Quản lý dự án đầu tư từ nguồn vốn
ngân sách nhà nước ở nhà máy Z119
Nguyễn Hữu Hoàng
Trường Đại học Kinh tế
Luận văn ThS. Quản lý kinh tế; Mã số: 60 34 01
Người hướng dẫn: TS. Phan Trung Chính
Năm bảo vệ: 2014
Abstract. - Góp phần làm rõ cơ sở lý luận về dự án đầu tư và quản lý dự án đầu tư thuộc
lĩnh vực quân sự.
- Sử dụng phương pháp thích hợp phân tích đánh giá thực tiễn quản lý dự án đầu tư tại
nhà máy Z119. Từ đó rút ra những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và chỉ ra
nguyên nhân.
- Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại, giải quyết
vướng mắc, nhằm hoàn thiện quản lý dự án đầu tư tại nhà máy Z119.
Keywords. Quản lý kinh tế; Quản lý dự án; Đầu tư; Vốn ngân sách nhà nước; Nhà máy
Z119
Content.
1. Tính cấp thiết của đề tài
Các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) có vai trò rất quan trọng đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng an ninh (QPAN). Hàng năm, cả nước có hàng
chục ngàn dự án được triển khai với lượng vốn lớn và ngày càng có xu hướng gia tăng. Nhiều
dự án đầu tư từ NSNN những năm qua đã và đang tạo nên sự chuyển biến to lớn về hệ thống
cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng năng lực sản xuất, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển
kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), các Nghị quyết của Bộ
chính trị đều xác định rõ mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển CNQP trở thành một bộ
phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia và của công nghiệp quốc gia,
có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại; có năng lực nghiên cứu thiết kế, chế
tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ
thuật, chiến thuật cao; góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang,
đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng đã
xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch xây dựng và
phát triển CNQP, trong đó xác định rõ danh mục các dự án đầu tư với mục tiêu gắn nâng
cao năng lực sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật với năng lực sửa chữa, cải tiến các loại vũ
khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong biên chế của các đơn vị, nhất là khối quân chủng, binh
chủng, phục vụ yêu cầu “quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết
kiệm” của toàn quân.
Nhà máy Z119 - Quân chủng PKKQ là một đơn vị đầu ngành của toàn quân về sửa
chữa ra-đa và khí tài cao xạ, ra đời trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong
những năm qua, nhà máy đã lập và thực hiện nhiều dự án đầu tư nhằm nâng cấp, hiện đại
hóa các dây chuyền công nghệ đáp ứng nhu cầu sửa chữa các loại khí tài cũ có trong biên
chế từ lâu cũng như các loại trang bị mới nhập từ nước ngoài gần đây. Việc triển khai
thực hiện các dự án đã tuân thủ đầy đủ các quy trình và đạt được nhiều kết quả. Tuy
nhiên, trong bối cảnh có nhiều thay đổi về cơ chế tự chủ tự hạch toán ở các nhà máy, xí
nghiệp trong quân đội, việc tổ chức quản lý các dự án đầu tư ở nhà máy Z119 vẫn còn
một số hạn chế từ khâu lập dự án đầu tư đến lựa chọn nhà thầu, lập kế hoạch thực hiện dự
án, tổ chức giám sát, kiểm soát và thanh, quyết toán dự án. Mặt khác, Quân chủng Phòng
không Không quân là một trong những đơn vị được Bộ Quốc phòng xác định cần được
đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại, vì thế nhu cầu sửa chữa các loại vũ khí trang bị kỹ thuật
phòng không công nghệ mới (đa dạng về chủng loại, có kết cấu và nguyên lý xây dựng hệ
thống phức tạp, sử dụng kỹ thuật công nghệ mới kỹ thuật số có mức độ tích hợp, tự động
điều khiển cao) là rất lớn. Vì vậy, với tính chất là một đơn vị đầu ngành của toàn quân về
sửa chữa rađa và khí tài cao xạ, nhà máy Z119 sẽ phải thực hiện nhiều dự án đầu tư để có
thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ hiện đại hóa trang bị phòng
không. Từ thực tế đó, việc nghiên cứu hoàn thiện hoạt động quản lý các dự án đầu tư ở
nhà máy Z119 là một nhu cầu cấp thiết. Đó cũng là lý do chủ yếu tôi lựa chọn đề tài:
“Quản lý dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ở nhà máy Z119” làm luận văn
tốt nghiệp.
- Tên đề tài hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành đào tạo vì quản lý dự án đầu tư là
vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế.
