Tải bản đầy đủ (.pdf) (101 trang)

Cơ sở pháp lý cho ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường vàng ở việt nam và các kiến nghị pháp lý luận văn ths luật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (919.9 KB, 101 trang )


I HC QUC GIA H NI
KHOA LUT




HONG MINH THI




CƠ Sở PHáP Lý CHO NGÂN HàNG NHà NƯớC THựC HIệN
CáC BIệN PHáP QUảN Lý ĐốI VớI THị TRƯờNG VàNG
ở VIệT NAM Và CáC KIếN NGHị PHáP Lý




LUN VN THC S LUT HC







H NI - 2014

I HC QUC GIA H NI
KHOA LUT






HONG MINH THI



CƠ Sở PHáP Lý CHO NGÂN HàNG NHà NƯớC THựC HIệN
CáC BIệN PHáP QUảN Lý ĐốI VớI THị TRƯờNG VàNG
ở VIệT NAM Và CáC KIếN NGHị PHáP Lý

Chuyờn ngnh: Lut kinh t
Mó s: 60 38 01 07


LUN VN THC S LUT HC



Ngi hng dn khoa hc: TS. NGUYN TH THUN



H NI - 2014

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong

bất kỳ công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong
Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã
hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ
tài chính theo quy định của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để
tôi có thể bảo vệ Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

NGƯỜI CAM ĐOAN


Hoàng Minh Thái


MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG VÀNG VÀ
CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC THỰC
HIỆN CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG 9
1.1. Khái quát về thị trường vàng 9
1.1.1. Đặc trưng của thị trường vàng ở Việt Nam 9
1.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước 15
1.1.3. Mối quan hệ giữa thị trường vàng với các bộ phận còn lại của
thị trường tài chính 20
1.1.4. Sự cần thiết quản lý thị trường vàng bởi Ngân hàng Nhà nước 21
1.1.5. Nguyên tắc quản lý thị trường vàng 28

1.2. Các biện pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước 32
1.2.1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật quản lý đối với thị
trường vàng 32
1.2.2. Cấp và thu hồi giấy phép đối với các chủ thể kinh doanh vàng 33
1.2.3. Thanh tra, kiểm tra 35
1.2.4. Tham gia thị trường vàng 36
1.3. Đặc điểm cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước quản lý thị
trường vàng 38
1.3.1. Quan hệ xã hội được điều chỉnh 38
1.3.2. Phương pháp điều chỉnh 39
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 40
Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CÁC BIỆN PHÁP
QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG CỦA NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG 42
2.1. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp xây
dựng chiến lược, kế hoạch và pháp luật quản lý đối với thị
trường vàng 42
2.2.1. Quy định pháp luật 42
2.2.2. Thực tiễn áp dụng 43
2.2. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp cấp và
thu hồi giấy phép đối với các chủ thể kinh doanh vàng 52
2.2.1. Quy định pháp luật 52
2.2.2. Thực tiễn áp dụng 55
2.3. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp thanh
tra, kiểm tra 58
2.3.1. Quy định pháp luật 58
2.3.2. Thực tiễn áp dụng 60
2.4. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp tham
gia thị trường vàng 63
2.4.1. Quy định pháp lý 63

2.4.2. Thực tiễn áp dụng 65
2.5. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn áp dụng pháp luật 68
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 71
Chương 3: MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC THỰC
HIỆN CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG
Ở VIỆT NAM 73
3.1. Những yêu cầu đặt ra để Ngân hàng Nhà nước nâng cao
hiệu quả hoạt động quản lý thị trường vàng 73
3.2. Phương hướng và giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý thị
trường vàng 76
3.2.1. Phương hướng hoàn thiện 76
3.2.2. Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước
thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng 80
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 90
KẾT LUẬN 91
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 92


DANH MỤC SƠ ĐỒ

Số hiệu sơ đồ Tên sơ đồ Trang
Sơ đồ 2.1:

Biểu đồ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới
sau 19 phiên đấu thầu bán vàng của Ngân hàng
Nhà nước, từ 28/3 đến 17/5. 66

1

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Không giống với các loại hàng hóa thông thường, vàng là nơi lưu giữ
giá trị lâu dài, ổn định nên thường được dân chúng tìm đến như một biện pháp
bảo đảm cho sản nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế, hoặc chiến
tranh. Trong nhiều năm trở lại đây, thị trường vàng Việt Nam liên tục diễn
biến với nhiều đợt lên xuống giá bất thường và dường như tách biệt với thị
trường vàng thế giới. Việc biến động giá vàng không theo quy luật cung cầu
đã gây thiệt hại cho không ít cho những người gửi gắm khoản tiết kiệm cá
nhân vào vàng và làm mất lòng tin của người dân vào chính sách quản lý
cũng như các tổ chức kinh doanh vàng. Từ thời điểm ngày 27/11/2009, tại
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa
XII số 43/2009/QH12, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “Cần thực hiện các
biện pháp tích cực, linh hoạt để ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định
thị trường vàng trong nước thích ứng với biến động của thị trường vàng thế
giới”. Đồng thời, Khoản 17 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được
Quốc hội thông qua số 26/2010/QH12 đã tiếp tục khẳng định Ngân hàng Nhà
nước thực hiện nhiệm vụ: “Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại
hối và hoạt động kinh doanh vàng”. Trong báo cáo của Đoàn chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri
và nhân dân số 422/BC-MTTW-ĐCT ngày 17/05/2013 (Tại kỳ họp thứ năm
Quốc hội khóa XIII) vẫn tồn tại nhiều ý kiến về việc: “Tình trạng giá vàng
trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn
khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà
nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng”. Diễn biến đó

2
đòi hỏi chính sách quản lý thắt chặt từ phía Nhà nước, ổn định thị trường vàng
và khuyến khích hoạt động đầu tư, chống vàng hóa nền kinh tế.

