trong việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh
thông qua việc kiểm soát các hành vi CTKLM trên thế giới có so sánh với Việt Nam;
- Đề xuất các gợi ý chính sách để quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt
nam cả về mặt pháp luật, thể chế, tuyên truyền giáo dục,
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn này tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn, các chính sách, khuôn khổ luật
pháp giúp Nhà nước quản lý hành vi CTKLM, các cơ quan tổ chức quản lý CTKLM liên quan và
đề xuất phương hướng quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt nam hiện nay. Khi
nghiên cứu, luận văn sẽ xem xét sự ảnh hưởng của việc quản lý hành vi CTKLM tới các nhóm
lợi ích liên đới trong xã hội như: Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người tiêu dùng hay
người dân, bắt đầu từ sau thời điểm Luật cạnh tranh có hiệu lực năm 2005 cho tới nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu có tính chất bao trùm được quán triệt là phương
pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, theo đó vấn đề nghiên cứu phải được đặt trong bối
cảnh lịch sử, cụ thể của quá trình hình thành và phát triển của môi trường cạnh tranh hình thành
trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, đặc biệt là nghiên cứu từ mốc thời gian sau khi có Luật
Cạnh tranh có hiệu lực năm 2005. Tại luận văn này phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp và
công tác nghiên cứu tại bàn cũng được sử dụng phổ biến.
6. Những kết quả đạt được của luận văn
Đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý luận, khái niệm, nội dung của
các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần
nhận dạng đầy đủ các đối tượng cần điều chỉnh và kiểm soát bởi xã hội và chỉ rõ vai trò quan
trọng của kiểm soát nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường, đồng thời đi sâu phân tích
những điểm còn hạn chế trong môi trường luật pháp cũng như môi trường các công cụ thực thi
khác ở hiện tại quản lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, có sự so sánh với các quốc
gia khác.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt nam và thực
trạng diễn biến hành vi không lành mạnh, luận văn đề xuất phương hướng điều chỉnh môi trường
pháp luật kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt nam hiện nay và những thay đổi
cần thiết về thể chế cũng như các hoạt động hỗ trợ cho việc kiểm soát hành vi CTKLM.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được kết cấu
thành 3 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận của quản lý Nhà nước về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh
Chương 2: Thực trạng quản lý Nhà nước đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Việt
Nam trong thời kỳ 2006-2011
Chương 3: Phương hướng và giải pháp quản lý hành vi CTKLM trong bối cảnh nền kinh tế thị
trường ở Việt Nam
Chương 1: Cơ sở lý luận của quản lý Nhà nước về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh
1.1 Khái niệm và nhận diện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về CTKLM trong đó quan niệm phổ biến
nhất cho rằng CTKLM là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái
với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến
lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể kinh doanh khác hoặc người tiêu
dùng.
Quan niệm thứ 3 về CTKLM cũng là quan niệm được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 của
Việt Nam (khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh2004). Đây cũng là quan niệm theo tác giả là phù hợp
và được sử dụng trong luận án này để từ đó có cách hiểu thống nhất về pháp luật chống CTKLM
và trong các chương tiếp theo của luận văn.
- Nhóm hành vi trực tiếp xâm hại lợi ích của đối thủ cạnh tranh, gồm các hành vi sau:
+ Ngăn cản: Ngăn cản đối thủ khác trong quá trình cạnh tranh là loại hành vi CTKLM khá phổ
biến. Các doanh nghiệp bị ngăn cản ở đây là những thành viên hiệu hữu, những doanh nghiệp
đang tồn tại trong một loại thị trường hàng hoá, dịch vụ hay thị trường liên quan.
Hành vi ngăn cản đối thủ cạnh tranh được thực hiện chủ yếu thông qua thủ thuật bán phá giá.