- Câu hỏi nghiên cứu của học viên với đề tài nghiên cứu: Những hạn chế trong hoạt
động quản lý dự án đầu tư ở nhà máy Z119 là gì? Những giải pháp nào cần thực hiện
nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý dự
án đầu tư ở nhà máy.
2. Tình hình nghiên cứu
Quản lý dự án đầu tư là một lĩnh vực đã có nhiều công trình nghiên cứu và đã được
công bố dưới nhiều hình thức khác nhau như: sách chuyên khảo, luận án thạc sĩ, tiến sĩ,
các bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành khác nhau. Tổng hợp lại, có hai nhóm
nghiên cứu chủ yếu liên quan đến đề tài luận văn, gồm: (i) nhóm các nghiên cứu về quản
lý dự án; (ii) nhóm các nghiên cứu về quản lý vốn và quản lý sử dụng NSNN.
* Các nghiên cứu về quản lý dự án
Các nghiên cứu trong lĩnh vực này khá phong phú, bao gồm quản lý dự án nói
chung, quản lý dự án trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Dưới đây là một
số nghiên cứu tiêu biểu :
Quản lý dự án - cơ sở lý thuyết và thực hành, của Nguyễn Văn Phúc (2008) [19].
Công trình được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo, đã làm rõ những vấn đề cơ bản
về dự án và quản lý dự án, phân tích nội dung các khâu của chu trình dự án, từ chuẩn bị
và lập kế hoạch dự án đến quản lý quá trình thực hiện dự án, kết thúc dự án. Nghiên cứu
quản trị dự án là mục tiêu của công trình này.
- Luận văn thạc sĩ: “Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư tại Tổng công ty xây
dựng công trình giao thông 5” của tác giả Phạm Hữu Vinh (Đại học Đà Nẵng, 2011) [20]
đã hệ thống hóa và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về quản lý dự án đầu tư ở
doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng hoạt động quản
lý dự án đầu tư của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5, rút ra những tồn tại,
hạn chế và nguyên nhân. Xây dựng hệ thống những quan điểm cơ bản và đề xuất những
giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện hoạt động quản lý dự án đầu tư qua đó nâng cao hiệu
quả đầu tư.
- Luận văn thạc sĩ: “Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư của VNPT Hà Nội” của tác
giả Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, 2011) [18]
nghiên cứu tổng quát cơ sở lý luận về dự án đầu tư và hiệu quả dự án đầu tư, trên cơ sở
đó vận dụng linh hoạt vào thực tế để phân tích, đánh giá; đề xuất phương hướng và một
số giải pháp nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư của VNPT Hà Nội.
- Luận văn thạc sỹ kinh tế: “Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư tại Ban quản
lý dự án Công trình điện Miền Bắc” của tác giả Hoàng Đỗ Quyên (Đại học Kinh tế quốc
dân, 2008) [11], đề tài đề cập đến việc hoàn thiện hoạt động quản lý dự án đầu tư tại Ban
quản lý dự án Công trình điện Miền Bắc, đưa ra những lý luận cơ bản về quản lý dự án,
phân tích thực trạng và đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện việc tổ chức quản lý dự
án tại Ban quản lý dự án Công trình điện Miền Bắc.
- Luận văn thạc sỹ kinh tế: “Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư của Đài tiếng
nói Việt Nam” của tác giả Trần Thị Hồng Vân (Đại học Kinh tế quốc dân, 2005) [28],
luận văn đã đưa ra các cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp hoàn thiện về hoạt động
quản lý dự án tại Đài tiếng nói Việt Nam.
* Các nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà
nước, quản lý vốn, vốn ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư
Các nghiên cứu theo hướng này tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về quản lý
nhà nước đối với dự án đầu tư từ vốn NSNN, quản lý vốn đầu tư nói chung và vốn từ
NSNN cho các dự án đầu tư. Một số công trình tiêu biểu trong lĩnh vực này là:
- Luận án tiến sĩ kinh tế: “Quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng từ ngân
sách nhà nước ở Việt Nam” của tác giả Tạ Văn Khoái (Học viện Chính trị - Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh, 2009) [25]. Công trình này tập trung hệ thống hóa có bổ sung
một số lý luận cơ bản về quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng từ NSNN, trên
cơ sở đó phân tích đánh giá thực trạng thực hiện quản lý nhà nước và đề xuất giải pháp
đổi mới quản lý nhà nước đối với các dự án này.