Ngày 03/04/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP
(Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tại Nghị định này, Chính
phủ đã tập trung quyền cho Ngân hàng Nhà nước như là một đầu mối duy nhất
quản lý và kinh doanh mặt hàng vàng miếng trên thị trường. Qua đó, công tác
điều hành của Ngân hàng Nhà nước với thị trường vàng mang tính trực tiếp
hơn, tác động một cách nhanh chóng đến thị trường vàng phù hợp với chính
sách quản lý của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngày 25/05/2012 Ngân
hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một
số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 của
Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Sau gần một năm, Ngân
hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/03/2013
hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của ngân
hàng nhà nước Việt Nam. Đây là những văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm
điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trong cả nước. Tuy nhiên những chính
sách này còn tương đối mới mẻ, chỉ được áp dụng trong thời gian chưa lâu và
đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả.
Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân và mùa thu (năm 2013) do Ủy ban Kinh
tế của Quốc hội tổ chức cho thấy nhiều góc nhìn về thị trường vàng. Được tổ
chức định kỳ hàng năm, diễn đàn là nơi những chuyển động của nền kinh tế
cả trong ngắn hạn và trung hạn được mổ xẻ với nhiều chiều quan điểm và đa
dạng góc nhìn. Năm 2014, vấn đề về thị trường vàng được các đại biểu đặc
biệt quan tâm. Những vấn đề về tính hiệu quả của công tác quản lý, đấu thầu
thị trường vàng; Vấn đề độc quyền kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng
nhà nước; Vấn đề lợi ích từ chênh lệch giá bán vàng miếng trong và ngoài

3
nước; Vấn đề hạn chế khả năng tham gia các phiên đấu thầu vàng miếng của
các tổ chức kinh doanh vàng… phần nhiều vẫn chưa có câu trả lời đáp ứng kỳ
vọng của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng.
Có thể nói, điều hành thị trường vàng tại Việt Nam đã có các văn bản

pháp luật điều chỉnh nhưng hiệu lực pháp lý chưa cao. Trong khi đó, thị
trường vàng lại là nơi ẩn chứa nhiều rủi ro tác động đến sự phát triển của nền
kinh tế. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường này là điều cần
thiết và mang tính cấp bách, do đó, em lựa chọn đề tài: “Cơ sở pháp lý cho
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý đối với thị trường
vàng ở Việt Nam và các kiến nghị pháp lý” làm đề tài luận văn tốt nghiệp
luật học với mong muốn góp phần hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường
vàng tại Việt Nam hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài cho thấy chưa có công trình
nghiên cứu nào đề cập một cách trực tiếp đến vấn đề được học viên lựa chọn.
Ở các đề tài có liên quan, nội dung được lựa chọn thường đề cập tới khía cạnh
kinh tế của vàng và thị trường vàng như các đề tài:
 Đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nền kinh tế
Việt Nam” – Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng của tác giả
Phạm Thị Huyền Trang. Trong đề tài này, tác giả giải quyết các vấn đề về: Vai
trò của vàng trong nền kinh tế thị trường; Nguyên nhân biến động giá vàng ở
Việt Nam; Đề xuất một số giải pháp để phát triển thị trường vàng Việt Nam.
 Đề tài “Một số giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng và phát triển
hoạt động đầu tư tại Việt Nam” – Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính
ngân hàng của tác giả Đinh Thị Ngọc Mai. Nội dung của Luận văn tập trung
nghiên cứu xu hướng dao động của giá vàng dưới tác động của tỷ lệ lạm phát,

4
giá dầu, tỷ giá đô la Mỹ so với đồng Việt Nam; đồng thời nhận biết những rủi
ro tiềm ẩn trong giao dịch đầu tư vàng.
 Đề tài “Hoạt động quản lý kinh doanh vàng ở nước ta hiện nay – thực
trạng và giải pháp” – Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Luật kinh tế của tác giả
Nguyễn Bảo Ngọc. Đề tài đã đánh giá về sự cần thiết và phù hợp của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạt động quản lý thị trường vàng trong