Pháp luật chống CTKLM dưới dạng chống bán phá giá chủ yếu thông qua việc quy định cấm bán
hàng dưới giá vốn trong điều kiện bình thường. Như vậy, pháp luật cũng cho phép các doanh
nghiệp bán hàng dưới giá vốn trong một số trường hợp được coi là không bình thường như:
Hàng có nguy cơ hư hỏng nhanh do điều kiện ngoại cảnh bất thường; Bán hàng dọn kho do thay
đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh; Hàng hoá thuộc tài sản phá sản; Các hoạt động khuyến mại
thông qua việc hạ giá sản phẩm trong những điều kiện cụ thể và ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, thuộc nhóm hành vi ngăn cản đối thủ còn bao gồm hành vi tẩy chay, thâu tóm
khách hàng của đối thủ cũng được pháp luật chống CTKLM điều chỉnh.
+ Dèm pha bôi nhọ đối thủ: Biểu hiện của loại hành vi này là: bôi nhọ, tung tin nói xấu, lăng
mạ, tung tin gây nghi ngờ cho khách hàng, tẩy chay đối thủ cạnh tranh, bóp méo, xuyên tạc
nguồn gốc, chất lượng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá dịch vụ của đối thủ cạnh tranh nhằm
mục đích lôi kéo khách hàng về phía mình.
+ Bội tín: Trong môi trường cạnh tranh hầu hết các doanh nghiệp đều có những bí mật kinh
doanh của mình. Cũng chính vì lẽ đó mà khi vì mục tiêu cạnh tranh, đây cũng thường là đối
tượng mà các đối thủ cạnh tranh luôn muốn tìm cách chiếm đoạt. Do là bộ phận thuộc lợi ích hợp
pháp của từng doanh nghiệp nên chúng có nhu cầu được pháp luật bảo vệ. Theo pháp luật của
nhiều quốc gia những hành vi này không những là hành vi CTKLM, mà trong một số trường hợp
có thể bị coi là một trong những tội phạm kinh tế.
+ Bóc lột: Dưới góc độ cạnh tranh, bóc lột được hiểu là sự hưởng dụng trái phép hay lạm dụng
những thành quả lao động của một doanh nghiệp này đối với một doanh nghiêp khác.
Biểu hiện của loại hành vi này là việc sản xuất và cho lưu hành hàng hoá, sản phẩm mà các dữ
kiện và thông số về chúng là không trung thực. Hành vi này lâu nay ở Việt Nam vẫn gọi là hàng
giả, là hành vi bị coi là tội phạm và được điểu chỉnh bởi pháp luật hình sự. Ngoài ra, những thủ
thuật khác cũng thuộc nhóm này mà pháp luật của nhiều nước cũng quy định như hành vi quảng
cáo dựa dẫm, quảng cáo so sánh. Đây cũng là những hành vi có tiền đề là lạm dụng, bóc lột đối
thủ cạnh tranh.
- Nhóm hành vi trực tiếp xâm hại lợi ích của khách hàng:
Nhóm hành vi xâm hại lợi ích của khách hàng cũng khá đa dạng, bao gồm những nhóm
hành vi như:
+ Can thiệp vào quyền tự do định đoạt của khách hàng
Một trong những hành vi tác động vào sự tự do quyết định của khách hàng phải kể đến là hành vi
lừa dối nhằm quyến rũ khách hàng, gây cho họ không hoàn toàn tự chủ trong khi quyết định
tham gia quan hệ mua bán. Bên cạnh phương thức này còn có những lừa dối về quyền đặc biệt
của khách hàng khi họ tham gia quan hệ mua bán. Những nhà bán hàng dạng này thường lừa dối
thông qua phương thức quảng cáo, vì thông lệ, nội dung của quảng cáo chưa phải là nội dung của
chào hàng.
+ Khuyến mại nhằm CTKLM: Sở dĩ bị cấm thực hiện vì khuyến mại tạo tâm lý, thói quen và sự
lệ thuộc dần của khách hàng đối với người bán hàng có khuyến mại. Khách hàng luôn nhìn thấy
cái "lợi" trước mắt cho mình nên ít quan tâm đến hàng hoá của đối thủ cạnh tranh khác Khi thói
quen mua hàng được khuyến mại trở thành phản xạ có điều kiện, khách hàng sẽ ít để ý đến chất
lượng của sản phẩm. Tính không lành mạnh và sự nguy hiểm của khuyến mại chính là ở chỗ nó
làm tạo những bất lợi cho người tiêu dùng, tạo thiệt thòi cho người tiêu dùng và đồng thời làm
méo mó nhu cầu của thị trường.