- Luận án tiến sĩ kinh tế: “Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý tài chính dự án
đầu tư tại hệ thống Kho bạc Nhà nước ở Việt Nam” của tác giả Lê Hùng Sơn (Đại học
Kinh tế quốc dân, 2003) [12]. Công trình chú trọng khía cạnh quản lý tài chính đối với dự
án đầu tư tại hệ thống Kho bạc Nhà nước mà nguồn vốn cho các dự án chủ yếu từ NSNN,
trong đó chú trọng chất lượng quản lý tài chính đối với các dự án này.
- Luận án tiến sĩ kinh tế: “Đổi mới cơ chế quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ
bản của Nhà nước” của tác giả Trần Văn Hồng (Đại học Kinh tế quốc dân, 2002) [29].
Công trình này đã làm rõ những nội dung cơ bản về vốn đầu tư xây dựng cơ bản và quản
lý sử dung vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn khác nhau của nhà nước, đặc biệt làm rõ cơ
chế quản lý nguồn vốn này trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng từ khâu
lập kế hoạch đến thẩm định, thực hiện, nghiệm thu và quyết toán vốn.
Ngoài ra còn nhiều công trình khác nghiên cứu về quản lý vốn NSNN cho các dự án
đầu tư.
Tuy có nhiều công trình đã công bố có liên quan đến quản lý dự án đầu tư từ NSNN
nhưng các đề tài về hoạt động quản lý dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNQP nói chung và đề tài
thực hiện tại nhà máy Z119 nói riêng đến nay chưa có. Vì vậy, luận văn này tập trung nghiên
cứu giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản chung và có tính đặc thù về dự án và quản lý dự
án đầu tư thuộc lĩnh vực CNQP, khảo sát ở nhà máy Z119 để đánh giá thực trạng hoạt động
quản lý dự án đầu tư ở nhà máy này từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện. Các công trình đã
công bố kể trên có giá trị tham khảo, được kế thừa có chọn lọc trong quá trình nghiên cứu
luận văn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích:
Đánh giá thực trạng hoạt động quản lý các dự án đầu tư ở nhà máy Z119 - Quân
chủng PKKQ - Bộ Quốc phòng giai đoạn 2000-2013, từ đó chỉ ra những kết quả đạt
được, những hạn chế và nguyên nhân, đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý dự án đầu tư
của nhà máy.
Nhiệm vụ:
- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về dự án đầu tư, quản lý dự án đầu tư
nói chung và những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNQP từ nguồn vốn ngân sách nhà
nước.
- Đánh giá thực trạng hoạt động quản lý dự án đầu tư ở nhà máy Z119 trong giai
đoạn 2000-2013, chỉ ra những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân trong quản
lý dự án.
- Đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện hoạt động quản lý dự án đầu tư của nhà
máy.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Hoạt động quản lý các dự án đầu tư ở nhà
máy Z119.
* Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu, khảo sát các dự án đầu tư từ
ngân sách nhà nước ở nhà máy Z119 trong giai đoạn từ 2000 - 2013.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, luận văn đã sử dụng tổng hợp các phương pháp
nghiên cứu khoa học như: Phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích, tổng hợp,
phương pháp so sánh, thống kê, khảo sát thực tế, phương pháp mô hình hóa, sơ đồ hóa.
Luận văn căn cứ vào các văn bản, quy định, Nghị định của Nhà nước có liên quan đến
vấn đề quản lý dự án đầu tư làm cơ sở để phân tích đánh giá.
Nguồn số liệu được lấy từ Nhà máy Z119, bảo đảm độ tin cậy và chính xác.
6. Những đóng góp mới của luận văn
- Góp phần làm rõ cơ sở lý luận về dự án đầu tư và quản lý dự án đầu tư thuộc lĩnh vực
CNQP.
- Sử dụng phương pháp thích hợp phân tích đánh giá thực tiễn hoạt động quản lý dự
án đầu tư tại nhà máy Z119. Từ đó rút ra những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn
tại và chỉ ra nguyên nhân.
- Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại, giải
quyết vướng mắc, nhằm hoàn thiện hoạt động quản lý dự án đầu tư tại nhà máy Z119.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu
thành 03 chương.
Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc
phòng.
Chương 2: Thực trạng quản lý dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước ở nhà máy
Z119.
Chương 3: Định hướng phát triển và giải pháp hoàn thiện hoạt động quản lý dự án đầu tư
từ ngân sách nhà nước ở nhà máy Z119.
References.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng (2010), Thông tư hướng dẫn quy trình thẩm định dự án đầu tư
và xây dựng trong Bộ Quốc phòng, số 111/2010/TT-BQP.