nước. Thời điểm hoàn thành Luận văn vào năm 2010, trước thời điểm Chính
phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
 Đề tài “Phân tích chính sách đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam” của tác giả Hồ Kim Khanh, chuyên ngành Tài chính –
ngân hàng. Đề tài đã Tổng hợp kết quả các phiên đấu thầu vàng miếng của
Ngân hàng Nhà nước và đánh giá về hiệu quả của chính sách đấu thầu vàng
miếng; Phân tích diễn biến các ảnh hưởng của chính sách đấu thầu vàng
miếng tới các yếu tố vĩ mô (Tỷ giá, lạm phát ) và các đối tượng tham dự
thầu, tới chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới; Kiến nghị một số giải
pháp nhằm nâng cao hiệu quả chính sách đấu thầu vàng miếng của Ngân
hàng Nhà nước.
Các đề tài trên đã tìm hiểu về thị trường vàng trong mối liên hệ của nó
với các biến số của nền kinh tế. Đề tài thứ ba đi sâu hơn vào một biện pháp
can thiệp cụ thể của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng là chính sách
đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến chủ thể quản lý với cơ
sở pháp lý cho hoạt động quản lý không nằm trong phạm vi nghiên cứu của
các đề tài trên.
Bên cạnh các đề tài thuộc chuyên ngành tài chính – ngân hàng, gần đây
nhất tác giả Nguyễn Ngọc Yến đã hoàn thành đề tài thuộc chuyên ngành luật
kinh tế về thị trường vàng: “Pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý và điều

5
hành thị trường vàng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam”. Trong đề tài này,
tác giả Nguyễn Ngọc Yến lựa chọn phân tích các bộ phận cấu thành pháp luật
điều chỉnh về hoạt động quản lý thị trường vàng ở Việt Nam với các nội
dung: (i) Nguyên tắc pháp lý trong quản lý thị trường vàng; (ii) Quy định về
chủ thể có trách nhiệm quản lý và điều hành thị trường vàng; (iii) Hàng hóa
được phép giao dịch trên thị trường; (iv) Tổ chức và vận hành thị trường vàng
phổ thông; (v) Tổ chức và vận hành thị trường mua bán vàng của Ngân hàng
Nhà nước; (vi) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường vàng.

Theo một hướng nghiên cứu không bị trùng lặp với đề tài kể trên, Đề
tài “Cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý
đối với thị trường vàng ở Việt Nam và các kiến nghị pháp lý”, học viên lựa
chọn phân tích ở góc độ cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý thị trường vàng
của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tập trung vào khía cạnh hệ thống pháp
luật làm cơ sở cho Ngân hàng Nhà nước quản lý đối với thị trường vàng đáp
ứng những yêu cầu của một thị trường hàng hóa phát triển. Đề tài sẽ đóng góp
thêm những nghiên cứu về thị trường vàng, bổ sung các kiến nghị nhằm hoàn
thiện thị trường vàng ở Việt Nam.
3. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Phạm vi nghiên cứu của đề tài tập trung vào những quy định, những
chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, tác giả đi sâu vào tìm hiểu hoạt động quản
lý và điều hành thị trường vàng thông qua những chính sách của Ngân hàng
Nhà nước. Ngoài ra, tác giả còn tiến hành tìm hiểu một số công trình nghiên
cứu về thị trường vàng quốc gia khác và thị trường vàng quốc tế dưới góc độ
kinh tế, nhằm làm rõ được bản chất của thị trường vàng với tư cách là một thị
trường tài chính nhạy cảm và quan trọng của nền kinh tế, học hỏi được một số
kinh nghiệm từ việc quản lý và điều hành thị trường vàng của một số quốc gia

6
trên thế giới để từ đó có những kiến nghị cho việc hoàn thiện pháp luật điều
chỉnh hoạt động quản lý và điều hành thị trường vàng của Việt Nam.
4. Đối tượng nghiên cứu, mục đích, nhiệm vụ của luận văn
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thị trường vàng trong mối liên hệ
với cách thức tổ chức, quản lý của Nhà nước bằng công cụ pháp luật. Trong
đó, quan tâm tới các yếu tố cơ bản để làm nên thị trường, đòi hỏi cần sự bảo
đảm của pháp luật và cơ quan quản lý chuyên ngành cho những yếu tố ấy
được ghi nhận và thực thi trên thực tế.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá sự phù hợp của Ngân hàng Nhà nước
trong vai trò là cơ quan quản lý và điều hành thị trường vàng trong nước. Từ

đó xác định các cơ sở pháp lý cho việc thực hiện vai trò của Ngân hàng Nhà
nước thông qua cơ chế trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các
biện pháp phù hợp và định hướng trong tương lai cho một thị trường vàng ổn
định và hiệu quả. Trong đó, các mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Xác định vị trí đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý thị
trường vàng.
- Xác định các nội dung giao dịch trên thị trường vàng.
- Xác định cơ chế can thiệp hiệu quả để duy trì hoạt động ổn định của
thị trường nhưng không làm mất đi tính công bằng và bảo vệ được quyền lợi
chính đáng của các chủ thể tham gia vào thị trường.
- Đánh giá về hoạt động quản lý thị trường vàng trong thời gian qua,
đóng góp ý kiến cho cơ chế quản lý trong giai đoạn hiện nay và định hướng
trong tương lai với mục tiêu một thị trường vàng ổn định, đảm bảo quyền
tham gia thị trường và bảo quyền lợi của các chủ thể trên thị trường.
5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được trình bày trên cơ sở phương pháp của Chủ nghĩa Mac-

7
Lenin về Nhà nước và pháp luật, trên nền tảng quan điểm của Đảng và Nhà
nước về con người và sự phát triển con người.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn là phương pháp
duy vật biện chứng, phương pháp phân tích đối chiếu, phương pháp tổng hợp,
phương pháp hệ thống và phương pháp so sánh.
6. Những nét mới của luận văn
- Làm rõ cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các
biện pháp quản lý tập trung và hiệu quả đối với thị trường vàng.
- Làm sáng tỏ sự cần thiết phải quản lý thị trường vàng thông qua các
quy định của pháp luật và vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với việc tạo
lập, quản lý và tham gia vào thị trường vàng.
- Tìm được những nhược điểm của việc thiếu sự quản lý chặt chẽ và

những bất cập trong quản lý đối với thị trường vàng trong nước sẽ đem lại
nhiều hạn chế (không chỉ liên quan đến chính sách quản lý chung của Nhà
nước mà còn gây thiệt hại và tâm lý bất ổn ở những người đầu tư vào vàng)
7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Nghiên cứu tập trung tìm hiểu về thị trường vàng trong nước, các thủ
thể tham gia và các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường vàng. Sự cần thiết phải
có sự quản lý đối với thị trường vàng. Đồng thời tìm hiểu về Ngân hàng Nhà
nước trong tư cách là cơ quan quản lý thị trường vàng, mục tiêu của việc quản
lý và các biện pháp điều hành và tham gia vào thị trường vàng.
Từ những phân tích, đánh giá đó và tìm hiểu thực tiễn áp dụng các
biện pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
luận văn đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao
hơn nữa hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam.

8
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn
kết cấu gồm 3 chương như sau:
 Chương 1: Những vấn đề cơ bản về thị trường vàng và cơ sở pháp lý
cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản
lý thị trường vàng
 Chương 2: Các quy định pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật về
các biện pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam.
 Chương 3: Một số đề xuất và giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý thị
trường vàng ở Việt Nam.
















9
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG VÀNG VÀ CƠ SỞ
PHÁP LÝ CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÁC BIỆN
PHÁP QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG

1.1. Khái quát về thị trường vàng
1.1.1. Đặc trưng của thị trường vàng ở Việt Nam
1.1.1.1. Khái niệm về thị trường vàng
Khi nói về thị trường vàng, người ta thường nhắc tới tính thời sự của nó
trong những diễn biến khác nhau của nền kinh tế. Mỗi một quốc gia trên thế
giới, với truyền thống văn hóa và trình độ phát triển của thị trường tài chính
khác nhau lại có những mối quan tâm rất riêng đối với thị trường vàng. Có
nhiều cách tiếp cận đối với thị trường này, từ góc độ bản chất, trước hết đây là
một thị trường – nơi được vận hành để tạo điều kiện cho sự gặp gỡ và trao đổi
giữa người bán và người mua với nhau. Thị trường được hiểu là nơi gặp gỡ
giữa cung và cầu của một loại hàng hoá, dịch vụ hàng hoá.

Không phải yếu tố thị trường mà yếu tố hàng hóa được giao dịch trên
thị trường mới làm nên những nét đặc trưng riêng có của nó. Hàng hóa của thị
trường vàng là vàng – một loại hàng hóa đặc biệt, thỏa mãn những nhu cầu đa
dạng của đời sống xã hội và không thể thay thế. Chính những đặc tính của
vàng đã làm cho nó trở nên hấp dẫn với những nhu cầu đa dạng trong đời
sống xã hội và làm nên một thị trường vàng rất sôi động. Sự hấp dẫn của vàng
tạo nên nhu cầu trên thị trường xuất phát từ những lý do:
Thứ nhất, vàng vật chất là tài sản chứa đựng giá trị nội tại, theo thời
gian, vàng luôn là nơi ẩn náu an toàn cho các khoản tích trữ, đặc biệt ở các
giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở mọi cấp độ. Xu hướng của vàng là luôn giữ
vững được giá trị của nó theo thời gian. Suốt từ 5.000 năm lịch sử của nhân

10
loại, vàng không chỉ là hình thức biểu hiện của cải cuối cùng mà bất kỳ thời
đại nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào trong bất kỳ nền văn
minh nào, vàng cũng đã và đang được chấp nhận. Nó chính là thước đo đáng
tin cậy nhất về giá trị của mọi loại hàng hóa, không chỉ trong hiện tại mà còn
trong tương lai [1, tr.23].
Thứ hai, vàng là một công cụ đầu tư hiệu quả. Mức độ sinh lợi từ đầu
tư vàng tương đối cao so với các sản phẩm đầu tư khác, trong khi mức độ rủi
ro thị truờng tương đối thấp. Nắm bắt chính xác xu hướng tăng, giảm giá vàng
có thể đem lại những khoản lợi không nhỏ cho các nhà đầu tư nếu như biết
chọn thời điểm mua – bán đúng đắn.
Thứ ba, với giá trị thẩm mỹ cao, một nhu cầu không nhỏ khác đối với
vàng nằm ở bộ phận vàng trang sức. Trang sức bằng vàng không chỉ đẹp về
mẫu mã mà còn chứa đựng giá trị không nhỏ đã tạo nên sức hút với đông đảo
các tầng lớp dân cư, đặc biệt với các quốc gia có truyền thống Á Đông như
Việt Nam.
Thứ tư, trong nền kinh tế ngày nay, vàng không chỉ được sử dụng như
một phương tiện tích trữ hay đồ trang sức, mà cùng với những đặc tính hiếm

có của mình, vàng còn là một nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong
nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp công nghệ
cao. Khó có thể hình dung nếu thiếu vàng thì các ngành công nghiệp vũ trụ,
công nghiệp máy tính, và nhiều ngành công nghệ khác sẽ như thế nào.
Đáp ứng cho các nhu cầu kể trên, thị trường vàng lại có nguồn
cung bổ sung rất hạn chế. Các số liệu thống kê của Gold Field Mineral
Services [12, tr.26] đã chỉ ra rằng kể từ khi loài người biết đến vàng, số
lượng vàng được khai thác đạt xấp xỉ 166.000 tấn. Tính từ năm 2000, hàng
năm con người khai thác xấp xỉ 2600 tấn vàng trên toàn thế giới với trữ lượng
chưa khai thác ước tính là 75.000 tấn. Bên cạnh đó, các số liệu cũng cho thấy

11
chi phí khổng lồ của ngành công nghiệp khai thác vàng. Để có thể có được
500 tấn vàng đòi hỏi phải công sức khai thác và xử lý 70 triệu tấn đất đá. Thói
quen tích trữ vàng cũng là một nguyên nhân khiến cho nguồn cung vàng trên
thị trường không thực sự dồi dào.
Bên cạnh những đặc trưng về yếu tố cung – cầu, vàng còn thể hiện sự
khác biệt ở vai trò của nó đối với nền kinh tế. Không chỉ đơn thuần là một loại
hàng hóa, vàng còn giữ tư cách như một loại tiền tệ bởi những đặc tính vốn có
của nó. Vàng luôn giữ một ví trị quan trọng trong đời sống của hầu hết các
dân tộc trên thế giới. Chứa đựng nhiều phẩm chất quý giá, vàng là minh
chứng cho sự giàu sang của những người sở hữu nó. Sự thừa nhận rộng rãi giá
trị của vàng đã làm cho vàng trở thành tiền tệ trong hàng nghìn năm lịch sử
của nhiều quốc gia như một quá trình tự nhiên. Các lý thuyết kinh tế nhìn
nhận tiền tệ có ba đặc điểm quan trọng là phương tiện lưu trữ giá trị, là
phương tiện định giá và là phương tiện trao đổi. Vào giai đoạn mọi vật đều có
thể quy đổi giá trị theo vàng và được chấp nhận trong quan hệ mua bán như
một phương tiện thanh toán thì vàng là một loại tiền tệ. Mặc dù hiện nay, theo
những học thuyết kinh tế mới, tiền tệ pháp định đang được áp dụng lưu hành
và vàng dần được rút ra khỏi hệ thống tiền tệ nhưng trong không ít các trường

hợp, người ta vẫn nghĩ về vàng như một loại tiền hơn chỉ là một loại tài sản
thông thường.
Những đặc tính riêng của vàng đã làm nên một thị trường có sức hấp
dẫn với rất nhiều nhu cầu trong xã hội. Có thể khái quát về thị trường vàng
như sau: “Thị trường vàng là nơi diễn ra các giao dịch mua, bán và trao đổi
về vàng”. Hay nói cách khác, “Thị trường vàng là nơi mà giá cả của vàng
được thiết lập thông qua các giao dịch”. Tuy nhiên, khái niệm kể trên chưa
thực sự đem lại một cách hiểu đầy đủ về thị trường vàng với toàn bộ những
bộ phận cấu tạo nên thị trường này. Bởi nó chưa cho chúng ta thấy được sự

12
khác biệt của vàng và những sản phẩm phái sinh từ vàng. Cả hai loại hàng hóa
kể trên đều tham gia vào thị trường để đáp ứng cho các nhu cầu trao đổi. Một
cách cụ thể hơn và phù hợp với sự phát triển của giao dịch hiện đại, thị trường
vàng còn được nhìn nhận bao gồm thị trường vật chất và thị trường vàng giấy.
Theo Gary O’Callaghan: Thị trường vàng bao gồm: Thị trường vàng vật chất
(physical gold), trong đó vàng thỏi, tiền, trang sức được chuyển giao giữa các
chủ thể trên thị trường; và Thị trường vàng giấy (Paper gold), có thể gọi là
vàng chứng chỉ, trong đó bao gồm giao dịch được thực hiện với các loại
chứng khoán tương ứng [28].
1.1.1.2. Đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam
Ở Việt Nam, những diễn biến của thị trường vàng trong nhiều năm qua
đã phản ánh nhiều thực tế mang cả yếu tố khách quan lẫn yếu tố chủ quan.
Với đề tài này, tác giả tập trung tìm hiểu những diễn biến của thị trường vàng
Việt Nam từ thời điểm bắt đầu là những năm 90 của thế kỷ 20, khi Nhà nước
bắt đầu cho phép những giao dịch tự do về vàng đầu tiên được thực hiện. Cho
đến nay, sau hơn hai mươi năm kể từ thời điểm đó, đã có nhiều dấu mốc quan
trọng cho sự mở rộng, thậm chí có những thời điểm bùng nổ các hoạt động
trên thị trường vàng, và đến gần đây nhất, các hoạt động trên thị trường vàng
lại bị thu hẹp đáng kể. Tất cả những thay đổi trên thị trường đó đều gắn với

những định hướng của Nhà nước khi ban hành những văn bản điều chỉnh hoạt
động của các chủ thể trên thị trường. Như vậy, có thể thấy đặc trưng đầu tiên
của thị trường vàng Việt Nam là luôn nhận được sự quan tâm từ phía cơ quan
quản lý, và luôn được tổ chức vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu phù hợp với
chính sách chung của Chính phủ. Ở Việt Nam, chính sách của Chính phủ có
thể tác động một cách trực tiếp và dễ dàng tới thị trường vàng một cách có
chủ đích. Tuy nhiên những chính sách này tại nhiều thời điểm thường có độ
trễ đáng kể so với những diễn biến nhanh chóng của thị trường. Có thể kể đến

13
hiện tượng sự xuất hiện và tồn tại của các sàn vàng tư nhân với uy tín và quy
mô khác nhau như một loại hình kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro dành cho
nhà đầu tư nhưng không có quy định pháp luật điều chỉnh; hay ví dụ về sự xuất
hiện và lưu thông của nhiều thương hiệu vàng nhưng không có một quy chuẩn
cần thiết để đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Đặc trưng thứ hai, thị trường vàng Việt Nam là một thị trường gồm
nhiều bộ phận, nhưng chưa được định hình một cách rõ nét. Ở Việt Nam,
chưa có một cái nhìn chính thức về thị trường vàng mà mới chỉ dừng lại ở
việc duy trì trên cơ sở thị trường vàng vốn đã tồn tại. Có nhiều cách khác
nhau để phân loại thị trường vàng, nhưng tồn tại ở Việt Nam có thể kể đến
các bộ phận: Thị trường vàng vật chất, thị trường vàng tài khoản, thị trường
vàng ngoại hối; Thị trường vàng trang sức, thị trường vàng miếng, thị trường
vàng nguyên liệu. Mặc dù chia thành các bộ phận khác nhau nhưng tính liên
thông, pha trộn giữa các bộ phận này là phổ biến ở Việt Nam. Lấy ví dụ về
nhu cầu coi vàng như một tài sản tích trữ, không có nhiều sự khác biệt ở sự
lựa chọn vàng miếng và vàng nhẫn với chất liệu vàng ta. Ở Việt Nam, sự
điều chỉnh trong chính sách quản lý trong nhiều trường hợp là không trực
tiếp và chưa tạo ra cơ chế pháp lý riêng dành cho những nhóm chủ thể tham
gia thị trường khác nhau. Một thị trường vàng với nhiều bộ phận khác nhau
làm công tác quản lý không phải khi nào cũng dễ dàng, đặc biệt là quản lý

bằng công cụ pháp luật. Điều đó đòi hỏi nhà quản lý phải có tư tưởng xuyên
suốt trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật. Điểm bắt đầu của quá
trình này là lựa chọn một cách phân loại thị trường vàng chính thức để từ đó
xây dựng các quy chế pháp lý dành riêng cho từng bộ phận.
Đặc trưng thứ ba của thị trường vàng Việt Nam thể hiện đây là một thị
trường tương đối khép kín và nhỏ lẻ. Trong nhiều năm, kể từ khi các giao dịch
về vàng được pháp luật ghi nhận, ngoại trừ lượng vàng vốn được tích lũy của

14
nền kinh tế và nguồn cung không đáng kể từ hoạt động khai thác trong nước,
thị trường chỉ có thể đón nhận nguồn bổ sung qua một van điều tiết duy nhất là
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các hoạt
động xuất khẩu vàng ra nước ngoài với các điều kiện khắt khe mang tính hành
chính của cơ quan quản lý Nhà nước. Thị trường vàng trong nước lệ thuộc vào
nguồn nhập khẩu vàng chính thức vốn bị hạn chế, dẫn đến tình trạng nhập lậu
vàng vào Việt Nam bằng các con đường phi chính thức, chất lượng vàng nhập
lậu không thể kiểm soát. Tình trạng nhập lậu vàng đã đạt qui mô rất lớn. Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (khi đó đang giữ chức Phó Thống
đốc) đã phát biểu trên Chinhphu.vn ngày 3/4/2011 “Trung bình một năm buôn
lậu vàng lên đến 20 – 40 tấn. Buôn lậu vàng rõ ràng liên quan đến một lượng
lớn ngoại tệ bị biến mất khỏi tài khoản quốc gia” [8].
Bên cạnh đặc trưng là một thị trường khép kín, thị trường vàng Việt
Nam còn là một thị trường nhỏ lẻ. Điều đó có thể nhận ra dựa trên sự đánh giá
về cách thức tiến hành các hoạt động giao dịch về vàng ở Việt Nam. Theo đó,
nơi mà các giao dịch được thực hiện là các địa điểm được cấp phép nằm rải rác
trong cả nước. Một số liệu thống kê không chính thức cho thấy, cho tới trước
thời điểm bị thu hẹp về số lượng, ở Việt Nam có khoảng 8000 điểm giao dịch
vàng, tạo nên một mạng lưới giao dịch khổng lồ và khó kiểm soát. Cho đến
thời điểm hiện nay, số lượng điểm giao dịch được cấp phép đã thu hẹp, nhưng
con số vẫn tương đối lớn với


tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch
vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm (2.497 điểm) trên cả nước. [18]
Đặc trưng thứ tư của thị trường vàng Việt Nam là một thị trường nhiều
biến động với phương thức giao dịch đơn giản. Trong khoảng 5 năm trước
khi Nghị định 24 – Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của
Chính phủ đang có hiệu lực vào thời điểm hoàn thành luận văn – được ban
hành ngày 03/04/2012, thị trường vàng ở Việt Nam chứng kiến nhiều biến

15
động có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và kinh tế Việt Nam.
Trong thời gian này, giá vàng trong nước luôn ở trạng thái biến động không
theo bất cứ quy luật nào của thị trường. Những đợt tăng, giảm giá mạnh bất
thường kéo theo những đợt đổ xô đi mua, bán vàng của đông đảo dân chúng.
Không ít người đã mất mát khối tài sản tiết kiệm của mình khi giá vàng đột
ngột đảo chiều chỉ trong thời gian ngắn. Lịch sử giao dịch trên thị trường vàng
từng ghi nhận các trường hợp giá vàng trong một ngày có thể đội thêm vài triệu
đồng/lượng. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước luôn có mức chênh lệch lớn với
thị trường vàng quốc tế, mức chênh lệch có thể từ vài trăm nghìn đồng cho đến
vài triệu đồng một lượng. Trong nhiều trường hợp, diễn biến tăng hoặc giảm
của giá vàng thế giới không ảnh hưởng và không thay đổi cùng chiều với giá
vàng tại Việt Nam. Trong những diễn biến kể trên, giao dịch về vàng được thực
hiện chủ yếu trên phân khúc thị trường vàng vật chất – nơi vàng được chuyển
giao ngay giữa các chủ thể thực hiện các hoạt động mua bán. Giao dịch vàng
trên tài khoản hay với vàng giấy theo cách định nghĩa của tác giả Gary
O’Callaghan mặc dù không còn quá mới mẻ với thị trường trong nước nhưng
cũng mới chỉ được thực hiện ở những mô hình đơn giản. Sau một thời gian
ngắn nở rộ trong khoảng bốn năm từ 2006 đến 2009 cùng sự xuất hiện của các
sàn vàng trong nước, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã bị yêu cầu
chấm dứt. Các giao dịch vàng tài khoản trong thời gian từ sau đó cho đến nay

bị coi là hành vi trái với quy định pháp luật.
1.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước
Thị trường vàng là nơi tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, hơn
nữa vàng với giá trị bền vững theo thời gian là vật bảo đảm không chỉ cho
người chủ sở hữu là các tổ chức, cá nhân mà còn là đối với cả nền kinh tế. Vì
vậy, thị trường vàng nhận được nhiều sự quan tâm với những mục tiêu đa
dạng. Theo chiều hướng ngược lại, những thay đổi của các yếu tố kể trên

16
cũng tác động trở lại đối với thị trường vàng. Đối với thị trường vàng Việt
Nam, các yếu tố tác động chủ yếu có thể kể đến bao gồm:
Một là, tác động của yếu tố cung – cầu về vàng trên thị trường. Có thể
coi đây là yếu tố có ảnh hưởng tới thị trường về mặt bản chất. Bởi lẽ, thị
trường vàng là nơi để kết nối các nhu cầu về vàng khác nhau trong nền kinh
tế. Mỗi một thay đổi từ phía cung và cầu đều có ảnh hưởng trực tiếp tới
những bộ phận cơ bản nhất của thị trường về giá cả, khối lượng giao dịch, cơ
cấu của thị trường. Nhu cầu vàng trên thị trường Việt Nam cũng bao gồm
những nhu cầu cơ bản như nhiều thị trường vàng khác trên thế giới: Nhu cầu
trang sức, nhu cầu tích lũy, nhu cầu sản xuất và nhu cầu đầu tư. Hơn nữa, Việt
Nam là một quốc gia theo truyền thống Á Đông, nơi rất coi trọng vàng trong
nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, những đặc điểm của một nền
kinh tế nhỏ bé, bước đầu hội nhập với kinh tế thế giới cũng góp phần làm tăng
thêm nhu cầu về vàng ở thị trường trong nước. Những nhu cầu ấy mặc dù có
thể bị giới hạn, hạn chế bởi những chính sách ngắn hạn của Chính phủ để phù
hợp với những chính sách vĩ mô ở từng giai đoạn. Nhưng những nhu cầu ấy
mới phản ánh và có tác động thực sự mạnh mẽ lên sự phát triển của thị trường
vàng Việt Nam. Những ví dụ về những đợt sóng đầu tư vào vàng và hoạt
động đầu tư trên các sàn vàng hiện nay bị coi là bất hợp pháp đã phần nào
phản ánh được nhu cầu lớn của thị trường vàng trong nước.
Ở phía còn lại của thị trường, yếu tố nguồn cung cũng đem lại những

ảnh hưởng không nhỏ. Là một thị trường có nhu cầu rất lớn, nhưng chưa bao
giờ Việt Nam được biết đến là quốc gia có sản lượng vàng phong phú. Nguồn
cung vàng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu. Vì vậy,
phía cung của thị trường vàng Việt Nam gắn bó với các định hướng của chính
sách nhập khẩu tới từ phía cơ quan quản lý. Lâu nay, chính sách này vẫn được
biết đến là nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước với công cụ hạn

17
ngạch nhập khẩu. Sự phụ thuộc ấy làm ảnh hưởng rất lớn tới một trong những
chức năng quan trọng của thị trường vàng là quyết định về giá cả của hàng
hóa của thị trường – giá vàng. Vô hình chung, khuyến khích một hành vi có
ảnh hưởng xấu ở những thời điểm giá thị trường xuống thấp là hành vi đầu cơ
của nhiều chủ thể trên thị trường.
Hai là, Chính sách quản lý của Nhà nước về thị trường vàng. Chính
sách quản lý của Nhà nước là một trong những yếu tố tác động quan trọng
nhất tới thị trường vàng trong nước. Mặc dù sự tồn tại của thị trường vàng là
một đòi hỏi khách quan của thực tiễn đời sống xã hội sinh động, nhưng cách
thức vận hành và mức độ tham gia của các chủ thể ở vào từng giai đoạn khác
nhau thường xuất phát từ lý do của những thay đổi về chính sách. Sự vận
động của thị trường vàng Việt Nam theo nghiên cứu của luận văn mặc dù chỉ
giới hạn trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm nhưng cũng đã chứng kiến
tới ba lần điều chỉnh chính sách lớn của Nhà nước. Trong giai đoạn đầu, khi
Chính phủ Việt Nam tạo ra những cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động giao
thương về vàng, là nhằm khơi thông dòng chảy của lượng vàng tích trữ trong
dân chúng đối với nền kinh tế. Ở vào giai đoạn thứ hai, theo xu hướng khuyến
khích khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi, mở rộng hoạt động kinh doanh trong
lĩnh vực tài chính, du nhập vào trong nước các loại hình đầu tư tài chính hiện
đại, sự đa dạng của các giao dịch về vàng bước đầu được cho phép, và sau đó
đã chứng kiến nhiều bất ổn với đời sống kinh tế xã hội do sự thiếu hụt của cơ
sở pháp lý điều chỉnh. Đến giai đoạn thứ ba, chính sách của Nhà nước được

điều chỉnh quản lý chặt chẽ, thu hẹp các giao dịch về vàng trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó là những chính sách bao trùm vẫn được duy trì trong suốt
khoảng thời gian hơn hai mươi năm qua. Có thể kể đến chính sách kiểm soát
chặt chẽ lưu lượng giữa thị trường vàng trong nước với phần còn lại của kinh
tế thế giới; hay chính sách chống vàng hóa nền kinh tế và nhiều chính sách

18
khác có liên quan. Những chính sách đó có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác
điều hành của cơ quan quản lý trong suốt thời gian qua. Có thể thấy, chính
sách của Nhà nước mà trong đó, công cụ pháp luật được sử dụng một cách
thường xuyên có tác động khá mạnh mẽ đến thị trường vàng. Tuy nhiên yếu
tố ấy cho dù có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đâu sẽ vẫn phải đáp ứng yêu cầu của
sự phù hợp với nền tảng phát triển kinh tế xã hội.
Không chỉ có chính sách liên quan trực tiếp tới thị trường vàng, những
chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ cũng có tầm ảnh
hưởng không hề nhỏ tới sự vận động của thị trường vàng trong nước. Trong
đó, liên quan mật thiết tới chính sách điều hành về tỉ giá giữa đồng Việt Nam
với ngoại tệ. Mối liên hệ giữa giá trị của đồng tiền Việt Nam, những đồng
ngoại tệ mạnh và vàng là mối quan hệ mang tính chất kinh tế - chính trị phức
tạp. Đòi hỏi hoạt động điều hành rất linh hoạt để cân bằng từ nhiều phía, góp
phần ổn định và phát triển kinh tế. Sở dĩ có thể nói chính sách tỉ giá ảnh
hưởng tới thị trường vàng cũng xuất phát từ việc thị trường vàng Việt Nam lệ
thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu. Để có thể được giao dịch ở thị trường trong
nước, có rất nhiều sự tác động đến từ chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm,
thuế nhập khẩu, phí hải quan vốn đặc trưng cho các hoạt động nhập khẩu.
Ngoài ra, tỉ giá – mà cụ thể là tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ
(VND/USD) – là một yếu tố thường xuyên biến động dựa trên quan hệ ngoại
thương và chính sách điều hành của Nhà nước. Khi tỉ giá này tăng, kéo theo
giá vàng trong nước sẽ tăng và ngược lại, khi tỉ giá giảm, giá vàng trong nước
cũng sẻ giảm theo tương ứng. Nói cách khác, chính sách về tỉ giá đã gián tiếp

tác động đến giá vàng của thị trường vàng trong nước.
Ba là chính sách tiền tệ quốc gia của Nhà nước. Được định nghĩa tại
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Chính sách tiền tệ quốc gia là các
quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,

×