Thực tế còn có nhiều hiện tượng hỗ trợ thương mại khác nhưng không được coi là khuyến mại
như: Hỗ trợ về điều kiện tín dụng; một số bảo đảm đặc biệt liên quan đến bảo hành; giảm giá
trong những điều kiện và mức độ nhất định; sản phẩm hay dịch vụ phụ có giá trị không đáng kể
và những phụ tùng, phụ kiện được cấp kèm theo như trong thông lệ thương mại,
+ Quảng cáo sai lệch: Quảng cáo, đưa tin không trung thực về mọi dữ liệu liên quan đến hàng
hoá và phương thức, điều kiện thương mại là hành vi CTKLM rất phổ biến. Dữ liệu về sản phẩm,
hàng hoá được hiểu ở đây là mọi hình thức mô tả về hàng hoá và những điều kiện bán hàng, tồn
tại dưới dạng hình ảnh, chữ viết hay các hình thức khác.
Hành vi quảng cáo sai lệch nhằm lừa dối khách hàng là hành vi CTKLM được pháp Luật Cạnh
tranh của nhiều nước quy định.
1.2 Khái niệm Quản lý Nhà nước đối với hoạt động CTKLM
Theo cách hiểu chung nhất thì quản lý nhà nước là hoạt động mang tính chất quyền
lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Quản lý nhà
nước được xem là một hoạt động chức năng đặc biệt của Nhà nước trong quản lý xã hội bao
gồm toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước từ hoạt động lập pháp, hoạt động hành pháp
cho tới hoạt động tư pháp.
Từ cách hiểu này, quản lý Nhà nước đối với hoạt động CTKLM được hiểu là sự tác động
có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp để
duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật, qua đó tạo dựng môi trường
cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời hướng tới bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng.
1.3 Vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trong nền
kinh tế thị trường
Một chức năng quan trọng của Nhà nước trong quá trình thực hiện điều tiết nền kinh tế thị
trường là phải duy trì và bảo đảm được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, hiệu quả
giữa các chủ thể tham gia thị trường. Chức năng bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của
Nhà nước trong nền kinh tế thị trường là Nhà nước phải tạo ra một khuôn khổ pháp lý theo nghĩa
“Quy tắc của cuộc chơi” cho nền kinh tế thị trường, trong đó, quy luật cạnh tranh được tồn tại và
duy trì như một nguyên tắc cơ bản của quá trình vận động.
Mặc dù có những giới hạn về mặt pháp lý, nhưng tâm thế của các chủ thể cạnh tranh là luôn
hướng tới đạt vị thế cao trên thị trường, để sau đó lạm dụng vị thế có lợi này khai thác tối đa lợi
nhuận. Để đối phó với tình trạng này, Nhà nước thường đóng vai trò vô cùng quan trong trong
việc sử dụng các biện pháp như ban hành pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, biện pháp
hành chính – kinh tế, biện pháp tuyên truyền giáo dục,
1.4 Công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh
Công cụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh thường
dựatrên một số trụ cột chính đó là: Thông qua việc thiết lập hệ thống pháp luật điểu chỉnh trong
đó có pháp luật điểu chỉnh trực tiếp hoạt động này như Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng; bên cạnh đó là hệ thống các luật chuyên ngành khá; thông qua việc tạo dựng hệ
thống các cơ quan quản lý liên quan trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động, và cuối cùng là thông
qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, công việc này có
thể được thực hiện bởi chính các cơ quan quản lý nhà nước và/hoặc thông qua các hội ngành
ngành nghề, hiệp hội; qua phương tiện thông tin đại chúng,
1.5 Quản lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trên thế giới
1.5.1 Quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại châu Âu
Pháp và Anh đều quản lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở các nguyên tắc
chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tortlaw) và cụ thể hoá thông qua các
án lệ.
Bên cạnh đó, một số nước đã lựa chọn cách tiếp cận sử dụng luật chuyên ngành để quản lý các
hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Một số nước như Đức, áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Tây
Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Luxemburg: đã có một đạo luật. riêng về cạnh. tranh không lành mạnh, một
số nước khác .như Hungary, Bulgary hay Rumani xây dựng các quy định về cạnh tranh không
lành mạnh trong một đạo luật về thương mại hay cạnh tranh. Đồng thời, trong nhiều năm gần
đây, đã có những nỗ lực để thống nhất các quy định về cạnh tranh không lành mạnh giữa các
nước thành viên EU trong khuôn khổ chương trình hài hoà hoá pháp luật chung của Cộng đồng
châu Âu. Dựa trên Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp, các quốc gia châu Âu đã phát
triển các quy định chung theo nhiều hình thức, cấp độ, từ các nguyên tắc cơ bản về cạnh tranh tại
Hiệp ước Ro me 1957 đến những thoả thuận nhóm như Luật Nhãn hiệu chung của khối Benelux
1971 và những hướng dẫn chung từ EC đến các nước thành viên
1.5.2 Quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại Hoa Kỳ
Mặc dù đã phát triển hệ thống các quy định về hạn chế cạnh tranh từ rất lâu (Luật
Sherman - 1890), các quy định về cạnh tranh không lành mạnh của Hoa Kỳ lại tương đối phân
tán. Các nhà lập pháp của Hoa Kỳ kết hợp cả hai cách tiếp cận của châu Âu trong việc quản lý
các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng các các quy định chung về bồi thường thiệt
hại dân sự cũng như một số quy định chuyên ngành, và thậm chí có sự khác biệt giữa pháp luật
liên bang và pháp luật các tiểu bang.
1.5.3 Quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại châu Á
Việc quản lý cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực
như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có những nét tương đồng và chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Điểm đặc biệt trong pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia, vùng lãnh thổ
này là sự tồn tại song song hai hệ thống quy định về cạnh tranh không lành mạnh, một hệ thống
gắn liền với pháp luật về sở hữu trí tuệ, một hệ thống nằm trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh.
1.5.4 Quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại các quốc gia có nền kinh tế
chuyển đổi
Đối với các quốc gia chuyển đổi từ hệ thống tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường,
quá trình quản lý các hành vi cạnh tranh nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói
riêng có những đặc thù riêng nhằm đảm bảo các đối tượng liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp
và các cơ quan quản lý có điều kiện làm quen và thích ứng với các hoạt động thị trường trong
môi trường mới.
Nhận xét chung về kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý hoạt động CTKLM.
Qua phân tích các mô hình quản lý hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại Hoa Kỳ, châu Âu,
châu Á và các nước có nền kinh tế chuyển đổi có thể thấy rằng tùy theo điều kiện phát triển của
kinh tế cũng như sự phát triển của hệ thống luật pháp mà luật pháp cũng như mô hình tổ chức của hệ
thống các cơ quan quản lý có nhiều sự khác biệt.
Ở mỗi mô hình quản lý trên đều có những ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn mô
hình nào thích hợp cho Việt Nam phải dựa trên thực tế về hệ thống pháp luật sẵn có tại Việt Nam
và trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
với những đặc thù rất riêng.
Chương 2: Thực trạng quản lý Nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh không lành mạnh
tại Việt Nam
2.1 Môi trường thể chế, chính sách quản lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại
Việt Nam
Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ tới việc tạo dựng thể chế quản lý các hoạt
động cạnh tranh không lành mạnh. Từ nhận thức đó, các quy định pháp luật cũng được ban hành
theo từng thời kỳ và nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Từ Hiến pháp năm 1992, Bộ
luật dân sự năm 1995, Luật thương mại năm 1997, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Luật Bảo vệ Quyền
lợi người tiêu dùng năm 2011 và đặc biệt nhất là Luật cạnh tranh 2004.
Luật cạnh tranh ra đời năm 2004 và có hiệu lực năm 2005 đánh dấu một bước phát triển trong
môi trường pháp lý điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam. Tiếp theo
việc ban hành luật này, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn
thi hành Luật cạnh tranh.
Các văn bản pháp luật này đã tạo dựng một môi trường pháp lý khá hoán thiện quản lý hoạt động
CTKLM tại Việt Nam
2.2. Hệ thống cơ quan quản lý, kiểm soát các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh
tại Việt Nam
Tham gia vào công tác quản lý và kiểm soát các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại
Việt Nam là các cơ quan thuộc các bộ, ngành khác nhau. Tùy theo tính chất và mức độ của hành
vi mà cơ quan thụ lý và xét xử cũng khác nhau.
2.2.1 Cục Quản lý cạnh tranh
Cục Quản lý cạnh tranh của Việt Nam được thiết lập là một đơn vị thuộc Bộ (Trước đây là Bộ
Thương mại, nay là Bộ Công Thương) thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về
CTKLM. Cơ quan này có thể thực hiện các hoạt động điều tra và xử phạt đối với hành vi
CTKLM.
2.2.2 Các cơ quan quản lý chuyên ngành khác
- Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan này đã đánh giá và cho ý kiến chuyên môn
về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ căn cứ theo đề nghị
của các cơ quan, tổ chức liên quan. Cần lưu ý Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước
trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tuy nhiên cơ quan này không có chức năng xử lý vi phạm.
- Thanh tra khoa học công nghệ: Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, hoạt
động của cơ quan này trong thời gian vừa qua tập trung vào các hành vi xâm phạm quyền, số
lượng vụ việc cạnh tranh không lành mạnh không nhiều.
- Lực lượng Quản lý thị trường: Lực lượng quản lý thị trường bao gồm các cơ quan quản lý thị
trường từ Trung ương tới địa phương như Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương
và các chi cục quản lý thị trường tại các địa phương. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm chính
trong việc kiểm tra và xử lý gian lận thương mại và các vi phạm khác trong hoạt động thương
mại trên thị trường.
2.3 Thực trạng công tác phát hiện và xử lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh tại
Việt Nam trong giai đoạn 2006-2011
2.3.1. Thực trang vi phạm CTKLM qua các số liệu thống kê
Số lượng các vụ việc vi phạm pháp luật về CTKLM đã tăng lên rất nhanh trong thời gian từ
năm 2006 tới nay. Điều này được thể hiện trong số lượng vụ việc mà cơ quan quản lý cạnh tranh
đã phát hiện và xử lý. Từ 7 vụ việc năm 2006 tăng lên 118 vụ năm 2010 và 156 vụ năm 2011.
Trong đó, riêng năm 2011, Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định xử lý vụ việc đối với 30 vụ
việc (trong đó có 06 vụ việc đã bắt đầu điều tra từ năm 2010), thu về ngân sách nhà nước với
tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh là 1.425.000.000 VNĐ (Một tỷ bốn trăm hai
mươi lăm triệu đồng)
2.3.2. Một số vụ việc vi phạm điển hình sau khi Luật cạnh tranh có hiệu lực (2006-nay)
Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Điển hình là vụ việc xử lý hoạt động CTKLM tại Công ty Cổ phần mua sắm hạnh phúc với
hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Quảng cáo mang tính thổi phồng, có thể
khiến khách hàng/ người tiêu dùng nhầm lẫn và hiểu sai lệch về tính năng, công dụng và giá trị
thực sự của sản phẩm
Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn
Điển hình là vụ việc xử lý hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn của công ty Thúy Hương đối với sản
phẩm trà chanh Freshtea và Nestea
Hành vi dèm pha các doanh nghiệp khác
7
Điển hình là vụ việc xử lý hành vi gièm pha doanh nghiệp khác của công ty Thu Hiên đối với
Công ty Nguyễn Long trong việc khiếu nại đối với sản phẩm bột rau câu “Konnyaku Jelly
Powder”.
Hành vi bán hàng đa cấp bất chính
Điển hình là vụ việc xử lý hành vi bán hàng đa cấp bất chính của Công ty Cổ phần Liên kết
tri thức và Công ty Cổ phần Quốc tế Kiệt Vinh Lục Cốc. Cụ thể là hai công ty này đã “cung cấp
thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng
đa cấp”.
Nhận xét chung về thực trạng hoạt động CTKLM và quản lý nhà nước đối với hoạt động
CTKLM.
Tác giả thấy rằng số lượng các vụ việc vi phạm pháp luật về CTKLM đã tăng lên rất nhanh
trong thời gian từ năm 2006 tới nay. Điều này được thể hiện trong số lượng vụ việc mà cơ quan
quản lý cạnh tranh đã phát hiện và xử lý. Từ 7 vụ việc năm 2006 tăng lên 118 vụ năm 2010 và
156 vụ năm 2011.
Xét về loại hành vi vi phạm có thể thấy rõ một thực trạng là các hành vi này diễn ra khá đa
dạng, từ hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, gièm pha doanh nghiệp khác, bán hàng đa cấp bất
chính cho tới hành vi gây rối các doanh nghiệp khác.
Trước thực trạng phức tạp của việc vi phạm pháp luật đối với hành vi CTKLM, Nhà nước
cũng đã kịp thời có những động thái tích cực nhằm làm giảm số vụ việc vi phạm trong đó có các
hoạt động như ban hành chính sách, luật pháp và xây dựng hệ thống các cơ quan liên quan nhằm
quản lý và xử phạt các hành vi này.
Chương 3: Phương hướng và giải pháp quản lý hoạt động CTKLM trong bối cảnh nền
kinh tế thị trường ở Việt Nam
3.1. Bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường có tác động tới hành vi cạnh tranh không
lành mạnh tại Việt Nam
3.1.1 Quan điểm của Nhà nước về chống cạnh tranh không lành mạnh trong cơ chế thị
trường
Quan điểm của Đảng và Nhà nước là tăng cường chống các hành vi cạnh tranh không lành
mạnh, song song với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền bình đẳng của các chủ thể kinh
tế. Chính vì vậy, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh đã được coi là bộ phận
cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Quan
điểm này được cụ thể hóa thành các quy định pháp luật sinh động và được đánh giá là phù hợp
với thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
3.1.2 Những tác động của các thành phần kinh tế tới môi trường cạnh tranh bình đẳng,
lành mạnh tại Việt Nam trong thời gian qua
Quan điểm của Đảng trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh đồng thời xác
định vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước là tôn trọng cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị
trường.
Việc đặt các doanh nghiệp có vốn nhà nước vào môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng
với các doanh nghiệp khác để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Thu hẹp tối đa diện Nhà
nước độc quyền kinh doanh, xoá bỏ đặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Có cơ chế giám sát
và chính sách điều tiết đối với những doanh nghiệp chưa xoá bỏ được vị thế độc quyền kinh
doanh. Chỉ thành lập mới doanh nghiệp nhà nước khi hội đủ các điều kiện và trong những lĩnh
vực sản xuất, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ thật cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội và
chủ yếu dưới hình thức công ty cổ phần.
3.2 Giải pháp quản lý các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh nền
kinh tế thị trường tại Việt Nam
3.2.1 Hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách chống cạnh tranh không lành mạnh
Để hoàn thiện môi trường pháp luật điều chỉnh hoạt động CTKLM tại Việt Nam cần thực hiện
một số việc sau:
- Điều chỉnh, sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhât của các quy định pháp luật chống
cạnh tranh không lành mạnh
- Đảm bảo thống nhất về trình tự và thủ tục xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không
lành mạnh
- Hoàn thiện hơn nữa các quy định quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật
cạnh tranh 2004.
3.2.2 Hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý
Bên cạnh các yếu tố về chất lượng các quy phạm pháp luật quản lý các hoạt động cạnh tranh nói
chung và hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nói riêng, về mô hình tổ chức thực thi, thì yếu
tố con người có tính quyết định, trực tiếp mà ở đây chính là những người trực tiếp điều tra, xử lý
đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đây chính là việc mà các cơ quan quản lý cần
nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp thực thi công tác quản lý.
Cần sớm xây dựng Quy chế phối hợp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ
quan đơn vị với nhau và giữa các đơn vị trong từng cơ quan để tránh tình trạng trồng chéo khi xử
lý vụ việc.
3.2.3 Các công cụ và biện pháp hỗ trợ khác
Đối với các cơ quan quản lý
a. Chú trọng tuyên truyền pháp Luật Cạnh tranh nói chung và pháp luật về chống cạnh tranh
không lành mạnh nói riêng.
b. Xây dựng đạo đức kinh doanh
Đối với doanh nghiệp:
Nâng cao khả năng tuân thủ và tự bảo vệ của doanh nghiệp
Đối với người tiêu dùng:
Nâng cao sự hiểu biết và khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích thực trạng các quy định luật pháp cũng như môi trường thể
chế và các công cụ thực thi trên thế giới trong công tác quản lý các hoạt động cạnh tranh không
lành mạnh, tác giả đã làm rõ những mặt được và những vấn đề bất cập còn tồn tại trong môi
trường quản lý hoạt động này tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2005-2011, đặc biệt đặt trong
bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Môi trường chính sách luật pháp đã được hoàn thiện đáng kể kể từ năm 2005 với rất nhiều
các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành. Tuy nhiên nếu xét về nội dung các văn bản
này thì còn những thiếu sót và chưa hoàn thiện đòi hỏi Nhà nước phải rà soát và sửa đổi bổ sung
để bắt kịp với đòi hỏi mới của nền kinh tế.
Hệ thống các cơ quan nhà nước liên quan tới việc quản lý hoạt động CTKLM đã hình thành
rõ nét trong đó cơ quan chủ yếu thực thi công tác này là Cục Quản lý cạnh tranh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp thực thi theo đúng các quy định của
luật pháp được tiến hành đã được Nhà nước chú trọng và thực thi khá hiệu quả đã góp phần rất
tích cực vào việc lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trong những năm vừa qua.
Cũng từ những kết quả nghiên cứu về thực trạng, tác giả đã đề xuất một định hướng tổng
quát, chứa đựng những giải pháp cơ bản, đặt trong mối quan hệ so sánh, trên cơ sở tiếp thu có
chọn lọc kinh nghiệm của một số nước để tạo dựng môi trường chống cạnh tranh không lành
mạnh.
Những giải pháp đề xuất cụ thể bao gồm cả những giải pháp mang tính vĩ mô và vi mô như:
bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến chủ thể áp dụng, bổ sung một số hành vi cạnh
tranh vào nhóm hành vi thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật chống cạnh tranh không lành
mạnh; hoàn thiện một số quy định về bán hàng đa cấp, bán hàng đa cấp bất chính trong pháp luật
về cạnh tranh và một số quy định về trình tự, thủ tục xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không
lành mạnh.
Bên cạnh đó là một số giải pháp có tính vi mô được đưa ra liên quan đến việc xây dựng đạo
đức kinh doanh, nâng cao hiểu biết, khả năng tự bảo vệ của doanh nghiệp, của người tiêu dùng;
cho đến công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của các chủ thể về pháp Luật Cạnh
tranh nói chung, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh nói riêng.
Tác giả hiện đang công tác tại Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương - một cơ quan quản
lý trực tiếp đối với hoạt động CTKLM, thường xuyên tiếp cận với công tác quản lý của các cơ
quan/bộ/ngành liên quan đã thực sự cố gắng nghiên cứu, thu thập, tổng hợp số liệu, từ đó góp
thêm ý kiến cá nhân của mình trong việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình
đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
References
Tiếng Việt
1. Bộ thương mại (2003), Kỷ yếu hội thảo, "Cơ quan cạnh tranh kinh nghiệm quốc tế và lựa
chọn cho Việt Nam" , Hà Nội
2. Bộ Công Thương (1998), Nghiên cứu liên quan đến cạnh tranh thuộc dự án VIE /94/003-
Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam, Hà Nội
3. Nguyễn Quốc Dũng (2000), Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án
tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội
4. Trần Thái Dương (2006), “Tổ chức xã hội-nghề nghiệp và hiệp hội kinh tế với việc tham
gia xây dựng chính sách, pháp luật kinh tế”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 2/2006.
5. Nguyễn Thị Dung (2005), “Khái niệm "Quảng cáo" trong pháp luật Việt Nam và ảnh
hưởng của nó đến việc hoàn thiện pháp luật về quảng cáo”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số
12/2005.
6. Trần Mạnh Đạt (2004), Đấu tranh phòng, chống tội kinh doanh trái phép ở Việt Nam, Nxb
Tư pháp, Hà Nội.
7. Nguyễn Ngọc Điện (1999), Nghiên cứu về tài sản trong Luật dân sự Việt Nam, Nxb trẻ
thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Cục quản lý cạnh tranh (2005), Hỏi đáp về bán hàng đa cấp theo Luật cạnh tranh Canada,
Hà Nội
9. Cục Quản lý cạnh tranh (2010), Chuyên đề nghiên cứu thực trạng quản lý hành vi CTKLM
tại Việt Nam, Hà Nội
10. Cục Quản lý cạnh tranh (2011), Chuyên đề nghiên cứu thực trạng quản lý hành vi CTKLM
tại Việt Nam, Hà Nội
11. Cục Quản lý cạnh tranh (2010), Báo cáo cạnh tranh năm 2010, Hà Nội
12. Cục Quản lý cạnh tranh (2010), Báo cáo cạnh tranh năm 2011, Hà Nội
13. Dương Đăng Huệ (2003), Bài phát biểu tại Hội thảo “Cơ quan cạnh tranh: kinh nghiệm
quốc tế và lựa chọn cho Việt Nam” Bộ thương mại, Hà Nội 8-9/7/2003.
14. Đặng Vũ Huân (2004), Pháp luật về kiểm soát độc quyền và chống CTKLM ở Việt Nam,
Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.
15. Trần Đình Hảo (2001), Pháp luật về cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế
hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Cạnh tranh và xây dựng
pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay, Nxb công an nhân dân, Hà Nội.
16. Nguyễn Hữu Huyên (2004), Luật cạnh tranh của Pháp và liên minh châu Âu, Nxb Tư
pháp, Hà Nội.
17. Trịnh Duy Huy (2003), Vai trò của đạo đức kinh doanh và việc xây dựng đạo đức kinh
doanh ở nước ta hiện nay, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.
18. Bùi Nguyên Khánh (2004), “Hiện đại hoá Luật CTKLM của CHLB Đức trên nền tảng của
quá trình hài hoà hoá pháp luật về CTKLM của liên minh Châu Âu”, Tạp chí Nhà nước và pháp
luật, số 11/2004.
19. Phùng Trung Lập (2004), Các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
20. Nguyễn Duy Lãm và các tác giả (2002), Báo cáo đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống
thông tin pháp luật và công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến năm 2010 tại Việt Nam, Hà Nội.
21. Khánh Ngọc (2005), “Vụ kiện giải thưởng khuyến mãi: LG Vina Cosmetics thua kiện”,
Báo tuổi trẻ, (9), tr.4.
22. Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2001), Tiến tới xây dựng pháp luật về cạnh tranh
trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
23. Nguyễn Như Phát (2001), Pháp luật chống CTKLM, Cạnh tranh và xây dựng pháp luật
cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay, Nxb công an nhân dân, Hà Nội.
24. Nguyễn Như Phát (2003), Báo cáo tổng hợp đề tài xây dựng thể chế cạnh tranh thị trường
của Việt Nam, Bộ Thương mại.
25. Nguyễn Như Phát, Lê Anh Tuấn (2006), “Một số quy định về tố tụng cạnh tranh theo Luật
cạnh tranh Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (1), tr.5.
26. Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Phân tích và luận giải các quy định của Luật
cạnh tranh về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh
tranh, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
27. Đoàn Tử Tích Phước (2009), “Chế định CTKLM trong pháp luật cạnh tranh”, Bài viết
tham dự Tọa đàm “Chế định CTKLM trong pháp luật cạnh tranh”.
28. Lê Anh Tuấn (2002), “Thực trạng CTKLM và điều chỉnh pháp luật đối với hành vi
CTKLM ở Việt Nam”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, (4), tr.7.
29. Trường Đại học ngoại thương (2005), Những nội dung cơ bản của Luật cạnh tranh Việt
Nam năm 2004 và đề xuất áp dụng, Hà Nội.
30. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2002), Các vấn đề pháp lý và thể chế về chính
sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh, Dự án hoàn thiện môi trường kinh doanh
VIE/97/016.
Tiếng Anh
31. House of Representatives of the United Sates of America (2003), "Anti-Pyramid Promotional
Scheme Act of 2003"
32. Taperell, G.Q., Vermeesch, R.B. and Harland, D.J., (1974), Trade Practices and Consumer
Protection, Butterworths, Australia.
Internet
33.
Bí mật kinh doanh: Bảo vệ bằng cách nào
34. Bảo vệ bí mật kinh doanh
như thế nào
35. Direct Selling Association of the
United States of America, "Frequently askedquestion"