2. Bộ Quốc phòng (2010), Thông tư quy định phân cấp, ủy quyền quyết định dự án
đầu tư và xây dựng trong Bộ Quốc phòng, số 108/2010/TT-BQP.
3. Bộ Quốc phòng (2009), Quyết định về việc ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng
thẩm định dự án đầu tư và xây dựng-Bộ Quốc phòng, số 2832/2009/QĐ-BQP.
4. Bộ Quốc phòng (2008), Quyết định về việc kiện toàn Hội đồng thẩm định dự án
đầu tư và xây dựng-Bộ Quốc phòng, số 3640/2008/QĐ-BQP.
5. Mai Văn Bưu (2008), Giáo trình hiệu quả và quản lý dự án Nhà nước, Nxb
Khoa học kỹ thuật, Hà Nội
6. Chính phủ (1999), Nghị định về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây
dựng, số 52/1999/NĐ-CP.
7. Chính phủ (2009), Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, số
12/2009/NĐ-CP
8. Vũ Cao Đàm (2005), Phương pháp nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học và kỹ
thuật, Hà Nội.
9. Nguyễn Duy Hạc (1998), Phân tích kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp xây dựng, Nxb Xây dựng, Hà Nội
10. Nguyễn Thị Minh Hằng (2011), Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư của
VNPT Hà Nội, Luận văn thạc sỹ quản trị kinh doanh, Học viện Công nghệ Bưu
chính Viễn thông, Hà Nội.
11. Đinh Thế Hiển (2008), Lập và Quản lý hiệu quả tài chính dự án đầu tư, Nxb
Thống kê, Hà Nội.
12. Phước Minh Hiệp (2007), Thiết lập và quản lý dự án đầu tư, Nxb Thống kê,
Hà Nội.
13. Trần Văn Hồng (2002), Đổi mới cơ chế quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng
cơ bản của Nhà nước, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
14. Lưu Thị Hương (2004), Quản lý tài chính dự án, Nxb Tài chính, Hà Nội
15. Trần Thị Mai Hương (2006), “Đề xuất giải pháp trong việc vận dụng các
phương pháp quản lý dự án đầu tư”, Tạp chí Xây dựng, 458 (4), tr 30-32.
16. Trần Thị Mai Hương (2006), “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng quản lý
dự án đầu tư”, Tạp chí Xây dựng, 465 (11), tr 11-12.
17. Tạ Văn Khoái (2009), Quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng từ
ngân sách nhà nước ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị -
Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
18. Nguyễn Bạch Nguyệt, Từ Quang Phương (2004), Kinh tế đầu tư, Nxb Thống
kê, Hà Nội.
19. Nguyễn Bạch Nguyệt (2000), Lập và Quản lý dự án đầu tư, Nxb Thống kê, Hà
Nội.
20. Bùi Xuân Phong, Nguyễn Đăng Quang, Hà Văn Hội (2003), Giáo trình Lập và
quản lý dự án đầu tư, Nxb Bưu điện, Hà Nội.
21. Bùi Xuân Phong (2006), Quản trị dự án đầu tư, Nxb Bưu điện, Hà Nội.
22. Nguyễn Văn Phúc (2008), Quản lý dự án - cơ sở lý thuyết và thực hành, Nxb
Thống kê, Hà Nội.
23. Từ Quang Phương (2005), Giáo trình Quản lý dự án đầu tư, Nxb Lao động xã
hội, Hà Nội.
24. Quốc hội (1995), Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội
25. Quốc hội (2000), Luật Doanh nghiệp nhà nước sửa đổi, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội
26. Quốc hội(2005), Luật đầu tư , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
27. Hoàng Đỗ Quyên (2008), Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư tại Ban
quản lý dự án Công trình điện Miền Bắc, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh
tế quốc dân, Hà Nội.
28. Lê Hùng Sơn (2003), Giải pháp nâng cao chất lương quản lý tài chính dự án
đầu tư tại hệ thống Kho bạc Nhà nước ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại
học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
29. Đỗ Phú Trần Tình (2009), Giáo trình lập và quản lý dự án đầu tư, Nxb Giao
thông vận tải, Hà Nội.
30. Trường đại học kinh tế Quốc dân, Khoa sau đại học (2002), Đầu tư và quản lý
dự án, Nxb Thống kê, Hà Nội.
31. Trần Thị Hồng Vân (2005), Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư của Đài
tiếng nói Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
32. Phạm Hữu Vinh (2011), Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư tại Tổng
công ty xây dựng công trình giao thông 5, Luận văn thạc sỹ quản trị kinh doanh,
Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng.